Bản giao hưởng Pháp - Phần II - Chương 16
16
Bà tử tước De Montmort mắc chứng khó ngủ; bà có tinh thần thế giới; tất cả những vấn đề lớn lao hiện tại đều có tiếng vọng trong tâm hồn bà. Khi bà nghĩ đến tương lai của chủng tộc da trắng, đến mối quan hệ Pháp-Đức, đến hiểm họa Tam điểm và chủ nghĩa cộng sản, giấc ngủ rời bỏ bà. Những cơn buốt lạnh lan khắp người bà. Bà đứng dậy. Bà đi ra trang viên sau khi trùm lên đầu một tấm khăn lông cũ đã bị sâu gặm nhấm. Bà khinh bỉ việc trang điểm, có thể do bà đã mất hy vọng dùng hiệu quả của một chiếc váy đẹp để sửa chữa một tập hợp các đường nét khá tai hại, - một cái mũi dài đỏ, một thân hình gần như dị dạng, một làn da mụn nhọt, - có thể do một sự kiêu ngạo bẩm sinh thể hiện ở lòng tin vào giá trị hiển nhiên của mình và không thể hình dung nổi là trong mắt của những người khác giá trị đó lại không được nhận ra, thậm chí ngay cả khi nó nằm dưới một cái mũ phớt méo hay một cái áo măng tô bằng len đan (màu rau chân vịt và hoàng yến) mà chị đầu bếp của bà có lẽ cũng phải khiếp sợ gạt bỏ, có thể do coi thường những sự ngẫu nhiên vặt vãnh. “Điều đó thì quan trọng gì hả anh?” bà nhẹ nhàng nói với chồng khi ông trách bà vì đã xuất hiện ở bàn ăn với hai chiếc giày không cùng một đôi. Tuy nhiên, bà từ bỏ sự kiêu ngạo của mình ngay lập tức khi phải điều khiển gia nhân làm việc hay canh gác tài sản.
Trong những lúc khó ngủ, bà vừa đi dạo trong trang viên của mình vừa đọc thơ hoặc bà bước tiếp về phía chuồng gà và kiểm tra ba cái ổ khóa to đùng bảo vệ cửa vào; bà để mắt đến đàn bò cái; từ khi có chiến tranh họ không trồng hoa trên bãi cỏ nữa, mà bầy gia súc qua đêm ở đó, và dưới ánh trăng sáng dịu bà bước dọc vườn rau và đếm những cây ngô giống. Người ta lấy cắp của bà. Trước chiến tranh, việc trồng ngô hầu như không được biết đến ở vùng đất giàu có này, nơi người ta nuôi gia cầm bằng lúa mì và yến mạch. Giờ đây, các nhân viên trưng thu lục lọi các vựa thóc để tìm những bao lúa mì và các bà nội trợ không còn thóc để cho gà ăn nữa. Họ tìm đến lâu đài để xin cây giống, nhưng gia đình Montmort giữ cây giống trước hết là cho mình, rồi sau đó là cho tất cả bạn bè và người quen sống trong vùng. Các nông dân tức giận. “Chúng tôi sẵn sàng trả tiền,” họ nói. Thực ra có khi họ cũng chẳng trả gì cả, nhưng vấn đề không phải là ở đó. Họ lờ mờ cảm thấy điều này; họ đoán là họ vấp phải một sự cấu kết bí mật, một tình đoàn kết giai cấp khiến cho họ và tiền của họ phải đứng sau thú vui được giúp đỡ ông nam tước De Montrefaut hay bà bá tước De Pignepoule. Không mua được, các nông dân bèn lấy. Ở lâu đài không còn những người canh gác nữa; họ đã bị bắt làm tù binh và không có người thay thế; trong vùng thiếu đàn ông. Cũng không thể tìm được công nhân và vật liệu để xây lại những bức tường đổ nát. Các nông dân lẻn vào qua những lỗ hổng, săn bắn trái phép, câu cá trong ao, lấy gà, lấy cây giống cà chua và ngô, tóm lại là tự lấy theo ý thích của mình. Hoàn cảnh của ông De Montmort rất tế nhị. Ông là xã trưởng và một mặt ông không muốn biến những kẻ được ông cai trị thành kẻ thù của ông. Mặt khác, dĩ nhiên ông gắn bó với tài sản của mình. Tuy vậy lẽ ra ông đã chọn cách nhắm mắt làm ngơ nếu như không có vợ ông là người mà vì nguyên tắc đã từ chối mọi sự thỏa hiệp, mọi sự yếu đuối. “Anh chỉ tìm kiếm sự bình yên thôi,” bà gay gắt nói với chồng. “Chính Chúa của chúng ta đã nói: “Ta không đến để mang lại sự bình yên, mà mang lại thanh gươm.”
- “Em không phải là Chúa Jesus,” Amaury trả lời với vẻ cau có, nhưng từ lầu trong gia đình mọi người đã nhất trí rằng bà tử tước mang tâm hồn của thánh tông đồ và những ý kiến của bà có tính tiên tri. Amaury càng thiên về việc tuân theo những nhận định của bà tử tước hơn vì chính bà là người nắm giữ cơ nghiệp của hai vợ chồng và là người tay hòm chìa khóa chặt chẽ. Vậy nên ông trung thành ủng hộ bà và kịch liệt chống lại bọn săn bắn trái phép, chống lại bọn ăn trộm rau quả, chống lại cô giáo không đi lễ nhà thờ và chống lại gã nhân viên bưu điện bị tình nghi thuộc “mặt trận bình dân”, dù rằng anh ta đã dán một cách phô trương lên trên cửa buồng điện thoại một tấm chân dung của thống chế Pétain.
Vậy là bà tử tước đang đi dạo trong trang viên của mình trong một đêm tháng Sáu đẹp trời và ngâm những vần thơ mà bà muốn cho những bé gái được bà che chở ở trường tư thục đọc vào ngày Lễ hội của các bà mẹ. Bà những muốn tự sáng tác các vần thơ đó; nhưng vốn có khiếu văn xuôi (khi viết văn xuôi, những ý tưởng dồn dập kéo tới trong bà mạnh mẽ đến nỗi bà thường phải đặt bút xuống và nhúng tay vào nước lạnh để làm hạ máu đang bốc lên đầu bà), bà lại không có khiếu như vậy về thơ. Sự gò bó về vần điệu thật khó chịu. Bà bèn quyết định thay thế bài thơ mà bà đã muốn làm để ca ngợi người mẹ Pháp bằng một bài tụng bằng văn xuôi: “Ôi mẹ!” Một nữ sinh lớp bé, mặc đồ trắng và cầm một bó hoa đồng nội trên tay sẽ đọc: “Ôi mẹ! Nhìn gương mặt dịu dàng của mẹ nghiêng xuống cái giường nhỏ của con trong khi bên ngoài bão tố gầm rú. Bầu trời tối đen trên thế giới, nhưng một bình minh rực rỡ sẽ bừng lên. Hãy mỉm cười, ôi mẹ dịu hiền! Hãy nhìn, con của mẹ đang đi theo Thống chế, người nắm giữ hòa bình và hạnh phúc trong tay. Hãy cùng con nhập vào vòng tròn vui vẻ mà tất cả trẻ em và tất cả các bà mẹ của nước Pháp làm thành xung quanh vị Trưởng Lão tôn kính, người đem lại cho chúng ta hy vọng!”
Bà De Montmort đọc to những lời này, chúng vang lên trong trang viên tĩnh lặng. Khi cảm hứng xâm chiếm bà, bà không còn làm chủ bản thân được nữa. Bà đi đi lại lại với những bước chân sải dài. Rồi bà buông người xuống lớp rêu ẩm ướt và, khép chặt lại tấm khăn lông quanh đôi vai gầy của mình, bà trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu. Sự trầm tư mặc tưởng ở bà nhanh chóng chuyển thành những đòi hỏi dữ dội đối với quyền được nhìn nhận. Tại sao, một người có khiếu thiên bẩm như bà, lại không có được xung quanh mình cả sự ngưỡng mộ nồng nhiệt lẫn tình yêu? Tại sao bà lại được cưới làm vợ chỉ vì tiền? Tại sao bà lại không được lòng dân? Khi bà đi ngang qua thị trấn, bọn trẻ con trốn đi hoặc cười khẩy sau lưng bà. Bà biết rằng người ta gọi bà là “mụ điên”. Thật là khó chịu khi bị ghét, mà bà thì đã đổ ra biết bao nhiêu khó nhọc vì các nông dân chứ... Thư viện (nhưng những quyển sách được lựa chọn với, yêu thương ấy, những sách báo bổ ích nâng cao tâm hồn ấy lại khiến họ lạnh nhạt; các cô gái đòi đọc tiểu thuyết của Maurice Dekobra cơ, cái thế hệ này thật là...), những bộ phim giáo dục (cũng chẳng có mấy thành công...), một ngày hội hàng năm tổ chức trong trang viên, với một buổi biểu diễn do các học sinh trường tư thục dàn dựng, nhưng vọng đến tai bà lại là những lời chỉ trích gay gắt. Người ta oán giận bà vì khi thời tiết không cho phép vui chơi dưới bóng cây thì chỗ ngồi bị xếp vào ga ra. Những con người ấy còn đòi hỏi cái gì nào? Chả lẽ bà lại cho họ vào trong lâu đài à? Họ sẽ là những người đầu tiên cảm thấy ngượng nghịu nếu vào trong đó. A! Cái tư tưởng mới ấy, cái tư tưởng tồi tệ đang lan tràn trên nước Pháp ấy! Bà là người duy nhất biết nhận ra nó và đặt cho nó một cái tên. Dân chúng đã trở thành bônsêvich. Bà đã tưởng rằng việc bại trận sẽ bổ ích đối với dân chúng, sẽ kéo họ ra khỏi những sai lầm nguy hiểm của họ, sẽ buộc họ lại phải tôn trọng những người lãnh đạo của mình, nhưng không! Họ còn tồi tệ hơn bao giờ hết!
Đôi khi bà, một người yêu nước nồng nhiệt, đã phải đi đến chỗ lấy làm mừng về sự có mặt của kẻ thù, bà nghĩ như vậy khi nghe thấy trên con đường chạy ven khuôn viên tiếng bước chân của những tên lính gác Đức. Bọn chúng đi khắp vùng suốt đêm, thành những toán bốn người; người ta đồng thời nghe thấy tiếng chuông nhà thờ, cái âm thanh êm dịu và thân thuộc ru mọi người trong giấc ngủ, và tiếng bốt nện, tiếng vũ khí lách cách, như trong sân của một nhà tù. Phải, bà tử tước De Montmort đã đi đến chỗ phải tự hỏi rằng liệu có nên cám ơn Đức Chúa đã cho phép quân Đức vào nước Pháp hay không? Không phải vì bà yêu quý bọn chúng đâu, lạy Chúa! Bà không thể chịu đựng được chúng, nhưng thiếu chúng thì... ai biết được?... Amaury đã uổng công nói với bà rằng: “Dân ở đây mà là cộng sản à? Nhưng họ giàu hơn em đấy...” Đó không chỉ là vấn đề tiền bạc hay đất đai, mà còn là, mà đặc biệt là vấn đề thiên kiến. Bà lờ mờ cảm thấy điều đó mà không giải thích được. có thể họ chỉ có một khái niệm mơ hồ về cái thực sự là chủ nghĩa cộng sản, nhưng nó vuốt ve ước muốn bình đẳng của họ, cái ước muốn mà việc sỏ hữu tiền bạc hay đất đai chỉ làm tăng thêm chú không thỏa mãn được. Họ thấy điều đó thật “đểu”, theo cách nói của họ, khi có tài sản là một bầy gia súc, có thể trả tiền học trung học cho các con trai và mua tất lụa cho các con gái của họ, vậy mà, vẫn cảm thấy mình thấp kém hơn gia đình Montmort. Các nông dân cho là người ta không bao giờ tỏ ra tôn trọng họ đúng mức, nhất là từ khi ông tử tước làm xã trưởng... Ông nông dân già giữ chức này trước ông tử tước thì xưng hô mày tao chi tớ với tất cả mọi người, ông ta keo kiệt, thô lỗ, nghiệt ngã, ông ta chửi rủa những người được ông ta cai trị... người ta bỏ qua cho ông ta tất cả! Thế nhưng họ lại chê trách tử tước De Montmort là tỏ ra kiêu ngạo và điều đó thì không tha thứ được... Các nông dân tưởng rằng tử tước sẽ đứng dậy khi nhìn thấy họ đi vào tòa thị chính chăng? Rằng ông sẽ tiễn họ ra tận cửa hay sao? Họ không chịu đựng được bất cứ ưu thế nào, cả ưu thế về dòng dõi lẫn ưu thế về tài sản. Nói gì thì nói, người Đức đúng là xứng đáng được kính trọng. Đó là một dân tộc có kỷ luật, thuần phục, bà De Montmort nghĩ khi lắng nghe một cách gần như thích thú tiếng bước chân đều đặn đang xa dần, và cái giọng nói khàn khàn hô lên Achtung ở phía xa... Được sở hữu những vùng đất rộng ở Đức hẳn là dễ chịu, trong khi ở đây thì...
Những mối bận tâm khiến bà bứt rứt. Tuy vậy đêm đã khuya và bà đang định về nhà, thì bà nhìn thấy, - bà tưởng như nhìn thấy, - một bóng người men theo bờ tường, cúi thấp xuống, biến mất ở phía vườn rau. Cuối cùng, bà đã bắt quả tang một trong những tên trộm ngô. Bà sướng run lên. Điều đặc biệt là bà không hề sợ một giây phút nào. Amaury sợ những trò tồi tệ, chứ bà thì không... Mối nguy hiểm làm thức dậy trong bà sở thích đi săn. Bà đi theo cái bóng bằng cách nép sau những thân cây, nhưng trước đó bà đã thám hiểm chân tường và tìm thấy một đôi giày gỗ giấu dưới lớp rêu. Tên trộm đi giày vải mềm để đỡ gây tiếng ồn. Bà đã sắp xếp để khi hắn từ vườn rau đi ra, hắn thấy bà ngay trước mặt. Hắn quay người đột ngột để bỏ chạy, nhưng bà thét theo hắn bằng một giọng khinh bỉ:
- Tao giữ đôi giày của mày đấy, bạn ạ. Hiến binh sẽ biết cách tìm ra đôi giày này thuộc về ai.
Người đàn ông bèn dừng bước, quay lại chỗ bà và bà nhận ra Benoît Sabarie. Họ đứng mặt đối mặt nhau, trong im lặng.
- Đẹp mặt nhỉ, - cuối cùng bà tử tước nói giọng run lên vì căm ghét.
Bà ghét anh ta. Trong tất cả các nông dân, anh ta là kẻ tỏ ra hỗn xược nhất, cố chấp nhất; về cỏ khô, về gia súc, về hàng rào, về mọi thứ và chẳng về gì cả, lâu đài và trang trại tiến hành một cuộc chiến tranh du kích âm ỉ và liên tục. Bà phẫn nộ nói:
- Thế đấy! Con trai ạ, bây giờ tao đã biết tên trộm rồi, tao sẽ đi báo ông xã trưởng ngay lập tức đây. Mày sẽ không mang cái đó lên thiên đường được đâu!
- Này, tôi thì có mày tao với bà không hả? Cây giống của bà đây này, - Benoît vừa nói vừa ném túm cây xuống đất, chúng tung tóe ra dưới ánh trăng. - Chúng tôi không chịu trả tiền bà à? Bà tưởng chúng tôi không có đủ tiền à? Đã bao lâu rồi chúng tôi xin bà giúp... mà bà có tốn gì mấy đâu... Nhưng không! Bà thích chúng tôi chết cơ.
- Đồ trộm cắp, đồ trộm cắp, đồ trộm cắp! - trong lúc đó bà tử tước thét lên bằng một giọng rất chói tai. - Ông xã trưởng...
- Ê, tôi mặc xác ông xã trưởng! Bà cứ việc đi tìm ông ấy đi. Tôi sẽ nói chuyện thẳng với ông ấy.
- Anh dám nói với tôi bằng cái giọng này à?
- Dân trong vùng đã chán ngấy lên rồi, nếu như bà muốn biết! Các vị có tất cả và các vị giữ tất cả! Rừng của các vị, trái cây của các vị, cá của các vị, thú săn của các vị, gà của các vị, các vị không bán, các vị không nhượng lấy vàng cũng chẳng lấy tiền. Ông xã trưởng đọc những bài diễn văn to tát về việc tương trợ lẫn nhau và vân vân. Đừng có hòng nhé! Lâu đài của các vị, từ tầng hầm đến tầng thượng đều đầy ăm ắp, mọi người biết thế, mọi người đã thấy rồi. Chúng tôi có ăn xin các vị đâu? Nhưng chính đó là điều khiến các vị bực mình đấy, bố thí thì có lẽ các vị còn làm vì các vị thích thú khi được sỉ nhục người nghèo, nhưng khi người ta đến vì một việc bình đẳng: “Tôi trả tiền và tôi mang đi”, thì chẳng có ai nữa. Tại sao bà không muốn bán cho tôi cây giống của bà?
- Đó là việc của tôi, tôi đang ở nhà tôi, tôi cho là thế, đồ hỗn xược!
- Cây ngô này không phải để cho tôi đâu, tôi thề với bà đấy! Tôi thà chết còn hơn phải xin xỏ những loại người như bà. Đó là để cho Louise, chị ấy có chồng bị bắt làm tù binh, để giúp đỡ chị ấy, bởi vì tôi thì tôi giúp đỡ người khác!
- Bằng cách ăn trộm à?
- Nhưng bà muốn chúng tôi làm cái gì khác được cơ chứ? Bà quá nghiệt ngã, quá keo kiệt nữa! Bà muốn chúng tôi làm cái gì khác được cơ chứ? - anh ta giận dữ nhắc lại. - Tôi không phải là người duy nhất lấy các thứ ở chỗ bà. Tất cả những gì mà bà từ chối, không có lý do, chỉ vì độc ác, chúng tôi đều lấy. Và chưa hết đâu. Hãy đợi đến mùa thu! Ông xã trưởng sẽ đi săn với bọn Đức...
- Không đúng như vậy! Đó là một sự dối trá! Ông ấy chưa bao giờ đi săn với bọn Đức cả.
Bà giận dữ giậm chân; bà điên lên vì tức giận. Lại còn cái điều vu khống ngu xuẩn này nữa chứ! Quả thực bọn Đức có mời hai ông bà tham gia vào một cuộc đi săn của bọn chúng hồi mùa đông năm ngoái. Họ đã từ chối nhưng không thể làm gì khác được ngoài việc tham dự vào bữa ăn cuối ngày. Dù vui lòng hay miễn cưỡng, vẫn phải tuân theo chính sách của chính phủ thôi. Thêm nữa, dù sao thì những viên sĩ quan Đức ấy cũng là những người có giáo dục! Điều chia rẽ hay gắn bó con người ta với nhau không phải là ngôn ngữ, luật pháp, phong tục, nguyên tắc, mà là cách cầm dao và dĩa giống nhau!
Benoît tiếp tục nói:
- Đến mùa thu, ông ấy sẽ đi săn với bọn Đức, nhưng tôi thì tôi sẽ trở lại trang viên của ông bà, và tôi sẽ chẳng ngại ngùng gì mà không săn cả thỏ rừng lẫn cáo. Ông bà có thể cho lão quản lý, các bảo vệ và chó đuổi theo tôi! Họ sẽ chẳng tinh ranh được bằng Benoît Sabarie đâu! Họ đã đuổi theo tôi mãi suốt cả mùa đông mà có bắt được tôi đâu!
- Tôi sẽ không đi tìm cả quản lý lẫn bảo vệ đâu, mà tôi sẽ tìm đến người Đức. Những người ấy thì anh sợ, phải không? Anh làm ra vẻ ta đây, nhưng khi thấy một bộ quân phục Đức thì anh ngoan ngoãn ngay!
- Này, tôi đã nhìn thấy chúng sát tận mắt nhé, ở Bỉ và ở tỉnhSomme, cái bọn Boche ấy! Không giống như chồng bà đầu! Ông ấy tham chiến ở đâu ấy nhỉ? Trong các văn phòng, nơi ông ta khiến mọi người lộn tiết!
- Đồ thô bỉ!
- Chalon-sur-Saône là nơi mà chồng bà đã ở, từ tháng chín cho đến ngày bọn Đức tới. Đến lúc đó thì ông ấy bèn chuồn, cuộc chiến của ông ấy như thế đấy!
- Anh là... anh là đồ ghê tởm! Cút đi không thì tôi kêu lên đấy. Cút đi không thì tôi sẽ gọi!
- Đúng đấy, gọi bọn Đức đi! Bà hài lòng lắm vì bọn chúng ở đây hả? Bọn chúng làm cảnh sát, bọn chúng canh gác đất đai cho bà. Bà hãy cầu Chúa cho bọn chúng ở lại lâu bởi đến ngày mà bọn chúng đi khỏi đây...
Anh ta không nói nốt. Anh ta đột ngột giật lấy đôi giày, tang vật mà bà đang cầm trong tay, xỏ chân vào, vượt qua bức tường và biến mất. Gần như ngay lập tức, có tiếng chân của bọn Đức đang đến gần.
“Ồ! Mình thật hy vọng là bọn họ đã tóm được hắn! Mình thật hy vọng là bọn họ đã giết chết hắn!” bà tử tước vừa tự nhủ vừa chạy về phía tòa lâu đài, “Thật là một người kinh khủng! Thật là một cái giống kinh khủng! Thật là những kẻ đê tiện! Nhưng chủ nghĩa bônsêvich là thế đấy, thế đấy! Lạy Chúa! Dân chúng đã trở thành cái thứ gì đây! Cái thời của bố mình, một kẻ săn bắn trộm bị bắt ở trong rừng thì khóc và xin được tha thứ. Dĩ nhiên là người ta tha thứ. Bố, hiện thân của lòng nhân từ, bố quát tháo, la hét, rồi bố bảo cho anh ta một cốc rượu trong bếp... Mình đã thấy điều đó không chỉ một lần trong thời thơ ấu của mình! Nhưng hồi ấy nông dân nghèo cơ. Từ khi họ có tiền, có thể nói là tất cả những bản năng xấu của họ đã thức dậy trong họ.” “Lâu đài đầy ăm ắp từ tầng hầm đến tầng thượng,” bà tức giận nhắc lại. “Ừ đấy! Thế ở nhà họ thì sao? Họ còn giầu hơn chúng ta ấy chứ. Họ muốn cái gì nào? Chính là sự ghen ghét, là những tình cảm thấp kém đã giày vò họ. Cái gã Sabarie này là một người nguy hiểm. Hắn khoe khoang việc đến săn ở chỗ chúng ta! Vậy là hắn vẫn giữ khẩu súng của hắn! Hắn có thể làm mọi việc. Nếu hắn làm một trò xấu, nếu hắn giết một người Đức, cả vùng sẽ phải chịu trách nhiệm về vụ mưu sát và xã trưởng sẽ là người đầu tiên! Chính những người như hắn là những kẻ gây ra mọi tai họa cho chúng ta. Tố cáo hắn là một nghĩa vụ. Mình sẽ làm cho Amaury hiểu điều này, và... nếu cần, đích thân mình sẽ đi đến Bộ Chỉ huy. Hắn lang thang trong rừng ban đêm, coi thường luật lệ, hắn có một khẩu súng, đời hắn thế là thôi rồi!”
Bà lao vào phòng ngủ, đánh thức Amaury, kể cho ông nghe chuyện vừa xảy ra và kết luận:
- Hoàn cảnh chúng ta giờ như thế đó! Người ta đến thách thức em, ăn trộm của em, lăng nhục em ở nhà em! Ồ, tất cả những chuyện đó không là cái gì cả đâu! Chả lẽ những lời chửi rủa của một nông dân lại tác động đến em được hay sao? Nhưng đó là một kẻ nguy hiểm! Hắn ta sẵn sàng làm mọi thứ. Em tin chắc rằng nếu em không nhanh trí im miệng, nếu em gọi quân Đức đang đi ngang qua trên đường, hắn có thể sẽ lao vào họ đấm đá hoặc là...
Bà rú lên một tiếng và tái nhợt đi.
- Hắn có một con dao trong tay. Em đã thấy lưỡi dao lóe lên, em tin chắc đấy! Anh thử tưởng tượng xem điều gì có thể xảy ra sau đó? Vụ giết một người Đức, ban đêm, trong trang viên của chúng ta? Vậy hãy đi mà chứng tỏ rằng anh không liên quan gì cả nhé. Amaury, nghĩa vụ của anh đã được vạch rõ lắm rồi. Cần phải hành động. Kẻ ấy có vũ khí ở nhà hắn bởi vì hắn khoe khoang là đã đi săn suốt mùa đông trong trang viên. Vũ khí! Khi quân Đức đã nói đi nói lại là họ sẽ không dung thứ cho việc đó nữa! Nếu hắn giữ súng ở nhà hắn, đó là vì hắn đang chuẩn bị một trò xấu nào đó, hẳn là một vụ mưu sát! Anh có hiểu không?
Ở thành phố bên cạnh một tên lính Đức đã bị giết và những người có chức có quyền (mà trước hết là thị trưởng) đã bị giam giữ như con tin cho đến khi phát hiện được thủ phạm. Ở một làng nhỏ, cách đây mười một cây số, một cậu bé mười sáu tuổi, say rượu, đã giáng một cú đấm vào một tên lính gác muốn bắt giữ cậu ta sau giờ giới nghiêm. Cậu bé đã bị xử bắn, nhưng đâu phải chỉ có thế! Dù sao đi nữa, nếu như cậu ta tuân theo đúng luật, thì đã chẳng có chuyện gì xảy ra cả, nhưng ông xã trưởng, được coi là phải chịu trách nhiệm về những người mà ông ta cai trị, suýt nữa thì cũng bị xử theo.
- Một cú dao nhíp chứ, - Amaury lầm bầm, nhưng bà vợ không nghe thấy.
- Anh bắt đầu nghĩ, - Amaury vừa nói vừa mặc quần áo với đôi tay run rẩy (đã gần tám giờ), anh bắt đầu nghĩ rằng lẽ ra anh không nên nhận cái chức này.
- Anh sẽ đi kiện lên sở hiến binh chứ?
- Lên sở hiến binh ấy à? Em điên rồi! Cả vùng sẽ chống lại chúng ta! Em biết rằng đối với những kẻ ấy, lấy những thứ mà người ta từ chối nhượng lại cho họ bằng tiền mặt, thì không phải là ăn trộm. Đó là một trò đùa thú vị. Họ sẽ làm cho chúng ta không sóng nổi. Không, anh sẽ đi ngay lập tức đến Bộ Chỉ huy. Anh sẽ đề nghị họ giữ bí mật, điều này chắc họ sẽ làm thôi bởi họ kín đáo và họ sẽ hiểu hoàn cảnh. Người ta sẽ đến lục soát nhà Sabarie, hẳn là họ sẽ tìm thấy một khẩu súng...
- Anh có chắc là họ sẽ tìm được không? Những kẻ ấy...
- Những kẻ ấy cứ tưởng là mình rất ranh ma, nhưng những chỗ cất giấu của họ thì anh biết... Họ khoe khoang ở các quán rượu, sau khi uống rượu... Đó là tầng nóc, tầng hầm hay chuồng lợn. Người ta sẽ bắt gã Benoît, anh sẽ yêu cầu người Đức hứa không trừng phạt hắn nghiêm khắc quá. Hắn sẽ thoát nạn sau vài tháng ngồi tù. Chúng ta sẽ rảnh nợ được với hắn trong thời gian ấy, và sau đó, anh cam đoan với em là hắn sẽ ở yên một chỗ. Người Đức thành thạo trong việc trị những kẻ đó lắm. Nhưng mà bọn họ làm sao vậy - đột nhiên ông tử tước kêu lên đúng lúc đang mặc áo sơ mi, những vạt áo đập vào đôi chân trần của ông, - nhưng họ có cái gì trong bụng vậy? Tại sao họ không thể yên đi? Người ta yêu cầu họ cái gì nhỉ? Im mồm, yên lặng. Nhưng không! Họ cãi lại, họ bắt bẻ, họ làm ra vẻ ta đây. Họ được lợi gì khi làm thế, anh hỏi em? Chúng ta đã thua trận, có phải không nào? Chúng ta chỉ còn cách phục tùng thôi. Có thể nói họ cố tình làm thế để gây rắc rối cho anh. Cố gắng hết sức, anh đã có được quan hệ tốt với người Đức. Thử nghĩ xem chúng ta không phải chứa chấp một người Đức nào ở lâu đài cả. Đó là một đặc ân lớn. Và rồi đối với vùng này thì... anh làm cái mà anh có thể làm cho nó... anh mất ngủ vì điều đó... Người Đức tỏ ra đứng đắn đối với tất cả mọi người. Họ chào phụ nữ, họ âu yếm trẻ con. Họ trả tiền mặt. Thế nhưng, không đâu! Thế vẫn còn chưa được! Nhưng người ta muốn cái gì cơ chứ? Muốn họ trả lại Alsace và Lorraine à? Muốn họ tự gia nhập nền Cộng hòa do Léon Blum làm tổng thống à? Hả? Hả?
- Anh đừng cáu kỉnh, Amaury. Nhìn em này, em bình tĩnh. Anh hãy làm nghĩa vụ của mình mà không hy vọng được ban thưởng ở nơi nào khác ngoài trên trời. Hãy tin em đi, Chúa đọc thấu lòng ta.
- Anh biết, anh biết, nhưng dù sao cũng thật khó khăn, - ông tử tước thở dài cay đắng.
Và không dành thời gian để ăn sáng (cổ họng ông nghẹn đến nỗi không thể nuốt lọt được một vụn bánh mì, ông nói với vợ như vậy), ông ra đi và xin được yết kiến, một cách hết sức kín đáo, ở Bộ Chỉ huy.