Bản giao hưởng Pháp - Phần II - Chương 06-07

6

Trung đoàn đi ngang qua dưới cửa sổ phòng Lucile. Bọn lính đang hát; chúng có giọng hát tuyệt vời, nhưng bản hợp Xướng nghiêm trang, u ám và buồn bã ấy, có vẻ giống thánh ca hơn là chiến ca, khiến cho dân Pháp sửng sốt.

Chúng cầu kinh đấy à? Đám phụ nữ hỏi.

Đoàn quân đi tập trận về; trời sớm tinh mơ nên cả thị trấn còn đang ngủ. Những người phụ nữ giật mình thức giấc, nghiêng người nhìn qua cửa số và cười. Buổi sáng êm dịu và mát mẻ quá! Lũ gà trống cất lên điệu kèn đã bị khàn sau buổi đêm lạnh lẽo. Không gian tĩnh lặng ánh lên những ánh hồng và bạc. Thứ ánh sáng tinh khiết ấy rực lên trên gương mặt hạnh phúc của những gã đàn ông đang diễu qua (làm sao mà không hạnh phúc được trước một mùa xuân đẹp đến nhường này?) Những gã đàn ông to cao, cân đối, với gương mặt cứng rắn và giọng hát êm tai ấy được các phụ nữ nhìn theo hồi lâu. Họ bắt đầu nhận ra được một số tên lính. Bọn chúng không còn là đám đông vô danh của những ngày đầu tiên, cái đám quân phục xanh mà trong đó không có lấy một dấu hiệu phần biệt người này với những người khác, không hơn gì một đợt sóng biển chẳng hề có diện mạo riêng, lẫn lộn với những đợt sóng trước và sau nó. Giờ đây những tên lính này đã có những cái tên: “Đây là cái thằng bé tóc vàng sống ở nhà ông thợ giày và đồng bọn của hắn thì gọi hắn là Willy,” dân chúng nói. “Gã kia thì là gã tóc hung vẫn gọi một đĩa tám quả trứng rán và uống liên tục mười tám ly rượu trắng hảo hạng mà không say không ốm đấy. Gã trẻ nhất, đi đứng cứng đơ, là gã phiên dịch. Hắn làm mưa làm gió ở Bộ Chỉ huy. Còn đây là tên Đức nhà Angellier.”

Giống như thời xưa người ta gọi các chủ trang trại bằng tên các lãnh địa nơi họ sống, thành thử ông đưa thư, hậu duệ của các tá điền ngày xưa sống ở vùng Montmort, hiện có tên là Auguste De Montmort, bọn Đức cũng thừa hưởng phần nào hộ tịch của chủ nhà của chúng. Người ta nói: “Fritz nhà Durand, Ewald nhà La Forge, Bruno nhà Angellier”.

Bruno đi đầu phân đội kỵ binh của hắn. Những con vật được ăn uống no đủ và hung hăng, đi nhún nhảy và nhìn đám đông bằng con mắt đẹp, nôn nóng và hãnh diện, khiến cho các nông dân thán phục.

- Mẹ ơi! Mẹ đã thấy chưa? - các chú bé kêu lên.

Con ngựa của gã trung úy có bộ lông nâu ngả màu vàng rực, óng ánh như xa tanh. Cả người lẫn vật đều có vẻ như không thờ ơ trước những tiếng kêu thốt, những tiếng reo thích thú của đám phụ nữ. Con vật tuyệt đẹp oằn cổ, lắc hàm thiếc của nó một cách dữ dội. Viên sĩ quan khẽ mỉm cười và thỉnh thoảng lại phát ra một tiếng bập môi nhè nhẹ có tác dụng điều khiển con vật tốt hơn là chiếc roi ngựa. Khi một cô gái trẻ đứng bên cửa sổ thốt lén: “Hắn cưỡi ngựa giỏi đấy chứ, cái gã Boche kia”, hắn bèn đưa bàn tay đeo găng lên mũ và chào trịnh trọng.

Phía sau cô gái trẻ có tiếng thì thào nháo nhác.

- Em biết rõ là bọn chúng không thích bị gọi như thế cơ mà. Em không điên đấy chứ?

- Ôi dào, có sao dâu! Em quên mà, - cô gái trẻ bào chữa, mặt đỏ lên như một quả anh đào.

Đến quảng trường, phân đội giải tán. Các gã đàn ông trở về nơi ở của mình với tiếng động ồn ào của giày và đinh thúc ngựa. Mặt trời rực rỡ, đến lúc này rất nóng, gần như là mùa hè. Trong các sân nhà, bọn lính rửa ráy; những tấm thân để trần, đỏ, cháy nắng vì phơi ra ngoài trời và đẫm mồ hôi. Một tên lính đã gắn cái gương nhỏ vào thân cây để cạo râu. Một tên khác nhúng đầu và hai cánh tay trần vào một xô to nước mát. Một tên khác kêu lên với một phụ nữ trẻ:

- Chúc bà một ngày tốt lành!

- Kìa, thế ra ông nói được tiếng Pháp à?

- Một tí thôi.

Họ nhìn nhau; họ mỉm cười. Những người phụ nữ đi ra giếng và tháo những sợi dây dài kêu kèn kẹt. Khi chiếc xô được kéo lên chỗ sáng, tràn đầy một thứ nước lạnh buốt, rung rinh, in ánh trời xanh thẫm, bao giờ cũng có một tên lính vội vã đỡ lấy gánh nặng từ tay người phụ nữ. Một số tên làm thế để chứng tỏ rằng, dù là người Đức, nhưng chúng vẫn lịch sự, một số tên khác thì vì sự tốt bụng vốn có, một số tên khác nữa là vì một ngày đẹp trời, một sự viên mãn thể chất do không khí ngoài trời đem lại, sự mệt mỏi lành mạnh và thời gian chờ đợi nghỉ ngơi khiến cho chúng rơi vào trạng thái hứng khởi, mạnh mẽ nội tâm, khi mà người đàn ông càng cảm thấy hiền hậu trước kẻ yếu thì lại càng sẵn sàng tỏ ra độc ác với kẻ mạnh (hẳn là chính cái tinh thần này đã thúc đẩy các con thú đực đánh nhau vào mùa xuân và gặm đất, đùa giỡn và nhảy nhót trong bụi trước các con cái). Một tên lính trẻ đưa một phụ nữ về tận nhà chị ta; hắn trịnh trọng xách hộ chị hai chai rượu trắng mà chị vừa kéo từ dưới giếng lên. Đó là một gã trai trẻ măng có cặp mắt màu sáng, mũi hếch, hai cánh tay to khỏe.

- Cái này đẹp, - hắn vừa nói vừa nhìn đôi chân của người phụ nữ, - cái này đẹp, thưa bà...

Chị ta quay lại và đặt ngón tay lên môi.

- Suỵt... Chồng tôi...

- À, chồng, böse... ác, - hắn thốt lên, và làm ra vẻ sợ lắm.

Đằng sau cánh cửa đang đóng, người chồng lắng nghe, và vì anh ta rất tin tưởng vợ mình, anh ta không cảm thấy tức giận, mà lại thấy như tự hào: “Đấy, chúng ta thì chúng ta có những người đàn bà đẹp,” anh ta nghĩ. Anh ta thấy thứ rượu trắng xoàng xĩnh buổi sáng của mình như ngon hơn.

Bọn lính đi vào cửa hiệu của ông thợ làm giày gỗ. Đó là một người tàn phế do chiến tranh, đang làm việc bên chiếc bàn thợ; không khí tỏa mùi cây cỏ ngào ngạt của gỗ tươi; những tấm gỗ thông vừa được xẻ hãy còn ứa những giọt lệ nhựa. Trên một chiếc giá có bày những chiếc giày gỗ đã chạm trổ, trang trí bằng những hình quái vật đầu sư tử, rắn, đầu bò. Một đôi được làm thành hình mõm lợn. Một tên Đức ngắm nghía đôi giày này với vẻ thán phục.

- Một sản phẩm tuyệt diệu, - hắn nói.

Ông thợ giày, ốm yếu và trầm lặng, chẳng trả lời gì, nhưng bà vợ ông ta đang dọn bàn ăn thì không kìm được bèn tò mò hỏi:

- Ông làm nghề gì ở Đức?

Tên lính không hiểu ngay lập tức, nhưng rốt cuộc cũng nói rằng hắn vốn là thợ khóa. Vợ ông thợ giày suy nghĩ rồi thì thầm vào tai chồng:

- Có lẽ nên đưa cho hắn xem cái chìa khóa tủ buýp phê bị gãy nhỉ, biết đầu hắn lại sửa được...

- Thôi đi! - ông chồng vừa nói vừa nhíu mày.

- Ông bà? Ăn trưa? - tên lính tiếp tục nói. Hắn chỉ vào chiếc bánh mì trắng đặt trên một cái đĩa in hoa. - Bánh mì Pháp... nhẹ... chẳng có trong dạ dày... chẳng có gì...

Hắn muốn nói rằng hắn thấy loại bánh mì này không bổ, không no bụng được, nhưng dân Pháp không thể tin được rằng lại có người điên tới mức không biết đến sự tuyệt hảo của một trong những món ăn của họ, đặc biệt là những chiếc bánh mì tròn vàng ruộm này, những chiếc bánh mì to hình vòng này mà thấy bảo là sắp tới sẽ bị thay thế bằng một hỗn hợp gồm có cám và bột mì loại kém. Nhưng họ không thể tin như vậy được. Họ tưởng lời nói của tên Đức là một lời khen và họ cảm thấy hãnh diện. Đến cả ông thợ giày cũng dịu đi vẻ mặt cau có của mình. Ông ngồi vào bàn ăn cùng với gia đình. Bọn Đức ngồi cách xa ra, trên những chiếc ghế đẩu.

- Thế ông có thích vùng này không? - bà vợ ông thợ giày tiếp tục hỏi.

Bà vốn tính ưa giao tiếp và thấy khổ sở vì sự im lặng kéo dài của ông chồng.

- Ồ, có chứ, đẹp...

- Thế chỗ ông thì sao? Có giống ở đây không? - bà hỏi một tên lính khác.

Gương mặt tên này thoáng giật giật; có thể thấy là hắn đang gắng sức tìm từ để miêu tả vùng quê của hắn, những cánh đồng hoa bia hay những khu rừng sâu thẳm. Nhưng hắn không tìm được gì; hắn đành dang tay ra.

- Rộng... đất tốt...

Hắn do dự và thở dài.

- Xa...

- Ông có gia đình không?

Hắn ra hiệu là có.

Nhưng ông thợ giày nói với vợ:

- Cô không cần phải tán chuyện với bọn chúng đâu.

Bà vợ xấu hổ. Bà lặng lẽ tiếp tục công việc của mình, rót cà phê, cắt những lát bánh cho lũ con. Một tiếng ồn ào vui vẻ vang lên phía bên ngoài. Tiếng cười, tiếng lách cách của vũ khí, tiếng bưóc chân và giọng nói của bọn lính tạo thành một sự inh ỏi vui tai. Người ta chẳng biết vì sao, người ta thấy trong lòng nhẹ nhõm. Có thể là vì trời đẹp? Bầu trời kia, xanh thẳm, dường như đang nhẹ nhàng nghiêng xuống chân trời và vuốt ve mặt đất. Những con gà mái ngồi xệp trong bụi: thỉnh thoảng chúng lại rũ lông với tiếng kêu cục ta cục tác ngái ngủ. Những cọng rơm, những sợi lông tơ, một thứ phấn hoa không sờ nắm được bay trong không khí. Đang là mùa làm tổ.

Thị trấn vắng đàn ông đã lâu đến nỗi thậm chí bọn kia, những kẻ xâm lược ấy, có vẻ như cũng tìm được chỗ ở đây. Chúng cảm thấy điều đó, chúng thoải mái phơi người dưới ánh mặt trời; thấy chúng, các bà mẹ có con là tù binh hay có con là lính bị giết trong chiến tranh lầm rầm kêu gọi sự trừng phạt của Chúa Trời trút lên đầu chúng, nhưng các cô gái trẻ thì nhìn chúng.

7

Trong một gian phòng của trường tư thục, cánh phụ nữ trong thị trấn và một vài bà chủ trang trại lớn ở các vùng phụ cận tập hợp lại trong phiên họp hàng tháng của hội Kiện hàng gửi Tù binh. Xã đã nhận bảo trợ lũ trẻ thuộc diện Cứu tế sống trong vùng trước khi xảy ra chiến sự và sự kiện tù binh. Chủ tịch hội là bà tử tước De Montmort. Đó là một phụ nữ trẻ rụt rè và xấu xí, luôn khổ sở mỗi khi phải nói trước công chúng; bà ấp úng; hai bàn tay bà trở nên ướt đẫm; chân bà run rẩy; cuối cùng, bà cũng mắc chứng bệnh sợ đám đông như một nhân vật hoàng gia. Nhưng bà coi đó là một nghĩa vụ, và bà, chính bà, một cách tự nhiên, phải có trách nhiệm soi sáng cho những phụ nữ trưởng giả và những nông dân ấy, chỉ đường cho họ, đánh thức hạt giống tốt lành trong họ.

- Anh có hiểu không, Amaury, - bà nói với chồng, - em không thể tin được rằng có một sự khác biệt cơ bản giữa họ và em. Dù cho họ đã làm em thất vọng (giá mà anh biết được, họ tỏ ra thô lỗ, bủn xỉn đến chừng nào!), em vẫn kiên trì tìm trong họ một ánh sáng. Đúng thế, - bà vừa nói thêm vừa ngước nhìn chồng với đôi mắt ầng ậng nước, bà rất dễ khóc, - đúng thế, Chúa của chúng ta hẳn sẽ chẳng chết vì những linh hồn này nếu như không có một cái gì đó trong họ... Nhưng sự ngu dốt, anh ạ, sự ngu dốt của họ thật khủng khiếp. Vì thế, mở đầu mỗi phiên họp, em đều đọc một bài phát biểu ngắn để họ hiểu vì sao họ bị trừng phạt, và (anh có thể cười, Amaury) em đã nhìn thấy trên những bộ mặt trì độn ấy thỉnh thoảng có lóe lên một tia hiểu biết. Em thấy tiếc, - bà tử tước tư lự kết luận, - em thấy tiếc là đã không đi theo thiên hướng của mình: em những muốn được truyền đạo ở một vùng hoang vắng, được là cánh tay phải của một nhà truyền giáo nào đó trên thảo nguyên hay trong một khu rừng nguyên thủy. Nhưng thôi, không nghĩ đến chuyện đó nữa. Chúa gửi ta đến đâu thì sứ mệnh của ta ở đó.

Bà đứng trên một chiếc bục nhỏ trong phòng học nơi các bàn học đã được nhanh chóng dọn đi; mười hai học trò chọn trong số những nữ sinh đáng khen nhất được phép đến nghe bà tử tước nói. Các cô bé cọ guốc vào sàn nhà và nhìn quanh bằng những cặp mắt to bình thản, “như lũ bò”, nữ tử tước hơi bực bội nghĩ. Bà quyết định đặc biệt hướng nhiều hơn về các cô bé này.

- Các em gái nhỏ thân mến, - bà nói, - các em đã phải sớm đau khổ vì những nỗi đáu của Tổ quốc...

Một cô bé lắng nghe, chăm chú đến nỗi đang ngồi trên ghế đẩu ngã lăn xuống đất; mười một đứa kia nén những tiếng cười ngặt nghẽo trong những chiếc tạp dề; bà tử tước nhíu mày và tiếp tục nói bằng một giọng mạnh mẽ hơn.

- Các em say sưa với những trò chơi của lứa tuổi các em. Các em có vẻ vô tư lự, nhưng trái tim của các em thì tràn đầy nỗi buồn. Mỗi sáng mỗi tối các em cất lên bao lời cầu nguyện tới Đức Chúa Toàn Năng để Người thương xót những nỗi bất hạnh của nước Pháp yêu quý của chúng ta!

Bà ngắt lời và ra hiệu chào rất lạnh lùng tới cô giáo ngoại đạo vừa mới bước vào: đó là một phụ nữ không đi lễ nhà thờ và đã mai táng chồng mình theo nghi thức dân sự; các học trò của cô này thậm chí còn nói là cô ta đã không được làm lễ rửa tội, điều đó không tai tiếng bằng khó tin, giống như người ta nói về một con người rằng họ đã ra đời với một cái đuôi cá vậy. Cách cư xử của cô này thì không chê trách được, vì thế mà bà tử tước lại càng ghét, “bởi vì,” bà nói với ông tử tước, “nếu như cô ta uống rượu hay có tình nhân, ta có thể giải thích là do không có tôn giáo, nhưng anh thử nghĩ mà xem, Amaury, đầu óc dân chúng sẽ bị lẫn lộn thế nào khi họ thấy những người tư tưởng không tốt lại sống có đức hạnh”. Sự có mặt của cô giáo làm cho bà tử tước khó chịu, bà bèn nói như truyền vào trong giọng mình đôi chút nhiệt huyết hăng say được nhen lên trong tim khi nhìn thấy kề thù và với một tài hùng biện thực sự bà tiếp tục:

- Nhưng những lời cầu nguyện, những giọt nước mắt thì chưa đủ. Tôi nói điều đó không chỉ cho các em; tôi nói cho cả những người mẹ của các em nữa. Chúng ta phải làm từ thiện. Thế nhưng, tôi nhìn thấy gì nhỉ? Không ai làm từ thiện cả; không ai quên mình vì người khác. Không phải tiền bạc là cái mà tôi yêu cầu các bà; tiền bạc, than ôi, chẳng thể làm gì được mấy vào lúc này, - bà tử tước nói kèm theo một tiếng thỏ dài khi nhơ lại rằng bà đã phải trả tám trăm năm mươi franc để mua đôi giày mà bà đang đi ở chân (may thay, ông tử tước là xã trưởng và bà có những phiếu mua giày khi bà muốn). - Không, đó không phải là tiền bạc, mà là thực phẩm, thứ mà làng quê có rất nhiều và tôi muốn chất đầy vào những kiện hàng cho các tù binh của chúng ta. Mỗi một người trong các bà đây đều nghĩ đến người thân của mình, đến chồng, con trai, anh em trai, cha mình đang bị bắt giữ, và đối với những người thân ấy thì không có gì khó cả: ta gửi cho họ bơ, sô cô la, đường và thuốc lá, nhưng những người không có gia đình thì sao? A, thưa các bà, xin hãy suy nghĩ, hãy nghĩ đến số phận của những người bất hạnh không bao giờ nhận được quà và tin tức ấy! Hãy xem, các bà có thể làm gì được cho họ? Tôi chấp nhận tất cả các quà tặng, tôi tập trung các thư đó lại; tôi gửi cho Hội Hồng Thập Tư, họ sẽ phân chia về các trại tù binh khác nhau. Tôi nghe các bà đây, thưa các bà.

Một khoảng im lặng nối tiếp; đám phụ nữ trang trại nhìn các bà ở thị trấn, và những bà này thì mím môi xem xét vào đám phụ nữ nông dân.

- Nào, tôi mở đầu thé, - bà tử tước nhẹ nhàng nói. - Đây là ý tưởng của tôi: trong chuyến hàng sau, ta có thể gửi kèm một bức thư do một trong các em nhỏ này viết. Một bức thư, trong đó bằng những lời lẽ giản dị và xúc động, em nhỏ sẽ thổ lộ lòng mình và bày tỏ những tình cảm đau đớn và ái quốc. Xin hãy nghĩ đến, - bà tử tước nói tiếp giọng rung lên, - xin hãy nghĩ đến niềm vui của kẻ tội nghiệp bị bỏ rơi khi họ đọc những dòng chữ trong đó như phập phồng linh hồn quê hương và nó gợi cho họ nhớ tới những người đàn ông, những người đàn bà, những em nhỏ, cây cối, nhà cửa nơi miền quê nhỏ bé thân thương của họ, nơi mà, như cách nói của nhà thơ, khiến cho ta yêu hơn Tổ quốc rộng lớn của chúng ta. Nhất là, các em nhỏ ạ, các em hãy để cho trái tim mình được tự do bộc lộ. Đừng tìm kiếm những cách viết gây ấn tượng: đừng dùng đến tài viết thư mà hãy để trái tim lên tiếng. Ôi, trái tim, - bà tử tước vừa nói vừa lim dim mắt, - không có chuyện lớn lao nào lại thực hiện được nếu thiếu trái tim. Các em có thể đặt vào bức thư của mình một bông hoa đồng nội giản dị nào đó, một bông hoa cúc dại, một bông hoa anh thảo... tôi không nghĩ là có những quy định ngăn cấm việc đó. Các bà có thích ý tưởng này không? - bà tử tước vừa hỏi vừa khẽ nghiêng đầu về một phía với nụ cười duyên dáng, - nào, nào, tôi đã nói nhiều rồi. Bây giờ đến lượt các bà.

Bà vợ ông chưởng khế, một bà cổ ria mép, rét mặt khắc nghiệt, nói bằng giọng the thé:

- Không phải là chúng tôi không muốn chăm lo đến các tù binh yêu quý của chúng ta đâu. Nhưng chúng tôi, những cư dân khốn khổ của thị trấn, chúng tôi có thể làm được gì cơ chứ? Chúng tôi chẳng có gì cả. Chúng tôi không có những lãnh địa mênh mông như bà, thưa bà tử tước, cũng chẳng có những trang trại đẹp đẽ như những người ở thôn quê. Chúng tôi tự nuôi thân cũng đã khó lắm rồi. Con gái tôi vừa sinh con xong mà không thể kiếm được loại sữa cần cho con nó. Trứng thì bán với giá hai franc một quả và kiếm không ra.

- Có phải ý bà muốn nói rằng chúng tôi đây buôn bán chợ đen không? - Cécile Sabarie, có mặt trong đám cử tọa, hỏi. Khi cô tức giận, cô phồng cổ lên như một con gà tây và mặt mũi trở nên đỏ tía.

- Tôi không muốn nói thế, nhưng...

- Các bà ơi, các bà ơi, - bà tử tước thì thào, và bà nản chí nghĩ: rõ ràng, chẳng làm gì được, bọn họ chẳng cảm thấy gì hết đâu, bọn họ chẳng hiểu gì hết đâu, đó là những tâm hồn thấp kém. Mình nói gì ấy nhỉ? Tâm hồn à? Đó là những cái bụng biết nói.

- Thật đáng buồn khi phải nghe điều đó, - Cécile vừa nói tiếp vừa nhún vai, - Thật đáng buồn khi nhìn thấy những nhà có tất cả mọi thứ mà họ muốn nhưng lại kể nghèo kể khổ. Này, ai cũng biết là dân tư sản có đủ thứ nhé. Các bà có nghe rõ không? Đủ thứ! Các bà tưởng rằng người ta không biết ai vơ vét hết thịt à? Họ đi thu thập các thứ phiếu ở các lãnh địa. Cái đó ai cũng biết. Một trăm xu một phiếu thịt. Những người có tiền ấy, tất nhiên rồi, họ chẳng thiếu gì cả đâu nhưng dân chúng khốn khổ thì...

- Chúng tôi phải có thịt chứ, thưa bà, - vợ viên chưởng khế trịnh trọng nói trong lúc lo sợ nghĩ rằng người ta đã nhìn thấy bà mang một cái đùi cừu từ cửa hàng thịt đi ra ngày hôm kia (đó là cái đùi cừu thứ hai kể từ đầu tuần). Chúng tôi có mổ lợn đâu! Trong bếp của chúng tôi chẳng có những khúc giăm bông, những tảng mỡ lá và những cái xúc xích sấy khô mà người ta thích nhìn thấy dòi đục hơn là đem nhượng lại cho những kẻ khốn khổ ở thành phố.

- Các bà ơi, các bà ơi, - bà tử tước van vỉ, - hãy nghĩ đến nước Pháp, hãy đặt trái tim mình lến trên... Hãy tự kiềm chế! Hãy dập tắt đi những bất đồng ý kiến khó chịu. Hãy nghĩ đến hoàn cảnh của chúng ta! Chúng ta bị tàn phá, bị đánh bại... Chúng ta chỉ còn một niềm an ủi duy nhất: Thống chế yêu quý của chúng ta... Thế mà các bà lại đi nói về trứng, về sữa và về lợn! Đồ ăn thức uống thì quan trọng gì? Khiếp quá, các bà ơi, tất cả những chuyện đó thật là dung tục! Chúng ta chắc chắn còn có những lý do khác để đau buồn. Thực chất đang nói về cái gì nào? Về một chút tương trợ, một chút khoan dung. Chúng ta hãy đoàn kết lại như những người lính trong chiến hào thời trước, như những tù binh yêu quý của chúng ta đang đoàn kết, tôi tin chắc điều này, trong những trại giam, sau những hàng rào dây thép gai...

Thật lạ lùng. Cho đến trước lúc này, họ chẳng nghe bà tử tước nói mấy. Những lời cổ vũ của bà cũng giống như những lời thuyết giáo của cha xứ mà người ta nghe nhưng chẳng hiểu. Nhưng hình ảnh một trại giam ở Đức, với những người đàn ông bị giam cầm sau những dây thép gai, lại khiến họ xdc động. Tất cả những người đàn bà đáo để và thô thiển này đều có một người mà họ yêu thương đang ở đó; họ làm việc vì người ấy; họ dành dụm vì người ấy; họ cất giấu tiền để đợi người ấy trở về, để người ấy nói: “Em làm mọi việc suôn sẻ lắm, vợ của anh”. Trong tâm trí ai cũng như gặp lại người vắng mặt, người duy nhất, người thân của mình; ai cũng hình dung theo cách của mình nơi mà người thân ấy bị bắt giữ; người thì nghĩ đến những cánh rừng thông, người thì nghĩ đến một căn phòng lạnh lẽo, lại có người nghĩ đén những bức tường thành của pháo đài, nhưng cuối cùng tát cả đều tưởng tượng ra những kilômét dây thép gai giam cầm những người đàn ông và ngăn cách họ với thế giới. Các phụ nữ tư sản và nông dân đều cảm thấy lệ dâng trào trong mát họ.

- Tôi sẽ mang đến góp một thứ gì đó, - một bà trong bọn họ nói.

- Tôi, - một bà khác thở dài, - tôi thì tôi cũng sẽ kiếm được một món.

- Tôi sẽ xem tôi có thể làm gì, - chưởng khế phu nhân hứa.

Bà De Montmort vội vã ghi danh sách các đồ đóng góp. Từng phụ nữ một đứng dậy khỏi chỗ, đi đến chỗ bà chủ tịch hội và thì thầm vào tai bà một điều gì đó, bởi vì giờ đây họ đã xúc động, mủi lòng, họ muốn tặng, không chỉ cho con trai và chồng, mà cho cả những người không quen biết, những người vốn là trẻ được nuôi cứu tế. Chỉ có điều, họ dè chừng bà hàng xóm; họ không muốn tỏ ra giàu hơn thực tế; họ sợ bị tố giác: từ nhà này sang nhà kia người ta cất giấu của cải; mẹ và con gái dò xét và tố giác lẫn nhau; các bà nội trợ đóng lại cửa bếp vào giờ ăn để mùi thơm tuyệt đối không làm lộ ra miếng mỡ lợn đang lách tách reo trên chảo, cũng không để lộ cả khoanh thịt cấm lẫn chiếc bánh ga tô làm bằng loại bột không được phép mua bán. Bà De Montmort ghi:

Bà Bracelet, chủ trang trại ở Roches, hai chiếc xúc xích sống loại to, một lọ mật ong, một lọ thịt hâm nhuyễn... Bà Joseph, ở điền trang Rouet, hai con gà Nhật luộc, bơ mặn, sô cô la, cà phê, đường...

- Tôi trông cậy vào các bà đấy nhé, có phải không, thưa các bà? - bà tử tước còn nói thêm.

Nhưng đám phụ nữ nông dân nhìn bà ta sửng sốt: họ không có thói nuốt lời hứa. Họ chào để ra vẻ; họ chìa cho bà tử tước bàn tay tấy đỏ, nứt nẻ vì giá lạnh mùa đông, vì phải chăm sóc bầy gia súc, vì phải giặt giũ, và mỗi lần như vậy bà tử tước lại phải hơi cố gắng để nắm lấy bàn tay ấy bởi sự tiếp xúc với nó khiến bà khó chịu về mặt thể chất. Nhưng bà chế ngự thứ tình cảm trái với lòng nhân từ Cơ Đốc giáo này, và với tinh thần chịu hành xác, bà tự ép mình ôm hôn những đứa trẻ đi theo mẹ chúng; tất cả bọn chúng đều béo và hồng hào, ăn uống căng phình và lem luốc như những con lợn con.

Cuối cùng, gian phòng trống rỗng. Cô giáo đã đưa các bé gái đi ra; các bà chủ trang trại đã ra về. Bà tử tước thỏ dài, không phải vì mệt mỏi, mà vì chán ngấy. Nhân loại thật xấu xa và thấp kém! Phải khó nhọc biết bao nhiêu mới làm lay động được một chút tình thương yêu trong những tâm hồn thảm hại này... “Khiếp!” bà tự nói thật to một mình, nhưng như cha giáo đạo của bà thường khuyên, bà đã hiến dâng cho Chúa những mệt nhọc và vất vả của buổi hôm nay.