Bản giao hưởng Pháp - Phần I - Chương 27
27
Đoàn nhà Corte đến Grand Hotel vào lúc bảy giờ sáng; họ lảo đảo vì mệt; họ e ngại nhìn phía trước mình, như thể họ ngờ rằng, chỉ cần bước qua cánh cửa quay, họ lại rơi vào một thế giới rời rạc của ác mộng, nơi những người tị nạn ngủ trên những tấm thảm màu kem của phòng nhận phát thư tín, ở đó người gác cổng sẽ không nhận ra họ và sẽ từ chối cho họ thuê phòng, ở đó họ sẽ không kiếm được nước nóng để tắm rửa, hoặc là bom sẽ rơi xuống đại sảnh. Nhưng, ơn Chúa, nữ hoàng của những khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng của Pháp vẫn nguyên vẹn và hồ nước ồn ào, náo nhiệt nhưng tóm lại là vẫn bình thường. Các nhân viên ở vị trí của họ. Viên giám đốc khăng khăng rằng họ thiếu đủ mọi thứ; thế nhưng cà phê vẫn rất ngon, nước giải khát ở quầy bar vẫn được ướp lạnh, các vòi nước vẫn tuôn ra thoải mái cả nước lạnh lẫn nước nóng. Thoạt đầu người ta lo lắng: thái độ không thân thiện của nước Anh đã gây ra mối e ngại về sự kéo dài cuộc phong tỏa mà vì nó việc chuyển những chuyến hàng whisky đã bị ngăn chặn lại, nhưng họ còn nhiều dự trữ. Có thể chờ đợi.
Ngay khi mới đi những bước đầu tiên trên nền đá hoa của đại sảnh, đoàn nhà Corte đã cảm thấy được hồi sinh: tất cả đều yên tĩnh, chỉ thoáng nghe thấy tiếng rù rù xa xa của những thang máy lớn. Qua những ô cửa sổ hé mở, họ nhìn thấy trên những thảm cỏ của công viên là chiếc cầu vồng nước rung rinh làm bằng những chùm nước phun lên để tưới. Người ta nhận ra họ, người ta vây quanh họ. Viên giám đốc của Grand Hotel, nơi mà năm nào Corte cũng đến kể từ hai mươi năm nay, giơ tay lên trời và nói với họ rằng thế là hết cả rồi, rằng họ đang lăn xuống vực thẳm và rằng cần phải khôi phục lại trong dân chúng ý thức nghĩa vụ và tinh thần cao thượng; rồi ông ta tiết lộ với họ rằng người ta đang đợi chính phủ sắp sửa tới đây, rằng các phòng đã được đặt từ hôm trước rồi, rằng ông đại sứ Bolivie phải ngủ trên một bàn bi-a, rằng nhưng đối với ông, Gabriel Corte, thì bao giờ cũng có thể thu xếp được thôi; tóm lại là từa tựa như những điều mà ông ta từng nói tại khách sạn Normandy ở Deauville vào dịp đua ngựa khi ông mới bắt đầu thực thi vai trò phó giám đốc!
Corte đưa bàn tay mệt mỏi lên vuốt bộ mặt rã rời.
- Ông bạn tội nghiệp của tôi, cứ đặt cho tôi một cái đệm trong toa lét cũng được, nếu ông muốn!
Mọi việc xung quanh ông đều được thực hiện một cách ý tứ, nhẹ nhàng, đâu ra đấy. Không còn có những người đàn bà đẻ con trong rãnh, không còn trẻ lạc, không còn những chiếc cầu đổ sụp xuống thành những chùm lửa như hỏa tiễn, phá tan những ngôi nhà gần đó, nổ tung ra với lượng thuốc nổ tính sai. Người ta đóng một cửa sổ lại để ông không bị gió, người ta mở những cánh cửa ra vào phía trước ông, ông cảm thấy những tấm thảm dày ở dưới chân.
- Các vị có đủ cả hành lý? Các vị không bị mất gì à? Thật là may mắn! Có những người đến đây không có lấy một bộ pyjama, không có bàn chải đánh răng. Thậm chí có cả một anh chàng khốn khổ không còn tí quần áo nào trên người vì một đám cháy; anh ta đi từ Tours, trần như nhộng, người quấn trong một cái chăn và bị thương nặng.
- Tôi thì suýt bị mất các bản thảo của tôi, - Corte nói.
- Ôi! Trời ơi! Thật là rủi ro! Nhưng ông đã tìm lại được các bản thảo còn nguyên vẹn chứ? Thật không biết còn thấy gì nữa đây! Còn thấy gì nữa đây! Xin lỗi ông, xin lỗi bà, tôi đi lên trước các vị. Đây là căn hộ mà tôi dành cho các vị, ở tầng bốn, các vị thứ lỗi cho tôi chứ?
- A! - Corte lầm bầm nói. - Đối với tôi bây giờ thì thế nào cũng vậy.
- Tôi hiểu, - viên giám đốc nói và nghiêng đầu với vẻ buồn bã. - Một thảm họa như thế này... Tôi sinh ra là người Thụy Sĩ, nhưng có tâm hồn Pháp. Tôi hiểu. - Ông ta lặp lại.
Và ông ta đứng im một lát, đầu cúi xuống như khi ở nghĩa trang người ta đến hỏi thăm gia chủ và người ta không dám vội vã bỏ đi ngay. Từ vài ngày nay ông ta ở tư thế như vậy thường xuyên đến nỗi khuôn mặt dễ ưa, mũm mĩm của ông ta đã hoàn toàn thay đổi. Ông ta vẫn luôn luôn đi nhẹ nói khẽ như nghề của ông cần phải thế. Phóng đại thêm khuynh hướng tự nhiên của mình, ông ta đã đạt đến mức di chuyển một cách lặng lẽ như ở trong một phòng tang lễ, và khi ông ta nói với Corte: “Tôi cho đem bữa ăn sáng lên nhé?” thì câu đó được nói bằng một giọng ý tứ và âu sầu như thể ông ta vừa hỏi vừa chỉ vào thi thể của một người ruột thịt thần thiết: “Tôi có thể ôm hôn lần cuối được không?”
- Bữa ăn sáng ấy à? - Corte thở dài, khổ khăn lắm mới trở lại được thực tế hàng ngày và những vấn đề phù phiếm của nó. - Tôi đã không ăn từ hai mươi tư tiếng đồng hồ rồi. - Ông nói thêm với một nụ cười nhợt nhạt.
Điều này ngày hôm trước thì đúng vậy nhưng giờ đã không còn đúng nữa, bởi vì ông đã ăn một bữa thịnh soạn ngay chính buổi sáng này vào lúc sáu giờ. Nhưng ông cũng chẳng nói dối: ông đã ăn một cách lơ đãng vì quá mệt và vì sự rối loạn mà những tai họa của Tổ quốc đã xô đẩy ông vào. Ông cảm thấy như mình vẫn còn nhịn đói.
- Ồ! Nhưng ông phải cố lên chứ, thưa ông! Ồ! Tôi không thích nhìn thấy ông như vậy đâu, thưa ông Corte. Cần phải chú ý đến mình. Ông có trách nhiệm đối với nhân loại.
Corte khẽ gật đầu một cách tuyệt vọng ý bảo rằng ông biết vậy, rằng ông không tranh cãi về những quyền mà nhân loại có đối với bản thân ông, nhưng trong trường hợp này thì không thể đòi hỏi ở ông lòng can đảm nhiều hơn là ở một công dân xoàng xĩnh nhất.
- Ông bạn tội nghiệp của tôi ơi, - ông vừa nói vừa quay người đi để giấu những giọt nước mắt của mình, - không phải chỉ có nước Pháp đang chết đâu, đó là Tinh thần đang chết.
- Không bao giờ một khi ông còn đây, thưa ông Corte, - viên giám đốc nồng nhiệt trả lời, kể từ lúc thua chạy đến giờ ông ta đã phát ra câu này được một số lần rồi. Xếp theo thứ tự những nhân vật danh tiếng thì Corte là người thứ mười bốn đến từ Paris sau những sự kiện đau thương, và là nhà văn thứ năm đến lánh nạn ở khách sạn.
Corte mỉm cười yếu ớt và yêu cầu cà phê phải thật nóng.
- Sôi sùng sục ấy, - viên giám đốc cam đoan và đi ra sau khi đã ra những lệnh cần thiết qua điện thoại.
Florence lui về phòng mình, và khi cửa phòng đã được khóa lại, cô rụng rời ngắm mình trong gương. Khuôn mặt cô thường ngày thật dịu dàng, thật ăn phấn, thật tươi tắn, mồ hôi đã phủ lên nó như một lớp trát bóng loáng; nó không ngâm bột phấn và kem nữa, mà đùn những thứ này ra thành những cục vón dày như một thứ xốt mayonnaise bị hỏng, hai cánh mũi ép lại, mắt trũng xuống, cái miệng nhão ra và tàn úa. Cô khiếp sợ quay người khỏi chiếc gương.
- Tôi năm mươi tuổi rồi, - cô nói với cô hầu phòng.
Đó là cách diễn đạt sự thật chính xác nhất, nhưng cô thốt ra những lời này bằng một giọng điệu hoài nghi và khiếp sợ đến nỗi Julie đã hiểu nó như cần phải hiểu, tức là như một hình ảnh, một ẩn dụ để chỉ sự già nua cực độ.
- Sau những chuvện mà chúng ta đã trải qua, em hiểu được điều đó... Bà nên ngủ một tí đi.
- Không thể được.. tôi cứ vừa nhắm mắt là lại nghe thấy tiếng bom, thấy lại cái cầu ấy, những người chết ấy...
- Bà sẽ quên đi thôi.
- Ồ! Không bao giờ đâu! Cô thì cô có quên được không?
- Em thì lại khác.
- Tại sao?
- Bà có bao nhiêu chuyện khác để mà nghĩ! - Julie nói. - Em lấy chiếc váy màu xanh lá cây của bà ra nhé?
- Cái váy màu xanh lá cây của tôi ấy à? Với bộ mặt như thế này của tôi?
Florence thả người dựa vào lưng ghế, nhắm mắt, nhưng đột nhiên cô gom lại toàn bộ năng lượng tản mát của mình như một viên chỉ huy quân đội, mặc dù cần nghỉ ngơi và nhận thấy cấp dưới của mình vô hiệu, nhưng đã nắm lại quyền lãnh đạo và, tuy hãy còn lảo đảo vì mệt, đã đích thân chỉ huy đoàn quân của mình trên chiến trường.
- Này, cô sẽ làm như thế này nhé. Trước hết hãy chuẩn bị cho tôi cùng với nước tắm là một mặt nạ, cái số 3, cái của Mỹ viện Hoa Kỳ ấy, rồi cô gọi điện thoại đến tiệm làm tóc, cô hỏi xem có phải họ vẫn có Luigi không. Bảo anh ta khoảng bốn mươi lăm phút nữa thì đến đây cùng với thợ sửa móng tay. Cuối cùng hãy chuẩn bị cho tôi bộ vét nhỏ màu ghi, với cái áo vải phin hồng.
- Cái áo có cổ như thế này ấy ạ? - Julie vừa hỏi vừa lấy ngón tay làm điệu bộ để chỉ hình dáng một cái cổ áo khoét hở vai.
Florence do dự.
- Ừ... không... ừ... cái áo ấy đấy, với cái mũ nhỏ mới có hoa xa cúc màu lam. Ồ, Julie ạ, tôi đã từng nghĩ là tôi sẽ chẳng bao giờ đội cái mũ nhỏ ấy nữa. Nhưng mà... Cô nói đúng đấy, không nên nghĩ đến tất cả những chuyện đó nữa, sẽ phát điên lên mất... Tôi tự hỏi không rõ họ có còn loại phấn màu đất son không, cái loại mới ra ấy...
- Chúng ta sẽ xem xem... Bà nên lấy nhiều hộp. Phấn này nhập từ Anh đấy.
- Ồ! Tôi biết rõ điều đó. Cô thấy không, Julie, chúng ta chưa nhận thức rõ được điều gì đang xảy ra đâu. Đó là những sự kiện có tầm vóc không ước lượng nổi, tôi nói với cô thế đấy, không ước lượng nối... Cuộc sống của mọi người sẽ thay đổi đối với nhiều thế hệ. Mùa đông năm nay chúng ta sẽ bị đói. Cô lấy ra cho tôi cái túi da đanh màu xám có khóa bấm bằng vàng nhé, thế thôi... Tôi tự hỏi Paris giờ trông ra sao nhỉ! - Florence vừa nói vừa bước vào buồng tắm nhưng tiếng vòi nước mà Julie vừa mở đã át đi lời cô nói.
Trong lúc đó, những suy nghĩ ít phù phiếm hơn đang choán lấy đầu óc Corte. Ông cũng nằm duỗi người trong bồn tắm. Những khoảnh khắc đầu tiên tràn đầy một niềm vui, một sự bình an thôn dã sâu sắc đến nỗi nó gợi cho ông nhớ tới những niềm vui thời thơ ấu: niềm sung sướng khi được ăn một cái bánh kem trứng đầy những kem, được nhúng chân xuống một con suối lạnh, được áp chặt vào ngực một món đồ chơi mới. Ông không còn ước muốn, không còn luyến tiếc, không còn lo sợ nữa. Đầu óc ông trống rỗng và nhẹ bỗng. Ông cảm thấy mình trôi bồng bềnh trong một môi trường lỏng, ấm áp, nó vuốt ve, kích thích nhẹ nhàng vào da ông, rửa đi bụi bặm, mồ hôi, len vào giữa những ngón chân ông, luồn vào dưới thắt lưng ông như một người mẹ nâng đứa con đang ngủ lên. Buồng tắm tỏa mùi xà phòng Goudron, nước thơm xức tóc, nước hoa Eau De Cologne, nước hoa oải hương. Ồng mỉm cười, duỗi tay, bẻ răng rắc khớp những ngón tay dài nhợt nhạt, thưởng thức cái thú vui thần thánh và giản dị là được ở nơi an toàn xa đạn bom và được tắm mát trong một ngày nóng giãy. Có lẽ ông chẳng thể nói được là vào khoảnh khắc nào thì nỗi cay đắng đã xuyên thấu vào ông như một con dao xuyên vào lòng một trái cây. Có thể đó là khi ánh mắt ông chạm vào chiếc va li đựng bản thảo đặt trên một chiếc ghế, hay là khi, vì miếng xà phòng rơi xuống nước, ông phải vớt nó lên với một sự gắng sức phá hỏng cả niềm khoan khoái của ông, nhưng vào một khoảnh khắc nhất định cặp lông mày của ông đã nhướn lên, cái gương mặt lúc trước có vẻ thanh khiết hơn, nhẵn mịn hơn thường lệ và trẻ ra của ông, lại đượm vẻ u ám và lo ngại.
Ông sẽ ra sao đây, ông, Gabriel Corte? Thế giới sẽ đi về đâu? Tinh thần của ngày mai sẽ như thế nào? Hoặc là con người sẽ chỉ nghĩ đến việc ăn uống và không còn chỗ cho nghệ thuật nữa, hoặc là một lý tưởng mới, như sau mỗi một cuộc khủng hoảng, sẽ chiếm lĩnh công chúng? Một lý tưởng mới? Khinh khỉnh và mệt mỏi, ông nghĩ: “Một thứ mốt mới!” Nhưng ông, Corte, ông đã quá già để có thể thích ứng với những thị hiếu mới. Ông đã từng đổi mới cách thức của mình vào năm 1920. Lần thứ ba, điều đó không thể được. Ồng đứt cả hơi để đuổi theo nó, đuổi theo cái thế giới đang hình thành ấy. A! Ai có thể dự đoán được nó sẽ như thế nào khi ra khỏi cái ma trận khắc nghiệt của cuộc chiến năm 1940 này, giống như từ một chiếc khuôn đúc chuông, nó sẽ thoát thai ra thành khổng lồ hoặc dị dạng (hoặc là cả hai), cái thế giới mà người ta nhận thấy đang có những chuyển động run rẩy đầu tiên ấy. Thật là khủng khiếp khi nghiêng mình xuống bên nó, nhìn nó... và không hiểu nổi điều gì. Bởi vì ông không hiểu gì hết. Ông nghĩ đến cuốn tiểu thuyết của mình, đến cái bản thảo đã được cứu thoát khỏi đám cháy, khỏi đạn bom ấy, và đang nằm trên một chiếc ghế. Ông cảm tháy nản chí kinh khủng. Những say mê mà ông miêu tả, những tâm trạng của ông, những đắn đo của ông, câu chuyện về một thế hệ ấy, thế hệ của ông, tất cả đã thành cũ kỹ, vô ích, lỗi thời. Ông tuyệt vọng nói: lỗi thời! Và lại một lần nữa, miếng xà phòng trượt như một con cá, biến mất trong nước. Ông thốt lên một câu chửi thề, đứng dậy, giận dữ lắc chuông; người hầu của ông xuất hiện.
- Hãy xoa người cho ta, - Gabriel Corte rên rỉ bằng một giọng run run.
Khi người ta kỳ cọ đôi chân ông bằng chiếc găng tắm sợi cước và nước hoa Eau De Cologne, ông cảm thấy dễ chịu hơn. Người trần truồng, ông bắt đầu cạo râu trong lúc người hầu chuẩn bị quần áo cho ông: một chiếc sơ mi vải lanh, một bộ quần áo mặc ngoài bằng vải tuýt mềm, một chiếc cà vạt màu lam.
- Có những người mà chúng ta biết không? - Corte hỏi.
- Tôi không biết, thưa ông. Tôi chưa thấy nhiều người lắm nhưng nghe nói là có nhiều ô tô đã đến đêm qua và gần như lại đi ngay lập tức sang Tây Ban Nha. Trong số đó, có ông Jules Blanc. Ông ấy đi sang Bồ Đào Nha.
- Jules Blanc à?
Corte đứng lặng, giơ lên trời chiếc dao cạo râu đầy xà phòng. Jules Blanc, đi Bồ Đào Nha, bỏ trốn! Cái tin này giáng xuống ông một cách đau đớn. Như tất cả những người biết thu xếp để hưởng thụ từ cuộc đời những tiện nghi và khoái lạc tối đa, Gabriel Corte có một nhà chính trị tận tụy với ông. Đổi lại những bữa ăn ngon, những buổi tiếp tân hào nhoáng, những đặc ân vụn vặt của Florence, ông đạt được từ Jules Blanc (người luôn giữ một chân bộ trưởng trong gần như tất cả các lần lập nội các, hai lần là chủ tịch Hội đồng, bốn lần là bộ trưởng Chiến tranh) cả ngàn quyền ngoại lệ tạo điều kiện dễ dàng cho cuộc sống. Chính là nhờ Jules Blanc mà người ta đã dành cho ông loạt bài về Những người tình vĩ đại mà ông nói trên đài phát thanh quốc gia mùa đông năm ngoái. Cũng ở trên đài phát thanh, chính Jules Blanc đã giao cho ông chịu trách nhiệm về những bài phát biểu đầy tinh thần yêu nước, những lời hiệu triệu uy nghiêm, mang tính đạo đức tùy theo các tình huống. Jules Blanc đã nhất quyết can thiệp với giám đốc một tờ nhật báo lớn để cho tiểu thuyết của Corte được trả với giá một trăm ba mươi nghìn franc thay vì tám mươi nghìn như ấn định ban đầu. Cuối cùng, ông ta đã hứa cho ông Bắc đẩu Bội tinh. Jules Blanc là một bánh xe xoàng xĩnh nhưng cần thiết trong cỗ máy cuộc đời này bởi vì bản thân thiên tài thì không thể bay lượn trên bầu trời được mà vẫn phải vận hành trên mặt đất.
Được biết về sự thất thế của ông bạn mình (ông ta chắc hẳn phải có nguy cơ sa sút lắm thì mới đi đến quyết định tuyệt vọng như vậy, chính ông ta là cái kẻ vẫn thường thích nói đi nói lại rằng trong chính trị thất bại là mẹ của thành công), Corte cảm thấy mình đơn độc và bị bỏ rơi bên bờ vực thẳm. Một lần nữa, với một sức mạnh khủng khiếp, ấn tượng về một thế giới khác lại ập đến với ông, một thế giới xa lạ, ở đó tất cả mọi người nhờ phép màu đều trở thành trong trắng, không vụ lợi, đầy những lý tưởng cao quý. Thế nhưng, cái khuynh hướng ngụy trang theo môi trường, vốn là một dạng bản năng bảo tồn của cây cỏ, muông thú và con người, đã khiến ông nói:
- A! Ông ta ra đi rồi ư? Đã qua rồi cái thời của những kẻ hưởng lạc ấy, của những con buôn chính trị ấy...
Sau một lát im lặng, ông nói thêm:
- Nước Pháp tội nghiệp...
Ông chậm rãi xỏ chân vào đôi tất màu lam. Đứng với đôi tất và những sợi dây đeo tất bằng lụa đen, phần còn lại của cơ thể vẫn trần truồng, nhẵn nhụi và cả một màu trắng láng bóng, với những ánh vàng nhạt màu ngà, ông làm vài động tác tay và gập người mấy cái. Ông ngắm mình trong gương với một vẻ tán thưởng.
- Khá hơn nhiều rồi, - ông vừa nói vừa hướng về phía người hầu, như thể ông định ban cho anh ta một niềm vui lớn bằng những lời nói ấy.
Rồi ông mặc nốt quần áo. Ông đi xuống quầy bar lúc quá trưa một chút. Trong đại sảnh có thể nhận thấy một sự hốt hoảng nhất định, rõ ràng là có chuyện gì đó đang xảy ra, những đại thảm họa ở đằng xa đang làm rung chuyển phần còn lại của thế giới; nhiều hành lý đã bị bỏ quên lại ở đây và chất đống lộn xộn trên chiếc bục nơi mà thường lệ người ta khiêu vũ. Có thể nghe thấy những giọng nói vang lên từ khu bếp; những người đàn bà nhợt nhạt, mệt mỏi, đi lang thang trong các hành lang để kiếm một căn phòng, những chiếc thang máy không còn chạy nữa. Một cụ già khóc lóc trước người gác cổng khi người này từ chối không dành cho cụ một chiếc giường.
- Xin ông hiểu cho, thưa ông, không phải là chúng tôi không muốn đâu, mà là không thể được, không thể được. Chúng tôi quá tải rồi, thưa ông.
- Chỉ cần một góc phòng be bé thôi, - cụ già tội nghiệp van vỉ. - Tôi đã hẹn bà nhà tôi ở đây. Chúng tôi bị lạc nhau trong trận bom ở Étampes. Bà ấy sẽ tưởng là tôi chết. Tôi bảy mươi tuổi rồi, ông ơi, và bà ấy thì sáu mươi tám tuổi. Chúng tôi chưa từng xa nhau bao giờ.
Cụ lấy chiếc ví ra bằng bàn tay run rẩy.
- Tôi sẽ đưa ông một ngàn franc.
Và trên gương mặt cụ, gương mặt lương thiện và giản dị của một người Pháp trung lưu, lộ rõ nỗi hổ thẹn vì lần đầu tiên trong đời đã phải đưa hối lộ, và có cả nỗi đau khổ vì phải chia tay với tiền bạc của mình, nhưng người gác cổng từ chối tờ bạc đang chìa ra.
- Tôi đã nói với ông là không thể được mà, thưa ông. Ông thử vào trong thành phố xem.
- Trong thành phố ấy à? Nhưng tôi ở đó lại đây đấy, ông ơi! Tôi đã gõ tất cả các cánh cửa từ lúc năm giờ sáng tới giờ. Người ta đuổi tôi đi như một con chó! Tôi có phải là loại vô danh tiểu tốt đầu. Tôi là giáo sư vật lý ở trường trung học Saint-Omer. Tôi có huy chương.
Nhưng rốt cuộc nhận ra là người gác cổng đã không còn nghe mình từ lâu và đã quay lưng lại với mình, cụ cầm lên cái hòm nhỏ mà lúc trước cụ để rơi xuống đất và hẳn là trong đó có các hành lý của cụ, và cụ lặng lẽ bỏ đi. Bác gác cổng giờ đây phải vật lộn với bốn phụ nữ Tây Ban Nha mặt đánh phấn, tóc đen. Một trong số các bà này bám chặt vào tay bác ta.
- Một lần trong đời thì còn được, nhưng hai lần thì thật là quá quắt, - bà ta kêu lên bằng một thứ tiếng Pháp tồi với một giọng khàn khàn và mạnh mẽ, - đã phải trải qua chiến tranh ở Tây Ban Nha rồi, chạy trốn sang Pháp và lại rơi vào đó, thật quá quắt!
- Nhưng, thưa bà, tôi thì tôi chẳng thể làm gì trong chuyện này được cả!
- Ông có thể cho tôi một căn phòng!
- Không thể được, thưa bà, không thể được!
Người đàn bà Tây Ban Nha tìm một câu đáp lại thật gay gắt, một câu rủa, mà không tìm ra, bà ta tức nghẹn đi mất một lát rồi quát vào mặt người gác cổng:
- Này, ông không phải là người!
- Tôi ấy à? - bác gác cổng thốt lên, đột ngột mất đi sự thản nhiên nghề nghiệp của mình và chồm lên trưóc sự lăng nhục. - Bà đã chửi rủa tôi xong chưa, hả bà? Trước hết bà là người nước ngoài, phải không nào? Im mồm đi nếu không thì tôi gọi cảnh sát đấy. - Bác ta kết luận một cách có phẩm cách hơn đồng thời mở cánh cửa ra cho bốn người đang gào thét những lời chửi rủa bằng tiếng Castille(7) và đẩy họ ra ngoài.
7. Một vùng thuộc miền trung Tây Ban Nha.
- Thật là những ngày kinh khủng, thưa ông, thật là những đêm kinh khủng, - bác ta nói với Corte. - Thế giới đã hóa điên rồi, thưa ông!
Corte tìm được một bao lơn dài mát mẻ, im lìm và ít ánh sáng, và một quầy bar rộng rãi yên tĩnh. Mọi sự náo động đã dừng lại trước ngưỡng cửa của nơi này. Những cánh cửa chớp đóng kín cũng như những ô cửa sổ to che chở cho ông khỏi cái nóng gay gắt của ánh mặt trời trước cơn giông, có thể ngửi thấy ở đây một thứ mùi của da thuộc, của xì gà thượng hảo hạng và của rượu trắng hảo hạng lâu năm. Người phục vụ quầy rượu, một người Ý, bạn cũ của Corte, đón tiếp ông một cách hoàn hảo, bày tỏ với ông niềm vui của ông ta khi được gặp lại ông và sự thong cảm của ông ta đối với những tai họa của nước Pháp, bằng một cách thức thanh cao, đầy tế nhị, không bao giờ quên sự dè dặt cần phải có trước các biến cố, cũng như vị trí thấp hơn của ông ta so với Corte, đến nỗi là Corte đã được an ủi hắn.
- Tôi thật vui mừng khi được gặp lại anh, anh bạn ạ, - ông nói với vẻ biết ơn.
- Ông có gặp khó khăn khi rời khỏi Paris không?
- À! - Corte chỉ thốt lên như vậy.
Ông ngước mắt lên trời. Joseph, người phục vụ quầy rượu, dùng bàn tay làm một cử chỉ kín đáo như thể ông ta gạt đi những lời tâm sự, từ chối gợi lại những kỷ niệm còn rất mới mẻ và đau buồn, và bằng một giọng như giọng bác sĩ nói với người bệnh được đưa đến vào đúng lúc đang cơn đau: “Đầu tiên uống thứ này đã nhé, rồi anh hãy giải thích cho tôi nghe xem anh bị làm sao”, ông ta thì thầm kính cẩn:
- Tôi pha một ly Martini nhé, phải không ạ?
Chiếc ly bốc hơi nước đá lạnh được đặt lên trước mặt ông giữa hai cái đĩa nhỏ trong đó một cái đựng quả ô liu và cái kia thì đựng những lát khoai tây rán mỏng, Corte hướng về khung cảnh thân thuộc xung quanh mình một nụ cười nhợt nhạt của người bệnh đang thời kỳ hồi phục, rồi ông nhìn những người đàn ông vừa mới đến, lần lượt nhận ra hết người này đến người nọ. Đúng thế! Tất cả bọn họ đều ở đây, vị viện sĩ và cựu bộ trưởng kia, nhà công nghiệp lớn kia, nhà xuất bản kia, giám đốc một tờ báo kia, ngài thượng nghị sĩ kia, tác giả kịch bản sân khấu kia và cái vị ký tên Tướng X dưới những bài báo đầy tư liệu, rất nghiêm túc, rất chuyên môn, trong một tờ tạp chí lớn của Paris, ở đó ông ta bình luận các sự kiện quân sự và bắt quần chúng chấp nhận những điều này, thêm vào đó những lời giải thích bao giờ cũng lạc quan nhưng ít chính xác (chẳng hạn như: “Sân khấu sắp tới của các chiến dịch quân sự sẽ ở Bắc Âu hoặc ở vùng Balkans hoặc ở vùng Ruhr hoặc đồng thời ở cả ba nơi đó, hoặc còn ở một điểm nào đó của địa cầu mà không thể xác định được”). Phải, tất cả bọn họ đều ở đây, hoàn toàn khỏe mạnh. Corte cảm thấy sững sờ trong giây lát. Ông không thể nói được vì sao, nhưng ông đã từng có cảm giác trong suốt hai mươi tư tiếng đồng hồ rằng thế giới cũ đang sụp đổ và ông còn lại có một mình giữa đống đổ nát. Thật là một sự nhẹ nhõm không diễn tả nổi khi gặp lại tất cả những bộ mặt nổi tiếng này, bạn hay thù cũng chẳng quan trọng mấy đối với ông giờ đây. Họ cùng hội cùng thuyền, họ cùng nhau! Họ chứng tỏ cho nhau thấy rõ mồn một rằng chẳng có gì thay đổi, rằng tất cả vẫn như thế, rằng họ không tham dự vào một tai biến đặc biệt nào đó, vào sự tận thế như họ đã nhầm tưởng, mà là vào một loạt các mối quan hệ thuần túy con người, giới hạn trong thời gian và không gian, và tóm lại chỉ đụng chạm mạnh tới những người vô danh.
Họ trao đổi những lời lẽ bi quan, gần như tuyệt vọng, nhưng bằng một giọng hoạt bát. Một số người đã hưởng thụ nhiều ở cuộc đời; họ ở độ tuổi mà người ta thường tự nhủ khi ngắm nhìn giới trẻ: “Cứ để cho chúng tự xoay xở!” Những người khác kiểm lại một cách mau lẹ trong đầu mình tất cả những trang mà họ đã viết, tất cả những bài phát biểu mà họ từng trình bày, những thứ có thể giúp ích cho họ ở chế độ mới (và bởi vì tất cả bọn họ ít hay nhiều đều đã từng lấy làm tiếc rằng nước Pháp đã mất đi ý thức về tầm vóc lớn lao của mình, tinh thần mạo hiểm và không sinh con đẻ cái nữa, họ yên tâm về mặt ấy!) Các nhà chính trị, hơi lo lắng hơn một chút, bởi vì một số người đã ở vào thế sa sút rõ ràng, thì nghiền ngẫm những cuộc lật đổ liên minh. Tác giả kịch bản sân khấu và Corte nói chuyện với nhau về những tác phẩm của chính họ và quên đi thế giới.