Bản giao hưởng Pháp - Phần I - Chương 20-21

20

Trong căn phòng nơi lũ trẻ nhà Péricand đang ngủ, con mèo Albert đã dọn được chỗ nằm cho nó. Thoạt đầu nó trèo lên trên tấm vải hoa phủ giường phía dưới chân Jacqueline, bắt đầu vần vò và cắn nhẹ vào mảnh vải cretonne tỏa mùi hồ và trái cây, nhưng vú em đã xuất hiện và đuổi nó đi. Ba lần liền, ngay khi bà vú vừa quay lưng đi, nó liền trở lại chỗ của mình bằng một cú nhảy lặng lẽ và với vẻ duyên dáng nhẹ nhàng, nhưng cuối cùng nó đành phải thôi tranh đấu và nằm phía dưới cái váy ngủ của Jacqueline trong một chiếc ghế bành. Trong phòng tất cả đều đang ngủ. Lũ trẻ ngủ yên lặng còn vú em thì ngủ thiếp đi trong lúc lần tràng hạt đọc kinh. Con mèo, bất động, một mắt chăm chú và xanh lè nhìn về chuỗi tràng hạt lấp lánh dưới ánh trăng; mắt kia thì nhắm lại. Tấm thân của nó ẩn dưới cái váy ngủ bằng vải flanelle màu hồng. Dần dần, hết sức nhẹ nhàng, nó thò một chân ra, rồi đến chân khác, duỗi dài hai chân này ra và cảm nhận chúng run run từ khớp xương phía trên, một cái lò xo bằng thép ẩn giấu dưới một bộ lông mềm mại và nóng ấm đến tận những chiếc móng vuốt cứng và trong suốt. Nó lấy đà, nhảy lên giường vú em và nhìn bà hồi lâu không nhúc nhích; chỉ có mỏm đầu bộ ria mỏng của nó là rung rung. Nó giơ chân ra và nghịch những hạt trong chuỗi, lúc đầu nó chỉ khẽ rung hạt, rồi nó đâm ra thích thú với cái cảm giác trơn và mát khi chạm tới những hình cầu tí tẹo và hoàn mỹ kia, những hạt đang lăn giữa những móng vuốt của nó; nó lắc những hạt đó mạnh hơn và chuỗi hạt rơi xuống đất. Con mèo hoảng sợ và biến xuống dưới một cái ghế bành.

Một lát sau, Emmanuel tỉnh dậy và thét lên. Các cửa sổ và cửa chớp đều để mở. Ánh trăng rọi sáng những mái nhà trong làng; những phiến ngói lấp lánh như vảy cá. Khu vườn thơm ngát; bình yên, và ánh sáng màu bạc có vẻ lay động như một dòng nước trong suốt, trôi chảy và nhẹ nhàng trút xuống những hàng cây ăn quả.

Con mèo, lấy mõm đẩy mảnh vải diềm của ghế bành lên, nhìn cảnh tượng này với một vẻ trịnh trọng, sửng sốt và mơ mộng. Đó là một con mèo con mới chỉ biết có thành phố; ở đó người ta chỉ cảm nhận được những đêm tháng Sáu từ xa; đôi khi người ta hít thở được một luồng khí ấm áp và ngây ngất, nhưng ở đây hương thơm dâng lên đến tận bộ ria của nó, bao quanh nó, xâm chiếm nó, ngấm vào nó, làm nó choáng váng. Mắt lim dim, nó cảm thấy lan tỏa khắp thân mình những đợt sóng hương ngào ngạt và dịu nhẹ, hương của những bông tử đinh hương cuối mùa với thoáng chút mùi tàn úa, mùi nhựa chảy trong cây, mùi của đất đai tăm tối và tươi mát, mùi của đàn gia súc, của chim chóc, của chuột chũi, của chuột nhắt, của tất cả các con mồi, mùi xạ của lông, của da, mùi máu... Nó ngáp vì thèm thuồng, nó nhảy lên bệ cửa sổ. Nó chậm rãi đi dạo dọc ống máng. Chính ở chỗ này, ngày hôm kia, một bàn tay mạnh mẽ đã túm lấy nó và quẳng nó lại vào giường của Jacqueline đang khóc nức nở. Nhưng đêm nay, nó sẽ không để bị bắt nữa. Nó dùng mắt ước chừng khoảng cách giữa ống máng và nền đất. Vượt qua khoảng cách này đối với nó chỉ là một trò chơi, nhưng có lẽ nó muốn tự đề cao bản thân trong chính mắt mình bằng cách phóng đại độ khó của cú nhảy ấy. Nó lắc thân sau với một vẻ dữ tợn và đắc thắng, quệt cái đuôi đen dài của mình vào ống máng, ép tai về phía sau, lao người và rơi xuống nền đất mới bị xới lên. Do dự một lát, nó rúc mặt xuống nền đất, giờ thì nó đang ở trung tâm, ở nơi sâu thẳm nhất, ở giữa lòng đêm tối. Cần cảm nhận đêm tối dưới nền đất; các mùi hương được giữ lại ở đây, giữa những rễ cây và những viên sỏi, chúng còn chưa bay hơi, chúng không tan biến lên bầu trời, chúng không hòa vào mùi của con người. Chúng biết nói, bí ẩn, nồng ấm. Chúng sống động. Mỗi thứ mùi toát lên là một mạng sống bé nhỏ ẩn kín, tốt lành, có thể chén được... Những con bọ da, những con chuột nhắt rừng, những con dế mèn, và cả cái con cóc nhỏ có giọng kêu như đầy nước mắt trong suốt kia nữa... Đôi tai dài của con mèo, hai cái phễu màu hồng với những sợi lông ánh bạc, nhọn và cuộn vào phía trong một cách tinh tế như bông hoa bìm bìm, dựng đứng lên; nó nghe ngóng những tiếng động khẽ khàng trong bóng tối, thật thanh thoát, thật bí ẩn, và đối với riêng nó thì thật rõ ràng: tiếng sột soạt của những cọng cỏ trong tổ chim nơi con chim đang canh ổ trứng ấp, tiếng chim rũ lông, tiếng mỏ chim gõ nhẹ vào vỏ cây, tiếng cựa quậy của cánh chim, của cánh sâu bọ, của những chiếc chân chuột đang khẽ cào đất và đến cả tiếng trỗi dậy ầm thầm của những hạt đang nảy mầm. Những cặp mắt vàng rực chạy trốn trong đêm tối, lũ chim sẻ ngủ thiếp dưới những lá cây, con chim hét màu đen to đùng, con chim sẻ ngô, con chim sơn ca cái; con chim đực thì tỉnh như sáo, nó hót và đáp lời con cái trong rừng và trên sông.

Người ta còn nghe thấy những âm thanh khác nữa: một tiếng nổ vang lên từng quãng đền đặn, dâng lên và nở xòe ra như một bông hoa và, khi nó ngừng bặt, là tiếng rung của tất cả các cửa kính trong làng, tiếng đập của những cánh cửa mở ra đóng lại trong đêm tối và những câu nói lo sợ lan truyền trong không trung, từ cửa sổ này sang cửa sổ khác. Thoạt đầu con mèo nhảy dựng lên mỗi lúc có tiếng nổ, đuôi thẳng đơ: những ánh phản chiếu lấp lánh lướt trên bộ lông của nó, ria nó cứng đờ ra vì xúc động, rồi nó quen với cái tiếng ầm ầm cứ tiến đến mỗi lúc một gần hơn này và có lẽ nó nhầm với tiếng sấm. Nó nhảy lộn nhào vài cú trong các bồn hoa, dùng vuốt vặt cánh một bông hồng: bông hoa đã nở rộ; chỉ đợi một làn gió thổi là rụng và chết; những cánh hoa trắng rắc xuống nền đất như một cơn mưa mềm mại và thơm tho. Bất thình lình con mèo trèo lên trên một ngọn cây; nó nhảy nhanh như một con sóc, vỏ cây rách ra dưới chân nó. Lũ chim hoảng hốt bay đi. Trên mỏm đầu một cành cây, nó biểu diễn một điệu nhảy hoang dại, hiếu chiến, ngạo mạn và xấc xược, coi khinh trời, đất, các con thú, mặt trăng. Thỉnh thoảng nó ngoác cái miệng hẹp và sâu, và phát ra một tiếng meo meo chói tai, một tiếng gọi khiêu khích và dữ dội hướng tới tất cả lũ mèo hàng xóm.

Trong chuồng gà, trong chuồng chim bồ câu tất cả đều thức dậy, run lên, rúc đầu vào dưới cánh, cảm thấy mùi của gạch đá và mùi của cái chết; một con gà mái nhỏ màu trắng vội vã trèo lên một cái chậu kẽm, lật đổ chậu và chạy trốn với những tiếng cục tác cuống cuồng. Nhưng con mèo giờ đây đã nhảy xuống thảm cỏ, nó không nhúc nhích nữa, nó chờ đợi. Đôi mắt tròn và vàng rực của nó lóe lên trong bóng tối, có một tiếng xào xạc của lá cây bị lay động. Nó trở lại mang theo trong miệng một con chim nhỏ đờ ra bất động; nó nhẹ nhàng liếm máu chảy ra từ vết thương của con chim. Nó uống thứ máu nóng này một cách thích thú, mắt nhắm lại. Nó đặt những móng vuốt của mình lên chỗ quả tim của con vật, khi thì nới lỏng móng ra, khi thì ấn sâu móng vào lớp thịt mềm, trên khung xương nhẹ, bằng một cử chỉ chậm rãi, nhịp nhàng, cho tới lúc quả tim ngừng đập. Nó ăn con chim không vội vã, nó liếm láp mình, liếm bóng cái đuôi của mình, cái mỏm cuối của chiếc lông đuôi đẹp đẽ mà khí ẩm ban đêm đã để lại một vệt ướt và óng ánh. Giờ đây nó cảm thấy sẵn sàng khoan dung: một con chuột chù lướt qua giữa chân nó mà nó chẳng thèm tóm lại và nó bằng lòng với việc giáng một cú lên đầu một con chuột chũi để lại trên mõm con này một vệt máu và mặc cho con chuột sống dở chết dở, nhưng nó không đi xa hơn. Nó ngắm nghía con chuột chũi với lỗ mũi hơi phập phồng vẻ khinh thường và không đụng đến con vật. Một cơn đói khác trỗi dậy trong nó; thận nó thắt lại, nó ngẩng đầu và kêu meo meo thêm lần nữa, tiếng meo meo kết thúc bằng một tiếng gào khẩn thiết và khàn đặc. Trên mái chuồng gà, cuộn mình trong ánh trăng, một con mèo cái già màu hung vừa xuất hiện. Đêm tháng Sáu ngắn ngủi đang tàn, những vì sao đang mờ đi, không khí tỏa mùi sữa và mùi cỏ ướt; mặt trăng khuất nửa ở phía sau khu rừng giờ chỉ còn là một cái sừng màu hồng đang tan biến đi trong sương mù, khi con mèo mệt nhoài, hoan hỉ, đẫm sương, miệng gặm một cọng cỏ, lặng lẽ đi vào phòng Jacqueline, lên giường cô bé, tìm cái chỗ ấm áp có đôi chân gầy guộc. Nó kêu gừ gừ như một chiếc ấm đun nước.

Một lát sau, kho thuốc súng nổ.

21

Kho thuốc súng nổ và tiếng vọng khủng khiếp của vụ nổ vừa mới dứt (toàn bộ không khí trong vùng chuyển động; tất cả các cửa ra vào và cửa sổ rung lên, và bức tường nhỏ của nghĩa địa sụp xuống), thì một ngọn lửa dài vừa tóe ra vừa rít lên từ tháp chuông. Tiếng ầm ầm của quả bom cháy lẫn vào với tiếng thuốc súng nổ. Trong giây lát cả làng bốc lửa. Cỏ khô trong các nhà kho, rơm trong các vựa, tất cả đều cháy rừng rực; các mái nhà đổ sụp, những sàn nhà nứt đôi; đám người tị nạn lao ra phố; dân sở tại thì chạy vội về phía cửa chuồng trại để cứu bầy súc vật; lũ ngựa vừa hí vừa nhảy chồm lên, hoảng hốt vì tiếng nổ và tiếng ầm ầm của đám cháy; chúng không chịu đi ra mà cứ húc đầu và giơ chân đá vào những bức tường đang bốc cháy. Một con bò cái bỏ chạy, đem theo trên mỏm sừng của nó một túm cỏ khô đã bén lửa mà nó vừa điên cuồng giũ bỏ, vừa phát ra những tiếng rống đau đớn và ghê sợ; những cọng cỏ bốc cháy bay tứ tung. Trong vườn, những cây cối đang nở hoa được rọi một thứ ánh sáng đỏ thẫm như máu. Vào những lúc bình thường, lẽ ra việc cứu hộ sẽ được tổ chức. Dân chúng, khi những khoảnh khắc khiếp sợ đầu tiên qua đi, đáng lẽ phải bình tình lại được đôi chút, nhưng cái tai họa này, nối tiếp sau những tai họa khác, đã làm cho họ mất trí. Thêm nữa họ biết rằng lính cứu hỏa đã nhận được lệnh phải ra đi cùng với toàn bộ thiết bị của mình, từ ba ngày trước. Họ cảm thấy tuyệt vọng. “Đàn ông, giá mà có đàn ông ở đây!” các bà các cô nông dân kêu lên. Nhưng những người đàn ông thì ở xa, các cậu bé chạy lăng xăng, la hét, hối hả, càng làm tăng thêm sự hỗn độn. Những người tị nạn gào thét. Trong số họ có gia đình Péricand, ăn bận sơ sài, mặt mũi lấm lem, đầu bù tóc rối. Cũng như lúc ở trên đường sau đợt bom rơi, những tiếng gọi lại vang lên, giao nhau, tất cả đều gào lên - cả làng chỉ còn là những tiếng kêu thét: “Jean! Suzane! Mẹ ơi! Bà ơi!” - tất cả gọi cùng một lúc. Không có ai trả lời. Một vài thanh niên đã lấy được xe đạp của mình ra khỏi những nhà kho bốc cháy và hung hăng đẩy xe vào giữa đám đông. Nhưng, thật lạ lùng, mọi người lại cảm thấy rằng họ đã giữ được bình tĩnh, rằng họ đã cư xử hoàn toàn đúng như cần phải thế. Bà Péricand ôm Emmanuel trong tay, Jacqueline và Bernard thì bám chặt vào váy mẹ (Jacqueline còn kịp ấn con mèo vào trong giỏ khi bị mẹ kéo ra khỏi giường và cô bé run rẩy ôm chặt con mèo trước ngực). Bà Péricand thầm nhắc đi nhắc lại: “Cái quý giá nhất đã được cứu thoát! Ơn Chúa!” Đồ nữ trang và tiền của bà được khâu lại trong một cái túi da đanh và nằm trên ngực bà, được ghim bên trong áo sơ mi của bà, bà cảm thấy nó đập đập trong lúc bỏ chạy. Bà đã đủ tỉnh táo để chộp lấy cái áo măng tô lông và một cái hòm nhỏ đầy đồ bạc mà bà giữ ở đầu giường mình. Lũ trẻ có ở đây, ba đứa! Thỉnh thoảng, một ý nghĩ lướt qua trong đầu bà, nhanh và sắc nhọn như một tia chớp, ý nghĩ về hai đứa con lớn đang gặp nguy hiểm, đang ở xa bà: Philippe và cái thằng điên Hubert ấy. Việc Hubert bỏ trốn đã làm cho bà tuyệt vọng, thế nhưng bà lại tự hào về điều đó. Đó là một hành động thiếu suy nghĩ, vô kỷ luật, nhưng xứng danh một người đàn ông. Hai đứa con ấy, Philippe và Hubert, bà không thể làm gì cho chúng được, nhưng còn ba đứa nhỏ của bà! Một bản năng đã cảnh báo cho bà tối hôm trước, bà nghĩ vậy; bà đã cho lũ trẻ đi ngủ mà không cởi bỏ hết quần áo. Jacqueline không mặc váy nhưng có cái áo ja két che đôi vai trần của nó; nó sẽ không bị lạnh; như thế còn tốt hơn là mặc áo sơ mi; bé con thì được quấn trong một cái chăn; Bernard thậm chí còn đội mũ nồi trên đầu. Còn bà, không đi tất dài, đôi chân trần xỏ trong đôi dép lê màu đỏ, hàm răng nghiến chặt, hai cánh tay quắp lại quanh người đứa bé, nó không kêu khóc mà đảo đi đảo lại cặp mắt hốt hoảng, bà lách một lối đi giữa đám đông hoảng loạn, hoàn toàn chẳng biết là mình đang đi đâu, trong khi trên trời những chiếc máy bay mà bà thấy như không đếm xuể (có hai cái!) đang lượn đi lượn lại với tiếng vù vù dữ tợn như tiếng ong bầu.

“Miễn là nó không ném bom ở đây nữa! Miễn là nó không ném bom ở đây nữa! Miễn là...” Những từ này, bao giờ cũng vẫn những từ ấy, quay cuồng không ngừng trong mái đầu cúi thấp của bà. Bà nói to lên: “Không được rời tay khỏi mẹ, Jacqueline! Bernard, đừng kêu la nữa! Con không phải là con gái! Đây, bé của mẹ, không sao đâu, mẹ đây mà!” Bà nói những lời này một cách máy móc, trong lòng không ngớt cầu khấn: “Mong sao chúng không bỏ bom ở đây nữa! Chúng cứ bỏ bom ở nơi khác đi, lạy Chúa, nhưng không phải là ở đây! Con có ba đứa con! Con muốn cứu chúng! Hãy làm sao để chúng con không bị bỏ bom nữa!”

Cuối cùng bà cũng đi hết được con đường hẹp trong làng. Bà đã ra ngoài đồng ruộng; đám cháy đã ở lại phía sau bà; những ngọn lửa xòe ra thành hình chiếc quạt trên bầu trời. Chỉ mới có một tiếng đồng hồ trôi qua kể từ lúc tảng sáng, khi trái phá rơi xuống tháp chuông. Trên đường lướt qua rồi lại lướt qua thêm nữa những chiếc ô tô bỏ chạy từ Paris, Dijon, Normandie, Lorraine, từ khắp nước Pháp. Người ta ngủ gà ngủ gật ở trong xe. Thỉnh thoảng họ ngẩng đầu lên và nhìn chân trời đang rực cháy một cách thờ ơ. Họ đã nhìn thấy quá nhiều điều rồi! Bà vú bước sau bà Péricand, nỗi khiếp sợ dường như đã làm vú trở nên câm lặng; môi bà mấp máy nhưng không một âm thanh nào phát ra. Bà cầm trong tay chiếc mũ chụp đầu xếp nếp là phẳng phiu của mình, có quai buộc bằng vải mousseline. Bà Péricand nhìn vú bằng ánh mắt phẫn nộ. “Quả thật, vú em, vú không tìm thấy cái gì có ích hơn để mang theo hay sao?” Người đàn bà già nua gắng hết sức để nói. Mặt bà tái đi, mắt nhòa lệ. “Lạy Chúa, bà Péricand nghĩ, thế là bà ta hóa điên mất rồi! Mình sẽ ra sao đây?” Nhưng giọng nói nghiêm khắc của bà chủ như có phép màu đã khiến cho vú em nói lại được... Vú lấy lại giọng nói bình thường, vừa kính cẩn vừa the thé, để trả lời: “Bà chủ không nghĩ rằng con đã định bỏ cái mũ lại chứ? Cái này đâu phải là không có giá trị gì!” vấn đề cái mũ chụp đầu này vốn là chuyện gây bất hòa giữa hai người vì vú em ghét tất cả những cái mũ mà người ta áp đặt cho bà - “trông thật thuận mắt,” bà Péricand nghĩ, “thật thích hợp đối với các gia nhân!”, bởi vì bà cho rằng mỗi một tầng lớp xã hội cần phải mang trên mình những dấu hiệu riêng biệt chỉ rõ địa vị của họ để tránh mọi nhầm lẫn trong đánh giá, cũng như trong một cửa hàng thì người ta niêm yết giá hàng. “Rõ ràng chẳng phải bà ta là người phải giặt phải là, cái mụ già ác mỏ ấy!” vú em thường nói khi ở trong bếp. Bằng một bàn tay run rẩy, bà đặt con bướm đăng ten ấy lên mái đầu vốn đã chụp một cái mũ ngủ to đùng của mình. Bà Péricand nhìn bà vú, thấy bà này có cái gì đó là lạ nhưng không hiểu đó có thể là cái gì. Mọi thứ đều có vẻ lạ lùng. Thế giới là một giấc mộng kinh khủng. Bà buông người ngồi phịch xuống bờ dốc, trao lại Emmanuel vào tay vú em, nói với vẻ hết sức mạnh mẽ: “Bây giờ phải đi ra khỏi đây” và bà ngồi yên, chờ đợi phép màu. Không có phép màu nào nhưng có một cỗ xe do một con lừa kéo đi qua, và khi trông thấy người đánh xe đưa mắt nhìn bà và các con bà rồi đi chậm lại, bản năng trong bà đã lên tiếng, cái bản năng sinh ra từ sự giàu có ấy, nó biết ở đâu và lúc nào có một cái gì được đem ra bán.

- Hãy dừng lại! - bà Péricand kêu lên. - Ga gần đây nhất là ga nào vậy?

- Ga Saint-Georges.

- Đi đến đó với con vật của anh thì mất bao lâu?

- À, bốn tiếng.

- Tàu hỏa vẫn chạy chứ?

- Thấy bảo là có.

- Thế thì tốt. Tôi lên xe nhé. Đi nào, Bernard. Vú em, vú bế thằng bé đi.

- Nhưng, thưa bà, có điều là tôi không định đi về phía ấy, mà đi rồi lại quay trở về thì mất của tôi những tám tiếng đồng hồ cơ.

- Tôi sẽ trả anh nhiều tiền, - bà Péricand nói.

Bà trèo lên xe, tính toán là nếu tàu hỏa chạy bình thường, bà sẽ đến Nîmes sáng mai. Nîmes... ngôi nhà cũ của mẹ bà, phòng ngủ của bà, tắm táp một trận; bà cảm thấy người yếu đi với ý nghĩ ấy. Liệu có chỗ cho bà trong tàu hỏa không? “Với ba đứa con,” bà tự nhủ, “bao giờ mình cũng sẽ thành công.” Như một nhân vật vương giả, bà Péricand, với tư cách là bà mẹ của một gia đình đông con, đến đâu cũng chiếm được và chiếm được mộtt cách hoàn toàn bình thường vị trí hàng đầu... và bà không thuộc loại phụ nữ cho phép người khác quên đi những đặc quyền của mình. Bà khoanh tay lại trước ngực và ngắm cảnh đồng quê với một vẻ đắc thắng.

- Nhưng bà ơi, ô tô thì sao ạ? - Bà vú rên rỉ.

- Chắc nó phải cháy thành tro vào giờ này rồi. - Bà Péricand trả lời.

- Thế còn các va li, đồ đạc của lũ trẻ?

Các va li đã được chất lên xe tải dành cho gia nhân. Chỉ còn lại ba cái lúc xảy ra thảm họa, ba va li đầy đồ vải...

- Tôi coi những thứ đó là vật hy sinh, - bà Péricand thở dài, mắt ngước lên trời, song lại nhìn thấy như trong một giấc mơ đẹp đẽ những ngăn tủ sâu ở Nîmes với những kho báu vải vóc...

Vú em, bị mất cái va li to đai sắt và một túi xách tay giả da lợn, bật khóc. Bà Péricand cố để làm cho bà vú hiểu sự bội bạc của bà ta đối với Thượng đế nhưng vô ích. “Hãy nghĩ là mình còn sống, vú em tội nghiệp của tôì, những thứ còn lại có quan trọng gì.” Con lừa chạy nước kiệu. Người nông dân đi theo những con đường tắt nhỏ đông nghịt người tị nạn. Vào lúc mười một giờ, họ tới Saint-Georges và bà Péricand đã lên được một con tàu đi về hướng Nîmes. Xung quanh bà người ta nói rằng hiệp định đình chiến đã được ký kết. Một số người tuyên bố rằng không thể như vậy được; tuy nhiên người ta không còn nghe thấy tiếng đại bác nữa, bom cũng không rơi nữa. “Có lẽ cơn ác mộng đã kết thúc?” bà Péricand nghĩ. Bà nhìn lại thêm lần nữa tất cả những gì mà bà đã mang theo, “tất cả những gì mà bà đã cứu được!”: những đứa con của bà, va li của bà. Bà chạm vào đồ nữ trang và tiền trong cái túi khâu ở ngực. Phải, trong những khoảnh khắc khủng khiếp ấy bà đã hành động một cách kiên quyết, dũng cảm và bình tĩnh. Bà đã không mất tỉnh táo! Bà đã không mất... Bà đã không... Bất thình lình bà thốt lên một tiếng kêu tắc nghẹn. Bà đưa hai bàn tay lên cổ và ngửa người về phía sau, và cổ họng bà phát ra một hơi thở ran khàn đặc như thể bà bị ngạt.

- Lạy Chúa, bà ơi! Bà ốm rồi! - vú em kêu lên.

Bà Péricand, bằng một giọng nghẹn ngào, cuối cùng cũng rên rỉ được:

- Vú em ơi, vú em tội nghiệp của tôi, chúng ta đã quên mất...

- Quên gì? Quên gì vậy?

- Chúng ta đã quên mất bố chồng tôi! - bà Féricand vừa nói vừa òa lên khóc.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3