Bản giao hưởng Pháp - Phần I - Chương 25

25

Khi cha Péricand lại lên đường với lũ con trai, mỗi đứa mang theo một cái chăn cùng một túi dết và lê chân theo ông trong bụi, ông đi theo hướng vào sâu trong nội địa, rời vùng sông Loire đầy nguy hiểm để đi vào rừng, nhưng quân đội đã đóng ở trong đó nên linh mục nghĩ rằng binh lính có thể sẽ bị máy bay phát hiện và trong những khu rừng tái sinh này cũng nguy hiểm như trên các bờ sông. Thế là, rời bỏ đường quốc lộ, ông đi theo một con đường đầy đá, gần như là một con đường mòn, phò thác cho bản năng dẫn dắt mình tới một ngôi nhà biệt lập nào đó, giống như khi ở trên núi ông dẫn đội trượt tuyết của mình tới một chỗ trú chân nào đó mất hút trong sương mù hay trong bão tuyết. Ở đây đang là một ngày tháng Sáu tuyệt vời, tươi sáng và nóng nực đến nỗi các cậu con trai cảm thấy như bị say. Cho tới trước lúc này chúng vẫn lặng lẽ và ngoan ngoãn, quá ngoan ngoãn, giờ thì chúng xô đẩy nhau, hò hét, và cha Péricand bắt gặp những tiếng cười và những câu hát được kìm lại. Ông lắng tai, nghe một điệp khúc tục tĩu vang lên khe khẽ sau lưng ông, như được hát lầm rầm bằng những cặp môi chỉ hơi hé mở. Ông đề nghị các cậu bé hát đồng ca một bài ca đi đường. Ông hát mở đầu, nhấn rành rọt từng lời, nhưng chỉ có vài giọng hát theo ông. Sau một lát, tất cả im bặt. Thế là ông cũng bước đi mà không nói, tự hỏi không rõ thứ tự do đột ngột này đã thức dậy điều gì ở những đứa trẻ tội nghiệp kia, những mong muốn mơ hồ nào? những ước mơ nào? Một trong các cậu bé bỗng nhiên dừng lại và kêu lên: “Thằn lằn, ô kìa! Thằn lằn này! Nhìn xem!” Giữa hai tảng đá dưới ánh nắng mặt trời là những cái đuôi nhanh nhẹn xuất hiện, biến mất; những cái đầu bẹt thò ra; những cổ họng phập phồng nâng lên và hạ xuống với một mạch đập nhanh và hoảng sợ. Các cậu bé vui sướng nhìn. Một vài cậu thậm chí còn quỳ xuống trên đường. Cha xứ kiên nhẫn một lát, rồi ra hiệu lên đường. Lũ trẻ ngoan ngoãn đứng dậy, nhưng ngay lúc ấy những hòn sỏi được bắn ra từ tay chúng một cách rất khéo léo, với sự nhanh nhẹn bất ngờ đến nỗi hai con trong bầy thằn lằn, hai con đẹp nhất, to, có màu xám tinh tế gần như màu lam, bị giết chết ngay tại chỗ.

- Tại sao các con lại làm như vậy? - cha xứ bất bình thốt lên.

Không ai trả lời.

- Tại sao? Thật là hèn!

- Nhưng nó cũng như rắn mà, nó cắn, - một cậu bé có gương mặt tái xanh, nhớn nhác, với cái mũi dài nhọn, nói.

- Thật là ngớ ngẩn! Thằn lằn lành lắm.

- A! Chúng con không biết, thưa Cha. - Cậu bé đáp bằng cái giọng du côn của mình, với vẻ ngây thơ giả vờ không lừa được linh mục.

Nhưng ông nghĩ đây không phải chỗ và cũng không phải lúc để quở trách bọn trẻ về chuyện này; ông chỉ khẽ nghiêng đầu như thể hài lòng về câu trả lời nhưng cũng nói thêm:

- Bây giờ thì các con đã biết rồi đấy.

Ông bảo lũ trẻ xếp hàng lại để đi theo ông. Cho tới trước lúc này ông vẫn để chúng đi theo ý chúng, nhưng đột nhiên ông nghĩ là một vài đứa có thể tính tới chuyện bỏ trốn. Lũ trẻ vâng lệnh ông một cách thật hoàn hảo, thật máy móc, chắc chắn chúng đã thành thạo lắm với những hồi còi, với việc xếp hàng, với sự thuần phục, với việc im lặng bắt buộc, đến nỗi ông cảm thấy tim mình thắt ỉại. Ông lướt nhìn những gương mặt đột ngột trở nên buồn tẻ, lờ đờ, thực sự kín bưng như một ngôi nhà có thể kín, cửa đóng then cài, tâm hồn khép lại, hoặc không có hoặc đã chết. Ông nói:

- Chúng ta phải nhanh lên nếu muốn tìm được một chỗ trú ẩn ban đêm, nhưng ngay khi cha biết chúng ta sẽ ngủ ở đâu và ngay sau khi chúng ta ăn tối (vì các con sắp bắt đầu đói rồi đấy!) thì chúng ta có thể tổ chức lửa trại và ở ngoài trời chừng nào mà các con còn thích.

Ông bước đi giữa bọn chúng, nói chuyện với chúng về những đứa trẻ của ông ở Auvergne, về chuyện trượt tuyết, về những chuyến leo núi, cố gắng gây hứng thú cho lũ trẻ, làm cho chúng trở nên gần gũi với ông. Cố gắng vô ích. Bọn chúng dường như thậm chí chẳng nghe ông; ông hiểu rằng tất cả những lời mà người ta nói với chúng, những lời khích lệ, khiển trách, dạy bảo, đều không bao giờ có thể thấm vào chúng được bởi vì chúng chống lại điều đó bằng một tâm hồn đóng kín, bít lại, điếc và câm.

“Giá như ta có thể coi giữ lũ trẻ lâu hơn được,” ông tự nhủ. Nhưng trong thâm tâm ông biết rằng ông không muốn điều đó. Ông chỉ muốn có một điều: được rảnh nợ với bọn trẻ này càng nhanh càng tốt, được thoát khỏi trách nhiệm của mình và cái cảm giác khó chịu mà bọn chúng trút lên ông. Cái đạo lý yêu thương mà cho đến nay ông vẫn thực hiện được một cách gần như dễ dàng, chính là nhờ ân huệ mà Chúa ban cho ông thật lớn, ông khiêm nhường nghĩ, thì giờ đây ông không thể phục tùng được “trong khi có thể đây là lần đầu tiên ta sẽ có được một cố gắng đáng khen, một hy sinh thực sự. Ta thật là yếu đuối!” Ông gọi một cậu bé luôn bị tụt lại phía sau đến bên cạnh mình.

- Con mệt à? Giày của con làm con đau ư?

Phải, ông đã đoán đúng: giày của cậu bé quá chật và làm cậu đau. Ông vừa cầm tay cậu để giúp cậu bước đi, vừa nhẹ nhàng nói với cậu và, vì cậu có dáng đi xấu, vai gù, lưng còng, ông khẽ nắm lấy cổ cậu, bằng hai ngón tay, để bắt cậu phải thẳng người lên. Cậu bé không chống cự. Trái lại, mắt xa xăm, vẻ mặt thờ ơ, cậu tì cổ vào bàn tay đó và cái áp mình lặng lẽ, nài nỉ ấy, sự mơn trớn lạ lùng, đáng ngờ ấy, hay đúng hơn là sự đợi chờ hành động mơn trớn ấy đã khiến mặt linh mục nóng bừng. Ông nâng cằm đứa trẻ lên và cố gắng nhìn sâu vào mắt nó, nhưng dưới cặp mi cụp xuống của cậu bé, không thể nào nhìn thấy được đôi mắt.

Ông vừa rảo bước, vừa cố gắng tĩnh tâm, như ông vẫn hay làm trong những lúc buồn bã, một thứ cầu nguyện nội tâm; nói đúng ra thì đó không phải là một sự cầu nguyện. Thường thì thậm chí đó không phải là những từ thông dụng trong ngôn ngữ của con người. Đó là một sự nhập định khó tả mà sau khi thực hiện ông đắm mình trong niềm vui và sự bình yên. Nhưng cả hai điều này đều rời bỏ ông hôm nay. Sự thương xót mà ông cảm thấy đã bị biến chất bởi một gợn lo âu và cay đắng. Thật quá rõ là những kẻ tội nghiệp này bị thiếu ân huệ: ân huệ của Chúa. Ông những muốn làm cho chúng được hưởng ân huệ ấy, tiếp truyền cho những trái tim khô cằn ấy đức tin và tình yêu. Chắc chắn chỉ cần một tiếng thở dài của Chúa, một tiếng vỗ cánh của một trong các thiên thần thì điều thần diệu sẽ được thực hiện, nhưng ông, Philippe Péricand, chẳng phải là ông đã được Chúa chỉ định để làm dịu đi, để hé mở các tâm hồn, chuẩn bị cho họ đón nhận Chúa tới đó sao? Ông đau khổ vì không có khả năng làm được điều đó. Ông đã được chừa ra khỏi những khoảnh khắc nghi ngờ và sự khô đạo đột ngột vốn xâm chiếm tâm hồn kẻ tín đồ nhưng lại không trao họ cho các thủ lĩnh thế gian(5) mà bỏ rơi họ dường như ở lưng chừng đường giữa Quỷ sứ và Thượng đế, chìm trong bóng tối mù mịt.

5. Chỉ Quỷ sứ, theo cách gọi trong Kinh thánh.

Điều cám dỗ đối với ông lại khác: đó là một sự nôn nóng kỳ lạ, là mong muốn quy tụ lại xung quanh mình những linh hồn được giải thoát, là một sự vội vàng run rẩy mà ngay sau khi ông chinh phục được một trái tim cho Chúa nó lại đẩy ông tới những trận chiến khác, khiến cho ông luôn luôn thất vọng, không thỏa mãn, không hài lòng về bản thân mình. Như thế chưa đủ! Không, lạy Chúa, như thế chưa đủ! Ông lão ngoại đạo đã chịu xưng tội, đã chịu lễ ban thánh thể trước khi chết ấy, người đàn bà tội lỗi đã từ bỏ sự đồi bại ấy, kẻ tà giáo đã mong muốn làm lễ rửa tội ấy. Chưa đủ, không, chưa đủ! Ông cũng có biết một điều gì đó tương tự như sự tham lam của một kẻ keo kiệt tích cóp vàng. Thế nhưng không phải, điều đó không hoàn toàn như vậy. Điều đó gợi cho ông nhớ tới những lúc ở bên bờ sông khi ông còn bé: những lúc sướng run lên mỗi khi câu được cá (và bây giờ ông không hiểu nổi tại sao ông lại có thể thích cái trò chơi tàn bạo này; thậm chí ông còn cảm thấy khó chịu khi phải ăn cá. Rau, đồ ăn chế biến từ sữa, bánh mì tươi, hạt dẻ và loại súp nhà quê sánh đặc đen mức có thể cắn đúng thìa là đủ cho sự ăn uống của ông), nhưng hồi bé ông đã từng là một người câu cá say mê và ông nhớ lại nỗi lo âu mỗi khi mặt trời ẩn mình trên mặt nước, chiến lợi phẩm của ông chỉ có ít và ông biết rằng ngày nghỉ đã chấm dứt đối với mình. Ông đã bị chê trách là quá thận trọng. Bản thân ông thì sợ rằng điều đó không phải là đến từ Chúa mà là từ một Kẻ khác... Dù thế nào đi nữa, chưa bao giờ ông có cảm giác giống như hôm nay, trên con đường này, dưới vòm trời lấp loáng những chiếc máy bay chết chóc kia, giữa những đứa trẻ mà ông sẽ chỉ cứu được phần xác ấy...

Họ đi được một lúc thì nhìn thấy những ngôi nhà đầu tiên của một làng quê. Làng rất nhỏ, còn nguyên vẹn, vắng hoe: dân làng đã bỏ đi. Tuy nhiên, trước khi đi họ đã khóa chắc cửa ra vào và chốt chặt cửa sổ; họ mang theo chó, thỏ và gà. Chỉ còn lại có vài con mèo ngủ dưới ánh nắng trên các lối đi trong vườn hay dạo chơi trên những mái nhà thấp, với một vẻ no nê và bình thản. Vì đang là mùa hoa hồng, trên mỗi chiếc cống đều có một bông hoa nở rộ, tươi đẹp, để cho ong vò vẽ và ong gấu lọt vào ăn nhụy hoa. Ngôi làng bị con người bỏ rơi ấy, nơi chẳng nghe thấy cả tiếng bước chân lẫn giọng nói và thiếu vắng mọi tiếng động của thôn quê - tiếng ken két của xe cút kít, tiếng gù của lũ chim bồ câu, tiếng chiêm chiếp của bầy gia cầm - giờ đã trở thành vương quốc của chim chóc, của ong mật và ong bầu. Philippe cảm giác dường như ông chưa từng bao giờ nghe thấy những tiếng hót rung vang và vui vẻ đến ngần ấy cũng như chưa từng bao giờ nhìn thấy xung quanh mình nhiều đàn ong đến vậy. Những đụn cỏ khô, những quả dâu tây, những quả lý đen, những bông hoa nhỏ ngát hương mọc quanh các bồn hoa, mỗi lùm cây, mỗi khóm cây, mỗi cọng cỏ đều phát ra tiếng rì rầm êm dịu như tiếng xa kéo sợi. Những mảnh vườn nhỏ này đã được chăm sóc một cách hiệu quả và đầy yêu thương; tất cả các vườn đều có một vòng cung phủ hoa hồng, một giàn vòm với những bông tử đinh hương cuối mùa, hai chiếc ghế sắt, một chiếc ghế băng đặt dưới ánh nắng. Những quả lý chua to đùng, trong suốt và vàng óng.

- Tối nay có bữa tráng miệng tuyệt quá, - Pliilippe nói. - Lũ chim sẽ buộc phải chia sẻ món ăn này với chúng ta, chúng ta sẽ chẳng làm hại ai cả khi hái những quả này. Tất cả các con đều có túi đồ ăn đủ dùng, chúng ta sẽ không bị đói đâu. Mà này, đừng tính đến chuyện ngủ trong giường nhé. Ta nghĩ là một đêm ngủ ngoài trời sẽ không làm các con sợ chứ? Các con có chăn ấm mà. Nào, chúng ta cần gì nhỉ? Một bãi cỏ, một con suối. Ta nghĩ chắc các con chẳng thích các kho thóc và các chuồng trại đâu! Ta cũng thế... trời đẹp thế này mà. Ăn vài trái cây cho phấn chấn rồi đi theo ta, chúng ta sẽ cố gắng tìm cho được một chỗ tốt.

Ông đợi khoảng mười lăm phút trong khi lũ trẻ ngốn ngấu dâu; ông chú ý canh chừng chúng để ngăn chúng khỏi giẫm nát hoa và rau nhưng ông đã không phải can thiệp, lũ trẻ quả thực rất ngoan. Lần này ông không huýt còi, mà chỉ cao giọng gọi.

- Nào, để lại một chút cho tối nay nhé. Hãy đi theo ta. Nếu các con không la cà dọc đường thì ta miễn cho các con không phải xếp hàng.

Thêm một lần nữa lũ trẻ tuân lệnh. Chúng nhìn cây, nhìn trời, nhìn hoa, nhưng Philippe không thể đoán ra được là chúng nghĩ gì... Dường như, điều làm cho chúng vui thích, điều khêu gợi trái tim chúng, đó không phải là thế giới hiển hiện này mà là mùi hương ngây ngất của không khí trong lành và của tự do mà chúng đang hít thở kia, một mùi hương thật mới mẻ đối với chúng.

- Không ai trong các con đã từng biết vùng thôn quê à?

- Vâng, thưa cha, vâng thưa cha, vâng, - chúng nói lần lượt và chậm chạp.

Philippe đã nhận thấy từ trước rằng ông chỉ có thể có được câu trả lời của lũ trẻ sau vài giây im lặng, như thể chúng đang nghĩ cách giả vờ, nói dối, hoặc là chúng mãi không hiểu được chính xác điều mà người ta muốn hỏi chúng... Lúc nào cũng có cái cảm giác như đang giao tiếp với những đối tượng... không hẳn là người..., ông nghĩ, cất cao giọng, ông nói:

- Nào, chúng ta khẩn trương thôi.

Khi đi ra khỏi làng, họ nhìn thấy một công viên rộng, thiếu tay người chăm sóc, một cái ao đẹp, sâu và trong vắt cùng với một ngôi nhà trên đồi.

Một tòa lâu đài, hẳn thế, Philippe nghĩ. Ông bấm chuông ở hàng rào sắt với hy vọng là khu nhà có người ở, nhưng căn nhà của người gác cổng đóng kín và không có ai ra sau hồi chuông của ông.

- Thế nhưng đây lại là một bãi cỏ dường như để dành cho chúng ta vậy, - Philippe vừa nói vừa lấy tay chỉ về phía bờ ao. - Biết làm sao được, các bạn trẻ! Chúng ta sẽ gây tổn hại ít hơn so với lúc ở các mảnh vườn nhỏ được trồng trọt chu đáo kia, ở đây chúng ta sẽ dễ chịu hơn là ở trên đường và nếu có giông thì hẳn là chúng ta có thể trú vào những căn phòng tắm nhỏ này...

Công viên chỉ được rào lại bằng một hàng rào dây sắt; họ vượt qua hàng rào một cách dễ dàng.

- Đừng có quên rằng, - Philippe vừa nói vừa cười, - tuy ta nêu gương cho các con về việc phá rào để vào bất hợp pháp, nhưng ta vẫn yêu cầu các con phải tôn trọng tuyệt đối khu vực sở hữu tư nhân này; không bẻ một cành cây nào, không để quên một tờ báo nào trên cỏ, không bỏ lại một vỏ đồ hộp nào hết. Rõ chưa? Nếu các con ngoan, ngày mai ta sẽ cho phép các con được xuống ao tắm.

Cỏ mọc cao đến nỗi chạm tới tận đầu gối họ; họ giẫm lên những bông hoa; Philippe chỉ cho lũ trẻ xem hoa Đức Mẹ Đồng trinh, những ngôi sao có sáu cánh trắng, và hoa thánh Joseph có màu tím nhạt, gần như màu hồng.

- Chúng con có thể hái hoa này được không, thưa Cha?

- Được. Những hoa này thì các con muốn hái bao nhiêu cũng được. Chỉ cần một chút mưa và ánh nắng là chúng đã nảy mầm rồi. Còn những cây kia thì phải chăm sóc vất vả lắm, - ông vừa nói vừa chỉ những lùm cây trồng quanh lâu đài. Một thằng bé, đứng cạnh ông, ngước khuôn mặt chữ điền bé nhỏ, nhợt nhạt, xương xẩu gồ ghề, về phía những ô cửa sổ đóng kín.

- Trong kia chắc phải có khối thứ!

Nó nói nhỏ nhưng với một âm sắc chói tai khô khốc khiến linh mục lo ngại. Thấy ông không trả lời, thằng bé nói thêm.

- Có phải không, thưa Cha, chắc ở đó phải có khối thứ nhỉ?

- Bọn con thì chưa từng bao giờ thấy những ngôi nhà như thế này cả, - một thằng khác nói.

- Chắc là có những thứ rất đẹp, những đồ gỗ, những bức tranh, những pho tượng... nhưng có rất nhiều chủ nhân lâu đài như thế này bị phá sản và các con có lẽ sẽ thất vọng nếu các con tưởng tượng là sẽ được thấy những kỳ quan, - Philippe vui vẻ trả lời. - Cái mà các con quan tâm nhất, ta nghĩ, là đồ ăn. Dân vùng này ta thấy có vẻ nhìn xa trông rộng nên chắc họ đã mang mọi thứ đi cả rồi. Vả lại đằng nào thì chúng ta cũng không được đụng vào những thứ ấy vì nó không phải là của chúng ta, tốt nhất là đừng nghĩ đến nó và tự xoay xở với những thứ mà chúng ta có. Ta sẽ lập ba nhóm: nhóm thứ nhất đi lượm củi khô, nhóm thứ hai múc nước, nhóm thứ ba chuẩn bị các ga men.

Dưới sự chỉ đạo của ông, lũ trẻ làm việc nhanh và tốt. Một đống lửa lớn được nhóm lên bên bờ ao; lũ trẻ ăn, uống, hái dâu rừng. Philippe muốn tổ chức các trò chơi nhưng lũ trẻ chơi với một vẻ ủ dột và miễn cưỡng, không hò hét, không cười đùa. Cái ao không còn lấp loáng dưới ánh mặt trời nữa mà chỉ lóe lên yếu ớt và trên bờ ao có tiếng ếch kêu. Lửa rọi sáng lên các chú bé bất động, trùm chăn.

- Các con muốn ngủ à?

Không ai trả lời.

- Các con không lạnh chứ, phải không? Vẫn im lặng.

Thế nhưng có phải tất cả bọn chúng đều ngủ đâu, linh mục nghĩ. Ông đứng dậy và bước đi giữa các dãy. Thỉnh thoảng ông cúi xuống, đắp lại chăn cho một thân hình gầy gò hơn, mảnh khảnh hơn những thân hình khác, một mái đầu tóc xẹp, có đôi tai vểnh. Mắt chúng đã khép lại. Chúng làm ra vẻ ngủ hay quả thực giấc ngủ đã xâm chiếm chúng. Philippe trở lại đọc cuốn kinh nhật tụng của mình bên đống lửa. Thỉnh thoảng ông lại ngước mắt lên và nhìn ánh phản chiếu từ mặt nước. Những khoảnh khắc nhập định lặng lẽ này làm cho ông rũ bỏ được hết mệt mỏi, đền đáp lại mọi nỗi vất vả của ông. Tình yêu thương lại thấm vào tim ông như mưa thấm vào đất hạn, thoạt đầu chỉ từng giọt một, mở đường một cách khó khăn giữa sỏi đá, rồi thành một dòng chảy dài vội vã khi đã tìm đến được trái tim.

Những đứa trẻ tội nghiệp! Một đứa trong bọn nằm mơ và trong giấc mơ nó thốt ra một tràng dài những tiếng rên rỉ đơn điệu. Linh mục giơ tay lên trong bóng tối, ban phúc lành cho lũ trẻ, lầm rầm một lời cầu nguyện. “Pater amat vos,” ông thì thầm nói. Ông thích nói câu đó với lũ trẻ trong lớp học giáo lý của ông mỗi khi khuyến khích chúng sám hối, nhẫn nhục, cầu nguyện. “Đức Chúa Cha yêu các con”. Làm sao ông lại có thể tưởng rằng những kẻ bất hạnh này thiếu ân huệ? Biết đâu ông còn không được yêu thương bằng chúng, không được đối xử với sự khoan dung, với sự trìu mến thần thánh bằng cái đứa kém cỏi nhất, cái đứa bị ruồng rẫy nhất trong lũ trẻ này? Ôi Chúa Jesus! Hãy tha thứ cho con! Đó là một cơn kiêu ngạo, đó là một cái bẫy của quỷ sứ! Con là ai cơ chứ? Chẳng là gì cả, chỉ là cát bụi dưới đôi chân tôn kính của ngài, Chúa ơi! Vâng, không còn nghi ngờ gì nữa, con, kẻ mà ngài đã yêu thương, đã che chở từ tấm bé, đã dẫn dắt đến với ngài, có điều gì mà ngài không có quyền đòi hỏi? Nhưng những đứa trẻ này... một số sẽ được lựa chọn... những đứa khác thì... Các Thánh thần sẽ chuộc tội cho chúng... Vâng, mọi việc tốt đẹp, mọi thứ tốt lành, mọi sự đều đầy ân huệ. Chúa Jesus, hãy tha thứ cho nỗi phiền muộn của con!

Mặt nước khẽ lay động, đêm trang trọng và yên tĩnh. Cái sự hiện diện mà vắng nó ông không thể sống nổi ấy, cái Hơi thở ấy, cái Ánh mắt ấy hướng về ông trong bóng tối. Một đứa trẻ nằm ngủ trong đêm đen, được áp sát vào ngực mẹ, thì không cần ánh sáng để nhận biết những đường nét thân yêu của mẹ mình, đôi tay của mẹ, những chiếc nhẫn của mẹ! Ông cười, tuy rất khẽ, vì vui sướng. “Chúa Jesus, ngài đang ở đây, ngài lại đến đây rồi. Xin hãy ở lại bên con, Người Bạn tôn kính!” Một ngọn lửa dài màu hồng, chói rực, cháy vọt lên từ một khúc củi đen. Đã khuya; trăng lên cao, nhưng ông không buồn ngủ. Ông lấy một cái chăn, nằm dài ra trên cỏ. Ông nằm, mắt mở to, cảm thấy sát má mình có một bông hoa cọ vào. Không có một tiếng động nào ở cái xó đất này.

Ông không nghe thấy, ông không nhìn thấy gì hết, ông cảm nhận được bằng một loại giác quan thứ sáu cuộc chạy lặng lẽ của hai thằng bé đang bỏ trốn về phía lâu đài. Chuyện đó xảy ra nhanh đến nỗi thoạt đâu ồng cứ tưởng mình đã nằm mơ. Ông không muốn gọi mà cũng không muốn làm thức giấc những đứa trẻ khác đang ngủ. Ông đứng dậy, xem lại chiếc áo dòng của mình, trên đó vẫn còn dính những cọng cỏ và cánh hoa, rồi ông cũng đi về phía lâu đài. Thảm cỏ dày làm nhẹ đi tiếng bước chân. Giờ đây ông nhớ là lúc trước ông đã nhận thấy rằng một trong các cửa sổ đã không khép chặt, cánh cửa hé mở. Đúng vậy, ông đã không nhầm! Ánh trăng rọi sáng mặt trước lâu đài. Một trong hai thằng bé đẩy, phá cửa. Philippe không kịp kêu lên, ngăn chúng lại, thì một viên đá đã đập vỡ cửa kính; những mảnh vụn rơi xuống. Hai thằng bé, bằng một cú nhảy vọt như mèo, mất hút vào bên trong.

- A! Cái bọn ranh ma, ta sẽ giúp chúng bay! - Philippe thốt lên.

Vén tấm áo dòng lên đến tận đầu gối, đi theo đúng lối mà bọn trẻ đã đi, ông rơi vào một căn phòng khách với những đồ đạc được phủ vải bọc ngoài, sàn ván to lạnh lẽo, bóng loáng. Ông mò mẫm một lát rồi mới tìm được chỗ bật điện. Khi đèn bật lên, ông chẳng nhìn thấy ai cả. Ông do dự, nhìn quanh (các cậu bé đã trốn hoặc bỏ chạy): những chiếc tràng kỷ, chiếc đàn dương cầm, những chiếc ghế bành thấp phủ vải bọc với những nếp xếp bồng bềnh, những tấm rèm vải in hoa ở cửa sổ, từng ấy thứ là từng ấy chỗ trốn. Ông tiến vào dưới một khuôn cửa sâu vì những bức trướng phủ tường động đậy; ông đột ngột vén những bức trướng ra; một thằng bé ở trong đó, một trong những đứa lớn tuổi nhất, gần như đã là một người đàn ông với gương mặt ngăm đen, đôi mắt khá đẹp, cái trán thấp, quai hàm nặng nề.

- Các con vào đây làm gì vậy? - linh mục nói.

Ông nghe thấy tiếng động phía sau và quay người lại; một thằng bé khác đang ở trong phòng, chính xác là ở ngay sau lưng ông; nó có lẽ cũng khoảng mười bảy hay mười tám tuổi; nó có cặp môi mím chặt, khinh khỉnh, trên một gương mặt vàng vọt; có thể nói thú tính đã được truyền vào dưới da nó. Ông cảnh giác nhưng bọn chúng quá nhanh so với ông; ngay tức khắc chúng xông vào, một thằng ngáng chân lật ngã ông, thằng kia túm lấy cổ ông. Nhưng Philippe đã vật lộn một cách lặng lẽ, hiệu quả. Ông túm được cổ áo của một thằng, siết chặt đến nỗi nó phải buông ông. Trong lúc nó vùng vẫy để thoát ra, có một cái gì đó rơi từ túi quần nó và lăn xuống đất: đó là tiền.

- Ta có lời khen, mày nhanh đấy, - Philippe hổn hển nói, ông ngồi bệt trên sàn nhà, nghĩ: “Trước hết không nên coi là quá nghiêm trọng, phải đưa chúng nó ra khỏi đây rồi chúng sẽ đi theo mình như lũ chó con thôi. Ngày mai, ta sẽ thấy!” - Thế là đủ rồi nhé! Những trò bậy bạ như thế này là đủ lắm rồi... đi ra thôi.

Ông vừa thốt lên những lời này thì bọn chúng lại nhảy xổ vào ông một cách lặng lẽ, hung dữ và tuyệt vọng; một thằng cắn ông, máu vọt ra.

“Chúng sẽ giết mình mất,” Philippe sững sờ tự nhủ. Bọn chúng bám chặt lấy ông như lũ sói. Ông không muốn làm cho chúng đau, nhưng ông buộc phải tự vệ; bằng những cú đấm, cú đá, ông đẩy lùi chúng và chúng lại tiếp tục một cách dai dẳng hơn nữa, mất hết vẻ người, những kẻ điên rồ, những con thú... Dù sao Philippe vẫn là người mạnh nhất, nhưng ông bị một thứ đồ gỗ giáng vào đầu, một cái bàn tròn chân đồng; ông ngã và trong lúc ngã xuống ông nghe thấy một trong hai thằng bé chạy ra cửa sổ và huýt sáo lên một tiếng. Phần còn lại ông không nhìn thấy gì hết: không thấy hai mươi tám thằng bé đột ngột thức dậy, chạy qua bãi cỏ, trèo qua cửa sổ, không thấy chúng xông vào những đồ đạc dễ hỏng rồi đập phá, cướp bóc, ném qua cửa sổ. Chúng cuồng lên, chúng nhảy múa xung quanh vị linh mục đang nằm sõng sượt, chúng hát và hò hét; một thằng nhóc, mặt như con gái, chụm chân nhảy lên một chiếc sofa, chiếc ghế phát ra tiếng kêu ken két từ những lò xo cũ kỹ. Những đứa lớn tuổi nhất phát hiện ra một két rượu, chúng lôi két rượu vào trong phòng khách bằng cách đạp chân đẩy két đi; khi mở két ra, chúng nhận thấy két rỗng không, nhưng chúng không cần rượu để chuếnh choáng: bản thân cuộc phá phách là đã đủ đối với chúng rồi, chúng cảm thấy một niềm hạnh phúc kinh khủng vì việc đó. Chúng túm chân lôi Philippe ra khỏi lâu đài, đẩy ông qua cửa sổ, làm ông rơi phịch xuống bãi cỏ. Ra đến bờ ao, chúng vồ lấy ông, quăng ông đi như quăng một cái gói - ô! ề! giết chết đi! - chúng thét lên bằng cái giọng khàn khàn, the thé, trong đó một vài giọng vẫn còn âm sấc trẻ thơ. Nhưng khi rơi xuống nước, ông hãy còn chưa chết. Một bản năng bảo tồn hay là một cú bột phát cuối cùng của lòng can đảm đã níu giữ ông lại trên bờ; ông dùng hai tay bám vào một cành cây và cố nhô đầu lên khỏi ao. Gương mặt bầm dập của ông vì những cú đấm cú đá đã thành đỏ sẫm, sưng phồng, quái dị và khủng khiếp. Chúng ném đá vào ông. Thoạt đầu ông trụ vững, dùng hết sức bíu vào cành cây, nó chao đảo, gãy, đổ xuống. Ông cố sang tới bờ bên kia nhưng những viên đá cứ trút như mưa lên người ông. Cuối cùng ông giơ hai cánh tay lên, để ra phía trước mặt, và lũ trẻ thấy ông chìm thẳng xuống, trong chiếc áo dòng màu đen của ông. Ông không chết đuối: ông bị lún trong bùn. Ông đã chết như vậy, nước ngập đến ngang thắt lưng, đầu lật về phía sau, mắt bị một viên đá chọc thủng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3