Bản giao hưởng Pháp - Phần I - Chương 09-10

9

Gabriel Corte và Florence ở trong ô tô của họ từ đêm 11 đến sáng ngày 12 tháng Sáu. Họ tới đây vào quãng sáu giờ chiều và ở khách sạn chỉ còn hai phòng nhỏ áp mái. Gabriel đi qua cả hai căn phòng ấy với những bước chân sải dài giận dữ, ông hung hăng mở các cửa sổ ra, nghiêng người một lát trên thanh chấn được rọi sáng, rồi ông đứng thẳng dậy và nói bằng giọng cộc lốc:

- Tôi không ở đây đâu.

- Chúng tôi không có phòng nào khác nữa, thưa ông, tôi rất tiếc. Ông tính, với đám người tị nạn đông như vậy, chúng tôi còn phải cho người ta ngủ trên bàn bi-a cơ, - viên giám đốc nói, vẻ nhợt nhạt và mệt mỏi. - Đó chính là để làm vui lòng ông đấy!

- Tôi sẽ không ở đây, - Gabriel nhắc lại, dằn từng tiếng bằng một giọng đanh thép, giọng mà ông thường dùng vào cuối những cuộc thảo luận với các nhà xuất bản, lúc ông từ ngưỡng cửa thốt lên: “Trong những điều kiện như vậy, chúng ta sẽ không thể đồng ý với nhau được, thưa ông!” Khi ấy nhà xuất bản xuống nước và từ tám mươi bèn nâng lên đến một trăm nghìn franc.

Nhưng viên giám đốc chỉ lắc đầu buồn bã.

- Tôi chẳng có chỗ nào khác, chẳng có gì hết.

- Thế ông có biết tôi là ai không? - Gabriel hỏi, đột nhiên bình tĩnh một cách đáng ngại. - Tôi là Gabriel Corte và tôi báo cho ông biết là tôi thà ngủ trong ô tô của tôi còn hơn là ở trong cái bẫy chuột này.

- Ngay khi ông ra khỏi đây, thưa ông Corte, - viên giám đốc đáp với vẻ bị xúc phạm, - ông sẽ thấy cả chục gia đình ở ngoài hành lang quỳ xuống xin tôi cho thuê căn phòng này.

Corte phá lên cười một tràng dài rất kịch, lạnh lùng và khinh miệt.

- Chắc chắn tôi sẽ không tranh giành với họ đâu. Xin chào ông.

Chắc ông sẽ chẳng thú nhận với bất cứ ai, ngay cả với Florence đang đợi ông trong tiền sảnh, lý do vì sao ông đã từ chối căn phòng này. Khi đến gần cửa sổ ông đã nhìn thấy ở ngay sát cạnh khách sạn, trong bóng đêm nhạt nhòa của tháng Sáu, có một kho xăng và xa hơn một chút ông cảm thấy hình như có những chiếc xe tăng và ô tô liên thanh đỗ trên quảng trường.

“Chúng ta sẽ bị ném bom!” ông nghĩ và một cơn run rẩy xâm chiếm người ông, đột ngột và mạnh mẽ đến nỗi ông tự nhủ: “Mình ốm rồi, mình bị sốt.” Phải chăng đó là nỗi sợ? Gabriel Corte? Không, ông không thể sợ được! Thôi nào! Ông mỉm cười với vẻ coi thường và thương hại như thể ông đang trả lời một người đối thoại vô hình. Hẳn là ông không sợ rồi, nhưng khi ông nghiêng người ra thêm lần nữa, ông đã nhìn thấy cái vòm trời tối sẫm mà từ đó, vào bất cứ khoảnh khắc nào, cũng có thể trút xuống đầu ông lửa đạn và chết chóc, và cái cảm giác ghê sợ ấy lại tràn ngập người ông, thoạt tiên là những cơn run từ trong xương cốt, rồi sau đó là bủn rủn, nôn nao, thắt ruột như sắp ngất đi. Sợ hay không, có gì là quan trọng! Ông tránh xa nơi này ngay lập tức, với Florence và cô hầu phòng theo sau.

- Chúng ta sẽ ngủ trong ô tô, - ông nói, - một đêm sẽ qua nhanh thôi!

Về sau, ông nghĩ rằng lẽ ra họ có thể chọn một khách sạn khác, nhưng trong khi ông còn do dự thì đã quá muộn: chảy vô tận, trên con đường từ Paris tới, một dòng sông chậm chạp gồm ô tô, xe tải, xe ba gác, xe đạp, lẫn vào đó là những cỗ xe ngựa của các nông dân rời bỏ trang trại để đi về phía Nam, đem theo con cái và đàn gia súc. Đến nửa đêm, ở khắp vùng Orléans, không còn một căn phòng trống nào, không còn một cái giường nào. Người ta nằm ngủ dưới đất trong các quán cà phê, trên các đường phố, trong các nhà ga, đầu gối lên va li. Đường tắc nghẽn đến nỗi không thể ra khỏi thành phố được. Một số người nói rằng đường đã bị chắn lại để cho quân đội đi qua.

Không có tiếng ồn, đèn pha tắt ngấm, những chiếc ô tô lần lượt đi tới, lèn chặt đến nứt tung ra được, chất đầy hành lý và đồ đạc, xe đẩy trẻ con và lồng chim, các hòm xiểng và các giỏ đựng quần áo, ô tô nào cũng có một tấm đệm được buộc chặt trên nóc; chúng tạo thành đám liên kết lỏng lẻo và dường như chúng tiến lên mà không cần động cơ, bị kéo trôi đi bởi trọng tải của chính chúng dọc theo những con phố dốc cho tới tận quảng trường. Giờ đây chúng bít hết các lối ra; chúng bị ép vào nhau như cá trong lưới, và cũng giống như lũ cá, dường như chỉ cần quăng lưới một lần là có thể tóm gọn được chúng vào với nhau, quẳng chúng đến một bến bờ ghê rợn. Không thấy có tiếng khóc lóc, không thấy có tiếng kêu la, ngay cả lũ trẻ cũng im bặt. Tất cả đều yên lặng. Chốc chốc, một khuôn mặt lại hiện ra qua tấm cửa xe hạ thấp và nhìn trời dò xét hồi lâu. Từ đám người đông nghịt này nổi lên một tiếng rì rầm yếu ớt và trầm đục được tạo nên bởi những hơi thở tức nghẹn, những tiếng thở dài, những lời trao đổi khe khẽ như thể người ta sợ bị kẻ địch rình nghe trộm. Một số người cố ngủ, đầu chạm vào góc một chiếc va li, đôi chân đau nhức đặt lên chiếc ghế băng hẹp hoặc một bên má nóng áp vào cửa kính ô tô. Đám thanh niên và phụ nữ gọi nhau từ xe này sang xe kia, và đôi khi còn cười vui vẻ! Nhưng rồi một bóng đen thoáng qua trên bầu trời lấp lánh sao, tất cả trở nên chăm chú, tiếng cười im bặt. Đó không hẳn là sự lo lắng mà là một nỗi buồn kỳ lạ không còn chút gì thuộc về con người nữa, bởi nó không chứa đựng sự kiên cường hay niềm hy vọng, như lũ súc vật đang chờ chết. Như con cá mắc trong mắt lưới nhìn thấy bóng của người đánh cá lướt qua.

Máy bay đột ngột hiện ra phía trên đầu họ, họ nghe thấy tiếng động thấp thoáng và chói tai của nó, có lúc xa xăm, mất hút, rồi sau đó lại nổi lên trên hàng ngàn âm thanh của thành phố, làm ngưng lại những hơi thở hổn hển. Dòng sông, chiếc cầu sắt, những ray đường sắt, nhà ga, ống khói các nhà máy khẽ ánh lên, biết bao nhiêu “điểm chiến lược”, biết bao nhiêu mục tiêu mà quân địch nhắm tới. Biết bao nhiêu là hiểm họa đối với đám đông im lặng này! Những người lạc quan nói: “Tôi nghĩ đó là máy bay Pháp”. Máy bay Pháp hay máy bay địch, chẳng ai biết cả. Nhưng giờ thì nó đã biến mất. Đôi khi có một tiếng nổ từ xa vọng lại: “Không phải nhằm vào chỗ ta”, mọi người nghĩ và thở phào sung sướng: “Không phải nhằm vào chỗ ta, đó là nhằm vào chỗ khác. Ta thật may mắn!”

- Thật là một đêm kinh khủng! Thật là một đêm kinh khủng! -Florence rên rỉ.

Bằng một giọng chỉ thoáng nghe thấy được thoát ra như một tiếng rít từ cặp môi mím chặt, Gabriel ném vào mặt cô một câu nói như ném xương cho chó:

- TÔI đây cũng không ngủ, đúng không nào? Cô cứ làm như tôi ấy.

- Thế nhưng chúng ta đã có được một căn phòng! Chúng ta đã vô cùng may mắn khi có được một căn phòng!

- Cô gọi cái đó là vô cùng may mắn à? Cái căn áp mái gớm ghiếc bốc mùi rệp và mùi cống ấy à? Cô không nhận thấy là nó ở ngay trên khu bếp sao? Tôi mà lại ở trong cái căn phòng đó? Cô thấy tôi có thể ở đó được sao?

- Nhưng mà rốt cuộc, Gabriel, anh lại biến chuyện này thành vấn đề tự ái cá nhân rồi.

- A! Để cho tôi yên nào, được không? Tôi vẫn nghĩ thế mà, có những khía cạnh nho nhỏ, những... - ông lựa chọn từ, - những điều tế nhị mà cô không cảm thấy được.

- Tôi cảm thấy là tôi đang ê cả mông đây, - Florence kêu lên, đột nhiên quên bẵng đi mất năm năm vừa qua của đời mình, và bàn tay đầy nhẫn của cô vỗ bành bạch xuống đùi với vẻ mạnh mẽ thô kệch. - Ôi giời ơi! Tôi đã chán ngấy lên rồi!

Gabriel quay nhìn cô với gương mặt trắng bệch đi vì tức giận và đôi cánh mũi phập phồng.

- Xéo đi! Này, xéo đi! Tôi vứt cô ra ngoài đấy!

Đúng lúc ấy, một luồng sáng đột ngột và chói mắt rọi xuống quảng trường. Đó là một quả pháo sáng được phóng ra từ một chiếc máy bay. Câu nói ngưng lại trên môi Gabriel. Quả pháo tắt lịm đi nhưng bầu trời dường như dày đặc máy bay. Có thể nói chúng tà tà lượn đi lượn lại phía trên quảng trường. Mọi người làu bàu:

- Thế còn máy bay ta, máy bay ta đâu rồi?

Phía bên trái Corte có một chiếc ô tô nhỏ khốn khổ chở trên nóc xe, ngoài tấm đệm ra, một chiếc bàn phòng khách một chân, tròn, với những đường viền trang trí nặng nề và thô thiển bằng đồng. Trong xe có một người đàn ông đội mũ lưỡi trai và hai phụ nữ, một người ôm một đứa bé trong lòng và người kia giữ một cái lồng chim. Chắc chắn họ đã bị tai nạn lúc đi đường. Thùng xe bị xước, thanh giảm xóc bị đâm bẹp và người đàn bà to béo đang ôm chặt lồng chim trước ngực thì có cái đầu quấn băng.

Phía bên phải, Gabriel nhìn thấy một chiếc xe tải nhỏ chất đầy những chiếc sọt mà dân quê thường dùng để chở gà vịt vào những ngày hội chợ còn giờ đây lại đầy ắp quần áo cũ, và qua ô cửa của chiếc ô tô ngay cạnh xe mình Gabriel nhìn thấy một cô điếm già có mái tóc màu cam rối bù, cái trán thấp và rắn, đôi mắt kẻ vẽ. Cô ta vừa nhìn ông chằm chằm vừa nhai một mẩu bánh mì giòn. Ông rùng mình.

- Thật là xấu xí, - ông lẩm bẩm. - Thật là những bộ mặt gớm ghiếc!

Mệt mỏi, ông quay người vào góc ô tô và nhắm mắt lại.

- Em đói rồi, - Florence nói, - anh thì sao?

Ông ra hiệu là không.

Cô mở cái hòm nhỏ và lấy mấy miếng sandwich ra.

- Tối nay anh đã không ăn rồi. Thôi nào. Phải biết điều chứ.

- Tôi không thể ăn được, - ông nói. - Tôi nghĩ là tôi sẽ không thể nuốt nổi một miếng nữa. Cô có nhìn thấy mụ già xấu xí ở đằng kia với cái lồng chim và mảnh băng sũng máu của mụ ta không?

Florence lấy một miếng sandwich và chia những miếng khác cho cô hầu phòng và người lái xe. Gabriel lấy đôi bàn tay dài bịt tai lại để khỏi phải nghe tiếng nhai bánh mì lạo xạo của các gia nhân.

10

Gia đình Péricand đi đường đã được gần một tuần: họ đã gặp vận đen. Họ phải nán lại ở Gien hai ngày, vì xe bị hỏng. Trước đó, trong đám hỗn độn và hối hả không thể tưởng tượng được này, xe ô tô đã đâm phải chiếc xe tải nhỏ chở các gia nhân và hành lý. Chuyện đó xảy ra ở quãng gần Nevers. May cho gia đình Péricand, đây không phải là một xó tỉnh lẻ mà họ không thể tìm được một người bạn hay người bà con nào đó có nhà cửa rộng rãi, vườn tược đẹp đẽ và các ngăn tủ đầy ắp. Một người anh họ đằng Maltête-Lyonnais đã đón tiếp họ trong bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Nhưng sự hoảng loạn cứ tăng lên, lan từ thành phố này sang thành phố khác như một đám lửa. Người ta sửa chữa ô tô qua loa và gia đình Péricand lên đường. Đến trưa ngày thứ Bảy, thật không may khi thấy rõ là xe ô tô sẽ không thể đi xa hơn nếu không được kiểm tra và sửa chữa thêm. Gia đình Péricand dừng lại ở một thành phố nhỏ hơi xa đường quốc lộ một chút và họ hy vọng tìm được một căn phòng trống ở đây. Nhưng đường phố đã tắc nghẽn xe cộ đủ loại. Khắp không gian vang đầy những tiếng phanh xe hết cỡ nghiến ken két; quảng trường phía trước dòng sông giống như một khu cắm trại của dân du mục; những người đàn ông mệt nhoài ngủ trên nền đất, những người khác rửa ráy trên thảm cỏ. Một phụ nữ trẻ đã gắn một cái gương nhỏ vào một thân cây và đứng thoa phấn, chải đầu. Một cô khác đang giặt tã lót ở đài phun nước. Dân sở tại đi ra bậc cửa và chiêm ngưỡng cảnh tượng này với một vẻ sững sờ tột bậc.

“Những kẻ tội nghiệp! Cũng đáng để xem đấy chứ!” họ nói với vẻ thương hại và một cảm giác thỏa mãn che giấu: những người đi lánh nạn này đến từ Paris, từ phía Bắc, từ phía Tây, từ những tỉnh phải hứng chịu chiến tranh và đạo quân xâm lược. Còn họ, họ thật bình yên, ngày tháng cứ trôi qua, binh lính cứ chiến đấu, trong lúc đó thì ông hàng sắt ở phố lớn và cô hàng xén Dubois vẫn tiếp tục bán nồi niêu xoong chảo và những dải ruy băng, vẫn tiếp tục ăn xúp nóng trong bếp, vẫn tiếp tục tối tối đóng lại cánh cửa gỗ nhỏ ngăn cách mảnh vườn của họ với phần còn lại của thế giới.

Những chiếc ô tô đợi trời sáng để lấy xăng. Xăng đã không đủ rồi. Người ta hỏi thăm dân tị nạn về những tin tức mới. Họ chẳng biết gì hết. Một người nào đó tuyên bố rằng “ta đang chờ quân Đức trên núi Morvan”. Những lời nói này được đón nhận một cách hoài nghi.

“Ơ kìa, năm 14 bọn chúng có đi xa đến thế đâu,” ông dược sĩ to béo vừa nói vừa lắc đầu, và tất cả mọi người đều tán đồng, cứ như thể máu đổ ra hồi năm 14 đã tạo thành một bức lũy chắn thần bí ngăn chặn kẻ địch mãi mãi.

Những chiếc ô tô khác đi tới, rồi thêm những chiếc khác nữa.

“Trông họ có vẻ mệt mỏi quá chừng, nóng bức quá chừng!” người ta cứ nói như vậy nhưng không ai có ý định mở cửa nhà mình, mời một trong số những kẻ khốn khổ kia vào, cho họ vào một trong những thiên đường nhỏ rợp mát ấy, chỗ mà họ chỉ nhìn thấy thấp thoáng sau ngôi nhà, thiên đường nhỏ với một chiếc ghế băng dài bằng gỗ dưới bóng cây, với những cây lý chua và những bông hồng. Có quá nhiều người đi lánh nạn. Có quá nhiều gương mặt mệt mỏi, tái nhợt, đẫm mồ hôi, quá nhiều trẻ con khóc lóc, quá nhiều miệng người run rẩy hỏi: “Ông bà có biết liệu chúng tôi có thể tìm thuê được ở đâu một căn phòng? Một cái giường?”, “Bà có thể chỉ đường cho chúng tôi tới một tiệm ăn được không, thưa bà?”. Điều đó làm nhụt lòng từ thiện. Đám người đông nghịt khốn khổ ấy chẳng có gì giống với loài người; họ giống như một bầy thú đang tháo chạy; hết thảy họ đều mang một vẻ giống nhau đến kỳ cục. Quần áo họ nhàu nát, mặt mũi họ bơ phờ, giọng nói của họ khàn khàn, mọi thứ đều khiến họ trông từa tựa nhau. Tất cả mọi người đều có cùng một cử chỉ, cùng những lời nói. Ra khỏi ô tô, họ hơi chuệnh choạng như say rượu và họ đặt tay lên trán, lên hai bên thái dương đau nhức. Họ thở dài: “Trời ơi, chuyến đi khiếp quá!” Họ cười khẩy: “Trông chúng ta đẹp đẽ nhỉ?” Họ nói: “Hình như ở nơi ấy tình hình cũng có khá hơn đấy”, và chỉ về một điểm vô hình phía xa xa.

Bà Péricand đã cho đoàn người của mình dừng lại trong một quán cà phê nhỏ ở gần ga. Họ dỡ một giỏ đồ ăn ra. Họ gọi bia. Ở bàn bên cạnh, một cậu bé xinh trai ăn mặc rất lịch sự, nhưng lại có chiếc áo măng tô màu xanh lá cây hoàn toàn nhàu nhĩnh, đang ăn một lát bánh mì với vẻ bình thản. Trên chiếc ghế cạnh cậu có một bé con nằm trong cái giỏ đựng quần áo đang gào khóc. Bà Péricand, với con mắt thành thạo của mình, nhận ra ngay lập tức những đứa trẻ này là con nhà tử tế và có thể nói chuyện với chúng được. Bà bèn hỏi han cậu bé với vẻ thân thiện và nói chuyện với người mẹ khi chị ta đi đến; chị là người ở Reims; chị đưa mắt nhìn thèm thuồng những món đồ ăn bổ béo của lũ trẻ nhà Péricand.

- Con muốn có sô cô la thêm vào với bánh mì lắm mẹ ạ, - cậu bé mặc áo xanh lá cây nói.

- Con yêu tội nghiệp của mẹ, - người phụ nữ trẻ vừa nói vừa bế bé con đặt lên đùi để dỗ nó, - mẹ không có sô cô la, mẹ đã không có thời gian đi mua, con sẽ có một món tráng miệng thật ngon tối nay ở nhà ông bà.

- Tôi có thể mời chị vài miếng bánh quy được không?

- Ôi! Thưa bà! Bà tử tế quá!

- Có gì đâu mà...

Họ nói bằng một giọng vui vẻ nhất, niềm nở nhất, với những cử chỉ và nụ cười mà họ có thể có vào những lúc bình thường để chấp nhận hay từ chối một miếng bánh nhỏ hay một chén trà. Trong lúc đó bé con khóc rống lên; những người đi lánh nạn nối nhau bước vào tiệm cà phê cùng với con cái, hành lý và lũ chó của họ. Một con chó đánh hơi thấy mùi của chú mèo Albert đang nằm trong giỏ và nó bèn vội vã xông tới hân hoan sủa dưới gầm bàn của gia đình Péricand, nơi chú bé áo xanh đang gặm bánh quy với vẻ tỉnh bơ.

- Jacqueline, trong túi con có kẹo mạch đấy, - bà Péricand nói với một cái khoát tay kín đáo và cái nhìn có ý bảo “con đã biết rõ là phải san sẻ với những người không có gì và phải giúp đỡ lẫn nhau trong cơn hoạn nạn. Đây là lúc để thực hành những điều mà con đã học được ở giáo lý Cơ Đốc”.

Bà có cảm giác thỏa mãn khi tự thấy mình vừa cực kỳ giàu có về mọi mặt lại vừa tử tế đến thế! Điều đó chứng tỏ bà nhìn xa trông rộng và có trái tim nhân hậu. Bà đem kẹo mạch mời không chỉ riêng cậu bé mà còn cả một gia đình người Bỉ đến đây trong một chiếc xe tải nhỏ chất đầy lồng gà. Bà cho lũ trẻ thêm những chiếc bánh trộn nho khô loại nhỏ. Bà bảo mang nước sôi đến và pha cho cụ Péricand một cốc trà thảo mộc loãng. Hubert đã đi để thử tìm thuê phòng. Bà Péricand ra ngoài. Bà hỏi đường; bà đi tìm nhà thờ ở trung tâm thành phố. Các gia đình nghỉ tạm trên các vỉa hè và các bậc thềm rộng bằng đá.

Nhà thờ màu trắng, mới tinh; còn tỏa mùi vôi mới. Bên trong nhà thờ là một cuộc sống hai mặt, một nếp sống hàng ngày đơn điệu và một cuộc sống khác náo nhiệt và lạ lùng. Ở một góc, một nữ tu sĩ đang thay hoa dưới chân Đức Mẹ Đồng trinh. Không vội vã, với một nụ cười dịu dàng bình thản, cô cắt những cành héo và bó những bông hồng tươi thành những bó hoa to. Có thể nghe thấy tiếng kéo lách cách và tiếng bước chân thong dong của cô trên những ô đá lát. Rồi cô gạt tàn ở các ngọn nến. Một ông linh mục già đi về phía phòng xưng tội. Một bà già ngủ trên ghế, chuỗi tràng hạt trên tay. có rất nhiều nến thắp trước tượng Jeanne d’Arc. Dưới toàn bộ nguồn sáng ấy, trong sắc trắng lóa mắt của những bức tường, tất cả những đốm lửa nhỏ ấy nhảy múa, nhợt nhạt và trong suốt. Trên một phiến đá cẩm thạch giữa hai ô cửa sổ ánh lên những dòng chữ vàng ghi tên những người chết năm 14.

Tuy nhiên một đám đông đang lớn dần lên ào đến xô vào những bức tường của nhà thờ như một đợt sóng. Những người đàn bà, những đứa trẻ đến để cám ơn Chúa vì họ đã tới được đây hoặc để cầu xin Chúa về đoạn tiếp theo của cuộc hành trình; một vài người khóc lóc, nhiều người khác bị thương, đầu quấn vải hoặc một tay bị băng bó. Tất cả các gương mặt đều hằn lên những vết đỏ, quần áo nhàu nát, rách rưới và bẩn thỉu như thể họ đã mặc nguyên quần áo và ngủ như thế trong nhiều đêm. Trên một số gương mặt tái nhợt, xám lại vì bụi bặm, những giọt mồ hôi to tướng tuôn chảy như nước mắt. Những người đàn bà xông vào một cách hung hăng, họ lao bổ vào nhà thờ như lao vào một nơi ẩn náu bất khả xâm phạm. Họ bị kích động cao độ, họ sôi sục đến mức không thể nào đứng yên được. Họ chuyển từ ghế cầu kinh này sang ghế cầu kinh khác, họ quỳ xuống, đứng lên, một vài người va phải ghế với vẻ sợ sệt và hoảng hốt như lũ chim đêm rơi vào một căn phòng đầy ánh sáng. Nhưng dần dần họ trấn tĩnh lại, họ úp mặt vào đôi bàn tay và trước cây thánh giá lớn bằng gỗ màu đen, cuối cùng, kiệt sức và cạn nước mắt, họ cũng tìm được sự bình yên.

Cầu nguyện xong, bà Péricand ra khỏi nhà thờ. Ra đến ngoài bà muốn bổ sung thêm lượng bánh quy khô dự trữ đã bị hao hụt nghiêm trọng bởi tính hào phóng của bà. Bà bước vào một cửa hàng lớn bán thực phẩm khô.

- Chúng tôi chẳng còn gì hết, thưa bà, - cô bán hàng nói.

- Thế nào? Không có bánh quy bơ, không có bánh mì trộn gia vị, không có gì cả à?

- Không có gì hết, thưa bà. Tất cả đã bán sạch rồi.

- Cho tôi nửa cân chè đi, chè Ceylan, được không?

- Chẳng có gì hết ạ, thưa bà.

Bà Péricand được chỉ dẫn tới các cửa hàng thực phẩm khác, nhưng ở chỗ nào bà cũng chẳng mua được gì cả. Những người đi lánh nạn đã tàn phá thành phố. Đến gần quán cà phê, Hubert gặp bà. Cậu không tìm được phòng.

Bà thốt lên:

- Chẳng có gì để ăn cả, các cửa hàng đều trống rỗng!

- Về phần con, - Hubert nói, - con đã phát hiện được hai cửa hàng đầy hàng hóa.

- A! Thật à? Ở đâu vậy?

Hubert cười hết sức vui vẻ.

- Một cửa hàng thì bán đàn dương cầm và cái kia thì bán đồ tang lễ!

- Con thật là ngốc nghếch, thằng bé tội nghiệp của mẹ, - bà mẹ nói.

- Con nghĩ cứ theo chiều hướng diễn biến như thế này, - Hubert nhận xét, - thì vòng hoa tang gắn cườm cũng sẽ đắt hàng lắm đấy. Chúng ta có thể tích trữ thứ đồ, mẹ có nghĩ vậy không hả mẹ?

Bà Péricand chỉ nhún vai. Ở ngưỡng cửa quán cà phê, bà thấy Jacqueline và Bernard. Trong tay chúng đầy sô cô la và kẹo mạch và chúng đang phân phát những thứ này cho mọi người xung quanh. Bà Péricand nhảy xổ vào.

- Các con có đi vào đi không? Các con làm gì ở đây thế này? Mẹ cấm các con đụng vào đồ ăn dự trữ. Jacqueline, con sẽ bị phạt. Bernard, bố sẽ biết đấy, - bà vừa nói vừa dùng tay kéo hai kẻ tội phạm đang sửng sốt, nhưng đứng trơ như đá. Lòng từ thiện Công giáo, lòng khoan dung của các thế kỷ văn minh rơi tuột khỏi bà như những đồ trang sức phù phiếm, để lộ ra tâm hồn khô cằn và trơ trụi của bà. Các con của bà và bà, họ đơn độc trong một thế giới thù địch. Bà phải có thức ăn chốn ở cho các con mình. Những thứ còn lại không quan trọng nữa.