Bản giao hưởng Pháp - Phần I - Chương 29

29

Đến mùa thu, Charles Langelet trở về nhà. Các món đồ sứ không bị hư hại gì trong chuyến đi. Đích thân ông dỡ những chiếc hòm to ra, run lên vui sướng khi chạm vào, dưới lớp vỏ bào và giấy lụa, cái trơn mát của một pho tượng Sèvre nhỏ, của một chiếc độc bình thuộc dòng men hồng. Ông khó khăn lắm mới tin được rằng ông đang ở nhà mình, rằng ông đã gặp lại những vật quý của ông. Thỉnh thoảng ông lại ngẩng đầu lên và nhìn qua những lớp cửa kính vẫn còn hằn vết giấy dán cái đường cong tuyệt đẹp của sông Seine.

Buổi trưa, bà gác cổng lên dọn dẹp nhà cửa; ông hãy còn chưa mướn gia nhân. Những sự kiện nghiêm trọng, tốt lành hay tai họa, đều không làm thay đổi tâm hồn con người nhưng chúng định rõ nó, giống như một cơn gió khi quét đi ngay một lượt những chiếc lá héo thì làm lộ ra hình dáng của một cái cây; chúng đưa ra ánh sáng những thứ mà trước đây vẫn ẩn trong bóng tối; chúng đẩy tinh thần đi theo hướng mà nó sẽ phát triển từ đây. Charlie vốn luôn luôn tằn tiện, tính toán chi li. Sau khi đi tản cư về ông tự cảm thấy mình keo kiệt, đối với ông cái việc tiết kiệm mỗi lúc có thể đã thành một khoái lạc thực sự, và ông nhận ra điều này bởi vì, thêm vào đó, ông đã trở nên vô sỉ. Trước đây, không bao giờ ông có thể nghĩ đến việc ở trong một ngôi nhà bừa bãi, đầy bụi bặm; có lẽ ông sẽ chùn lại trước ý nghĩ đi ăn tiệm ngay hôm mới trở về. Nhưng giờ đây ông đã trải qua nhiều chuyện đến nỗi chẳng có gì làm ông sợ nữa. Khi bà gác cổng nói với ông rằng đằng nào thì bà ta cũng không thể dọn dẹp nhà cửa xong trong ngày hôm nay, rằng ông chủ không nhận thấy được hết những việc phải làm đâu, Charlie bèn trả lời bằng một giọng nhẹ nhàng nhưng không nao núng:

- Bà sẽ thu xếp được, bà Logre ạ. Bà sẽ làm nhanh hơn một chút, có thế thôi.

- Nhanh và tốt không phải bao giờ cũng đi đôi với nhau, thưa ông!

- Lần này thì nó sẽ đi đôi với nhau đấy, cái thời dễ dãi đã qua rồi, - Charlie nghiêm khắc nói. - Tôi sẽ trở về vào lúc sáu giờ. Tôi hy vọng là mọi thứ sẽ xong xuôi. - Ông nói thêm.

Và sau khi quác mắt oai nghiêm về phía bà gác cổng, lúc này im bặt, trong bụng tức điên lên, và hướng một cái nhìn trìu mến lần cuối về phía những món đồ sứ của mình, ông ra đi. Trong lúc xuống cầu thang, ông tính xem mình tiết kiệm được những gì; ông sẽ không phải trả tiền ăn trưa cho bà Logre nữa. Trong một thời gian, bà ta sẽ làm việc cho ông hai tiếng một ngày; một khi công việc quan trọng nhất đã làm xong, chỉ cần làm đôi chút để bảo dưỡng căn hộ. Ông sẽ thong thả tìm kiếm gia nhân, có thể là một cặp vợ chồng. Từ trước đến giờ ông vẫn luôn luôn có một cặp vợ chồng gia nhân, anh hầu phòng và chị bếp.

Ông đi ăn trưa ngoài bờ sông, trong một tiệm ăn nhỏ mà ông quen thuộc. Ông ăn không đến nỗi nào nếu xét đến hoàn cảnh hiện tại. Kể ra thì ông không phải là một người ăn nhiều, nhưng ông uống loại rượu thượng hảo hạng. Chủ tiệm nói nhỏ vào tai ông rằng ông ta hãy còn dự trữ được một chút cà phê xịn. Charlie châm một điếu xì gà và thấy đời thật đẹp. Tức là, không, đời không đẹp, không thế quên được thất bại của nước Pháp và tất cả những nỗi đau đớn, những sự nhục nhã mà điều đó đem lại, nhưng đối với ông, Charlie, cuộc đời đẹp bởi vì ông tiếp nhận cuộc sống như nó đang diễn ra, vì ông không khóc thương quá khứ và không sợ hãi tương lai.

“Tương lai sẽ như nó phải có, ông nghĩ, ta chẳng bận tâm mấy đến điều đó...” Ông lắc tàn thuốc rơi khỏi điếu xì gà. Tiền bạc của ông để ở Mỹ, và do khoản tiền đó bị phong tỏa, may thay, điều đó lại giúp cho ông được giảm thuế hoặc thậm chí chẳng phải trả thuế tí nào. Đồng franc sẽ còn bị hạ giá lâu. Tài sản của ông, vào lúc mà ông có thể đụng đến được, do vậy sẽ tự tăng gấp bội. Về việc chi tiêu hiện tại, từ lâu ông đã lo đến việc để dành. Có lệnh cấm mua bán vàng, và ngoài chợ đen vàng đã lên đến cái giá điên khùng. Ông sửng sốt nghĩ đen cơn gió hoảng loạn đã từng thổi vào ông khi ông muốn rời nước Pháp để đến sống ở Bồ Đào Nha hay Nam Mỹ. Một số bạn bè ông đã làm như vậy, nhưng ông không phải là người Do Thái mà cũng chẳng phải là hội viên hội Tam điểm, ơn Chúa, ông nghĩ với nụ cười khinh khỉnh. Ông chưa từng bao giờ quan tâm đến chính trị và ông chẳng thấy có lý gì mà người ta lại không để cho ông được yên, ông, một kẻ tội nghiệp rất lặng lẽ, rất lành, chẳng làm hại ai cả và trên đời chỉ yêu có mỗi những món đồ sứ của mình. Ông tự nhủ một cách nghiêm túc hơn rằng đó chính là bí quyết hạnh phúc của ông giữa bao nhiêu chấn động. Ông chẳng yêu bất cứ cái gì hết, ít ra là chẳng yêu bất cứ cái gì sống động mà thời gian có thể làm hư hại, mà cái chết có thể mang đi; ông thật có lý khi không kết hôn, không có con... Trời ạ, tất cả những người khác đều bị lừa. Chỉ có mình ông là sáng suốt.

Nhưng trở lại cái kế hoạch điên rồ là chạy ra nước ngoài ấy, lúc đó ông đã bị kích động bởi cái ý nghĩ kỳ cục và gần như điên rồ rằng chỉ trong vài ngày thế giới sẽ thay đổi, sẽ trở thành một địa ngục, một nơi khủng khiếp. Và đây... Tất cả vẫn như cũ. Ông nhớ tới Thánh sử và sự miêu tả trái đất trước cơn Đại hồng thủy: như thế nào ấy nhỉ? À phải: con người xây dựng, kết hôn, ăn và uống... Thế đó! Sách thánh đã không đầy đủ. Lẽ ra sách phải viết; “Sau Đại hồng thủy nước rút đi và con người lại bắt đầu xây dựng, kết hôn, ăn và uống...” Kể ra thì con người cũng chẳng quan trọng mấy cần phải giữ gìn những tác phẩm nghệ thuật, những viện bảo tàng, những bộ sưu tập. Điều khủng khiếp trong chiến tranh Tây Ban Nha là người ta đã để cho các kiệt tác bị tiêu tán; nhưng ở đây cái chủ yếu đã được cứu thoát, tuy vậy, trừ một số lâu đài ở vùng sông Loire. Điều đó không thể tha thứ được, nhưng loại rượu mà ông uống ngon đến nỗi ông tự cảm thấy mình có khuynh hướng lạc quan. Dù sao thì cũng vẫn có những đống đổ nát, những đống đổ nát rất đẹp. Ở Chinon chẳng hạn, còn có gì tuyệt diệu hơn cái gian phòng không có trần nhà ấy và những bức tường ấy, nơi đã từng nhìn thấy Jeanne d’Arc và giờ đây thì lũ chim làm tổ, ở một góc mọc lên một cây anh đào dại.

Ăn trưa xong, ông muốn đi dạo đôi chút ngoài đường phố, nhưng ông thấy đường phố buồn tẻ. Gần như không có ô tô, có một sự im lặng lạ lùng, những lá cờ đỏ chữ thập ngoặc phấp phới khắp nơi. Trước cửa một tiệm bán bơ sữa, những người đàn bà đang đợi đến lượt mình. Đó là cuộc chiến tranh đầu tiên mà ông nhìn thấy. Đám người trông ủ dột. Charlie vội vã xuống tàu điện ngầm, phương tiện di chuyển duy nhất có thể sử dụng, và đi đến một quán bar mà ông thường rất hay đến vào lúc một giờ hoặc bảy giờ. Đó là những chốn nương náu đầy diễm phúc, những quán bar ấy! Ở đó giá cả rất đắt và khách hàng thì gồm những người đàn ông giàu có, đã quá tuổi trung niên, má cả lệnh tổng động viên lẫn chiến tranh đều không đụng chạm tới được. Charlie ngồi một mình một lúc, nhưng đến quãng sáu giờ rưỡi thì tất cả mọi người tới, tất cả những khách quen cũ, tất cả đều khỏe mạnh, bình yên vô sự, mặt mũi tươi tỉnh, đi cùng với những người đàn bà xinh đẹp, son phấn kỹ càng, phục sức đẹp đẽ, đội những chiếc mũ nhỏ duyên dáng, và họ kêu lên:

- Ơ, có phải ông ấy không kìa, có phải Charlie không?... Thế nào, không mệt quá chứ? Về lại Paris à?

- Paris thật thảm hại, nhỉ?

Và gần như ngay lập tức, như thể gặp lại nhau sau một mùa hè yên ả nhất, bình thường nhất, họ bắt đầu cái kiểu trò chuyện sôi nổi và phù phiếm, lớt phớt qua mọi thứ và không nói lâu về bất cứ điều gì, cái kiểu mà Charlie gọi là “hãy lướt qua đi, những kẻ trần tục - đừng có dừng lại đó”. Giữa các câu chuyện, ông được biết tin về một vài người trẻ tuổi bị chết hay bị bắt, và ông nói:

- Ô! Không thể như thế được! Này! Tôi đã không hề biết gì về chuyện đó cả nhé, kinh khủng thật! Những cậu bé tội nghiệp!

Chồng của một trong các bà ở đây đang bị bắt làm tù binh ở Đức.

- Tôi nhận được tin của anh ấy khá đều đặn, anh ấy không khổ sở đâu, nhưng buồn chán, các vị hiểu chứ?... Tôi hy vọng có thể tác động cho anh ấy sớm được trả tự do.

Cứ chuyện phiếm, lắng nghe, mỗi lúc Charlie lại lấy được thêm tinh thần, lấy lại được cái tâm trạng sảng khoái đã bị u ám đi trong chốc lát bởi quang cảnh đường phố Paris, nhưng điều khiến cho ông cuối cùng hồi phục lại hoàn toàn, đó là chiếc mũ của một người đàn bà vừa mới bước vào; tất cả đám phụ nữ ở đây đều mặc đẹp nhưng với một kiểu cách giả vờ giản dị, như muốn nói: “Tôi có ăn diện đâu, thật đấy! Trước hết là chẳng có tiền và sau nữa là không phải lúc, tôi mặc nốt mấy cái váy cũ thôi...”, nhưng người đàn bà này thì chưng ra một cách bạo dạn, một cách dũng cảm, với một sự sung sướng ngạo mạn, một chiếc mũ nhỏ tuyệt đẹp mới tinh, chỉ to hơn cái vòng quấn khăn ăn một chút, làm bằng hai mảnh da chồn, với một tấm voan nhỏ màu hung đỏ rủ trên mái tóc vàng óng của cô ta. Khi nhìn thấy chiếc mũ này, Charlie bình tâm hẳn lại. Đã muộn, ông còn muốn ghé qua nhà trước bữa ăn tối; đến lúc phải đi rồi nhưng ông không thể quyết định chia tay bạn bè được. Có ai đó đề nghị:

- Hay là chúng ta cùng ăn tối đi?

- Đó là một ý rất hay, - Charlie nồng nhiệt nói.

Và ông đề nghị đến cái tiệm ăn nhỏ nơi ông đã ăn bữa trưa rất ngon lành, vì bản tính ông giống như loài mèo, nhanh chóng gắn bó với nơi mà mình được đối xử tốt.

- Lại phải đi tàu điện ngầm! Cái tàu điện ngầm này thật là tai họa, nó đầu độc cuộc sống. - Ông nói.

- Tôi thì tôi có xăng, có giấy phép đi lại. Tôi không mời ông lên xe để tôi đưa đi được vì tôi đã hứa đợi Nadine rồi, - người đàn bà đội chiếc mũ mới nói.

- Nhưng chị làm cách nào vậy? Xoay xở được như thế thật là cừ quá!

- À! Thế đấy. - Cô ta mỉm cười nói.

- Này, vậy thì hẹn gặp lại khoảng một tiếng, một tiếng mười lăm phút nữa nhé.

- Ông có muốn tôi đi qua đón ông không?

- Không, cám ơn, chị thật tót bụng, chỗ đó ngay cạnh nhà tôi thôi.

- Ông đề phòng nhé, ông biết đấy, trời tối lắm rồi. Bọn họ nghiêm ngặt về mặt này lắm đấy.

“Quả thực, tối quá!” Charlie nghĩ khi nhô đầu từ tầng hầm ấm áp và đầy ánh sáng lên đường phố tối đen. Trời mưa, đó là một buổi tối mùa thu như những buổi tối mà ngày xưa ông từng yêu biết bao ở Paris, nhưng hồi ấy chân trời còn giữ lại được một ráng đỏ. Giờ đây tất cả đều tối tăm và ảm đạm như ở trong lòng giếng.

May thay bến tàu điện ngầm lại gần. Về đến nhà, Charlie nhìn thấy bà Logre vẫn chưa dọn dẹp nhà cửa xong và đang lia chổi với một vẻ tập trung và u ám. Nhưng phòng khách thì đã dọn xong. Trên chiếc bàn kiểu Chippendale mặt bóng loáng, Charlie muốn đặt một bức tượng nhỏ vùng Sèvres mà ông thích nhất, tượng thần Vệ nữ soi gương. Ông lấy bức tượng từ trong hòm ra, gỡ bỏ lớp giấy lụa quấn quanh nó, ngắm nhìn nó một cách đắm đuối, và ông đang mang nó ra chiếc bàn thì có người bấm chuông.

- Ra xem có cái gì nào, bà Logre.

Bà Logre đi ra rồi trở lại và nói:

- Thưa ông chủ, tôi đã nói là ông chủ đang tìm người và bà gác cổng nhà số 6 gửi đến cho tôi người này đang muốn kiếm việc làm.

Vì Charlie do dự, bà ta nói thêm:

- Đây là một người rất tốt, đã từng là hầu phòng ở nhà bà bá tước Barrai du Jeu. Chị ta đã đi lấy chồng và không muốn làm việc nữa, nhưng chồng chị ta bị bắt làm tù binh nên chị ta cần kiếm sống. Ông chủ cứ thử gặp xem sao!

-Thôi được! Bảo chị ta vào đây. - Langelet vừa nói vừa đặt bức tượng lên một chiếc bàn tròn một chân.

Người đàn bà có vẻ rất khá, trông khiêm nhường và bình thản, rõ ràng muốn được lòng nhưng không luồn cúi. Có thể thấy ngay lập tức chị ta có nề nếp và đã từng phục vụ trong những gia đình tử tế. Chị ta người đẫy đà. Charlie thầm chê trách chị ta về điều ấy; ông thích những cô hầu phòng mảnh mai và hơi gầy, nhưng chị ta cổ vẻ quãng ba lăm bốn mươi tuổi, lứa tuổi hoàn hảo đối với một gia nhân, lứa tuổi mà người ta đã thôi nhảy nhót và đồng thời lại khá khỏe mạnh và đủ sức lực để làm tốt công việc. Chị ta có khuôn mặt to, đôi vai rộng, và chị ta ăn mặc giản dị nhưng đứng đắn; chắc chắn rằng cái váy, cái áo măng tô và cái mũ của chị ta là đồ thải thứ cấp của một bà chủ cũ.

- Chị tên là gì? - đã có ấn tượng tốt, Charlie hỏi.

- Hortense Gaillaid, thưa ông chủ.

- Rất tốt. Chị tìm chỗ làm à?

- Tức là, thưa ông chủ, hai năm trước tôi đã rời khỏi nhà bà bá tước Barral du Jeu để đi lấy chồng. Tôi đã tưởng là sẽ thôi không làm việc nữa, nhưng chồng tôi bị gọi đi lính và bị bắt làm tù binh và ông chủ cũng hiểu là tôi phải kiếm sống. Em trai tôi thất nghiệp và tôi phải nuôi nó, với cả cô vợ ốm yếu và một đứa con nhỏ của nó.

- Tôi hiểu. Tôi đã định thuê một cặp vợ chồng.

- Tôi biết, thưa ông, nhưng có lẽ tôi có thể làm được việc chăng? Tôi đã là hầu phòng thứ nhất ở nhà bà công tước, nhưng trước đó thì tôi còn từng phục vụ ở nhà bà mẹ của bà công tước với công việc đầu bếp. Tôi có thể làm bếp và coi sóc nhà cửa.

- Ừ, hay đấy, - Charlie vừa nói khẽ vừa nghĩ rằng sự kết hợp này rất có lợi.

Đương nhiên còn có vấn đề phục vụ bàn ăn. Ông vốn thuộc giới thượng lưu nhưng ông không định tiếp khách nhiều trong mùa đông này.

- Chị có biết cách là quần áo đàn ông không? Tôi đòi hỏi cao về chuyện này đấy, tôi báo trước cho chị biết.

- Tôi đã từng là người là quần áo cho ông bá tước đấy ạ.

- Thế còn về chuyện nấu nướng thì sao? Tôi hay đi ăn tối ở nhà hàng. Tôi cần những món ăn đơn giản nhưng nấu cẩn thận.

- Ông chủ có muốn xem các giấy chứng nhận của tôi không ạ?

Chị ta rút giấy tờ ra từ một chiếc túi giả da lợn và đưa cho ông. Ông đọc một tờ rồi đến tờ khác; những tờ giấy chúng nhận này được viết bằng những lời lẽ nồng nhiệt nhất - chăm chỉ, hết sức nề nếp, lương thiện chỉn chu, biết nấu ăn rất giỏi và thậm chí biết làm bánh ngọt nữa.

- Biết làm bánh ngọt nữa cơ à? Thế thì rất tốt. Tôi nghĩ, chị Hortense ạ, chúng ta có thể hợp ý nhau được đấy. Chị làm ở chỗ bà bá tước Barrai du Jeu có lâu không?

- Năm năm ạ, thưa ông.

- Thế bà ấy đang ở Paris có phải không? Tôi muốn có những thông tin riêng, chị hiểu chứ?

- Tôi hiểu rõ lắm, thưa ông chủ. Bà bá tước đang ở Paris. Chắc ông chủ muốn có số điện thoại của bà ấy? Auteuil 38.14.

- Cám ơn. Bà ghi lại hộ cho, bà Logre nhé? Thế còn tiền công thì sao? Chị muốn bao nhiêu?

Hortense yêu cầu sáu trăm franc. Ông đề nghị bốn trăm rưỡi. Hortense suy nghĩ. Con mắt nhỏ màu đen, linh lợi và sắc sảo của chị ta xuyên thâu tâm can người đàn ông ngạo mạn và được ăn uống no đủ này. “Keo kiệt, kỹ tính,” chị ta nghĩ, “nhưng mình sẽ xoay xở được.” Và chỗ làm việc bây giờ lại thật hiếm hoi. Chị ta nói với vẻ dứt khoát:

- Tôi không thể nhận ít hơn năm trăm rưỡi được. Ông chủ sẽ hiểu cho. Tôi đã từng có một ít tiền tiết kiệm. Tôi đã ăn hết số tiền đó trong chuyến đi khủng khiếp ấy.

- Chị đã từng đi khỏi Paris à?

- Vâng, thưa ông, vào đợt di tản ạ. Bom đạn và đủ mọi thứ, không kể là chúng tôi đã suýt chết đói dọc đường. Ông chủ không biết hồi ấy khổ như thế nào đâu.

- Tôi biết chứ, tôi biết, - Charlie vừa nói vừa thỏ dài. - Tôi cũng đi như vậy mà. A! Đó là những sự kiện đáng buồn. Thế chúng ta thỏa thuận là năm trăm rưỡi nhé. Này, tôi đồng ý như vậy vì tôi tin là chị xứng đáng. Tôi yêu cầu một sự chính trực tuyệt đối.

- Ồ! Ông chủ, - Hortense nói bằng một giọng ngấm ngầm phẫn nộ như thể bản thân một suy nghĩ như thế đã là một sự xúc phạm, và Charlie vội vã làm cho chị ta hiểu bằng một nụ cười trấn an rằng ông chỉ nói như vậy cho đúng thể thức thôi, chứ ông không có lúc nào nghi ngờ tính trung thực nghiêm ngặt của chị và thêm nữa chính ý nghĩ về một sự thiếu tế nhị như vậy cũng là điều không thể chịu đựng nổi trong đầu óc ông, đến mức là ông không thể nào nghĩ tới nó được.

- Tôi hy vọng là chị khéo tay và cẩn thận. Tôi có một bộ sưu tập mà tôi rất quý. Tôi không để cho bất cứ ai làm cái công việc phủi bụi cho những món đồ hiếm nhất, cái tủ kính này chẳng hạn, tôi sẽ giao cho chị.

Vì ông có vẻ như mời chị ta xem, Hortense bèn đưa mắt nhìn những chiếc hòm đã dỡ ra dở dang:

- Ông chủ có những thứ thật đẹp. Trước khi vào làm phục vụ ở nhà bà mẹ của bà bá tước, tôi đã từng làm ở nhà một ông người Mỹ, ông Mortimer Shaw. Ông ấy thì lại chơi đồ ngà.

- Mortimer Shaw à? Ra vậy đấy! Tôi biết ông ta lắm, đó là một nhà buôn đồ cổ tầm cỡ.

- Ông ấy đã thôi không làm việc rồi, thưa ông.

- Thế chị có ở chỗ ông ta lâu không?

- Bốn năm ạ. Đó là những chỗ duy nhất mà tôi đã từng làm.

Charlie đứng dậy và vừa nói bằng một giọng khích lệ vừa tiễn Hortense ra tận cửa:

- Ngày mai chị quay lại đây nhận câu trả lời dứt khoát nhé, đồng ý không? Nếu như những thông tin trao đổi miệng cũng tốt như những giấy chứng nhận, điều này thì tôi không hề nghi ngờ đâu, tôi sẽ thuê chị vào làm. Chị có thể bắt đầu làm sớm được không?

- Ngay từ thứ Hai ạ, nếu ông chủ muốn.

Hortense đi về, Charlie vội vã thay cổ áo, thay măng sét, rửa tay. Lúc ở quán bar, ông đã uống nhiều rượu. Ông thấy mình cực kỳ nhẹ nhõm và hài lòng về bản thân. Ông không đợi thang máy, một cỗ máy cổ lỗ và chậm rì rì, mà đi xuống cầu thang với những bước chân nhanh nhẹn của một người trẻ tuổi. Ông sẽ gặp lại những người bạn dễ chịu, một phụ nữ xinh đẹp. Ông vui sướng được giới thiệu với họ cái tiệm ăn nhỏ mà ông đã phát hiện ra ấy.

“Chẳng biết họ có còn thứ rượu vang Corton ấy không nhỉ,” ông nghĩ. Cái cổng to dành cho xe qua với cánh cửa gỗ chạm hình các nàng tiên cá và các vị nam thần có đuôi cá (một kỳ quan, một tác phẩm nghệ thuật đã được ủy ban các Công trình Lịch sử của Paris xếp loại) mở ra và khép lại sau lưng ông với một tiếng động trầm đục và rin rít. Bước qua ngưõng cửa, Charlie tức khắc dấn vào đêm đen dày đặc, nhưng, tối nay vui vẻ và vô tư lự như thuở hai mươi, ông chẳng dè chừng và đi ngang qua phố về hướng bờ sông; ông để quên đèn pin, “nhưng ta biết từng viên đá của khu phố ta ở,” ông tự nhủ. “Chỉ việc đi theo sông Seine và qua Cầu Marie. Chắc chẳng có nhiều ô tô đâu,” ông nghĩ. Và đúng vào lúc ông đang nhủ thầm trong đầu những câu này, ông nhìn thấy hiện ra ngay sát cạnh mình một chiếc ô tô đang phóng cực kỳ nhanh, những chiếc đèn pha sơn màu lam theo quy định tỏa ra một thứ ánh sáng đáng ngờ và tang tóc. Bất ngờ, ông nhảy lùi lại phía sau, trượt chân, cảm thấy mình bị mất thăng bằng, hai tay chới với trong không khí, và không tìm thấy gì để bám vào, ông ngã xuống. Chiếc ô tô chuệnh choạng, một giọng phụ nữ lo sợ thét lên: “Cẩn thận!” Đã quá muộn.

“Ta chết mất rồi. Ta sẽ bị cán nát. Vượt qua biết bao nhiêu nguy hiểm để rồi kết thúc như thế này, thật là quá... thật là quá ngu xuẩn. Ta đã bị chơi xỏ... Ai đó, ở một nơi nào đó, đã chơi xỏ ta cái trò đùa thô thiển và kinh khủng này...” Như một con chim hoảng sợ trước phát súng liền bay ra khỏi tổ và mất hút, ý nghĩ tỉnh táo cuối cùng này lướt qua trong óc Charlie và rời bỏ ông cùng một lúc với sự sống. Ông bị một cú khủng khiếp vào đầu. Sườn ô tô đã làm hộp sọ của ông vỡ tung ra. Máu và óc phọt ra mạnh đến nỗi có một vài giọt bắn vào người đàn bà lái xe - một phụ nữ xinh đẹp, đội một chiếc mũ không to hơn cái vòng quấn khăn ăn làm bằng hai mảnh da chồn khâu ghép lại và một tấm voan hung đỏ rủ trên mái tóc vàng óng. Arlette Corail, từ Bordeaux về tuần trước, giờ đây rụng rời nhìn xác chết và thì thầm:

- Đen đủi quá, đen đủi quá đi mất!

Cô ta là một phụ nữ cẩn thận; cô có mang theo đèn pin. Cô ngắm nghía khuôn mặt hay ít nhất là phần còn lại của khuôn mặt, nhận ra Charlie Langelet: “A! Cái gã tội nghiệp!... Mình phóng nhanh thật, cái đó thì chắc rồi, nhưng ông ta không thể chú ý được à, lão già ngu xuẩn. Làm gì bây giờ?”

Thế nhưng, cô ta nhớ lại rằng bảo hiểm, bằng lái, tất cả đều đâu vào đấy, và cô quen biết một người có ảnh hưởng có thể thu xếp mọi chuyện cho cô. Bình tầm lại nhưng tim vẫn còn đập mạnh, cô ngồi xuống bậc cửa ô tô, nghỉ ngơi một lát, châm một điếu thuốc lá, đánh phấn lại bằng đôi tay run rẩy rồi đi tìm sự trợ giúp.

Bà Logre cuối cùng cũng kết thúc việc dọn dẹp phòng làm việc và thư viện. Bà quay lại tháo chiếc máy hút bụi đang cắm ở ổ điện trong phòng khách ra. Khi bà làm động tác ấy, chiếc ống của máy hút bụi đập vào cái bàn có để bức tượng thần Vệ nữ soi gương. Bà Logre rú lên: bức tượng lăn xuống sàn gỗ. Đầu của thần Vệ nữ nát vụn ra.

Bà Logre lấy tạp dề lau mặt, lưỡng lự một lát, rồi bỏ mặc bức tượng tại chỗ, bằng bước chân nhẹ nhàng và lặng lẽ, bất ngờ ở một người đẫy đà như vậy, sau khi đã đặt lại máy hút bụi vào đúng chỗ, bà lao ra khỏi căn hộ.

- Nhất định rồi, mình sẽ nói là lúc cửa mở một làn gió ùa vào và bức tượng rơi xuống. Đó cũng là lỗi của ông ta nữa chứ, tại sao ông ta lại để nó ở mép bàn nào? Mà thôi kệ ông ta muốn nói gì thì nói, ông ta chết đi cho rồi! - bà tức giận nói.