Bản giao hưởng Pháp - Phần II - Chương 05

5

Madeleine Sabarie ở nhà một mình; cô ngồi trong gian phòng nơi Jean-Marie đã từng sống nhiều tuần. Ngày nào cũng vậy, người thiếu phụ dọn chiếc giường nơi anh từng ngủ. Điều đó làm cho Cécile bực bội. “Cứ để đấy nào! Có ai ngủ ở đấy bao giờ đâu, không cần thay những vải trải giường mới làm gì, cứ như là em đợi ai ấy. Em có đợi ai không đấy?”

Madeleine không trả lời và sáng sáng vẫn tiếp tục giũ tấm đệm to đầy lông.

Cô sung sướng khi chỉ có một mình với thằng bé đang bú tí, má áp vào bộ ngực trần. Khi cô đổi nó sang phía ngực bên kia, một bên mặt của nó ươn ướt, đỏ và bóng nhoáng như một quả anh đào, và hình chiếc vú in hằn lên đó; cô dịu dàng hôn con. Không chỉ một lần cô nghĩ: “Mình thấy mừng vì đó là con trai, đàn ông đỡ khổ hơn.” Cô vừa nhìn ngọn lửa vừa ngủ gà ngủ gật: cô chưa bao giờ được ngủ đủ cả. Có biết bao nhiêu là việc nên mọi người chẳng mấy khi đi ngủ trước mười giờ, mười một giờ, và đôi khi người ta còn dậy ban đêm để nghe đài Anh. Buổi sáng, phải dậy lúc năm giờ để chải lông cho lũ vật. Hôm nay, thật dễ chịu khi được ngủ một giấc ngắn ban ngày, trong lúc bữa ăn tối đang đặt trên bếp lửa, bàn ăn đã dọn, tất cả đâu vào đấy xung quanh cô. Ánh sáng yếu ớt của một mùa xuân nhiều mưa tỏa sáng lên màu xanh non của cây cỏ và bầu trời xám. Ngoài sân lũ vịt đói đứng dưới mưa, trong khi lũ gà mái và gà tây, một đống nhỏ toàn lông bù xù, rầu rĩ trú trong lán chứa dụng cụ. Madeleine nghe thấy tiếng chó sủa.

“Mọi người đã về rồi cơ à?” cô tự hỏi.

Lúc trước Benoît đã đánh xe đưa gia đình lên thị trấn.

Có một người nào đó đi ngang qua sân, một người nào đó không đi giày gỗ như Benoît. Thế mà, cứ mỗi lần cô nghe thấy một tiếng bước chân không phải là bước chân của chồng cô hay của một trong những người ở trang trại, cứ mỗi lần cô nhìn thấy một bóng người lạ ở phía xa, thì đúng lúc đó cô lại bồn chồn nghĩ: “Không phải là Jean-Marie đâu, không thể là anh ấy được, mình điên rồi, trước hết, anh ấy sẽ không trở lại, và sau nữa, thậm chí nếu anh ấy trở lại thì có gì thay đổi đâu vì mình đã lấy Benoît rồi? Mình chẳng chờ đợi ai cả, trái lại mình cầu Chúa cho Jean-Marie không bao giờ trở lại, bởi vì, dần dần, mình sẽ quen với chồng mình và mình sẽ hạnh phúc. Mình không biết mình còn tìm kiếm cái gì nữa chứ, thật đấy, mình không còn tỉnh táo nữa rồi. Mình hạnh phúc.” Đúng vào lúc cô đang nghĩ như vậy, thì trái tim cô, trái tim ít chịu nghe lý lẽ hơn chính bản thân cô, lại bắt đầu đập dữ dội đến nỗi làm át đi mọi tiếng động bên ngoài, đến nỗi cô không nghe thấy được nữa giọng nói của Benoît, tiếng khóc của đứa bé, tiếng gió luồn qua cửa, và đến nỗi máu sôi lên rạo rực khiến tai cô ù đi như khi chìm xuống dưới một đợt sóng. Trong chốc lát cô gần như ngất đi; cô chỉ tỉnh lại khi nhìn thấy người đưa thư mang đến một cuốn quảng cáo hạt giống (ngày hôm ấy anh ta đi giày mới) hoặc nhìn thấy tử tước Montmort, ông điền chủ.

- Này, Madeleine, con không chào khách à? - bà mẹ Sabarie ngạc nhiên hỏi.

- Chắc là tôi đã làm bà thức dậy, - người khách nói trong lúc cô khẽ xin lỗi và nói nhỏ:

- Vâng, ông làm tôi sợ đấy...

Thức dậy? Từ giấc mơ nào?

Lần này cô lại cảm thấy sự xáo trộn ấy trong mình, nỗi hoảng sợ bên trong mà một người xa lạ gây ra khi bước vào (hoặc trở lại) cuộc đời cô.

Cô ngồi thẳng dậy trên ghế, nhìn chằm chằm ra cửa. Một người đàn ông? Đó là một tiếng bước chân, một tiếng ho khẽ của đàn ông, một mùi thuốc lá thơm!... Một bàn tay đàn ông, trau chuốt và trắng trẻo, đặt trên chốt cửa, rồi xuất hiện một bộ quân phục Đức. Giống như mọi lần, khi người bước vào không phải là Jean-Marie, nỗi thất vọng lớn đến nỗi cô ngây người ra một lát; thậm chí cô không nghĩ đến việc cài lại áo ngực. Tên Đức, một sĩ quan, một gã trai trẻ có lẽ không quá hai mươi tuổi, mặt gần như trắng bệch, lông mi, tóc, bộ ria ngắn cũng nhợt nhạt, mang màu vàng nhạt và óng ánh, hắn nhìn bộ ngực để hở, mỉm cười và chào với vẻ nghiêm túc quá mức, gần như lăng nhục. Một số tên Đức biết cách chào người Pháp bằng thái độ lịch sự giả tạo (hoặc có lẽ kẻ bại trận chua chát, tủi nhục, đầy tức giận, đã cảm thấy như vậy?). Đó không còn là sự nhã nhặn cần phải có đối với một đồng loại, mà là sự nhã nhặn người ta bày tỏ trước một xác chết, kiểu như “Nâng súng chào” trước cái xác của kẻ mà họ vừa hành quyết.

- Ông cần gì vậy, thưa ông? - cuối cùng Madeleine vừa hỏi vừa vội vã khép váy lại.

- Thưa bà, tôi có một phiếu ở trọ trong trang trại Nonnains, - gã trai trẻ trả lời, hắn nói tiếng Pháp rất giỏi. - Tôi xin lỗi vì đã quấy rầy bà. Xin bà vui lòng chỉ cho tôi phòng của tôi.

- Người ta đã nói với chúng tôi rằng chúng tôi sẽ chỉ đón tiếp lính thường thôi mà - Madeleine rụt rè nói.

- Tôi là trung úy phiên dịch của Ban Chỉ huy.

- Ông sẽ ở xa thị trấn đấy và tôi e rằng căn phòng không được tốt đối với một sĩ quan đâu. Đây chỉ là một trang trại thôi, và ông sẽ không có cả nước máy lẫn điện ở nhà chúng tôi, chẳng có bất cứ thứ gì mà một ông lớn cần cả.

Gã trai trẻ nhìn gian phòng. Hắn xem xét sàn nhà lát đá màu đỏ đã bạc màu, đôi chỗ gần như thành màu hồng, cái bếp lò to chiếm vị trí giữa phòng, cái sập đặt trong góc, cái xa kéo sợi (họ đã lấy thứ này ở trên kho áp mái xuống, nó được đặt ở đó từ cuộc chiến tranh trước: tất cả các cô gái trẻ trong vùng đã học cách xe len kể từ khi không kiếm được len làm sẵn trong các cửa hàng nữa). Tên Đức còn chăm chú ngắm nghía những bức ảnh được đóng khung treo trên tường, những tấm bằng của các cuộc thi nông nghiệp và cái hốc tường rỗng, nơi trước kia từng để bức tượng nhỏ của một vị nữ thánh, những tranh vẽ tinh tế đã mờ một nửa treo quanh một đường gờ; cuối cùng hắn lại hạ mắt hướng về cô nông dân trẻ đang bế con trên tay. Hắn mỉm cười:

- Bà đừng lo cho tôi. Tôi sẽ rất thoải mái.

Hắn có một giọng nói với âm sắc cứng cỏi và rung một cách lạ lùng, gợi nhớ đến tiếng va chạm của kim loại. Cặp mắt xám màu sắt, sóng mũi xẻ đôi khuôn mặt, sắc màu đặc biệt của mái tóc vàng nhạt, trơn bóng và sáng loáng như một chiếc mũ sất, tất cả làm cho gã trai trẻ này có một ngoại hình gây ấn tượng mạnh trong mắt Madeleine; trong dáng vẻ của hắn có một cái gì đó hoàn hảo, chính xác, rực rỡ khiến người ta nghĩ đến một cỗ máy hơn là một con người, cô tự nhủ. Dù không muốn, cô vẫn bị mê hoặc bởi đôi bốt và cái khóa đai lưng quân dụng của hắn: da và thép hắt lên những ánh lấp loáng.

- Tôi hy vọng, - cô nói, - là ông có tùy tùng. Ở đây không ai có thể đánh bốt của ông bóng lên như thế này được đâu.

Hắn cười và nhắc lại:

- Bà đừng lo cho tôi.

Madeleine đặt con trai ngủ. Trong chiếc gương nghiêng xuống phía trên giường lướt qua bóng tên Đức. Cô nhìn thấy ánh mắt và nụ cười của hắn. Cô lo sợ nghĩ: “Nếu hắn tán tỉnh mình, Benoît sẽ nói gì nhỉ?” Cô không thích gã trai trẻ này và hắn làm cô hơi sợ, nhưng, dù không muốn, cô vẫn bị cuốn hút bởi vẻ gì đó giống với Jean-Marie, không phải là giống Jean-Marie với tư cách đàn ông, mà với tư cách một người thuộc giới tư sản, với tư cách ông lớn. Cả hai đều cạo râu cẩn thận, được giáo dục tốt, đôi tay trắng trẻo, nước da mịn màng. Cô hiểu là sự hiện diện của tên Đức này sẽ khó chịu gấp đôi đối với Benoît: Vì đó là một kẻ thù và vì đó không phải là một nông dân như anh, nhất là vì anh ghét những cái làm lộ ra, trong Madeleine, mối quan tâm, sự tò mò mà tầng lớp trên khơi gợi; đến mức là, từ ít lâu nay, anh thường giật khỏi tay cô những tờ báo thời trang hoặc nói, khi cô bảo anh cạo râu, thay áo: “Em phải chấp nhận đi. Em đã lấy một người đàn ông nông thôn, một gã nhà quê, anh là anh không có những kiểu cách thượng lưu đâu...”, với biết bao oán giận, với một sự ghen tuông sâu sắc đến nỗi cô đoán chắc được từ đâu mà sinh chuyện, hẳn là Cécile đã đưa chuyện rồi. Cécile cũng không còn đối với cô như trước nữa. Cô thở dài. Biết bao điều đã thay đổi kể từ khi xảy ra cuộc chiến tranh đáng nguyền rủa này...

- Tôi sẽ chỉ cho ông phòng của ông, - cuối cùng cô nói.

Nhưng hắn từ chối; hắn lấy một chiếc ghế: và ngồi xuống cạnh lò sưởi.

- Để lát nữa nhé, nếu bà cho phép. Chúng ta hãy làm quen. Bà tên là gì vậy?

- Madeleine Sabarie.

- Còn tôi, Kurt Bonnet (hắn phát âm thành Bonnett). Đó là một cái tên Pháp, như bà thấy đấy. Tổ tiên tôi có lẽ là đồng bào của bà, bị đuổi ra khỏi nước Pháp dưới thời Louis XIV. Có dòng máu Pháp ở nước Đức, và có những từ Pháp trong ngôn ngữ của chúng tôi.

- Thế à? - cô thờ ơ nói.

Cô những muốn trả lời: “Có máu Đức ở Pháp, nhưng ở dưới đất cơ và từ năm 1914.” Nhưng cô không dám: im lặng thì khôn ngoan hơn. Thật lạ lùng: cô không thù ghét người Đức; có không thù ghét ai cả, nhưng việc nhìn thấy bộ quân phục này dường như khiến cô, người mà cho đến lúc này vẫn tự do và kiêu hãnh, trở thành một thứ nô lệ, đầy mưu mẹo, thận trọng và sợ hãi, khéo lấy lòng kẻ đi chinh phục, dù lại nhổ toẹt sau cánh cửa đóng kín: “Cầu cho bọn chúng chết đi!” như mẹ chồng cô vẫn làm, bà thì ít ra cũng không biết giả vờ, không biết làm ra vẻ dịu dàng với kẻ chiến thắng, cô nghĩ. Cô xấu hổ về bản thân, cô nhíu mày, tạo ra một vẻ mặt lạnh lùng và lùi chiếc ghế của mình lại để làm tên Đức hiểu là cô không muốn nói với hắn nữa và sự hiện diện của hắn khiến cô khó chịu.

Tuy thế, hắn lại nhìn cô thích thú. Như nhiều người còn rất trẻ, từ thuở bé đã bị gò vào một kỷ luật khắc nghiệt, hắn đã có thói quen chống đỡ cho bản thể thầm kín của mình bằng sự ngạo mạn và cứng rắn bên ngoài. Hắn cho rằng một người đàn ông xứng đáng với cái tên gọi này thì cần phải sắt thép. Vả chăng, hắn đã tỏ ra như vậy, trong chiến tranh, ở Ba Lan và ở Pháp, và trong thời kỳ chiếm đóng. Nhưng hắn tuân theo các nguyên tắc ít hơn là tuân theo sự bột phát của lứa tuổi còn rất trẻ (khi thấy hắn, Madeleine cho rằng hắn hai mươi tuổi. Hắn còn trẻ hơn thế nữa; hắn được mười chín tuổi trong chiến dịch ở Pháp.) Hắn tỏ ra nhân từ hay tàn bạo tùy theo ấn tượng mà sự việc và mọi người gây ra cho hắn. Nếu hắn có ác cảm với ai, hắn sẽ thu xếp để làm hại người ta càng nhiều càng tốt. Hồi quân đội Pháp rút lui, lúc hắn được giao nhiệm vụ đưa đoàn tù binh thảm hại về tận Đức, trong những ngày khủng khiếp ấy, khi mệnh lệnh ban ra là phải giêt chết những kẻ yếu sức, những kẻ không đi nhanh được, hắn đã làm điều đó, không ân hận và thậm chí còn thích thú, đối với những người mà hắn chẳng nhớ được mặt mũi. Trái lại hắn tỏ ra cực kỳ tử tế và sẵn sàng giúp đỡ một số tù binh có vẻ gây được thiện cảm cho hắn, và một vài người trong số này sống được là nhờ hắn. Hắn tàn bạo, nhưng đó là sự tàn bạo của tuổi mới lớn, sự tàn bạo xuất phát từ một trí tưởng tượng rất mạnh mẽ và tinh tế, hoàn toàn hướng về chính mình, về chính tâm hồn mình; không thương xót những nỗi đau khổ của kẻ khác: không thấy những nỗi đau ấy, chỉ nhìn thấy bản thân mình. Hắn đem vào sự tàn bạo này đôi chút kiểu cách giả tạo do lứa tuổi của hắn cũng như do một thiên hướng nhất định đối với thói ưa làm trò tàn ác. Chẳng hạn, trong khi nghiệt ngã đối với con người, hắn lại tỏ ra hết sức tử tế đối với súc vật; chính là do hắn gợi ý nên mấy tháng trước đây mới xuất hiện một mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy Calais. Bonnet nhận thấy rằng vào những ngày chợ phiên, nông dân thường xách gà của họ đầu chúc xuống đất và cẳng thì trói lại. “Không có một chút nhân đạo nào cả”, từ nay cấm không được làm thế nữa. Các nông dân không chú ý đến điều đó, việc này khiến Bonnet càng thêm căm ghét dân Pháp “mọi rợ và hời hợt”, trong khi dân Pháp thì rất phẫn nộ khi đọc một cái thông báo như vậy ở phía dưới một thông báo khác, trong đó viết rằng để trả giá cho một hành động phá hoại, tám người đàn ông đã bị hành quyết. Ở cái thành phó miền Bắc nơi hắn đóng quân, Bonnet chỉ gắn bó với bà chủ nhà của hắn, vì một hôm hắn bị cúm, người đàn bà này đã cất công mang bữa ăn sáng đến tận giường cho hắn. Bonnet nhớ tới mẹ hắn, tới những năm tháng tuổi thơ của hắn, và rưng rưng nước mắt cảm ơn cái bà Lili vốn là bà chủ nhà chứa này. Từ đó hắn làm tất cả vì bà ta, hắn cho bà ta đủ loại giấy phép, phiếu xăng và v.v..., hắn tiêu thời gian buổi tối cùng với bà già lố bịch này, vì như hắn nói, bà ta cô độc và đã có tuổi và buồn chán, hắn mang về cho bà ta từ Paris, nơi hắn đi công cán, những thứ đồ vớ vẩn mà hắn đã phải mua rất đắt, hắn vốn không giàu.

Những thiện cảm này đôi khi bắt nguồn từ những ấn tượng âm nhạc, văn học, hay là hội họa, như trong cái buổi sáng mùa xuân ấy, khi hắn bước vào nhà Sabarie: Bonnet rất có văn hóa, có khiếu về tất cả các nghệ thuật. Trang trại của gia đình Sabarie, với bầu không khí hơi ẩm ướt và u ám mà những ngày mưa đem lại, với màu hồng đã bạc của những viên đá lát sàn, với cái hốc tường nhỏ trống rỗng mà người ta hình dung ở đó có bức tượng Đức Mẹ đã bị lấy đi trong cuộc cách mạng trước đây, với một cành hoàng dương đã được ban phép treo phía trên chiếc nôi và ánh sáng lóe lên từ một chiếc lồng ấp bằng đồng trong bóng tối mờ ảo, có cái gì đó gợi nhớ đến một “cảnh nội thất” của trường phái Flamand, Bonnet nghĩ. Người phụ nữ trẻ ngồi trên một chiếc ghế thấp kia, đứa con trong tay, bộ ngực tuyệt vời để hở một phần sáng lên trong bóng tối, gương mặt xinh tươi với đôi má đồ hồng, trán và cằm trắng muốt, chỉ riêng cô đã đáng là một bức tranh rồi. Nhìn cô, ngưỡng mộ cô, hắn thấy mình gần như đang ở trong một viện bảo tàng của Munichhay Dresden, một mình trước một bức tranh đem lại cho hắn sự ngây ngất vừa nhục cảm vừa trí tuệ mà hắn ưa thích hơn mọi thứ trên đời. Người phụ nữ kia từ nay có thể tỏ ra lạnh lùng hay thù địch đối với hắn, điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến hắn; hắn thậm chí sẽ không nhận ra điều đó nữa. Hắn sẽ chỉ yêu cầu cô, cô cũng như tất cả những người xung quanh cô, dành cho hắn những ân huệ thuần túy nghệ thuật: giữ gìn cái ánh sáng kiệt tác ấy, cái rạng rỡ của da thịt ấy, cái êm mượt của những phông nền ấy.

Đúng lúc đó, một chiếc đồng hồ lớn điểm mười hai giờ trưa.

Bonnet cười, gần như là thích thú. Cái âm thanh trầm, sâu lắng, hơi đục, phát ra từ cỗ máy cổ xưa trong cái hộp quét sơn kia, hắn tưởng như đã đôi lần nghe thay khi ngắm nhìn bức tranh này hay bức tranh khác của các họa sĩ Hà Lan và tưởng tượng ra mùi cá trích tươi mà các bà nội trợ nấu hoặc tiếng ồn ào của con phố thấp thoáng sau khung cửa sổ với những ô kính nhuốm màu lục. Trên những mảng tường màu tối ấy bao giờ cũng có một chiếc đồng hồ giống như chiếc này.

Tuy nhiên hắn muốn làm cho Madeleine nói; hắn muốn được nghe thêm cái giọng nói tươi mát, hơi du dương ấy.

- Bà sống một mình ở đây à? Chắc chồng bà là tù binh phải không?

- Không đâu, - cô nói gay gắt.

Cô lại hoảng sợ khi nghĩ rằng Benoît đã từng là tù binh của bọn Đức và đã bỏ trốn; cô chợt nghĩ có thể tên Đức sẽ đoán ra điều ấy và sẽ bắt giữ kẻ chạy trốn. “Mình thật ngu ngốc quá,” cô nghĩ, nhưng theo bản năng cô dịu lại: phải nhã nhặn với kẻ thắng trận; cô lấy một giọng ngây thơ và ngoan ngoãn ra để hỏi:

- Ông ở lại chỗ chúng tôi có lâu không? Mọi người bảo là ba tháng.

- Chính chúng tôi cũng không biết, - Bonnet giải thích. - Cuộc sống nhà binh là thế đấy: phụ thuộc vào một mệnh lệnh, một ý thích thất thường của các tướng lĩnh hay một điều ngẫu nhiên của chiến tranh. Chúng tôi đang trên đường tới Nam Tư, nhưng mọi sự đã kết thúc ở đó rồi.

- A? Mọi sự đã kết thúc rồi à?

- Chỉ ngày một ngày hai thôi. Dù thế nào đi nữa, chúng tôi tới đó thì cũng đã chiến thắng rồi. Thành thử tôi nghĩ chúng tôi sẽ được giữ lại ở đây suốt mùa hè, trừ khi là được gửi sang châu Phi hoặc Anh.

- Thế... ông có thích như vậy không? - Madeleine vừa nói vừa cố tình làm ra vẻ ngây thơ, nhưng vẫn có một thoáng rùng mình vì ghê tởm mà cô không thể che giấu nổi, cứ như là cô đang hỏi một kẻ ăn thịt người, “có thật là ông thích thịt người không?”

- Đàn ông sinh ra là để làm chiến binh, cũng như đàn bà là để tiêu khiển cho chiến binh, - Bonnet trả lời, và hắn mỉm cười vì tự thấy thật khôi hài khi trích dẫn Nietzsche ra với cô nông dân Pháp xinh đẹp. - Chồng bà, nếu ông ấy còn trẻ, chắc cũng nghĩ như thế thôi.

Madeleine không trả lời. Thực ra, cô chẳng biết gì mấy về những suy nghĩ của Benoît, cô nghĩ, dù rằng cô được nuôi lớn lên bên cạnh anh. Benoît là người trầm lặng và như khoác một bộ áo giáp kín đáo ba lớp, đàn ông, nông dân và Pháp. Cô chẳng biết anh ghét gì cũng như anh yêu gì, mà chỉ biết là anh có khả năng yêu và ghét.

“Trời ơi, cô tự nhủ, miễn là anh ấy đừng có ác cảm với tên Đức.”

Cô nghe hắn nói, nhưng đáp lời rất ít, tai căng lên ngóng những tiếng động ngoài đường; những chiếc xe kéo đi qua trên đường, các nhà thờ điểm chuông buổi cầu kinh tối; người ta nghe thấy những tiếng chuông nối nhau vang lên giữa miền quê; đầu tiên là chuông của nhà thờ nhỏ Montmort, nhẹ như một cái nhạc bằng bạc, rồi đến âm thanh trầm trầm từ thị trấn vọng về, rồi đến tiếng chuông hòa ầm vội vã ở Sainte-Marie mà người ta chỉ nghe thấy được nhờ thời tiết xấu, khi giờ từ đỉnh đồi thổi xuống.

- Mọi người trong nhà sắp về rồi, - Madeleine nói khẽ.

Cô đặt thêm vào giữa những bát đĩa bày sẵn một cái bình nhỏ bằng sành láng mượt như kem cắm đầy hoa lưu ly.

- Tôi nghĩ là ông không ăn ở đây phải không? - đột nhiên cô hỏi.

Han trấn an cô.

- Không, không, tôi đã đặt cơm tháng ở ngoài thị trấn. Tôi chỉ xin bà cho cà phê sữa vào buổi sáng thôi.

- Cái đó thì dễ lắm, thưa ông.

Đó là một câu nói đặc biệt của vùng này; nó thường được nói ra cùng một nụ cười và bằng một giọng mơn trớn; ngoài ra nó tuyệt nhiên chẳng có nghĩa gì: đó là một cách nói lịch sự không lừa ai cả, nó không có ý nói là người ta sẽ được phục vụ. Đó chỉ là lịch sự thôi, và nếu như lời hứa này sau đó không được thực hiện, người ta lại có sẵn một cách nói khác, câu này thì được nói bằng một giọng hối tiếc và cáo lỗi: “Ô, không phải bao giờ người ta cũng làm được điều mà người ta muốn.” Nhưng tên Đức đã bị quyến rũ.

- Tất cả mọi người, ở vùng này đều thật đáng mến, - hắn ngây thơ nói.

- Ông thấy vậy à, thưa ông?

- Thế bà sẽ mang cà phê vào tận giường cho tôi chứ, tôi hy vọng?

- Cái đó là làm cho người ốm, - Madeleine nói với vẻ chế nhạo.

Hắn muốn cầm tay cô; cô giật phắt tay ra.

- Chồng tôi kìa.

Hãy còn chưa thấy chồng cô, nhưng anh sắp về rồi; cô nhận ra tiếng bước chân của con ngựa cái trên đường. Cô đi ra sân; trời đang mưa. Cỗ xe ngựa bốn bánh cũ kỹ đã không được dùng đến từ cuộc chiến tranh trước và giờ đây thay thế cho chiếc ô tô không sử dụng được đang đi qua cổng. Benoît đánh xe. Những người phụ nữ ngồi dưới những chiếc ô ướt. Madeleine chạy về phía chồng và ôm lấy cổ anh.

- Có một tên Boche, - cô nói thầm vào tai anh.

- Hắn sẽ ở nhà mình à?

- Vâng.

- Khốn khổ!

- Ôi dào, - Cécile nói, - đó không phải là những người ác nếu ta biết cư xử, và bọn chúng trả tiền khá đấy.

Benoît tháo cương và dẫn con ngựa vào chuồng. E ngại tên Đức, nhưng ý thức được rằng mình đang có lợi thế vì mặc chiếc váy dành cho ngày Chủ nhật, đội một chiếc mũ và đi đôi tất lụa, Cécile đĩnh đạc bước vào nhà.