Bản giao hưởng Pháp - Phần I - Chương 22
22
Charles Langelet mất cả một đêm để đi từ Paris đến Montargis, vậy là ông cũng đã tham dự vào nỗi bát hạnh chung. Tuy nhiên ông tỏ ra hết sức cứng rắn. Tại quán in, nơi ông dừng lại để ăn trưa, khi xung quanh ông có một nhóm người tị nạn đang than vãn về những nỗi khủng khiếp lúc đi đường và định lấy ông ra để làm chứng: “Có phải vậy không, thưa ông? Ông cũng nhìn thấy thế như chúng tôi chứ? Không thể nói là chúng ta phóng đại được!”, thì ông bèn trả lời bằng một giọng khô khan:
- Tôi thì tôi chẳng thấy gì hết!
- Sao? Ông không thấy một trận bom nào cả à? - bà chủ quán ngạc nhiên nói.
- Không đâu, thưa bà.
- Không thấy một đám cháy nào?
- Thậm chí chẳng thấy đến một vụ tai nạn ô tô nào nữa.
- Càng tốt cho ông: dĩ nhiên, - người đàn bà nói sau một lát suy nghĩ nhưng nhún vai với vẻ nghi ngờ, như thể bà ta nghĩ: “Thật là một người độc đáo!”
Langelet nhấm thử món trứng tráng mà người ta vừa mang đến cho ông, ông đẩy nó ra và nói khẽ “không thể ăn được”, ông yêu cầu tính tiền rồi lại ra đi. Ông tìm thấy một niềm vui tai ác khi tước đoạt của những kẻ hồn hậu kia cái thú vui mà họ tự cho mình được hưởng bằng cách hỏi han ông, bởi vì HỌ, những tạo vật hèn hạ và dung tục, họ cứ tưởng tượng rằng mình có tình thương nhân loại, nhưng họ run lên vì một sự tò mò thấp kém đối với những chuyện lâm ly. “Thật lạ lùng là thế giới lại có thể chứa đựng những sự dung tục như thế,” Charlie Langelet buồn rầu nghĩ. Ồng luôn luôn phẫn nộ và đau khổ khi phát hiện ra cái thế giới thực tại đầy những kẻ bất hạnh chưa từng được nhìn thấv một tòa nhà thờ lớn, một pho tượng, một bức tranh. Thêm nữa, những kẻ happy few mà ông vẫn tự phụ là mình thuộc loại đó thì trước những cú đòn của số phận cũng tỏ ra nhu nhược và ngu xuẩn như những kẻ hèn mọn. Lạy Chúa! Thử nghĩ xem tất cả những trò mà sau này người ta có thể làm với “cuộc di tản”, “cuộc di tản của họ”. Ông tưởng như nghe thấy họ nói, mụ già lố bịch sẽ lè nhè: “Tôi là tôi chẳng sợ bọn Đức đâu, tôi tiến về phía chúng và tôi bảo chúng: Thưa các ông, các ông đang ở nhà bà mẹ của một sĩ quan Pháp - bọn chúng câm bặt.” Và một bà thì sẽ kể: “Đạn vãi xung quanh tôi, và thật lạ lùng, tôi chẳng thấy sợ.” Và tất cả sẽ đồng tình để gom góp lại trong câu chuyện của họ những cảnh tượng khủng khiếp, về phần ông thì ông sẽ trả lời: “Lạ nhỉ, tôi lại thấy mọi thứ có vẻ rất bình thường. Có nhiều người trên đường, thế thôi.” Ông tưởng tượng ra sự sửng sốt của họ và mỉm cười, thấy được động viên. Ông đang cần được động viên. Khi nghĩ đến căn hộ của mình ở Paris, tim ông như vỡ ra. Thỉnh thoảng ông lại quay người vào phía bên trong ô tô, âu yếm nhìn những hòm xiểng đựng các món đồ sứ của ông, những kho báu quý giá nhất của ông. Có một bộ Capo di Monte khiến ông lo lắng: ông tự hỏi không biết mình đã nhét đủ vỏ bào và giấy lụa quanh bộ này chưa. Khi đóng gói gần xong thì giấy lụa bị thiếu. Đó là một cái khay trang trí bàn tiệc, những thiếu nữ nhảy múa với các thần ái tình và những chú nai con. Ông thỏ dài. Ông thầm so sánh mình với một người La Mã trốn chạy khỏi đống nham thạch và tro tàn của thành Pompéi, bỏ lại các nô lệ, nhà cửa, vàng bạc, nhưng mang theo, trong những nếp áo dài của mình, một bức tượng đất nung nào đó, một chiếc bình hoa có hình dáng hoàn mỹ nào đó, một chiếc cốc nào đó lấy khuôn từ một bầu ngực đẹp. Thật an ủi nhưng đồng thời cũng thật cay đắng khi cảm thấy mình khác biệt những người khác đến thế. Ông hạ đôi mắt nhợt nhạt của mình xuống nhìn họ. Dòng ô tô vẫn tuôn chảy và những bộ mặt tối sầm và lo âu tất thảy đều giống nhau. Một lũ thảm hại! Bọn họ lo lắng về cái gì? Về cái mà họ sẽ ăn, cái mà họ sẽ uống? Ông, ông nghĩ đến nhà thờ lớn ở Rouen, đến những lâu đài vùng sông Loire, đến Louvre. Chỉ một viên đá đáng tôn kính trong đó cũng giá trị bằng cả ngàn mạng người. Ông đang đến gần Gien. Một điểm đen xuất hiện trên bầu trời và nhanh như chớp, ông cho rằng cái dòng người tị nạn ở gần chỗ đường sất cắt ngang qua này là một mục tiêu khá hấp dẫn đối với máy bay địch, và ông lao vào một con đường tắt. Cách ông vài mét, mười lăm phút sau, có những chiếc ô tô cũng muốn rời đường lớn và đã đâm vào nhau do lỗi vận hành của một người lái xe tồi đang hoảng loạn. Chúng nảy bật lên từ phía này sang phía bên kia cho tới tận cánh đồng, làm hành lý, những tấm đệm, những lồng chim, những người phụ nữ bị thương bắn ra tung tóe. Charlie nghe thấy những tiếng ồn ào lẫn xộn nhưng ông không quay lại. Ông chạy về phía một khu rừng rậm rạp. Ông đậu xe ở đó, đợi một lát rồi lại đi tiếp xuyên qua đồng ruộng vì chắc chắn là đường quốc lộ đã trở nên nguy hiểm.
Trong một lúc, ông thôi không nghĩ đến những hiểm họa đe dọa nhà thờ lớn Rouen nữa để hình dung được một cách chính xác những gì đang rình đón chính ông, Charles Langelet. Ông không muốn nghĩ về điều đó nhưng những hình ảnh khó chịu nhất cứ hiện ra trong tâm trí ông. Đôi bàn tay dài thanh tao và gầy guộc của ông, đang bám chặt vào tay lái, hơi run lên. Nơi ông đang đi qua có ít ô tô và ít người, chỉ có điều ông hoàn toàn không nhận ra là ông đang đi về đâu. Ông luôn luôn định hướng kém. Ông không có thói quen đi xa mà không có tài xế. Ông lượn lờ quanh Gien một lúc. Ông càng bực tức hơn vì sợ thiếu xăng. Ông lắc đầu thở dài. Ông đã đoán trước điều sẽ xảy ra: ông, Charlie, ông sinh ra không phải để dành cho cuộc sống thô thiển này. Vô vàn trắc trở nho nhỏ của cuộc sống hàng ngày là điều quá sức đối với ông. Ô tô dừng lại. Không còn xăng nữa. Ông khoa tay làm một củ chỉ điệu đàng như cách người ta nghiêng mình trước sự dũng cảm thiếu may mắn. Chẳng thể làm gì được cả, ông sẽ qua đêm trong rừng.
- Anh có thể nhượng lại cho tôi một bi đông xăng được không? - ông hỏi một người lái ô tô đi ngang qua.
Người này từ chối và Charlie mỉm cười chua chát và buồn bã. “Con người là như thế đó! Một giống ích kỷ và nghiệt ngã. Chẳng ai chia sẻ với người anh em của mình trong cơn bĩ cực một khúc bánh mì, một chai bia, một bi đông xăng nhỏ nhặt.” Người lái ô tô quay lại để thét bảo ông:
- Cách đây mười mét thì có đấy, ở thôn...
Cái tên mất hút qua khoảng cách nhưng anh ta đã đi tiếp qua những lùm cây. Charlie cảm giác như nhận thấy được một hai ngôi nhà.
“Thế còn ô tô thì sao? Ta không thể để ô tô lại được!” Charlie tuyệt vọng tự nhủ. “Thử lại thêm nữa nào.” Chẳng ăn thua gì cả. Bụi phủ lên người ông nom ông như một viên phấn và có những thanh niên vẻ như say rượu đang hò hét, dính vào nhau như ruồi ở bên trong, ở bên bậu cửa và cả trên mái một chiếc ô tô đang khó nhọc lăn bánh.
“Thật là một phường vô lại,” Langelet rùng mình nghĩ. Thế nhưng ông lại nói với họ bằng một giọng nhã nhặn nhất.
- Thưa các vị, các vị có chút xăng nào không? Tôi không thể đi được nữa.
Họ dừng lại với tiếng phanh nghiến mạnh quá mức kêu ken két ghê rợn. Họ nhìn Charlie và cười khẩy.
- Ông trả bao nhiêu nào? - cuối cùng một người trong bọn nói. Charlie cảm thấy rõ là cần phải trả lời: “Các vị muốn bao nhiêu tôi cũng trả!” nhưng ông vốn keo kiệt và ngoài ra ông e ngại rằng, khi tỏ ra quá giàu có, ông sẽ gây cám dỗ đối với bọn lưu manh này. Cuối cùng, ông rất sợ bị lừa.
- Tôi sẽ trả một giá hợp lý, - ông đáp với vẻ kiêu ngạo.
- Không có đâu, - người đàn ông trong chiếc ô tô xóc, kêu rù rù, nói. Anh ta lái xe đi tiếp theo con đường rừng tung cát, trong khi Langelet, rụng rời, huơ tay và gọi:
- Đợi đã nào! Dừng lại đi! Ít nhất thì cũng nói cho tôi biết giá của các anh chứ!
Họ thậm chí chẳng trả lời. Ông còn lại một mình. Cũng không lâu vì màn tối buông xuống và những người tị nạn dần dần tràn đến khu rừng. Họ không tìm được chỗ ở các khách sạn, các nhà riêng thì cũng đã đầy người và họ quyết định qua đêm trong rừng. Chẳng mấy chốc tất cả đã mang dáng vẻ của một khu cắm trại vào tháng Bảy ở Elisabethville, Langelet ghê tởm nghĩ. Trẻ con léo nhéo, lớp rêu bị phủ những tờ báo nhàu nát, những mảnh vải vấy bẩn và những vỏ đồ hộp rỗng. Những người đàn bà khóc lóc, những người khác thì la hét hoặc cười, những đứa trẻ gớm ghiếc không được tắm rửa tử tế đến gần Charlie, ông đuổi chúng đi mà không to tiếng vì ông không muốn sinh chuyện với bố mẹ chúng, nhưng ông đưa qua đảo lại cặp mắt giận dữ. “Đây là đám cặn bã của Belleville,” ông lẩm bẩm kinh sợ. “Ta rơi vào đâu thế này?” Có phải sự tình cờ đã nhóm họp lại nơi đây các cư dân của một trong những khu phố tai tiếng nhất Paris, hay là trí tưởng tượng của Charlie, mau lẹ và dễ bị kích thích, đã làm ông rối loạn? Ông thấy tất cả những người đàn ông đều có vẻ côn đồ, đàn bà thì mặt mũi rặt một phường lừa đảo. Chẳng mấy chốc trời đã tối mịt, và dưới những lùm cây rậm rạp này bóng tối trong suốt của tháng Sáu đã biến thành một màn đêm đen bị cắt ra bởi những dải ánh trăng giá lạnh, trắng bệch. Mọi tiếng động đều có một âm vang đặc biệt và thê thảm: những chiếc máy bay lượn trên bầu trời, lũ chim chậm chạp, những tiếng nổ khô khốc mà ta không thể nói chắc đó là những cú đại bác hay là tiếng nổ của lốp xe. Một đôi lần, người ta đến lởn vởn quanh ông, người ta đến nhìn ông soi mói. Ông nghe thấy những lời nói khiến ông phải rùng mình. Tinh thần của dân chúng thật lệch lạc... Họ nói nhiều về những người giàu bỏ chạy để đem tấm thân và vàng bạc của mình vào chỗ an toàn và làm tắc nghẽn đường, trong khi người nghèo thì chỉ có chân để đi và gục ngã. “Nói thế nhưng họ có ở trong cảnh ấy đâu, họ đi ô tô cơ mà,” Charlie phẫn nộ nghĩ, “chắc là ô tô đánh cắp!”
Ông cảm thấy cực kỳ nhẹ nhõm khi đến đỗ cạnh ông là một chiếc ô tô nhỏ có một chàng trai và một cô gái trẻ thuộc một tầng lớp rõ ràng cao hơn những người tị nạn khác. Chàng trai có một cánh tay hơi bị biến dạng; anh ta giơ tay về phía trước một cách phô trương như thể anh ta đeo trên đó giấy chứng nhận, ghi bằng chữ to, rằng “không đủ điều kiện nhập ngũ”. Cô gái trẻ và xinh, nom rất nhợt nhạt. Họ chia nhau những miếng bánh sandwich và sau đó ngủ thiếp đi, trong ô tô của họ, vai kề vai, má chạm má. Charlie cũng cố ngủ, nhưng sự mệt mỏi, sự kích động, nỗi sợ khiến ông cứ chong mắt ra. Sau khoảng một giờ đồng hồ, chàng trai trẻ cạnh ông mở mắt và, nhẹ nhàng nhích ra, châm một điếu thuốc lá. Anh ta nhận thấy là Langelet cũng không ngủ.
- Thật là khổ! - anh ta vừa nói khẽ vừa nghiêng người về phía ông.
- Phải, khổ thật đấy.
- Mà thôi, một đêm qua cũng nhanh. Tôi hy vọng ngày mai có thể đến được Beaugency bằng đường tắt vì con đường lớn phía dưới không thể đi được.
- Thật vậy à? Và hình như đã có những trận bom dữ dội lắm thì phải. Anh thật may mắn là có thể đi được. - Charlie nói. - Tôi thì chẳng còn một giọt xăng nào nữa.
Ông do dự.
- Nếu tôi có thể nhờ anh trông giùm chiếc ô tô của tôi một lát (anh ta thực sự có vẻ lương thiện đấy - ông nghĩ), thì tôi sẽ đi sang làng bên, ở đó hãy còn xăng, người ta bảo tôi thế.
Chàng trai lắc đầu.
- Than ôi, thưa ông, chẳng còn gì nữa đâu. Tôi đã lấy những bi đông cuối cùng và với một giá quá đáng. Tôi chỉ còn vừa đủ để đến được sông Loire, - anh ta vừa nói vừa chỉ những bi dông buộc trên thùng xe phía sau, - và qua cầu trước khi chúng bị phá sập.
- Sao? Người ta sẽ phá sập tất cả các cầu à?
- Vâng. Tất cả mọi người đều bảo thế. Sẽ có chiến trận trên sông Loire.
- Anh cũng cho rằng không còn xăng nữa à?
- Ồ! Tôi chắc chắn là như vậy! Tôi sẽ rất sung sướng được nhường lại cho ông một phần nhưng tôi lại chỉ có đủ cho tôi thôi. Tôi phải đưa vợ chưa cưới của tôi đến nơi an toàn ở chỗ bố mẹ cô ấy. Họ sống ở Bergerac. Một khi đã qua được sông Loire, chúng ta sẽ kiếm được xăng dễ dàng hơn, tôi hy vọng thế.
- A! Đây là vợ chưa cưới của anh à? - Charlie nói mà nghĩ đến chuyện khác.
- Vâng. Lẽ ra chúng tôi cưới ngày 14 tháng Sáu. Tất cả đã sẵn sàng, ông ạ, giấy mời đã gửi, nhẫn đã mua, váy cưới lẽ ra phải được giao sáng nay.
Anh ta chìm vào một cơn mơ mộng xa xăm.
- Chỉ là hoãn lại thôi mà, - Charles Langelet nói một cách lịch sự.
- À! Thưa ông! Ai mà biết ngày mai chúng ta sẽ ở đâu? Chắc chắn là tôi chẳng nên phàn nàn. Ỏ lứa tuổi như tôi lẽ ra tôi phải là lính nhưng với cánh tay của tôi... vâng, một tai nạn hồi ở trường trung học... nhưng tôi nghĩ là trong cuộc chiến tranh này thường dân bị những nguy hiểm đe dọa một cách khác với binh lính. Nghe nói là một số thành phố...
Anh ta hạ giọng.
- ... Đã thành tro và đầy xác chết, những đống xác chết. Tôi được nghe kể những câu chuyện ghê rợn. Ông có biết là người ta đã mở cửa các nhà tù, các trại điên không, vâng, thưa ông. Các nhà lãnh đạo của chúng ta đã mất trí. Cả một trại giam chạy rông trên đường không có giám sát. Tôi nghe nói là giám đốc một nhà tù đã bị bọn khách trọ của ông ta giết chết, cái bọn mà ông ta nhận được lệnh đưa đi sơ tán ấy; chuyện đó xảy ra cách đây hai bước chân thôi. Tôi đã nhìn thấy tận mắt những biệt thự bị cướp phá, bị xáo trộn toàn bộ. Và bọn chúng còn tấn công người đi đường, bọn chúng ăn trộm của những người đi ô tô...
- A! Bọn chúng ăn trộm những...
- Sẽ chẳng bao giờ biết hết được những gì xảy ra trong cuộc di tản đâu. Bây giờ thì họ bảo: “Các vị cứ việc ở lại nhà thôi!” Họ tử tế thật đấy. Để bị pháo và máy bay tàn sát tại nhà à. Tôi đã thuê một ngôi nhà nhỏ ở Montfort-l’Amaury để sống yên tĩnh một tháng ở đó sau đám cưới, trước khi đến chỗ bố mẹ vợ tôi. Ngôi nhà đã bị phá hủy ngày mùng 3 tháng Sáu, ông ạ, - anh ta nói với vẻ phẫn nộ.
Anh ta nói nhiều và cực kỳ kích động; anh ta có vẻ chuếnh choáng vì mệt. Anh ta âu yếm chạm ngón tay vào má cô vợ chưa cưới đang ngủ.
- Chỉ mong sao tôi cứu được Solange!
- Cả hai anh chị đều rất trẻ nhỉ?
- Tôi hai mươi hai tuổi còn Solange thì hai mươi.
- Như thế này thì cô ấy mệt lắm đấy, - đột nhiên Charlie Langelet nói bằng một giọng ngọt ngào giả dối, một giọng mà ông không tự nhận ra được, ngọt lịm như mật, trong khi tim ông đập thình thịch liên hồi trong lồng ngực. - Tại sao hai anh chị không ra nằm thoải mái trên thảm cỏ, cách đây một quãng?
- Nhưng còn ô tô?
- Ô! Tôi sẽ trông ô tô cho, cứ yên tâm, - Charlie nói với một tiếng cười nho nhỏ bị bóp nghẹt lại.
Chàng trai vẫn còn lưỡng lự.
- Tôi muốn đi tiếp càng sớm càng tốt. Mà tôi thì cứ ngủ mê mệt...
- Nhưng tôi sẽ đánh thức anh dậy mà. Anh muốn đi lúc mấy giờ nào? Này, mới gần nửa đêm, - ông vừa nói vừa nhìn đồng hồ đeo tay. - Tôi sẽ gọi anh dậy lúc bốn giờ nhé.
- Ồ! Thưa ông, ông tốt quá!
- Không đâu, nhưng khi hai mươi hai tuổi thì tôi cũng thế thôi, tôi cũng yêu...
Chàng trai có một cử chỉ ngượng ngùng.
- Lẽ ra chúng tôi cưới ngày 14 tháng Sáu, - anh ta vừa lặp lại vừa thở dài.
- Phải, tất nhiên, tất nhiên... chúng ta đang sống trong một thời kỳ khủng khiếp... nhưng tôi cam đoan với anh, thật vô lý khi cứ ngồi lại bám lấy cái tay lái của anh. Vợ chưa cưới của anh đau hết cả người đấy. Anh có chăn không?
- Vợ chưa cưới của tôi có một chiếc măng tô to để đi đường.
- Trên thảm cỏ dễ chịu lắm. Nếu tôi không ngại cái căn bệnh thấp khớp từ xưa của tôi... Ồ! Anh bạn trẻ ạ, thật là tuyệt khi hai mươi tuổi!
- Hai mươi hai, - anh chồng chưa cưới sửa lại.
- Các bạn sẽ được thấy những thời kỳ tốt đẹp hơn, các bạn bao giờ cũng sẽ tìm được lối thoát, trong khi một ông già tội nghiệp như tôi...
Ông cụp mắt xuống như một con mèo đang gừ gừ. Rồi ông giơ tay chỉ về phía một khoảng rừng trống cỏ mọc dày mà họ nhìn thấy thấp thoáng giữa những lùm cây, dưới ánh trăng.
- Ở đằng kia thật là tuyệt... có thể quên hết mọi điều.
Ông chờ đợi, rồi buông thêm một câu với vẻ thờ ơ giả tạo:
- Anh có nghe thấy chim sơn ca hót không?
Con chim đã hót được một lúc, nó đậu trên một cành cây rất cao, thờ ơ với tiếng ồn ào, với những tiếng om sòm của dân tị nạn, với những đống lửa to mà họ nhóm lên trên cỏ để xua đi ẩm ướt. Nó hót và trên đồng ruộng, những con sơn ca khác đáp lại nó. Chàng trai nghe chim hót, nghiêng đầu, và cánh tay anh ta ôm cô vợ chưa cưới đang ngủ. Một lát sau, anh ta thì thầm gì đó vào tai cô. Cô mở mắt ra. Anh ta nói vói cô sát hơn, bằng một giọng thôi thúc hơn. Charlie quay người đi. Tuy vậy những lời nói vẫn vẳng đến chỗ ông. “Vì ông này đã nói là sẽ trông ô tô cho mà...” Và: “Em không yêu anh, Solange, không, em không yêu anh rồi... Thế mà em...”
Charlie ngáp dài, không che đậy, và nói khẽ một cách vu vơ, với sự tự nhiên phóng đại của một diễn viên tồi:
- Tôi nghĩ là tôi sẽ đi ngủ đây, tôi...
Thế là Solange không do dự nữa. Với những tiếng cười khe khẽ bồn chồn, với những câu chối từ bị dập tắt ngay lập tđc, với những nụ hôn, cô nói:
- Nếu mẹ nhìn thấy chúng ta... Ồ! Bob! Anh thật là kinh khủng... sau này anh sẽ không chê trách em chứ, Bob?
Cô dựa vào cánh tay của anh chồng chưa cưới, đi ra xa. Charlie nhìn thấy họ dưới những vòm cây, ôm ngang lưng nhau và trao nhau những nụ hôn phớt nhẹ. Rồi họ biến mất.
Ông chờ đợi. Nửa tiếng đồng hồ trôi qua sau đó ông cảm thấy như là nửa tiếng dài nhất trong đời mình. Tuy vậy ông không nghĩ ngợi. Ông cảm thấy lo sợ và vui sướng lạ thường, trống ngực ông đập dữ dội, đau đớn đến mức ông lẩm bẩm: “Cái quả tim đau ốm này... sẽ chẳng cưỡng lại được!”
Nhưng ông biết là ông chưa từng bao giờ có được một khoái lạc nào hơn thế. Con mèo vốn vẫn ngủ trên những chiếc gối nhung và ăn thịt lườn gà, rồi một sự tình cờ khiến cho nó thấy được làng quê, một cành cây khô giá buốt vì sương, và đặt dưới răng nó một miếng thịt chim ứa máu và phập phồng, hẳn là cũng cảm thấy nỗi khiếp sợ như vậy, niềm vui tàn bạo như vậy - ông nghĩ, bởi vì ông quá thông minh nên không thể không hiểu điều gì đang diễn ra trong mình. Nhẹ nhàng, nhẹ nhàng, thật cẩn thận để không làm đập cửa xe, ông trèo vào chiếc ô tô bên cạnh, tháo các bi đông ra (ông lấy cả dầu nữa), vặn mở nút bình chứa xăng đến rách cả tay, đổ đầy xăng cho xe của mình và, tranh thủ lúc có nhiều ô tô khác đang nổ máy, lên đường.
Ra khỏi khu rừng, ông quay đầu lại phía sau, mỉm cười ngắm những ngọn cây xanh bàng bạc dưới ánh trăng và nghĩ: “Dù sao đi nữa, họ vẫn có thể cưới ngày 14 tháng Sáu...”