Bản giao hưởng Pháp - Phần I - Chương 30

30

Nếu trước đây người ta nói với Jean-Marie rằng sẽ có ngày anh rơi vào một làng quê hẻo lánh xa trung đoàn của mình, không tiền bạc, không thể liên lạc được với những người thân của mình, không biết họ vẫn khỏe mạnh ở Paris, hay là như biết bao nhiêu người khác đã bị vùi xác trong một hố đạn trái phá ven đường, nhất là nếu người ta nói với anh rằng, tuy nước Pháp bại trận, anh vẫn tiếp tục sống và thậm chí còn có những khoảnh khắc hạnh phúc, anh sẽ không tin. Thế nhưng sự thể lại là như vậy. Trạng thái trọn vẹn dù là của một thản họa, cái sự không thể vãn hồi của nó, chứa đựng một sự cứu vớt, giống như một số loài cá dữ cung cấp chất giải độc, tất cả những nỗi đau của anh đều không thể chữa lành được. Anh không thể làm gì để phòng tuyến Maginot không bị bao vây hoặc bị phá vỡ (người ta không biết chính xác thế nào), để hai triệu lính không bị bắt làm tù binh, để nước Pháp không bị thua trận. Anh không thể làm cho bưu điện, máy điện báo hay điện thoại hoạt động, cũng không thể kiếm được xăng hay là một cái ô tô để đi ra tận nhà ga cách đó hai mươi mốt cây số, vả lại ở đó các đoàn tàu cũng chẳng đi qua nữa vì tuyến đường đã bị phá hủy. Anh không thể đi bộ đến tận Paris vì anh đã bị thương nặng và chỉ mới bắt đầu ngồi dậy được. Anh không thể trả tiền các chủ nhà của mình vì anh không có tiền và không có cách nào kiếm được tiền. Tất cả những điều đó đều quá sức anh; vì thế anh phải bình tĩnh ở lại nơi anh đang ở và chờ đợi.

Cái cảm giác phụ thuộc tuyệt đối trước thế giới bên ngoài này đem lại một sự thanh thản nào đó. Anh thậm chí không có quần áo của mình: bộ quân phục bị rách, bị cháy nhiều chỗ của anh không thể dùng được nữa. Anh mặc một chiếc sơ mi màu kaki và chiếc quần dự trữ của một trong những thanh niên trong trang trại. Anh đã mua giày gỗ ở thị trấn. Tuy vậy anh đã xin giải ngũ được khi vượt giới tuyến một cách bất hợp pháp và đưa ra một địa chỉ giả; vậy là anh cũng không lo bị bắt làm tù binh nữa. Anh vẫn sống ở trang trại, nhưng từ khi khỏi bệnh, anh không ngủ trên chiếc sập ở trong bếp nữa. Người ta đã dành cho anh một căn phòng nhỏ phía trên vita cỏ khô. Qua ô cửa sổ tròn, anh nhìn thấy một khung cảnh tuyệt đẹp và thanh bình của những đồng ruộng, những mảnh đất màu mỡ, những cánh rừng. Ban đêm anh nghe thấy tiếng chuột chạy phía trên đầu mình và tiếng bồ câu gù trong chuồng chim.

Cái cuộc sống mà cốt lõi là những nỗi lo sợ ghê gớm ấy chỉ có thể chịu đựng được với điều kiện là sống ngày nào biết ngày ấy, là tối đến lại tự nhủ: “Lại thêm hai mươi tư tiếng đồng hồ nữa không có chuyện gì đặc biệt xấu xảy ra, ơn Chúa! Đợi đến mai xem sao.” Tất cả những người xung quanh Jean-Marie đều nghĩ như vậy hay ít ra đều hành động như thể họ nghĩ vậy. Họ bận bịu với gia súc, với cỏ khô, với việc làm bơ, họ không bao giờ nói về ngày mai. Họ có những dự kiến rõ ràng cho những năm trong tương lai, họ trồng những cây mà năm hay sáu mùa nữa sẽ cho quả; họ vỗ béo con lợn mà hai năm nữa có thể mổ lấy thịt được, nhưng họ không trù tính đến tương lai ngay trước mắt. Khi Jean-Marie hỏi ngày mai trời có đẹp không (cái câu nói vô vị của dân Paris trong các kỳ nghỉ), “Ồ! Chúng tôi không biết đâu! Làm sao có thể biết được chứ?” họ nói. “Liệu có trái cây không?”, “Có thể có một ít” họ vừa trả lời vừa ngờ vực nhìn những quả lê rắn và xanh mọc trên những cành cây được xén áp vào giàn đỡ, “nhưng không thể nói được... không biết được đâu... đến lúc đó sẽ thấy...” Một kinh nghiệm truyền kiếp về những trắc trở của số phận, về những đợt băng giá tháng Tư, về những cơn mưa đá tàn phá những cánh đồng sắp gặt, về hạn hán tháng Bảy thiêu đốt vườn rau, đã đem lại cho họ sự sáng suốt ấy và sự chậm rãi ấy, nhưng đồng thời họ làm những việc mà họ phải làm hàng ngày. Họ không dễ mến nhưng đáng quý, Jean-Marie nghĩ vậy từ góc độ một người chẳng biết gì mấy về nông thôn: gia đình Michaud là dân thành phố đã năm đời.

Dân xóm này niềm nở, nhã nhặn, đàn ông thì khéo nói, các cô gái thì đỏm dáng. Khi thân thiết với họ rồi, người ta có thể phát hiện ra những nét thô bạo, tàn nhẫn, thậm chí độc ác đến kinh ngạc, những điều có lẽ được giải thích bởi những hồi tưởng mù mờ từ các đời trước truyền lại, bởi những sự căm ghét và những nỗi sợ lâu đời, truyền trong máu từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đồng thời họ lại là những người hào phóng. Bà chủ trang trại có lẽ chẳng cho hàng xóm được quả trứng nào, và khi bán gà thì có lẽ bà ta cũng chẳng để rẻ được một xu, nhưng khi Jean-Marie muốn rời khỏi trang trại và nói rằng anh không có tiền, anh không muốn họ phải nuôi anh và anh sẽ cố đi bộ về Paris, cả gia đình đã nghe anh trong sự im lặng sững sờ và bà mẹ đã nói, với vẻ tự trọng đến lạ lùng:

- Không nên nói như vậy, cậu ạ, cậu làm chúng tôi phật ý đấy...

- Nhưng vậy thì phải làm gì đây? - Jean-Marie nói, cảm thấy người hãy còn rất yếu, anh ngồi cạnh bà mẹ, không nhúc nhích, tay ôm đầu.

- Chẳng có gì để làm cả. Phải chờ đợi thôi.

- Vâng, tất nhiên rồi, bưu điện chẳng bao lâu nữa sẽ hoạt động, - chàng trai nói khẽ, - và nếu như bố mẹ tôi đang ở Paris...

- Đến lúc đó chúng ta sẽ xem sao. - bà chủ trang trại nói.

Có lẽ không ở nơi nào có thể dễ dàng lãng quên thế giới đến thế. Không thư từ không báo chí, mối liên hệ duy nhất với phần còn lại của thế giới là đài phát thanh, nhưng trước đây người ta đã nói với các nông dân là quân Đức sẽ lấy đi những chiếc đài, thế là họ bèn giấu đài trên các kho áp mái nhà, trong những cái tủ cũ, hoặc chốn ngoài đồng cùng với các khẩu súng săn không bị trưng dụng. Vùng này nằm trong khu vực bị chiếm đóng, ngay cạnh giới tuyến, nhưng quân Đức chỉ đi ngang qua mà không đóng tại đây; ngoài ra bọn chúng cũng chỉ đi ngang qua thị trấn chứ không bao giờ đi thêm lên hai cây số sườn đồi đầy đá và gồ ghề. Trong các thành phố và ở một số tỉnh, thực phẩm bắt đầu thiếu; ở đây nó lại nhiều hơn thường lệ vì không thể chuyển các sản phẩm đi được và người ta bèn tiêu thụ ngay tại chỗ. Trong đời mình, Jean-Marie chưa từng bao giờ ăn bơ, thịt gà, kem tươi, đào nhiều đến thế. Anh hồi phục nhanh. Thậm chí anh bắt đầu béo ra, bà chủ trang trại nói vậy, và trong sự tốt bụng của bà đối với anh có một ước muốn mơ hồ được dàn xếp với Đức Chúa, dâng tặng Người một mạng sống được cứu thoát để đổi lấy mạng sống đang nằm trong tay Người; giống như việc bà cho lũ gà ăn thóc để đổi lấy những quả trứng đem ấp, bà cũng cố gắng đổi Jean-Marie lấy thằng con trai của chính bà. Jean-Marie hiểu rõ như vậy, nhưng điều đó không làm giảm đi chút nào sự biết ơn của anh đối với bà già đã chăm sóc anh. Anh cố gắng làm cho mình trở nên có ích, anh làm những việc lặt vặt trong trang trại, làm vườn.

Thỉnh thoảng đám phụ nữ lại hỏi anh về chiến tranh, về cuộc chiến tranh này, đám đàn ông thì không bao giờ hỏi! Tất cả bọn họ đều là các cựu chiến binh, những người trẻ thì đã ra đi. Ký ức của họ chốt lại ở năm 14. Quá khứ đã có thời gian để được họ sàng lọc, gạn bỏ, loại đi cặn bã, chất độc, để hòa nhập được với lòng người, trong khi những sự kiện mới mẻ thì vẫn còn hỗn độn và trộn đầy nọc độc! Ngoài ra, trong thâm tầm họ, họ cho rằng tất cả những điều đó là lỗi của giới trẻ, những kẻ không khỏe mạnh bằng họ, không kiên nhẫn bằng và lúc ở trường học đã được chiều chuộng quá. Và vì Jean-Marie còn trẻ, do tế nhị họ đã tránh để không bị sa vào việc phán xét anh và những người cùng thời với anh.

Như vậy tất cả đều góp phần làm cho người lính có một nhịp sống chậm rãi và làm anh dịu lại, để anh lấy lại sức lực và lòng can đảm. Hầu như ngày nào anh cũng chỉ có một mình; lúc này đang là thời kỳ công việc đồng áng bận rộn. Đàn ông rời khỏi nhà khi trời vừa sáng. Đàn bà bận bịu với lũ súc vật và công việc giặt giũ. Jean-Marie đề nghị để anh giúp họ nhưng họ đuổi anh đi. “Đứng còn chưa vững mà lại đòi làm việc!” Thế là anh ra khỏi nhà, đi qua cái sân có gà tây kêu quàng quạc và đi xuống tận một bãi cỏ nhỏ được rào kín. Lũ ngựa đang ăn cỏ. Có một con ngựa cái có bộ lông nâu óng ả cùng hai con ngựa con màu cà phê sữa với cái bờm đen ngắn và xù xì. Chúng đến dụi mõm vào chân ngựa mẹ trong lúc con này vẫn tiếp tục vừa gặm cỏ vừa ve vẩy đuôi với vẻ nôn nóng để đuổi ruồi. Thỉnh thoảng một trong hai con ngựa con lại quay đầu về phía Jean-Marie lúc này đang nằm cạnh hàng rào, nhìn anh bằng con mắt ướt và đen láy, rồi vui vẻ hí vang. Jean-Marie ngắm lũ ngựa không biết chán. Anh muốn viết một câu chuyện tưởng tượng về những con ngựa con xinh xắn ấy, miêu tả cái ngày tháng Bảy ấy, miền đất ấy, trang trại ấy, những con người ấy, cuộc chiến tranh, bản thân anh. Anh viết bằng một mẩu bút chì tồi đã mòn một nửa, vào một cuốn sổ học trò mà anh giấu trên ngực mình. Anh vội vã, có điều gì đó trong anh khiến anh lo ngại, nó đập vào một cánh cửa vô hình. Bằng việc viết anh mở cánh cửa này ra, anh chắp cánh cho cái đang muốn ra đời. Rồi đột nhiên anh nhụt chí, anh cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Anh thật điên rồ. Anh đang làm gì ở đây khi viết những cầu chuyện nhỏ ngớ ngẩn, khi để cho bà chủ trang trại chiều chuộng, trong lúc các đồng đội của anh thì ở trong tù, bố mẹ anh thì tuyệt vọng vì tưởng rằng anh chết, tương lai thật là bấp bênh, quá khứ thật là đen tối. Nhưng khi đang nghĩ như vậy, anh nhìn thấy một con ngựa con vui vẻ chạy lên phía trước, rồi dừng lại, lăn trên thảm cỏ, chổng vó lên trời, cọ người vào nền đất và nhìn anh bằng đôi mắt ánh lên vẻ âu yếm và tinh nghịch. Anh tìm cách miêu tả ánh mất ấy, anh tìm với sự tò mò, nôn nóng, với một nỗi lo âu kỳ lạ và ngọt ngào. Anh không tìm thấy nhưng anh hiểu điều mà có lẽ con ngựa con đang cảm thấy, đó là cỏ tươi và giòn thật là ngon! Lũ ruồi thật là khó chịu! Cái vẻ thoải mái và tự hào khi nó hếch mũi lên rồi chạy và đá hậu. Anh viết nhanh vài dòng không trọn vẹn, vụng về, nhưng không sao cả, đó không phải là điều cốt lõi, rồi sẽ được thôi; anh gập cuốn sổ lại và cuối cùng nằm bất động, bàn tay xòe ra, mắt nhắm lại, sung sướng và mệt mỏi.

Khi anh trở về, vào giờ ăn súp, anh thấy ngay lập tức là đã có một sự kiện xảy ra trong khi anh vắng mặt. Cậu bé người làm đi lên thị trấn mua bánh mì, cậu ta mang về bốn cái bánh mì đẹp đẽ vàng ruộm hình vòng treo ở ghi đông xe đạp; đám phụ nữ vây quanh cậu. Nhìn thấy Jean- Marie, một cô gái kêu lên với anh:

- Này! Anh Michaud, anh hài lòng nhé, bưu điện hoạt động rồi.

- Không thể thế được, - Jean-Marie nói, - cậu có chắc không, cậu bạn?

- Chắc. Em thấy bưu điện mở cửa và có những người đọc thư.

- Thế thì tớ lên nhà viết vài dòng cho gia đình tớ rồi chạy ra thị trấn bỏ thư đây. Cậu cho tớ mượn xe đạp của cậu được chứ?

Đến thị trấn, anh không chỉ bỏ thư ở bưu điện mà còn mua những tờ báo vừa mới tới. Tất cả những cái đó thật là kỳ cục! Anh giống như một kẻ đắm tàu tìm lại được quê hương, nền văn minh, xã hội của những kẻ giống mình. Trên quảng trường nhỏ mọi người đọc những bức thư tới trong chuyến thư buổi tối; đám phụ nữ khóc. Nhiều tù binh gửi tin tức về, nhưng họ cũng cho biết tên các đồng đội đã chết. Như mọi người ở trang trại đã yêu cầu anh, anh bèn hỏi có ai biết anh con trai Benoît ở đâu không.

- A! Thế ra anh là anh lính sống ở đấy đó à? - mấy bà nông dân nói.

- Chúng tôi thì chẳng biết gì đâu, nhưng bây giờ thư từ đến rồi, chúng ta sẽ biết những người đàn ông của chúng ta ở đâu!

Và một trong những người này, một bà già, để đi ra thị trấn, đã đội một chiếc mũ đen nhỏ chóp nhọn, cài một bông hồng trên đỉnh đầu, vừa nói vừa khóc:

- Sẽ có những người biết tin khá sớm đấy. Tôi muốn thà đừng nhận được tờ giấy chết tiệt này còn hơn. Thằng con tôi là thủy thủ trên chiếc Bretagne đã bị mất tích khi người Anh phóng ngư lôi vào tàu, người ta bảo thế. Thật là khốn khổ!

- Bà đừng đau buồn. Mất tích không có nghĩa là chết. Có thể anh ấy bị bắt làm tù binh ở Anh.

Nhưng đáp lại tất cả những lời an ủi, bà vừa chậm rãi trả lời vừa lắc đầu và bông hoa giả rung lên theo từng cử động trên chiếc cọng bằng dây đồng.

- Không, không, thế là thôi rồi, thằng bé tội nghiệp của tôi! Thật là khốn khổ...

Jean-Marie lên đường về làng. Dọc đường anh gặp Cécile và Madeleine đi ngược về phía anh; hai cô hỏi cùng một lúc:

- Anh có biết tin gì về anh trai của em không? Anh có biết tin gì về Benoît không?

- Không, nhưng điều đó không có nghĩa gì hết. Các cô có biết là có bao nhiêu thư từ bị chậm trễ không?

Bà mẹ thì không hỏi gì. Bà đưa bàn tay vàng vọt và gầy guộc lên che mắt, nhìn anh, anh lắc đầu ra hiệu là không. Súp đặt trên bàn, những người đàn ông trở về, tất cả cùng ăn. Sau bữa ăn tối và khi bát đĩa đã được lau khô, gian phòng đã được quét dọn, Madeleine đi hái đậu ngoài vườn. Jean-Marie đi theo cô. Anh nghĩ là chẳng bao lâu nữa anh sẽ rời trang trại và tất cả dưới mắt anh trở nên đẹp hơn, thanh bình hơn.

Từ vài hôm nay trời rất nóng, chỉ đến tối mới dễ thở. Vào giờ này khu vườn thật tuyệt vời; mặt trời đã thiêu đốt những bông hoa cúc và hoa cẩm chướng trắng, nhưng những cây hoa hồng trồng cạnh giếng nước thì phủ đầy những bông hoa nở rộ; một mùi hương của đường, của xạ, của mật dâng lên từ một khóm hoa hồng nhỏ màu đỏ thắm bên cạnh những tổ ong. Trăng rằm có màu hổ phách và tỏa sáng rực rỡ đến nỗi bầu trời dường như được rọi sáng cho đến tận những tầng sâu xa xăm nhất, bằng một thứ ánh sáng đều đặn, thanh bình, một màu xanh nhạt và trong suốt.

- Chúng ta đã có một mùa hè thật đẹp, - Madeleine nói.

Cô mang theo chiếc giỏ và đi về phía những luống đậu.

- Chỉ có đúng tám ngày thời tiết xấu hồi đầu tháng và từ đó tới giờ không có một giọt mưa nhỏ, không có một đám mây, tuy rằng nếu cứ tiếp tục thế này thì sẽ chẳng có rau nữa... và làm việc thì thật vất vả với cái nóng này; nhưng có quan trọng gì đâu, thật là thú vị, dường như trời muốn an ủi thế giới khốn khổ này. Nếu anh muốn giúp em, anh biết đấy, đừng có ngại nhé! - cô nói thêm.

- Cécile đang làm gì vậy?

- Cécile đang khâu. Chị ấy tự may một cái váy để mặc đi lễ ngày Chủ nhật.

Những ngón tay khéo léo và khỏe khoắn của cô thọc vào giữa những lá đậu xanh tươi, bẻ đôi cọng, trút hạt đậu vào giỏ; cô làm việc với mái đầu cúi xuống.

- Vây đấy, anh sẽ rời bỏ chúng em phải không?

- Cần phải như vậy. Tôi sẽ rất vui nếu được gặp lại bố mẹ tôi và tôi phải tìm việc làm, nhưng...

Cả hai im bặt.

- Tất nhiên rồi, anh không thể ở lại đây suốt đời được, - cô nói và cúi đầu thấp hơn nữa. - Chúng ta biết rõ cuộc sống là như vậy mà, gặp gỡ, chia ly...

- Chia ly, - anh nhắc lại khe khẽ.

- Với lại, bây giờ anh đã hồi phục tốt rồi. Anh đã hồng hào...

- Nhờ mọi người đá chăm sóc tôi thật chu đáo.

Những ngón tay dừng lại giữa một chiếc lá.

- Ở chỗ chúng em anh có thích không?

- Cô biết rõ mà.

- Thế thì, không nên để chúng em bặt tin anh, hãy viết thư cho chúng em, - cô nói, và anh thấy sát bên mình cặp mắt đẫm lệ của cô. Cô quay đi ngay lập tức.

- Chắc chắn là tôi sẽ viết, tôi hứa với cô, - Jean-Marie nói, và anh rụt rè chạm vào tay cô gái.

- Ồ! Mọi người đều nói thế... Chúng em ở đây, khi anh đi rồi, chúng em sẽ có thời gian để nghĩ đến anh, trời ơi... Bây giờ còn là mùa làm việc, bận từ sáng đến tối... nhưng mùa thu tới, rồi mùa đông, chẳng có gì làm ngoài việc chải lông cho các con vật, và thời gian còn lại thì chăm sóc nhà cửa đồng thời nhìn mưa rơi, rồi tuyết rơi. Có những lần em tự hỏi không biết em có nên ra thành phố đi làm mướn không...

- Không, Madeleine, đừng làm việc đó, cô hãy hứa với tôi đi. Ở đây cô sẽ hạnh phúc hơn.

- Anh nghĩ thế à? - cô thì thầm bằng một giọng trầm trầm kỳ lạ.

Và, nắm lấy chiếc giỏ, cô tách ra khỏi anh, lá cây che khuất cô khỏi tầm mắt anh. Anh máy móc bứt đậu.

- Cô tưởng rằng tôi sẽ có thể quên cô được sao? - cuối cùng anh nói. - Cô tưởng rằng tôi có nhiều kỷ niệm đẹp đến thế để có thể bỏ qua kỷ niệm này sao? Cô thử nghĩ xem nào! Chiến tranh, những điều ghê rợn, chiến tranh.

- Nhưng trước đó thì sao? Không phải lúc nào cũng là chiến tranh cả, đúng không? Thế thì trước đó, đã từng có...

- Cái gì cơ?

Cô không trả lời.

- Cô muốn nói về phụ nữ, các cô gái?

- Chính thế, tất nhiên rồi!

- Chẳng có gì thật thú vị cả, Madeleine thân mến ạ.

- Nhưng anh sẽ ra đi, - cô nói, giờ đây không còn sức để kìm nước mắt, cô để nó chảy trên đôi má bầu bĩnh của mình, và nói bằng một giọng đứt quẵng. - Phải xa anh em đau khổ lắm. Lẽ ra em không nên nói với anh như vậy, anh sẽ chê cười em, và Cécile thì còn hơn thế nữa... nhưng điều đó đối với em chẳng quan trọng gì... em đau khổ lắm...

- Madeleine...

Cô ngẩng đầu lên, ánh mắt họ gặp nhau. Anh tiến đến gần cô và dịu dàng ôm lầy cô; khi anh muốn hôn cô, cô thở dài đẩy anh ra.

- Không, đó không phải là điều mà em muốn... như vậy quá dễ dãi...

- Cô muốn gì nào, Madeleine? Muốn tôi hứa với cô là sẽ không bao giờ quên cô chăng? Cô có thể tin tôi hoặc không tin, nhưng đó là sự thật, tôi sẽ không quên cô đâu, - anh nói, và anh cầm tay cô lên hôn; cô đỏ mặt vì vui sướng.

- Madeleine, có phải cô muốn làm xơ không?

- Đúng vậy. Trước kia em đã muốn thế, nhưng giờ đây... không phải là em không yêu Đức Chúa nữa nhưng em nghĩ là em không được sinh ra để làm việc đó!

- Tất nhiên là không rồi! Cô sinh ra để yêu và để hạnh phúc.

- Hạnh phúc à? Em không biết, nhưng em nghĩ là em sinh ra để có một người chồng và những đứa con, và nếu như anh Benoît không bị giết chết, thế thì...

- Benoît à? Tôi không biết đấy...

- Vâng, chúng em đã nói chuyện với nhau... em thì lúc trước em chẳng muốn đâu. Ý em là muốn làm xơ mà. Nhưng nếu anh ấy trở về... đó là một chàng trai tốt...

- Tôi không biết đấy... - anh nhắc lại.

Những người nông dân này thật kín tiếng! Thận trọng, dè chừng, khép mình... như những cái tủ to của họ. Anh đã sống hơn hai tháng với họ và anh chưa từng bao giờ ngờ tới một sự gắn bó giữa Madeleine và con trai bà chủ nhà, và giờ đây anh nghĩ lại điều đó, thì đúng là họ chẳng nói gì mấy với anh về cái anh chàng Benoît này... Họ chẳng bao giờ nói bất cứ điều gì cả. Họ nghĩ về chuyện ấy thì chẳng ít đâu.

Bà chủ trang trại gọi Madeleine, họ đi vào.

Vài ngày trôi qua; không có tin tức của Benoît nhưng chẳng bao lâu Jean-Marie đã nhận được thư của gia đình anh và tiền. Anh không bao giờ còn được gặp riêng Madeleine nữa. Anh hiểu rõ là người ta giám sát họ. Anh tạm biệt tất cả gia đình trên ngưỡng cửa. Đó là một buổi sáng trời mưa, ngày mưa đầu tiên sau những tuần lễ dài; một luồng không khí lạnh thổi trên những quả đồi. Khi anh đã đi xa, bà chủ trang trại trở vào nhà. Hai cô gái đứng lại lâu ở đó, nghe tiếng lọc xọc của cỗ xe lăn trên đường.

- Thôi, cũng chẳng sao cả! - Cécile thốt lên, như thể cô đã có sức kiềm chế lâu một tràng những câu nói giận dữ. - Cuối cùng thì cũng có thể trông đợi em làm việc được một tí... Thời gian vừa qua em cứ ở trên mây trên gió, em để chị làm hết mọi việc...

- Không phải chị là người có thể chê trách em được đâu, chị thì chỉ làm có mỗi cái việc khâu may và soi gương thôi... Chính em đã vắt sữa bò hôm qua đấy mà đó không phải là đến lượt em đâu nhé. - Madeleine tức giận đáp.

- Làm sao mà chị biết được? Đó là mẹ sai em làm đấy chứ.

- Nếu đó là mẹ sai em, thì em biết rõ ai đã làm cho mẹ nghi ngờ rồi.

- Ừ! Muốn nghĩ thế nào thì nghĩ!

- Đồ đạo đức giả!

- Đồ sa đọa! Thế mà muốn làm xơ đấy!

- Còn chị thì không lượn lờ quanh anh ấy nhỉ. Nhưng mà anh ấy cóc cần!

- Ừ, còn em thì sao nào? Anh ta đi rồi và em sẽ không gặp lại anh ta nữa.

Những cặp mắt lóe lên vì tức giận, hai cô nhìn nhau một lát, và đột nhiên một vẻ dịu dàng và sửng sốt thoáng hiện trên gương mặt Madeleine.

- Ôi! Cécile, chúng mình như chị em ruột cơ mà... Trước đây chúng mình chẳng cãi nhau bao giờ cả... Không đáng đâu, nào. Anh ấy chẳng phải là dành cho chị mà cũng chẳng phải là cho em đâu, cái anh chàng ấy!

Cô vòng tay quanh cổ Cécile lúc này đang khóc.

- Sẽ qua thôi, nào, sẽ qua thôi... Lau mắt đi. Mẹ chị sẽ thấy là chị khóc đấy.

- Ồ! Mẹ ấy à... mẹ biết hết nhưng mẹ chẳng nói gì cả.

Hai cô rời nhau ra; một cô đi ra chuồng gia súc còn cô kia đi vào nhà. Hôm đó là thứ Hai, ngày giặt quần áo, họ chẳng có mấy thời gian để trao đổi đôi lời, nhưng ánh mắt của họ, nụ cười của họ chứng tỏ rằng họ đã làm lành với nhau. Gió thổi bạt làn khói tỏa ra từ thùng nấu quần áo bay về phía nhà kho. Đó là một trong những ngày xáo động và u ám khi người ta cảm thấy vào giữa tháng Tám những làn gió đầu tiên của mùa thu. Trong lúc xát xà phòng, vắt, giũ xả quần áo, Madeleine không rảnh rang để suy nghĩ và cô đã làm dịu nỗi đau của mình như vậy. Khi ngước mắt lên, cô thấy bầu trời xám xịt, cây cối rạp đi vì bão. Lần duy nhất, cô cất tiếng:

- Có thể nói là mùa hè đã hết...

- Chẳng sao cả. Mùa hè tệ hại, - bà mẹ trả lời với một giọng oán giận.

Madeleine nhìn bà ngạc nhiên, rồi đến lúc đó cô mới nhớ lại chiến tranh, cuộc di tản, sự vắng mặt của Benoît, tai họa chung, cái cuộc chiến tranh vẫn đang tiếp diễn ở phía xa và biết bao nhiêu người chết. Cô lại im lặng làm việc.

Buổi tối, cô vừa mới nhốt gà lại và vội vã đi qua sân, dưới trận mưa rào, thì trông thấy một người đàn ông đang tiến lại gần với những bước chân rộng sải trên đường. Tim cô bắt đầu đập gấp; cô nghĩ rằng Jean-Marie quay trở lại. Một niềm vui hoang dại xâm chiếm người cô; cô chạy về phía người đàn ông và đến cách anh ta hai bước cô kêu thốt lên một tiếng.

- Benoît à?...

- Ừ đúng đấy, anh đây! - anh ta nói.

- Nhưng mà làm sao?... Ồ! Mẹ anh sẽ sung sướng lắm đấy... vậy anh đã trốn thoát à, Benoît? Mọi người cứ sợ anh bị bắt làm tù binh.

Anh ta cười lặng lẽ. Đó là một chàng trai cao lớn có khuôn mặt to nâu, cặp mắt táo bạo vì trong sáng.

- Anh đã là tù binh, nhưng không lâu!

- Anh đã vượt ngục à?

- Ừ.

- Như thế nào?

- Thì vậy thôi, với bọn bạn.

Và, khi gặp lại anh chàng, bất chợt cô có lại sự rụt rè của cô gái nông dân, cái khả năng đau khổ và yêu thương lặng lẽ mà Jean-Marie đã từng làm mất đi ở cô. Cô không hỏi anh, cô bước cạnh anh chẳng nói năng gì.

- Thế còn ở đây, ổn cả chứ? - anh hỏi.

- Ổn cả.

- Không có gì mới à?

- Không, chẳng có gì, - cô nói.

Và là người đầu tiên bước qua ba bậc thềm của gian bếp, cô vào nhà và gọi:

- Mẹ ơi, ra nhanh đi, Benoît đã trở về!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3