Bản giao hưởng Pháp - Phần II - Chương 03-04

3

Những phụ nữ trong gia đình Angellier đang ra khỏi nhà để đi đọc Kinh chiều thì viên sĩ quan Đức được phân đến ở nhà họ bước vào. Họ gặp nhau trên ngưỡng cửa. Gã đập gót giày, chào. Bà già Angellier trở nên tái nhợt hơn và gắng sức dành cho hắn một cái gật đầu câm lặng. Lucile ngước mắt, trong thoáng chốc viên sĩ quan và cô nhìn nhau. Một loạt ý nghĩ lướt qua chớp nhoáng trong đầu Lucile: “Có thể chính hắn ta đã bắt Gaston làm tù binh?” cô tự nhủ. “Trời ơi, hắn đã giết bao nhiêu người Pháp rồi? Bao nhiêu nước mắt đã đổ ra do hắn? Quả thực là nếu cuộc chiến diễn biến theo một cách khác, thì giờ đây biết đâu Gaston lại có thể bước vào một ngôi nhà Đức với tư cách ông chủ. Đó là chiến tranh, không phải là lỗi của gã trai này.”

Hắn còn trẻ, gầy gò, có đôi bàn tay đẹp và cặp mắt to. Cô nhận thấy vẻ đẹp của đôi bàn tay hắn vì hắn giữ cho cánh cửa nhà để mở trước mặt cô. Ở ngón tay đeo nhẫn của hắn có một chiếc nhẫn gắn một viên ngọc chạm trổ màu sẫm và đục; một tia sáng mặt trời xuất hiện giữa hai đám mây; nó làm cho chiếc nhẫn lóe lên một thứ ánh sáng tím đỏ; nó đùa nghịch trên khuôn mặt có nước da hồng hào, phơi gió trời và đầy lông tơ như một trái cây ngon trong rặng cây. Gò má cao, nhô lên mạnh mẽ và thanh thoát, cái miệng sắc nét và kiêu hãnh. Tuy không cố ý, Lucile vẫn bước chậm lại: cô không thể thôi nhìn bàn tay to và thanh tú kia, với những ngón tay dài (cô hình dung bàn tay ấy cầm một khẩu súng ngắn nặng nề màu đen, hay một khẩu tiểu liên hoặc một quả lựu đạn, bất cứ thứ vũ khí nào gieo rắc cái chết một cách dửng dưng), và cô ngắm bộ quân phục màu lục ấy (biết bao nhiêu người Pháp, trong những đêm không ngủ, rình dưới bóng cây rừng sự xuất hiện của một bộ quân phục như vậy...) và đôi bốt bóng loáng ấy... Cô nhớ tới những người lính bại trận của quân đội Pháp, những người mà một năm trước, trong lúc tháo chạy, đã đi ngang qua thị trấn, bẩn thỉu, kiệt quệ, lê những đôi giày không cổ nặng nề trong bụi. Ôi, trời ơi, chiến tranh là thế đó... Một tên lính kẻ thù dường như không bao giờ đơn độc - như một con người đối diện với một con người khác - mà bị đeo bám, bị dồn ép mọi phía bởi những bóng ma nhiều không đếm xuể, bóng ma của những người vắng mặt và những người chết. Người ta không nói với một con người mà với vô số người vô hình; cho nên không có một từ nào người ta thốt ra lại chỉ được nói được nghe một cách giản đơn đúng như thế; người ta luôn luôn có cảm giác đặc biệt rằng mình chỉ là một cái miệng nói thay cho biết bao nhiêu miệng khác, câm lặng.

“Thế còn hắn? Hắn nghĩ gì nhỉ?” người thiếu phụ tự hỏi. “Hắn cảm thấy điều gì khi đặt chân vào ngôi nhà Pháp này nơi mà ông chủ nhà vắng mặt, do bị hắn hay những đồng đội của hắn bắt làm tù binh? Hắn có ái ngại cho chúng ta không? Hắn có căm ghét chúng ta không? Hay là hắn vào đây cũng như vào một quán trọ, chỉ nghĩ về cái giường liệu có tốt không, và nghĩ về cô hầu phòng liệu có trẻ không?” Cánh cửa đã đóng lại sau viên sĩ quan từ lâu; Lucile đã đi theo bà mẹ chồng; cô đã bước vào nhà thờ; cô đã quỳ xuống trên chiếc ghế của mình, nhưng cô không thể quên tên địch. Giờ đây hắn ở trong nhà một mình, hắn đã chiếm phòng làm việc của Gaston, cái phòng có một lối đi riêng; hắn ăn uống ở ngoài phố; cô sẽ không nhìn thấy hắn; cô sẽ nghe thấy tiếng bước chân của hắn, giọng nói của hắn, tiếng cười của hắn. Than ôi, hắn thì có thể cười! Hắn có quyền cười. Cô nhìn bà mẹ chồng của mình, bất động, úp mặt vào hai bàn tay và, lần đầu tiên, người đàn bà mà cô không yêu quý này khiến cô thương xót và có một thoáng trìu mến. Cô nghiêng người về phía bà và dịu dàng nói:

- Chúng ta đọc kinh cầu nguyện cho Gaston, mẹ nhé.

Người đàn bà già gật đầu đồng ý. Lucile bắt đầu cầu nguyện với nhiệt tâm chân thành, nhưng dần dần những suy nghĩ của cô bị lãng đi và trở về với một quá khứ vừa gần vừa xa, hẳn nguyên nhân là do sự gián đoạn u ám của chiến tranh. Cô thấy lại chồng cô, người đàn ông to béo và buồn chán ấy, chỉ say mê tiền bạc, đất đai và chuyện chính trị trong vùng; cô chưa từng bao giờ yêu anh ta. Cô lấy anh ta bởi vì cha cô muốn thế. Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, cô chỉ biết phần còn lại của thế giới qua những lần ngắn ngủi đến Paris, ở nhà một bà họ hàng đứng tuổi. Cuộc sống ở những tỉnh lẻ miền Trung này rất sung túc và hoang sơ; người nào ở nhà người nấy, trên vùng đất của mình, thu cất lúa của mình và đếm tiền của mình. Những cuộc chè chén kéo dài, những cuộc đi săn là thú vui giải trí. Thị trấn với những ngôi nhà khắc khổ của nó, được che chở bởi những cánh cửa to như cửa nhà tù, với những phòng khách chất đầy đồ đạc, luôn luôn đóng kín và lạnh lẽo vì tiết kiệm lửa sưởi, đối với Lucile là hình ảnh của văn minh. Khi rời ngôi nhà heo hút trong rừng, cô cảm thấy hưng phấn vui sướng với ý nghĩ được ra sống ở thị trấn, được có một cái ô tô, thỉnh thoảng lại được đi ăn trưa ở Vichy... Được nuôi dạy một cách nghiêm khắc và đức hạnh, thời con gái cô không khổ, vì khu vườn, những công việc trong nhà, cái thư viện nơi cô vụng trộm lục lọi - một gian phòng rộng thênh thang, ẩm ướt, ở đó sách bị mốc lên - là đủ để cho cô tiêu khiển. Cô đi lấy chồng; cô đã là một người vợ ngoan ngoãn và lạnh lùng. Gaston Angellier chỉ mới hai mươi lăm tuổi khi cưới vợ, nhưng anh ta có cái vẻ già dặn trước tuổi mà dân tỉnh lẻ thường có do cuộc sống tù túng, do loại thức ăn khó tiêu và ngon lành mà anh ta nhồi nhét, do lạm dụng rượu, do thiếu vắng những cảm xúc mãnh liệt và dữ dội. Đó là vẻ chững chạc gây nhầm lẫn, nó chỉ liên quan đến những thói quen và suy nghĩ của người đàn ông này, trong khi dòng máu nóng và khỏe khoắn của tuổi trẻ vẫn sôi sục trong anh ta.

Trong một chuyến đi công việc tới Dijon, nơi anh ta từng sống thời sinh viên, Gaston Angellier gặp lại một cô tình nhân cũ, một cô hàng mũ mà anh ta đã chia tay; anh ta phải lòng cô nàng lần thứ hai và mãnh liệt hơn ngày xưa; anh ta cho cô nàng một đứa con; anh ta thuê cho cô nàng một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô và thu xếp để sống một nửa thời gian của mình ở Dijon. Lucile không phải là không biết gì, nhưng cô im lặng, vì rụt rè, vì coi thường hoặc vì thờ ơ. Thế rồi xảy ra chiến tranh...

Và giờ đây, đã một năm rồi, Gaston là tù binh. Chàng trai tội nghiệp... Anh ấy đang đau khổ, Lucile nghĩ, trong khi những hạt của chuỗi tràng hạt máy móc trượt giữa những ngón tay cô. Anh ấy cảm thấy thiếu vắng gì nhất nhỉ? Cái giường êm ái của anh, những bữa ăn ngon của anh, cô tình nhân của anh... Cô ước ao trả lại được cho anh tất cả những thứ mà anh đã mất, những thứ mà người ta đã lấy mất của anh... Phải... tất cả, thậm chí cả người đàn bà kia... Bằng điều đó, bằng tình cảm tự phát và chân thành này, cô đo được sự trống rỗng của trái tim mình; nó chưa bao giờ được lấp đầy bởi tình yêu cũng như bởi sự căm ghét ghen tuông. Chồng cô thỉnh thoảng lại đối xử thô bạo với cô. Cô tha thứ cho anh về sự thiếu chung thủy của anh, nhưng anh thì không bao giờ quên những vụ đầu cơ của ông bố vợ. Cô nghe thấy vang lên bên tai mình những lời nói đã không ít lần gây ra cho cô cảm giác như khi nhận một cái tát: “Chính thế đấy, giá mà tôi biết sớm hơn là ông ấy chẳng có tiền!”

Cô cúi đầu. Nhưng không! Không còn oán giận trong lòng cô nữa. Những điều mà chồng cô hẳn là đã phải chịu đựng từ khi bại trận, những trận chiến đấu cuối cùng, cuộc tháo chạy, việc bị bọn Đức bắt, những cuộc đi bộ quá sức, lạnh, đói, những người chết xung quanh và giờ đây là cái trại tù binh mà anh bị đẩy vào, những điều đó đã xòa nhòa tất cả. “Chỉ mong sao anh ấy trở về và có lại tất cả những gì mà trước đây anh yêu thích: phòng ngủ của anh, đôi giày lót da lông thú đi trong nhà của anh, những cuộc dạo chơi ngoài vườn lúc bình minh, những quả đào mát rượi hái từ rặng cây, và những món ăn ngon, những đống lửa to nhảy nhót, tất cả những thú vui của anh ấy, những thứ mà con không biết, tất cả những thứ mà con phỏng đoán, mong sao anh ấy có lại được! Con chẳng cầu xin điều gì cho con cả. Con muốn thấy anh ấy hạnh phúc. Còn con, con?”

Trong lúc cô mơ mộng, chuỗi tràng hạt tuột khỏi tay cô và rơi xuống đất; khi ấy cô nhận ra rằng tất cả mọi người đã đứng dậy, lễ đọc Kinh chiều đã kết thúc. Ở bên ngoài, bọn Đức chiếm đầy quảng trường. Những lon bạc trên các bộ quân phục của chúng, những đôi mắt màu sáng của chúng, những mái tóc vàng của chúng, những tấm kim loại trên đai lưng quân dụng của chúng lấp loáng dưới ánh mặt trời và đem lại cho khoảng không gian bụi bặm trước nhà thờ này, vốn bị vây kín giữa, những bức tường cao (những thành lũy cổ còn sót lại), một vẻ tươi vui, rạng rỡ, một cuộc sống mới. Người ta dẫn ngựa đi dạo. Bọn Đức tổ chức một bữa ăn ngoài trời: những tấm ván lấy ở cửa hàng đồ mộc và dành để đóng quan tài được ghép lại thành một cái bàn và những chiếc ghế băng. Đám đàn ông ấy ăn uống và nhìn dân chúng với vẻ tò mò thú vị. Có thể thấy là mười một tháng chiếm đóng vẫn chưa làm bọn chúng chán; bọn chúng ngắm nhìn dân Pháp với vẻ ngạc nhiên vui thích của những ngày đầu tiên - bọn chúng thấy họ kỳ cục, lạ lùng; bọn chúng không quen với những lời nói nhanh của họ; bọn chúng tìm cách đoán xem những kẻ bại trận này thù ghét, khoan dung hay yêu quý chúng? Bọn chúng mỉm cười với các cô gái trẻ ở đằng xa, ở phía dưới, và các cô gái đi qua, kiêu hãnh và khinh khỉnh - đây là ngày đầu tiên! Thế là bọn Đức cụp mắt xuống nhìn lũ nhóc con đang vây quanh bọn chúng: tất cả trẻ con của thị trấn đều ở đây, bị mê hoặc bởi những bộ quần phục, bởi lũ ngựa và những đôi ủng cao cổ. Các bà mẹ cố gọi nhưng vô ích, lũ nhóc chẳng nghe. Chúng lén lút đưa những ngón tay bẩn thỉu sờ vào lớp dạ thô của những chiếc áo vest. Bọn Đức ra hiệu gọi lũ trẻ đến rồi nhét kẹo và tiền xu vào tay chúng.

Tuy nhiên, thị trấn vẫn mang bầu không khí thanh bình ngày Chủ nhật quen thuộc; bọn Đức chấm thêm một nét lạ cho bức tranh, nhưng cái nền thì vẫn như thế, Lucile nghĩ. Có một vài lúc nhốn nháo; một vài phụ nữ (những bà mẹ của các tù binh như bà Angellier hay những bà góa từ cuộc chiến tranh trước) vội vã trở về nhà rồi đóng cửa sổ và hạ rèm cửa để khỏi phải nhìn thấy bọn Đức. Trong những phòng ngủ mờ tối người ta khóc khi đọc lại những bức thư cũ; người ta hôn lên những bức ảnh chân dung đã ngả vàng đính băng tang và phù hiệu màu cờ tam tài...

Nhưng những phụ nữ trẻ hơn vẫn ở lại trên quảng trường để tán chuyện, như mọi Chủ nhật. Họ sẽ chẳng chịu mất, vì bọn Đức, một buổi chiều vui chơi, giải trí; họ có những chiếc mũ mới: đó là ngày Chủ nhật lễ Phục sinh. Cánh đàn ông lén lút quan sát bọn Đức; không thể biết được họ nghĩ gì: những gương mặt nông dân khó lòng dò đoán. Một tên Đức lại gần một nhóm và xin lửa; người ta cho hắn, người ta tư lự đáp lại khi hắn chào; hắn đi ra xa; đám đàn ông tiếp tục nói về giá bò của họ. Như mọi Chủ nhật, viên chưởng khế đến quán Cà phê Du khách để chơi bài tarot; các gia đình trở về sau chuyến dạo chơi hàng tuần ở nghĩa địa: đó gần như là một phần trong nhũng thú tiêu khiển ở vùng này, nơi người ta không biết đến những trò giải trí; họ đi từng toán đến đó; họ lượm những bó hoa đặt trên các nấm mộ. Các xơ của hội bảo trợ từ nhà thờ đi ra cùng lũ trẻ; họ lách một lối đi giữa những tên lính; vẻ mặt họ bình thản dưới chiếc mũ bà xơ.

- Bọn chúng có ở lại lâu không? - nhân viên thu thuế vừa thì thầm vào tai viên lục sự vừa chỉ vào bọn Đức.

- Thấy bảo là ba tháng - người kia nói cũng bằng giọng như vậy.

Nhân viên thu thuế thở dài.

- Chuyện này sẽ làm giá cả tăng lên đây.

Và, một cách máv móc, ông ta xoa xoa bàn tay đã bị một mảnh trái phá rạch nát hồi năm 1915. Rồi họ nói sang chuyện khác. Tiếng chuông vang lên lúc kết thúc lễ đọc Kinh chiều đang nhỏ dần; những hồi chuông lanh lảnh cuối cùng đang tắt lịm dần trong không gian buổi tối.

Những người đàn bà nhà Angellier đi theo một con đường khúc khuỷu mà Lucile quen thuộc từng viên đá để trở về nhà. Họ bước đi không nói năng gì, gậit đầu đáp lại lời chào của các nông dân. Ở trong vùng người ta không ưa bà Angellier, nhưng Lucile thì khiến họ có thiện cảm, vì cô còn trẻ, có chồng là tù binh, và cô không ngạo mạn. Thỉnh thoảng người ta đến hỏi ý kiến cô về việc giáo dục con cái hay về một cái áo cánh mới. Hoặc cả khi phải gửi một gói hàng sang Đức nữa. Người ta biết viên sĩ quan địch sẽ sống ở nhà Angellier - họ có ngôi nhà đẹp nhất - và người ta ái ngại cho họ khi thấy họ phải phục tùng luật chung.

- Các bà được cấp cho một món quý nhỉ, - chị thợ may thì thào khi đi ngang qua họ.

- Hy vọng là bọn chúng sẽ biến đi không chậm trễ, - bà dược sĩ nói. Và một bà già nhỏ bé đi lon ton với những bước chân ngắn sau một con dê cái có bộ lông trắng mượt kiễng chân nói nhỏ với Lucile:

- Có vẻ như bọn chúng xấu xa lắm, độc ác lắm, chúng gây tai họa cho những người khốn khố.

Con dê nhảy chồm lên và húc sừng vào tấm áo choàng dài màu xám của một sĩ quan Đức. Hắn dừng lại, bật cười và muốn vuốt ve con dê. Nhưng con dê bỏ chạy; bà già bé nhỏ hốt hoảng biến mất và những người đàn bà nhà Angellier đóng cánh cửa nhà sau lưng họ lại.

4

Ngôi nhà đẹp nhất vùng; nó đã một trăm tuổi; nó dài, thấp, được xây bằng một loại đá xốp, màu vàng, dưới ánh mặt trời nó chuyển sang một thư màu nóng của bánh mì nướng vàng ruộm; các cửa sổ ở phía nhìn ra phố (cửa sổ của những căn phòng tráng lệ) được đóng cẩn thận, các cánh cửa ngoài khép lại, và được bảo vệ bằng những chấn song sát chống trộm; cái cửa sổ mắt bò ở gian chứa đồ (nơi cất giấu các lọ, các vại, các vò chứa tất cả các thực phẩm bị cấm) được rào lại bằng một lưới sắt dày với những chồm cao có hình hoa loa kèn đâm vào lũ mèo hoang. Chiếc cửa ra vào sơn xanh có then cài kiểu nhà tù và một chiếc chìa khóa to đùng kêu ken két rền rĩ trong yên lặng. Căn hộ phía dưới xông lên một mùi hấp hơi, một mùi lạnh lẽo của ngôi nhà không có người ở, mặc dù các chủ nhân thường xuyên hiện diện. Để không làm bạc màu các tấm trướng phủ tường và để bảo quán đồ gỗ, không khí và ánh sáng bị loại bồ. Qua những ô kính ở tiền sảnh làm bằng thủy tinh màu, giống như những mảnh chai vỡ, lọt vào một thứ ánh sáng màu xanh lục, lờ mờ; nó để chìm trong bóng tối những chiếc hòm, những chiếc sừng hươu treo trên tường và những bức tranh khắc nhỏ đã bị phai màu vì ẩm ướt.

Trong phòng ăn (họ chỉ đốt lò sưởi ở đây!) và ở phòng Lucile là người thỉnh thoảng vẫn tự cho phép mình có một ngọn lửa vào buổi tối, có thể hít thở mùi củi cháy tỏa lên nhè nhẹ, mùi thơm của khói, của vỏ hạt dẻ. Phía trước các cửa vào gian phòng là mảnh, vườn trải dài. Vào mùa này khu vườn có khung cảnh buồn tẻ nhất - những cây lê vươn dài những cánh tay như bị đóng đinh câu rút trên các sợi dây sắt, những cây táo đã cắt tỉa trông sần sùi, vẹo vọ, đâm tua tủa những cành gai góc; cây nho chỉ còn lại những cành bánh tẻ. Nhưng vẫn còn một vài ngày nắng nữa, và sẽ không chỉ có cây đào nhỏ mau mắn ở quảng trường trước nhà thờ là có hoa phủ đầy, mà tất cả cây cối đều sẽ nở hoa. Từ cửa sổ phòng cô, trong lúc chải tóc trước khi vào giường nằm, Lucile nhìn khu vườn dưới ánh trăng. Trên những bức tường thấp, lũ mèo kêu gào. Xung quanh khu vườn có thể nhìn thấy khắp vùng, những thung lũng nhỏ phủ đầy những cánh rừng thăm thẳm, tươi tốt, bí ẩn, mang một màu xám dịu nhẹ của ngọc trai dưới ánh trăng.

Trong căn phòng rộng thênh thang và trống trải của mình, buổi tối Lucile cảm thấy khó chịu. Hồi trước Gaston ngủ ở đây; anh ta cởi quần áo, làu nhàu, xê dịch đồ đạc: đó là người chung sống cùng cô, là một con người. Từ gần một năm nay, không có ai cả. Không một tiếng động. Ở bên ngoài, tất cả đều ngủ yên. Bất giác, cô lắng tai nghe, rình một dấu hiệu sống ở phòng bên cạnh, nơi viên sĩ quan Đúc ngủ. Nhưng cô chẳng nghe thấy gì hết: có lẽ hắn còn chưa về? Hay là những bức tường dày đã bóp nghẹt các âm thanh? Hay là có thể hắn cũng đang bất động và lặng lẽ như cô? Một lát sau cô nghe thấy một tiếng động nhẹ, một hơi thở, rồi một tiếng huýt sáo khe khẽ, và cô nghĩ là hắn đang đứng bên cửa sổ và ngắm nhìn khu vườn. Hắn có thể nghĩ gì nhỉ? Cô không sao tưởng tượng nổi: tuy không cố ý, nhưng cô không gán cho hắn ta những suy nghĩ, những mong muốn tự nhiên của một người bình thường. Cô không thể tin được rằng hắn đang ngắm khu vườn một cách hoàn toàn vô hại, rằng hắn mê thích ánh lấp lánh của ao cá nơi có những cái bóng lặng lẽ ánh bạc lướt qua: những con cá chép cho bữa ăn tối mai. “Hắn đang hớn hở,” cô tự nhủ. “Hắn nhớ lại các trận đánh, hắn thấy lại những nguy hiểm đã qua. Lát nữa hắn sẽ viết thư về nhà, về Đức, cho vợ hắn - không! chắc hắn chưa có vợ đầu, hắn còn trẻ lắm, - cho mẹ hắn, cho một cô vợ chưa cưới, cho một cô tình nhân; hắn sẽ viết: ‘Anh đến ở trong một ngôi nhà Pháp; bọn anh không phải chịu cực khổ gì cả, Amalia ạ, (cô ta chắc phải tên là Amalia, hay là Cunégonde hoặc Gertrude, cô nghĩ, cố ý tìm những cái tên trúc trắc, lố bịch), bởi bọn anh là những người thắng trận.’”

Bây giờ thì cô không còn nghe thấy gì nữa; hắn không động đậy, hắn nín thở. “Tio”, một con cóc kêu trong bóng tối. Nghe giống như một tiếng nhạc trầm và nhẹ nhàng cất lên, một nốt run rẩy và thuần khiết, một bong bóng nước vỡ ra với một tiếng vang trong trẻo. “Tio, tio...” Lucile lim dim mắt. Thật thanh bình, buồn bã và xa thẳm... Thỉnh thoảng, có cái gì đó trong cô thức dậy, nổi loạn, đòi tiếng ồn, cử động, mọi người. Đòi cuộc sống, lạy Chúa, cuộc sống! Cuộc chiến tranh này sẽ kéo dài bao lâu? Còn phải sống thế này bao nhiêu năm nữa đây, trong trạng thái đờ đẫn u ám này, còng lưng, thuần phục, rúm ró như một con thú trong cơn giông? Cô nhớ tiếc tiếng ồn ào thân thuộc của đài phát thanh, nhưng ngay khi bọn Đức vừa đến chiếc đài đã được đem giấu dưới tầng hầm. Nghe nói là bọn chúng sẽ lấy hoặc phá đài. Cô mỉm cười: “Chắc là hắn cho rằng các ngôi nhà Pháp chả có đồ đạc gì mấy”, cô vừa nghĩ ngợi vừa nhớ đến tất cả những thứ mà bà Angellier đã nhét vào trong tủ rồi khóa lại để khuất mắt kẻ thù.

Lúc ăn tối, tùy tùng của viên sĩ quan đã đi vào phòng ăn mang theo một bức thư nhỏ:

Trung úy Bruno von Falk xin gửi lời hỏi thăm tới các bà Angellier và xin các bà vui lòng trao cho người lính mang bức thư này chìa khóa đàn dương cầm và chìa khóa thư viện. Trung úy lấy danh dự ra cam kết rằng sẽ không mang đi chiếc đàn và không làm rách sách.

Nhưng bà Angellier không tỏ ra nhạy cảm trước trò đùa này. Bà ngước mắt lên trời, mấp máy môi như đọc một lời cầu nguyện ngắn và phó thác cho ý Chúa: “Sức mạnh đứng trên pháp luật, có phải vậy không?”, bà hỏi tên lính, tên này không hiểu tiếng Pháp nên đành nói: “Ja wohl” với nụ cười nở rộng, đồng thồi gạt đầu lia lịa.

- Hãy nói với trung úy von... von... (bà nói ngắc ngứ với vẻ khinh miệt) rằng ông ta là ông chủ.

Bà tháo từ chùm chìa khóa ra hai cái chìa được yêu cầu và ném lên bàn. Rồi, bà thì thầm một cách bi đát vào tai cô con dâu:

- Hắn sẽ chơi bài Wacht am Rhein...

- Con nghĩ là hiện nay bọn họ có một bài quốc ca khác rồi, mẹ ạ.

Nhưng viên trung úy không chơi bài gì cả. Bầu không khí tuyệt đối yên lặng vẫn không thôi ngự trị, rồi tiếng động của chiếc cửa dành cho xe đi qua vang lên như tiếng chuông trong sự tĩnh mịch buối tối báo cho những người đàn bà ấy biết rằng viên sĩ quan đang đi ra; họ buông tiếng thở dài nhẹ nhõm. Giờ đây hắn đã rời khỏi cửa sổ, Lucile nghĩ. Hắn đi ngang đi dọc. Những chiếc bốt... Cái tiếng bốt ấy. Rồi sẽ qua thôi. Cuộc chiếm đóng sẽ chấm dứt. Sẽ có hòa bình, hòa bình đầy ân phước. Cuộc chiến tranh và thảm họa năm 1940 sẽ chỉ còn là một hồi ức, một trang lịch sử, những cái tên của các trận chiến và các hiệp ước mà học trò sẽ ấp úng đọc ở trường, nhưng mình thì mình sẽ nhớ cái tiếng bốt nện khô khôc và đều đặn trên sàn nhà này, chừng nào mình còn sống. Tại sao hắn ta không đi ngủ? Tại sao hắn ta không đi giày păng-tuýp ở nhà, vào buổi tối, như một thường dần, như một người Pháp? Hắn uống. (Cô nghe thấy tiếng nước đổ ra từ bình chứa nước ga và âm thanh yếu ớt “jzz, jzz” của một quả chanh bị vắt. Mẹ chồng cô chắc sẽ nói: “Thảo nào mà chúng ta thiếu chanh. Bọn chúng lấy hết của chúng ta!”) Giờ đây, hắn đang lật giở một cuốn sách. Ôi, suy nghĩ thế này thật là tệ hại... Cô rùng mình. Hắn đã mở đàn dương cầm; cô nhận ra tiếng va chạm của nắp đàn khi bị đẩy về phía sau và tiếng kêu ken két của chiếc ghế xoay. Không! Lẽ nào hắn lại đi chơi đàn vào giữa đêm! Thực tình thì mới chín giờ. Có lẽ ở phần còn lại của thế giới người ta không đi ngủ sớm như vậy?... Phải, hắn chơi đàn. Cô nghe, cúi đầu, bồn chồn cắn môi. Tiếng nhạc nghe giống một tiếng thở dài hơn là một hợp âm rải vang lên từ những phím đàn, những nốt nhạc đang run rẩy; hắn lướt qua các nốt nhạc, vuốt ve chúng, và rồi kết thúc bằng một tiếng láy rền nhẹ và nhanh như chim hót. Tất cả im bặt.

Lucile bất động hồi lâu, chiếc lược cầm tay, mái tóc xõa ra trên vai. Rồi cô thở dài, thoáng nghĩ: “Tiếc thật!” (Tiếc vì không khí tĩnh lặng đến thế? Tiếc vì gã trai này đã ngừng chơi đàn? Tiếc vì ở đó là hắn, kẻ xâm lược, kẻ thù, hắn, chứ không phải là một người khác?) Bàn tay cô khẽ bối rối ngọ nguậy, như thể cô đang đẩy ra những lớp không khí quá nặng nề, không thở được. Tiếc thật... Cô nằm vào chiếc giường rộng trống trải.