Bản giao hưởng Pháp - Phần II - Chương 09 phần 2

Bà ngừng lời và bật khóc.

- Kìa, mẹ ơi...

Nhưng cơn giận của bà Angellier tăng gấp đôi.

- Tôi tự hỏi tại sao cô lại cưới nó! - bà lại kêu lên. - Vì tiền, vì đất đai thì chắc rồi, nhưng mà...

- Không phải như vậy! Mẹ biết rõ rằng không phải như vậy! Con lấy chồng vì khi ấy con là một con bé ngây thơ, vì bố con bảo con: “Đó là một chàng trai tốt. Cậu ấy sẽ làm cho con hạnh phúc.” Con đã không tưởng tượng được rằng mình sẽ bị bội tình ngay sau lễ cưới vì một ả bán mũ ở Dijon!

- Nhưng đó là chuyện gì thế?... Chuyện này là cái chuyện gì thế?

- Đó là câu chuyện về cuộc hôn nhân của con, - Lucile cay đắng nói.

- Vào lúc này đây ở Dijon có một người đàn bà đang đan áo len cho Gaston, làm cho anh ấy những món đồ ngọt, gửi cho anh ấy những gói hàng và hẳn là viết cho anh ấy: “Em buồn lắm khi chỉ có một mình, trong chiếc giường to của chúng ta đêm nay, sói tội nghiệp của em ơi.”

- Một người đàn bà yêu nó, - bà Angellier thì thầm, và cặp môi bà chuyển sang màu hoa tú cầu héo, trở nên mảnh và sắc như một sợi chỉ.

“Lúc này chắc bà ấy sẵn sàng đuổi mình đi để đặt ả bán mũ vào chỗ của mình,” Lucile tự nhủ, và với sự nham hiểm không bao giờ rời bỏ ngay cả những người phụ nữ tốt nhất, cô nói bóng gió:

- Đúng là đối với anh ấy thì cô ta giá trị... giá trị lắm... Mẹ chỉ việc nhìn những cuống phiếu trong quyển séc của anh ấy thì thấy. Con tìm thấy quyển séc đó trong phòng làm việc của anh ấy sau khi anh ấy ra đi.

- Nó phải tốn tiền cho cô ta ư? - bà Angellier khiếp sợ thốt lên.

- Vâng, con chẳng quan tâm đến chuyện đó.

Một khoảng im lặng kéo dài. Vang lên những âm thanh quen thuộc của buổi tối: tiếng đài của nhà hàng xóm phát ra từng tiếng tách bạch một chuỗi các nốt nhạc đơn điệu, rên rỉ và chói tai như nhạc Ả-rập hay như tiếng ve kêu: đó là đài BBC của London bị các làn sóng địch làm nhiễu, đâu đó, trong đêm, tiếng thì thầm huyền bí từ một con suối mất hút giữa vùng quê, tiếng “tio” nài nỉ, khát khao của con cóc gọi mưa. Trong phòng, chùm đèn treo cổ bằng đồng, được nhiều thế hệ chà xát và đánh bòng đến mức đã mất đi ánh vàng rực hồng của nó và chuyển sang màu vàng nhợt nhạt của trăng thượng huyền, rọi sáng chiếc bàn và hai người phụ nữ. Lucile cảm thấy buồn và hối hận.

“Sao mình lại nổi nóng vô cớ thế?” cô nghĩ. “Lẽ ra mình cứ nghe bà ấy mắng mỏ và im lặng. Bây giờ bà ấy sẽ còn day dứt hơn. Bà ấy sẽ muốn biện bạch cho con trai bà, hòa giải mình với anh ấy… Trời ơi, phiền quá!”

Bữa ăn kết thúc mà bà Angellier không hé miệng. Sau bữa ăn tối, họ vào phòng khách, tại đó bà đầu bếp thông báo có bà tử tước De Montmort đến thăm. Bà lớn này, đương nhiên, không giao thiệp với giới tư sản trong làng; bà ta mời họ đến nhà mình không nhiều hơn là mời các tá điền của bà, nhưng khi cần nhờ vả một việc, bà ta đến tận nhà họ để yêu cầu một cách đơn giản, chất phác, với một sự ngạo mạn ngây thơ chứng tỏ bà ta thực sự có nguồn gốc “con nhà”. Bà ta đến với tư cách hàng xóm, ăn mặc như chị hầu phòng, đội một cái mũ nhỏ bằng dạ đỏ cắm lông gà lôi đã xuống mã vì thời gian; giới tư sản không nghĩ rằng bằng việc chẳng cần làm dáng ấy, bà ta biểu lộ sự khinh thường sâu sắc của mình đối với họ còn rõ hơn nếu làm ra vẻ kiêu lỳ hoặc có những kiểu cách trịnh trọng: để gặp họ, chẳng cần thiết phải trang điểm hơn lúc đi ngang qua một trang trại ghé vào xin cốc sữa. Bối rối, giới tư sản tự nhủ: “Bà ta không kiêu ngạo”, thế nhưng điều đó không ngăn cản họ đón tiếp bà ta bằng thái độ kiêu căng lạ thường, một thái độ cũng vô ý thức như cái được coi là đơn giản của bà tử tước.

Bà De Montmort sải những bước dài đi vào phòng khách của gia đình Angellier; bà chào hỏi họ một cách thân mật; bà không xin lỗi vì đã đến vào giờ khuya thế này; bà cầm cuốn sách của Lucile và đọc to tên sách: Nhận thức phương Đông, của Claudel.

- Thế là tốt lắm, - bà ta nói với cô kèm một nụ cười khuyến khích, cứ như là bà ta khen ngợi một cô bé ở trường tư thục vì không bị bắt buộc mà vẫn đọc Lịch sử Pháp. - Chị thích đọc những sách nghiêm túc thế là rất tốt.

Bà ta cúi xuống để nhặt cuộn len mà bà già Angellier vừa đánh rơi xuống đất.

Các vị thấy đấy, bà tử tước dường như nói, tôi đã được dạy dỗ là phải kính trọng người già; nguồn gốc của họ, sự giáo dục mà họ được hưởng, tài sản của họ không quan trọng đối với tôi; tôi chỉ thấy những sợi tóc bạc của họ thôi.

Tuy nhiên, với một cái nghiêng đầu lạnh lùng, môi gần như chẳng hé ra, bà Angellier chỉ một chiếc ghế cho bà tử tước, và toàn bộ con người bà như thầm kêu lên: “Nếu bà tưởng rằng tôi sẽ tỏ ra hãnh diện vì được bà tới thăm thì bà nhầm rồi. Có thể cụ kỵ tổ tiên nhà tôi từng làm trang trại trên đất của các tử tước De Montmort, nhưng đó là chuyện xưa lắm rồi và không ai biết điều đó cả, trong khi tất cả mọi người đều biết số mẫu đất mà ông bố chồng quá cố của bà, do cần tiền, đã nhượng nóng cho chồng tôi; ngoài ra, chồng bà đã dàn xếp để rời bỏ chiến trường trở về, trong khi con trai tôi là tù binh. Bà cần phải kính trọng người mẹ đau khổ trong tôi.” Trước những câu hỏi của bà tử tước, bà đáp bằng một giọng yếu ớt rằng sức khỏe của bà tốt, rằng mới đây bà đã nhận được tin của con trai mình.

- Bà không hy vọng sao? - bà tử tước hồi thăm, ngụ ý nói “hy vọng được thấy con trai bà sớm trở về”.

Bà Angellier lắc đầu và ngước mắt lên trời.

- Thật là buồn! - bà tử tước nói. - Chúng ta đã phải chịu nhiều đau đớn - bà ta nói thêm.

Bà ta nói “chúng ta” là do thứ tình cảm tế nhị vốn khiến ta, khi đối diện với một người bất hạnh, làm ra vẻ cũng có những nỗi đau như người đó (nhưng tính ích kỷ đã làm méo mó những ý định tốt đẹp nhất của ta một cách ngây ngô đến nỗi ta hồn nhiên nói với một người bệnh lao giai đoạn cuối rằng: “Tôi ái ngại cho bạn, tôi biết điều đó khổ thế nào, tôi mắc bệnh cảm mà đã ba tuần rồi vẫn chưa thể khỏi được”).

- Rất đau đớn, thưa bà, - bà Angellier khẽ nói với vẻ lạnh lùng và sầu muộn. - Chúng tôi có người đến ở cùng, như bà biết đấy - bà vừa nói thêm vừa chỉ vào căn phòng bên cạnh và mỉm cười cay đắng. - Một trong những ông lớn ấy... Nhà bà chắc cũng có người đến ở? - bà nói, dù qua những tin đồn trong dân chúng bà biết rằng, nhờ những mối quan hệ cá nhân của ông tử tước, lâu đài vắng bóng quân Đức.

Bà tử tước không trả lời câu hỏi này, nhưng nói bằng giọng phẫn nộ:

- Bà không bao giờ đoán được bọn chúng đã cả gan đòi cái gì đâu! Đòi ra hồ, để câu và bơi. Tôi là người thích hưởng những khoảng thời gian dễ chịu nhất của mình trên mặt nước, tôi có thể phải từ bỏ điều đó suốt cả mùa hè.

- Bọn chúng cấm bà đi ra đó à? Cũng hơi quá đáng nhí, - bà Angellier thốt lên, cảm thấy đôi chút an ủi trước sự sỉ nhục mà bà tử tước phải chịu đựng.

- Không, không, - bà này khẳng định, - trái lại, họ tỏ ra hoàn toàn phải phép: “Bà cho chúng tôi biết vào giờ nào thì chúng tôi có thể ra đó mà không làm phiền bà,” họ nói với tôi như thế. Nhưng, bà xem tôi mà lại đi mặt đối mặt với một trong những ông lớn mặc đồ mùa hè ấy à? Bà biết là đến cả lúc ăn uống họ cũng ở trần chứ? Họ chiếm trường tư thục và ăn uống trong sân trường, thân trên và đùi để trần, đeo một thứ như cái khố ấy! Ỏ lớp nữ sinh lớn, người ta đành phải đóng hết các cửa sổ nhìn ra đúng cái sân ấy lại, để lũ trẻ con khỏi nhìn thấy... cái mà chúng không nên nhìn. Trời nóng như thế này, bà thử nghĩ xem như vậy có dễ chịu không chứ!

Bà ta thở dài: hoàn cảnh của bà rất tế nhị. Hồi đầu chiến tranh, bà tỏ ra nồng nàn yêu nước và chống Đức, không phải vì bà ghét người Đức hơn những người ngoại quốc khác (bà gộp tất cả bọn họ vào trong cùng một thứ tình cảm ghê tởm, ngờ vực và khinh miệt), nhưng trong lòng yêu nước và sự bài Đức, cũng như trong sự bài Do Thái và trong sự sùng kính đối với thống chế Pétain sau này, có một cái gì đó cường điệu khiến bà rung động. Năm 39, trước một cử tọa gồm các xơ ở bệnh viện, các bà ở thị trấn và các bà chủ trang trại giàu cò, bà đã thực hiện một loạt bài nói chuyện đại chúng về chủ đề tâm lý học theo học thuyết Hitler, trong đó bà mô tả tất cả người Đức, không ngoại lệ, bằng đường nét của những kẻ điên khùng, bạo dâm và tội phạm. Ngay sau cuộc tháo chạy, bà đã kiên trì giữ thái độ ấy, vì phải có một đầu óc mềm dẻo và linh hoạt, điều mà bà vẫn thiếu, thì mới có thể trở mặt nhanh đến thế được. Hồi đó, đích thân bà đã đánh máy và phân phát trong làng hàng chục bản những lời tiên đoán nổi tiếng của nữ thánh Odile, vị thánh đã báo trước việc người Đức bị hủy diệt vào cuối năm 1941. Nhưng thời gian đã trôi qua; năm ấy đã kết thúc; người Đức vẫn còn đó, và thêm nữa, ông tử tước, do được cử làm xã trưởng, đã trở thành quan chức và buộc phải tuân theo quan điểm của chính phủ: mà chính phủ thì mỗi ngày một nghiêng hơn về cái chính sách được gọi là hợp tác. Thành thử, hàng ngày bà De Montmort thấy mình buộc phải ôn hòa khi nói về các sự kiện. Lần này cũng thế, bà nhớ ra rằng bà không nên biểu lộ những tình cảm xấu đói với người thắng trận và bà bèn nói với vẻ khoan dung (vả lại, phải chăng Chúa Jésus không dạy là phải yêu kẻ thù?):

- Kể ra thì tôi cũng hiểu việc họ mặc đồ nhẹ sau những cuộc tập trận mệt nhọc. Dù sao đi nữa, đó cũng là những con người như những người khác thôi.

Nhưng bà Angellier không chịu theo bước bà tử tước trong chuyện này.

- Đó là những kẻ xấu xa, bọn chúng căm ghét chúng ta. Chúng đã nói là chúng sẽ chỉ sung sướng khi nhìn thấy dân Pháp phải ăn cỏ.

- Thật là ghê tởm, - bà tử tước nói, phẫn nộ một cách chân thành.

Và bởi vì dù sao chính sách cộng tác cũng chỉ mới tồn tại được có vài tháng, trong khi tinh thần bài Đức thì đã lâu đời đến gần một thế kỷ, nên theo bản năng bà tử tước lại nói bằng thứ ngôn từ ngày trước.

- Đất nước tội nghiệp của chúng ta... bị bóc lột, bị áp bức, đã mất rồi... Và có biết bao nhiêu thảm kịch! Hãy nhìn gia đình ông thợ rèn: ba con trai, một người bị giết, một người khác bị bắt làm tù binh, người thứ ba mất tích ở Mers-el-Kébir... Ở gia đình Bérard de la Montagne, - bà nói, ghép tên lãnh địa nơi các chủ trang trại sống vào sau tên của họ theo mốt trong vùng - kể từ khi anh chồng bị bắt làm tù binh, chị vợ tội nghiệp đã phát điên lên vì mệt mỏi và đau buồn. Chỉ còn lại ông nội và một đứa con gái nhỏ mười ba tuổi để làm ruộng thôi. Ở gia đình Clément, bà mẹ chết trong khi làm việc; bốn đứa con nhỏ được hàng xóm nhận về nuôi. Những thảm kịch nhiều không kể xiết... Nước Pháp tội nghiệp!

Đôi môi nhợt nhạt mím chặt, bà Angellier ngồi đan và bày tỏ ý kiến bằng cách gật gù. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc bà tử tước và bà đã ngừng nói về những tai họa của người khác để chuyện trò về những điều phiền toái của chính họ; họ nói bằng giọng sôi nổi và say sưa, khác hẳn với cách nói chậm rãi, khoa trương, trịnh trọng mà họ dùng để nhắc đến những nỗi bất hạnh của hàng xóm láng giềng. Giống như một đứa học trò đọc với vẻ trịnh trọng, kính cẩn và buồn chán đoạn văn nói về cái chết của Hippolyte, một sự kiện chẳng liên quan gì đến nó cả, nhưng như có phép màu, giọng nó trở nên có sức thuyết phục và nồng nhiệt khi nó ngừng lại để mách thầy giáo là các bạn đã xoáy mất bi của nó.

- Thật đáng xấu hổ, xấu hổ, - bà Angellier nói, - tôi mua nửa cân bơ mất hai mươi bảy franc. Mọi thứ tuồn ra chợ đen hết. Các thành phố cũng phải sống, đồng ý, nhưng...

- Ôi, thôi đừng nói chuyện đó nữa, tôi tự hỏi không biết người ta bán thực phẩm ở Paris với giá thế nào... Đối với những người có tiền thì tốt lắm, nhưng dù sao cũng có những người nghèo nữa chứ, - bà tử tước nhận xét một cách đức độ, và bà thưởng thức thú vui được làm người tốt bụng, được chứng tỏ rằng bà không quên những người nghèo khổ, một niềm vui càng thêm đậm đà do cảm nghĩ rằng bà sẽ không bao giờ phải ở trong cảnh bị thương hại, nhờ tài sản lớn của bà.

- Chúng ta nghĩ đến người nghèo chưa đủ, - bà nói.

Nhưng tất cả những cái đó chỉ là những lời đưa đẩy kiểu cách; đã đến lúc phải đề cập đến mục đích chuyến viếng thăm của mình: bà muốn kiếm lúa mì cho lũ gia cầm của bà. Bà có một trại gia cầm nổi tiếng trong vùng; năm 1941, toàn bộ lúa mì bị trưng thu; về nguyên tắc, có lệnh cấm không được cho gà ăn lúa mì, nhưng cấm không có nghĩa là “không thể trái lệnh”, mà chỉ có nghĩa là “khó thực hiện”; vấn đề là phải khôn khéo, may mắn, và có tiền. Bà tử tước đã viết một bài báo nhỏ được nhận đăng ở tờ báo địa phương, một tờ báo truyền thông mà cha xứ có tham gia cộng tác. Bài báo nhan đề là: “Tất cả vì Thống chế!” nó bắt đầu như sau: “Chúng ta hãy tự nhủ mình điều đó! Chúng ta hãy nhắc lại điều đó dưới những mái nhà tranh vk trong những lúc trò chuyện sau bữa ăn tối, quanh ngọn lửa vẫn âm ỉ cháy dưới đống tro tàn: một người Pháp xứng đáng với tên gọi này sẽ không cho đàn gà của mình một hạt lúa mì nào nữa, không cho con lợn của mình một củ khoai tây nào nữa; người ấy sẽ tiết kiệm yến mạch và hắc mạch, đại mạch và cải dầu, nhưng sau khi góp nhặt tất cả những thứ của cải quý giá ấy, thành quả lao động của mình và thấm đẫm mồ hôi mình, người ấy sẽ bỏ nó lại thành một bó thắt một dải ruy băng màu có tam tài, tượng trưng cho lòng yêu nước của mình, và đem nó đặt dưới chân bậc Trưởng Lão Đáng Kính, người đã đem lại cho chúng ta hy vọng!” Nhưng khi nói đến tất cả những trại gia cầm mà trong đó, theo bà tử tước, không được có một hạt lúa mì nào nữa, dĩ nhiên bà loại trừ trại của bà ra: đó là niềm kiêu hãnh của bà và là đối tượng được bà dành cho những sự chăm sóc trìu mến nhất; ở đó có những con giống hiếm, đã từng được giải thưởng trong những cuộc thi nông nghiệp lớn, ở Pháp và ở nước ngoài; bà tử tước sở hữu những lãnh địa đẹp nhất vùng, nhưng bà không dám đến gặp các nông dân để làm một vụ giao dịch tế nhị như vậy: không nên để giai cấp vô sản có lợi thế đối với mình; họ sẽ bắt mình trả giá đắt đối với tất cả những sự thông đồng loại này, trong khi với bà Angellier thì lại là chuyện khác. Họ bao giờ cũng có thể dàn xếp với nhau được. Bà Angellier thở dài thườn thượt và nói:

- Có lẽ tôi có thể... một hoặc hai bao... về phía bà, thưa bà, qua ông xã trưởng, liệu bà có thể ra lệnh cấp cho chúng tôi một ít than được không? Về nguyên tắc, chúng tôi không được quyền có cái đó, nhưng...

Lucile để hai bà ngồi lại và đến gần cửa số. Cánh cửa còn chưa đóng. Phòng khách nhìn ra quáng trường. Có một chiếc ghế băng đối diện với đài tưởng niệm những người chết, trong bóng tối. Tất cả dường như đang ngủ. Đó là một đêm mùa xuân tuyệt diệu, đầy những ngôi sao bạc. Có thể thấy những mái nhà hàng xóm tỏa sáng yếu ớt trong đêm: xưởng rèn, nơi một ông lão đang khóc ba người con trai đã mất của mình, quán hàng nhỏ của anh thợ chữa giày bị giết chết trong chiến tranh và người vợ tội nghiệp cùng một thằng bé mười sáu tuổi phải làm việc hết sức mình để thay thế. Nếu lắng tai nghe, có lẽ từ mỗi một ngôi nhà tháp, tối tăm và lặng lẽ kia đều phát ra một tiếng rên rỉ, Lucile nghĩ. Nhưng... cô đang nghe thấy gì đây? Từ trong đêm đen vang lên một tiếng cười, tiếng váy sột soạt. Rồi một giọng đàn ông, một giọng ngoại quốc hỏi:

- Như thế này tiếng Pháp là gì? Hôn? Đúng không? Ồ, tốt thật...

Xa hơn, có những bóng người lượn lờ; có thể thấy lờ mờ màu trắng của một chiếc áo cánh nữ, một chiếc nơ cài trên mái tóc xõa, ánh lấp lánh của một chiếc bốt và một chiếc đai lưng quân dụng. Tên lính gác vẫn đi đi lại lại trước “khu vực” cấm đến gần nếu không sẽ bị tử hình, nhưng các đồng đội của hắn thì hưởng thụ những trò giải trí của chúng và đêm đẹp trời. Hai tên lính, giữa một nhóm các cô gái trẻ, hát:

Trinkmal noch ein Tröpfchen!

Ach! Suzanna...

và các cô gái thì thầm hát theo.

Vào một lúc mà bà Angellier và bà tử tước im lặng, họ nghe thấy những nốt cuối cùng của bài hát.

- Ai có thể hát vào giờ này nhỉ?

- Đó là những phụ nữ đi với đám lính Đúc.

- Thật là ghê rợn! - bà tử tước thốt lên.

Bà làm một cử chỉ khiếp sợ và kinh tởm.

- Tôi thật muốn biết cái đám phụ nữ trơ trẽn này là những ả nào? Tôi sẽ báo cho Cha xứ biết.

Bà nghiêng người và nhìn hau háu vào đêm tối.

- Không nhìn thấy các ả đó được. Các ả đó không dám làm như vậy giữa ban ngày đâu... A, các bà ạ, điều này còn tồi tệ hơn mọi thứ! Thế là giờ đây họ lại đang làm hư hỏng phụ nữ Pháp! Thử nghĩ mà xem, anh trai các ả, chồng các ả bị bắt làm tù binh và các ả thì ăn chơi phóng đãng với bọn Đức! Nhưng một số phụ nữ có cái gì trong người cơ chứ? - bà tử tước thốt lên với vẻ phẫn nộ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: lòng yêu nước bị xúc phạm, tinh thần tuân thủ thuần phong mỹ tục, sự hoài nghi về hiệu quả của vai trò xã hội của bà (tối thứ Bảy nào bà cũng đi nói chuyện về “thiếu nữ công giáo chân chính”; bà đã lập một thư viện nông thôn và, đôi khi, bà mời giới trẻ trong vùng đến nhà bà xem những bộ phim bổ ích và nêu gương đạo đức, như Một ngày ở tu viện Solesmes hayTừ sâu đến bướm. Và tất cả những cái đó để làm gì? Để đưa ra thế giới một hình ảnh tệ hại, đáng khinh về người phụ nữ Pháp ư?), cuối cùng là cái khí chất hừng hực đã bị một số hình ảnh khuấy động lên mà bà lại chẳng thể hy vọng làm dịu đi được phần nào khi trông chờ vào ông tử tước, vốn là người không có mấy ham muốn đối với phụ nữ nói chung và đặc biệt là đối với vợ ông.

- Thật là điếm nhục! - bà thốt lên.

- Thật là buồn, - Lucile nói và nghĩ tới tất cả những cô gái có tuổi trẻ trôi qua hoài phí ấy: những người đàn ông vắng mặt, bị bắt làm tù binh hoặc đã chết. Kẻ thù chiếm chỗ. Thật là tệ hại, nhưng mai sau sẽ chẳng có ai biết được điều này. Đó sẽ là một trong những điều mà hậu thế không biết đến, hoặc họ sẽ lảng tránh vì tế nhị.

Bà Angellier rung chuông. Bà đầu bếp đi tới đóng lại các cửa ngoài và cửa kính và tất cả lại chìm vào đêm đen: những bài hát, tiếng động của những nụ hôn, ánh sao êm dịu, bước chân của kẻ xâm lăng trên mặt đường và tiếng thở dài của con cóc khát nước xin trời tuôn mưa mà chẳng được.