Bản giao hưởng Pháp - Phần II - Chương 10-11

10

Gã người Đức gặp Lucile một hoặc hai lần trong tiền sảnh tranh tối tranh sáng; khi lấy chiếc mũ làm vườn mắc ở một chiếc sừng hươu, cô làm phát ra tiếng kêu leng keng từ chiếc đĩa đồng trang trí tường, ngay phía dưới chỗ mắc quần áo. Gã người Đức dường như đang rình đợi tiếng động nhẹ này trong cảnh tĩnh mịch của ngôi nhà; hắn mở cửa và đi ra giúp Lucile; hắn mang giỏ của cô, chiếc kéo xén cây của cô, cuốn sách của cô, đồ khâu của cô, chiếc ghế dài của cô ra đến tận vườn, nhưng cô không nói chuyện với hắn nữa; cô chỉ cám ơn hắn bằng một cái gật đầu ra hiệu và với một nụ cười gò bó; cô tưởng như cảm thấy trên người mình ánh mắt của bà Angellier đang rình sau một cánh cửa chớp. Gã người Đức đã hiểu; hắn thôi không xuất hiện nữa; hầu như đêm nào hắn cũng đi tập trận với trung đoàn của hắn; hắn chỉ trở về vào lúc bốn giờ chiều và giam mình trong phòng hắn cùng với con chó. Buổi tối, khi đi trong làng, thỉnh thoảng Lucile nhìn thấy hắn trong một quán cà phê, một mình, một cuốn sách trong tay, một cốc bia đặt trước mặt, trên bàn. Hắn tránh chào cô và nhíu mày quay đi. Cô đếm từng ngày: “Thứ Hai hắn sẽ đi,” cô tự nhủ. “Khi hắn quay lại, có thể trung đoàn ấy rời thị trấn. Dù sao đi nữa, hắn đã hiểu là mình sẽ không nói chuyện với hắn nữa.”

Sáng nào, cô cũng hỏi bà đầu bếp:

- Gã người Đức vẫn ở đây à, bà Marthe?

- Đúng vậy, vâng, hắn không có vẻ độc ác đâu - bà đầu bếp nói, - hắn đã hỏi là bà chủ có thích trái cây không. Hắn sẵn lòng biếu. Tất nhiên, bọn chúng thì chẳng thiếu thứ gì! Bọn chúng có những thùng cam. Ăn mát lắm - bà ta nói thêm, bị mâu thuẫn giữa một thứ tình cảm khoan dung đối với viên sĩ quan đã biếu bà ta cam và luôn luôn tỏ ra “rất dễ thương, rất nhã nhặn; gã này thì người ta không sợ”, như bà ta nói, và một cơn tức giận khi hình dung ra những trái cây mà dân Pháp bị tước đoạt ấy.

Ý nghĩ sau hẳn là mạnh nhất, bởi bà ta kết luận với vẻ ghê tởm:

- Dù sao cũng là một cái giống bẩn thỉu! Tôi là tôi lấy của tên sĩ quan ấy tất cả những gì có thể lấy: bánh mì của hắn, đường của hắn, bánh ngọt mà hắn nhận được của nhà hắn gửi (mà bánh đó làm bằng bột tốt nhé, tôi cam đoan với bà), và thuốc lá của hắn mà tôi đem gửi cho người nhà tôi đang là tù binh.

- Ồ, không nên thế đâu, Marthe!

Nhưng bà đầu bếp già nhún vai.

- Vì bọn chúng lấy của chúng ta mọi thứ, làm như vậy là ít nhất rồi đấy...

Một buổi tối, lúc Lucile đang ra khỏi phòng ăn, Marthe mở cửa bếp và gọi:

- Bà chủ vui lòng vào đây được không? Có người muốn gặp bà.

Lucile bước vào với nỗi lo sợ bị bà Angellier bắt gặp, bà vốn không thích thấy người lạ trong phòng bếp này cũng như trong phòng để thực phẩm dự trữ. Không phải vì bà thực sự nghi ngờ Lucile lấy trộm mứt, tuy bà công khai kiểm tra các tủ trước sự có mặt của cô, mà đúng hơn là vì bà cảm thấy nỗi ngượng ngùng khó chịu của một nghệ sĩ bị làm phiền trong xưởng họa hay của một phụ nữ tay chơi thượng lưu bên bàn phấn của mình: gian bếp là lãnh địa thiêng liêng chỉ thuộc về riêng bà, một mình bà mà thôi. Marthe ở nhà bà đã hai mươi bảy năm. Từ hai mươi bảy năm nay, chính xác là bà đã hết sức chú ý sao cho Marthe không bao giờ quên rằng bà ta không phải đang ở nhà mình, mà đang ở nhà người khác, rằng bất cứ lúc nào bà ta cũng có thể bị buộc phải rời khỏi những cái phất trần của bà, những nồi niêu xoong chảo của bà, cái bếp lò của bà, như một tín đồ, theo thông lệ Cơ Đốc giáo, phải không thôi nhớ rằng những của cải trên thế giới này chỉ được ban cho mình tạm thời và có thể bị lấy lại nhanh chóng bởi một ý muốn thất thường của Tạo hóa.

Marthe khép cánh cửa lại sau lưng Lucile và nói với cô bằng vẻ trấn an:

- Bà chủ đang cầu nguyện.

Bếp là một gian phòng rộng như phòng khiêu vũ, với hai cửa sổ to mở ra vườn. Một người đàn ông đang ngồi trước bàn. Lucile nhìn thấy một con cá măng tuyệt đẹp, tấm thân ánh bạc của nó đang rung lên với những cơn giãy chết cuối cùng; nó được quẳng lên trên tấm khăn trải bàn bằng vải dầu, giữa một cái bánh mì to vàng ruộm và một chai rượu đã vơi một nửa. Người đàn ông ngẩng đầu lên; Lucile nhận ra Benoît Sabarie.

- Anh lấy thứ này ở đâu đấy, Benoît?

- Ở đầm nhà ông De Montmort.

- Sẽ có ngày anh bị tóm mất thôi.

Người đàn ông không trả lời. Anh ta túm mang nâng con cá to đùng đang thở yếu ớt lên và đung đưa cái đuôi trong suốt của nó.

- Đây là quà à? - Marthe hỏi, bà là họ hàng của gia đình Sabarie.

- Nếu bà muốn.

- Đưa cho tôi nào, Benoît. Bà chủ có biết là chúng ta lại phải giảm thêm khẩu phần thịt không? Sắp chết đến nơi rồi. - Bà nói thêm, nhún vai và dỡ ra một khúc giăm bông to treo ở thanh rầm. Benoît lợi dụng lúc bà Angellier không có ở đây để nói về việc đã dẫn anh ta tới gặp bà Gaston.

- Thưa bà, - Benoît gắng sức nói, - có một tên Đức ở nhà chúng tôi cứ lượn lờ quanh vợ tôi. Tên phiên dịch của Bộ Chỉ huy, một thằng nhóc mười chín tuổi. Tôi không thể chịu đựng nổi chuyện đó nữa.

- Nhưng tôi có thể làm gì được?

- Một đồng đội của hắn sống ở đây...

- Tôi không bao giờ nói chuyện với hắn cả.

- Bà đừng nói với tôi như vậy. - Benoît vừa nói vừa ngước mắt lên.

Anh lại gần bếp lò và máy móc lấy tay uốn cong roi nắn thẳng lại que chọc lò; anh ta có một sức mạnh thể chất lạ thường.

- Mọi người đã thấy bà nói chuyện với hắn trong vườn hôm trước, bà cười với hắn và ăn dâu. Tôi không chê trách bà về chuyện đó đâu, đó là việc của bà, nhưng tôi đến để van xin bà. Mong sao hắn làm cho đồng đội của hắn nghe ra lẽ phải để đi kiếm một chỗ ở khác.

“Vùng này khiếp thật!” trong lúc đó Lucile nghĩ. “Người ta có mắt nhìn xuyên được qua tường.”

Đúng lúc đó, một cơn giông đe dọa từ nhiều giờ trước đã nổ ra và mọi người nghe thấy, sau một cú sét duy nhất, ngắn ngủi và nghiêm trọng, những đợt mưa hối hả và lạnh lẽo trút như thác nước. Bầu trời tối sầm lại; tất cả đèn đóm đều tắt, giống như chuyện vẫn xảy ra chín trên mười lần vào những ngày gió to, và Marthe nói với vẻ thỏa mãn:

- Thế là bây giờ bà chủ phải nán lại ở nhà thờ rồi.

Bà tận dụng điều đó để mang đến cho Benoît một chén cà phê nóng. Những tia chớp rọi sáng căn bếp; trên những ô cửa kính chảy ròng ròng một thứ nước lấp lánh mà dưới thứ ánh sáng lưu huỳnh này như có màu xanh lá cây. Cửa ra vào bật mở và viên sĩ quan Đức, bị cơn giông đẩy ra khỏi phòng của hắn, bước vào hỏi xin hai ngọn nến.

- Sao, bà ở đây à, thưa bà? - hắn nói thêm khi nhận ra Lucile. - Xin bà thứ lỗi cho, tôi đã không nhìn thấy bà trong bóng tối này.

- Không có nến đâu, - Marthe nói giọng khó chịu. - Không còn nến ở Pháp nữa kể từ khi các ông đến đây.

Bà ta bất bình khi thấy viên sĩ quan vào gian bếp của bà; ở các phòng khác thì còn chịu được, nhưng ở đây, giữa bếp lò và chiếc tủ đựng thực phẩm dự trữ, bà thấy việc đó có vẻ thật quá đáng và gần như là phạm thượng: hắn xâm phạm trái tim của ngôi nhà.

- Ít nhất hãy cho tôi một que diêm vậy. - Viên sĩ quan nài nỉ, cố tình làm ra vẻ đáng thương để khiến bà đầu bếp mủi lòng, nhưng bà ta lắc đầu.

- Diêm cũng chẳng có đâu.

Lucile bật cười.

- Đừng nghe bà ấy. Này, diêm kia kìa, ở đằng sau ông, trên bếp lò ây. Đây, vừa vặn đang có người muốn nói chuyện với ông đây, thưa ông; anh ta có điều phàn nàn về một người lính Đức.

- A, thật vậy à? Tôi nghe đây, - viên sĩ quan nhanh nhẹn nói. - Chúng tôi rất coi trọng việc binh lính của quân đội Đúc phải tỏ ra hoàn toàn đúng đắn với dân chúng.

Benoît im lặng. Chính Marthe lại là người lên tiếng.

- Người lính đó ve vãn vợ cậu ấy, - bà nói bằng một giọng mà qua đó thật khó phân biệt được điều gì nổi trội trong bà: sự phẫn nộ đầy đức hạnh hay là nỗi luyến tiếc vì đã không còn ở lứa tuổi có nguy cơ gặp phải những chuyện rắc rối kiểu ấy.

- Nhưng, anh bạn ạ, anh tưởng tượng quá múc về quyền hạn của các cấp chỉ huy trong quân đội Đức; chắc chắn, tôi có thể trừng phạt anh chàng láu lỉnh của tôi nếu anh ta quấy rầy vợ anh, nhưng nếu cô ấy thấy anh ta hợp sở thích của cô ấy...

- Đừng có đùa! - Benoît vừa gầm gừ vừa bước một bước về phía tên sĩ quan.

- Anh ta có được ưa thích không?

- Đừng có đùa, tôi bảo ông. Chúng tôi không cần đến cái bọn bẩn thỉu...

Lucile thốt lên một tiếng kêu lo sợ và cảnh báo. Marthe huých khuỷu tay vào Benoît; bà đoán là anh định nói cái từ cấm ấy, từ “boche” mà bọn Đức xếp tội phạt giam. Benoît gắng gượng im lặng.

- Chúng tôi không cần các ông bên cạnh những người phụ nữ của chúng tôi.

- Nhưng, anh bạn ơi, chính ra là phải bảo vệ những người phụ nữ của các anh từ lúc trước chứ, - viên sĩ quan nhẹ nhàng nói.

Mặt hắn đỏ lên gay gắt và biểu lộ một vẻ kiêu kỳ và khó chịu. Lucile can thiệp.

- Tôi xin ông, - cô nói khẽ, - người đàn ông này đang ghen. Anh ta đau khổ. Đừng đẩy anh ta đến cùng.

- Anh chàng kia tên là gì?

- Bonnet.

- Tay phiên dịch của Bộ Chỉ huy ấy à? Nhưng cậu ta không nằm dưới quyền tôi đâu. Cậu ta cùng cấp bậc với tôi. Tôi không thể can thiệp được.

- Ngay cả với tư cách bạn bè cũng không à?

Viên sĩ quan nhún vai.

- Không thể được. Tôi sẽ giải thích cho các vị biết vì sao.

Giọng nói của Benoît, bình tĩnh và chua chát, ngắt lời viên sĩ quan.

- Không cần phải giải thích! Đối với một người lính, đối với một gã tội nghiệp, người ta có thể ngăn cấm. Verboten, như các ông nói trong thứ tiếng của các ông. Nhưng tại sao lại phá rối thú vui của các ngài sĩ quan nhỉ? Trong tất cả các quân đội trên thế giới đều như thế hết.

- Chắc chắn tôi sẽ không nói với cậu ta đâu, bởi vì điều đó sẽ làm cho cậu ta thêm hăng máu lao vào và sẽ là một sự giúp đỡ tai hại đối với anh, - gã người Đức trả lời và, quay lưng lại với Benoît, hắn đến gần chiếc bàn.

- Bà pha cho tôi một chén cà phê nhé, bà Marthe tốt bụng ơi, một tiếng nữa tôi phải đi.

- Các ông lại tập trận à? Ba đêm liền rồi đấy, - Marthe thốt lên, bà không sao điều chỉnh được những tình cảm của mình đối với kẻ thù, lúc thì bà thỏa mãn nói khi nhìn thấy trung đoàn trở về vào sáng sớm: “Bọn chúng nóng bức chưa kìa, bọn chúng mệt mỏi chưa kìa... A, sướng thật”, lúc thì bà quên mất rằng bọn chúng là người Đức và cảm thấy trong lòng mình có một thứ tình cảm xót thương mẫu tử: “Dù sao cũng tội nghiệp những gã trai này, sống chẳng ra sống nữa...”

Vì những nguyên nhân khó hiểu, cơn cảm xúc trìu mến đầy nữ tính là tình cảm mạnh nhất trong bà tối nay.

- Nào, tôi cứ làm cho ông một chén cà phê nhé. Ông ngồi xuống đây. Bà cũng dùng một chén nhé, thưa bà.

- Không đâu... - Lucile bắt đầu nói.

Trong lúc đó Benoît đã biến mất; anh đã lặng lẽ nhảy qua cửa sổ.

- Ồ, tôi xin bà, - gã người Đức hạ giọng nói khẽ. - Tôi sẽ không còn quấy rầy bà lâu nữa đâu: ngày kia tôi sẽ ra đi, và việc đưa trung đoàn sang châu Phi sau khi tôi trở lại đang được bàn đến. Chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa và sẽ thật ấm lòng đối với tôi khi nghĩ rằng bà không thù ghét tôi.

- Tôi không thù ghét ông, nhưng...

- Tôi biết. Chúng ta đừng bàn kỹ hơn. Hãy chấp nhận ngồi cùng tôi...

Trong lúc đó Marthe bày bàn, với một nụ cười cảm động, thông đồng và phẫn nộ, giống như khi người ta lén lút cho những đứa trẻ bị trừng phạt một lát bánh phết. Trên tấm khăn sạch sẽ là hai cái chén to bằng sành in hoa, bình cà phê nóng hổi và một cái đèn dầu cũ mà bà lấy ra từ một chiếc tủ, đã được đổ dầu và thắp sáng. Ngọn lửa vàng êm dịu rọi sáng những bức tường treo đầy đồ đồng mà viên sĩ quan đang tò mò ngắm nghía.

- Bà gọi cái này là gì, thưa bà?

- Cái này là một cái lồng ấp.

- Còn cái này?

- Cái khuôn làm bánh kẹp. Nó gần một trăm tuổi rồi. Người ta không dùng đến nó nữa.

Marthe mang tới một bình đường đồ sộ giống như một chiếc bình đựng di cốt với những cái chân bằng đồng và nắp đậy chạm trổ, và mứt để trong một cái cốc thủy tinh được chạm khắc.

- Như vậy, ngày kia, vào giờ này, - Lucile nói, - ông sẽ uống cà phê với vợ ông phải không?

- Tôi hy vọng thế. Tôi sẽ kể cho cô ấy nghe về bà. Tôi sẽ tả cho cô ấy ngôi nhà này.

- Cô ấy không biết nước Pháp à?

- Không, thưa bà.

Lucile rất muốn biết kẻ thù có thích nước Pháp không, nhưng một thứ cảm xúc tự hào kín đáo đã kìm giữ những lời nói trên miệng cô. Họ tiếp tục uống cà phê, trong im lặng và không nhìn nhau.

Rồi gã người Đức nói về đất nước của hắn, về những đại lộ lớn ở Berlin, mùa đông, tuyết phủ, về cái thứ gió buốt và dữ dội thổi trên những đồng bằng Trung Âu, những cái hồ sâu, những cánh rừng thông và những bãi cát mịn.

Marthe háo hức tham gia cuộc nói chuyện.

- Cuộc chiến tranh này còn kéo dài lâu không? - bà hồi.

- Tôi không biết, - viên sĩ quan vừa nói vừa mỉm cười và khẽ nhún vai.

- Nhưng ông nghĩ thế nào? - đến lượt Lucile hỏi.

- Thưa bà, tôi là người lính. Những người lính thì không suy nghĩ. Họ bảo tôi đi đến đâu, tôi đến đó. Bảo tôi chiến đấu, tôi chiến đấu. Bảo tôi hứng chịu cái chết, tôi chết. Nghĩ ngợi sẽ làm cho trận đánh khó khăn hơn, và cái chết khủng khiếp hơn.

- Nhưng lòng nhiệt tình...

- Thưa bà, hãy thứ lỗi cho tôi, đó là một từ của đàn bà. Một người đàn ông làm nghĩa vụ của mình ngay cả khi không có nhiệt tình. Vả chăng chính là nhờ vào điều đó mà người ta nhận ra rằng anh ta là một người đàn ông, một người đàn ông đích thực.

- Có lẽ thế.

Họ nghe tháy tiếng mưa tí tách ngoài vườn; những giọt cuối cùng chậm rãi rơi xuống từ những cây tử đinh hương; cái ao cá đầy nước phát ra một tiếng rì rầm uể oải. Cánh cửa vào nhà mở ra.

- Chạy trốn đi, bà chủ đấy! - Marthe nói với hơi thở hổn hển vì khiếp sợ.

Và bà đẩy viên sĩ quan và Lucile ra ngoài.

- Đi qua vườn ấy! Bà ấy sẽ mắng tôi khiếp lắm đây, cái bà Đức Mẹ Đồng trinh ấy!

Bà vội vã đổ chỗ cà phê thừa vào bồn rửa bát, giấu những chiếc chén đi và tắt đèn.

- Chạy trốn nhanh, lên, tôi bảo mà! May mà trời tối đấy.

Cả hai người đều đã ở bên ngoài. Viên sĩ quan cười. Lucile hơi run rẩy. Nấp trong bóng tối, họ nhìn thấy bà Angellier đi xuyên qua nhà, Marthe xách đèn đi trước, rồi tất cả các cánh cửa đóng lại; người ta cài chặt các then sắt; họ nghe thấy tiếng bản lề cửa kêu ken két, tiếng động của những dây xích rỉ và âm thanh ảm đạm của những tấm cửa lớn đang được khóa lại, gã người Đức nhận xét:

- Cứ như là một nhà tù. Bà sẽ vào nhà bằng cách nào, thưa bà?

- Bằng cái cửa nhỏ ở gian bếp phụ. Chắc bà Marthe sẽ để mở. Còn ông?

- Ồ, tôi sẽ nhảy qua tường.

Quả thực hắn vượt tường bằng một cú nhảy nhanh nhẹn và dịu dàng nói:

- Gut Nacht. Schlafen Sie wohl.

- Gut Nacht, - cô trả lời.

Ngữ điệu của cô làm viên sĩ quan bật cười. Cô lắng nghe một lát trong bóng tối tiếng cười đang xa dần ấy. Một chút gió lay động những cành tử đinh hương đẫm nước phía trên đầu cô. Cô cảm thấy nhẹ nhõm và vui vẻ; cô chạy vào nhà.

11

Tháng nào bà Angellier cũng đi thăm các lãnh địa của bà; bà chọn một ngày Chủ nhật để tìm gặp người làm của mình tại nhà, điều đó khiến cho các tá điền bực bội; ngay khi bà vừa xuất hiện, họ liền vội vã cất giấu cà phê, đường và những thứ còn lại cuối bữa ăn: bà Angellier thuộc trường phái cổ lỗ - bà coi đồ ăn thức uống của những người này như lấy từ phần lẽ ra thuộc về bà; bà mắng mỏ gay gắt những người đi mua thịt loại một ở cửa hàng thịt. Bà có cảnh sát riêng của bà trong thị trấn, như bà nói, và bà không giữ lại những tá điền có vợ hoặc con gái mua tất lụa, nước hoa, những gói phấn thoa mặt hay những cuốn tiểu thuyết một cách quá thường xuyên. Bà De Montmort cũng quản lý người làm của bà với những nguyên tắc tương tự, nhưng, vì bà là quý tộc và gắn bó với các giá trị tinh thần hơn so với giới tư sản hám lợi và vật chất chủ nghĩa nơi mà từ đó bà Angellier xuất thân, bà lo lắng trước hết về khía cạnh tôn giáo của vấn đề; bà tìm hiểu xem tất cả trẻ con đã được làm lễ rửa tội chưa, mọi người có chịu lễ ban thánh thể mỗi năm hai lần không, giới phụ nữ có đi lễ mixa không (đối với đàn ông, bà đành chịu, điều đó quá khó đạt được). Thành thử, trong các gia đình chia nhau làm chủ vùng này - gia đình Montmort và gia đình Angellier, thì gia đình bị ghét nhất là gia đình đầu tiên.

Bà Angellier lên đường từ lúc trời tảng sáng. Cơn giông hôm trước đã làm thời tiết thay đổi: trời trút xuống những đợt mưa lạnh lẽo. Ô tô không đi được, vì không có cả giấy phép đi lại lẫn xăng, nhưng bà Angellier đã cho bới ra được một cái xe ngựa victoria từ một nhà xe nơi cái xe này yên nghỉ đã ba mươi năm nay, thắng hai con ngựa tốt vào, xe còn đi được khá xa. Cả nhà dậy xem bà già lên đường. Đến phút cuối cùng (và với vẻ tiếc rẻ) bà trao chùm chìa khóa của bà cho Lucile. Bà xòe ô ra, mưa rào nặng hạt thêm.

- Tốt hơn là bà chủ hãy đợi đến mai, - bà đầu bếp nói.

- Nhất định là tôi cần phải coi sóc mọi việc chứ, vì ông chủ đang bị các ngài kia giam giữ mà, - bà Angellier trả lời bằng một giọng cay độc, cất tiếng rất to, hẳn là để làm cho hai tên lính Đức đang đi ngang qua hối hận.

Bà phóng về phía chúng một ánh mắt giống như những ánh mắt mà Chateaubriand nói đến khi ông nhắc tới cha ông bằng những lời “đồng tử sáng rực dường như tách ra và bắn vào mọi người như một viên đạn”.

Nhưng những tên lính, không hiểu một câu tiếng Pháp nào, có lẽ đã tưởng rằng ánh mắt này là một sự bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với thân hình đẹp đẽ của chúng, dáng vẻ oai vệ của chúng, bộ quân phục hoàn hảo của chúng, bởi chúng mỉm cười với vẻ thiện ý rụt rè. Bà Angellier ghê tởm, nhắm mắt lại. Cỗ xe lên đường. Một cơn gió mạnh làm các cánh cửa rung lên.

Một lát sau trong buổi sáng, Lucile đi đến chỗ cô thợ may, một phụ nữ trẻ mà thiên hạ xì xào là có chơi bời với bọn Đức. Cô mang đến đưa cho cô ta một tấm vải mềm mà cô muốn may thành áo choàng mặc nhà. Cô thợ may gật đầu:

- Bà thật may mắn là còn có được thứ lụa như thế này. Chúng tôi thì chẳng còn gì hết.

Cô ta nói điều đó không có vẻ ghen tị bề ngoài, mà với sự kính trọng, như thể cô ta đã thừa nhận rằng cái mà giai cấp tư sản có không phải là quyền được ưu tiên, mà là một sự khôn khéo tự nhiên cho phép họ được phục vụ trước những người khác, giống như dân đồng bằng nói về dân miền nói: “Chẳng sợ anh ta sẩy chân đâu, cái anh chàng ấy! Anh ta leo núi Alpes từ hồi bé mà.” Hẳn là cô ta còn cho rằng do dòng dõi của Lucile, do một thứ tư chất di truyền, Lucile thậm chí còn có khả năng hơn cô ta trong việc gian lận với pháp luật, né tránh các quy định, bởi cô ta vừa nháy mắt vừa mỉm cười:

- Các vị xoay xở được đấy nhỉ, trông thấy rõ. Thế là tốt lắm.

Đúng lúc ấy Lucile nhận thấy trên giường có chiếc đai lưng quần dụng đã tháo ra của một tên lính Đức. Mắt hai người phụ nữ gặp nhau. Ánh mắt cô thợ may có một vẻ mưu mẹo, chăm chú và riết róng; cô ta giống như một con mèo, khi người ta muốn lấy ra khỏi móng vuốt của nó con chim mà nó định ăn thịt, nó ngẩng mặt lên và kêu meo meo ngạo ngược như nói: “Không được à? Nhưng thỉnh thoảng cũng được chứ? Cái miếng ngon này là của ai, của tôi hay của anh?”

- Sao chị lại có thể làm như thế được? - Lucile thì thầm.

Cô thợ may do dự giữa nhiều thái độ. Mặt cô ta trưng ra một vẻ xấc xược, không hiểu và dối trá. Nhưng đột nhiên cô ta cúi đầu xuống.

- Thế thì sao nào? Đức hay Pháp, bạn hay thù, trước hết đó là một người đàn ông, và tôi thì là một người đàn bà. Anh ta dịu dàng đối với tôi, âu yếm, chăm sóc từng li từng tý... Đó là một gã trai thành phố; anh ta chải chuốt chứ không như các gã trai ở đây; anh ta có làn da đẹp, hàm răng trắng. Khi anh ta hôn, anh ta có hơi thở tươi mát chứ không sực mùi rượu như các gã trai trong vùng. Đối với tôi thế là đủ. Tôi không tìm kiếm điều gì khác. Cuộc sống của chúng ta đã có khá nhiều phức tạp với những cuộc chiến tranh và tất cả những cái khác nữa. Giữa một người đàn ông và một người đàn bà, tất cả những cái đó không có tác động gì cả. Nếu anh ta là người Anh hay là da đen và nếu tôi thấy anh ta hợp sở thích của tôi, thì tôi cũng sẽ tự cho mình được có anh ta, nếu tôi có thể. Tôi làm cho bà ghê tởm à? Tất nhiên rồi, bà giàu, bà có những thú vui mà tôi không có...

- Những thú vui! - Lucile ngắt lời với vẻ cay đắng bất giác, tự hỏi cô thợ may có thể tưởng tượng ra được điều gì vui thú trong một cuộc sống như cuộc sống của gia đình Angellier: chắc là việc đi thăm đất đai của mình và đầu tư tiền bạc của mình.

- Bà có học thức. Bà gặp gỡ mọi người. Chúng tôi chẳng có gì ngoài công việc và lao lực. Nếu không có tình yêu, chỉ còn cách nhảy ngay xuống giếng thôi. Và khi tôi nói tình yêu, bà đừng tưởng rằng tôi chỉ nghĩ đến chuyện ấy thôi đâu nhé. Này, cái gã Đức ấy, hôm nọ anh ta đi Moulin, anh ta mua cho tôi một cái xắc nhỏ giả da cá sấu; một lần khác, anh ta mang hoa tặng tôi, một bó hoa kiểu thành phố, như là đối với một quý bà. Điều đó thật ngốc nghếch, vì ở quê có thiếu gì hoa đâu, nhưng đó là một sự quan tâm, nó làm người ta vui sướng. Đối với tôi đây, cho đến trước lúc này, đàn ông chỉ để làm chuyện ấy thôi. Nhưng anh chàng này, tôi không thể diễn tả cho chị được, tôi có thể làm tất cả vì anh ấy, ôi có thể theo anh ấy đi khắp nơi. Và anh ấy thì yêu tôi... Ồ, tôi đã nếm trải khá đủ đàn ông để biết được rằng có một người đàn ông không nói dối. Vậy thì, bà hiểu đấy, dù cho người ta có nói với tôi: “Người Đức, người Đức, đó là một người Đức”, thì điều đó cũng chẳng làm cho tôi động lòng gì hết. Đó là những con người như chúng ta.

- Phải, nhưng chị ơi, khi người ta nói: “một người Đức”, ai cũng biết đó chỉ là một con người, chẳng tốt hơn mà cũng chẳng tồi hơn những người khác, nhưng cái điều được hiểu ngầm, cái đều khủng khiếp, đó là chính kẻ này đã giết người Pháp, là bọn chúng bắt người của chúng ta làm tù binh, là bọn chúng làm cho chúng ta bị đói...

- Bà tưởng tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện đó chăng? Có những lần, tôi nằm dựa người vào anh ấy và tự nhủ: “Có lẽ chính bố anh ấy đã giết chết bố mình”; bố tôi chết trong cuộc chiến tranh trước, như chị biết đấy... Tồi nghĩ đến điều đó chứ, và rồi, trong thâm tâm, tôi mặc xác. Một bên là tôi và anh ấy; bên kia là mọi người. Mọi người đâu có quan tâm đến chúng ta; họ bỏ bom chúng ta và làm chúng ta đau khổ, và họ giết chúng ta tệ hơn giết thỏ. Thế thì, chúng ta cũng chẳng quan tâm đến họ. Bà hiểu chứ, nếu cứ phải sống theo người khác thì chúng ta còn tệ hơn loài thú. Trong vùng người ta bảo tôi là con chó cái. Không! Chó là những kẻ đi thành bầy và cắn khi người ta ra lệnh cho chúng cắn. Tôi và Willy...

Cô ta ngừng nói, thở dài.

- Tôi yêu anh ấy, cuối cùng cô ta nói.

- Nhưng trung đoàn sẽ đi khỏi đây.

- Tôi biết lắm, nhưng, thưa bà, Willy đã nói là anh ấy sẽ đưa tôi về chỗ anh ấy, sau chiến tranh.

- Và chị tin anh ta à?

- Tôi tin anh ấy, vâng, - cô ta nói vẻ thách thức.

- Chị điên rồi, - Lucile nói, - anh ta sẽ quên chị ngay sau khi ra đi. Chị có các anh em trai bị bắt làm tù binh; đến khi họ trở về... Hãy tin tôi, hãy dè chừng, điều mà chị đang làm nguy hiểm lắm. Nguy hiểm và xấu, - cô kết luận.

- Đến khi họ trở về...

Hai người phụ nữ lặng lẽ nhìn nhau. Trong căn phòng đóng kín và chất đầy những đồ gỗ kiểu nhà quê này, Lucile hít thở một thứ mùi sâu đậm và kín đáo, nó làm cho cô bối rối vì một sự bất ổn lạ lùng.

Khi ra về, cô gặp mấy thằng bé con nhem nhuốc ở cầu thang; chúng nhảy bốn bậc một đi xuống.

- Các em chạy đi đâu thế này? - Lucile hỏi.

- Bọn em ra chơi ở vườn nhà Perrin.

Gia đình Perrin 1à một gia đình giàu có của thị trấn đã bỏ chạy vào tháng Sáu năm 40, bỏ lại ngôi nhà của họ để mở trong lúc quá hoảng loạn, toàn bộ cửa giả toang hoác, đồ bạc để trong các ngăn kéo, váy áo trong các tủ quần áo; bọn Đức đã cướp phá ngôi nhà; bản thân khu vườn rộng bị bỏ hoang, bị xới tung, bị giày xéo thì trông giống như một khu rừng rậm.

- Người Đức cho phép các em vào đó à?

Lũ trẻ không trả lời và vừa bỏ chạy vừa cười.

Dưới trời mưa, Lucile trở về nhà. Cô nhìn thấy khu vườn nhà Perrin; giữa những cành cây, bất chấp cơn mưa rào lạnh giá, những chiếc tạp dề xanh và hồng của các chú bé trong làng lướt qua lướt lại. Thỉnh thoảng lại thấy ánh lên một cái má bẩn và bóng loáng mưa tuôn, rạng rỡ, ròng ròng nước, như một quả đào. Lũ trẻ bẻ hoa anh đào và hoa tử đinh hương, đuổi nhau trên thảm cỏ. Tít trên ngọn một cây tuyết tùng, một chú bé mặc quần đùi đỏ ngồi huýt sáo như một con chim hét.

Bọn trẻ đã phá hủy nốt chỗ còn lại của khu vườn mà ngày xưa từng ngăn nắp biết bao, từng được yêu quý biết bao, nơi gia đình Perrin không còn ra ngồi vào buổi hoàng hôn, trên những chiếc ghế sắt, đàn ông mặc áo vest tông đen và phụ nữ mặc những chiếc váy dài sột soạt, để cùng nhau ngắm dâu và dưa chín. Một thằng nhóc bé xíu, khoác tạp dề hồng, đi dọc trên hàng rào sắt, giữ thăng bằng giữa những thanh sắt hình ngọn giáo.

- Em sẽ ngã mất thôi, thằng bé tội nghiệp, - Lucile nói.

Thằng bé nhìn cô chằm chằm nhưng không trả lời; đột nhiên cô chợt thấy ghen tị với những đứa trẻ này, chúng vui chơi mà chẳng cần lo nghĩ đến thời gian, chiến tranh, tai họa. Cô thấy dường như giữa một dân tộc nô lệ, chúng là những người duy nhất tự do, “và là một thứ tự do thực sự,” cô tự nhủ.

Cô miễn cưỡng trở về với ngôi nhà ủ ê, câm lặng, mưa rào quất vào tới tấp.