Bản giao hưởng Pháp - Phần II - Chương 12

12

Lucile sửng sốt khi nhìn thấy người đưa thư từ nhà cô đi ra: cô ít khi nhận được thư. Có một tấm bưu thiếp đề tên cô trên chiếc bàn ở phòng đợi.

Thưa bà, bà có nhớ cặp vợ chồng già mà bà đã cho ở nhờ nhà bà hồi tháng Sáu năm ngoái không? Từ đó chúng tôi vẫn thường nghĩ đến bà, thưa bà, đến sự tiếp đón tử tế của bà, đến cái lúc dừng chân tại nhà bà giữa một chuyến đi tệ hại. Chúng tôi sẽ sung sướng nếu nhận được tin bà. Chồng bà có từ mặt trận trở về nguyên vẹn không? Về phần chúng tôi, chúng tôi đã có niềm hạnh phúc lớn lao là được gặp lại con trai của chúng tôi. Thưa bà, xin bà hãy tin vào những tình cảm đặc biệt nhất của chúng tôi.

JEANNE ET MAURICE MICHAUD

12, phố Source, Paris (quận XVI)

Lucile biểu lộ một cử chỉ vui thích. Những người trung hậu... Họ sung sướng hơn cô... Họ yêu nhau, họ cùng nhau đương đầu và trải qua mọi hiểm họa... Cô cất tấm bưu thiếp vào chiếc tủ bàn của mình và đi sang phòng ăn. Rõ ràng đây là một ngày tốt lành mặc dù trời mưa không ngớt; chỉ có một bộ đồ ăn; cô lại một lần nữa vui mừng vì sự vắng mặt của bà Angellier; cô có thể vừa ăn vừa đọc sách, cô ăn trưa rất nhanh, rồi đến bên cửa sổ và nhìn mưa rơi. Đó là phần đuôi của cơn giông, như cách nói của bà đầu bếp. Thời tiết đã thay đổi trong vòng bốn mươi tám tiếng đồng hồ đến mức đã biến một trong những mùa xuân rực rỡ nhất thành một thứ mùa không xác định được, khắc nghiệt, kỳ cục, trong đó bông tuyết cuối mùa và bông hoa đầu mùa hòa lẫn vào nhau, những cây táo sau một đêm đã mất đi những chùm hoa của nó; những cây hoa hồng bị thâm và cóng lạnh; gió đã làm vỡ những chậu đất đang trồng hoa mỏ hạc và hoa đậu hương. “Sẽ mất hết cả thôi; chúng ta sẽ không có trái cây nữa,” bà Marthe vừa rên rỉ vừa dọn bát đĩa trên bàn đi. “Tôi đốt lò sưởi trong phòng ăn,” bà nói thêm. “Trời lạnh không chịu được. Gã người Đức bảo tôi đốt lò sưởi phòng hắn, nhưng lò sưởi ấy không được cạo ống khói nên hắn sẽ bị hun khói thôi. Mặc kệ hắn. Tôi đã bảo hắn rồi, hắn chẳng muốn nghe gì hết, hắn tưởng là tôi không muốn, cứ như là sau tất cả những thứ mà bọn chúng đã lấy của chúng ta, chúng ta sẽ không cho chúng hai hay ba khúc củi nữa ấy... kìa! Hắn đang ho kìa! Lạy Đức Mẹ Đồng trinh! Phải phục vụ bọn Boche có khổ không cơ chứ. Tôi đến đây, tôi đến đây!” bà nói với tâm trạng bực bội. Lucile nghe thấy bà mở cửa và trả lời gã người Đức, gã này nói bằng giọng cáu kỉnh.

- Ồ, tôi đã bảo ông rồi mà! Trời gió như thế này, một cái lò sưởi không được cạo sẽ đẩy khói vào trong nhà.

- Nhưng tại sao nó lại không được cạo, mein Gott? - gã người Đức kêu lên phẫn nộ.

- Tại sao? Tại sao? Tôi chẳng biết gì hết cả. Tôi không phải là bà chủ. Ông tưởng rằng với cuộc chiến tranh của các ông mà người ta muốn gì cũng làm được à?

- Bà ơi, nếu bà tưởng rằng tôi sẽ để cho ngưòi ta hun khói tôi như một con thỏ, thì bà nhầm đấy. Các bà chủ đâu rồi? Các bà ấy chỉ việc cho tôi vào ở phòng khách nếu như họ không thể cấp cho tôi một căn phòng có thể ở được. Bà đốt lò sưởi phòng khách lên đi.

- Điều đó không thể được, thưa ông, tôi rất tiếc, - Lucile vừa tiến lên vừa nói. - Trong những ngôi nhà tỉnh lẻ của chúng tôi, phòng khách là một căn phòng trang trọng không dùng để ở. Lò sưởi là đồ giả, như ông có thể nhận thấy đấy.

- Sao? Cái công trình bằng đá hoa trắng, có tạc hình các thần ái tình đang sưởi tay kia á?

- Chưa từng bao giờ được dùng để đốt lửa, - Lucile vừa nói nốt vừa mỉm cười. - Nhưng tôi mời ông vào phòng ăn nếu ông muốn: lò sưởi đã được đốt lên. Quả thật là phòng ông ở trong một tình trạng thật đáng buồn, - cô nói thêm khi nhìn thấy những luồng khói đang thoát ra.

- A! Thưa bà, tôi suýt nữa thì chết ngạt đấy! Nghề lính rõ ràng là đầy hiểm họa! Nhưng tôi tuyệt đối không muốn quấy rầy bà. Trong thị trấn có những quán cà phê-bi-a bụi bặm với bột phấn bay lơ lửng... Bà mẹ chồng của bà...

- Mẹ tôi đi vắng cả ngày.

- A! Thế thì tôi rất cám ơn bà, thưa bà. Tôi sẽ không làm phiền bà đâu. Tôi có công việc phải hoàn thành gấp, - hắn nói và chỉ vào một tấm bản đồ và những bản vẽ.

Hắn ngồi vào chiếc bàn đã được dọn sạch và Lucile ngồi vào một chiếc ghế bành ở góc bên lò sưởi; cô chìa bàn tay ra chỗ nóng và thỉnh thoảng lại lơ đãng cọ hai tay vào nhau. “Mình có những cử chỉ của một bà già,” cô chợt buồn rầu nghĩ, “những cử chỉ và một cuộc sống của bà già.”

Cô buông đôi bàn tay xuống đùi. Ngẩng đầu lên, cô nhận thấy tên sĩ quan đã rời bỏ những tấm bản đồ của hắn; hắn lại gần cửa sổ và kéo rèm cửa lên, nhìn những cây lê bị đóng đinh câu rút giữa bầu trời xám xịt.

- Thật là một vùng đất buồn, - hắn nói khẽ.

- Thế thì có ảnh hưởng gì đến ông đâu? - Lucile trả lời. - Ngày mai ông sẽ rời khỏi đây.

- Không, - hắn nói, - tôi không rời khỏi đây.

- A! Tôi lại cứ tưởng...

- Tất cả các kỳ nghỉ phép đều bị hoãn.

- Thế à? Tại sao vậy?

Hắn khẽ nhún vai.

- Chúng tôi không biết. Bị hoãn, có thế thôi. Đó là cuộc sống nhà binh.

Cô cảm thấy thương hại hắn: hắn đã sung sướng biết bao về kỳ nghỉ phép này.

- Như vậy thật đáng buồn quá, - cô nói với vẻ thông cảm, - nhưng đó chỉ là hoãn thôi mà...

- Hoãn ba tháng, sáu tháng, mãi mãi... Chuyện này khiến tôi khổ tâm, nhất là vì mẹ tôi. Mẹ tôi đã có tuổi và yếu ớt. Một người đàn bà nhỏ bé tóc bạc, đội mũ làm vườn, gió thổi cũng bay... Mẹ tôi đang đợi tôi về tối mai và sẽ chỉ nhận được một bức điện tín.

- Ông là con trai duy nhất à?

- Tôi có ba anh trai. Một người đã bị giết trong chiến dịch Ba Lan, một người bị giết cách đây một năm, đúng lúc chúng tôi tiến vào nước Pháp. Người thứ ba đang ở châu Phi.

- Điều đó thật rất buồn, đối với cả vợ ông nữa...

- Ồ! Vợ tôi... Vợ tôi sẽ nguôi ngoai thôi. Chúng tôi cưới khi còn rất trẻ; lúc ấy chúng tôi gần như còn là trẻ con. Bà nghĩ thế nào về những cuộc hôn nhân được quyết định sau mười lăm ngày kết bạn, dạo chơi lang thang trên các bờ hồ?

- Tôi chẳng biết gì hết cả! Ở Pháp người ta không lấy nhau như vậy.

- Nhưng dù sao cũng không giống như ngày xưa chứ, như cái thời mà người ta lấy nhau sau hai cuộc tiếp xúc tại nhà bạn bè của gia đình, như trong tác phẩm của Balzac của các vị?

- Có lẽ không hoàn toàn như vậy, nhưng cũng không khác nhiều lắm đâu, ít ra là ở tỉnh lẻ...

- Mẹ tôi đã khuyên tôi đừng cưới Édith. Nhưng lúc ấy tôi yêu Ach, Liebe... Lẽ ra phải có thể cùng nhau lớn lên, già đi... Nhưng rồi xảy ra chia ly, chiến tranh, các thử thách, và ta thành ra gắn bó với một cô bé mãi mãi mười tám tuổi, trong khi bản thân ta thì...

Hắn giơ hai cánh tay lên, thả rơi xuống.

- Có lúc mười hai và có lúc một trăm tuổi...

- Ổ! Ông cứ nói quá lên.

- Không đâu, người lính vẫn là trẻ con ở một số khía cạnh, và ở những khía cạnh khác thì hắn thật già nua, thật già nua... Hắn không có tuổi nữa. Hắn là kẻ đương thời với những thứ cổ xưa nhất trái đất, với vụ Cain giết Albert, với những bữa tiệc của bọn ăn thịt người, với thời đại đồ đá... Thôi, chúng ta đừng nói về những chuyện này nữa. Vậy là tôi bị giam hãm ở đây, trong cái nơi như một nấm mộ này... Nhưng không!... Một nấm mộ trong một nghĩa địa làng quê, đầy hoa, chim chóc và những hình bóng xinh đẹp, nhưng vẫn là một nấm mộ... Làm sao bà lại có thể sống ở đây cả năm được nhỉ?

- Trước chiến tranh, thỉnh thoảng chúng tôi cũng đi chơi...

- Nhưng chắc bà không bao giờ đi xa, tôi đoán vậy? Bà không biết cả nước Ý lẫn Trung Âu... chỉ biết Paris một chút... Hãy nghĩ tới tất cả những thứ mà chúng ta bị thiếu... những viện bảo tàng, những nhà hát, những buổi hòa nhạc lớn... A! Những buổi hòa nhạc là cái mà tôi tiếc nhất. Và ở đây thì tôi chỉ có mỗi một thứ nhạc cụ khốn khổ mà tôi thậm chí chẳng dám chơi vì sợ xúc phạm đến lòng tự ái chính đáng của người Pháp các bà, - hắn nói với vẻ oán giận.

- Nhưng ông cứ chơi tất cả những bản nhạc mà ông muốn đi, thưa ông... Này, ông buồn, tôi cũng chẳng vui đâu!... Ông hãy ngồi vào đàn dương cầm và chơi đàn. Chúng ta sẽ quên đi thời tiết xấu, sự thiếu vắng, tất cả những nỗi bất hạnh của chúng ta...

- Thật ư, bà muốn vậy ư? Tôi có công việc, - hắn vừa nói vừa nhìn những tấm bản đồ của mình. - Mặc kệ! Bà hãy lấy một món đồ khâu hay một quyển sách ra, bà ngồi xuống cạnh tôi và nghe tôi nhé! Tôi chỉ chơi đàn tốt khi có khán giả thôi. Tôi rất là ưa... nói bằng tiếng Pháp thế nào nhỉ? Gây chú ý? Đúng thế!

- Vâng. Gây chú ý. Tôi xin có lời khen kiến thức tiếng Pháp của ông.

Hắn ngồi vào đàn dương cầm, lò sưởi nóng lên và kêu rù rù êm dịu, tỏa ra một mùi thơm nhẹ nhàng của khói và của hạt dẻ nướng. Những giọt mưa to chảy dọc trên cửa kính, như những giọt nước mắt; ngôi nhà lặng lẽ và vắng vẻ, bà đầu bếp đang đi lễ đọc Kinh chiều.

“Lẽ ra mình cũng phải đi lễ,” Lucile nghĩ, “nhưng mặc kệ! Mưa to quá.” Cô nhìn đôi bàn tay gầy và trắng trẻo đang lướt trên những phím đàn. Chiếc nhẫn nạm một viên ngọc đỏ sẫm mà hắn đeo ở ngón tay làm cho hắn vướng víu khi chơi đàn; hắn tháo nhẫn ra và máy móc đưa cho Lucile; cô cầm lấy chiếc nhẫn và giữ nó lại một lúc, nó hãy còn ấm hơi bàn tay hắn. Cô làm cho nó lấp lánh dưới thứ ánh sáng nhợt nhạt u ám từ cửa sổ rọi vào. Có thể nhìn thấy trên nền trong suốt hai chữ cái kiểu gô tích và một mốc thời gian. Cô nghĩ tối một kỷ niệm tình yêu. Nhưng không!... Ngày được ghi là vào năm 1775 hay 1795, không phân biệt được rõ lắm, hẳn là một thứ đồ kim hoàn của gia đình; cô nhẹ nhàng đặt chiếc nhẫn lên bàn. Cô tự nhủ hẳn là hắn vẫn chơi đàn như vậy, tối tối, bên cạnh vợ mình... Cô ta tên là gì nhỉ? Édith? Hắn chơi đàn hay quá! Cô nhận ra một vài khúc nhạc. Cô rụt rè hỏi:

- Bach, phải không? Mozart?

- Nhưng bà là nhạc sĩ à?

- Không! Không đâu! Tôi chẳng biết gì về nhạc hết. Tôi có chơi đàn đôi chút trước khi lấy chồng, nhưng tôi đã quên rồi! Tôi yêu âm nhạc, ông thật là có tài lắm, thưa ông!

Hắn nhìn cô và nói trịnh trọng, với vẻ buồn bã khiến cô sửng sốt:

- Vâng, tôi nghĩ là tôi có tài.

Hắn làm vang lên từ những phím đàn một chuỗi hợp âm rải nhẹ nhàng và giễu cợt. Rồi:

- Bây giờ bà nghe cái này nhé.

Hắn chơi đàn, nói khẽ:

- Đây là thời bình, đây là tiếng cười của các thiếu nữ, những âm thanh vui tươi của mùa xuân, cảnh những con chim én đầu tiên từ phương Nam trở về... Đó là ở một thành phố của nước Đức, tháng Ba, khi tuyết chỉ mới bắt đầu tan. Đây là tiếng róc rách của dòng suối do tuyết tạo nên khi nó chảy dọc những con phố cũ. Và giờ đây hòa bình đã chấm dứt... Những cái trống, những chiếc xe tải, những bước chân lính... Bà có nghe thấy không? Bà có nghe thấy không? Cái tiếng giậm chân chầm chậm, khô khốc, vững chãi... Một dân tộc lên đường... Người lính lẫn vào giữa họ... Ở chỗ này có lẽ có một dàn hợp xướng, một thứ thánh ca vẫn còn chưa kết thúc. Giờ đây, hãy lắng nghe! Đó là chiến trận... Nhạc nghiêm trọng, sâu sắc, khủng khiếp.

- Ô! Thật là đẹp, - Lucile nhẹ nhàng nói. - Thật là đẹp quá!

- Người lính chết, và vào lúc chết, anh ta lại nghe thấy bản hợp xướng ấy nhưng không còn từ trái đất nữa mà là từ các đạo binh thiên thần... Như thế này đây, hãy nghe... Nó phải vừa êm ái vừa rộn rã. Bà có nghe thấy những tiếng kèn trên trời không? Bà có nghe thấy âm vang của những tiếng kèn đồng làm rung chuyển những bức tường thành không? Nhưng tất cả đang xa dần, yếu đi, ngừng lại, biến mất... Người lính đã chết.

- Chính ông đã viết cái này à? Đây là tác phẩm của ông?

- Vâng! Tôi đã được định hướng để hoạt động âm nhạc. Giờ đây thì thôi rồi!

- Tại sao? Nhưng chiến tranh...

- Âm nhạc là một người tình khắt khe. Người ta không thể bỏ rơi nó suốt bốn năm được. Khi người ta trở về với nó, nó đã bỏ đi rồi. Bà đang nghĩ gì vậy? - hắn hỏi khi nhận thấy ánh mắt của Lucile đang chăm chú nhìn hắn.

- Tôi nghĩ rằng... lẽ ra cá nhân không đáng bị hy sinh như vậy. Tôi nói về tất cả chúng ta. Chúng ta đã bị lấy mất tất cả. Tình yêu, gia đình... Thật là quá đáng!

- A! Thưa bà, cá nhân hay cộng đồng, đó là vấn đề chính của thời đại chúng ta, bởi vì chiến tranh là một công trình chung tiêu biểu nhất. Chúng tôi, những người Đức, chúng tôi tin vào tinh thần cộng đồng vơi cái nghĩa như ta nói về tinh thần bầy đàn ở loài ong. Nhờ nó mà chúng ta có tất cả: những tinh túy, những lóe sáng, những hương vị, những tình yêu... Nhưng đó là những suy nghĩ thật khắc khổ. Bà nghe nhé! Tôi sẽ chơi cho bà một bản xô nát của Scarlatti. Bà có biết bản nhạc này không?

- Không! Tôi cho là không!...

Cô nghĩ: “Cá nhân hay cộng đồng?... Ô! Lạy Chúa! Điều đó đâu có mới, họ có sáng tạo ra cái gì đâu. Hai triệu người chết của chúng ta, trong cuộc chiến tranh trước, cũng đã bị hy sinh cho ‘tinh thần bầy đàn’. Họ đã chết... và hai mươi lăm năm sau... Thật là lừa đảo. Thật là hão huyền!... Có những quy luật quy định số phận các tổ ong và các dân tộc, có thế thôi! Bản thân tinh thần của dân chúng hẳn là bị chi phối bởi những quy luật mà chúng ta không nắm bắt được, hoặc là bởi những sự thất thường mà chúng ta không biết đến. Thế giới tội nghiệp, đẹp biết bao và phi lý biết bao... Nhưng điều chắc chắn là năm, mười hoặc hai mươi năm nữa, vấn đề này, vấn đề mà theo anh ta là của thời đại chúng ta, sẽ không còn tồn tại nữa, nó sẽ bị thay thế bởi những vấn đề khác... Trong khi đó thì tiếng nhạc ấy, tiếng mưa trên cửa kính ấy, tiếng răng rắc vang động ảo não của cây tuyết tùng trong khu vườn trước mặt ấy, cái khoảnh khắc êm dịu biết bao, lạ lùng biết bao giữa cuộc chiến này, cái đó sẽ không thay đổi nữa... Cái đó là vĩnh cửu...”

Hắn đột ngột ngừng chơi đàn và vừa nói vừa nhìn cô:

- Bà khóc ư?

Cô vội vã lau đôi mắt đẫm lệ.

- Tôi xin bà thứ lỗi cho. Âm nhạc thật tọc mạch. Có lẽ thứ nhạc của tôi gợi cho bà nhớ đến... một người vắng mặt?

Cô nói khẽ ngoài ý muốn:

- Không! Không có ai cả... Chính đó là điều... không có ai cả...

Họ im bặt. Hắn hạ nắp đàn dương cầm xuống.

- Thưa bà, sau chiến tranh, tôi sẽ trở lại. Hãy cho phép tôi trở lại. Tất cả những tranh chấp giữa chúng ta, giữa nước Pháp và nước Đức sẽ thành chuyện cũ... sẽ bị lãng quên... ít nhất trong vòng mười lăm năm nữa. Một buổi tối tôi sẽ bấm chuông cửa. Bà sẽ mở cửa cho tôi và bà sẽ không nhận ra tôi, bởi vì tôi sẽ mặc thường phục. Thế là, tôi sẽ nói: nhưng tôi là... viên sĩ quan Đức... bà có nhớ không? Giờ đây đã hòa bình, hạnh phúc, tự do. Tôi bắt cóc bà. Nào, chúng ta sẽ cùng nhau ra đi. Tôi sẽ đưa bà đi thăm nhiều vùng đất. Tôi thì tôi sẽ là một nhà soạn nhạc nổi tiếng, tất nhiên rồi, còn bà thì vẫn xinh đẹp như bây giờ...

- Thế còn vợ ông, và chồng tôi, chúng ta làm gì với họ? - cô vừa nói vừa cố cười.

Hắn khẽ huýt sáo.

- Ai biết được họ sẽ ở đâu? Và cả chính chúng ta nữa? Nhưng thưa bà, điều đó rất nghiêm túc đấy. Tôi sẽ trở lại.

- Ông chơi đàn nữa đi, - cô nói sau một khoảng im lặng ngắn ngủi.

- Không! Đủ rồi! Quá nhiều âm nhạc ist gefährlich... nguy hiểm. Bây giờ, bà hãy làm một quý bà thượng lưu đi. Hãy mời tôi uống trà.

- Không còn trà ở Pháp nữa, mein Herr. Tôi mời ông uống rượu Frontignan và bánh bích quy vậy. Ông có muốn không?

- Ồ! Có chứ! Nhưng tôi xin bà, đừng gọi gia nhân của bà. Hãy cho phép tôi giúp bà dọn bàn. Hãy nói cho tôi biết khăn trải bàn ở đâu? Trong cái ngăn kéo này à? Cho phép tôi chọn nhé: bà biết rõ là chúng tôi, người Đức, chúng tôi chẳng tế nhị chút nào đâu. Tôi muốn cái khăn màu hồng... không!... Cái màu trắng thêu những bông hoa nhỏ, bà thêu phải không?

- Đúng thế!

- Phần còn lại, tôi để bà làm.

- Thật là mừng, - cô vừa nói vừa cười. - Con chó của ông đâu rồi? Tôi không nhìn thấy nó nữa.

- Nó đi nghỉ phép rồi: nó thuộc về cả trung đoàn, thuộc về tất cả binh lính; một người trong bọn, Bonnet, cậu phiên dịch mà ông bạn quê kệch của bà đã có chuyện phải phàn nàn ấy, cậu ta đã mang con chó theo. Họ lên đường đi Munich cách đây ba hôm, nhưng những quy định mới sẽ buộc họ phải trở lại thôi.

- Nhân nhắc đến Bonnet, thế ông đã nói chuyện với ông ta chưa?

- Thưa bà, cậu bạn Bonnet của tôi không phải là một tâm hồn đơn giản. Cái mà cho đến tận lúc này cậu ta chỉ cảm nhận như một sự tiêu khiển vô hại, thì nếu ông chồng làm cho cậu ta bực bội, cậu ta có thể dồn thêm vào đó nhiều đam mê hơn, Schadenfreude, bà hiểu chứ? Thậm chí cậu ta có thể phải lòng thực sự đấy, và nếu người thiếu phụ ấy không nghiêm túc...

- Không thể có chuyện đó đâu, - Lucile nói.

- Cô ta yêu anh chàng cục mịch đó à?

- Chắc chắn thế. Ngoài ra, ông đừng tưởng là vì ở đây có một số cô gái để cho binh lính của các ông bám theo, mà tất cả các cô khác cũng như thế đâu. Madeleine Sabarie là một người đàn bà chính trực và là một phụ nữ Pháp tử tế.

- Tôi đã hiểu, - viên sĩ quan vừa nói vừa nghiêng nghiêng đầu.

Hắn giúp Lucile kéo cái bàn ngồi chơi ra gần cửa sổ; cô đặt lên đó những chiếc cốc pha lê cổ được mài thành những mặt rộng cùng một chiếc bình có nút bạc mạ vàng, những chiếc đĩa nhỏ với hình vẽ theo chủ đề. Chúng được làm từ thời Đệ nhất Đế chế và được vẽ những cảnh quân sự: Napoléon đi duyệt các đoàn quân ngoài mặt trận, các kỵ binh mặc màu vàng rực đóng quân ngoài trời tại những khoảng rừng thưa, một cuộc diễu binh ở Champ-de-Mars. Gã người Đức thán phục trước những màu sắc tươi tắn và hồn nhiên.

- Những bộ quân phục đẹp quá! Và tôi thật muốn có một cái áo nẹp thêu kim tuyến như áo của gã kỵ binh này!

- Ông hãy ăn những chiếc bánh ngọt này đi, mein Herr! Bánh nhà làm đấy.

Hắn ngước mắt nhìn về phía cô và mỉm cười.

- Thưa bà, bà đã từng nghe nói tới những cơn gió xoáy thổi trên các biển phía Nam chưa? Chúng tạo thành (nếu tôi hiểu đúng những điều tôi đã đọc) một thứ vòng tròn mà vành ngoài là bão còn trung tâm thì tĩnh lặng, đến nỗi một con chim hay một con bướm ở trong tâm bão sẽ không bị sao cả; cánh của nó thậm chí sẽ không bị nhàu nát, trong khi đó những sự tàn phá tệ hại nhất hoành hành xung quanh nó. Bà hãy nhìn ngôi nhà này! Bà hãy nhìn chúng ta đang uống rượu Frontignan và ăn bánh bích quy rồi hãy nghĩ tới những gì đang xảy ra trên thế giới!

- Tôi muốn không nghĩ đến điều đó thì hơn, - Lucile buồn rầu nói.

Tuy nhiên, cô cảm thấy trong lòng mình một sự ấm áp chưa từng bao giờ trải nghiệm. Bản thân những cử chỉ trở nên nhẹ nhàng hơn, khéo léo hơn thường lệ, và cô nghe vang lên bên tai giọng nói của chính mình như giọng của một người lạ. Nó thấp hơn thường lệ, cái giọng nói ấy, trầm hơn và rung hơn; cô không nhận ra nó. Điều tuyệt diệu hơn cả, là sự cô lập giữa lòng ngôi nhà thù địch, và sự an toàn lạ lùng này: sẽ chẳng có ai đến, sẽ chẳng có cả thư từ lẫn những cuộc viếng thăm hay điện thoại. Ngay cả chiếc đồng hồ mà cô đã quên lên dây sáng nay (mà bà Angellier có lẽ sẽ nói - “Tất nhiên rồi, khi tôi không có ở đây, mọi thứ đều bị buông trôi”) ngay cả cái đồng hồ có tiếng chuông trịnh trọng và u sầu khiến cô phải sợ cũng im tiếng. Cuối cùng, cơn giông đã phá hỏng nhà máy điện thêm một lần nữa; cả vùng bị mất ánh sáng và không nghe được đài trong vài tiếng đồng hồ. Đài phát thanh câm lặng... thật thư thái... Không thể nào chạy theo cám dỗ được. Người ta không còn dò đài Paris, London, Berlin, Boston trên cái màn hình tối tăm ấy nữa. Người ta không còn nghe những giọng nói đáng nguyền rủa, vô hình, tang tóc ấy, nói về những con tàu bị đắm, những máy bay bị cháy, những thành phố bị phá hủy, kể ra số người chết, thông báo những cuộc tàn sát sẽ xảy ra... Sự lãng quên may mắn... Cho đến tận buổi tối, không có gì cả, giờ phút trôi qua chậm rãi, một sự hiện diện của con người, một thứ rượu vang nhẹ và thơm, âm nhạc, những khoảng im lặng kéo dài, hạnh phúc...

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3