Bản giao hưởng Pháp - Phần I - Chương 28 phần 1

28

Vợ chồng Michaud đã không đến được Tours. Một vụ nổ đã phá hủy tuyến đường sắt. Tàu hỏa dừng lại. Những người tị nạn lại xuống đường, giờ đây họ đi lẫn vào những đoàn quân Đức. Họ nhận được lệnh quay trở lại. Đến Paris, vợ chồng Michaud gặp lại một thành phố thiếu vắng đến một nửa. Họ đi bộ về nhà; họ đã đi vắng mười lăm ngày, nhưng giống như khi trở về sau một chuyến đi dài, người ta ngỡ rằng sẽ gặp lại mọi thứ bị đảo lộn, họ bước đi trên những đường phố còn nguyên vẹn và không thể tin vào mắt mình: tất cả đều ở đúng vị trí, những ngôi nhà với những cửa chớp đóng kín, giống như ngày mà họ ra đi, được rọi sáng dưới ánh mặt trời dữ dội, một luồng nóng gay gắt đã thiêu đốt những lá cây tiêu huyền, không ai quét lá đi và những người tị nạn giẫm những bàn chân mỏi mệt của mình lên đó. Tất cả các cửa hàng thực phẩm dường như đều đóng cửa. Đôi lúc cái bề ngoài hoang vắng này khiến người ta phải sửng sốt; có thể nói đó là một thành phố bị dịch hạch quét sạch, và đúng vào lúc người ta đang thốt lên, trái tim thắt lại: “Thế nhưng tất cả mọi người đã đi hết hay đã chết rồi”, thì người ta chạm trán với một người phụ nữ bé nhỏ ăn vận và trang điểm tử tế, hoặc là, giống như trường hợp xảy ra với vợ chồng Michaud, giữa một cửa hàng thịt và một hiệu bánh mì khóa kín cửa, người ta nhìn thấy một tiệm làm tóc mở cửa, ở đó một nữ khách hàng đang được uốn tóc. Đó là ông thợ làm tóc của bà Michaud; bà gọi ông ta; đích thân ông ta, người phụ việc của ông ta, vợ ông ta và nguời khách hàng chạy ào ra ngưỡng cửa và kêu lên:

- Bà đi xa về đấy à?

Bà chỉ vào đôi chân trần, những lớp váy bị rách, khuôn mặt lem luốc mồ hôi và bụi bặm của mình.

- Các vị thấy đấy! Thế bên chỗ nhà tôi thì thế nào? - bà lo lắng hỏi.

- Tốt thôi! Mọi thứ đều đâu vào đấy. Hôm nay tôi cũng vừa đi ngang qua dưới cửa sổ nhà bà, - bà vợ ông thợ làm tóc nói. - Không có gì bị đụng chạm đến cả.

- Thế còn thằng con tôi? Jean-Marie? Có ai nhìn thấy nó không?

- Làm sao mà lại có ai nhìn thấy nó đuợc, em tội nghiệp của anh? - đến lượt Maurice hiện ra và nói. - Em nói vô lý quá!

- Còn anh, với cái sự bình tĩnh của anh. Anh làm em chết mất thôi, - bà đáp lại gay gắt. - Nhưng có thể là bà gác cổng... - và bà đã định lao đi.

- Bà đừng mất công làm gì, bà Michaud ạ! Chẳng có gì cả đâu, lúc đi qua đó tôi đã hỏi bà ấy rồi, và ngoài ra thì thư từ cũng không thấy được chuyển đến nữa!

Jeanne cố che giấu sự thất vọng ghê gớm của mình bằng một nụ cuời.

- Được, vậy cứ chờ đợi thôi, - bà nói, nhưng đôi môi run lên.

Bà ngồi xuống một cách máy móc và nói khẽ:

- Làm gì bây giờ?

- Nếu tôi ở vị trí bà, - ông thợ làm tóc, một người đàn ông thấp bé béo tốt, có khuôn mặt tròn và hiền lành, nói, - tôi sẽ bắt đầu bằng việc đi gội đầu; điều đó sẽ giúp cho suy nghĩ đuợc sáng rõ hơn, chúng ta cũng có thể sửa sang tóc tai chút ít cho ông Michaud, và trong lúc đó thì vợ tôi sẽ làm cho bà một vài thứ.

Mọi việc đã được thu xếp như vậy. Nguời ta đang xoa tinh dầu oải hương lên tóc Jeanne thì cậu con trai ông thợ làm tóc chạy vào báo tin là đã ký kết đình chiến. Trong tình trạng mệt mỏi và rã rời của bà, bà chỉ hiểu được lơ mơ tầm quan trọng của cái tin ấy; cũng giống như khi người ta đã khóc cạn nước mắt bên giường của một người hấp hối, chẳng còn lại gì nữa khi người đó trút hơi thở cuối cùng. Nhưng Maurice, khi nhớ tới cuộc chiến tranh năm 1914, những cuộc chiến đấu của ông, những vết thương của ông, những nỗi đau đớn của ông, cảm thấy một làn sóng cay đắng trào dâng trong lòng mình. Tuy nhiên chẳng có gì để mà nói nữa. Ông im bặt.

Họ ở hơn một tiếng đồng hồ trong cửa hiệu của bà Josse và đi ra khỏi đó để về nhà. Người ta nói là tổn thất của quân đội Pháp tương đối không nặng lắm, nhưng con số tù binh thì lên đến tận hai triệu. Có thể Jean-Marie ở trong số những người này chăng? Họ không dám hy vọng điều gì khác cả. Họ đến gần ngôi nhà của mình và, mặc dù đã có tất cả những lời đảm bảo của bà Josse, họ vẫn không thể nào tin được là nó vẫn đang đứng đó chứ không biến thành tro như những tòa nhà bốc lửa ở quảng trường Martroi, tại Orléans, nơi họ đi ngang qua vào tuần trước. Nhưng đây rồi, họ nhận ra cái cửa ra vào, căn phòng của bà gác cổng, hộp thư (rỗng!), cái chìa khóa đang đợi họ và cả bà gác cổng nữa! Thánh Lazare sống lại, thấy lại các em gái của mình và món súp trên bếp lửa, cũng có một cảm giác tương tự, đầy sững sờ và kiêu hãnh ngấm ngầm: “Dù sao, chúng ta cũng đã trở lại, chúng ta đang ở đây,” họ nghĩ. Và ngay sau đó, Jeanne tự nhủ:

- Nhưng có ích gì đâu? Nếu như thằng con mình...

Bà nhìn Maurice, ông yếu ớt mỉm cười với bà, rồi bà nói thật to với bà gác cổng:

- Chào bà Nonnain.

Bà gác cổng đã nhiều tuổi và nghễnh ngãng. Vợ chồng Michaud cố rút gọn trong chừng mực có thể những câu chuyện về chuyến di tản của cả hai bên, bởi vì bà Nonnain cũng đã theo cô con gái bà, là thợ giặt, ra đến tận cửa ô Ý. Đến đó thì bà cãi nhau với con rể và quay trở về nhà.

- Chúng nó không biết tôi đã ra sao đâu; chúng nó sẽ tưởng là tôi chết đấy, - bà nói với vẻ thỏa mãn, - chúng nó sẽ tưởng là nắm được tiền tiết kiệm của tôi rồi. Không phải là con bé nó tệ đâu, - bà nói thêm về cô con gái, - nhưng nó nóng tính.

Vợ chồng Michaud nói với bà rằng họ mệt và đi lên nhà. Thang máy hỏng.

- Đây là đòn cuối cùng, - Jeanne than vãn nhưng dù vậy vẫn cười.

Trong khi chồng bà từ tốn bước lên cầu thang thì bà lao lên, như tìm thấy lại được đôi chân và hơi thở thời con gái. Trời ạ: thế mà trước đây thỉnh thoảng bà cứ ca cẩm về cái cầu thang tối om này, về cái căn hộ này, cái nơi chẳng có tủ tường, chẳng có buồng tắm (đến nỗi là họ đã phải đặt bồn tắm ở trong bếp) và lò sưởi thì thường xuyên bị hỏng vào lúc lạnh nhất của mùa đông. Nó đã được trả lại cho bà, cái thế giới khép kín, êm ái ấy, nơi bà đã sống mười lăm năm và là nơi lưu giữ lại giữa những bức tường của nó những kỷ niệm thật êm đềm, thật ấm áp. Bà nghiêng người trên lan can, nhìn thấy Maurice ở rất xa phía dưới bà. Bà chỉ có một mình. Bà nghiêng người và đặt môi lên tấm cửa ra vào bằng gỗ, rồi lấy chìa khóa và mở cửa. Đây là căn hộ của bà, nơi ẩn náu của bà. Đây là phòng của Jean-Marie, đây là bếp, đây là phòng khách và cái đi văng, nơi tối tối, từ nhà băng trở về, bà duỗi đôi chân mệt mỏi của mình.

Ký ức về nhà băng khiến bà đột ngột rùng mình. Bà đã không nhớ tới chuyện này từ tám ngày nay. Khi Maurice lên với bà, ông thấy bà lo âu và niềm vui được trở về đã biến mất.

- Có chuyện gì vậy? - ông hỏi. - Jean-Marie à?

Bà hơi do dự.

- Không, chuyện nhà băng.

- Trời ạ! Chúng ta đã làm tất cả những gì mà con người có thể làm và thậm chí còn hơn nũa để đi đến Tours. Họ không thể chê trách chúng ta điều gì được.

- Họ sẽ không chê trách chúng ta điều gì, - bà nói, - nếu như họ muốn giữ chúng ta lại, nhưng em chỉ làm việc tạm thời ở đó từ khi có chiến tranh, còn anh, anh tội nghiệp của em ạ, anh chưa từng bao giờ ăn ý được với họ cả, thế cho nên nếu họ muốn tống khứ chúng ta đi, cơ hội thật là đẹp.

- Anh đã nghĩ đến chuyện ấy.

Như thường lệ, khi ông không nói trái ý bà mà lại tán thành quan điểm của bà, bà liền thay đổi ý kiến một cách quyết liệt.

- Nói thế chứ, nếu họ không phải là những kẻ đểu giả nhất trần đời thì...

- Họ là những kẻ đểu giả nhất trần đời, - Maurice nhẹ nhàng nói, - thế em không biết à? Chúng ta lo lắng như vậy là đủ rồi. Chúng ta đang ở bên nhau, chúng ta đang ở nhà mình. Đừng nghĩ đến chuyện gì khác nữa...

Họ không nói đến Jean-Marie, họ không thể nhắc tới tên anh mà không ứa nước mắt và họ thì không muốn khóc. Trong họ luôn luôn có niềm khát khao cháy bỏng hướng tới hạnh phúc; hẳn là bởi vì họ đã rất yêu nhau, họ đã học được cách sống ngày nào biết ngày ấy, cố tình quên đi ngày mai.

Họ không đói. Họ mở một lọ mứt, một hộp bích quy, và Jeanne pha một cách cực kỳ cẩn thận một thứ cà phê chỉ còn lại khoảng một phần tư livre, một thứ cà phê moka nguyên chất cho tới giờ vẫn được dành cho những dịp long trọng.

- Nhưng chúng ta sẽ có những dịp nào long trọng hơn nữa nhỉ? - Maurice nói.

- Không có dịp nào kiểu này cả, em hy vọng là thế, - vợ ông đáp. - Tuy nhiên không nên che đậy rằng nếu chiến tranh kéo dài thì ta sẽ chẳng sớm kiếm được loại cà phê như thế này đâu.

- Em làm cho nó gần như là có hương vị của tội lỗi đấy, - Maurice vừa nói vừa hít mùi thơm tỏa ra từ bình cà phê.

Sau bữa ăn nhẹ, họ ngồi trước ô cửa sổ để mở. Mỗi người đều đặt trên đùi một cuốn sách nhưng họ không đọc. Cuối cùng họ ngủ thiếp đi bên nhau, tay nắm tay.

Họ sống một vài ngày khá bình yên như vậy. Vì thư không được chuyển đến, họ biết là họ sẽ không thể có một tin tức nào, dù tốt hay xấu. Chỉ có việc chờ đợi thôi. Vào đầu tháng Bảy, ông De Furières trở lại Paris. Bá tước De Furières đã từng có một cuộc chiến tranh đẹp đẽ, như mọi người nói sau cuộc đình chiến năm 1919: ông đã xả thân một cách anh hùng trong vài tháng, sau đó ông cưới một cô gái rất giàu. Thế là ông đâm ra bớt đi một ít hứng thú đối với việc bị giết chết, điều này khá là tự nhiên! Vợ ông có những mối quan hệ rất tốt nhưng ông không dùng đến. Ông không tìm kiếm nguy hiểm nữa, nhưng ông cũng không trốn tránh nó. Ông đi hết cuộc chiến tranh mà không bị một vết thương nào, ông tự hào về bản thân, về cách cư xử đẹp của mình trong lửa đạn, về sự tự tin của mình và về số mệnh của mình. Năm 39, ông có một vị thế thuộc loại hàng đầu trong giới thượng lưu; vợ ông là một người thuộc dòng họ Salomon-Worms, em gái ông lấy hầu tước De Maigle; ông là thành viên của hội Jockey, những bữa ăn tối và những buổi đi săn của ông rất nổi tiếng; ông có hai cô con gái xinh đẹp, cô cả vừa mới đính hôn. Ông có ít tiền hơn hẳn so với hồi năm 1920 nhưng ông lại biết rõ hơn hồi đó về cách thức không cần đến tiền hoặc cách kiếm tiền khi gặp dịp. Ông đã chấp nhận làm giám đốc của nhà băng Corbin.

Corbin chỉ là một nhân vật thô lỗ; ông ta đã bắt đầu sự nghiệp của mình một cách thấp kém và gần như là hèn hạ. Người ta kể rằng ông ta đã từng làm chân sai vặt trong một cơ sở tín dụng ở phố Trudaine, nhưng Corbin rất có khả năng trong hoạt động nhà băng và, nói tóm lại, ông ta và bá tước khá ăn ý với nhau. Cả hai người bọn họ đều rất thông minh và hiểu rằng họ có ích cho nhau; điều đó rốt cuộc đã tạo nên một thứ tình bạn mà nền tảng là sự khinh miệt thân tình, như một vài thứ rượu hắc và đắng khi trộn lẫn vào nhau lại có một vị dễ chịu. “Đó là một kẻ thoái hóa giống như tất cả giới quý tộc,” Corbin nói. “Gã tội nghiệp dùng tay bốc để ăn,” Furières thở dài. Làm cho Corbin hoa mắt với việc được gia nhập Jockey, bá tước lấy được từ gã này những gì mà ông muốn.

Tóm lại Furières đã thu xếp cuộc sống của mình một cách rất tiện nghi. Khi Thế chiến II nổ ra, ông cảm thấy gần như là cái cảm giác của một đứa trẻ đã học tốt ở lớp, có lương tâm yên ổn, giờ đây đang chơi hết sức say mê thì bị người ta lại đến kéo ra khỏi trò chơi của mình. Chỉ thiếu một tí nữa là ông đã gào lên: “Một lần thì còn được, hai lần thì thật là quá quắt! Hừ! Phải đến lượt những người khác chứ!” Sao? Ông đã làm hết nghĩa vụ của mình! Người ta đã lấy mất của ông năm năm tuổi trẻ, thế mà giờ đây người ta lại lấy đi thêm của ông những năm tháng tuổi trung niên này, những năm tháng thật đẹp, thật quý giá, lúc mà con người cuối cùng cũng hiểu ra cái mà họ sắp mất và vội vã hưởng thụ.

- Không, như thế này thật là quá lắm, - ông mệt mỏi nói với Corbin lúc chào từ biệt ông này vào ngày tổng động viên. - Đã ghi sẵn ở trên cao kia là tôi sẽ không tránh được lần nữa đâu.

Ông là sĩ quan dự bị, ông phải ra đi, hẳn là ông cũng có thể thu xếp được... nhưng ông bị kìm giữ lại bởi ước muốn có thể tiếp tục coi trọng chính mình, cái ước muốn thật mạnh mẽ trong ông và cho phép ông có một thái độ mỉa mai và nghiêm khắc đối với phần còn lại của thế giới. Ông ra đi. Người lái xe của ông, cũng cùng một lớp lính với ông, nói:

- Cần phải đi, ta đi thôi. Nhưng nếu họ tưởng là mọi việc sẽ giống như năm 14, thì họ nhầm rồi (cái từ “họ” này trong đầu óc bác ta là để nói về một thứ hội đồng huyền thoại nào đó gom những người có nghề nghiệp và niềm say mê là gửi những người khác đi ra chỗ chết), nếu họ tưởng tượng là chúng ta sẽ làm việc đó nhiều hơn nữa (bác ta vừa nói vừa gõ móng tay vào răng lộp cộp), nhiều hơn những gì cần thiết thì họ lầm to, tôi nói với ông như vậy đó.

Bá tước De Furières dĩ nhiên không diễn đạt những suy nghĩ của mình như vậy, nhưng những suy nghĩ ấy cũng có cái gì đó tương tự như những điều mà người lái xe của ông nghĩ và những điều đó chỉ phản ánh trạng thái tinh thần của nhiều cựu chiến binh. Với một sự oán hận ngấm ngầm hay một sự phản kháng tuyệt vọng chống lại định mệnh đã chơi khăm họ cái vố tàn bạo ấy đến hai lần trong một cuộc đời, nhiều người đàn ông đã ra đi.

Vào lúc thua chạy tán loạn hồi tháng Sáu, trung đoàn của Furières gần như rơi toàn bộ vào tay địch. Riêng ông đã có cơ hội thoát nạn, ông đã chớp lấy cơ hội đó. Vào năm 14 chắc ông sẽ muốn chết để khỏi phải sống sót sau thảm họa. Vào năm 40, ông thích sống hơn. Ông gặp lại bà vợ lúc này đã khóc thương ông, gặp lại các cô con gái xinh đẹp của ông, cô cả vừa mới có một cuộc hôn nhân rất đẹp (cô cưới một thanh tra tài chính trẻ tuổi) và gặp lại lâu đài Furières của ông. Bác lái xe thì không may mắn bằng: bác ta bị giam giữ trong trại tù binh VII A, với số tù là 55.481.

Vừa mới trở về, bá tước đã liên lạc với Corbin lúc đó đang ở trong vùng tự do và cả hai người cùng làm công việc tập hợp lại các bộ phận đang tản mát của nhà băng. Bộ phận kế toán ở Cahor, các cổ phiếu ở Bayonne, bộ phận thư ký đi về phía Toulouse nhưng bị lạc giữa Nice và Perpignan. Không ai biết danh mục chứng khoán đã trôi dạt về đâu.

- Đó là một sự rối loạn, một sự hỗn độn, một sự lộn xộn tệ hại, - Corbin nói với Furières vào buổi sáng hôm hội kiến lần đầu của họ.

Ông ta đã vượt giới tuyến vào ban đêm. Ông tiếp Furières tại nhà mình, trong căn hộ ở Paris của ông, nơi mà các gia nhân đã bỏ đi lúc có cuộc di tản; ông ngờ rằng họ đã mang theo các va li mới toanh và bộ com lê của ông, điều đó càng làm tăng thêm trong ông cơn thịnh nộ đầy tinh thần ái quốc:

- Ông biết tôi chứ phải không? Tôi không phải là một người nhạy cảm! Tôi đã suýt nữa thì khóc, ông bạn thân mến ạ, khóc như một đứa trẻ khi tôi nhìn thấy người Đức đầu tiên ở biên giới, rất nghiêm chỉnh, không phải như cái vẻ tẹp nhẹp suồng sã của dân Pháp, ông biết đấy, cái vẻ như muốn nói “ta đã từng bù khú với nhau”. Không, quả thực là rất đứng đắn, khẽ chào, tư thế rắn rỏi, không cứng nhắc, rất đứng đắn... Vậy chứ ông nói thế nào về chuyện ấy, hả? Ông nói thế nào về tất cả những chuyện ấy? Giới sĩ quan trông đẹp mặt nhỉ!

- Xin phép ông, - Furières nói bằng một giọng đanh thép, - tôi không thấy ta có thể chê trách giới sĩ quan ở điểm nào. Biết làm gì khi không có vũ khí và với những con người được chiều chuộng, hư hỏng, những con người chỉ yêu cầu có một điều là để cho họ được yên thân. Trước hết hãy cấp người cho chúng tôi cái đã.

- A! Thế nhưng những người ấy thì họ lại nói: “Chúng tôi không được ai chỉ huy cả!” - Corbin nói, sung sướng vì đã làm phật ý được Furières, - và nói riêng giữa chúng ta với nhau, ông bạn ạ, tôi đã nhìn thấy những cảnh tượng thảm hại...

- Không có giới thường dân, không có những kẻ hoảng loạn, không có cái làn sóng người tị nạn làm tắc nghẽn đường ấy, thì có lẽ còn có một cơ may cứu vãn được.

- À! Điều này thì anh đúng! Cái sự hoảng loạn ấy thật kinh khủng. Dân chúng thật là lạ lùng. Người ta đã nói đi nói lại với họ từ nhiều năm nay: “chiến tranh tổng lực, chiến tranh tổng lực...” Lẽ ra họ đã phải chuẩn bị tinh thần cho chuyện đó chứ, nhưng không! Ngay lập tức hoảng loạn, lộn xộn, tháo chạy, và tại sao lại thế? Tôi hỏi ông? Thật là điên rồ! Tôi thì tôi đi là vì các nhà băng đã nhận được lệnh phải ra đi. Nếu không thì, ông cũng biết đấy...