Bản giao hưởng Pháp - Phần II - Chương 17-18

17

Quân đội Đức đã ban lệnh trưng dụng ngựa: một con ngựa cái thời ấy giá khoảng sáu mươi, bảy mươi ngàn franc; quân Đức trả (hứa trả) một nửa số tiền này. Thời kỳ làm những công việc đồng áng nặng nhọc đang tới gần và các nông dân cay đắng hỏi ông xã trưởng rằng họ làm sao mà xoay xở được:

- Với những cánh tay của chúng tôi à?... Nhưng chúng tôi xin nói cho ông rõ, nếu người ta không để cho chúng tôi làm việc, thì chính các thành phố sẽ chết đói dấy.

- Nhưng, các bạn ơi, tôi thì có làm gì được đâu! - xã trưởng lầm bầm nói.

Các nông dân dù cũng đã biết là quả thực xã trưởng chẳng làm gì được, nhưng trong lòng họ vẫn thầm buộc tội ông ta. “Ông ta thì sẽ xoay xở được thôi, ông ta sẽ thu xếp được, họ sẽ tuyệt nhiên chẳng đụng đến những con ngựa chết tiệt của ông ta đâu!” Mọi thứ đều tồi tệ. Từ hôm trước, một đợt gió bão thổi qua. Các khu vườn đã đầy ứ nước mưa; mưa đá đã tàn phá ruộng đồng. Khi Bruno cưỡi ngựa ra khỏi nhà Angellier, vào buổi sáng, để đi sang thành phố bên cạnh, nơi diễn ra cuộc trưng dụng, hắn nhìn thấy một khung cảnh tan hoang, dập nát vì mưa rào. Những cây đoạn to dọc đường bị lay dữ dội, chúng rên rỉ và gãy răng rắc như những cột buồm. Tuy vậy Bruno lại có cảm giác nhẹ nhõm khi cưỡi ngựa phi nước đại trên đường; bầu không khí lạnh lẽo, khắc nghiệt và tinh khiết này gợi cho hắn nhớ đến khí trời miền Đông Phố. A! Khi nào hắn sẽ được gặp lại những bình nguyên ấy, những thảm cỏ nhạt màu ấy, những đầm nước ấy, vẻ đẹp lạ thường của bầu trời mùa xuân... những mùa xuân muộn màng của các xứ sở phương Bắc... bầu trời màu vàng hổ phách, những đám mây xà cừ, những cây bấc, những cây sậy, những khóm cây bulô hiếm hoi...? Khi nào hắn lại được đi săn diệc và chim mỏ nhát? Hắn gặp trên đường đi của mình những con ngựa và những người dắt ngựa đi, họ từ tất cả các làng, tất cả các thị trấn, tất cả các lãnh địa trong vùng đi lên thành phố. “Những con vật giống tốt,” hắn nghĩ, “nhưng không được chăm sóc tử tế.” Người Pháp, - thực ra là thường dân nào cũng vậy, - chẳng am hiểu gì về ngựa cả.

Hắn dừng lại một lát để cho họ đi qua. Họ đi ngoằn ngoèo thành từng nhóm nhỏ. Bruno chăm chú xem xét lũ vật; hắn tìm trong số đó những con hợp với chiến trận. Phần lớn ngựa sẽ được đưa sang Đức để làm đồng nhưng một vài con sẽ được biết tới những cuộc xung kích dữ dội trên các sa mạc châu Phi hay trên những cánh đồng hoa bia vùng Kent. Chỉ có Chúa mới biết được từ nay cơn gió chiến tranh sẽ thổi về đâu. Bruno nhớ lại tiếng hí của những con ngựa khiếp sợ trong thành phố Rouen bốc lửa. Mưa rơi. Những người nông dân cúi đầu bước đi, họ khẽ ngẩng lên một chút khi nhìn thấy viên kỵ sĩ đứng bất động này, với tấm áo choàng xanh trên vai. Trong khoảnh khắc, ánh mắt họ giao nhau. “Sao họ chậm chạp thế!” Bruno nghĩ. “Sao họ vụng về thế! Họ sẽ tới muộn hai tiếng đồng hồ và khi nào thì chúng ta mới có thể ăn trưa được? Đầu tiên sẽ phải chăm sóc lũ ngựa đã. Nào, đi đi, đi đi chứ,” hắn vừa lẩm bẩm vừa sốt ruột đập cái gậy mềm vào vành bốt, tự kiềm chế để khỏi thét lên hết cỡ các mệnh lệnh như khi tập trận. Những ông già đi qua trước mặt hắn, những đứa trẻ con và thậm chí có cả một vài phụ nữ; những người cùng làng đi cùng nhau. Rồi đến một khoảng trống. Khi ấy, khoảng không gian, sự tĩnh mịch, chỉ được lấp đầy bằng trận gió lồng lộng. Lợi dụng một trong những lúc vắng vẻ như vậy, Bruno thúc ngựa phi nước đại về phía thành phố. Đằng sau hắn, dòng người kiên nhẫn đang được sắp xếp lại. Các nông dân im lặng. Người ta đã lấy đi những người đàn ông trẻ; người ta đã lấy đi bánh mì, lúa mì, bột và khoai tây; người ta đã lấy đi xăng và ô tô, bây giờ thì đến ngựa. Ngày mai sẽ là cái gì? Một số người trong bọn họ lên đường từ lúc nửa đêm. Họ bước đi đầu cúi thấp, lưng còng xuống, gương mặt khó hiểu. Họ đã uổng công nói với xã trưởng rằng thế là hết rồi, họ sẽ không làm gì nữa đâu, họ biết rõ là công việc cần phải được kết thúc, mùa màng phải được thu hoạch. Cũng phải ăn chứ. “Vậy mà chúng ta đã từng thật sung sướng...” họ nghĩ. “Bọn Đức... một lũ bò... Cũng nên công bằng... Đó là chiến tranh... dù sao đi nữa, nó có còn kéo dài nữa không, lạy Chúa? Nó có còn kéo dài nữa không?” Những người nông dân vừa nói lầm rầm vừa nhìn bầu trời giông bão.

Dưới cửa sổ của Lucile, ngựa và người đi qua suốt ngày. Cô bịt tai lại để không phải nghe thấy những tiếng động đó nữa. Cô không muốn biết gì nữa. Những cảnh tượng chiến tranh ấy, những hình ảnh u ám ấy đã đủ lắm rồi! Nó làm cô rối trí, nó vò xé trái tim cô, nó không cho phép cô được hạnh phúc. Hạnh phúc, trời ơi! “Ừ thì chiến tranh,” cô tự nhủ, “ừ thì các tù binh, các quả phụ, sự khốn khổ, sự đói nghèo, cuộc chiếm đóng. Thế thì sao? Tôi chẳng làm gì xấu cả. Đó là người bạn có thái độ tôn trọng nhất, những cuốn sách, âm nhạc, những cuộc nói chuyện dài của chúng tôi, những cuộc dạo chơi của chúng tôi trong các khu rừng Maie... Điều làm cho bọn họ có tội, đó là cái tư tưởng về chiến tranh, về cái thảm họa thế giới ấy. Nhưng anh ấy không chịu trách nhiệm về điều đó hơn tôi! Đó không phải là lỗi của chúng tôi. Hãy để cho chúng tôi yên... Hãy để mặc chúng tôi!” Đôi khi cô khiếp sợ và thậm chí sửng sốt khi cảm thấy trong lòng mình có một sự nổi loạn như vậy - chống lại chồng cô, mẹ chồng cô, dư luận quần chúng, cái “tinh thần bầy đàn” mà Bruno đã nói. Bầy ong rù rù, độc hại, tuân theo những mục đích không rõ ràng... Cô căm thù nó... “Họ cứ việc đi đến chỗ nào họ muốn; tôi thì tôi sẽ làm điều mà tôi muốn. Tôi muốn được tự do. Tôi đòi hỏi thứ tự do bên ngoài, cái quyền được tự do đi lại, được rời bỏ ngôi nhà này (dù rằng đó sẽ là một hạnh phúc không thể tưởng tượng nổi!), ít hơn là quyền được tự do nội tại, được chọn hướng đi cho mình, được kiên định với điều đó, không đi theo bầy đàn. Tôi căm thù cái tinh thần cộng đồng mà người ta nói đến nhàm tai chúng tôi. Người Đức, người Pháp, những người theo De Gaulle đều đồng tình về một điểm: cần phải sống, suy nghĩ, yêu thương cùng những người khác, tùy thuộc vào một Nhà nước, một vùng, một đảng. Ồ, trời ơi! Tôi không muốn thế! Tôi là một người đàn bà tội nghiệp vô tích sự; tôi không biết gì cả nhưng tôi muốn được tự do! Chúng ta đang trở thành nô lệ,” cô vẫn nghĩ tiếp. “Chiến tranh đưa chúng ta đến chỗ này hay chỗ khác, tước đi của chúng ta cuộc sống dễ chịu, lấy mất miếng bánh mì khỏi miệng chúng ta; ít nhất hãy để cho tôi có quyền được phán xét số phận của tôi, được coi thường nó, được thách thức nó, được lẩn tránh nó nếu như tôi có thể. Một kẻ nô lệ? Như thế còn hơn là một con chó cứ tưởng mình tự do khi nó chạy lon ton theo chủ. Thậm chí họ không ý thức được về thân phận nô lệ của họ,” cô tự nhủ khi nghe tiếng ồn của người và ngựa, “và tôi, tôi sẽ giống họ nếu như lòng thương hại, tình đoàn kết, ‘tinh thần bầy đàn’ bắt buộc tôi phải xua đuổi hạnh phúc.” Cái tình bạn giữa cô và anh chàng người Đức ấy, cái bí mật được che giấu ấy, một thế giới thầm kín giữa lòng ngôi nhà thù địch, sao mà êm đềm vậy, trời ơi! Lúc này cô tự cảm chấy mình là một con người, kiêu hãnh và tự do. Cô không cho phép kẻ khác lấn sang cái chỗ là địa phận của riêng cô. “Không ai cả! Chuyện này không liên quan đến ai cả! Họ cứ việc đánh nhau, họ cứ việc thù ghét nhau! Dù cho bố anh ấy và bố tôi ngày xưa đã từng đánh nhau! Dù cho chính tay anh ấy đã bắt chồng tôi làm tù binh (ý nghĩ vẫn ám ảnh bà mẹ chồng tội nghiệp của tôi)! Thế thì sao nào? Anh ấy và tôi, chúng tôi là bạn.” Bạn? Cô đi qua tiền sảnh tối tăm; cô đến gần tám gương đặt trên chiếc tủ, một cái gương được đặt trong khung gỗ màu đen; cô nhìn đôi mai sẫm màu và cái miệng run run của mình; cô mỉm cười. “Bạn à? Anh ấy yêu mình,” cô thì thầm. Cô ghé sát môi vào tấm gương và khẽ hôn lên bóng mình. “Đúng thế đấy, anh ấy yêu cô. Cái gã chồng đã lừa dối cô, đã bỏ rơi cô ấy, cô chẳng nợ nần gì anh ta hết. Anh ta bị cầm tù, chồng cô bị cầm tù và cô lại để cho một người Đức đến gần cô, chiếm chỗ của người vắng mặt ư? Đúng thế đấy! Thế thì sao nào? Người vắng mặt, người bị cầm tù, người chồng, tôi chưa từng bao giờ yêu anh ta cả. Anh ta cứ việc chết đi! Anh ta cứ việc biến đi! Nhưng này, hãy nghĩ xem,” cô tiếp tục nói, trán áp vào tấm gương, và cô cảm thấy như đang thực sự nói chuyện với một phần của chính mình cho đến lúc đó vẫn còn xa lạ, vẫn như vô hình, và lần đầu tiên cô nhận ra một phụ nữ mắt nâu, đôi môi thanh tú run rẩy, đôi má đỏ lựng, là cô và không hẳn là cô... “Nào, hãy suy nghĩ... lý trí... tiếng nói của lý trí... cô là một phụ nữ Pháp có lý trí... chuyện đó sẽ dẫn cô tới đâu, tất cả những chuyện đó? Anh ấy là người lính, anh ấy đã có vợ, anh ấy sẽ ra đi; chuyện đó sẽ dẫn cô tới đâu? Thế nào, khi đó chỉ là một khoảnh khắc hạnh phúc? Thậm chí chẳng phải là hạnh phúc, là khoái lạc? Nhưng cô có biết đó là cái gì không chứ?” Việc tự ngắm hình ảnh mình trong gương cuốn hút cô; nó làm cô thích thú và làm cô sợ.

Cô nghe thấy tiếng bước chân của bà đầu bếp ở chỗ chứa đồ ăn dự trữ gần tiền sảnh; cô có một cử động hốt hoảng và cô liền vơ vẩn bước đi trong nhà. Ngôi nhà trống rỗng mênh mông quá, trời ơi! Mẹ chồng cô, như đã hứa, không rời khỏi phòng bà nữa; người ta mang các bữa ăn của bà lên trên đó, nhưng ngay cả khi bà vắng mặt mọi người vẫn tưởng như nhìn thấy bà. Ngôi nhà này là hình ảnh phản chiếu của bản thân bà, cái phần thực nhất của con người bà, cũng như cái phần thực nhất của Lucile là người phụ nữ trẻ mảnh mai, đang yêu, táo bạo, vui vẻ, tuyệt vọng vừa mới mỉm cười với cô trong tấm gương khung đen ấy... (cô ấy đã biến mất, cô ấy chỉ để lại một cái bóng không sinh khí, là cái cô Lucile Angellier đang đi vơ vẩn qua các căn phòng, dán gương mặt mình vào các tấm kính, máy móc đặt lại vào đúng chỗ những đồ vật xấu xí và vô tích sự bày trên lò sưởi). Thời tiết thật kỳ lạ! Không khí nặng nề, bầu trời xám xịt. Những cây đoạn đang nở hoa bị những trận cuồng phong buốt lạnh làm rung lên. “Giá có một căn phòng, một ngôi nhà của riêng mình,” Lucile nghĩ, “một căn phòng hoàn hảo, gần như để mộc, một chiếc đèn xinh xắn... Nếu như mình đóng những cánh cửa ở đây, nếu như mình bật đèn điện để khỏi phải nhìn thời tiết này! Bà Marthe sẽ đến hỏi xem mình có bị ốm không; bà ấy sẽ báo cho mẹ chồng mình, mẹ chồng mình sẽ bảo tắt đèn đi và kéo rèm cửa ra vì điện đắt lắm. Mình không thể chơi đàn dương cầm được: như thế sẽ là một sự xúc phạm đến người vắng mặt. Mình muốn đi vào rừng lắm mặc dù trời mưa, nhưng tất cả mọi người sẽ biết chuyện đó. Người ta sẽ bảo: ‘Lucile Angellier đã phát điên rồi.’ Thế là đủ để nhốt một phụ nữ lại ở một vùng như vùng của chúng ta.” Cô cười khi nhớ tới một cô gái trẻ mà cô đã được nghe kể chuyện, rằng bố mẹ cô ta đã nhốt cô ta lại trong một viện tâm thần tư nhân vì những buổi tối sáng trăng cô ta thường bỏ trốn và chạy ra tận bờ ao. “Với một thằng con trai, điều đó có thể hiểu được! Đó là cách cư xử xấu... Nhưng con gái mà chỉ đi một mình? Cô ta điên rồi...” Cái ao, ban đêm... cái ao dưới trời mưa như trút nước thế này. Ồ! Đi đâu cũng được, xa khỏi nơi đây... Ở ngoài kia... Những con ngựa ấy, những người đàn ông ấy, những cái lưng tội nghiệp còng xuống và cam chịu ấy dưới mưa rào! Cô dứt khoát rời xa cửa sổ; dù cho cô cố tự nhủ: “Chẳng có gì chung giữa họ và mình”, cô vẫn cảm thấy sự hiện diện của một mối liên hệ vô hình.

Cô bước vào phòng Bruno. Cô đã từng lén vào phòng anh ta, tim đập mạnh, không phải chỉ một buổi tối. Anh ta nửa nằm nửa ngồi, mặc nguyên quần áo, trên giường mình; anh ta đọc hoặc viết, mái tóc vàng óng như kim loại của anh ta rực lên dưới ánh đèn. Trong một góc, quẳng trên một chiếc ghế bành là cái đai lưng quân dụng nặng nề với mặt khóa của nó có khắc chữ Gott mit uns, một khẩu súng ngắn màu đen, một chiếc mũ lưỡi trai phẳng và một chiếc áo măng tô to màu xanh hạnh nhân; chiếc măng tô này, anh ta đã cầm lấy nó, và anh ta phủ nó lên đùi Lucile, vì đêm đã trở lạnh từ tuần trước với những cơn giông liên tục. Chỉ có mình họ - họ tưởng như chỉ có mình họ - trong ngôi nhà rộng đang thiêm thiếp ngủ. Không một lời thú nhận, không một nụ hôn, sự im lặng... rồi những cuộc nói chuyện sôi nổi và say mê, trong đó họ nói về những miền quê của từng người, về gia đình họ, về âm nhạc, về sách... Thứ hạnh phúc kỳ lạ mà họ cảm nhận... sự hối hả khám phá trái tim nhau... một sự hối hả của người tình mà bản thân nó đã là một sự dâng hiến, sự dâng hiến đầu tiên, sự dâng hiến tầm hồn trước khi có sự dâng hiến thể xác. “Hãy nhận biết em, hãy nhìn em. Em là như thế này đây. Em đã sống như vậy, em đã yêu như thế. Còn anh? Còn anh thì sao, anh yêu dấu của em?” Nhưng cho đến tận giờ, không có một lời yêu đương. Để làm gì cơ chứ? Những lời nói đó vô ích khi những giọng nói lạc đi, khi những khuôn miệng run rẩy, khi những khoảng im lặng kéo dài ập đến... Nhẹ nhàng, Lucile chạm vào những cuốn sách trên bàn, những cuốn sách Đức với những trang viết bằng kiểu chữ gô-tích trông có vẻ kỳ cục, và gớm ghiếc. Đức; Đức... Một người đàn ông Pháp sẽ chẳng để cho mình bỏ đi như vậy mà không có một cử chỉ yêu đương nào khác ngoài việc hôn tay mình và váy mình...

Cô mỉm cười, khẽ nhún vai; cô biết rằng đó chẳng phải là sự rụt rè lẫn sự lạnh lùng, mà là sự kiên nhẫn sâu sắc và bền bỉ kiểu Đức, nó giống như sự kiên nhẫn của con thú dữ đang đợi thời cơ của nó, đợi con mồi bị thôi miên sẽ tự nộp mình. “Trong chiến tranh,” Bruno kể, “đã có những lúc chúng tôi phải mai phục hàng đêm trong rừng Moeuvre. Lúc ấy, sự chờ đợi có cảm xúc gợi tình...” Cô đã bật cười vì từ này. Đối với cô giờ đây nó ít buồn cười hơn. Hôm nay cô có làm điều gì khác đâu? Cô chờ đợi. Cô chờ đợi anh ta. Cô lượn lờ trong những căn phòng không sinh khí ấy. Hãy còn hai, ba giờ nữa. Rồi đến bữa ăn tối trong cô đơn. Rồi đến tiếng khóa cửa ở phòng mẹ chồng cô. Rồi Marthe cầm đèn lồng đi qua vườn để đóng cửa hàng rào. Rồi lại là sự chờ đợi, cháy bỏng và lạ lùng... và cuối cùng sẽ là tiếng ngựa hí ngoài phố, tiếng lách cách của vũ khí, những mệnh lệnh cho người coi ngựa và người này dắt ngựa đi. Trên ngưỡng cửa, cái tiếng động của đinh thúc ngựa ấy... Rồi trong đêm nay, trong đêm giông bão này, với cơn gió to lạnh lẽo thổi vào những cây đoạn kia và tiếng sấm ầm ì xa xa, cuối cùng cô sẽ nói với anh ta, - ồ! cô không phải là kẻ đạo đức giả, cô sẽ nói với anh ta bằng một thứ tiếng Pháp chuẩn sáng sủa và rõ ràng, - rằng con mồi được thèm muốn giờ là của anh. “Thế còn ngày mai? Ngày mai?” cô thì thầm; một nụ cười tinh nghịch, táo bạo và khoái trá đột nhiên làm gương mặt cô biến đổi, giống như khi ánh lửa hắt vào làm bừng sáng và thay đổi một khuôn mặt. Khi được rọi sáng bởi một đám cháy, những đường nét dịu dàng nhất cũng có vẻ quái quỷ cuốn hút và gây sợ hãi. Cô lẳng lặng rời khỏi phòng.

18

Có người gõ cửa bếp, những tiếng gõ nhỏ và rụt rè, bị tiếng mưa át đi. Bọn trẻ con muốn trú mưa giông, bà đầu bếp nghĩ. Bà nhìn ra và thấy Madeleine Sabarie, đứng trên ngưỡng cửa, tay cầm chiếc ô nước chảy ròng ròng. Bà Marthe nhìn cô một lát, miệng há hốc; dân sống trong các lãnh địa thường chỉ xuống phố vào ngày Chủ nhật để dự những buổi lễ thánh lớn.

- Có chuyện gì xảy ra với thím thế? Vào đây nhanh lên nào. Mọi việc ở nhà thím ổn cả chứ?

- Không! Có một tai họa lớn. Em muốn nói chuyện ngay lập tức với bà chủ, - Madeleine nói khẽ.

- Lạy Chúa! Một tai họa à! Thím muốn nói chuyện với bà Angellier hay với bà Lucile?

Madeleine do dự.

- Với bà Lucile. Nhưng chị đi nhẹ nhàng thôi nhé... Để cho tên Đức chết tiệt kia không biết là em đang ở đây.

- Viên sĩ quan ấy à? Hắn đi trưng dụng ngựa rồi. Thím ra ngồi cạnh lò sưởi đi, thím ướt nhẹp rồi kìa. Chị sẽ đi tìm bà chủ.

Lucile đang kết thúc bữa ăn đơn độc. Một cuốn sách mở đặt trước mặt cô, trên chiếc khăn trải bàn. “Cô gái tội nghiệp,” bà Marthe tự nói với mình trong một thoáng sáng suốt bất chợt. “Sống như thế đối với cô ấy có phải là sống không... Một cô thì vắng chồng đã hai năm rồi... Cô kia thì... Có thể có tai họa gì nữa chứ? Chắc lại là một cú của bọn Đức rồi!”

Bà nói với Lucile rằng có người hồi cồ.

- Madeleine Sabarie, thưa bà chủ. Cô ấy gặp phải một tai họa lớn... Cô ấy muốn không ai nhìn thấy cô ấy cả.

- Đưa cô ấy vào đây! Người Đức... Trung úy von Falk chưa về chứ?

- Chưa đâu, thưa bà. Tôi có thể nghe rõ tiếng ngựa về. Tôi sẽ báo cho bà chủ.

- Phải, thế nhé. Bà đi đi.

Lucile chờ, tim đập mạnh. Madeleine Sabarie, mặt tái mét, thở hổn hển, bước vào phòng. Tính e thẹn và sự thận trọng của người nông dần giằng xé trong cô với một cảm xúc làm cô xáo động; cô bắt tay Lucile, khẽ nói theo lối xã giao thông thường: “Tôi không làm phiền bà chứ ạ?” và “Ở nhà bà mọi việc ổn cả chứ ạ?”, rồi cô vừa nói thật khẽ, vừa cố hết sức kìm nước mắt, bởi nguời ta không khóc trước mặt mọi người, trừ khi ở bên giường một người chết... còn lại thì phải kiềm chế, phải che giấu người khác một nỗi đau khổ cũng như một niềm vui quá lớn...

- Ôi! Thưa bà Lucile! Biết làm gì đây? Tôi đến để xin bà lời khuyên vì rằng chúng tôi, chúng tôi không biết phải làm gì nữa. Sáng nay bọn Đức đã đến bắt Benoît.

Lucile kêu thốt lên một tiếng.

- Nhưng tại sao?

- Mượn cớ là anh ấy có giấu một khẩu súng. Như tất cả mọi người thôi, thực vậy... Nhưng bọn chúng chẳng đến nhà ai cả, chỉ đến mỗi nhà chúng tôi. Benoît bảo “cứ tìm đi”. Bọn chúng đã tìm và đã thấy. Khẩu súng được vùi trong cỏ khô, trong cái máng cũ đựng cỏ cho bò. Tên Đức nhà chúng tôi, cái gã mà chúng tôi cho ở nhà chúng tôi ấy, gã phiên dịch, đang ở trong phòng ăn khi bọn ở Bộ Chỉ huy quay lại với khẩu súng và bảo chồng tôi đi theo chúng. “Đợi một phút đã,” anh ấy nói. “Khẩu súng này không phải của tôi. Một gã hàng xóm đã giấu nó ở đây để sau đó tố cáo tồi. Đưa cho tôi xem rồi tôi sẽ chứng minh cho các ông điều đó.” Anh ấy nói tự nhiên đến nỗi bọn kia không nghi ngờ gì. Benoît nhà tôi lấy khẩu súng, làm ra vẻ xem xét và đùng một cái... Ôi, bà Lucile ơi, hai phát đạn bắn ra cùng một lúc. Một phát anh ấy giết Bonnet và phát kia giết Bubi, con chó-sói to đang ở với Bonnet...

- Tôi biết, tôi biết, - Lucile thì thầm.

- Rồi anh ấy nhảy qua cửa sổ phòng ăn và biến mất, bọn Đức chạy theo sau... Nhưng anh ấy biết vùng này rõ hơn bọn chúng, thực vậy! Bọn chúng không thể tìm được anh ấy. Cơn giông to đến nỗi cách hai bước là chẳng nhìn thấy gì nữa, may quá. Bonnet thì người ta đã chuyển lên giường của tôi. Nếu bọn chúng tìm thấy Benoît, bọn chúng sẽ xử bắn anh ấy. Chỉ riêng với chuyện giấu súng anh ấy có lẽ cũng đã bị xứ bắn rồi! Nhưng chuyện ấy thì còn có thể hy vọng được, chứ như bây giờ thì chúng ta đã biết điều gì đang chờ đợi anh ấy, phải không ạ?

- Tại sao anh ấy lại giết Bonnet?

- Chắc hắn đã tố cáo anh ấy, thưa bà Lucile. Hắn sống ở nhà chúng tôi. Hẳn là hắn đã tìm thấy khẩu súng. Cái bọn Đức ấy, toàn là đồ phản bội! Và tên này... hắn tán tỉnh tôi, bà hiểu chứ... chồng tôi biết điều đó! Có lẽ anh ấy đã muốn trừng trị hắn, có lẽ anh ấy tự nhủ: “Đã phải như thế này thì..., hắn sẽ không ở đây mà lảng vảng quanh vợ mình, trong khi mình vắng mặt.” Có lẽ... Và thêm nữa anh ấy ghét bọn chúng, thưa bà Lucile. Anh ấy mơ ước hạ được một tên.

- Chắc bọn chúng đã tìm anh ấy cả ngày phải không? Chị có tin chắc là bọn chúng vẫn chưa tìm ra anh ấy không?

- Chắc. - Madeleine nói sau một khoảnh khắc im lặng.

- Chị đã gặp anh ấy à?

- Vâng. Đó là chuyện sống hoặc chết đấy, thưa bà Lucile. Bà... bà sẽ không nói gì cả chứ?

- Ồ! Madeleine!

- Vậy đấy! Anh ấy trốn ở nhà chị hàng xóm của chúng tôi, chị Louise, vợ tù binh.

- Bọn chúng sẽ lùng sục trong vùng, bọn chúng sẽ bới tung khắp nơi...

- May thay, hôm nay là ngày trưng dụng ngựa, tất cả các sĩ quan đều đi hết. Bọn lính đợi lệnh. Ngày mai bọn chúng sẽ bới tung cả vùng lên. Nhưng, thưa bà Lucile, trong các lãnh địa không thiếu chỗ trốn đâu. Chúng tôi đã giấu được những tù binh vượt ngục ngay dưới mũi bọn chúng. Chị Louise có thể giấu được anh ấy lắm, nhưng mà thế này, có bọn trẻ con, mà bọn trẻ con thì lại chơi với bọn Đức, bọn nó chẳng sợ gì bọn Đức cả, bọn nó ba hoa, bọn nó cũng còn bé quá để biết nghe lẽ phải. Chị Louise bảo tôi: “Chị biết chị đang liều mạng thế nào. Chị sẵn lòng làm điều đó cho chồng em cũng như em có lẽ sẽ làm vậy cho chồng chị, nhưng một khi đã đành phải thế thì tốt hơn là tìm một ngôi nhà khác mà ta có thể giữ cậu ấy ở lại đó cho đến khi có cơ hội rời khỏi vùng.” Bây giờ thì tất cả các con đường đều sẽ bị theo dõi, thực vậy! Nhưng bọn Đức không ở đây mãi mãi đâu. Cái cần thiết, là một ngôi nhà rộng không có trẻ con.

- Ở đây à? - Lucile vừa hỏi vừa nhìn Madeleine.

- Ở đây, vâng, tôi đã nghĩ như vậy...

- Chị biết là có một sĩ quan Đức sống ở nhà chúng tôi chứ?

- Bọn chúng ở khắp nơi.

- Viên sĩ quan chắc chẳng mấy khi rời khỏi phòng hắn phải không ạ? Và tôi nghe người ta nói là... xin bà thứ lỗi, thưa bà Lucile, người ta nói là hắn phải lòng bà và bà muốn làm gì hắn cũng được. Tôi không xúc phạm bà chứ ạ? Đó là những người đàn ông như những người khác thôi, tất nhiên, và bọn chúng buồn chán. Thế thì, nếu như nói với hắn: “Tôi không muốn lính của các ông làm xáo lộn mọi thứ ở đây. Thật là lố bịch. Ông biết rõ là tôi không giấu ai cả. Trước hết tôi lại chẳng sợ phát khiếp lên được ấy chứ...” Những điều mà đàn bà có thể nói ấy. Và thêm nữa trong ngôi nhà rộng như thế này, trống trải như thế này, dễ dàng tìm được một xó xỉnh, một chỗ trốn. Tóm lại, đó là một cơ hội thoát nạn. Đó là cơ hội duy nhất! Bà có thể nói với tôi rằng nếu bà bị phát hiện, bà có thể bị đi tù... thậm chí chết... Với cái bọn súc sinh này thì có thể như vậy. Nhưng nếu người Pháp chúng ta không giúp đỡ lẫn nhau, thì ai sẽ giúp chúng ta? Chị Louise, chị ấy có lũ con mà chị ấy còn không sợ. Bà chỉ có một mình.

- Tôi không sợ, - Lucile chậm rãi nói.

Cô suy nghĩ; ở nhà cô hay ở nơi khác, mối nguy đối với Benoît cũng như nhau. “Đối với chị ta thì sao? Đối với mình thì sao? Cuộc sống của mình? Mình có thiết gì đến nó đâu,” cô nghĩ với nỗi tuyệt vọng bất giác. Quả thực, cái đó chẳng có gì quan trọng cả. Bỗng nhiên cô nhớ lại những ngày tháng Sáu năm 40 (hai năm, đúng hai năm đã trôi qua). Hồi ấy cũng vậy, trong sự hỗn loạn, trong nguy hiểm, cô đã không nghĩ đến bản thân mình. Cô đã để mình bị cuốn đi như bởi một dòng sông chảy xiết. Cô thì thầm:

- Có mẹ chồng tôi, nhưng bà ấy không ra khỏi phòng của bà ấy nữa. Bà ấy sẽ không thấy gì đâu. Có Marthe.

- Ồ! Thưa bà, Marthe là người nhà. Đó là chị họ của chồng tôi. Không có nguy hiểm ở phía đó đâu. Trong gia đình chúng tôi tin tưởng nhau. Nhưng giấu anh ấy ở đâu?

- Tôi đã nghĩ đến căn phòng xanh gần tầng nóc, căn phòng trước đây đựng đồ chơi, nó có một chỗ như hốc kê giường... Vả lại, vả lại, Madeleine tội nghiệp ơi, chị cũng đừng nên hy vọng hão huyền. Bọn chúng sẽ tìm thấy anh ấy ở đây cũng như ở nơi khác nếu như số phận chống lại chúng ta, và nếu như Thượng Đế muốn thì anh ấy sẽ trốn thoát được bọn chúng. Dù sao đi nữa, đã có những vụ ám sát lính Đức ở Pháp mà người ta không bao giờ tìm ra được thủ phạm cả. Cần phải làm những gì mà chúng ta có thể làm để che giấu anh ấy... và... hy vọng, có phải không?

- Vâng, thưa bà, hy vọng... - Madeleine nói trong lúc những giọt nước mắt mà cô không thể kìm giữ được nữa chầm chậm chảy trên má cô.

Lucile nắm lấy vai và ôm cô.

- Nào, đi tìm anh ấy đi. Đi qua rừng Maie ấy. Trời vẫn mưa. Sẽ không có ai ở ngoài đường đâu. Anh chị hãy coi chừng tất cả mọi người, người Pháp cũng như người Đức, hãy tin tôi đi. Tôi sẽ đợi anh chị ở cái cửa nhỏ vào vườn. Tôi sẽ báo cho Marthe biết.

- Cám ơn bà. - Madeleine ấp úng.

- Nào, nhanh lên. Khẩn trương lên.

Madeleine mở cửa không một tiếng động và lẻn ra khu vườn vắng ngắt, ướt đẫm, nơi cây cối đang tuôn nước mắt. Một tiếng đồng hồ sau, Lucile cho Benoît vào qua cánh cửa nhỏ sơn màu xanh lá cây mở về phía rừng Maie. Giông đã hết nhưng một cơn gió điên cuồng vẫn còn đang thổi.