Bản giao hưởng Pháp - Phần II - Chương 09 phần 1

9

Với một quyển sách và một món đồ khâu, Lucile Angellier ngồi dưới bóng mát của rặng cây anh đào. Đó là góc duy nhất trong vườn nơi người ta để cho cây cối mọc lên nhưng không quan tâm đến những sản phẩm vật chất mà chúng có thể mang lại, bởi những cây anh đào ấy chỉ cho ít quả. Nhưng hiện đang là mùa hoa. Trên nền trời xanh trong ngăn ngắt, thứ màu xanh vừa sang trọng vừa óng ánh của một số món đồ sứ quý vùng Sèvres, những cành cây như phủ tuyết đung đưa; cơn gió đang lay động cành cây vẫn còn là gió lạnh trong cái ngày tháng Năm này; những cánh hoa khẽ khàng chống đỡ, chúng chụm lại với vẻ yêu kiều yếu ớt, hướng xuống mặt đất lõi nhụy vàng của chúng. Mặt trời rọi qua một vài bông hoa ấy và làm lộ ra những đường vân tinh tế đan nhau, hiện rõ trên nền trắng của những cánh hoa, và thêm vào vẻ mong manh, phi vật chất của bông hoa nét gì đó sống động, gần như là thuộc về con người, với cái nghĩa là vừa yếu đuối vừa dẻo dai; người ta hiểu được vì sao gió có thể rung lắc những tạo vật xinh đẹp này nhưng không hủy hoại được chúng, thậm chí không làm chúng nhàu nát được; chúng mơ mộng đong đưa; chúng có vẻ như sắp rụng xuống, nhưng chúng lại bám rất chắc vào những cành cây mảnh mai, bóng loáng và cứng cáp, những cành cây mang vẻ gì đó như kim loại, cũng như chính thân cây, dong dỏng cao, trơn nhẵn, thẳng tuột với những ánh màu xám và đỏ tía. Giữa những chùm hoa trắng hiện ra những chiếc lá nhỏ dài; trong bóng mát chúng có màu xanh non, phủ những sợi lông tơ ánh bạc; dưới ánh nắng chúng dường như màu hồng. Khu vườn trải dọc theo một con phố hẹp, một ngõ hẻm thôn quê với những ngôi nhà nhỏ; bọn Đức đã đặt kho thuốc súng của chúng ở đây; một tên lính gác đi lại dọc ngang dưới tấm áp phích đỏ có những chữ lớn:

VERBOTEN

và cách xa ra, là những chữ nhỏ, bằng tiếng Pháp:

Cấm đến gần nơi này, nếu không sẽ bị tử hình.

Bọn lính đang chải lông cho ngựa, chúng huýt sáo, và lũ ngựa ăn chồi xanh của các cây non. Khắp nơi, trong các mảnh vườn ven phố, cánh đàn ông đang lao động với vẻ bình yên. Mặc sơ mi không khoác áo ngoài, với chiếc quần nhung, và với chiếc mũ rơm trên đầu, họ xới đất, bắt sâu, tưới cây, gieo hạt, trồng cây. Thỉnh thoảng một tên lính Đức đẩy cửa hàng rào của một trong những mảnh vườn nhỏ ấy và đi vào xin lửa châm tẩu thuốc, hay xin một quả trứng tươi, hoặc một cốc bia. Người làm vườn cho hắn thứ mà hắn muốn, rồi tựa vào chiếc mai của mình, anh ta tư lự nhìn hắn đi xa dần, và cuối cùng anh ta trở lại làm việc: với một cái nhún vai, chắc hẳn để trả lời cho cả một trời ý nghĩ, nhiều đến nỗi, sâu sắc đến nỗi, nghiêm trọng đến nỗi anh ta không tìm được lời để diễn tả.

Lucile thắt một nút ở tấm vải thêu rồi bỏ đấy. Những bông hoa anh đào trên đầu cô thu hút lũ ong vò vẽ và ong mật tới; có thể nhìn thấy chúng bay qua bay lại, lượn lờ, len vào đài hoa và say sưa hút, đầu chúi xuống còn thân run lên vì một niềm vui sướng đột khởi, trong khi đó một con ong gấu to vàng óng có vẻ như chế nhạo những kẻ lao động hoạt bát này, nó đung đưa theo làn gió như đung đưa trên võng, hầu như không xê dịch mấy và làm tràn ngập không gian điệu hát thanh bình và tươi đẹp của mình.

Từ chỗ mình, Lucile có thể nhìn thấy viên sĩ quan Đức sống tại nhà cô đang ở bên một ô cửa sổ; từ vài ngày nay hắn giữ con chó dạng sói của trung đoàn. Hắn ngồi trong phòng của Gaston Angellier, trên chiếc bàn làm việc kiểu Louis XIV; hắn gạt tàn thuốc từ chiếc tẩu của hắn vào một cái chén màu lam mà ngày trước: bà già Angellier thường rót chè thảo mộc cho con trai mình; hắn lơ đãng đập gót giày vào những hình trang trí bằng đồng vàng rực ở chân bàn; con chó đặt mõm lên đùi tên Đức; nó sủa và giằng sợi dây xích của nó. Thế là viên sĩ quan bèn nói với nó, bằng tiếng Pháp và nói khá to để Lucile nghe thấy (trong khu vườn yên tĩnh này, mọi âm thanh đều vương vất hồi lâu, như được bầu không khí tĩnh mịch nâng đỡ):

- Không, Bubi ạ, ông sẽ không đi dạo đâu. Ông sẽ ăn hết mất đám rau xà lách của các bà kia và họ sẽ không bằng lòng đâu; họ sẽ nói rằng chúng ta là những người lính thô lỗ và thiếu giáo dục. Phải ở lại đây thôi, Bubi ạ, và nhìn ngắm khu vườn đẹp đẽ.

“Cái gã này!” Lucile nghĩ. Cô không thể nhịn được cười. Viên sĩ quan lại nói tiếp:

- Thật đáng buồn, phải không Bubi? Chắc ông thích dùng mõm đào những hốc trong đất, tôi nghĩ vậy. Nếu có một em bé trong nhà thì chắc sẽ ổn đấy... Bé sẽ ra hiệu gọi chúng ta đến. Chúng ta luôn luôn hòa thuận với các em bé mà, nhưng ở đây chỉ có hai quý bà rất nghiêm túc, rất lặng lẽ và... tốt nhất là cứ ở lại chỗ chúng ta hiện giờ thôi, Bubi ạ!

Hắn đợi thêm một lát và, vì Lucile im lặng, hắn có vẻ thất vọng. Hắn nghiêng người thêm qua cửa sổ, trang trọng chào và trịnh trọng hỏi:

- Thưa bà, bà có thấy bất tiện gì không nếu cho phép tôi hái dâu trong những bồn cây của bà?

- Ông đang ở nhà ông mà, - Lucile nói với vẻ gay gắt mỉa mai.

Viên sĩ quan lại cúi chào lần nữa.

- Tôi chẳng dám xin bà điều đó cho tôi đâu, tôi cam đoan với bà như vậy, nhưng con chó này thích dâu lắm. Ngoài ra tôi muốn thông báo cho bà biết rằng đây là mội con chó Pháp. Nó được tìm thấy ở một làng bỏ trống tại vùng Normandie, trong chiến trận, và được các đồng đội của tôi đem về nuôi. Chắc bà sẽ chẳng từ chối cho một kẻ đồng bào những quả dâu của mình đâu nhỉ.

“Chúng ta là những kẻ ngu ngốc,” Lucile nghĩ. Cô chỉ nói:

- Ông và con chó của ông cứ xuống đây đi, và hái những gì mà ông muốn.

- Cám ơn bà, - viên sĩ quan thốt lên vui vẻ, và ngay lập tức hắn nhảy qua cửa sổ, con chó theo sau hắn.

Cả hai đến gần Lucile; gã người Đức mỉm cười.

- Tôi thật tọc mạch quá, thưa bà, xin bà đừng giận, nhưng khu vườn này, những cây anh đào này, những cái đó dường như là một góc thiên đường đối với một quân nhân tội nghiệp.

- Ông đã sống qua mùa đông ở Pháp à? Lucile hỏi.

- Vâng. Ở miền Bắc, giam mình trong trại lính và quán cà phê vì thời tiết xấu. Tôi ở nhà một phụ nữ trẻ tội nghiệp vừa mới kết hôn và chồng cô ấy bị bắt làm tù binh hai tuần sau đó. Khi cô ấy gặp tôi ở hành lang, cô ấy bật khóc, và tôi, tôi cảm thấy mình là một tên tội phạm. Thế nhưng đó có phải là lỗi của tôi đâu... và lẽ ra tôi có thể nói với cô ấy là tôi đây, tôi cũng đã kết hôn, và bị chia cách với vợ tôi vì chiến tranh.

- Ông đã kết hôn rồi à?

- Vâng. Điều đó làm bà ngạc nhiên sao? Bốn năm hôn nhân. Bốn năm làm lính.

- Ông trẻ quá!

- Tôi hai mươi tư tuổi, thưa bà.

Họ im lặng. Lucile lại tiếp tục thêu. Viên sĩ quan quỳ trên mặt đất, bắt đầu nhặt những quả dâu; hắn đặt dâu vào lòng bàn tay hắn, Bubi đến sục cái mõm đen và ẩm ướt vào để lấy dâu.

- Bà sống một mình ở đây với bà mẹ của bà á?

- Đó là mẹ chồng tôi; chồng tôi là tù binh. Ông có thể hỏi mượn một cái đĩa trong bếp để đựng dâu.

- A, tốt quá... Cám ơn bà.

Một lát sau hắn trở lại với một cái đĩa to màu xanh và tiếp tục hái dâu. Rồi hắn mời Lucile ăn dâu, cô lấy vài quả và bảo hắn ăn những quả khác. Hắn đứng trước mặt cô, dựa lưng vào một thân cây anh đào.

- Ngôi nhà của bà thật đẹp, thưa bà.

Bầu trời bị che phủ bởi màn hơi nước nhẹ, và dưới thứ ánh sáng dlu dịu ấy, ngôi nhà có màu đất đỏ, gần như hồng, gợi nhớ đến màu của một loại vỏ trứng; hồi bé, Lucile gọi những quả trứng đó là trứng nâu và cô thấy chúng có vẻ ngon hơn những quả trứng khác, hơn những quả trứng trắng bóc mà phần lớn gà mái đẻ ra. Kỷ niệm ấy khiến cô mỉm cười; cô nhìn ngôi nhà, với cái mái lợp đá phiến đen phơn phớt xanh, mười sáu ô cửa sổ với những cánh cửa thận trọng hé mở để ánh nắng mùa xuân khỏi rọi tới làm bạc màu nhứng bức trướng treo tường, với quả chuông to han gỉ không bao giờ cất tiếng ở phần trán tường, với mái hiên lợp kính in bóng bầu trời. Cô hỏi:

- Ông thấy nó đẹp à?

- Có thể nói đây là nơi ở của một nhân vật trong tiểu thuyết Balzac. Một viên chưởng khế tỉnh lẻ giàu có lui về làng sống chắc hẳn đã cho dựng lên ngôi nhà này. Tôi hình dung thấy ông ta, ban đêm, đếm những xâu tiền louis vàng trong căn phòng mà tôi hiện đang ở. Ông ta là người không tín ngưỡng, nhưng vợ ông ta thì sáng sáng đi dự buổi lễ nhà thờ đầu ngày, buổi lễ mà tôi nghe tháy tiếng chuông khi tôi trở về sau buổi tập trận đêm. Bà vợ chắc phải hồng hào, tóc vàng và khoác một tấm khăn san to bằng vải cachemire.

- Tôi sẽ hỏi mẹ chồng tôi xem ai đã cho xây ngôi nhà này, - Lucile nói. - Bố mẹ chồng tôi là điền chủ, nhưng chắc chắn là hồi thế kỷ XIX đã có các chưởng khế, các biện lý, các bác sĩ và trước đó là các nông dân. Tôi biết rằng ở chỗ này, một trăm năm mươi năm trước, họ đã lập trang trại.

- Bà sẽ hỏi à? Bà không biết sao? Điều đó không khiến bà lưu tâm sao, thưa bà?

- Tôi không biết, - Lucile nói, - nhưng ngôi nhà nơi tôi sinh ra thì tôi có thể nói với ông là nó được xây vào lúc nào và do ai. Chỗ này không phải là nơi tôi sinh ra. Tôi chỉ sống thôi.

- Bà sinh ra ở đâu?

- Cách đây không xa lắm, nhưng ở một tỉnh khác. Một ngôi nhà trong rừng... nơi cây cối mọc gần phòng khách đến nỗi vào mùa hè bóng mát màu xanh của chúng tràn ngập khắp nơi như trong một cái bể cá.

- Chỗ tôi cũng có rừng, - viên sĩ quan nói. - Những khu rừng rộng, rất rộng. Người ta đi săn cả ngày. Một cái bể cá, bà nói đúng đấy, - hắn nói thêm sau khi suy nghĩ. - Tất cả các cửa kính của phòng khách đều có màu xanh lá cây sẫm, và mờ ảo như nước. Có cả những cái đầm nơi chứng tôi đến săn vịt trời nữa.

- Sắp tới ông có được về nhà nghỉ phép không? - Lucile hỏi.

Một tia vui sướng làm bừng sáng gương mặt viên sĩ quan.

- Thưa bà, mười ngày nữa tôi sẽ đi đấy, thứ Hai ngày mùng tám. Từ lúc bắt đầu chiến tranh đến giờ tôi mới chỉ được có một đợt nghỉ phép ngắn ngủi vào dịp Noel thôi, chưa đầy một tuần. A, thưa bà, những kỳ nghỉ phép này được mong đợi đến chừng nào! Người ta đếm từng ngày. Người ta hy vọng biết bao! Và người ta về đến nơi, và người ta nhận thấy rằng họ không còn nói chung một thứ tiếng nứa.

- Đôi khi như vậy đấy. - Lucile nói khẽ.

- Bao giờ cũng thế.

- Các cụ thân sinh ra ông vẫn còn chứ?

- Vâng. Mẹ tôi hẳn là lúc này đang ngồi trong vườn như bà, với một quyển sách và một món đồ khâu.

- Thế còn vợ ông?

- Vợ tôi đang chờ đợi tôi, - hắn nóđi, - hay đúng hơn là cô ấy đang chờ đợi một người đã ra đi lần đầu tiên cách đây bốn năm và sẽ không bao giờ trở về... hoàn toàn giống như trước nữa. Sư vắng mặt là một hiện tượng thật kỳ lạ!

- Vâng. - Lucile thở dài.

Và cô nghĩ tới Gaston Angellier. Có những phụ nữ chờ đợi một người đàn ông không thay đổi, và có những phụ nữ chờ đợi một người đàn ông khác với người đã ra đi, cô tự nhủ, và cả hai đều thát vọng. Cô cố hình dung ra chồng cô, đã xa cách cô từ một năm nay, như một người mà có lẽ anh đã trở thành, một người đau khổ, mòn mỏi vì nhớ tiếc (nhưng anh nhớ tiếc vợ anh hay là ả bán mũ ở Dijon?). Cô thật bất công; chắc anh cảm thấy đau đớn lắm trước nỗi nhục bại trận, trước sự mất mát biết bao điều quý giá... Bỗng nhiên cô cảm thấy khó chịu khi nhìn gã người Đức (không! không phải là bản thân gã người Đức, mà là bộ quân phục của hắn, cái màu xanh hạnh nhân đặc biệt ngả màu ghi, cái áo nẹp của hắn, ánh lấp loáng của đôi giày cao cổ). Cô viện cớ phải làm một việc trong nhà và đi vào. Từ phòng mình, cô nhìn thấy hắn đi đi lại lại trên lối đi hẹp giữa những cây lê to đang vươn ra những cành đầy hoa. Thật là một ngày êm dịu... ánh sáng dần dần yếu đi và những cành anh đào trở nên xanh nhạt và nhẹ nhàng như những nùi bông đầy bột phấn. Con chó ngoan ngoãn bước cạnh viên sĩ quan và, thỉnh thoảng, nó đặt mõm lên bàn tay gã trai trẻ; hắn dịu dàng vuốt ve nó nhiều lần. Hấn để đầu trần: mái tóc vàng ánh kim của hắn rực lên dưới ánh nắng. Lucile thấy hắn đang ngắm ngôi nhà.

“Hắn thông minh và có giáo dục,” cô nghĩ. “Nhưng mình mừng là hắn sắp ra đi; bà mẹ chồng tội nghiệp của mình đau khổ khi thấy hắn ở trong phòng của con trai bà. Những người yêu tha thiết thì đơn giản,” cô tự nhủ thêm; cô căm ghét hắn, và thế thôi. “Sung sướng thay những người có thể yêu và ghét mà không giả tạo, không quanh co, không mập mờ. Tạm thời, thế là mình lại phải giam chân trong phòng vào cái ngày đẹp trời này bởi vì ông lớn kia thích đi dạo. Thật là ngớ ngẩn.”

Cô đóng cửa sổ lại và gieo mình xuống giường, tiếp tục đọc cuốn sách đang dở dang. Cô kiên trì đọc cho tới giờ ăn tối, nhưng cô lơ mơ ngủ trên cuốn sách, mệt mỏi vì nóng nực và ánh nắng chói chang. Khi vào phòng ăn, cô thấy bà mẹ chồng đã ngồi ở chỗ thường lệ của bà, đối diện với cái ghế bỏ trống mà ngày trước Gaston ngồi. Mặt bà nhợt nhạt, đanh lại, mắt ngấn lệ, đến nỗi Lucile phải hoảng hốt hỏi:

- Có chuyện gì thế ạ?

- Tôi tự hỏi... - bà Angellier trả lời, siết chặt hai tay vào nhau một cách dữ dội đến nỗi Lucile thấy các móng tay trắng nhợt ra. - Tỏi tự hỏi tại sao cô lại lấy Gaston?

Ở một con người không có gì bất biến hơn là cách người ta biểu lộ nỗi tức giận; cách của bà Angellier thông thường mập mờ và tinh vi như tiếng rít của loài rắn viper; Lucile chưa bao giờ phải chịu đựng một sự công kích dữ dội và thô bạo đến thế; cô cảm thấy khổ tâm hơn là phẫn nộ; đột nhiên cô hiểu rằng mẹ chồng cô đã đau khổ đến chừng nào. Cô nhớ tới con mèo cái màu đen, lúc nào cũng rầu lĩ, giả dối và mơn trớn, vừa giáng những cú cào thâm hiểm vừa kêu gừ gừ. Chỉ có một lần duy nhát nó nhảy vào mắt bà đầu bếp; nó suýt làm bà ta mù mắt, đó là ngày mà người ta dìm chết lứa mèo con của nó, sau đó nó biến mất.

- Con đã làm gì vậy nhỉ? - Lucile khẽ hỏi.

- Làm sao cô lại có thể, ở ngay đây, trong nhà của nó, dưới những cửa sổ của nó, trong lúc nó vắng mặt, bị bắt làm tù binh, có thể ốm đau, bị bọn súc sinh ấy hành hạ, làm sao cô lại có thể cười với một tên Đức, nói chuyện thân thiện với một tên Đức? Thật không tưởng tượng được!

- Hắn xin phép con cho ra vườn hái dâu. Con không thể từ chối được. Mẹ quên rằng giờ đây hắn là ông chủ sao, khổ thế đấy... Hắn vẫn giữ những phản xạ của một nền giáo dục tốt, nhưng hắn có thể lấy cái gì mà hắn thích, đi vào chỗ nào mà hắn muốn và thậm chí đuổi chúng ta ra ngoài nữa. Hắn thực hiện quyền xâm chiếm của hắn một cách tế nhị. Con không thể oán giận hắn về điều đó được. Con thấy hắn có lý. Chỗ này không phải là chiến trường. Ta có thể giữ trong đáy lòng mình tất cả những tình cảm mà ta muốn, nhưng tại sao lại không lịch sự và khoan dung, ít ra là bề ngoài? Có một cái gì đó phi nhân tính trong hoàn cảnh này. Tại sao cứ phóng đại điều đó lên? Như thế không... như thế không phải lẽ, mẹ ạ - Lucile thốt lên một cách gay gắt khiến chính cô cũng bị bất ngờ.

- Phải lẽ! - bà Angellier kêu lên. - Nhưng con gái tội nghiệp ạ, chỉ cần một từ này đã đủ chứng tỏ là cô không yêu chồng, cô chưa từng bao giờ yêu chồng cả và cô không thương tiếc gì nó! Cô nghĩ là tôi đây, tôi cãi lý à? Tôi không thể nhìn hắn được, cái tên sĩ quan ấy! Tôi muốn móc mắt hắn ra! Tôi muốn thấy hắn chết! Điều đó chẳng chính đáng, chẳng nhân đạo, chẳng ngoan đạo, nhưng tôi là một người mẹ, tôi đau khổ vì vắng con trai tôi, tôi căm ghét những kẻ đã lấy mất con của tôi, và nếu cô là một người vợ chân chính, cô đã không thể chịu đựng nổi sự có mặt của tên Đức này bên cạnh cô. Cô đã không sợ phải tỏ ra thô lỗ, thiếu giáo dục, lố bịch. Cô đã đứng dậy và, xin lỗi hoặc chẳng cần xin lỗi, cô rời khỏi hắn ta. Trời ơi! Cái bộ quân phục ấy, đôi bốt ấy, mái tóc vàng ấy, cái giọng nói ấy, cái vẻ khỏe khoắn, hạnh phúc ấy, trong khi con trai khốn khổ của tôi...