Bản giao hưởng Pháp - Phần II - Chương 01-02
ÊM DỊU
1
Ở gia đình Angellier, người ta đem giấu đi các giấy tờ của gia đình, các bộ đồ ăn bằng bạc và những cuốn sách: quân Đức đang vào Bussy. Lần thứ ba kể từ lúc bại trận thị trấn sẽ bị quân Đức chiếm đóng. Đó là ngày Chủ nhật của lễ Phục sinh, vào giờ đại lễ mi-xa. Trời đổ một cơn mưa giá lạnh. Ở ngưỡng cửa nhà thờ, một cây hồng đào nhỏ, đang nở hoa, lắc lư cành lá một cách thê lương. Quân Đức bước thành hàng tám; chúng mặc quân phục chiến đấu, đội mũ sắt. Khuôn mặt chúng mang vẻ mờ nhạt và khó hiểu của người lính trong quân ngũ, nhưng ánh mắt chúng lại tò mò lén lút dò xét những mặt tiền xám xịt của các ngôi nhà trong thị trấn này, nơi chúng sẽ sống. Không có ai ở các ô cửa sổ. Đi qua nhà thờ, chúng nghe thấy tiếng đàn harmonium và tiếng cầu nguyện rì rầm; nhưng một tín đồ hoảng sợ đã đóng cửa lại. Chỉ còn tiếng nện của những đôi bốt Đức ngự trị. Phân đội đầu tiên đi qua, một hạ sĩ quan cưỡi ngựa tiến lên; con vật xinh đẹp có bộ lông lốm đốm vẻ như tức giận vì bị bắt phải đi chậm đến thế; nó gõ móng xuống nền đất với vẻ thận trọng cáu kỉnh, nó run lên, hí và lúc lắc cái đầu kiêu hãnh của mình. Những chiếc xe tăng màu sắt xám xịt lăn rầm rập trên mặt đường. Rồi đến các khẩu súng đại bác được đặt trên những chiếc giá quay, mỗi giá có một tên lính ngồi trên, mắt nhìn ngang tầm giá súng. Bởi chúng đông đến nỗi một thứ tiếng sấm rền liên hồi không ngớt vang dội dưới các vòm nhà thờ suốt trong lúc cha xứ thuyết giáo. Những người phụ nữ thở dài trong bóng tối. Khi tiếng ầm ầm dữ dội này nhỏ dần đi, thì những tên đi mô tô bao quanh chiếc ô tô của tên chỉ huy xuất hiện. Phía sau tên này, cách một quãng vừa phải, những chiếc xe tải chất đầy ắp những ổ bánh mì đen khiến các cửa kính rung lên. Con vật nuôi lấy khước của trung đoàn - một con chó dạng sói gầy gò, lặng lẽ, được huấn luyện để tham gia chiến trận, đi bên cạnh những tên cưỡi ngựa khóa đuôi đoàn quân. Bọn này, hoặc vì chúng là một nhóm được ưu đãi trong trung đoàn, hoặc vì chúng ở rất xa tên chỉ huy và tên này không thể nhìn thấy chúng, hoặc vì bất cứ nguyên nhân nào khác mà dân Pháp không biết được, có thái độ thoải mái hơn, thân mật hơn những tên khác. Chúng tán chuyện với nhau và cười đùa. Tên trung úy chỉ huy bọn này mỉm cười nhìn cây hồng đào khiêm nhường, run rẩy, bị cơn gió buốt lạnh quất vào; hắn ngắt một cành cây. Xung quanh, hắn chỉ nhìn thấy những cửa sổ khép kín. Hắn tưởng chỉ có bọn hắn. Nhưng sau mỗi cánh cửa đóng kín lại có một ánh mắt bà già, sắc như dao, đang dò xét tên lính thắng trận. Sâu bên trong những căn phòng không nhìn thấy được có những giọng nói rên rỉ.
- Còn cái gì mà không phải chứng kiến nữa đây...
- Thế này thì hỏng hết các cây ăn quả của chúng ta mất thôi, thật khốn khổ!
Một cái miệng móm mém thì thầm:
- Có vẻ như bọn này là bọn tồi tệ nhất. Có vẻ như chúng đã làm những việc xấu xa trước khi đến đây. Chúng ta thật là khốn khổ. Vì rằng chúng sẽ lấy mất đồ trải giường của chúng ta, thấy một bà nội trợ bảo thế, những đồ trải giường mà mẹ tôi để lại, nghĩ mà xem! Chúng phải lấy những thú tốt nhất.
Viên trung úy hô lên một mệnh lệnh. Tất cả bọn chúng có vẻ đều rất trẻ; chúng có nước da hồng hào, mái tóc vàng óng; chúng cưỡi những con ngựa tuyệt đẹp, béo tốt, được ăn uống no đủ, và có cặp mông to bóng loáng. Bọn chúng buộc ngựa lại ở quảng trường, xung quanh đài tưởng niệm những người chết. Bọn lính rời khỏi hàng ngũ, đi ổn định chỗ ở.
Thị trấn tràn ngập tiếng ủng nện, những giọng nói ngoại quốc, tiếng lách cách của đinh thúc ngựa và của vũ khí. Trong những ngôi nhà trưởng giả, người ta giấu các mòn đồ đẹp đẽ bằng vải đi.
Những người phụ nữ trong gia đình Angellier - bà mẹ và cô vợ của Gaston Angellier, tù binh ở Đức - đang kết thúc việc cất dọn. Bà già Angellier, một người gầy gò, nhợt nhạt, yếu ớt và khô quắt, đích thân cất giấu từng cuốn sách một trong thư viện, sau khi đã đọc khe khẽ tên sách và đưa tay thành kính vuốt ve bìa sách.
- Những cuốn sách của con trai tôi, - bà thì thầm, - nếu phải nhìn thấy chúng trong tay một tên Đức!... Tôi thà đốt chúng đi còn hơn.
- Nhưng nếu bọn chúng yêu cầu đưa chìa khóa thư viện thì sao, - bà đầu bếp to béo rên rỉ.
- Chúng cứ yêu cầu tôi đi, - bà Angellier nói, và vươn thẳng người dậy, bà đập nhẹ một cái vào chiếc túi khâu bên trong cái váy len màu đen của bà; chùm chìa khòa bà luôn luôn mang bên mình kêu leng keng. - Chúng sẽ không phải yêu cầu hai lần đâu, - bà kết luận với vẻ u ám.
Con dâu của bà, Lucile Angellier, dưới sự chỉ đạo của bà đang dọn đi những đồ mỹ nghệ bày trên lò sưởi. Cô muốn để lại một cái gạt tàn. Bà già Angellier thoạt đầu phản đối.
- Nhưng chúng sẽ vứt tàn thuốc xuống thảm mất, - Lucile nhận xét, và bà Angellier đành mím môi nhượng bộ.
Người đàn bà già này có gương mặt trắng và trong suốt đến nỗi dường như bà không còn một giọt máu nào dưới làn da, mái tóc bà trắng như tuyết, miệng bà như lưỡi dao, mang sác hồng tàn úa, gần như tím nhợt. Một cái cổ áo cao, theo mốt cũ, bằng vải mousseline màu hoa cà, được dựng lên bằng gọng căng, phủ nhưng không che kín cái cổ nổi xương nhọn phập phồng vì xúc động, giống như chuyển động cổ họng của một con thằn lằn. Khi nghe thấy tiếng bước chân hay giọng nói của một tên lính Đức bên cửa sổ, bà run rẩy toàn thân từ đầu bàn chân nhỏ nhắn đi giày cao cổ mũi nhọn cho đến tận mái đầu quấn những dải băng đô sang trọng.
- Nhanh lên, nhanh lên, bọn chúng đang đến, - bà nói.
Họ chỉ để lại trong gian phòng những thứ cần thiết tối thiểu: không một bông hoa, không một chiếc gối tựa, không một bức tranh. Họ giấu vào trong cái tủ tường to đựng đồ vải, dưới một xấp vải trải giường, cuốn album của gia đình, để cho hình ảnh bà cô Adélaïde đang chịu lễ ban thánh thể hay là ảnh cậu Jules lúc sáu tháng, trần truồng trên một chiếc gối tựa, thoát khỏi những ánh mắt phạm thượng của kẻ thù. Giấu đến cả những đồ bày trên lò sưởi: hai cái bình hoa Louis-Philippe hình con vẹt bằng sứ miệng ngậm một chuỗi hoa hồng, quà cưới của một người bà con thỉnh thoảng vẫn đến chơi nhà và mọi người không dám vứt quà của bà ta đi vì sợ làm bà ta giận - phải, đến cả hai cái bình hoa mà Gaston đã từng nói: “Nếu bà giúp việc khua một nhát chổi làm vỡ được mấy cái này, tôi sẽ tăng lương cho bà ta”, thậm chí những thứ đó cũng được đem giấu đi. Chúng đã được một bàn tay Pháp đem tặng, được những cặp mắt Pháp ngắm nhìn, được những cái phất trần Pháp đụng tới - chúng sẽ không bị vấy bẩn vì bọn Đức chạm vào. Và cây thánh giá nữa! Ở trong một góc phòng, phía trên tràng kỷ! Bà Angellier đích thân tháo nó ra và đặt lên ngực mình, dưới chiếc khăn choàng bằng đăng ten.
- Tôi nghĩ thế là xong rồi đấy, - cuối cùng bà nói.
Bà nhẩm lại trong đầu: đồ gỗ trong phòng khách lớn đã được dọn đi, rèm cửa đã được tháo ra, đồ ăn dự trữ đã được lèn đầy trong cái nhà gỗ nhỏ nơi người làm vườn để dụng cụ - ôi, những khúc giăm bông to hun khói phủ tro, những vại bơ nấu chảy, bơ mặn, mỡ lợn mịn và nguyên chất, những chiếc xúc xích nặng nổi vân cẩm thạch - tất cả các tài sản của bà, kho báu của bà... Kể từ ngày quân đội Anh lên tàu trở về ở Dunkerque, rượu vang được giấu kín dưới tầng hầm; đàn dương cầm được khóa lại; khẩu súng săn của Gaston được đặt trong một chỗ giấu bất khả xâm phạm. Tất cả đều đâu vào đấy. Chỉ còn phải chờ kẻ xâm lược tới thôi. Nhợt nhạt và câm lặng, bằng một bàn tay mảnh mai run rẩy, bà khép hờ những cánh cửa lại, như ở trong phòng của một người chết, và bà đi ra, theo sau là Lucile.
Lucile là một phụ nữ trẻ tóc vàng mắt đen, rất đẹp, nhưng lặng lẽ, nép mình, “vẻ lơ đãng”, như bà già Angellier vẫn chê trách. Người ta đã chọn cô vì những quan hệ thông gia nhà cô và vì món hồi môn của cô (cô là con gái của một điền chủ lớn trong vùng), nhưng bố Lucile đã thực hiện những vụ đầu cơ rủi ro, gây thiệt hại đến tài sản của mình, phải đem đất đai ra cầm cố; cuộc hôn nhân do vậy không phải là thành công lắm; hơn nữa, cô lại không có con.
Hai người đàn bà đi vào phòng ăn; bát đĩa đã được dọn ra. Đã quá trưa rồi, nhưng chỉ ở nhà thờ và ở tòa thị chính là theo giờ Đức, do bị bắt buộc; gia đình Pháp nào cũng vặn đồng hồ của mình chậm lại sáu mươi phút, vì danh dự; người phụ nữ Pháp nào cũng nói với vẻ khinh miệt: “Ở nhà chúng tôi, chúng tôi không sống theo giờ của bọn Đức.” Điều đó khiến cho trong ngày thỉnh thoảng lại có những khoảng trống thời gian dài, không được sử dụng, ví dụ như khoảng thời gian chán ngắt của ngày Chủ nhật kể từ lúc kết thúc lễ mi-xa cho tới khi bắt đầu ăn trưa. Họ không đọc sách. Khi bà già Angellier thấy một cuốn sách trên tay Lucile, bà nhìn cô chăm chú với vẻ sửng sốt, chê bai: “Kìa? Cô đọc đấy à?” Bà có một giọng nói nhẹ nhàng và tao nhã, êm ái như tiếng đàn hạc: “Vậy cô không có việc gì để làm sao?” Họ không làm việc: đó là ngày Chủ nhật của lễ Phục sinh. Họ không nói chuyện. Giữa hai người đàn bà này, mỗi chủ đề nói chuyện đều giống như một bụi cây gai góc; đến gần đó là họ phải thận trọng; thò tay vào đó là họ có thể bị thương. Cứ mỗi một lời nói lọt vào tai lại thức dậy trong lòng bà Angellier ký ức về một cái tang, một vụ kiện của gia đình, một mối thiệt hại ngày trước mà Lucile không biết đến. Sau mỗi một câu nói buông ra miễn cưỡng, bà đều dừng lại và nhìn con dâu với vẻ phân vân, đau đớn và sửng sốt, như thể bà đang nghĩ: “chồng cô ta bị bọn Đức bắt làm tù binh, thế mà cô ta vẫn có thể thở được, cử động được, nói, cười được? Lạ nhỉ...” Bà gần như không chịu thừa nhận rằng vấn đề giữa họ là Gaston. Giọng nói của Lucile không bao giờ vừa phải đúng mực cả. Có những lúc bà cảm thấy nó quá buồn bã: cô ta nói về một người chết hay sao? Vả lại, nghĩa vụ làm vợ của cô ta, nghĩa vụ của một người vợ Pháp, là phải dũng cảm chịu đựng sự chia ly chứ, giống như chính bà đây, bà Angellier, bà đã từng chịu đựng điều đó hồi năm 1914 - 1918 ngay sau hoặc gần như là ngay sau lễ cưới của bà. Nhưng khi Lucile khẽ nói những lời an ủi, hy vọng, thì “A, rõ ràng là cô ta chưa từng bao giờ yêu chồng cả,” bà mẹ cay đắng nghĩ, “ta đã luôn luôn ngờ vậy mà. Bây giờ thì ta thấy rồi, ta tin chắc rồi... Cái giọng điệu không lẫn vào đâu được. Đây là một con người có bản tính lạnh lẽo và thờ ơ. Cô ta thì chẳng thiếu gì hết, trong khi con trai ta, thằng con tội nghiệp của ta thì...” Bà tưởng tượng ra trại giam, dây thép gai, bọn cai ngục, bọn lính canh. Những giọt lệ dâng đầy đôi mát bà và bà nói bằng một giọng òa vỡ:
- Đừng nói đến nó...
Bà lấy trong túi ra một chiếc mùi soa sạch mỏng luôn luôn được dự trữ để đề phòng trường hợp người ta nhắc đến những kỷ niệm về Gaston hay đến những tai họa của nước Pháp, và bà khéo léo lau mi mắt bằng động tác mà người ta dùng để thấm một vệt mực bằng góc của một tờ giấy thấm.
Cứ như thế, bất động và câm lặng, bên cái lò sưởi đã tắt lửa, hai người đàn bà chờ đợi.
2
Quân Đức đã chiếm chỗ ở cho chúng và đang làm quen với thị trấn. Bọn sĩ quan đi một mình hay đi thành từng cặp, đầu ngẩng rất cao, bốt nện vang trến đường; binh lính tụ tập thành những nhóm vô công rồi nghề lê la từ đâu này đến đâu kia của con phố duy nhất hoặc chen chúc nhau trên quảng trường, cạnh cây thánh giá cũ. Khi một tên trong bọn dừng lại, cả toán làm theo và một dãy dài những bộ quân phục xanh lá cây chắn ngang lối đi của các nông dân. Thế là những người này kéo sụp mũ trên đầu xuống thấp hơn, quay đi và, không làm bộ làm tịch gì, đi ra đồng qua những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo mất hút giữa đồng quê. Viên cảnh sát xã, dưới sự giám sát của hai hạ sĩ quan, dán những tấm áp phích lên tường của các tòa nhà chính. Những tấm áp phích này có đủ loại: một số tấm có hình một quân nhân Đức tóc màu sáng, cười ngoác miệng để lộ ra hàm răng hoàn hảo, xung quanh hắn là những đứa trẻ Pháp được hắn cho ăn những lát bánh mì phết. Dòng phụ đề viết: “Hỡi dân chúng bị bỏ rơi, hãy tin tưởng vào binh lính Đức!” Những tấm khác, bằng hình biếm họa hay biểu đồ, minh họa sự đô hộ của người Anh trên thế giới và sự chuyên quyền đáng ghét của người Do Thái. Nhưng phần lớn các tấm đều bắt đầu bằng chữ Verboten - “Cấm”, cấm đi lại ngoài phố từ chín giờ tối đến năm giờ sáng, cấm giữ súng trong nhà, cấm “chứa chấp hay giúp đỡ” những tù binh vượt ngục, những người mang quốc tịch các nước thù địch với Đức, các quân nhân Anh, cấm nghe đài ngoại quốc, cấm từ chối tiền Đức. Và, dưới mỗi ấp phích, người ta lại thấy cùng một lời cảnh cáo viết bằng chữ đen, được gạch chân hai lần: “Sai lệnh sẽ bị tử hình”.
Trong lúc đó, vì lễ nhà thờ đã kết thúc, những người buôn bán đang mở cửa hàng. Vào mùa xuân năm 1941, ở tỉnh lẻ, hàng hóa còn chưa thiếu thốn: người dân đã dự trữ vải vóc, giày dép, lương thực thực phẩm nhiều đến nỗi họ khá sẵn sàng đem bán chúng. Bọn Đức không khó tính: người ta có thể tống cho bọn chúng tất cả hàng hóa ế thừa, những chiếc áo nịt của phụ nữ từ cuộc chiến tranh trước, những đôi giày cao cổ năm 1900, những món đồ bằng vải có thêu những lá cờ nhỏ và hình tháp Eiffel (đầu tiên định dành cho người Anh). Tất cả đối với chúng đều tốt.
Đối với dân chúng các vùng bị chiếm đóng, bọn Đức khiến họ sợ hãi, kính trọng, ghê tởm, và làm nảy sinh ở họ cái ước muốn trêu ngươi là đánh lừa được chúng, lợi dụng được chúng, lấy tiền của chúng.
- Đó vẫn là tiền của chúng ta thôi... tiền mà bọn chúng đã lấy của chúng ta - bà bán thực phẩm khô nghĩ trong lúc nở nụ cười đẹp nhất ra để bán cho một tên lính của đội quân xâm lược nửa cân mận có sâu và tính hóa đơn gấp đôi giá trị của nó.
Tên lính xem xét món hàng với vẻ nghi ngờ và có thể thấy là hắn cảm nhận được sự gian lận, nhưng ngại ngùng trước vẻ mặt khó hiểu của bà bán hàng, hắn im lặng. Trước đó trung đoàn đóng quân ở một thành phố nhỏ phía Bắc đã bị tàn phá và bị vét sạch mọi của cải từ lâu. Trong cái thành phố tỉnh lẻ miền Trung giàu có này, tên lính tìm lại được một vài thứ đáng thèm muốn. Mắt hắn sáng lên vì ham thích trước những hàng hóa được bày bán. Chúng gợi nhớ lại sự êm ái của cuộc sống dân sự, những thứ đồ đạc bằng gỗ thông đỏ ấy, những bộ com lê may sẵn ấy, những món đồ chơi trẻ con ấy, những cái váy nhỏ màu hồng ấy. Từ cửa hàng này sang cửa hàng khác, toán quân bước đi, nghiêm trang, mơ mộng, tiền kêu xủng xoẻng trong túi áo. Sau lưng bọn lính, hoặc phía trên đầu chúng, từ cửa sổ này đến cửa sổ khác, dân Pháp trao đổi với nhau những dấu hiệu kín đáo - ngước mắt lên trời, lắc đầu, mỉm cười, khẽ nhăn mặt chế nhạo hay thách thức - cả một loạt điệu bộ lần lượt diễn tả rằng cần phải cầu viện đến Chúa Trời trong những lúc khó khăn như thế này, nhưng mà chính Chúa Trời thì...! Rằng họ muốn tiếp tục là người tự do, dù thế nào đi nữa thì cũng tự do trong tinh thần, nếu không phải là trong hành động và lời nói, rằng bọn Đức này dù sao cũng chẳng phải là khôn ranh lắm đâu bởi chúng tưởng bở về sự tử tế mà người ta dành cho chúng, mà người ta buộc phải dành cho chúng, bởi dù sao đi nữa, chúng cũng là các ông chủ. “Các ông chủ của chúng ta,” đám phụ nữ nói và nhìn kẻ thù với vẻ gì đó thèm muốn hằn học (Kẻ thù? Chắc chắn rồi... Nhưng đó là những người đàn ông, và trẻ trung...). Đặc biệt, thật khoái chí khi lừa được bọn chúng. “Bọn chúng nghĩ là chúng ta yêu quý bọn chúng, nhưng đối với chúng ta, đó chỉ là để có được giấy thông hành, xăng, các giấy phép mà thôi,” những phụ nữ đã từng thấy quân đội chiếm đóng ở Paris hay ở các thành phố tỉnh lẻ lớn nghĩ như vậy, trong khi các cô gái quê ngây thơ thì thẹn thùng nhìn xuống trước ánh mắt của bọn Đức.
Khi đi vào các quán cà phê, trước hết bọn lính tháo đai lưng quân dụng của mình, lẳng chúng lên chiếc bàn đá, rồi ngồi vào bàn. Ở Khách sạn Du khách, các hạ sĩ quan lấy gian phòng chính để làm thành phòng ăn của chúng. Đó là một gian phòng hun hút và tối tăm của quán trọ nông thôn. Phía trên tấm gương ở cuối phòng, hai lá cờ đỏ chữ thập ngoặc che khuất phần trên của chiếc khung cũ mạ vàng chạm khắc hình các thần ái tình và những bó đuốc. Lò sưởi, dù đi qua mùa rét, vẫn còn được đốt lên; đám đàn ông kéo ghế đến bên ngọn lửa và ngồi sưởi ấm với vẻ khoan khoái và đờ đẫn. Cái lò sưởi to đen và đỏ rực chốc chốc lại tỏa ra xung quanh một làn khói hăng hắc nhưng bọn Đức không ngại. Chúng đến gần hơn; chúng sấy quần áo và giày; chúng tư lự nhìn xung quanh bằng ánh mắt vừa buồn phiền vừa thoáng lo âu như muốn nói: “Chúng ta đã thấy biết bao nhiêu chuyện rồi... Hãy xem chuyện gì sẽ xảy ra lần này...”
Đó là những tên nhiều tuổi nhất, sáng suốt nhất. Bọn trẻ măng thì liếc mắt đưa tình với cô hầu bàn, cô này liên tục lật nấp cửa tầng hầm, đi sâu xuống bóng tối dưới lòng đất và trở lại ra ngoài ánh sáng với một tay ôm cả tá bia hộp, tay kia thì xách một thùng đầy những chai sủi bọt (“Sekt! - bọn Đức đòi - Cho sâm banh Pháp nào, làm ơn đi, cô ơi! Sekt!”).
Cô hầu bàn - béo, tròn và hồng hào - nhanh nhẹn đi qua giữa các bàn. Bọn lính mỉm cười với cô. Thế là, lúng túng giữa mong muốn cũng được mỉm cười với bọn chúng, vì bọn chúng trẻ trung, và nỗi sợ bị đánh giá xấu, vì đó là kẻ thù, cô cau mày và mím môi nghiêm khắc, nhưng không thể làm mờ đi được hai cái núm đồng tiền mà sự hân hoan trong lòng làm hiện lên trên đôi má cô. Bao nhiêu là đàn ông, trời ơi! Bao nhiêu là đàn ông cho một mình cô, bởi trong các quán khác thì chính các cô con gái của chủ quán làm công việc hầu bàn, và họ bị bố mẹ họ kiềm chế, trong khi cô thì... Bọn chúng vừa nhìn cô vừa chúm môi phát ra một tiếng hôn gió. Bị kiềm chế bởi chút e thẹn còn sót lại, cô giả tảng như không nghe thấy bọn chúng gọi và thỉnh thoảng lại trả lời vu vơ: “Đây, đây, có đây! Các ông vội quá!” Bọn chúng nói với cô bằng thứ tiếng của bọn chúng, và cô đáp với vẻ kiêu hãnh:
- Tôi mà hiểu được cái thứ tiếng lằng nhằng của các ông à?
Nhưng khi những cánh cửa mở toang càng để tràn vào một dòng quân phục màu lục đổi mới không ngừng, cô càng cảm thấy chao đảo, rã rời, không đủ sức chịu đựng, và cô chỉ còn phản ứng lại bằng những tiếng kêu yếu ớt, những câu như: “Không, cuối cùng thì các ông có để cho tôi yên không nào? Đúng là bọn mọi rợ!” trước những sự nài xin ráo riết.
Những tên lính khác tung những hòn bi-a trên nền vải xanh lá cây. Các tay vịn cầu thang, các bệ cửa sổ, các lưng ghế bị những chiếc đai lưng quân dụng, mũ, súng ngắn và bao đạn phủ lên.
Trong lúc đó, tiếng chuông vang lên báo hiệu lễ đọc Kinh chiều.