Bản giao hưởng Pháp - Phần I - Chương 26
26
Tại nhà thờ lớn Đức Bà, ở Nîmes, hàng năm đều có cử hành một buổi lễ cầu nguyện cho những người đã qua đời của gia đình Péricand-Maltête, nhưng vì ở Nîmes chỉ còn mỗi bà mẹ của bà Péricand, nên thông thường buổi lễ này đươc thực hiện khá nhanh chóng trong gian phòng làm lễ phụ nằm ở cánh nhà thờ, trước một bà cụ già gần như mù lòa, béo phì, thở ồ ồ át cả tiếng cha xứ, và một bà đầu bếp sống trong nhà từ ba mươi năm nay. Bà Péricand khi sinh ra mang họ Craquant, thông gia với gia đình Craquant ở Marseille là những người giàu lên nhờ buôn bán dầu ăn. Cái gốc gác này đối với bà hẳn là cũng đáng kính rồi (và của hồi môn là hai triệu, hai triệu thời trước chiến tranh), nhưng nó bị lu mờ đi trước ánh sáng chói lọi của dòng họ mới của bà. Mẹ bà, cụ bà Craquant, cũng có cùng cách nhìn nhận này và, khi lui về sống ở Nîmes, cụ đã tuân thủ tất cả các nghi lễ của gia đình Péricand một cách hết sức trung thành, cụ cầu nguyện cho tất cả những người đã qua đời và gửi cho những người còn sống những lá thư chúc mừng lễ cưới, lễ rửa tội, giống như những người Anh ở thuộc địa uống rượu say trong đơn độc khi London mở hội mừng sinh nhật nữ hoàng.
Buổi lễ cho những người quá cố này đặc biệt dễ chịu đối với cụ bà Craquant vì sau buổi lễ, trên đường từ nhà thờ lớn về, cụ đi đến một hiệu bánh ngọt và ở đó cụ uống một chén sô cô la và ăn hai chiếc bánh sừng bò. Do cụ rất béo, bác sĩ của cụ đã yêu cầu cụ tuân theo một chế độ ăn uống nghiêm ngặt, nhưng vì cụ đã dậy sớm hơn thường lệ và cụ đã đi xuyên qua hết nhà thờ lớn từ chỗ cái cửa to chạm trổ đến tận ghế ngồi của cụ, điều đó đã làm cho cụ rất mệt mồi, nên cụ hấp thụ không ân hận những thứ thực phẩm bổ dưỡng kia. Thậm chí thỉnh thoảng, khi bà đầu bếp mà cụ vẫn e ngại đã quay lưng đi và đứng nghiêm nghị, lặng lẽ bên cửa ra vào, hai cuốn sách kinh cầm trên tay và chiếc khăn san đen của cụ chủ Craquant vắt cánh tay, cụ liền kéo về phía mình một đĩa bánh ngọt và với vẻ lơ đãng cụ ngốn lúc thì một chiếc bánh phồng kem, lúc thì một miếng bánh kem mứt anh đào, lúc thì cả hai thứ.
Ở bên ngoài, cỗ xe thắng hai con ngựa già và được điều khiển bởi một người đánh xe cũng béo gần bằng cụ bà Craquant, đứng đợi dưới ánh nắng và đám ruồi.
Năm nay, tất cả đều bị đảo lộn; gia đình Péricand, tản cư về Nîmes sau những sự kiện hồi tháng Sáu, vừa được biếc tin về cái chết của cụ Péricand-Maltête và của Philippe. Tin đầu tiên được báo cho họ bởi các xơ của an dưỡng đường, nơi cụ già đã có một kết thúc “rất nhẹ nhàng, rất an ủi, rất ngoan đạo”, xơ Marie dòng Thánh Thể đã viết như vậy, cụ đã có lòng nhân từ đối với những người thân của mình tới mức là đã quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất của bản di chúc, bản này sẽ được sao lại ngay khi có thể.
Bà Péricand đọc đi đọc lại câu cuối cùng, thở dài, và một vẻ lo lắng lan ra trên nét mặt bà, nhưng nó nhường chỗ ngay tức khắc cho sự trang nghiêm của một tín đồ Cơ Đốc giáo nhận được tin một người thân thiết đã bình yên về với Đức Chúa.
- Ông của các con đang ở bên Chúa Jesus, các con ạ, - bà nói.
Hai tiếng đồng hồ sau, cú thứ hai giáng xuống gia đình đã được hé lộ nhưng không có một chi tiết cụ thể nào; xã trưởng của một làng nhỏ thuộc tỉnh Loiret tiết lộ cho bà biết rằng linh mục Philippe Péricand đã chết vì tai nạn và ông ta gửi lại cho bà những giấy tờ xác định chắc chắn danh tính của vị linh mục. Về phần ba chục đứa trẻ được giám hộ mà linh mục chịu trách nhiệm, thì chúng đã biến mất. Do lúc này một nửa nước Pháp đang tìm kiếm nửa kia, nên điều đó chẳng làm ai ngạc nhiên cả. Người ta nói đến một chiếc xe tải bị rơi xuống sông, không xa chỗ mà Philippe chết, và những người thân của ông tin chắc rằng đây chính là chuyện xảy ra với ông và những đứa trẻ mồ côi bất hạnh. Cuối cùng người ta nói với bà rằng Hubert đã bị giết chết trong trận đánh ở Moulins. Lần này, thảm họa đã trọn vẹn. Nỗi bất hạnh cực cùng đã khiến bà thốt lên một tiếng kêu kiêu hãnh đầy tuyệt vọng.
- Tôi đã sinh ra một người anh hùng và một vị thánh, - bà nói. - Những đứa con trai của chúng tôi chết thay cho con của những người khác, - bà vừa lẩm bẩm với vẻ u ám vừa nhìn bà em họ Craquant của mình, người có cậu con trai duy nhất đã kiếm được một chỗ yên ổn trong lực lượng phòng thủ thụ động ở Toulouse. - Odette ơi, tim chị chảy máu, em biết là chị chỉ sống vì các con của chị, chị là người mẹ, chỉ là mẹ mà thôi (bà Craquant, thời trẻ vốn là người sống dễ dãi, cúi đầu xuống), nhưng chị thề với em, niềm tự hào mà chị cảm thấy khiến cho chị quên đi nỗi tang tóc của mình.
Và vươn thẳng người kiêu hãnh, đầy phẩm cách, cảm thấy như tấm khăn tang đã đung đưa trên mình, bà tiễn bà em họ ra đến tận cửa, bà này thở dài kính cẩn:
- Ôi! Chị là một người đàn bà La Mã thực sự.
- Chỉ là một người đàn bà Pháp tốt thôi, - bà Péricand vừa nói bằng một giọng khô khan vừa quay lưng đi.
Những lời nói này đã làm dịu đi đôi chút nỗi đau buồn dữ dội và sâu sắc của bà. Bà luôn luôn tôn trọng Philippe và trong chừng mực nào đó bà đã hiểu rằng ông không thuộc thế giới này, bà biết ông đã từng mơ ước đến sứ mệnh truyền giáo và, nếu như ông từ bỏ điều ấy, thì đó là do một sự nhún nhường tế nhị, ông đã chọn cách phụng sự Chúa bằng công việc khó khăn nhất đối với mình: tuân thủ những nghĩa vụ hết sức thường ngày. Bà tin tưởng chắc chắn rằng con trai bà đang ở bên Đức Jesus. Khi bà nói như vậy về ông bố chồng của mình, trong thâm tâm bà lại có một mối ngờ vực khiến bà phải tự trách mình, thế nhưng... về Philippe thì:
“Mình nhìn thấy điều đó như thể là mình ở đấy!” bà nghĩ. Phải, bà có thể tự hào về Philippe và ánh chói lọi của linh hồn ông đã lan sang đến bản thân bà. Nhưng cái lạ lùng nhất lại là điều diễn ra trong bà đối với Hubert, cái thằng Hubert bị những điểm 0 ở trường trung học, cái thằng gặm móng tay, cái thằng Hubert tay vấy mực, mặt phúng phình, cái miệng rộng tươi tắn. Hubert, chết như một người anh hùng, điều đó... thật khó tưởng tượng... Khi bà kể cho những người bạn đầy xúc động của mình nghe về cuộc ra đi của Hubert (tôi đã cố giữ nó lại, tôi đã thấy rõ là không thể làm được điều ấy. Đó là một đứa trẻ, nhưng là một đứa trẻ trung hậu, và nó đã ngã xuống vì danh dự của nước Pháp). Giống như Rostand(6)) đã nói: “Càng đẹp hơn nhiều khi đó là điều vô ích”. Bà tái tạo lại quá khứ. Bà có cảm giác như quả thực trước đây bà đã từng nói những lời đầy kiêu hãnh này, và bà đã gửi con trai mình ra mặt trận.
6. Edmon Rostand (1868-1918), nhà thơ, nhà viết kịch Pháp.
Nîmes, cho đến trước lúc này vẫn đánh giá bà không phải là không gay gắt, giờ đây lại cảm thấy một sự quý mến gần như là dịu dàng đối với người mẹ đau khổ ấy.
- Chúng ta sẽ có được cả thành phố ngày hôm nay, - cụ bà Craquant thở dài nói với một vẻ thỏa mãn u sầu.
Đó là ngày 31 tháng Bảy. Vào lúc mười giờ sẽ phải cử hành buổi lễ cầu nguyện cho những người đã qua đời trong đó ba cái tên đã được thêm vào một cách thật bi thảm.
- Ôi! Mẹ ơi, thế thì được cái gì nào? - bà con gái của cụ trả lời, nhưng không thể biết được những lời nói này của bà có ý chỉ một niềm an ủi như vậy là hão huyền hay có ý đánh giá thấp những người đồng hương của mình.
Thành phố chói chang dưới ánh mặt trời gay gắt. Trong những khu phố đông dân, một cơn gió âm ỉ và khô hanh lay động những tấm mành làm bằng những hạt cườm màu treo trên các ngưỡng cửa. Ruồi đốt, trời như sắp có giông. Nîmes, thông thường vẫn im ắng vào thời kỳ này trong năm, giờ đông nghịt người. Những người tị nạn đã tràn vào đây giờ vẫn còn đó, họ phải lưu lại vì thiếu xăng và vì đường ranh giới trên sông Loire đã tạm thời bị đóng. Các đường phố và quảng trường biến thành những bãi đậu ô tô. Không còn phòng trống nào. Đến tận giờ, người ta vẫn ngủ ở ngoài đường và một bó rơm, dùng thay giường, trở thành đồ xa xỉ. Nîmes tự hào vì đã làm nghĩa vụ của mình và còn làm hơn cả nghĩa vụ của mình đối với những người tị nạn. Thành phố đã dang tay đón họ, đã ôm họ vào lòng. Không có một gia đình nào mà lại không tỏ lòng hiếu khách đối với những kẻ khốn khổ. Chỉ đáng tiếc là tình trạng này lại kéo dài quá mức. Có vấn đề về tiếp phẩm và cũng không nên quên - dân Nîmes nói - rằng tất cả những người tị nạn tội nghiệp bị kiệt sức vì đi đường này sẽ là nạn nhân của những dịch bệnh khủng khiếp nhất. Cho nên, bằng những lời ẩn ý, qua con đường báo chí, và với một cách ít che đậy hơn, một cách phũ phàng hơn là qua miệng dân chúng, ngày nào người ta cũng khẩn khoản yêu cầu họ ra đi càng nhanh càng tốt, việc mà cho tới giờ hoàn cảnh vẫn chưa cho phép thực hiện.
Cụ bà Craquant, vì đã cho tất cả con cháu đến ở tại nhà mình nên có thể ngẩng cao đầu mà từ chối, dù chỉ là vài tấm vải trải giường thôi, cụ cũng đã được nếm trải khá đủ cái sự náo nhiệt này, nó vọng đến tận tai cụ qua những bức mành hạ thấp. Cũng như lũ trẻ nhà Péricand, cụ dùng bữa sáng trước khi đi đến nhà thờ. Bà Péricand nhìn họ ăn, nhưng không đụng đến những món được dọn ra là những thứ rất ngon lành tuy đang thời kỳ hạn chế thực phẩm, nhờ có đồ dự trữ tích lũy trong những chiếc tủ tường to từ khi chiến tranh nổ ra.
Cụ bà Craquant, với chiếc khăn ăn trắng như tuyết phủ trên bộ ngực đồ sộ, đang ăn nốt lát bánh mì rán phết bơ thứ ba, nhưng cụ cảm thấy là cụ sẽ khó mà tiêu hóa được miếng bánh này; cái nhìn chằm chằm và lạnh lùng của bà con gái cụ làm cho cụ luống cuống. Thỉnh thoảng cụ lại ngừng ăn và rụt rè nhìn bà Péricand.
- Mẹ chẳng biết tại sao mẹ lại ăn, Charlotte ạ, - cụ nói, - không trôi được!
Bà Péricand trả lời bằng một giọng mỉa mai lạnh lẽo:
- Mẹ phải cố lên chứ, mẹ.
Và bà đẩy ra trước bộ đồ ăn của mẹ bà bình nước sô cô la đầy ắp.
- Ừ thì nào! Cho mẹ thêm nửa chén nữa, Charlotte, nhưng mà không quá nửa chén đâu nhé!
- Mẹ có biết đây là chén thứ ba rồi không?
Nhưng cụ bà Craquant có vẻ như đột nhiên bị nghễnh ngãng.
- Ừ, ừ, - cụ vừa ậm ừ nói vừa gật đầu. - Con nói đúng đấy Charlotte ạ, phải ăn lấy sức trước buổi lễ đau buồn này. - ''Và cụ húp nước sô cô la sủi bọt với một tiếng thở dài!
Giữa lúc đó có tiếng chuông cửa và gia nhân mang một cái gói đến cho bà Péricand. Trong gói có những bức ảnh chân dung của Philippe và Hubert. Bà đã đặt thợ làm khung lồng ảnh của các con trai mình. Bà ngắm nghía các bức ảnh hồi lâu, rồi bà đứng dậy, đặt ảnh lên bàn, lùi lại một chút để xem ra sao, rồi bà đi vào phòng mình và quay trở lại mang theo hai cái nơ hoa bằng lụa crêpe và hai chiếc ruy băng màu cờ tam tài. Bà phủ những thứ này viền quanh các khung ảnh. Đúng lúc ấy, có tiếng nức nở của vú em đang đứng ở ngưỡng cửa, ôm Emmanuel trên tay. Jacqueline và Bernard cũng bật khóc. Bà Péricand vòng tay ôm hai đứa, nhẹ nhàng kéo chúng đứng dậy và dẫn chúng ra đến bàn.
- Các con yêu của mẹ! Hãy nhìn kỹ hai anh của các con. Hãy xin Đức Chúa gia ân cho các con được giống hai anh. Hãy cố gắng được như hai anh là những đứa con ngoan, vâng lời và chăm chỉ. Hai anh đã từng là những đứa con thật ngoan, - bà Péricand nói, giọng nghẹn lại vì đau đớn, - cho nên mẹ không lạ khi Chúa đã ban thưởng hai anh bằng cách trao cho hai anh niềm vinh quang của kẻ tuẫn đạo. Không nên khóc. Hai anh đang ở bên Đức Chúa; hai anh nhìn thấy chúng ta, hai anh che chở cho chúng ta. Hai anh sẽ đón chúng ta trên đó, và trong lúc chờ đợi, ở dưới này, chúng ta có thể tự hào về hai anh, với tư cách là những người Cơ Đốc giáo và những người Pháp.
Giờ thì tất cả mọi người đều khóc; đến cả cụ bà Craquant cũng bỏ chén sô cô la của mình và tay run run tìm khăn mùi soa. Bức chân dung của Philippe trông giống lạ lùng. Đó đúng là ánh mắt sầu thẳm và trong sáng của ông. Có vẻ như ông đang lặng ngắm những người thân của mình với nụ cười dịu dàng mà thỉnh thoảng ông vẫn có, khoan dung và trìu mến.
- ... Và trong lời cầu nguyện của các con, - bà Péricand kết thúc, - đừng quên những đứa trẻ khốn khổ đã mất tích cùng với anh con.
- Có thể không phải tất cả bọn họ đều đã chết?
- Có thể như vậy, - bà Péricand lơ đãng nói, - rất có thể. Những đứa trẻ tội nghiệp... Mặt khác, cái viện từ thiện này là một trách nhiệm nặng nề, - bà nói thêm, và ý nghĩ của bà lại quay trở về với bản di chúc của ông bố chồng bà.
Cụ bà Craquant lau mắt.
- Cái thằng bé Hubert... nó thật là dễ thương, thật là hay đùa. Mẹ nhớ, một hôm, khi các con đến đây chơi, mẹ ngủ thiếp đi ở phòng khách sau bữa ăn trưa, và thế là cái thằng ranh mãnh ấy nó liền tháo cái giấy bẫy ruồi gắn trên chùm đèn ra và khe khẽ hạ xuống đầu mẹ. Mẹ tỉnh dậy, và mẹ thét lên một tiếng, hôm ấy con đã trị nó một trận ra trò, Charlotte ạ.
- Con không nhớ, - Charlotte nói bằng một giọng khô khan. - Nhưng mẹ uống cho xong tách sô cô la của mẹ đi và chúng ta khẩn trương lên. Xe đang đợi phía dưới. Sắp mười giờ rồi.
Họ đi xuống phố, đầu tiên là cụ bà, nặng nề và thở đứt quãng, chống gậy, rồi đến bà Péricand, bên ngoài toàn đồ tang, rồi đến hai đứa trẻ mặc đồ đen và Emmanuel mặc đồ trắng, cuối cùng là vài gia nhân mặc đại tang, cỗ xe ngựa đang đợi; người đánh xe đang rời ghé bước xuống để mở cửa xe thì, đột nhiên, Emmanuel giơ ngón tay nhỏ xíu ra và chỉ vào ai đó trong đám đông.
- Hubert, Hubert kia kìa!
Vú em máy móc quay người về phía thằng bé chỉ, bà tái nhợt đi và kêu lên một tiếng tắc nghẹn.
- Lạy Chúa! Lạy Đức Mẹ Đồng trinh!
Một thứ tiếng rú khàn khàn thoát ra từ miệng bà mẹ, bà hất tấm mạng đen của mình về phía sau, đi hai bước về phía Hubert, rồi trượt trên vỉa hè và sụp xuống trên cánh tay của người đánh xe vừa kịp tiến lên để đỡ bà.
Đó đúng là Hubert, một lọn tóc xõa xuống mắt, nước da hồng hào và rám nắng như một quả đào mận, không hành lý, không xe đạp, không thương tích, vừa tiến lại vừa cười với cái miệng rộng tươi hơn hớn ngoác hết cỡ của cậu.
- Chào mẹ! Chào bà ngoại! Mọi người khỏe cả chứ?
- Cháu đấy à? Cháu đấy à? Cháu còn sống! - cụ bà Craquant vừa cười vừa khóc cùng một lúc. - Ôi! Thằng bé Hubert của bà, bà đã biết rõ là cháu không chết mà! Cháu tinh ranh lắm nên làm sao mà chết được, lạy Chúa!
Bà Péricand hồi tỉnh.
- Hubert? Đúng là con đấy à? - bà ấp úng nói bằng một giọng nghẹn ngào.
Hubert vừa hài lòng vừa ngượng nghịu vì sự đón tiếp này. Cậu tiến hai bước về phía mẹ, giơ má ra để bà ôm hôn mà chẳng biết rõ là bà đang làm gì, rồi cậu đứng đó, người lúc lắc trước mặt bà như mỗi lần cậu vác từ trường về một điểm 0 bài dịch tiếng La tinh.
Bà thở dài “Hubert” và lao vào ôm lấy cổ cậu, bám chặt vào cậu, phủ lên cậu những cái hôn và nước mắt. Một đám đông nho nhỏ cảm động vây quanh họ. Hubert không biết phải cư xử thế nào, bèn vỗ vỗ vào lưng bà Péricand, cứ như là bà nuốt cái gì bị nghẹn.
- Nhà mình không đợi con phải không ạ?
Bà ra hiệu rằng đúng vậy.
- Nhà mình định đi chơi à?
- Thằng bé khốn khổ! Chúng ta đi ra nhà thờ để làm lễ cầu nguyện cho linh hồn con yên nghỉ đấy.
Thế là cậu buông mẹ ra:
- Không phải đùa đấy chứ ạ?
- Nhưng mà, con đã ở đâu vậy? Con đã làm gì trong hai tháng qua? Người ta nói với nhà mình là con đã bị giết chết ở Moulins.
- Thì đấy, mẹ thấy rõ ràng điều đó không đúng vì con ở đây mà.
- Nhưng con đã đi chiến đấu phải không? Hubert, đừng có nói dối! Con đã muốn xông vào cái chỗ đó lắm mà, cái thằng bé ngu ngốc này. Thế còn xe đạp của con? Xe đạp đâu rồi?
- Mất rồi ạ.
- Tất nhiên là thế! Cái thằng này nó làm tôi chết mất thôi! Thôi được, kể đi, nói đi, con đã ở đâu nào?
- Con đã cố tìm gặp lại nhà mình.
- Lẽ ra con đừng bỏ nhà mà đi thì tốt hơn, - bà Péricand nghiêm khắc nói. - Bố con sẽ hài lòng khi biết chuyện đấy, - cuối cùng bà nói bằng một giọng đứt quãng.
Rồi đột nhiên, bà bật khóc nức nở, ôm hôn con trai thêm nữa. Trong lúc đó thời giờ cứ trôi qua, bà bèn lau mắt nhưng nước mắt vẫn tuôn ra.
- Nào, lên đi con, đi tắm rửa đi! Con có đói không?
- Không ạ, con đã ăn nhiều lắm rồi, cám ơn mẹ.
- Thay mùi xoa đi, thay cà vạt đi, rửa tay đi, phải chỉnh tề chứ, trời ạ! Và con phải nhanh lên để ra nhà thờ với cả nhà.
- Sao? Nhà mình vẫn đi ra đó à? Con còn sống mà, cả nhà không thích thấy việc đó bằng việc đi nhậu nhẹt một bữa ngon lành hay sao? Đi tiệm ăn ấy, được không ạ?
- Hubert!
- Có chuyện gì thế ạ? Có phải vì con nói “nhậu nhẹt” không?
- Không phải, nhung...
“Thật là kinh khủng khi phải nói với nó điều ấy, như thế này, ở ngay ngoài đường phố,” bà nghĩ. Bà cầm lấy tay cậu và dắt cậu trèo lên cỗ xe.
- Con của mẹ, có hai nỗi bất hạnh lớn đã xảy ra. Đầu tiên là ông nội, ông nội tội nghiệp đã mất, và Philippe...
Cậu đón nhận cú sốc một cách lạ lùng. Hai tháng trước thì có lẽ cậu đã òa lên khóc, với những giọt nước mắt to trong suốt và mặn lăn trên đôi má hồng hào. Cậu tái nhợt đi một cách quá mức, và gương mặt cậu có một vẻ mà bà chưa từng biết đến ở cậu, rắn rỏi, gần như khắc nghiệt.
- Ông nội thì con không quan tâm, - cậu nói sau một hồi dài im lặng. - Còn về anh Philippe thì...
- Hubert, con điên đấy à?
- Vâng, con không quan tâm, và mẹ cũng vậy thôi. Ông đã già lắm rồi và đau ốm. Ông có thể làm được gì trong tất cả những sự rối rắm này cơ chứ?
- Bậy nào! - cụ bà Craquant chạnh lòng, phản đối.
Nhưng cậu vẫn tiếp tục nói mà không nghe cụ.
- Về anh Philippe thì... Nhưng trước hết, mẹ có chắc không đấy? Có khi lại giống như trường hợp của con thì sao?
- Than ôi, đã chắc chắn rồi...
- Philippe...
Giọng cậu run lên và vỡ ra.
- Anh ấy không phải là người ở đây, những người khác họ luôn luôn nói về trời nhưng họ chỉ nghĩ về đất thôi... Còn anh ấy, anh ấy đến từ nơi Chúa và hẳn là giờ đây anh ấy rất hạnh phúc.
Cậu úp mặt vào đôi bàn tay của mình và đứng bất động hồi lâu. Thế rồi mọi người nghe thấy tiếng chuông nhà thờ lớn. Bà Péricand chạm vào cánh tay của con trai.
- Chúng ta đi chứ?
Cậu ra hiệu đồng ý. Tất cả lên chiếc xe đó và chiếc xe sau. Họ đến nhà thờ lớn. Hubert bước đi giữa mẹ và bà. Hai người kèm hai bên cậu khi cậu quỳ xuống trên chiếc ghế cầu kinh của mình. Mọi người đã nhận ra cậu; cậu nghe thấy những tiếng thì thầm, những tiếng kêu thảng thốt bị nén lại. Cụ bà Craquant đã không nhầm: cả thành phố có mặt ở đây. Tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy kẻ thoát nạn đến tạ ơn Chúa vì đã giải cứu mình vào đúng ngày mọi người cầu nguyện cho những người quá cố của gia đình cậu. Nói chung, mọi người đều hài lòng: một cậu bé dễ thương như Hubert thoát khỏi lửa đạn của quân Đức, điều đó làm thỏa mãn tinh thần chuộng công lý và sự ham thích của họ đối với những phép màu. Tất cả những người mẹ không nhận được tin tức gì từ hồi tháng Năm (và có rất đông những người như thế!) đều cảm thấy tim mình đập vì hy vọng! Và chẳng thể nghĩ một cách chua chát, như lẽ ra họ đã có thể muốn nghĩ: “Có những người sao mà may mắn thế”, bởi vì, than ôi, Philippe tội nghiệp (một linh mục rất tốt, người ta nói vậy) đã qua đời.
Vậy nên tuy đây là chốn tôn nghiêm, nhiều phụ nữ vẫn mỉm cười với Hubert. Cậu không nhìn họ, cậu vẫn còn chưa thoát ra khỏi trạng thái sững sờ mà cậu đã đắm chìm vào vì những lời nói của mẹ. Cái chết của Philippe làm cậu đau đớn. Cậu trở lại trạng thái tinh thần khủng khiếp mà cậu đã từng có lúc thua chạy tán loạn, trước cuộc phòng thủ tuyệt vọng và vô ích ở Moulins. “Nếu như tất cả chúng ta đều giống nhau, đều cá mè một lứa cả! - cậu nghĩ khi ngắm nhìn cử tọa - thì có lẽ còn dễ hiểu, nhưng những vị thánh như Philippe, họ được gửi đến đây làm gì cơ chứ? Nếu đó là vì chúng ta, để chuộc tội cho chúng ta, thì điều đó giống như là tặng một viên ngọc để đổi lấy một túi sỏi.”
Những người xung quanh cậu, gia đình cậu, bạn bè cậu, gợi lên trong cậu một cảm giác hổ thẹn và tức giận. Cậu đã nhìn thấy ở trên đường những người này và những kẻ như họ, cậu nhớ lại những chiếc xe chở đầy các sĩ quan bỏ chạy với những chiếc va li màu vàng đẹp đẽ và những bà vợ son phấn của họ, những viên chức bỏ nhiệm sở, những nhà chính trị trong cơn hoảng loạn để rơi vương vãi trên đường các tài liệu mật, các hồ sơ, những cô gái trẻ sau khi khóc cho phải lẽ vào ngày Đình chiến thì giờ đây lại giải khuây cùng quân Đức. “Thế mà rồi sẽ chẳng có ai biết được điều này đâu, rồi xung quanh chuyện này sẽ có một sự đồng lòng dối trá đến mức người ta lại còn dựng nó lên thành một trang vinh quang của Lịch sử Pháp nữa ấy chứ. Người ta sẽ gắng sức vô ích để tim cho được những hành động tận tụy, anh hùng. Trời ạ! Những điều mà chính mình đây, mình đã thấy! Những cánh cửa đóng kín mà người ta cứ uổng công gõ vào để xin một cốc nước, và những người tị nạn đi cướp bóc các ngôi nhà; khắp nơi, từ trên xuống dưới, hỗn loạn, hèn nhát, phù phiếm, ngu dốt! A! Chúng ta tốt đẹp thật!”
Tuy vậy cậu vẫn mấp máy môi đọc theo kinh nhật tụng, trái tim nặng nề và rắn đanh lại đến mức làm cho cậu phát đau về thể chất. Nhiều lần cậu buông ra một tiếng thở dài khàn khàn khiến cho mẹ cậu phải lo lắng. Bà quay về phía cậu, đôi mắt đẫm lệ của bà ánh lên qua tấm mạng tang. Bà thì thầm:
- Con không đau ốm đấy chứ?
- Không, mẹ ạ, - cậu vừa trả lời vừa nhìn bà vời vẻ lạnh lùng mà cậu tự trách mình nhưng không thể khắc phục nổi.
Cậu phán xét những người thân của mình với một sự cay đắng và nghiêm khắc đau đớn; cậu không đưa ra những lời chê trách riêng biệt; cậu gộp tất cả vào chung trong mình dưới dạng những hình ảnh dữ dội và ngắn ngủi: cha cậu gọi nền cộng hòa là “cái chế độ thối nát ấy...”; cũng chính buổi tối hôm đó, ở nhà, bữa ăn tối dọn ra cho hai mươi tư người, với những chiếc khăn trải bàn đẹp nhất, món pa tê gan ngỗng tuyệt ngon, những loại rượu quý để mừng một cựu bộ trưởng có khả năng sẽ lại trở thành bộ trưởng và là người mà ông Péricand đang muốn cầu cạnh. (Ôi! Cặp môi của mẹ cậu cứ cong tớn lên: “Ngài Chủ tịch quý mến...”) Những chiếc xe chất đầy vải vóc và đồ bạc đến muốn nổ tung ra, mắc kẹt trong đám người chạy loạn và mẹ cậu, chỉ vào đám đàn bà và trẻ con đi bộ với một vài bộ quần áo được buộc túm lại trong một tấm khăn vuông, nói: “Nhìn xem thằng bé dễ thương chưa. Cứ nghĩ là chúng ta cũng có thể rơi vào hoàn cảnh như những người khốn khổ này!” Những kẻ đạo đức giả! Những kẻ giả nhân giả nghĩa! Và chính cậu nữa, cậu đến đây làm gì? Trái tim đầy phẫn nộ và căm ghét, cậu làm ra vẻ đang cầu nguyện cho Philippe! Nhưng Philippe đã... Trời ơi! Philippe, anh yêu quý của em! Cậu thì thầm, và cứ như là những lời nói ấy đã có một quyền lực thần thánh làm nguôi dịu, trái tim đang thắt lại của cậu trở nên thư giãn, những giọt nước mắt nóng hổi tới tấp tuôn ra. Những ý nghĩ dịu dàng, tha thứ, thấm vào trong cậu. Nó không xuất phát từ cậu mà từ bên ngoài, như là có một người bạn đã ghé tai cậu, thầm thì: “Một gia đình, một dòng giống đã sản sinh ra Philippe thì không thể tồi tệ được. Bạn nghiêm khắc quá, bạn chỉ thấy những sự kiện bên ngoài, bạn không biết các tâm hồn. Cái xấu trông lồ lộ, nó thiêu đốt, nó thỏa mãn phơi bày trước mọi con mắt. Chỉ có duy nhất một người là đếm được những hy sinh, đo được máu đã đổ ra cùng nước mắt.” Cậu nhìn phiến đá cẩm thạch có khắc tên những người chết trong chiến tranh... cuộc chiến tranh trước đây. Giữa những cái tên đó có những Craquant và những Péricand, các chú bác, các anh em họ mà cậu chưa từng biết, những đứa trẻ xấp xỉ tuổi cậu, bị giết chết ở Somme, ở Flandres, ở Verdun, bị giết chết hai lần vì họ đã chết vô ích. Dần dần, từ sự hỗn độn này, từ những tình cảm mâu thuẫn này, nảy sinh ra một điều lạ thường, một sự viên mãn cay đắng. Cậu đã thu nhận được một kinh nghiệm phong phú; cậu biết, và không phải là biết bằng một cách trừu tượng, sách vở nữa, mà là bằng trái tim mình đang đập thật dữ dội, bằng đôi tay mình đã bị trầy xước khi trợ giúp cuộc phòng thủ cầu Moulins, bằng đôi môi mình đã từng mơn trớn một phụ nữ trong lúc quân Đức ăn mừng chiến thắng. Cậu đã biết những từ này có ý nghĩa gì: nguy hiểm, dũng cảm, sợ hãi, tình yêu... Phải, chính là tình yêu... Giờ đây cậu tự cảm thấy mình thật mạnh mẽ, và thật tự tin. Cậu sẽ không bao giờ nhìn bằng mắt của người khác nữa, và những gì mà từ nay cậu yêu thương và tin tưởng, thì cũng là cho chính cậu chứ không phải do được gợi ý bởi người khác. Chậm rãi, cậu chắp tay lại, cúi đầu, và rốt cuộc, cầu nguyện.
Buổi lễ kết thúc. Trên sân trước nhà thờ mọi người vây quanh cậu, ôm hôn cậu, chúc mừng mẹ cậu.
- Thằng bé vẫn có cặp má phính nhỉ, - các bà nói. - Sau bao nhiêu vất vả, nó chẳng gầy đi là mấy, nó chẳng thay đổi gì. Cái thằng bé Hubert quý hóa ấy...