Bản giao hưởng Pháp - Phần I - Chương 28 phần 2

- Ở Tours khủng khiểp lắm phải không?

- Ồ! Khủng khiếp... nhưng luôn luôn vì cùng một lý do: những người tị nạn đổ xô đến. Tôi chẳng kiếm được căn phòng trống nào ở các vùng phụ cận Tours cả, tôi đành phải ngủ trong thành phố và đương nhiên là chúng tôi đã bị ném bom, bị hỏa hoạn, - Corbin vừa nói vừa phẫn nộ nghĩ đến cái lâu đài nhỏ ở vùng thôn quê ấy, nơi mà người ta từ chối tiếp ông ta vì họ đã thu nhận những người tị nạn Bỉ. Những kẻ ấy thì không hề hấn gì, trong khi Corbin thi suýt bị vùi dưới đống đổ nát của Tours. Và trong sự hỗn độn ấy, - ông nhắc lại, - người nào cũng chỉ nghĩ đến mình thôi! Thật là ích kỷ... Chà! Cái đó gây ra một ý nghĩ thật đáng tự hào về con người! Còn về các nhân viên của ông, thì họ chẳng ra cái thể thống gì cả. Không có một người nào có khả năng đến chỗ tôi ở Tours. Họ mất liên lạc với nhau. Trước đó tôi đã dặn tất cả các bộ phận của chúng ta là phải tập họp lại với nhau. Nhưng đừng hòng nhé! Một số người thì ở miền Nam, một số khác thì lại ở miền Bắc. Không thể trông cậy vào ai được. Thế nhưng chính là trong những lúc khủng hoảng như thế này mà ta có thể đánh giá được con người, sự hăng hái, tính chiến đấu, lòng can đảm của người ấy. Một đám nhu nhược, tôi nói với ông vậy đấy, một đám nhu nhược! Họ chỉ nghĩ đến chuyện cứu cái mạng mình thôi! Chẳng hề quan tâm đến cả nhà băng lẫn tôi đây. Cũng có một vài người sẽ bị tôi đuổi cổ đi thôi, tôi cam đoan với ông như vậy. Ngoài ra tôi cũng không dự kiến giao dịch làm ăn gì nhiều.

Cuộc trao đổi chuyển sang hướng chuyên môn hơn, điều đó đem lại cho họ cảm giác dễ chịu về tầm quan trọng của họ là cái đã hơi bị giảm đi từ khi xảy ra những sự kiện gần đây.

- Một tập đoàn Đức, - Corbin nói, - sẽ mua lại Thép miền Đông. Chúng ta có vị trí không đến nỗi tồi trong chuyện này. Quả thực là vụ làm ăn với họ nhà Docks ở Rouen...

Ông ta trở nên u ám. Furières chào từ biệt. Corbin muốn tiễn ông và, ra đến căn phòng khách với những cánh cửa chớp đóng kín, ông ta bật nút điện nhưng đèn không sáng lên. Ông ta thốt lên một câu rủa.

- Bọn chúng cắt điện của tôi, lũ đểu giả!

“Gã này thật là thô tục,” bá tước nghĩ.

Ông khuyên Corbin:

- Ông gọi điện thoại đi, người ta sẽ sửa lại nhanh thôi. Điện thoại thì hoạt động đấy.

- Nhưng ông không thể tưởng tượng được ở nhà tôi mọi thứ lộn xộn đến mức nào đâu, - Corbin nói, nghẹt thở vì tức giận. - Bọn gia nhân đã cuốn xéo rồi, ông bạn ạ! Tất cả bọn họ, tôi nsi với ông thế đó! Và tôi sẽ ngạc nhiên lắm nếu như họ không cuỗm đi các bộ đồ ăn bằng bạc. Vợ tôi không ở đây. Tôi rối tinh lên giữa tất cả những thứ này...

- Bà Corbin đang ở vùng tự do à?

- Đúng vậy! - Corbin làu nhàu.

Vợ ông và ông đã có một trận cãi nhau dữ dội; trong cảnh lộn xộn của cuộc ra đi vội vã hoặc cũng có thể do một ý đồ thâm hiểm, cô hầu phòng đã nhét vào giữa những vật dụng thiết yếu của bà Corbin một cái khung ảnh nhỏ vốn thuộc sở hữu của ông Corbin trong đó có lồng bức ảnh khỏa thân của Arlette. Bản thân sự khỏa thân ấy chưa chắc đã làm cho bà vợ hợp pháp tức tối: bà là một người rất tỉnh táo, nhưng cô vũ nữ lại đeo ở cổ một cái dây chuyền tuyệt đẹp: “Anh cam đoan với em rằng đó là đồ giả!” ông Corbin bực bội nói. Vợ ông không muốn tin điều đó. Về phần Arlette, cô nàng biệt vô âm tín. Tuy nhiên mọi người khẳng định rằng cô đang ở Bordeaux và người ta thường thấy cô cặp kè với các sĩ quan Đức. Nhớ đến điều này tâm trạng của Corbin càng trở nên xấu hơn. Ông rung chuông thật mạnh.

- Tôi chỉ còn có mỗi một cô đánh máy, - ông nói, - một con bé mà tôi nhặt được ở Nice. Ngu như bò nhưng lại khá xinh. A! Cô đấy hả? - ông đột ngột nói với một cô gái trẻ tóc nâu vừa mới bước vào. - Người ta cắt điện của tôi, cô thử tìm hiểu một chút xem có làm gì được không. Cứ gọi điện thoại đi, cứ gầm lên đi, cứ xoay xở đi, và rồi mang thư từ đến cho tôi nữa.

- Thư từ chưa được đưa lên ạ?

- Chưa, vẫn còn ở chỗ bà gác cổng. Cô co cẳng mà chạy đi. Mang thư lên đây. Tôi trả tiền cho cô để không làm gì hết cả à?

- Tôi đi đây, ông làm tôi phát sợ, - Furières nói.

Corbin bắt gặp một nụ cười hơi có vẻ coi thường của bá tước; cơn giận dữ của ông tăng lên, “ra cái vẻ, đồ xỏ lá”, ông nghĩ.

Cất cao giọng, ông trả lời:

- Thế ông muốn gì nào? Bọn họ làm tôi phút khùng lên.

Trong số thư từ có một bức thư của vợ chồng Michaud. Họ đã đến trình diện ở trụ sở nhà băng tại Paris, nhưng người ta không thể cung cấp cho họ những chỉ dẫn chính xác được. Họ bèn viết thư đến Nice và lá thư vừa mới được gửi trở lại cho Corbin. Trong thư vợ chồng Michaud xin các chỉ thị và xin được cấp tiền. Tâm trạng xấu phát tán tứ tung của Corbin cuối cùng cũng đã tìm được chỗ để dồn tụ lại; ông thốt lên:

- A! Cái thư này hay thật! Bọn họ chẳng phải lo lắng gì sất cả! Vậy là có những người chẳng phải lo lắng gì sất cả! Người ta chạy, người ta mệt bở hơi tai, người ta bị choảng vỡ mặt trên khắp các nẻo đường của nước Pháp. Ông bà Michaud thì có một kỳ nghỉ dễ chịu ở Paris và họ lại còn cả gan đòi tiền nữa chứ! Cô viết cho họ đi, - ông nói với cô đánh máy đang khiếp sợ, - cô viết cho họ đi:

Paris, ngày 25/7/1940

Gửi ông Maurice Michaud

23, phố Rouselet

Paris VII

Thưa ông,

Ngày 11 tháng Sáu chúng tôi đã ra lệnh cho ông cùng bà Michaud phải đi đến chỗ làm việc của ông bà tại địa điểm mà nhà băng tản cư tới, tức là ở Tours. Ông không thể không biết rằng trong những thời điểm quyết định này, tất cả các nhân viên của nhà băng, đặc biệt ông là người giữ một vị trí đươc tín nhiệm, được coi như những chiến sĩ. Ông biết việc rời bỏ vị trí trong những lúc như vậy có ý nghĩa gì. Hậu quả của việc làm thiếu trách nhiệm của cả hai ông bà là sự rối loạn hoàn toàn của các bộ phận đã được giao cho ông bà - ban thư ký và ban kế toán. Đấy không phải là điều duy nhất mà chúng tôi có thể chê trách ông bà. Như chúng tôi đã nói với ông vào dịp thưởng tiền ngày 31 tháng Mười hai năm trước khi ông xin nâng số tiền thưởng của ông lên thành ba ngàn franc, ông đã được báo cho biết rằng, cho dù có thiện ý của tôi đối với ông, tôi vẫn thấy điều đó là không thể được, vì năng suất của bộ phận của ông rất thấp so với năng suất mà người tiền nhiệm của ông từng đem lại cho chúng tôi. Với những điều kiện như vậy, trong khi lấy làm tiếc rằng ông đã chờ đợi lâu đến thế rồi mới liên lạc với lãnh đạo của ông, chúng tôi coi việc vắng tin ông cho đến tận hôm nay như một sự thôi việc, về phần ông cũng như về phần bà Michaud. Sự thôi việc này, chỉ do một mình ông bà và không hề được báo trước, không buộc chúng tôi phải trả ông bà bất cứ một khoản bồi thường nào. Tuy nhiên, tính đến thâm niên lâu dài của ông tại nhà băng cũng như hoàn cảnh hiện nay, chúng tôi cấp cho ông theo một chế độ đặc biệt và có tính chất thuần túy ban tặng một khoản trợ cấp tương đương với hai tháng tiền lương của ông. Vậy xin vui lòng nhận kèm theo đây... franc, dưới dạng một tấm séc gạch chéo ghi tên ông được thanh toán tại Nhà băng Pháp ở Paris. Xin ông vui lòng báo lại cho chúng tôi biết sau khi nhận được thư này để theo đúng thủ tục và xin ông hãy ghi nhận những tình cảm đặc biệt của chúng tôi.

CORBIN

Bức thư này đã khiến vợ chồng Michaud chìm vào tuyệt vọng. Họ không có đến được năm ngàn franc tiền tiết kiệm vì việc học hành của Jean-Marie rất tốn kém. Với hai tháng lương của họ và khoản tiền ấy, họ chỉ gom góp lại được xấp xỉ mười lăm ngàn franc và họ còn phải nộp tiền thuế. Vào thời điểm này gần như không thể tìm được việc làm; mọi công việc đều hiếm và lương thấp. Họ đã luôn luôn sống biệt lập; họ không có họ hàng, không có ai để xin giúp đỡ. Họ kiệt sức vì chuyến đi và trầm uất bởi lo lắng cho con trai họ. Trong một cuộc sống đầy những khó khăn, khi Jean-Marie còn nhỏ, bà Michaud thường nghĩ: “Chỉ cần nó đến tuổi tự lo liệu được cho bản thân thì chẳng điều gì có thể thực sự ảnh hưởng được đến mình.” Bà biết mình mạnh mẽ và có sức khỏe tốt, bà tự cảm thấy mình can đảm, bà chẳng lo sợ gì cho bản thân cũng như cho ông chồng người mà trong tâm tưởng bà cũng chưa bao giờ rời xa.

Nhưng giờ đây Jean-Marie đã là một người đàn ông. Dù anh ở đâu, nếu như anh còn sống, thì anh cũng không còn cần đến bà nữa. Nhưng bà không được an ủi vì điều này. Trước hết bà không thể tưởng tượng được rằng con trai bà lại có thể không cần đến bà. Và đồng thời bà hiểu rằng chính bà, giờ đây, đang cần đến anh. Toàn bộ sự dũng cảm của bà đã rời bỏ bà; bà nhìn thấy sự bấp bênh của Maurice: bà cảm thấy mình đơn độc, già nua, ốm yếu. Họ phải làm gì để tìm được việc làm? Họ sẽ sống ra sao khi tiêu hết mười lăm ngàn franc này? Bà có một vài món đồ nữ trang nhỏ: bà yêu quý chúng. Bà luôn luôn nói: “Những thứ này chẳng có giá trị gì”, nhưng trong thâm tâm bà không thể tin rằng cái trâm nhỏ xinh đẹp nạm ngọc trai kia, cái nhẫn giản dị đính một viên hồng ngọc kia, những món quà của Maurice thời họ còn trẻ mà bà đã từng yêu thích đến thế, lại không thể bán được giá. Bà đưa những thứ này cho một người thợ kim hoàn trong khu phố của bà, rồi lại đưa ra một cửa hàng lớn ở phố Paix, cả hai đều từ chối: cái trâm và cái nhẫn được làm rất khéo nhưng họ chỉ quan tâm đến ngọc thôi, mà những viên ngọc ở đây thì bé đến mức chẳng đáng để mua. Bà Michaud thầm sung sướng với ý nghĩ giữ lại được tài sản của mình, nhưng sự thể thì rành rành ra đó: đây là những của cải cuối cùng của họ. Thế mà tháng Bảy đã trôi qua và làm hao hụt nghiêm trọng nguồn dự trữ của họ. Thoạt đầu cả hai đều nghĩ đến chuyện đi tìm Corbin, giải thích cho ông ta rằng họ đã làm hết sức mình để đi đến Tours và nếu ông ta cứ nhất định sa thải họ, thì ít nhất ông ta phải trả họ số tiền bồi thường như dự kiến. Nhưng họ đã khá quen thuộc cái ông Corbin của họ nên biết rằng mình chẳng đủ sức chống lại ông ta. Họ không có đủ khả năng tài chính cần thiết để theo kiện ông ta và Corbin chẳng phải là người dễ bị đe dọa. Thêm nữa họ cảm thấy ghê tởm không chịu nổi khi phải xin xỏ cái con người mà họ căm ghét và khinh bỉ ấy.

- Anh không thể làm việc đó được, Jeanne ạ. Đừng yêu cầu anh, anh không thể làm việc đó được, - Maurice nói bằng một giọng dịu dàng và yếu ớt. - Anh nghĩ là nếu anh đứng trước ông ta, anh sẽ nhổ vào mặt ông ta mất và điều đó sẽ chẳng làm cho mọi chuyện ổn thỏa được.

- Không, - Jeanne nói, bất giác mỉm cười, - nhưng hoàn cảnh của chúng ta kinh khủng thật, anh tội nghiệp của em ạ. Có thể nói là chúng ta đang bước tới một cái vực sâu và chúng ta nhìn thấy khoảng cách cứ thu ngắn lại theo mỗi bước chân mà không thể thoát ra khỏi được. Thật không chịu đựng nổi.

- Thế nhưng vẫn phải chịu đựng thôi, - ông trả lời bằng một giọng bình thản.

Ông đã từng chuyển giọng hệt như vậy để nói với bà, cái hồi ông bị thương vào năm 1916 và bà được gọi đến bên ông ở bệnh viện: “Anh cho là khả năng lành bệnh của anh là 4/10”. Ông đã suy nghĩ rồi nói thêm, đắn đo: “Ba rưỡi, nói cho chính xác.”

Bà vừa nhẹ nhàng, âu yếm đặt tay lên trán ông, vừa tuyệt vọng nghĩ: “Ôi! Giá mà Jean-Marie ở đây, nó sẽ bảo vệ chúng ta, nó sẽ cứu chúng ta. Nó trẻ trung, nó mạnh mẽ...” Trong bà hòa lẫn một cách lạ lùng nhu cầu che chở của người mẹ và nhu cầu được che chở của người phụ nữ. “Nó ở đâu, thằng bé tội nghiệp của mình? Nó có còn sống không? Nó có đau đớn không? Không thể có chuyện đó được, trời ơi! Không thể có chuyện là nó chết!” bà nghĩ, và trái tim bà buốt lạnh khi ước tính rằng, trái lại, điều đó có khả năng xảy ra đến chừng nào. Những giọt lệ mà từ biết bao ngày nay bà vẫn can đảm kìm giữ giờ trào ra khỏi đôi mắt bà. Bà phẫn nộ thốt lên:

- Nhưng tại sao nỗi đau khổ bao giờ cũng dành cho chúng ta? Và cho những người như chúng ta? Cho những người bình thường? Cho giới tiểu tư sản? Dù cho chiến tranh xảy ra, đồng tiền hạ giá, dù cho có nạn thất nghiệp hay khủng hoảng hoặc cách mạng, những kẻ khác vẫn xoay xở được. Chúng ta thì luôn luôn bị đè bẹp! Tại sao? Chúng ta đã làm gì nào? Chúng ta phải trả giá cho mọi lỗi lầm. Tất nhiên rồi, người ta chẳng sợ chúng ta! Giới công nhân biết tự vệ, những người giàu thì mạnh mẽ. Còn chúng ta, chúng ta là những con cừu tốt để xén lông. Hãy giải thích cho tôi biết vì sao chứ! Chuyện gì đang xảy ra? Em không hiểu. Anh là một người đàn ông, có lẽ là anh hiểu, - bà giận dữ nói với Maurice, không còn biết phải buộc tội ai về cái tai họa đang đến với họ. - Ai sai? Ai đúng? Tại sao lại là Corbin? Tại sao lại là Jean-Marie? Tại sao lại là chúng ta?

- Em muốn hiểu cái gì nào? Chả có gì để mà hiểu cả, - ông nói, cố gắng làm cho bà bình tĩnh lại. - Có những quy luật chi phối thế giới và chúng không được làm ra để ủng hộ hay để chống lại chúng ta. Khi cơn giông nổ ra, em không oán trách ai cả, em biết rằng sét là sản phẩm của hai loại điện tích trái dấu, các đám mây không hề biết đến em. Em không thể trách móc chúng gì được. Vả lại làm như vậy thì thật buồn cười, chúng sẽ không hiểu.

- Nhưng đây có giống như vậy đâu. Đây là những hiện tượng hoàn toàn thuộc về con người.

- Chỉ là bề ngoài thôi, Jeanne ạ. Những chuyện đó có vẻ như do người này hoặc người kia, do một hoàn cảnh nào đó, nhưng cũng giống như trong tự nhiên, sau một giai đoạn yên ả thì sẽ có cơn giông với sự khởi đầu, lúc đỉnh điểm, lúc kết thúc và sẽ lại đến những giai đoạn bình yên khác dài hoặc ngắn hơn! Không may cho chúng ta, chúng ta lại sinh ra trong một thế kỷ giông bão, thế thôi. Bão tố sẽ dịu đi.

- Vâng, - bà nói, nhưng không đi theo vào lĩnh vực trừu tượng này, - Nhưng thế còn Corbin thì sao? Đó không phải là một thế lực tự nhiên chứ, cái lão Corbin ấy, phải không?

- Đó là một loài độc hại giống như loài bọ cạp, loài rắn, các thứ nấm độc. Thực ra cũng có một chút lỗi của chúng ta. Chúng ta đã luôn luôn biết Corbin là cái loại gì rồi. Tại sao chúng ta còn ở lại đó, ở chỗ lão ta? Ta không đụng đến những thứ nấm xấu, phải tránh những người xấu đi chứ. Đã từng có những tình huống mà, nếu có một chút can đảm và có khả năng chịu đựng, lẽ ra chúng ta đã có thể tìm được một việc làm khác. Và em hãy nhớ lại đi, cái hồi chúng ta còn trẻ, khi anh được mời làm giám học ở São Paulo, nhưng em đã không muốn để cho anh đi.

- Thôi, đó là chuyện cũ rồi, - bà vừa nói vừa nhún vai.

- Không, anh chỉ nói...

- Vâng, anh nói là không nên oán giận con người. Nhưng chính anh lại nói là nếu anh gặp Corbin, anh sẽ nhổ vào mặt lão ta.

Họ tiếp tục tranh luận, không phải bởi vì họ hy vọng hay thậm chí là mong muốn thuyết phục nhau, mà bởi vì trong lúc nói, họ quên đi được đôi chút mối lo âu nghiệt ngã của họ.

- Chúng ta có thể nhờ đến ai đây? - cuối cùng Jeanne thốt lên.

- Em vẫn còn chưa hiểu rằng tất cả mọi người chẳng ai thiết gì đến ai sao?

Bà nhìn ông.

- Anh lạ thật, Maurice ạ. Anh nhìn mọi người như những kẻ vô sỉ nhất, chán chường nhất và, đồng thời, anh lại chẳng đau khổ, ý em muốn nói là, đau khổ trong thâm tâm ấy! Em có nhầm không?

- Không.

- Vậy thì rốt cuộc điều gì đã an ủi anh?

- Niềm tin chắc chắn về sự tự do bên trong của mình, - ông nói sau khi suy nghĩ, - thứ tài sản quý giá không thể suy suyển ấy, và việc để mất hay giữ gìn nó chỉ phụ thuộc vào mình anh thôi. Cứ để cho các dục vọng bị đẩy đến cực điểm như hiện giờ cuối cùng sẽ tắt ngấm đi. Cứ để cho những thứ đã bắt đầu sẽ đi đến hồi kết. Tóm lại, cứ để cho các thảm họa qua đi và phải cố gắng đừng biến mất trước chúng, chỉ có thế thôi. Vậy trước hết hãy sống: Primum vivere. Được ngày nào hay ngày ấy. Tồn tại, chờ đợi, hy vọng.

Bà nghe ông mà chẳng nói gì. Đột nhiên, bà đứng dậy và cầm lấy chiếc mũ mà lúc trước bà đặt trên lò sưởi. Ông nhìn bà sửng sốt.

- Còn em thì, - bà nói, - “Hãy tự giúp mình, trời sẽ giúp cho”. Vì thế em sẽ đi tìm Furières đây. Ông ta luôn luôn tử tế đối với em và ông ta sẽ giúp chúng mình, dù chỉ là để làm cho Corbin khó chịu.

Jeanne đã không nhầm! Furières đã tiếp bà và hứa rằng bà và chồng bà sẽ được nhận một khoản tiền bồi thường tương đương với sáu tháng lương của mỗi người, điều đó sẽ nâng số tiền của họ lên quãng sáu chục ngàn franc.

- Anh thấy đấy, em đã xoay xở được, trời đã giúp em, - Jeanne nói lúc trở về với chồng bà.

- Còn anh, anh đã hy vọng, - ông mỉm cười trả lời. - Cả hai chúng ta đều có lý!

Họ rất thỏa mãn với kết quả của cuộc vận động này nhưng họ cảm thấy rằng từ nay đầu óc họ, được giải phóng khỏi những bận tâm tiền bạc ít nhất là trong tương lai trước mắt, sẽ bị chiếm trọn bởi nỗi lo sợ cho con trai của họ.