Bản giao hưởng Pháp - Phần I - Chương 19

19

Làng xóm đang đợi quân Đức đến. Một số người, với ý nghĩ rằng lần đầu tiên họ sẽ nhìn thấy những kẻ đã chiến thắng mình, cảm thấy một nỗi hổ thẹn tuyệt vọng, những người khác thì lo sợ, nhưng nhiều người lại chỉ cảm thấy một sự tò mò kinh hãi như khi nghe thông báo về một cảnh tượng lạ lùng và mới mẻ. Ngày hôm trước, các công chức, hiến binh, nhân viên bưu điện đã nhận được lệnh ra đi. Ông xã trưởng ở lại. Đó là một ông nông dân già bị bệnh gút và bình thản chẳng có gì khiến xúc động được nữa. Làng mà không có người đứng đấu thì sự thể cũng chẳng tồi hơn! Vào buổi trưa, trong phòng ăn ồn ào, nơi Arlette Corail đang kết thúc bữa ăn trưa, những người đi đường mang đến tin đình chiến. Đám đàn bà òa lên khóc. Người ta nói rằng tình hình rối ren, ở một số nơi binh lính vẫn còn kháng cự, có các thường dân đến nhập vào với họ; người ta hùa vào với nhau để chê trách họ, hỏng cả rồi, còn có cách gì nữa ngoài chịu thua đâu. Tất cả nói cùng một lúc. Không khí không thở nổi. Arlette đẩy cái đĩa của mình và đi ra mảnh vườn nhỏ của khách sạn. Cô đem theo thuốc lá, một chiếc ghế vải xếp, một quyển sách. Rồi Paris một tuần trước đó trong trạng thái hoảng loạn gần như điên rồ, cô đã trở nên cực kỳ lạnh lùng và bình tĩnh, sau khi đã trải qua những nguy hiểm không thể phủ nhận được; thêm nữa, cô đã có được niềm tin chắc chắn rằng cô sẽ xoay xở trót lọt được ở mọi lúc mọi nơi và cô đã được phú cho một tài năng thực sự để ở mọi tình huống đều tự kiếm được cho mình sự thoải mái và tiện nghi tối đa. Sự linh hoạt ấy, sự tỉnh táo ấy, sự dửng dưng ấy là những phẩm chất đã trợ giúp cô rất nhiều trong nghề nghiệp và cuộc sống tình cảm, nhưng đến lúc này, cô mới thấy những phẩm chất ấy cũng trợ giúp cô trong đời sống hàng ngày hay trong những hoàn cảnh đặc biệt.

Giờ đây khi nghĩ đến chuyện mình đã từng van xin Corbin che chở, cô lại mỉm cười thương hại. Bọn họ đến Tours vừa đúng lúc có trận bom; chiếc va li của Corbin, trong đó có những đồ đạc cá nhân của ông ta và các giấy tờ của nhà băng, đã bị vùi dưới đống đổ nát, trong khi cô thì thoát ra khỏi tai họa mà chẳng mất lấy một cái mùi soa nào, một hộp phấn nào, một đôi giày nào. Cô đã thấy Corbin biến đổi đi vì sợ hãi và cô thích thú nghĩ rằng cô sẽ thường xuyên nhắc cho ông ta nhớ lại cái khoảnh khắc này. Về sau, cô nhớ lại hàm răng ông ta chảy xệ xuống như hàm người chết; nhìn mà muốn buộc một dải băng để đỡ cằm cho ông ta. Thật thảm hại! Để ông ta ở lại Tours trong sự hỗn độn và nhốn nháo khủng khiếp của thành phố, cô lấy ô tô, kiếm xăng và ra đi. Đã hai ngày rồi cô ở cái làng này, nơi cô được ăn tốt, ngủ tốt, trong khi một đám đông thảm thương thì phải trú tạm trong các kho thóc và trên quảng trường. Thậm chí cô còn tự cho mình được hưởng cái thú xa xỉ là làm từ thiện bằng cách nhường phòng của mình cho cái cậu bé ngoan ngoãn kia, cái cậu Péricand ấy... Péricand? Đó là một gia đình tư sản, tẻ nhạt, đáng kính, rất giàu và có những mối quan hệ nổi bật trong giới chức trách, giới của những người ngấp nghé chức bộ trưởng và trong giới công nghiệp cao cấp nhờ quan hệ thông gia của họ với dòng họ Maltête, những người ở Lyon ấy... Những mối quan hệ... Cô khẽ buông một tiếng thở dài bực bội khi nghĩ đến tất cả những thứ mà từ nay cô sẽ phải xem xét lại trong những ý niệm loại này và nghĩ đến toàn bộ nỗi vất vả mà cô phải chuốc vào mình trước đây ít lâu để quyến rũ Gérard Salomon-Worms, ông em vợ của bá tước De Furières. Một cuộc chinh phục thật vô ích và đã tốn nhiều công sức và thời gian.

Khẽ cau mày lại, Arlette nhìn các móng tay của mình. Cảnh mười chiếc gương nhỏ lấp lánh dường như đưa cô đến những suy luận trừu tượng. Những người tình của cô biết rằng một khi cô ngắm nghía đôi bàn tay mình với vẻ suy nghĩ và ác ý như thế, rốt cuộc cô sẽ bày tỏ quan điểm của mình về những thứ như là chính trị, nghệ thuật, văn học và thời trang, và quan điểm của cô thường là sắc sảo và chính xác. Trong thoáng chốc, tại mảnh vườn nhỏ đầy hoa ấy, giữa lúc xung quanh cô lũ ong đang hút mật ở một bụi hoa chuông màu tía, cô vũ nữ hình dung tương lai. Cô đi đến kết luận rằng đối với cô sẽ chẳng có gì thay đổi. Tài sản của cô là các món đồ nữ trang - giá trị của chúng chỉ có thể tăng thêm mà thôi - và đất đai - cô đã mua được vài món hời ở miền Nam, hồi trước chiến tranh. Vả chăng tất cả những thứ đó chỉ là phụ. Tài sản chính của cô là đôi chân của cô, vóc người của cô, đầu óc thủ đoạn của cô, và những thứ này thì chỉ bị đe dọa bởi thời gian thôi. Đó cũng lại là cái dở.. Cô nhớ đến tuổi tác của mình và ngay lập tức, như người ta chạm vào một lá bùa để xua đuổi rủi ro, cô lấy cái gương từ túi ra, chăm chú ngắm khuôn mặt mình. Một ý nghĩ khó chịu lướt qua trong đầu cô: cô thường dùng một thứ phấn Mỹ, không thay thế được. Chắc cô sẽ không thể dễ dàng kiếm được nó từ giờ cho đến vài tuần nữa. Điều này khiến tấm trạng cô u ám. Mặc xác! Mặc xác! Mọi thứ sẽ thay đổi bề ngoài còn bản chất thì bất biến! Sẽ có những người giàu mới và ngay sau mọi thảm họa, người ta lại sẵn sàng mua với giá rất đắt những thú vui của mình bởi vì tiền của họ kiếm được không vất vả gì và tình yêu cũng thế. Nhưng, trời ạ, chỉ mong sao tất cả những biến động này yên đi càng nhanh càng tốt! Để cho một lối sống mới, bất kể thế nào, được thiết lập; tất cả những chuyện ấy, cuộc chiến tranh ấy, những cuộc cách mạng ấy, những sự xáo trộn ấy của lịch sử, có thể khiến những người đàn ông bị kích động, nhưng đàn bà thì... Ồ! Những người đàn bà chỉ cảm thấy buồn phiền. Cô tin chắc rằng tất cả đàn bà đều nghĩ về điều đó giống cô, buồn tẻ đến phát khóc lên, buồn tẻ đến phải ngáp dài là tất cả những lời đao to búa lớn ấy và những tình cảm cao quý ấy! Đàn ông thì... không biết được, không thể nói được... ở những khía cạnh nào đó thì những con người đơn giản này thật khó hiểu, nhưng đàn bà thì đã miễn dịch chí ít trong vòng năm mươi năm nữa đối với tất cả những gì không phải là cuộc sống hàng ngày, không phải là cái thiết thực... Cô ngước mắt và thấy bà chủ của cái khách sạn nhỏ này đang nhìn gì đó, người nghiêng ra ngoài cửa sổ.

- Có chuyện gì thế, bà Goulot? - cô hỏi.

Bà ta trả lời bằng một giọng trịnh trọng và run rẩy:

- Cô ơi, bọn chúng đấy... bọn chúng đang đến...

- Bọn Đức ấy à?

- Vâng.

Cô vũ nữ làm một cử động định đứng dậy và đi ra hàng rào, từ chỗ đó có thể nhìn thấy đường phố, nhưng cô sợ trong lúc cô vắng mặt thì ai đó sẽ chiếm mất cái ghế bạt và chỗ ngồi dưới bóng mát của cô và cô bèn ở lại.

Chưa phải là bọn Đức đang đến mà mới chỉ là MỘT gã người Đức: người đầu tiên. Cả làng, sau những cánh cửa ra vào đóng kín, qua những khe cửa chớp khép hờ hay từ ô cửa sổ nhỏ của một căn gác xép áp mái, nhìn gã đi đến. Gã dừng xe mô tô lại trên quảng trường vắng ngắt; hai tay gã đeo găng; gã mặc quân phục màu xanh lục, đội một chiếc mũ mà dưới vành lưỡi trai của nó, khi gã ngẩng đầu lên, người ta nhận thấy một khuôn mặt hồng hào, gầy guộc, gần như trẻ con. “Hắn trẻ quá!” đám đàn bà thì thầm. Tuy không nhận thức rõ, nhưng họ đã chuẩn bị để nhìn thấy một thứ Ngày Tận Thế nào đó, một con quỷ kỳ lạ và khủng khiếp nào đó. Gã nhìn xung quanh và tìm kiếm ai đó. Thế là ông chủ hiệu thuốc lá, người đã từng tham gia cuộc chiến tranh năm 14 và đeo huân chương chiến tranh cùng huy chương quân đội ở mặt trong chiếc áo vest cũ màu xám của mình, đi ra khỏi cửa hiệu và tiến về phía kẻ địch. Trong một khoảnh khắc, hai người đứng yên, mặt đối mặt, không nói năng gì. Rồi gã Đức giơ điếu thuốc ra và xin lửa bằng một thứ tiếng Pháp tồi. Ông chủ hiệu thuốc lá trả lời bằng một thứ tiếng Đức tồi vì ông đã từng tham gia cuộc chiếm đóng hồi năm 18, tại Mayence. Không khí im lặng đến mức (cả làng nín thở) người ta nghe thấy từng lời một của họ. Gã Đức hỏi đường. Ông Pháp trả lời, rồi đánh bạo hỏi:

- Có phải đã ký kết đình chiến rồi không?

Gã Đức dang tay.

- Chúng tôi vẫn chưa biết. Chúng tôi hy vọng thế, - gã nói.

Và âm thanh rất con người của câu nói ấy, cái cử chỉ ấy, tất cả những thứ ấy chứng minh rõ mồn một rằng họ đang tiếp xúc không phải là với một con quỷ khát máu mà là với một người lính như những người lính khác, điều đó đột nhiên phá vỡ tảng băng giữa dân làng và kẻ địch, giữa người nông dân và kẻ xâm lăng.

- Hắn không có vẻ độc ác nhỉ, - đám đàn bà thì thầm.

Gã đưa tay lên mũ, nhưng không cứng nhắc, đồng thời mỉm cười, với một cử chỉ lưỡng lự, dở dang, không hẳn là một lối chào nhà binh và cũng chẳng phải là kiểu chào của một thường dân khi từ biệt một người khác. Gã ném ánh mắt thoáng qua tò mò về phía những ô cửa sổ đóng kín. Mô tô khởi động và mất hút. Những cánh cửa liền nối nhau mở ra, cả làng đi ra quảng trường và vây quanh ông chủ hiệu thuốc lá, ông này đứng lặng, tay đút túi quần, lông mày cau lại, mắt nhìn xa xăm. Gương mặt ông lộ rõ những nét mâu thuẫn: nhẹ nhõm vì mọi thứ đã kết thúc, buồn bã và tức giận vì mọi thứ đã kết thúc theo cách này, những kỷ niệm về quá khứ, nỗi lo sợ về tương lai; tất cả những tình cảm ấy dường như cũng được phản ánh trên nét mặt của những nguời khác. Phụ nữ thì lau những đôi mắt đẫm lệ; đàn ông thì lặng lẽ giữ nguyên vẻ bướng bỉnh và cứng rắn. Lũ trẻ, sau một lát lãng khỏi những trò chơi, lại trở về với những viên bi và trò nhảy lò cò của chúng. Bầu trời rực lên một thứ ánh sáng rạng rỡ và ánh bạc; như thường xảy ra vào giũa một ngày rất đẹp trời, một làn hơi nước khó nhận thấy, nhẹ nhàng và lấp lánh ngũ sắc, lơ lửng trong không khí và tất cả những sắc màu tươi mát của tháng Sáu được trau chuốt bởi làn hơi nước đó, dường như phong phú hơn và dịu nhẹ hơn giống như những sắc màu mà ta nhìn thấy qua lăng kính của nước.

Hàng giờ trôi qua yên ả. Ô tô trên đường ít hơn. Những chiếc xe đạp vẫn lao vun vút như bị cuốn đi bởi cơn gió cuồng nộ đã thổi một tuần nay từ phía Tây-Bắc tới và kéo theo với nó những con người khốn khổ này. Một lát sau - cảnh tượng gây sửng sốt - một vài chiếc ô tô xuất hiện ở phía ngược lại với hướng đi của chúng từ tám ngày nay; chúng đang quay trở về phía Paris. Nhìn thấy cảnh ấy, người ta thực sự tin rằng mọi thứ đã kết thúc. Ai nấy trở về nhà mình. Lại nghe thấy tiếng lách cách của bát đĩa mà các bà nội trợ đang rửa trong bếp, tiếng bước chân nhẹ nhàng của một bà già bé nhỏ mang cỏ đến cho lũ thỏ, và có cả tiếng hát của một bé gái đang bơm nước. Lũ chó ẩu chiến, lăn trong đất bụi.

Đang là buổi tối, một hoàng hôn tuyệt đẹp, một thứ không khí trong suốt, một màn tối màu lam, một làn ánh sáng cuối cùng của mặt trời đang lặn vuốt ve những bông hồng và tiếng chuông nhà thờ gọi các tín đồ đi cầu nguyện, thì ngoài đường xuất hiện và vang dần lên một thứ tiếng ồn không giống như âm thanh những ngày vừa qua, trầm đục, chắc chắn, tiếng gầm ấy dường như cứ từ từ tiến đến, nặng nề và không lay chuyển được. Những chiếc xe tải đang lăn bánh về hướng làng. Lần này, đúng là bọn Đức đang đến. Khi các xe tải dừng lại ở quảng trường, những người trên xe đi xuống; những xe tải khác đi tới phía sau những chiếc đầu tiên, rồi những xe khác, rồi còn những xe khác nữa. Trong chốc lát, toàn bộ cái quảng trường cũ kỹ xám xịt từ phía nhà thờ cho đến trụ sở xã, chỉ còn là một khối bất động và tối tăm của những cỗ xe màu thép mà trên đó người ta vẫn nhận thấy được một vài cành cây héo, vết tích của việc ngụy trang.

Nhiều người quá! Người ta lại đi ra ngưỡng cửa nhà mình, lặng lẽ, chăm chú, nhìn bọn chúng, nghe bọn chúng, thử đếm cái đám người ấy mà chẳng ăn thua. Quân Đức hiện ra từ khắp mọi nơi, tràn ngập các quảng trường và đường phố, liên tục có những đợt khác bất ngờ đến thêm. Ngôi làng, kể từ hồi tháng Chín, đã mất đi thói quen nghe thấy những tiếng bước chân, những tiếng cười, những giọng nói trẻ trung. Nó choáng váng, sửng sốt bởi tiếng ầm ì dâng lên từ cái làn sóng quân phục xanh ấy, bởi cái mùi người lành mạnh ấy, một mùi thịt tươi mát, và trước hết bởi những âm thanh của cái thứ tiếng ngoại quốc ấy. Quân Đức tràn vào các ngôi nhà, các cửa hàng, các tiệm cà phê. Tiếng giày của chúng vang lên trên các ô gạch đỏ của các căn bếp. Chúng yêu cầu cho ăn, cho uống. Chúng vuốt ve những đứa trẻ khi đi ngang qua. Chúng khoa chân múa tay, chúng hát, chúng cười với đám phụ nữ. Vẻ sung sướng của chúng, cơn cuồng say của chúng ở vị trí kẻ đi chinh phục, sự náo nhiệt của chúng, sự điên rồ của chúng, niềm hạnh phúc cực độ của chúng pha lẫn với một thứ hoài nghi, như thể chính chúng cũng chẳng tin mấy vào cuộc phiêu lưu của mình, tất cả những thứ đó diễn ra một cách căng thẳng và run rẩy đến nỗi những người bại trận quên mất trong giây lát nỗi đau buồn và mối hận thù của họ. Miệng há hốc, họ nhìn.

Trong cái khách sạn nhỏ, ở phía dưới căn phòng nơi Hubert vẫn đang ngủ, gian nhà vang lên những tiếng hò hét và tiếng hát. Vừa đến bọn Đức đã đòi sâm banh (Sekt! Nahrung) và những nút chai bật lên trên tay chúng. Một vài kẻ chơi bi-a, những bọn khác vào bếp mang theo hàng đống thịt sống, đỏ hồng, mà chúng ném vào lửa và thịt vừa kêu lách tách vừa tỏa ra một làn khói dày đặc. Binh lính mang từ dưới tầng hầm lên những lon bia, sốt ruột gạt cô hầu bàn đang muốn giúp đỡ chúng ra; một gã trai trẻ có bộ mặt hồng hào, mái tóc vàng óng, đích thân đập trứng ở một góc bếp lò, một gã khác, ở ngoài vườn, đang bứt những quả dâu đầu mùa. Hai gã trai cởi trần nhúng đầu vào những xô nước lạnh lấy từ giếng lên. Chúng thỏa thuê hưởng thụ, chúng ngốn ngấu tất cả mọi thứ ngon lành của trái đất; chúng đã thoát chết, chúng trẻ trung, sống động, chúng là kẻ chiến thắng! Chúng biểu lộ niềm vui điên cuồng của mình bằng những câu nói vội vã, liến thoắng, bằng một thứ tiếng Pháp tồi chúng nói chuyện với tất cả những ai muốn nghe chúng, chúng chỉ vào giày của mình, nói đi nói lại “chúng tôi đi, đi, đồng đội ngã và vẫn đi”... Tiếng lách cách của súng ống, của thắt lưng, của mũ vang lên từ gian phòng. Trong cơn mê, Hubert vẫn ý thức được những âm thanh ấy, lẫn lộn nó với những ký ức của ngày hôm trước, thấy lại trận cánh trên cầu Moulins. Cậu cựa quậy và thở dài; cậu đẩy một người vô hình nào đó ra; cậu rên rỉ và khổ sở. Cuối cùng cậu tỉnh dậy trong cái căn phòng lạ lẫm ấy. Cậu đã ngủ suốt cả ngày. Giờ đây qua cánh cửa sổ để mở, có thể thấy mặt trăng tròn đầy đang tỏa sáng. Hubert phác một cử chỉ ngạc nhiên, dụi mắt và thấy cô vũ nữ đã vào phòng trong lúc cậu đang ngủ.

Cậu ấp úng cám ơn và xin lỗi.

- Bây giờ chắc là anh đói rồi nhỉ? - cô hỏi.

Phải, đúng vậy, cậu đang đói đến chết đi được.

- Nhưng có lẽ ăn tối ở phòng tôi thì tốt hơn, anh biết không? Phía dưới thì không thể chịu được đâu, đầy binh lính.

- Ồ! Binh lính à! - cậu vừa nói vừa lao ra cửa. - Họ bảo thế nào? Tình hình có khá hơn không? Bọn Đức đang ở đâu?

- Bọn Đức ấy à? Nhưng chúng ở đây đấy thôi. Đó là lính Đức đấy.

Cậu đột ngột né người ra xa cô bằng một cử chỉ bất ngờ và hoảng sợ, như một con thú bị truy đuổi nhảy vọt đi.

- Bọn Đức? Không, không, bà nói đùa à?

Cậu tìm một từ khác mà không được và lặp lại bằng một giọng trầm và run rẩy: “Bà nói đùa à?”

Cô mở cánh cửa ra vào; khi ấy từ dưới gian phòng dâng lên, cùng với một làn khói dày đặc và khét lẹt, cái tiếng ồn ào không thể quên được của một đoàn quân thắng trận: tiếng hò hét, tiếng cười, tiếng hát, tiếng giày nện và tiếng va đập của những khẩu súng lục nặng nề bị quẳng lên trên những chiếc bàn đá, và tiếng mũ đập vào mảnh kim loại ở thắt lưng, và cái tiếng ầm ì vui vẻ ấy phát ra từ một đám đông sung sướng, náo nhiệt, cuồng say vì cuộc chinh phục của mình, “giống như đội chiến thắng trong trò rugby,” Hubert nghĩ. Cậu kìm giữ một cách khó khăn những câu chửi rủa và những giọt nước mắt. Cậu nhảy bổ về phía cửa sổ, nhìn ra ngoài. Đường phố giờ đây bắt đầu vắng vẻ, nhưng có bốn người đi sóng hàng và đấm vào cửa các ngôi nhà trên đường đi qua; họ thét: “Ánh sáng, tắt đi hết!”, và nối nhau, thuần phục, những ánh đèn biến mất. Chỉ còn lại ánh trăng sáng đang giành giật từ những chiếc mũ và những nòng súng xám xịt ra một thứ lửa âm ỉ màu lam. Hubert lấy hai bàn tay túm lấy tấm rèm cửa, lẩy bẩy áp sát vào miệng mình và òa lên khóc.

- Bình tĩnh nào, bình tĩnh nào, - người đàn bà nói, và cô xoa vai cậu với đôi chút thương hại. - Chúng ta chẳng thể làm gì được, đúng không? Chúng ta có thể làm gì được cơ chứ? Tất cả nước mắt trên đời cũng chẳng thay đổi được gì. Rồi sẽ có những ngày tốt đẹp hơn. Cần phải sống để nhìn thấy những ngày ấy, trước hết là cần phải sống... phải tồn tại... Nhưng cậu đã hành xử dũng cảm... giá mà tất cả mọi người đều dũng cảm như thế... mà cậu thì thật là trẻ! Gần như là một đứa trẻ con...

Cậu lắc đầu.

- Không phải à? - cô nói nhỏ hơn. - Là một người đàn ông ư?

Cô im bặt. Những ngón tay cô hơi run run và móng tay cô co lại trên cánh tay của chàng trai như thể cô đang chiếm đoạt một con mồi tươi nào đó và vần vò nó trước khi đưa vào hàm răng của mình và thỏa mãn cơn đói. Cô nói rất nhỏ, bằng một giọng lạc đi:

- Không nên khóc. Trẻ con mới khóc. Anh à một người đàn ông, một người đàn ông khi bất hạnh thì biết cái mà mình có thể tìm được...

Cô đợi một câu trả lời mà không thấy. Cậu hạ mi mắt xuống, cái miệng mím lại và đau đớn, nhưng mũi cậu nhăn lại và cánh mũi run rẩy. Khi ấy cô bèn nói bằng một giọng yếu ớt:

- Tình yêu...