Bản giao hưởng Pháp - Phần I - Chương 24

24

Thế nhưng Jean-Marie đã hồi tỉnh. Suốt bốn ngày, anh ngủ gà ngủ gật trong trạng thái vô thức và sốt. Chỉ đến hôm nay anh mới cảm thấy khỏe hơn. Ngày hôm trước một bác sĩ đã đến được; ông thay băng và nhiệt độ đã hạ xuống. Từ chỗ của mình, trên chiếc sập mà người ta đặt anh nằm, Jean-Marie nhìn thấy một căn bếp rộng hơi tối, chiếc mũ trắng của một bà già ngồi trong một góc, những chiếc xoong đẹp bóng loáng treo trên tường và một bức lịch vẽ một người lính Pháp, hồng hào và mũm mĩm, ôm ghì hai cô gái trẻ người Alsace, kỷ niệm của cuộc chiến tranh khác. Thật lạ lùng khi thấy ở đây những kỷ niệm của cuộc chiến tranh kia lại sống động đến mức ấy. Ở vị trí danh dự, bốn bức chân dung đàn ông mặc quân phục, một chiếc nơ màu cờ tam tài và một mảnh băng tang nhỏ bằng lụa crêpe đính ở một góc, một bộ tạp chí L’Illustration từ năm 1914 đến năm 1918, được đóng lại với bìa màu đen và màu lục, đặt bên cạnh anh để anh giết thời gian trong giai đoạn dưỡng bệnh.

Trong những câu chuyện mà anh nghe thấy, không ngớt lặp lại những từ “Verdun, Charleroi, Marne...” “Khi đã trải qua cuộc chiến tranh kia...” “Khi tôi tham gia chiếm đóng ở Mulhouse...” về cuộc chiến tranh hiện tại, về thất bại, người ta ít nói đến, nó vẫn chưa thấm vào đầu óc họ, nó sẽ chỉ thành hình, sống động và khủng khiếp sau mấy tháng nữa, có thể là sau nhiều năm nữa, có thể khi những cậu bé lem luốc mà Jean-Marie nhìn thấy thập thò phía trên hàng rào gỗ nhỏ trước cửa nhà trở thành đàn ông. Đầu đội những chiếc mũ rơm rách nát, đôi má nâu hồng, tay cầm những cái que dài xanh lá cây, sợ sệt, tò mò, chúng kiễng trên những đôi guốc gỗ của mình để được cao hơn và nhìn người lính bị thương ở trong nhà, và khi Jean-Marie cựa mình, chúng biến đi, lặn mất tăm như ếch trong nước. Đôi khi cửa hàng rào mở ra để lọt vào một con gà mái, một con chó già nghiêm nghị, một con gà tây to tướng. Jean-Marie chỉ nhìn thấy các chủ nhà của mình vào giờ ăn. Ban ngày, anh được giao phó cho bà già đội mũ. Khi trời tối, hai cô gái trẻ đến ngồi cạnh anh. Một cô được gọi là Cécile, cô kia là Madeleine. Suốt một thời gian anh cứ tưởng họ là chị em ruột. Nhưng không! Cécile là con gái bà chủ trang trại và Madeleine vốn là đứa trẻ được Nhà nước gửi nuôi(4). Cả hai cô đều ưa nhìn, không đẹp nhưng tươi tắn, Cécile có khuôn mặt béo tốt đỏ đắn và cặp mắt nâu linh lợi, Madeleine tóc vàng, thanh mảnh hơn, đôi má sáng bóng, mịn màng và hồng như hoa táo.

4. Nguyên văn tiếng Pháp: "enfant assisté", chỉ những đứa trẻ mồ côi hoặc bô mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, được Nhà nước đưa về nuôi tại các cơ sở của Nhà nưóc, hoặc gửi nuôi tại các gia dinh khác, với tiền trợ cấp của chính phủ.

Qua các cô gái này, anh biết được những sự kiện trong tuần. Qua miệng họ, qua cách nói hơi lủng củng của họ, tất cả những sự việc có tầm quan trọng đáng kể ấy đã bị mất đi cái âm hưởng bi kịch của chúng. Các cô thường nói: “Buồn thật đấy”, và “Chẳng vui vẻ gì khi nhìn thấy thế...” “Ôi! Buồn lắm ấy, anh ạ!” Anh tự hỏi đó là cách nói chung của dân trong vùng hay còn là một cái gì đó sâu sắc hơn, bắt nguồn từ chính tâm hồn của những cô gái này, từ tuổi trẻ của họ, từ một bản năng nói cho họ biết rằng những cuộc chiến tranh sẽ qua đi và kẻ xâm lược sẽ rời khỏi nơi đây, rằng cuộc sống dù bị biến đổi, thậm chí bị tổn hại, nhưng vẫn còn. Mẹ anh, tay cầm mảnh len đan, cũng thưởng thở dài nói với anh, trong lúc nồi xúp đang nấu trên bếp lửa: “Năm 1914 ấy à? Đó là năm mẹ với bố con cưới nhau. Bố mẹ đã thật khốn khổ khi kết thúc năm đó nhưng lại rất hạnh phúc khi bắt đầu cuộc sống mới.” Tuy thế ánh phản chiếu từ tình yêu của họ đã làm dịu và điểm tô sắc màu cho cái năm tai ương ấy.

Cũng như vậy, đối với các cô gái trẻ này, mùa hè năm 1940 dù thế nào đi nữa cũng sẽ ở lại trong ký ức họ như là mùa của tuổi hai mươi của họ, anh nghĩ. Anh chẳng muốn suy nghĩ; suy nghĩ còn tồi tệ hơn là nỗi đau thể chất, nhưng mọi thứ cứ quay trở lại, mọi thứ cứ quay cuồng không ngớt trong đầu anh: chuyện anh bị triệu về trả phép giữa chừng vào ngày 15 tháng Năm, bốn ngày ở Anger ấy, những đoàn tàu không chạy nữa, những người lính nằm trên các tấm ván, bị bọ đốt, rồi những đợt báo động, những trận bom, trận chiến Rethei, rút quân, trận chiến Somme, lại rút quân, những ngày rút chạy từ thành phố này sang thành phố khác, không có chỉ huy, không có mệnh lệnh, không có vũ khí, và cuối cùng là cái toa tàu bốc cháy ấy. Thế là anh cựa quậy và rên rỉ. Anh không còn biết mình đang giãy giụa trong thực tế hay là trong một giấc mơ lộn xộn nảy sinh từ cơn khát và cơn sốt. Nào, không thể như thế được đâu... Có những điều không thể được... Có ai đó đã nói về Sedan nhỉ? Đó là năm 1870, đó là ở phía đầu trang, trong một cuốn sách Lịch sử có bìa bọc vải màu hung đỏ mà anh vẫn còn nhìn thấy. Đó là... Anh từ tốn đọc nhấn giọng từng từ: “Sedan, cuộc bại trận ở Sedan, trận đánh thảm hại ở Sedan đã quyết định số phận của cuộc chiến...” Trên tường, hình ảnh trong bức lịch, người lính tươi cười và hồng hào kia với hai cô gái Alsace để lộ những đôi tất dài màu trắng của họ. Phải, đó là giấc mơ, là quá khứ, còn anh thì... Anh bắt đầu run lẩy bẩy và nói: “Cám ơn, không sao đâu, cám ơn, không cần phải vậy đâu...”, trong khi người ta luồn xuống dưới chăn và đặt lên đôi chân nặng nề và cứng đờ của anh một cái cục tròn nóng.

- Tối nay anh có vẻ khá hơn đấy.

- Tôi cảm thấy khá hơn, - anh trả lời.

Anh hỏi mượn một cái gương và mỉm cười khi thấy trên cằm mình đã mọc một vành râu quai nón màu đen.

- Ngày mai tôi phải cạo râu mới được...

- Nếu anh có sức. Anh muốn làm đẹp vì ai thế?

- Vì các cô.

Các cô gái cười rồi lại gần anh. Các cô tò mò muốn biết anh từ đâu đến, anh đã bị thương ở đâu. Thỉnh thoảng, cảm thấy áy náy, các cô ngừng nói.

- Ôi! Không nên để cho bọn em tán chuyện... như vậy sẽ làm cho anh mệt đấy... Rồi bọn em sẽ bị mắng mất thôi... có phải anh tên là Michaud?... Jean-Marie?

- Đúng vậy.

- Anh là người Paris à? Anh làm nghề gì vậy? Anh là công nhân à? Mà không! Nhìn tay anh là em biết. Anh là viên chức hay có lẽ là công chức?

- Chỉ là sinh viên thôi.

- A! Anh học à? Tại sao vậy?

- Quả thật, - anh vừa nói vừa suy nghĩ, - tôi cũng tự hỏi như thế đấy.

Thật kỳ cục... anh và các bạn anh đã học, đã trải qua và đỗ được các kỳ thi, giành được các bằng cấp, trong khi biết rõ rằng điều đó là vô ích, chẳng dùng làm gì được bởi vì có thể sẽ có chiến tranh. Tương lai của họ đã được vạch trước, sự nghiệp của họ đã được trời an bài, như ngày xưa người ta nói rằng “hôn nhân được trời an bài”. Anh được sinh ra từ một chuyến về phép năm 1915. Anh sinh ra từ chiến tranh và (anh đã luôn luôn biết điều này) cho chiến tranh. Chẳng hề có chút bệnh hoạn gì trong cái ý nghĩ này mà anh chia sẻ với rất nhiều chàng trai cùng tuổi với anh, và đơn giản là điều đó hợp lý và phải lẽ. Nhưng, anh tự nhủ, bởi vì giờ đây cái xấu nhất đã qua rồi, mọi sự sẽ thay đổi. Lại có tương lai. Chiến tranh đã kết thúc, thật khủng khiếp, nhục nhã, nhưng nó đã kết thúc rồi. Và... có hy vọng...

- Tôi muốn viết sách, - anh rụt rè nói, tiết lộ cho các cô gái nông dân này, cho những người không quen biết này, một mong ước mới chỉ chớm hình thành trong anh, trong sâu thẳm trái tim anh.

Rồi anh muốn biết tên của nơi này, của trang trại mà anh đang ở.

- Chỗ này ở xa mọi thứ, - Cécile nói, - đây là xứ nhà quê. Ồ! Bọn em cũng chẳng được tiêu khiển thường xuyên đâu. Cứ chăn nuôi súc vật rồi cũng thành ngu ngốc như các con vật, phải không Madeleine?

- Cô ở đây từ lâu rồi phải không, cô Madeleine?

- Từ lúc em được ba tuần. Mẹ Cécile đã nuôi em cùng với chị ấy. Hai chúng em là chị em sữa.

- Hai cô tâm đầu ý hợp lắm nhỉ, tôi thấy vậv.

- Bọn em không phải bao giờ cũng suy nghĩ giống nhau đâu, - Cécile nói. - Nó đã từng muốn làm xơ đấy!

- Có những lúc... - Madeleine nói và mỉm cười.

Cô có một nụ cười xinh xắn từ tốn và hơi rụt rè.

“Không biết cô ấy xuất thân từ đâu nhỉ?” Jean-Marie nghĩ. Bàn tay cô đỏ nhưng có dáng vẻ yêu kiều, đôi chân của cô cũng vậy. Một đứa trẻ của Sở Cứu tế... anh cảm thấy hơi tò mò, hơi thương cảm. Anh biết ơn cô vì những mộng tưởng mơ hồ mà cô làm nảy sinh trong lòng anh. Điều đó giải khuây cho anh, ngăn không cho anh nghĩ về bản thân và về cuộc chiến. Chỉ tiếc là anh cảm thấy người yếu quá. Thật khó khăn để cười, để đùa với các cô... mà đó lại chính là điều các cô chờ đợi, hẳn thể! Ở thôn quê, giữa con gái và con trai, những trò chọc ghẹo, những lời đùa giễu là được phép... Chuyện đó là hợp lề thói, người ta vẫn làm như vậy. Các cô sẽ thất vọng và chưng hửng nếu như anh không cười đùa với các cô.

Anh cố gắng để cười.

- Một chàng trai sẽ đến làm cô thay đổi ý kiến thôi, cô Madeleine ạ, cô sẽ không muốn làm xơ nữa đâu!

- Em bảo là có những lúc em muốn như thế mà!

- Lúc nào vậy?

- Ồ! Em không biết... có những ngày buồn...

- Ở đây thì chẳng có nhiều con trai đâu, - Cécile nói. - Em bảo anh là chúng ta ở xa mọi thứ mà. Rồi, có mỗi một ít người, thì chiến tranh lại lấy mất đi. Thế thì phải làm sao nào? Ôi, thật khốn khổ khi là con gái!

- Tất cả mọi người đều khổ cả! - Madeleine nói.

Cô đang ngồi cạnh người bị thương. Cô đúng phắt dậy.

- Cécile, chị không nhớ à! Chúng mình chưa lau sàn nhà.

- Đó là lượt của em.

- Thế à! Chị thật chẳng biết ngượng! Lượt của chị thì có ấy!

Các cô cãi cọ một lát, rồi làm việc cùng nhau. Các cô cực kỳ nhanh nhẹn và khéo léo. Chẳng mấy chốc những ô gạch đỏ ánh lên dưới làn nước mát. Từ ngưỡng cửa bay vào mùi cỏ, mùi sữa, mùi bạc hà dại. Jean-Marie áp má vào bàn tay mình. Sự tương phản giữa cái yên ả tuyệt đối này với sự xáo động trong anh thật lạ lùng, bởi vì tiếng ồn ào dữ dội của sáu ngày vừa qua vẫn ở trong tai anh và chỉ cần một khoảnh khắc yên lặng thôi là anh lại nghe thấy nó: tiếng ồn của kim loại cọ xát, tiếng một chiếc búa sắt gõ từng cú khô khốc và chậm rãi lên một cái đe to tướng... Anh rùng mình và người anh đẫm mồ hôi... Đó là tiếng ồn ở toa tàu bị nã đạn, tiếng vỡ tung của những thanh xà và thép trùm lên trên tiếng la thét của con người. Anh nói thật to:

- Dù thế nào cũng phải quên đi tất cả những điều đó, đúng không?

- Anh nói gì vậy? Anh cần gì chăng?

Anh không trả lời. Anh không nhận ra Cécile và Madeleine nữa. Các cô lắc đầu, rụng rời.

- Lại lên cơn sốt dấy.

- Cũng tại chị làm anh ấy phải nói nhiều quá!

- Làm gì có chuyện! Anh ấy có nói gì đâu. Chính chúng mình mới nói suốt đấy chứ!

- Điều đó làm cho anh ấy mệt.

Madeleine nghiêng người về phía anh. Anh thấy ngay sát mặt mình là cái má hồng tỏa mùi dâu tây ấy. Anh hôn cô! Cô đứng thẳng dậy đỏ mặt, cười, vuốt lại những lọn tóc xõa ra của mình.

- Được rồi, được rồi, anh làm em sợ đấy... anh cũng không đến nỗi ốm lắm đâu!

Anh nghĩ: “Cô gái này là ai thế nhỉ?” Anh hôn cô cũng giống như đưa lên miệng một cốc nước mát. Anh nóng hừng hực, anh có cảm giác cổ họng mình, phía trong miệng mình như nứt ra vì nóng, khô kiệt vì sức nóng rừng rực của một ngọn lửa. Làn da tươi sáng và mềm mại này làm anh dịu cơn khát. Đồng thời trí óc anh lại tràn đầy sự sáng suốt do trạng thái mất ngủ và cơn sốt đem lại. Anh đã quên tên của các cô gái này và tên của chính mình. Gắng gượng tinh thần để hiểu hoàn cảnh hiện tại của mình, ở cái nơi mà anh không còn nhận ra nữa ấy, là việc quá nặng nhọc đối với anh. Anh kiệt sức vì điều có, nhưng trong thế giới trừu tượng linh hồn anh phiêu bồng thanh thản và nhẹ nhõm, như cá trong nước, như một con chim bị gió cuốn đi. Anh không thấy chính mình, anh, Jean-Marie Michaud, mà thấy một người khác, một người lính vô danh, bại trận, không cam chịu, một chàng trai trẻ bị thương mà không muốn chết, một kẻ bất hạnh nhưng không tuyệt vọng. “Dù thế nào cũng phải thoát được ra... Phải ra khỏi đây, khỏi chỗ máu me này, khỏi vũng bùn mà chúng ta đang lún vào... Dù thế nào cũng không thể nằm ở đây và chết... Đúng không nào? Như thế thật là ngớ ngẩn, cần phải bám vững... bám vững... bám vững...” anh lẩm bẩm, và anh lại nằm, mắt mở to, tựa vào chiếc gối dài, người nâng cao trên giường, nhìn đêm đầy ánh trăng, đêm ướp hương, lặng lẽ, đêm lấp lánh, thật dịu dàng sau một ngày nóng nực, đêm mà trang trại đang đón nhận qua các cánh cửa ra vào và cửa sổ để mở trái với lệ thường, để có thể làm cho người bị thương tỉnh táo và dịu đi.