Bản giao hưởng Pháp - Phần II - Chương 13
13
Một tháng sau, vào một buổi chiều mưa giống như buổi chiều mà gã người Đức và Lucile đã trải qua cùng nhau, bà Marthe thông báo có người đến thăm các bà Angellier. Người ta đưa vào phòng khách ba người đeo mạng, mặc áo măng tô dài màu đen và đội mũ tang. Những tấm mạng tang của họ buông từ đỉnh đầu cho đến gần sát đất, biệt lập họ trong một thứ lồng tang tóc và bất khả xâm phạm. Gia đình Angellier không hay tiếp khách; bà đầu bếp, trong lúc xúc dộng, đã quên cất ô cho những người khách; từng vị khách cầm ô của mình trong tay và trút những giọt mưa cuối cùng chảy từ tấm voan của họ vào chiếc ô mở he hé và loe miệng ra như một cái đài hoa, giống như những phụ nữ mau nước mắt trút những giọt nước mắt của mình vào những chiếc bình đá trên mộ của các anh hùng. Bà Angellier có đôi chút khò khăn để nhận ra ba dáng người màu đen. Rồi bà sửng sốt nói:
- Thế ra là các bà nhà Perrin kìa!
Gia đình Perrin (chủ nhân của khu đất đẹp đã bị bọn Đức phá phách) là “tinh hoa của vùng”. Đối với những người mang cái tên này, bà Angellier có một thứ tình cảm giống như tình cảm mà các nhân vật hoàng gia dành cho nhau: tin chắc một cách bình thản rằng họ là những người có cùng một dòng máu và những cách nhìn nhận giống nhau về tất cả mọi thứ, những sự bất đồng thoáng qua hẳn là có thể chia rẽ họ, nhưng họ vẫn gắn bó với nhau bất chấp các cuộc chiến tranh hay những ngông cuồng của các vị bộ trưởng, thông qua một mối liên kết bền chặt, tới mức là khi một chiếc ngai vàng sụp đổ ở Tây Ban Nha thì ngai vàng ở Thụy Điển cũng phải rung chuyển theo. Khi một chưởng khế ở Moulin chuồn đi, nhà Perrin bị mất chín trăm ngàn franc, nhà Angellier cũng run rẩy. Khi bà Angellier mua được với giá bèo một mảnh đất xưa nay vẫn thuộc về họ Montmort, nhà Perrin vui sướng. Không thể so sánh sự gắn bó giai cấp này với sự kính trọng cay đắng mà nhà Montmort gợi lên ở dân tư sản.
Với thái độ kính trọng đầy tình cảm, bà Angellier mời bà Perrin ngồi xuống lại khi bà này khẽ nhỏm lên khỏi ghế vì thấy bà chủ nhà tới. Bà không cảm thấy cơn rùng mình khó chịu làm người bà run lên như khi bà De Monmort bước vào nhà. Bà biết là dưới mắt bà Perrin, mọi thứ ở đây đều tốt đẹp: cái lò sưởi giả, mùi của tầng hầm, những cánh cửa chớp nửa đóng nửa mở, nhũng tấm vải phủ trên các đồ gỗ, thảm treo tường màu ô liu với những lá cọ ánh bạc. Tất cả đều phù hợp; lát nữa bà sẽ mời các bà khách của mình một bình nước cam và những chiếc bánh quy bơ bụi bặm. Bà Perrin sẽ không bị sốc vì thứ đồ ăn bủn xỉn này; bà ta sẽ thấy đó là một bằng chứng mới về sự giàu có của gia đình Angellier vì càng giàu thì người ta càng keo kiệt; bà ta sẽ nhận ra ở đó mối bận tâm tiết kiệm của chính mình và cái sở thích khổ hạnh vốn ăn sâu vào bản chất của giai cấp tư sản Pháp và tăng thêm vị đắng kích thích cho những thú vui bí mật và đáng xấu hổ của nó.
Bà Perrin kể lại cái chết anh hùng của con trai bà, bị giết ở Normandie khi quân Đức tiến vào; bà đã xin được giấy phép đi thăm mộ con. Bà phàn nàn mãi về sự tốn kém của chuyến đi này và bà Angellier tán thành. Tình mẫu tủ và tiền bạc là hai thứ khác nhau. Gia đình Perrin hiện sống ở Lyon.
- Ở thành phố khốn khổ lắm. Tôi đã thấy người ta bán quạ tới mười lăm franc một con. Các bà mẹ cho con cái ăn canh thịt quạ. Đừng tưởng là tôi nói về giới công nhân nhé! Không đâu, thưa bà! Đó là những người như bà và tôi!
Bà Angellier thở dài đau đớn; bà tưởng tượng những người quen của bà, gia đình bà, đang cùng nhau ăn một con quạ vào bữa tối. Ý nghĩ ấy có cái gì đó lố bịch, ô uế (trong khi nếu đó là chuyện về các công nhân, thì tóm lại chỉ cần nói “Tội nghiệp những người khốn khổ” và không để ý đến nữa).
- Nhưng ít nhất bà còn được tự do! Bà không có một tên Đức trong nhà, còn chúng tôi thì phải cho một tên ở đấy. Một tên sĩ quan! Vâng, thưa bà, trong ngôi nhà này, sau bức tường này, - bà nói và chỉ tay vào lớp giấy dán tường màu ô liu in những lá cọ bạc.
- Chúng tôi biết thế, - bà Perrin nói với vẻ hơi lúng túng, - chúng tôi đã được biết chuyện này qua bà vợ ông chưởng khế, bà ta mới đây đã vượt tuyến. Chính vì điều này mà chúng tôi đến tìm gặp các vị đây.
Tất cả các ánh mắt, bất giác, đều hướng về phía Lucile.
- Xin hãy giải thích rõ, thưa các bà, - bà già Angellier lạnh lùng nói.
- Nghe người ta bảo, viên sĩ quan này cư xử hoàn toàn đứng đắn phải không ạ?
- Đúng thế.
- Và thậm chí người ta đã thấy hắn nói chuyện với các vị nhiều lần một cách rất lịch sự phải không?
- Hắn không nói chuyện với tôi, - bà Angellier kiêu kỳ nói. - Tôi sẽ không chịu đựng nổi hắn đâu. Tôi công nhận đó không phải là một thái độ hợp lý (bà nhấn mạnh từ này) như mọi người đã nhận xét với tôi, nhưng tôi là mẹ tù binh, và ở địa vị ấy, với tất cả vàng bạc trên đời người ta cũng không thể làm cho tôi coi một trong các ngài kia là cái gì khác hơn là một kẻ tử thù. Nhưng một số người thì... nói thế nào nhỉ?... mềm dẻo hơn, thực tế hơn, có lẽ thế... và đặc biệt là con dâu tôi...
- Tôi trả lời hắn khi hắn nói với tôi, thực vậy. - Lucile nói.
- Nhưng cô hoàn toàn có lý, cô ngàn lần có lý! - bà Perrin thốt lên.
- Cô bé thân mến của tôi, cô chính là người mà tôi đặt toàn bộ hy vọng vào đấy. Đó là chuyện ngôi nhà tội nghiệp của chúng tôi! Nó đã bị hư hỏng nhiều, phải không ạ?
- Tôi chỉ nhìn thấy khu vườn... qua hàng rào thôi...
- Con gái thân mến ơi, con có thể bảo người ta trả lại cho chúng tôi một số đồ vật ở đó mà chúng tôi đặc biệt quý trọng được không?
- Tôi ấy à, thưa bà, nhưng...
- Xin đừng từ chối! Xin hãy đi tìm các ngài kia và can thiệp giúp chúng tôi. Dĩ nhiên, tất cả có thể đã bị đập vỡ, bị đốt cháy, nhưng tôi không thể tin là sự phá phách lại bị đẩy đến tận mức đó và lại không thể tìm được những bức chân dung, thư từ của gia đình hay những đồ đạc chỉ mang ý nghĩa kỷ niệm...
- Thưa bà, bà cứ tự nói với bọn Đức đang chiếm nhà bà ấy và...
- Không đời nào, - bà Perrin vừa nói vừa vươn thẳng toàn thân. - Không đời nào tôi bước chân qua ngưỡng cửa nhà tôi nếu kẻ thù còn ở đó. Đó là vấn đề phẩm cách và cũng là vấn đề tình cảm... Bọn chúng đã giết chết con trai tôi, thằng bé vừa mới được nhận vào trường Bách Khoa trong danh sách sáu người đứng đầu... Tôi trọ ở Khách sạn Du khách cùng các con gái tôi cho đến ngày mai. Nếu cô có thể thu xếp để lấy ra được một số đồ vật trong danh sách mà tôi sẽ đưa cho cô, tôi sẽ biết ơn cô mãi mãi. Nếu tôi rơi vào hoàn cảnh mặt đối mặt với một tên Đức (tôi tự biết mình mà!), tôi có thể cất tiếng hát bài La Marseillaise được đấy, - bà Perrin nói giọng rung lên, - và có thể khiến bản thân mình bị đày sang Phổ. Đó chẳng phải là một sự ô danh đâu, hoàn toàn không phải thế, nhưng tôi còn mấy đứa con gái! Tôi phải giữ mình vì gia đình tôi. Thành thử, tôi khẩn khoản cầu xin cô hãy làm giúp tôi những gì mà cô có thể, Lucile thân mến ạ.
- Đây là danh sách, - cô con gái thứ hai của bà Perrin nói.
Cô ta mở nó ra và đọc: “Một cái chậu và một bình đựng nước bằng sứ, có dấu tên của chúng tôi và họa tiết hình bướm, một giỏ đựng xa lát, bộ đồ trà màu trắng và mạ vàng (28 cái, lọ đựng đường không còn nắp nữa), hai bức chân dung của ông nội:
1/ ngồi lòng bà vú nuôi của ông,
2/ trên giường chết.
“Những chiếc sừng hươu trong phòng đợi, kỷ niệm của ông chú Adolphe của tôi, đĩa đựng bột cho bà nội (bằng sứ và bạc mạ vàng), hàm răng giả để thay đổi của bố bỏ quên trong toa lét, cái tràng kỷ đặt phòng khách, màu đen và hồng. Cuối cùng, trong ngăn kéo bên trái của bàn làm việc mà chìa khóa kèm theo đây có:
“Trang viết đầu tiên của anh trai tôi, những lá thư của bố gửi cho mẹ trong đợt bố đi chữa bệnh ở Vittel năm 1924 (những bức thư này được buộc lại bằng một dải lụa hồng), tất cả các bức chân dung của chúng tôi.”
Cô ta đọc trong bầu không khí im lặng tang tóc. Dưới lớp voan của mình, bà Perrin khe khẽ khóc.
- Thật là khổ, thật là khổ khi nhìn thấy những vật mà ta quý trọng biết bao bị tước mất... Tôi xin cô, Lucile thân mến ơi, đừng bỏ qua bất cứ cố gắng nào nhé. Hãy trổ tài thuyết phục, hãy khéo léo...
Lucile nhìn mẹ chồng.
- Gã... gã quân nhân ấy vẫn chưa về, - bà Angellier khó nhọc mở miệng nói. - Cô sẽ không gặp hắn tối nay, Lucile ạ, muộn quá rồi, nhưng ngay từ sáng mai cô có thể nói chuyện với hắn và xin hắn giúp đỡ.
- Vâng. Con sẽ làm như thế.
Bà Perrin kéo Lucile vào người mình bằng đôi bàn tay đeo găng đen.
- Cám ơn, cám ơn! Con gái thân mến... Bây giờ thì chúng tôi xin rút lui.
- Các vị dùng đồ giải khát đã rồi hãy về, - bà Angellier nói.
- Ồ! các vị ơi, chúng tôi sẽ làm phiền các vị mất...
- Bà cứ đùa thôi...
Tiếng thì thào khe khẽ và lịch sự vang lên xung quanh bình nước cam và những chiếc bánh quy bơ mà bà Marthe vừa mang ra. Đã hơi bình tâm trở lại, các quý bà ngồi nói chuyện chiến tranh. Họ sợ nước Đức thắng, họ cũng chẳng muốn nước Anh thắng. Tóm lại, họ muốn cả thế giới đều bại trận. Họ kết tội tinh thần hưởng thụ thống trị trong dân chúng là nguyên nhân dẫn đến mọi tai họa của họ. Rồi cuộc chuyện trò trở nên có tính chất riêng tư. Bà Perrin và bà Angellier nói về bệnh tật của mình. Bà Perrin nói hồi lâu về cơn thấp khớp mới nhất của bà, bà Angellier sốt ruột ngồi nghe, và khi bà Perrin vừa dừng lại nghỉ lấy hơi, bà bèn nói: “Cũng giống như tôi...” và kể về cơn thấp khớp của chính bà.
Các con gái của bà Perrin kín đáo ăn bánh quy bơ. Bên ngoài, mưa rơi.