Bản giao hưởng Pháp - Phần II - Chương 15

15

Khi bà già Angellier và gã người Đức đối mặt nhau, theo bản năng cả hai người đều lui lại, một hành động mà về phía viên sĩ quan có thể coi như một cách tỏ vẻ lịch sự, một mong muốn không quấy rầy bà chủ nhà bằng sự có mặt của mình, và có phần giống như bước né của một con ngựa thuần chủng khi nó nhìn thấy một con rắn viper dưới chân mình, trong khi bà Angellier thậm chí chẳng buồn kiềm chế cơn run rẩy đang rung lắc người mình và bà đứng đờ ra trong cái tư thế khiếp hãi mà việc tiếp xúc với một con thú nguy hiểm và nhơ nhớp có thể gây ra. Nhưng điều đó chỉ diễn ra trong khoảnh khắc: một sự giáo dục tốt được thực thi chính là để sửa chữa những phản xạ bản năng của con người. Viên sĩ quan ưỡn thẳng người hơn, khiến mọi đường nét của hắn đều lộ vẻ cứng rắn, vẻ nghiêm nghị máy móc, hắn nghiêng đầu và dập gót giày (Ồ! Cái lối chào theo kiểu Phổ này - bà Angellier lầm bầm, không nghĩ rằng đối với một người đàn ông sinh ra ở Đông Đức, lối chào này, nói tóm lại, là điều còn thường gặp hơn cả cái hôn tay của một người Ả-rập hay shake-hand của một người Anh). Bà Angellier thì bắt tréo hai bàn tay trước bụng với một cử chỉ giống như một bà xơ khi trông coi một người chết và đứng dậy để chào một thành viên trong gia đình bị nghi ngờ theo thuyết chống giáo quyền, điều đó làm lướt qua trên gương mặt bà những biểu hiện khác nhau: sự kính trọng bề ngoài (“Ông là ông chủ”), sự chê trách (“Nhưng còn ai lạ gì ông, kẻ ngoại đạo là ông!”), sự cam chịu (“Hãy dâng tặng Chúa những nỗi ghê sợ mà chúng ta phải chịu”), và cuối cùng là một sự lóe sáng của niềm vui tàn bạo (“Hãy đợi đấy, anh bạn, mi sẽ bị thiêu đốt dưới địa ngục trong khi ta yên nghỉ trong tim Chúa”), thêm nữa, cái ý nghĩ cuối cùng này lại được thay thế trong đầu óc bà Angellier bằng niềm mong muốn mà bà thầm nhủ trong lòng mỗi lần bà nhìn thấy một thành viên của quân đội chiếm đóng: “Ta hy vọng là chẳng bao lâu nữa hắn sẽ nằm dưới đáy biển Manche”, bởi vào thời kỳ ấy người ta ngờ rằng bọn chúng sẽ thử đánh chiếm nước Anh, lúc nào cũng như sắp xảy ra đến nơi. Lẫn lộn những mong muốn của mình với hiện thực, bà Angellier thậm chí còn tưởng như trông thấy gã người Đức trong hình thù của một kẻ chết đuối xanh mét, trương phềnh, bị sóng biển xô dạt, và chỉ điều đó mới cho phép hắn có lại được vẻ mặt con người, để trên môi hắn thấp thoáng một nụ cười nhợt nhạt, như tia sáng cuối cùng của một thiên thể đang lụi tắt và để hắn trả lời người đối thoại khi người này hỏi thăm sức khỏe của hắn: “Xin cám ơn. Tôi vẫn khỏe trong chừng mực có thể” với một âm điệu bi thảm vang lên trong những từ cuối và có nghĩa là: “trong chừng mực mà tình trạng thảm họa của nước Pháp cho phép.”

Đi phía sau bà Angellier là Lucile. Vào những ngày này, cô lạnh lùng, lơ đãng và khó bảo hơn thường lệ. Cô lặng lẽ cúi đầu khi đi qua gã người Đức, hắn cũng không nói gì, nhưng tưởng là không ai nhìn thấy, hắn đưa mắt dõi theo cô hồi lâu; bà Angellier dường như có mắt ở lưng để bắt quả tang hắn. Không quay đầu lại, bà tức giận thì thào với Lucile: “Đừng chú ý đến hắn. Hắn vẫn còn ở đó.” Bà chỉ thở được thoải mái khi cánh cửa đã khép lại phía sau họ, và lúc ấy bà bèn phóng ánh mắt chết người nhìn cô con dâu: “Hôm nay cô không để kiểu đầu như thường lệ...” hoặc là: “Cô mặc váy mới à? Nó không hợp với cô đâu”, bà khô khan kết luận.

Thế nhưng, mặc cho đôi khi bà cảm thấy căm ghét Lucile, chỉ bởi cô thì ở đây trong khi con trai của bà lại vắng mặt, mặc cho tất cả những gì mà lẽ ra bà có thể đoán được, cảm thấy được, bà vẫn không nghĩ là có thể tồn tại một tình cảm luyến ái giữa con dâu bà và gã người Đức. Dù thế nào đi nữa, người ta vẫn thường suy bụng ta ra bụng người. Chỉ có kẻ keo kiệt mới thấy cái điều khiển mọi người là tính vụ lợi, kẻ dâm ô lại thấy đó là nỗi ám ảnh thèm muốn xác thịt. Đối với bà Angellier, một tên Đức không phải là một con người, đó là một dạng nhân cách hóa của sự tàn bạo, tính đồi bại và lòng hận thù. Việc những người khác có thể suy xét theo một cách khác là điều không thể có được, không thể tin được... Bà không thể hình dung Lucile lại yêu một tên Đức, cũng giống như bà không thể tưởng tượng được sự phối giống giữa một phụ nữ với một con thú hoang đường, như con kỳ lân, con rồng hay con chằn tinh. Bà cũng chẳng cảm thấy gã người Đức yêu Lucile, bà phủ nhận mọi tình cảm con người ở hắn. Bà nghĩ rằng bằng ánh mắt của mình, hắn muốn lăng nhục hơn nữa ngôi nhà Pháp đã bị hắn làm ô uế này, rằng hắn cảm thấy một sự khoái trá hoang dại khi nhìn mẹ và vợ của một tù binh Pháp phải phó thác số phận vào tay hắn. Điều mà bà gọi là “sự thờ ơ” của Lucile làm cho bà khó chịu hơn cả: “Cô ta thử những kiểu đầu mới, cô ta mặc những cái váy mới! Vậy ra cô ta không hiểu rằng tên Đức sẽ tưởng điều đó là vì hắn! Thật là thiếu phẩm cách!” Bà chỉ muốn che mặt Lucile bằng một cái mặt nạ vá khoác lên người cô một cái bao. Bà đau khổ khi nhìn thấy cô đẹp và khỏe mạnh. Tim bà ứa máu: “Trong khi đó thì con trai tôi, con trai tôi của tôi...”

Một hôm, bà có một khoảnh khắc vui sướng khi họ gặp gã người Đức trong tiền sảnh, họ thấy hắn rất nhợt nhạt và cánh tay hắn đeo băng một cách phô trương, theo đánh giá của bà Angellier. Bà phẫn nộ khi nghe thấy Lucile vội vã hỏi, gần như buột miệng:

- Có chuyện gì xảy ra với ông vậy, mein Herr?

- Tôi bị ngã ngựa. Một con vật khó tính mà tôi mới cưỡi lần đầu.

- Sắc mặt ông kém lắm, - Lucile nói khi nhìn vẻ mệt mỏi của gã người Đức. - Ông đi nằm nghỉ đi.

- Ồ! Không đâu! Đó chỉ là một vết xước thôi, vả lại...

Hắn ra hiệu cho cô nghe tiếng trung đoàn đang đi ngang qua dưới cửa sổ.

- Tập trận...

- Sao cơ? Vẫn tập trận à?

- Chúng ta đang trong chiến tranh mà, - hắn nói.

Hắn khẽ mỉm cười và sau một cái chào ngắn gọn, hắn biến mất.

- Cô làm cái gì vậy? - bà Angellier kêu lên gay gắt.

Lucile đã kéo rèm cửa lên và đưa mắt dõi theo bọn lính đang đi xa dần.

- Cô không biết phép tắc gì cả nhỉ. Phải để cho bọn Đức diễu qua trước những cửa sổ che rèm và cửa chớp đóng kín chứ... như hồi năm 70...

- Vâng, khi bọn chúng đi vào một thành phố lần đầu tiên thì thế, nhưng vì hầu như ngày nào chúng cũng đi qua các đường phố của chúng ta, nên chúng ta sẽ phải chịu tối tăm suốt đời nếu cứ tuân theo truyền thống từng li từng tý, - Lucile sốt ruột trả lời.

Đó là một buổi tối có giông; một thứ ánh sáng màu lưu huỳnh tràn ngập trên tất cả những gương mặt vênh lên, tất cả những cái miệng để mở mà từ đó tuôn ra một bài hát nhịp nhàng, vang lên khe khẽ, như bị kìm nén, như bị dập đi và sau đó bùng lên thành một dàn hợp xướng u sầu và tuyệt diệu. Dân trong vùng nói:

- Bọn chúng có những bài hát kỳ cục lôi cuốn người ta, nghe cứ như là những bài cầu kinh ấy!

Ở phía mặt trời lặn lóe lên một tia chớp đỏ, dường như nhuộm máu lên những mái đầu đội mũ sắt, cổ quai buộc cằm, những bộ quân phục xanh và viên sĩ quan chỉ huy phân đội kỵ binh kia. Chính bà Angellier cũng kinh ngạc. Bà lẩm bẩm:

- Nếu như đó có thể là một điềm báo...

Những cuộc tập trận kết thúc vào nửa đêm. Lucile nghe thấy tiếng động của cánh cổng dành cho xe qua mở ra và đóng lại. Cô nhận ra những bước chân của viên sĩ quan trên những ô lát ở tiền sảnh. Cô thở dài. Cô không ngủ được. Lại thêm một đêm tồi tệ! Giờ đây tất cả các đêm đều giống nhau: những thao thức nhức nhối và những ác mộng rời rạc... Đến sáu giờ, cô đã dậy. Nhưng điều đó chẳng giải quyết được gì. Điều đó chỉ làm cho ngày dài hơn, trống rỗng hơn.

Bà đầu bếp thông báo cho các bà Angellier biết rằng viên sĩ quan đã trở về và bị ốm, sĩ quan quân y đã đến thăm hắn, thấy hắn bị sốt và đã ra lệnh cho hắn phải nằm yên trong phòng. Đến trưa, hai tên lính Đức xuất hiện với một bữa ăn mà người bị thương không muốn ăn. Hắn tự giam mình trong phòng; hắn không nằm. Người ta nghe thấy hắn đi lại trong phòng, và tiếng giậm chân đơn điệu làm cho bà Angellier khó chịu đến nỗi bà lui về phòng mình ngay sau bữa ăn trưa, trái với thói quen của bà, bởi bình thường thì cho đến tận bốn giờ bà còn tính sổ sách hay đan lát trong phòng ăn, mùa hè thì bên cửa sổ, mùa đông thì bên lò sưởi. Chỉ sau bốn giờ bà mới lên tầng hai nơi có phòng của bà, nơi mà không một tiếng động nào có thể lọt tới. Lúc đó Lucile mới hít thở được cho đến tận khi cô lại nghe thấy một tiếng bước chân nhẹ nhàng đi xuống cầu thang, dường như lang thang trong nhà không chủ định, sau đó biến mất trong không gian hun hút của tầng hai. Đôi khi cô tự hỏi mẹ chồng cô làm gì ở trên đó, trong bóng tối, bởi bà đóng cửa ngoài và cửa sổ và không bật đèn. Như vậy bà không đọc sách. Vả lại bà không bao giờ đọc sách cả. Có lẽ bà tiếp tục đan trong bóng tối! Đó là những chiếc khăn choàng cổ dành cho các tù binh, những dải to và thẳng mà bà đan không nhìn, với một sự chắc chắn gần như mù quáng. Bà có cầu nguyện không? Bà có ngủ không? Bà đi xuống vào lúc bảy giờ, không một sợi tóc nào trong kiểu đầu của bà bị xáo trộn, người bà thẳng và câm lặng trong chiếc váy đen.

Ngày hôm ấy và những ngày tiếp theo, Lucile nghe thấy bà vặn một vòng khóa cửa phòng mình, rồi không có gì nữa; ngôi nhà dường như đã chết; chỉ có tiếng bước chân đều đặn của gã người Đức phá vỡ sự im lặng. Nhưng nó không bay tới được tai bà Angellier, yên ổn sau những bức tường dày, sau những bức trướng bóp nghẹt mọi tiếng động. Đó là một gian phòng rộng tối tăm và chất đầy đồ đạc. Bà Angellier bắt đầu bằng việc làm cho nó còn tối thêm nữa bằng cách đóng các tấm cửa ngoài và kéo rèm cửa lại, sau đó bà ngồi vào một chiếc ghế bành to bọc vải xanh lá cây; bà bắt tréo hai bàn tay trong suốt của mình trên đầu gối. Bà nhắm mắt lại; thỉnh thoảng trên má bà chảy một vài giọt nước mắt hiếm hoi và lấp lánh, những giọt nước mắt của tuổi già dường như rỉ ra vì hối tiếc, như thể tuổi tác cuối cùng đã thừa nhận sự vô ích, hão huyền của mọi tiếng kêu than. Bà lau những giọt nước mắt ấy bằng cử chỉ gần như dữ tợn. Bà vươn thẳng người, bà tự nói với chính mình, khe khẽ. Bà nói: “Lại đây nào, con chưa mệt sao? Con lại còn chạy sau bữa ăn trưa nữa chứ, khi thức ăn còn chưa tiêu gì cả; con nhễ nhại mồ hôi đây này. Nào, ra đây, Gaston, mang cái ghế đẩu nhỏ của con ra. Con ngồi đây nhé, cạnh mẹ. Lại đây, mẹ cho con đọc nào. Nhưng con có thể nghỉ một lát cũng được, con có thể đặt cái đầu nhỏ của con lên đầu gối mẹ,” bà nói, và dịu dàng, âu yếm, bà vuốt những lọn tóc xoăn tưởng tượng.

Đó không phải là cơn mê sảng, cũng chẳng phải là sự bắt đầu của bệnh điên; chưa bao giờ bà sáng suốt một cách nghiệt ngã và có ý thức về bản thân mình hơn thế, nhưng đó là một kiểu đóng kịch tự nguyện, cách duy nhất đem lại được cho bà đôi chút nhẹ nhõm giống như tác dụng của rượu hoặc moóc-phin. Trong bóng tối, trong im lặng, bà tái tạo lại quá khứ; bà khai quật những khoảnh khắc mà chính bà từng tưởng rằng đã bị lãng quên mãi mãi; bà đào bới lên những kho báu; bà tìm lại được những lời nói nào đó của con trai bà, những âm điệu nào đó trong giọng nói của nó, những cử chỉ nào đó của đôi bàn tay nhỏ của nó, đôi bàn tay mũm mĩm của đứa bé con mà, quả thực, chỉ trong một giây, đã xóa bỏ được thời gian. Đó không còn là trí tưởng tượng nữa mà là chính hiện thực đã được trả lại cho bà trong cái phần bất diệt của nó, bởi lẽ không gì có thể khiến cho tất cả những điều đó không xảy ra được. Sự vắng mặt, thậm chí cả cái chết nữa, cũng không có khả năng xóa nhòa quá khứ; một cái tạp dề màu hồng mà con trai bà đã từng đeo, cử chỉ của nó khi nó vừa khóc vừa chìa ra cho bà bàn tay mình bị cây tầm ma đâm phải, tất cả những thứ đó đã từng tồn tại và bà có quyền hạn, một khi bà còn sống, làm cho nó tồn tại trở lại. Chỉ cần có sự cô đơn, bóng tối, và những đồ đạc xung quanh bà đây, những vật mà con trai bà đã từng biết. Bà thay đổi những ảo giác của mình theo ý thích riêng. Bà không bằng lòng với quá khứ; bà tính trước cả tương lai! Bà thay đổi hiện tại theo ý muốn của mình; bà nói dối và tự lừa dối chính mình, nhưng vì những dối trá của bà là sản phẩm của chính bà, nên bà yêu quý chúng. Có những khoảnh khắc ngắn ngủi, bà hạnh phúc. Trong niềm hạnh phúc của bà không còn những giới hạn mà hiện thực áp đặt nữa. Tất cả đều có thể, tất cả đều trong tầm tay bà. Trước hết, chiến tranh đã kết thúc. Đó là xuất phát điểm của giấc mơ, là cái đà nhún để từ đó lao về phía một niềm hạnh phúc lớn vô hạn. Chiến tranh đã kết thúc... Đó là một ngày như mọi ngày khác... Tại sao không phải là ngày mai nhỉ? Bà chẳng biết gì hết đến tận phút cuối cùng; bà đã không đọc báo nữa, bà đã không nghe đài nữa. Điều đó bùng nổ như một cú sét đánh. Một buổi sáng, khi xuống bếp, bà nhìn thấy Marthe, mắt trợn ngược: “Bà chủ không biết à?” Chính bằng cách ấy bà đã biết tin vua Bỉ đầu hàng, Paris bị chiếm, quân Đức đến, đình chiến... Thế thì, tại sao lại không phải là tin hòa bình? Tại sao không? - “Thưa bà, hình như kết thúc rồi! Hình như không có đánh nhau nữa, không có chiến tranh nữa, các tù binh sắp trở về!” Chiến thắng của người Anh hay người Đức thì có gì quan trọng đối với bà! Bà chỉ bận tâm đến con trai bà thôi. Người tái nhợt, môi run rẩy, mắt nhắm, bà vẽ bức tranh trong đầu mình, với sự bộn bề chi tiết mà người ta thường thấy trong tranh của những người điên. Bà thấy từng nếp nhăn nhỏ trên khuôn mặt của Gaston, kiểu đầu của anh, trang phục của anh, những sợi dây buộc đôi giày lính của anh; bà nghe thấy từng sự chuyển biến trong giọng nói của anh. Bà vừa chìa tay ra vừa thì thầm: “Ơ kìa! Vào đi chứ, con không nhận ra nhà của con nữa sao:'”

Lucile sẽ lu mờ trong những khoảnh khắc đầu tiên, khi con trai bà chỉ thuộc về một mình bà. Bà sẽ không lạm dụng những cái hôn và những giọt nước mắt. Bà sẽ bảo làm cho nó một bữa ăn ngon, chuẩn bị buồng tắm cho nó, và ngay lập tức sau đó: “Con biết không, mẹ đã coi sóc công việc làm ăn của con kỹ lắm. Cái lãnh địa mà con từng nhòm ngó, ở gần Étang-Neû ấy, mẹ lấy được rồi đấy, bây giờ nó là của con. Mẹ cũng đã mua đồng cỏ của nhà Montmort, cái khu vực ở bên cạnh chỗ của nhà mình mà ông tử tước không muốn nhượng cho chúng ta bằng bất cứ giá nào ấy. Về phần mẹ, mẹ đã đợi thời cơ thuận tiện. Mẹ đã có được cái mà mẹ muốn. Con hài lòng chứ? Mẹ đã để vào nơi chắc chắn vàng bạc của con, những đồ kim hoàn của gia đình. Mẹ đã thực hiện mọi thứ, đương đầu với mọi thứ, một mình. Chứ nếu phải trông cậy vào vợ con thì... Có phải mẹ là người bạn duy nhất của con không? Có phải chỉ có mẹ mới hiểu con không? Nhưng đi đi, con trai của mẹ! Đi ra với vợ con đi! Đừng trông đợi nhiều nhặn gì ở cô ta. Đó là một kẻ lạnh lùng và khó bảo. Nhưng có hai mẹ con mình cùng nhau, chúng ta sẽ uốn cô ta theo ý muốn của chúng ta tốt hơn là mẹ làm việc đó một mình, khi cô ta lảng tránh mẹ bằng những lúc im lặng kéo dài. Con thì con có quyền hỏi cô ta: ‘Cô nghĩ gì vậy?’. Con là ông chủ, con có thể đòi hỏi một câu trả lời. Ra với cô ta đi, đi thôi! Hãy lấy của cô ta tất cả những gì thuộc về con: sắc đẹp của cô ta, tuổi trẻ của cô ta... Mẹ nghe nói là ở Dijon... Không nên thế, con của mẹ! Một cô nhân tình làm tốn nhiều tiền lắm. Nhưng xa nhà lâu thế này có lẽ con sẽ yêu hơn ngôi nhà cũ kỹ của chúng ta... Ôi! Những ngày đẹp đẽ, bình yên mà chúng ta sẽ trải qua cùng nhau,” bà Angellier thì thầm. Bà đứng dậy và nhẹ nhàng bước qua gian phòng. Bà cầm một bàn tay tưởng tượng; bà tựa vào một bờ vai mơ ước. “Nào, chúng ta xuống nhà thôi. Trong phòng ăn, mẹ đã bảo làm cho con một bữa ăn nhẹ, con gầy đi đấy, con trai của mẹ. Con phải ăn cho lại sức, đi nào.”

Một cách máy móc bà mở của, đi xuống cầu thang. Phải, tối tối, bà sẽ đi ra khỏi phòng mình như vậy. Bà sẽ bất thần ghé xem các con. Bà sẽ thấy Gaston ngồi trong một chiếc ghế bành cạnh cửa sổ và vợ anh ngồi bên cạnh anh, đang đọc sách cho anh nghe. Đó là nhiệm vụ của cô ta, vai trò của cô ta, là phải giữ chồng, tiêu khiển cho chồng. Hồi con trai bà nghỉ dưỡng sức sau khi trị bệnh thương hàn, Lucile đã đọc báo cho anh nghe. Giọng cô ta dịu dàng và dễ nghe và bản thân bà đôi khi cũng nghe cô ta đọc một cách thích thú. Một chất giọng dịu dàng và trầm... Nhưng có phải bà đang nghe thấy cái giọng đọc đó không? Này, bà đang mơ! Bà đã đẩy giấc mơ quá giới hạn được phép. Bà cứng đờ người, bước vài bước, vào phòng ăn và nhìn thấy trên chiếc ghế bành được đẩy ra cạnh cửa sổ, cánh tay bị thương đặt trên thành ghế, cái tẩu trên miệng, đôi chân đặt trên chiếc ghế đẩu mà hồi bé Gaston vẫn ngồi, bà nhìn thấy, trong bộ quân phục xanh của hắn, kẻ xâm lược, kẻ thù, gã người Đức đang ngồi, và Lucile ngồi cạnh hắn, cất cao giọng đọc một cuốn sách.

Một khoảnh khắc im lặng diễn ra. Cả hai người đứng dậy. Lucile để tuột khỏi tay cuốn sách mà cô đang cầm và quyển sách rơi xuống đất. Viên sĩ quan vội vã nhặt sách lên; hắn đặt cuốn sách lên bàn và nói khẽ:

- Thưa bà, con dâu bà đã vui lòng cho phép tôi tới ngồi cùng với bà ấy một lát.

Bà già tái nhợt đi, cúi đầu.

- Ông là ông chủ.

- Và do tôi nhận được một gói sách mới từ Paris gửi tới, tôi đã tự cho phép mình...

- Ông là ông chủ ở đây, - bà Angellier nhắc lại.

Bà quay người và đi ra. Lucile nghe thấy bà nói với bà đầu bếp:

- Marthe, tôi sẽ không rời khỏi phòng tôi nữa. Chị mang các bữa ăn của tôi lên trên đó cho tôi.

- Hôm nay ạ, thưa bà?

- Hôm nay, ngày mai, và một khi các ngài kia còn ở đây.

Khi bà đã đi xa và người ta không còn nghe thấy tiếng bước chân bà trong không gian hun hút của ngôi nhà nữa:

- Thế thì thật là Thiên đường, - gã người Đức nói khẽ.