Bản giao hưởng Pháp - Phần I - Chương 23

23

Những tiếng ồn ào ngoài phố đánh thức cụ Péricand dậy. Cụ mở một mắt, chỉ một thôi, con mắt lơ mơ, nhợt nhạt, đầy sửng sốt và chê trách. “Có cái gì mà họ phải la hét như vậy?” cụ nghĩ. Cụ đã quên mất chuyến đi, quân Đức, chiến tranh. Cụ tưởng đang ở nhà con trai mình, tại đại lộ Delessert, dù rằng ánh mắt của cụ đang dán vào một căn phòng lạ; cụ chẳng hiểu gì hết. Cụ đang ở độ tuổi mà ảo ảnh quá khứ mạnh mẽ hơn thực tại; cụ tưởng tượng ra những bức tường phủ tường màu lục bên chiếc giường Paris của cụ. Cụ duỗi những ngón tay run rẩy về phía chiếc bàn mà hàng ngày khi cụ thức dậy đã có một bàn tay chu đáo đặt lên đó một đĩa cháo yến mạch và bánh quy ăn kiêng. Không có đĩa, không có chén, thậm chí không có cả bàn. Chính lúc đó thì cụ nghe thấy tiếng lửa cháy rần rật ở những ngôi nhà bên cạnh, cụ ngửi thấy mùi khói và cụ đoán được chuyện gì đang diễn ra. Cụ mở miệng hít một hơi câm lặng, như một con cá bị lôi ra khỏi nước, và cụ ngất đi.

Tuy vậy ngôi nhà không bị cháy. Chỉ có một phần mái nhà bị phá hủy. Sau nhiều hỗn loạn và khiếp sợ, đám cháy dịu đi. Dưới đám đổ nát ở quảng trường lửa cháy âm ỉ và rít lên khe khẽ, nhưng quán trọ thì vẫn nguyên vẹn và đến gần tối thì người ta phát hiện ra cụ Péricand, nằm một mình trong giường của cụ. Cụ lẩm bẩm những lời lộn xộn. Cụ lặng lẽ để yên cho người ta mang cụ đến an dưỡng đường.

- Đó là nơi tốt nhất đối với cụ ấy, tôi chẳng có thời gian chăm sóc đâu, thử nghĩ mà xem! - bà chủ quán nói, - với những người tị nạn, với quân Đức đang tới rồi hỏa hoạn và mọi thứ...

Và bà im bặt không nói đến điều day dứt nhất trong lòng mình: sự vắng mặt của chồng bà và hai người con trai bà, cả ba đều được gọi nhập ngũ và đã mất tích... Cả ba đều ở trong cái vùng không xác định được rõ ràng, di động và gần đến phát sợ ấy mà người ta gọi là “chiến tranh”...

An dưỡng đường rất sạch sẽ, được các xơ dòng Thánh Thể duy trì rất tốt. Người ta đặt cụ Péricand vào một chiếc giường tử tế cạnh cửa sổ; đáng ra cụ có thể nhìn thấy qua lớp cửa kính những cây đại thụ xanh tươi của tháng Sáu và, xung quanh cụ, mười lăm cụ già lặng lẽ, yên ổn, nằm trong những tấm vải giường màu trắng. Nhưng cụ không nhìn thấy gì cả. Cụ tiếp tục tưởng là đang ở nhà mình. Thỉnh thoảng cụ dường như nói chuyện với đôi bàn tay yếu ớt tím tái của mình, xếp chéo trên tấm chăn màu xám. Cụ nói với chúng một vài câu ngắt quãng, nghiêm khắc, rồi cụ lắc đầu mãi và, kiệt sức, cụ nhắm mắt lại. Cụ đã không bị lửa chạm tới, cụ không bị thương nhưng cụ sốt rất cao. Bác sĩ đi chữa trị cho các nạn nhân của một trận bom ở thành phố bên cạnh. Tới khuya rốt cuộc ông mới có thể khám cho cụ Péricand được. Ông không nói gì nhiều: ông lảo đảo vì mệt, ông đã không ngủ suốt bốn mươi tám tiếng đồng hồ và sáu mươi người bị thương đã qua tay ông. Ông tiêm một mũi và hứa ngày hôm sau sẽ quay lại. Đối với các xơ, vấn đề đã được giải quyết, họ đã khá quen thuộc với những người hấp hối để có thể nhận biết được cái chết qua một tiếng thở dài, một tiếng rên rỉ, qua những giọt mồ hôi buốt lạnh ấy, qua những ngón tay cứng đờ ấy. Họ sai người đi tìm ông cha xứ, người mà lúc trước đã đi cùng bác sĩ lên thành phố và cũng không được ngủ nhiều hơn! Cha xứ làm thánh lễ cho cụ Péricand. Khi ấy cụ già có vẻ như tỉnh táo lại. Rời an dưỡng đường, cha xứ nói với các xơ rằng cụ già tội nghiệp đã theo đúng phép tắc của Đức Chúa và cụ sẽ có một kết thúc rất ngoan đạo.

Một trong các xơ có thân hình nhỏ bé, gầy guộc, với cặp mắt xanh sâu thẳm, tinh ranh và đầy can đảm, ngời lên dưới chiếc mũ bà xơ màu trắng; một xơ khác, dịu dàng, rụt rè, má đỏ, bị đau răng dữ dội và trong lúc đọc kinh chốc chốc lại sờ tay lên hàm răng bị đau, với một nụ cười nhún nhường như thể cô thấy xấu hổ vì thanh thập tự của mình lại nhẹ nhàng đến thế trong những ngày đau khổ này. Xơ là người mà cụ Péricand đột nhiên nói cùng (đã quá nửa đêm và những náo động của ban ngày đã dịu đi; chỉ còn nghe thấy tiếng mèo kêu trong khu vườn của tu viện):

- Con gái ơi, ta thấy khó ở... Hãy đi đón thầy chưởng khế đến đây.

Cụ tưởng xơ là bà con dâu cụ. Trong lúc nửa mê nửa tỉnh, cụ ngạc nhiên thấy bà đội một cái mũ bà xơ để chăm sóc cụ, nhưng dù thế nào đi nữa thì đó cũng chỉ có thể là bà mà thôi! Cụ khẽ khàng nhắc lại, một cách kiên nhẫn:

- Thầy Nogaret... chưởng khế... trăng trối...

- Làm gì đây hả xơ? - xơ Marie dòng Thánh Thể nói với xơ Marie dòng Các Thiên thần.

Hai chiếc mũ trắng nghiêng xuống gần như chạm vào nhau phía trên tấm thân nằm sõng sượt.

- Thầy chưởng khế không đến vào giờ này đâu, tội nghiệp cụ... Cụ ngủ đi... Ngày mai cụ sẽ có thời gian.

- Không... Không có thời gian đâu... - giọng nói khe khẽ cất lên. - Thầy Nogaret sẽ đến... Hãy gọi điện thoại đi, ta yêu cầu đấy.

Hai nữ tu sĩ lại bàn bạc và một trong hai xơ biến mát, rồi quay lại mang theo một cốc trà rất nóng. Cụ thử nuốt vài ngụm nhưng nhè ra ngay lập tức; nước chảy dọc theo bộ râu bạc của cụ. Bỗng nhiên cụ trở nên cực kỳ kích động; cụ rên rỉ, cụ ra lệnh:

- Bảo ông ấy nhanh lên... ông ấy đã hứa với ta là... ngay khi ta gọi ông ấy... ta yêu cầu... gấp lên, Jeanne (bởi vì trong ý nghĩ của cụ thì không phải là bà con dâu đang ở trước mặt cụ nữa, mà là bà vợ cụ, chết đã bốn mươi năm rồi).

Một cơn đau đặc biệt dữ dội nhói lên ở cái răng đau khiến cho xơ Marie dòng Thánh Thể hoàn toàn mất khả năng phản đối. Cô gật đầu ra hiệu “vâng, vâng” và, áp mùi xoa vào má, đứng bất động, nhưng xơ kia thì đứng dậy với vẻ quả quyết.

- Phải đi tìm thầy chưởng khế thôi, xơ ạ.

Cô này là người có khí chất nồng nhiệt và năng nổ, và tình trạng ngồi không rảnh rỗi của cô đã khiến cho cô thất vọng. Cô đã từng muốn đi theo bác sĩ và cha xứ lên thành phố, nhưng lại không thể bỏ mặc mười lăm cụ già của an dưỡng đường (cô không tin tưởng lắm vào phẩm chất phát huy sáng kiến của xơ Marie dòng Thánh Thể). Lúc xảy ra hỏa hoạn, cô đã run lên dưới chiếc mũ trùm đầu của mình.. Cô đã đẩy được mười lăm chiếc giường ra khỏi phòng, cô đã đích thân chuẩn bị thang, dây và các xô nước, nhưng lửa không lan đến an dưỡng đường là nơi cách nhà thờ bị ném bom hai cây số. Thế là cô đã chờ đợi, rùng mình trước tiếng kêu la của đám đông khiếp sợ, trước mùi khói và trước cảnh tượng lửa cháy, nhưng không rời vị trí của mình và sẵn sàng đối phó với mọi sự. Tuy vậy không có chuyện gì xảy ra cả. Các nạn nhân của thảm họa được chăm sóc ở bệnh viện dân sự. Chỉ còn có mỗi việc chuẩn bị món xúp cho mười lăm cụ già; có lẽ vì thế mà việc cụ Péricand đến đột ngột đã bất chợt kích thích toàn bộ năng lượng của cô.

- Phải đến đó thôi.

- Xơ nghĩ như vậy à?

- Có thể cụ ấy có những điều trăng trối quan trọng cần phải nói.

- Nhưng nhỡ đâu thầy Charboeuf không ở nhà thì sao?

Xơ Marie dòng Các Thiên thần nhún vai.

- Vào lúc mười hai giờ rưỡi đêm ấy à?

- Ông ấy sẽ không muốn đến đâu!

- Để xem nào! Đó là nhiệm vụ của ông ấy. Tôi sẽ kéo ông ấy ra khỏi giường của ông ấy nếu cần. - Nữ tu sĩ trẻ tuổi nói với vẻ phẫn nộ.

Cô đi ra và khi đã ở ngoài đường thì cô lại do dự. Tu viện có bốn xơ, trong đó hai người đã lui về tĩnh tâm tại tu viện Paray-le-Monial từ hồi đầu tháng Sáu đến giờ chưa thể trở lại được. Tu viện có một xe đạp, nhưng cho đến nay chưa có nữ tu sĩ nào dám dùng cả, họ sợ gây dư luận xấu trong dân chúng và bản thân xơ Marie dòng Các Thiên thần thì đã từng nói: “Cần phải đợi Đức Chúa ban cho chúng ta một ca khẩn cấp. Chẳng hạn như có một người ốm sắp ra đi, phải gọi bác sĩ và cha xứ đến! Mỗi một giây phút đều quý giá, ta bèn cưỡi lên xe đạp, mọi người sẽ chẳng nói năng được gì! Và đến lần sau thì họ sẽ không còn ngạc nhiên nữa!” Ca khẩn cấp vẫn chưa xuất hiện. Tuy thế xơ Marie dòng Các Thiên thần thèm trèo lên cỗ xe này kinh khủng! Ngày trước, khi cô còn sống đời trần tục, cách đây năm năm, có biết bao nhiêu là cuộc vui với các chị em gái của cô, biết bao nhiêu là chuyến đi, biết bao nhiêu là buổi đi ăn dã ngoại. Cô hất tấm voan đen của mình về phía sau, tự nhủ: “Chính là lúc này hoặc không bao giờ nữa” và, tim đập rộn lên vì vui sướng, cô nắm lấy ghi đông.

Một lát sau cô đã ở trong làng. Cô phải hơi vất vả để đánh thức thầy Charboeuf vốn là người ngủ rất say, và nhất là để thuyết phục thầy rằng cần phải đi ngay lập tức đến an dưỡng đường. Thầy Charboeuf, người được các cô gái trong vùng gọi là “Bé bự” vì cặp má phính hồng hào và đôi môi tươi của thầy, vốn dễ tính và luôn luôn sợ phụ nữ. Vừa thở dài thầy vừa mặc quần áo và lên đường đến an dưỡng đường. Thầy gặp cụ Péricand đã tỉnh ngủ hẳn, người đỏ bừng và nóng hầm hập vì sốt.

- Đây là một chưởng khế, - nữ tu sĩ thông báo.

- Ông ngồi xuống đi, ông ngồi xuống đi, - cụ già nói. - Chúng ta đừng để mất thời gian.

Viên chưởng khế lấy ông làm vườn của an dưỡng đường và ba người con trai của ông ta làm nhân chứng. Nhận thấy cụ Péricand đang vội vã, ông lấy một tờ giấy từ túi áo ra và chuẩn bị viết.

- Tôi nghe cụ đây, thưa cụ. Trước hết xin cụ làm ơn cho biết họ, tên và chức danh của cụ.

- Vậy không phải là Nogaret ư?

Cụ Péricand hồi tỉnh. Cụ đưa mắt nhìn những bức tường của an dưỡng đường, nhìn bức tượng thánh Joseph bằng thạch cao đối diện với giường cụ, nhìn hai bông hồng tuyệt đẹp mà xơ Marie dòng Các Thiên thần hái bên cửa sổ và cắm trong một chiếc bình hẹp màu lam. Cụ cố thử hiểu xem cụ đang ở đâu và tại sao cụ lại chỉ có một mình, nhưng rồi cụ từ bỏ việc này. Cụ đang hấp hối, chỉ có thế thôi, và cần phải chết đúng theo thể thức. Cái hành động cuối cùng ấy, cái chết ấy, bản di chúc ấy, bao nhiêu lần cụ đã tưởng tượng ra, cuộc trình diễn cuối cùng và xuất sắc của một người thuộc dòng họ Péricand-Maltête trên sân khấu cuộc đời. Suốt mười năm ròng chỉ còn là một ông lão tội nghiệp mà người ta hỉ mũi cho, người ta mặc quần áo cho, và đùng một cái lại lấy lại được tầm quan trọng của mình! Trừng phạt, ban thưởng, gây thất vọng, làm thỏa nguyện, phân chia tài sản trần thế của mình theo ý muốn của riêng mình. Chi phối người khác. Gây ảnh hưởng đến người khác. Chiếm vị trí hàng đầu. (Sau việc này thì chỉ còn có một nghi lễ nữa mà tại đó cụ chiếm vị trí hàng đầu, trong một cái hòm đen, trên một cái mễ, giữa những vòng hoa, nhưng cụ chỉ hiện diện ở đó với tư cách tượng trưng hay là như một thiên thần có cánh, trong khi giờ đây, thêm một lần nữa, cụ hãy còn sống...)

- Tên ông là gì? - cụ nói bằng một giọng khẽ khàng.

- Charboeuf, - viên chưởng khế khiêm nhường nói.

- Được, không sao cả. Nào.

Cụ bắt đầu đọc chậm rãi, một cách khó nhọc, như thể cụ đọc cho ông ta nghe những dòng chữ viết cho cụ và chỉ mình cụ nhìn thấy.

- Trước mặt thầy Charboeuf... chưởng khế ở... với sự chứng kiến của... - viên chưởng khế lẩm bẩm, - ... là ông Péricand...

Cụ gắng sức một cách yếu ớt để khuếch đại, để tôn lên cái họ. Vì cụ phải giữ hơi và cụ không thể hô to lên những âm tiết tuyệt vời ấy, nên đôi bàn tay tím tái của cụ nhún nhảy một lát trên tấm vải giường như những con rối: cụ cảm thấy như đang vạch những nét đen, đậm, trên giấy trang, như ngày xưa, ở phía dưới những tấm thiếp, những tấm phiếu, những vụ mua bán, những hợp đồng: Péricand... Pé-ri-cand, Louis-Auguste.

- Cư trú tại?

- 89, đại lộ Delessert, Paris.

- Thân thể đau yếu nhưng tinh thần minh mẫn, ông đã hiện diện như vậy trước mắt chưởng khế và các nhân chứng, - Charboeuf vừa nói vừa ngước mắt nhìn người bệnh với một vẻ hoài nghi.

Nhưng người hấp hối này làm ông sửng sốt. Ông đã có một kinh nghiệm nhất định; khách hàng của ông chủ yếu nằm trong số các chủ trang trại của vùng, nhưng tất cả những người giàu đều làm di chúc như thế. Ông cụ này là một người giàu, không thể nhầm được, dù rằng khi đặt cụ nằm người ta đã mặc cho cụ một chiếc áo thô kệch của an dưỡng đường, đây có lẽ là một người đáng kính nể! Được trợ giúp cho cụ như vậy bên giường chết của cụ, thầy Charboeuf cảm thấy tự hào.

- Vậy là cụ muốn chỉ định con trai cụ làm người được nhận toàn bộ di tặng phải không, thưa cụ?

- Phải, tôi để lại toản bộ động sản và bất động sản của tôi cho Adrien Péricand, với điều kiện là con trai tôi phải chuyển ngay lập tức không chậm trễ năm triệu cho viện từ thiện Trẻ thơ Hối lỗi quận XVI do tôi sáng lập. Viện từ thiện Trẻ thơ Hối lỗi phải cam kết đặt làm một bức chân dung của tôi, to bằng người thật, nằm trên giường chết, hoặc một bức tượng bán thân tái hiện những đường nét của tôi và sẽ được giao cho một nghệ sĩ xuất sắc làm và được đặt trong tiền sảnh của viện nói trên. Tôi để lại cho em gái yêu quý của tôi Adèle-Émilienne-Louise nhằm đền bù cho em tôi về mối bất hòa xảy ra giữa chúng tôi do việc kế thừa tài sản của người mẹ đáng tôn kính của tôi, Henriette Maltête, tôi để cho em tôi, tôi nói, được sở hữu hoàn toàn đất đai của tôi tại Dunkerque tậu hồi năm 1912 với toàn bộ bất động sản được xây ở đó và cả phần kho cảng thuộc về tôi nữa. Tôi ủy thác cho con trai tôi thực hiện trọn vẹn lời hứa này. Lâu đài Bléoville của tôi, tại Vorhange, tỉnh Calvados, sẽ được chuyển thành một nhà cứu tế dành cho những người bị thương nặng trong chiến tranh, ưu tiên nhận những người bị liệt và những người bị tổn thương về năng lực trí tuệ. Tôi muốn có một tấm biển đơn giản gắn trên tường mang dòng chữ: “Quỹ từ thiện Péricand-Maltête để tưởng nhớ hai người con trai của tôi tử trận tại Champagne”. Khi nào chiến tranh kết thúc...

- Tôi nghĩ, tôi ngnĩ... là nó đã kết thúc rồi, - thầy Charboeuf rụt rè xen vào.

Nhưng ông không biết rằng trong tâm tưởng, cụ Péricand đang quay trở về với một cuộc chiến tranh khác, cuộc chiến tranh đã lấy mất của cụ hai người con trai và đã làm tăng lên gấp ba tài sản của cụ. Cụ đang ở tháng Chín năm 1918 vào buổi bình minh của chiến thắng, khi căn bệnh viêm phổi suýt nữa thì mang cụ đi và trước sự hiện diện của cả gia đình tập hợp bên giường cụ (với tất cả họ hàng thân thích ở miền Bắc và miền Nam chạy bổ tới khi nghe tin này), cụ đã thực hiện cái mà nói tóm lại là cuộc tổng diễn tập cho cái chết của cụ: khi ấy cụ đã đọc những lời trối trăng của mình, giờ đây cụ tìm lại được những lời ấy vẹn nguyên trong cụ; cụ cho chúng được thoải mái tuôn trào.

- Khi nào chiến tranh kết thúc, hãy dựng một tượng đài tưởng niệm những người chết trên quảng trường của Bléoville với khoản tiền tôi cấp cho việc này là ba ngàn franc, lấy từ di sản của tôi. Trước hết, viết bằng những chữ to nạm vàng, tên hai người con trai lớn của tôi, rồi để một khoảng trống, rồi...

Cụ nhắm mắt lại, kiệt sức.

- ... Rồi đến tên tất cả những người khác viết bằng cỡ chữ nhỏ.

Cụ im lặng lâu đến nỗi viên chưởng khế lo lắng nhìn các xơ. Cụ đã...? Cụ đã đi hẳn rồi chăng? Nhưng xơ Marie dòng Các Thiên thần bình thản lắc chiếc mũ trùm đầu. Cụ còn chưa chết. Cụ đang suy nghĩ. Trong tấm thân bất động của cụ, ký ức lướt qua những khoảng không gian và thời gian mênh mông.

- Gần như toàn bộ tài sản của tôi là những chứng khoán Mỹ mà người ta bảo tôi rằng có lãi suất cao. Tôi không tin như vậy nữa.

Cụ lắc lư bộ râu dài của mình một cách sầu thảm.

- Tôi không tin như vậy nữa. Tôi muốn con trai tôi đổi ngay lập tức những thứ này sang franc Pháp. Còn có cả vàng, chẳng bõ công giữ vàng bây giờ nữa. Hãy bán vàng đi. Một bản sao bức chân dung của tôi cũng sẽ được treo ở lâu đài Bléoville trong gian phòng lớn tầng dưới. Tôi để lại cho người hầu phòng trung thành của tôi một khoản trợ cấp hàng năm và trọn đời là một ngàn franc. Đối với tất cả các chắt của tôi sẽ ra đời, mong rằng bố mẹ chúng sẽ chọn tên tôi Louis-Auguste để đặt nếu đó là con trai, và Louise-Augustine nếu đó là con gái.

- Thế là hết ạ? - thầy Charboeuf hỏi.

Bộ râu dài của cụ hạ xuống, ra dấu rằng phải, thế là hết rồi. Trong những giây lát có vẻ ngắn ngủi đối với viên chưởng khế, các nhân chứng và các xơ, nhưng lúc này lại dài như một thế kỷ, dài như cơn mê sảng, dài như một giấc mộng, cụ Péricand đi ngược trở lại con đường mà cụ đã đi qua trên trái đất này: những bữa ăn tối trong gia đình, đại lộ Delessert, những giấc ngủ trưa trong phòng khách, con mèo Anatole nằm trong lòng cụ; cuộc trao đổi cuối cùng với ông anh cả của cụ mà từ đó hai người đã giận nhau ghê gớm (và cụ đã bí mật mua lại các cổ phần của hãng). Jeanne, vợ cụ, ở Bléoville, lưng còng, đau khớp, nằm trên một chiếc ghế rơm dài ở trong vườn, một chiếc quạt giấy trong tay (bà chết tám ngày sau đó), và Jeanne ở Bléoville, ba mươi lăm năm trước, sau lễ cưới của họ, lũ ong bay vào nhà qua ô cửa sổ để mở và hút mật ở những bông hoa loa kèn trong bó hoa cô dâu và vòng hoa cam ném dưới chân giường. Jeanne nép vào trong vòng tay cụ và cười...

Và có lẽ cụ cảm thấy cái chết đang đến; cụ có một cử chỉ ngắn ngủi, gò bó, sửng sốt nữa, cứ như thể cụ đang thử đi qua một cánh cửa quá hẹp đối với cụ và nói: “Không. Mời ngài đi trước”, và trên nét mặt cụ hiện lên một vẻ ngạc nhiên.

- Vậy là như thế chăng? - cụ dường như nói. - Chính là như thế chăng?

Vẻ ngạc nhiên tan biến đi, gương mặt trở nên nghiêm nghị, ủ rũ, và thầy Charboeuf vội vã viết:

Vào lúc bút được đưa đến cho người làm di chúc để ông đặt chữ ký vào bản di chúc này, ông đã cố gắng ngẩng đầu lên, nhưng không được, và ngay lập tức trút hơi thở cuối cùng, điều này được chưởng khế và các nhân chứng xác nhận, và tuy thế, sau khi đọc, họ đã đặt chữ ký của mình để chứng thực tính hợp pháp.”