Bản giao hưởng Pháp - Phần II - Chương 19

19

Từ phòng mình, bà già Angellier nghe thấy viên cảnh sát hô to trên quảng trường Tòa Thị chính:

Thông báo

Lệnh của Bộ Chỉ huy

Ở tất cả các cửa sổ đều xuất hiện những gương mặt lo lắng: “Bọn chúng lại còn bày ra trò gì nữa thế?”, mọi người sợ hãi và căm hận nghĩ. Họ sợ bọn Đức đến nỗi ngay cả khi Bộ Chỉ huy, thông qua phát ngôn viên của cảnh sát, quy định phải diệt chuột hoặc tiêm chủng bắt buộc đối với trẻ em, họ cũng chỉ tỏ ra yên tâm khi hồi trống đầu tiên đã hết từ lâu và họ được những người có học vấn, như ông dược sĩ, ông chưởng khế hay viên chỉ huy hiến binh, nhắc lại cho nghe điều mà người ta vừa nói. Họ lo lắng hỏi:

- Chỉ có thế thôi à? Đúng chỉ có thế thôi à? Họ không lấy gì của chúng ta nữa chứ?

Rồi, họ bình tĩnh lại dần dần:

- À ra thế! Được, thế thì được! Nhưng chẳng hiểu bọn họ can thiệp vào làm gì...

Điều đó rất đúng nếu như họ không nói thêm:

- Đó là chuột của chúng ta và con cái của chúng ta chứ. Họ có quyền gì mà đòi diệt bọn này và tiêm chủng bọn kia? Việc đó có liên quan đến họ đâu?

Những tên Đức đang có mặt trên quảng trường thì bình luận mệnh lệnh.

- Bây giờ thì tất cả đều khỏe mạnh nhé, người Pháp cũng như người Đức...

Với vẻ mặt vờ như thuần phục (ôi! những nụ cười nô lệ, bà già Angellier nghĩ), các nông dân vội vã đồng ý:

- Chắc chắn rồi... Như vậy rất tốt... Điều đó có lợi cho tất cả mọi người... Chúng tôi hiểu lắm.

Và khi trở về nhà, mọi người đều vứt thuốc diệt chuột vào bếp lửa, rồi vội vã đi đến bác sĩ yêu cầu không tiêm chủng cho con mình “vì nó vừa mới khỏi bệnh quai bị, vì nó không được khỏe lắm với những thứ đồ ăn thức uống tồi tệ này”. Những người khác nói thẳng: “Chúng tôi lại muốn có một hoặc hai người ốm thì hơn: đôi khi điều đó làm cho bọn Fritz phải bỏ đi!” Chỉ còn lại bọn Đức trên quảng trường, chúng nhìn quanh một cách khoan dung và nghĩ rằng dần dần băng giá sẽ tan đi giữa những kẻ bại trận và bọn chúng.

Tuy nhiên, ngày hôm ấy, không một tên Đức nào mỉm cười, nói chuyện với dân bản xứ. Bọn chúng đứng rất thẳng, hơi nhợt nhạt, ánh mắt nghiệt ngã và bất động. Viên cảnh sát, vui mừng ra mặt vì tầm quan trọng của những lời mà anh ta sắp nói, thêm nữa anh ta lại là một người đàn ông điển trai và là dân miền Nam, luôn luôn sung sướng khi thu hút được sự chú ý của phụ nữ, anh ta đi tới đánh hồi trống cuối cùng; kẹp vào nách hai cái dùi trong của mình và với vẻ duyên dáng và khéo léo của nhà ảo thuật, bằng một giọng nam đẹp, ồ ề, vang lên oang oang trong yên lặng, anh ta đọc:

Một thành viên của quân đội Đức đã trở thành nạn nhân của một vụ khủng bố: một sĩ quan của Wehrmacht đã bị sát hại một cách hèn nhát bởi kẻ có tên là: SABARIE Benoît, trú tại..., xã Bussy.

Tên tội phạm đã chạy thoát. Tất cả những kẻ phạm tội cho hắn ẩn náu, giúp đỡ hoặc bảo vệ hắn hoặc những kẻ biết nơi hắn lẩn trốn mà không báo cho Bộ Chỉ huy trong vòng bốn mươi tám tiếng đồng hổ, sẽ chịu cùng một hình phạt với tên sát nhân, tức là:

SẼ BỊ XỬ BẮN NGAY TỨC KHẮC

Bà Angellier để cửa sổ hé mở; khi viên cảnh sát đã đi xa, bà nghiêng người và nhìn ra quảng trường. Mọi người xì xào, choáng váng vì sững sỡ. Thế đấy! Hôm trước họ chỉ toàn nói chuyện về vụ trưng dụng ngựa, và cái tai họa mới này thêm vào tai họa cũ đã thức dậy trong những đầu óc nông dân chậm chạp này một mối hoài nghi: “Gã Benoît! Gã Benoît mà lại làm việc đó à? Không thể như thế được!” Bí mật đã được giữ cẩn thận: dân thị trấn không biết những chuyện diễn ra ở làng quê, trong các lãnh địa lớn được khư khư canh giữ. Về phần bọn Đức, chúng được biết tình hình rõ hơn. Giờ đây người ta mới hiểu nguyên nhân của cái tiếng ồn ào ấy, của những tiếng còi trong đêm ấy, của lệnh cấm ra đường sau tám giờ tối được ban ra hôm trước: “Chắc bọn chúng đưa xác đi, bọn chúng không muốn người ta nhìn thấy.” Trong các quán cà phê, bọn Đức nói chuyện khe khẽ với nhau. Bọn chúng cũng vậy, bọn chúng cũng có một cảm giác không thực và ghê rợn. Từ ba tháng nay, bọn chúng sống với những người Pháp này, bọn chúng hòa nhập vào với họ; bọn chúng không làm hại gì họ cả; do hết sức cố gắng quan tâm, do cư xử tốt, cuối cùng bọn chúng đã thiết lập được những mối quan hệ con người giữa những kẻ thắng trận và những kẻ bại trận. Giờ đây hành động của một kẻ điên đã khiến cho mọi thứ phải được xem xét lại. Thực ra bản thân vụ ám sát không tác động nhiều đến bọn chúng bằng cái tình đoàn kết ấy, cái sự thông đồng ấy mà bọn chúng cảm thấy xung quanh mình (vì nói tóm lại, để cho một người trốn thoát được một trung đoàn đuổi theo hắn, thì cả một vùng phải giúp đỡ hắn, cho hắn ẩn náu, cho hắn ăn, tất nhiên trừ khi hắn nấp trong rừng - nhưng bọn chúng đã lùng sục trong rừng cả đêm - hoặc điều có vẻ thực hơn, là hắn có thể đã rời khỏi vùng này, nhưng điều đó lại chỉ có thể thực hiện được với sự giúp đỡ tích cực hoặc thụ động của mọi người). “Thế thì mình,” mỗi một tên lính đều nghĩ, “mình được họ tiếp đón, mình được họ mỉm cười, mình được họ dành cho một chỗ ở bàn ăn, mình được họ cho phép bế con cái họ, rồi ngày mai một người Pháp giết mình, và sẽ chẳng có lấy một giọng nói thương xót mình đâu và tất cả mọi người sẽ cố gắng hết sức để che chở tên sát nhân!” Những người nông dân bình thản có vẻ mặt khó hiểu, những người phụ nữ hôm qua mỉm cười với bọn chúng, nói chuyện với bọn chúng và hôm nay, khi đi qua trước mặt chúng, lúng túng, nhìn đi chỗ khác, đó là một đám kẻ thù! Chúng khó mà tin được điều đó; thế nhưng đó lại là những người thật trung hậu... Lacombe, ông thợ giày tuần trước đã tặng bọn Đức một chai rượu vang trắng vì con gái ông vừa thi được bằng tiểu học và ông không biết biểu lộ niềm vui của mình bằng cách nào; Georges, ông chủ cối xay bột, một chiến binh của cuộc chiến trước, đã từng nói: “Hòa bình muôn năm và ai ở nhà nấy! Đó là tất cả những gì mà chúng tôi đây, chúng tôi mong muốn”; những cô gái trẻ lúc nào cũng sẵn sàng cười, hát, để người ta lén lút ôm hôn, thế là chúng ta thành và mãi mãi thành kẻ thù ư?

Trong lúc đó, nhũng người Pháp tự nhủ: “Cái gã Willy từng xin phép ôm hôn con bé con nhà mình, bảo rằng hắn cũng có một đứa con bằng tuổi ấy ở Bavière, cái gã Fritz từng giúp mình chăm sóc chồng mình bị ốm, cái gã Erwald khen nước Pháp rất đẹp, và cái gã khác từng bỏ mũ trước tấm chân dung ông bố bị giết chết năm 15, vậy là một ngày nếu người ta ra lệnh cho hắn, hắn sẽ bắt mình, hắn sẽ giết mình bằng chính tay hắn mà không ân hận?... Chiến tranh... phải, người ta biết nó là như thế nào. Nhưng sự chiếm đóng, ở một nghĩa nào đó, còn khủng khiếp hơn, vì người ta quen dần với nhau; người ta tự nhủ: ‘Dù sao đi nữa họ cũng giống như chúng ta thôi’, nhưng hoàn toàn không phải, không đúng như vậy. Chúng ta là hai loài khác nhau, không thể hòa giải, là kẻ thù mãi mãi,” người Pháp nghĩ.

Bà Angellier biết họ, các nông dân của bà, biết rõ đến nỗi bà cho rằng bà đọc được ý nghĩ của họ qua gương mặt họ. Bà cười khẩy. Bà đây, bà đã chẳng bị lừa! Bà không để mình bị mua chuộc! Bởi cái gì cũng được đem bán cả, trong cái thị trấn nhỏ Bussy này cũng như trong phần còn lại của nước Pháp. Bọn Đức đem tiền bạc cho một số người (những người bán rượu đã bắt các quân nhân Đức trả một trăm franc một chai rượu chất Chablis, những nông dân đã nhượng lại trứng của họ với giá năm franc một quả), còn cho những người khác, như thanh niên, phụ nữ, thì là thú vui... Người ta không còn buồn chán nữa từ khi bọn Đức đến đây. Cuối cùng thì người ta cũng có được ai đó để nói chuyện. Lạy Chúa... chính con dâu của bà đấy! Bà lim dim mắt và xòe ra trước đôi mắt hạ xuống của mình một bàn tay dài trắng và trong suốt, như thể bà từ chối nhìn một cơ thể trần truồng. Phải! Bọn Đức cho rằng như thế là mua được lòng khoan dung và sự lãng quên. Chúng đã đạt được điều đó. Cay đắng, bà Angellier điểm lại tất cả những người quyền thế của thị trấn, tất cả đều đã khuất phục, tất cả đều để bị mua chuộc: gia đình Montmort... họ tiếp bọn Đức; người ta kể rằng trong trang viên của tử tước, bên bờ ao, bọn Đức tổ chức một ngày hội. Bà De Montmort nói với những người muốn nghe rằng bà ta phẫn nộ, rằng bà ta sẽ đóng các cửa sổ để khỏi phải nghe thấy tiếng nhạc cũng như khỏi phải nhìn thấy pháo hoa dưới những hàng cây. Nhưng khi trung úy von Falk và Bonnet, gã phiên dịch, đến thăm bà ta để mượn bà ta ghế, cốc, khăn trải bàn, bà ta đã giữ họ lại gần hai tiếng đồng hồ. Bà Angellier biết chuyện này qua bà đầu bếp, bà này thì biết qua ông quản lý. Vả chăng bản thân những kẻ quý tộc ấy cũng có một nửa gốc ngoại quốc, nếu nhìn kỹ họ. Phải chăng dòng máu Bavière, dòng máu Phổ (ghê tởm!), dòng máu vùng sông Rhin không chảy trong mạch máu của họ? Các gia đình quý tộc thường thông gia với nhau không kể đến biên giới, nhưng nếu nghĩ kỹ thì giới đại tư sản cũng chẳng hơn là mấy. Người ta thầm thì tên của những người buôn lậu với bọn Đức (và người ta đọc to những cái tên này tối tối trên đài Anh), họ Maltête ở Lyon, họ Péricand ở Paris, nhà băng Corbin... và còn những cái tên khác nữa... Bà Angellier đi đến chỗ còn lại một mình trong giới của bà, thu mình, không thỏa hiệp, như một pháo đài, pháo đài duy nhất còn trụ vững ở Pháp, than ôi! Nhưng đó là một pháo đài không gì có thể làm sụp đổ cũng như đánh bại được, bởi những thành trì của nó không phải làm bằng đá, thêm nữa cũng chẳng phải bằng máu bằng thịt, mà bằng những thứ phi vật chất vì bất khả chiến bại nhất trên đời: tình yêu và lòng hận thù.

Bà bước nhanh và lặng lẽ trong phòng. Bà lầm rầm: “Nhắm mắt lại cũng chẳng ích gì. Lucile đã sẵn sàng ngã vào vòng tay tên Đức ấy.” Và bà có thể làm gì được? Đàn ông thì có vũ khí, biết đánh nhau. Bà thì chỉ có thể dò xét, chỉ có thể nhìn, chỉ có thể nghe, chỉ có thể rình trong im lặng của đêm một tiếng bước chân, một hơi thở, để ít nhất điều đó sẽ không được tha thứ cũng chẳng bị lãng quên, để khi Gaston trở về... Bà run lên vì một sự sung sướng man rợ. Lạy Chúa! Sao bà ghét Lucile đến thế! Khi cuối cùng tất cả trong nhà đều đã ngủ, người đàn bà già nua làm cái công việc mà bà gọi là đi tuần tra. Bà đếm trong chiếc gạt tàn những mẩu thuốc lá có vệt son; bà lặng lẽ nhặt một chiếc khăn mùi xoa nhàu và thơm, một bông hoa bị vứt đi, một cuốn sách để mở. Thường xuyên, bà nghe thấy tiếng đàn dương cầm hoặc chất giọng rất trầm và rất êm dịu của tên Đức khẽ ngân nga, trình bày một tiết nhạc. Chiếc đàn dương cầm ấy... Làm sao người ta lại có thể yêu âm nhạc được nhỉ? Mỗi một nốt nhạc dường như đập vào những sợi dây thần kinh bị phơi trần ra của bà và giật ra từ bà một tiếng rên rỉ. Bà thà nghe những cuộc trò chuyện kéo dài của họ còn hơn, những cuộc trò chuyện mà bà thu nhận được từ nó một tiếng vọng yếu ớt khi nghiêng người qua cửa sổ, ngay phía trên cái cửa sổ của phòng làm việc mà họ để mở trong những đêm mùa hè đẹp trời ấy. Bà thà chịu đựng sự yên lặng ập đến giữa họ hay tiếng cười của Lucile còn hơn (cười! khi chồng bị cầm tù!... đồ phóng đãng, một con mái, một tâm hồn hèn hạ!) Tất cả còn hơn là âm nhạc, vì âm nhạc là thứ duy nhất xóa bỏ được giữa hai con người sự khác biệt về ngôn ngữ hay phong tục và chạm tới một điều gì đó bất diệt trong họ. Một đôi lần, bà Angellier đến gần phòng tên Đức. Bà đã nghe thấy nhịp thở của hắn, tiếng hắn ho khẽ vì hút thuốc. Bà đi qua gian tiền sảnh nơi có chiếc áo choàng rộng của sĩ quan treo trên cái đầu hươu nhồi rơm và bà đã lén bỏ vào trong túi áo một vài cọng thạch thảo, mọi người bảo điều đó mang lại tai họa. Bà thì bà không tin điều đó... nhưng vẫn có thể thử xem...

Từ vài ngày nay, chính xác là từ hôm kia, bầu không khí trong nhà dường như còn đáng ngại hơn. Chiếc dương cầm bặt tiếng. Bà Angellier đã nghe thấy Lucile và bà đầu bếp nói chuyện lâu với nhau bằng một giọng khẽ khàng. (Mụ này chắc cũng phản bội ta chăng?) Tiếng chuông bắt đầu vang lên. (A! Đó là lễ tang tên sĩ quan bị giết...) Kìa là những tên lính cầm súng, kìa là quan tài, kìa là những vòng hoa đỏ... Nhà thờ đã bị trưng dụng. Dân Pháp không được phép vào trong đó. Người ta nghe thấy một dàn hợp xướng với những giọng hát tuyệt vời ngâm nga một bài thánh ca; dàn hợp xướng này từ nhà thờ Đức Mẹ Đồng trinh tới. Lũ trẻ ở lớp học giáo lý hồi mùa đông đã làm vỡ một ô kính mà chưa được thay. Tiếng hát bay lên từ cái cửa sổ nhỏ kiểu cổ mở ra phía sau bàn thờ Đức Mẹ Đồng trinh và tối đi vì bị cây đoạn to ở quảng trường che bóng. Lũ chim hót mới vui vẻ làm sao! Giọng hót vút cao của chúng thỉnh thoảng gần như át đi bài thánh ca của bọn Đức. Bà Angellier không biết tên, tuổi của người chết. Bộ Chỉ huy chỉ nói: “Một sĩ quan của Wehrmatch.” Thế là đủ. Chắc là hắn còn trẻ. Tất cả bọn chúng đều trẻ. “Vậy đấy, thế là hết đối với mi. Mi muốn gi nào? Đó là chiến tranh.” Cuối cùng thì đến lượt mẹ hắn cũng sẽ hiểu điều đó, bà Angellier vừa lẩm bẩm, vừa bồn chồn nghịch chiếc vòng cổ tang, chiếc vòng cổ bằng hạt huyền và gỗ mun mà bà đã đeo khi chồng bà chết.

Bà bất động cho đến tận buổi tối, như bị gắn chặt vào chỗ của mình, đưa mắt dõi theo tất cả những người đi qua phố. Buổi tối... không một tiếng động. “Không nghe thấy tiếng răng rắc nho nhỏ ở bậc cầu thang thứ ba, dấu hiệu cho thấy Lucile đã đi ra khỏi phòng cô ta và xuống vườn, bởi các cánh cửa thông đồng thì không kêu ken két lên đâu, nhưng cái bậc cầu thang cũ kỹ trung thành kia thì báo cho ta biết,” bà Angellier nghĩ. “Không, không nghe thấy gì cả. Bọn chúng đã đến với nhau rồi cơ à? Hay là phải muộn hơn nữa?”

Đêm trôi qua. Một sự tò mò cháy bỏng xâm chiếm bà Angellier. Bà lẻn ra khỏi phòng mình. Bà đến áp tai vào cửa phòng ăn. Chẳng có gì cả. Không có một tiếng động nào phát ra từ phòng tên Đức. Lẽ ra bà có thể nghĩ rằng hắn còn chưa về nếu như trước đó, vào buổi tối, bà không nghe thấy một tiếng bước chân đàn ông trong nhà. Người ta không lừa được bà đâu. Một sự hiện diện của đàn ông mà không phải là của con trai bà làm cho bà bị xúc phạm; bà hít mùi thuốc lá lạ mà tái nhợt đi, đưa tay lên trán như một người đàn bà đang cảm thấy khó ở. Hắn ở đâu, tên Đức kia? Ở gần bà hơn thường lệ vì khói thuốc lá đang bay vào qua ô cửa sổ để mở. Có phải hắn đang đi xem ngôi nhà? Bà hình dung hắn sắp rời khỏi đây, hắn biết điều đó, hắn lựa chọn đồ đạc: chiến lợi phẩm của hắn. Bọn Phổ hồi năm 70 lại chẳng ăn cắp những chiếc đồng hồ quả lắc đó sao? Bọn bây giờ chắc cũng chẳng thay đổi mấy! Bà nghĩ đến những bàn tay báng bổ lục bới tầng nóc, kho để đồ ăn dự trữ, và tầng hầm! Khi nghĩ kỹ, thì chính tầng hầm là chỗ mà bà Angellier lo lắng trước tiên. Bà không bao giờ uống rượu; bà nhớ là mình đã từng uống một ngụm sâm banh vào lễ ban thánh thể đầu tiên của Gaston và trong lễ cưới của anh. Nhưng rượu có thể được coi là một phần của gia tài, và với tư cách đó, nó là thiêng liêng, cũng giống như tất cả những thứ được dành để tồn tại sau khi chúng ta chết. Thứ rượu Châteaud’Yquem ấy, thứ rượu... bà đã nhận nó từ chồng bà để chuyển lại cho con trai bà. Họ đã vùi những chai rượu tốt nhất vào trong cát, nhưng tên Đức kia... ai biết được?... có lẽ hắn được Lucile hướng dẫn?... Đi xem nào... Tầng hầm đây rồi, cái cửa của nó bọc sắt như cửa một pháo đài. Đây là chỗ cất giấu mà chỉ một mình bà nhận ra được nhờ một chữ thập đánh dấu trên tường. Không, ở đây mọi thứ cũng có vẻ còn nguyên vẹn. Tuy thế tim bà Angellier đập dữ dội. Chắc chắn Lucile đã đi xuống tầng hầm trước đó một lát bởi mùi nước hoa của cô còn phảng phất trong không khí. Lần theo hướng của mùi nước hoa này, bà Angellier lại đi lên, qua bếp, qua phòng ăn, và cuối cùng đến cầu thang thì bà gặp Lucile đang đi xuống với một cái đĩa, một cái cốc và một cái chai rỗng trong tay, những thứ đã dùng để đựng đồ ăn và rượu. Vậy ra vì thế mà cô xuống tầng hầm và vào kho đồ ăn dự trữ, nơi mà bà Angellier đã cho rằng nghe thấy tiếng bước chân.

- Một bữa ăn nhỏ ban đêm của đôi tình nhân chăng? - bà Angellier nói giọng hạ thấp và quát buốt như một ngọn roi da.

- Con xin mẹ, mẹ im đi cho! Nếu như mẹ biết...

- Với một tên Đức! Dưới mái nhà tôi! Trong nhà của chồng cô, con khốn nạn...

- Nhưng mẹ im đi đã nào! Gã người Đức vẫn chưa về, phải không ạ? Ông ta sẽ có mặt ở đây trong chốc lát. Mẹ để cho con đi qua và đặt cái này vào chỗ. Còn mẹ, trong lúc chờ đợi, mẹ hãy đi lên, mở cửa cái phòng trước đây để đồ chơi ra và nhìn xem ai đang ở đó... Rồi, sau khi mẹ đã thấy, mẹ hãy đến gặp con ở phòng ăn. Mẹ sẽ nói xem mẹ muốn làm gì. Con đã sai lầm, hết sức sai lầm khi hành động mà không cho mẹ biết, bởi con không có quyền mạo hiểm cuộc sống của mẹ...

- Cô đã giấu trong nhà tôi cái gã nông dân... bị buộc tội về một vụ ám sát à?

Đúng lúc ấy, họ nghe thấy tiếng trung đoàn đi ngang qua, những giọng Đức khàn khàn hô to các mệnh lệnh và gần như ngay sau đó là bước chân của gã người Đức trên bậc thềm, không thể lẫn được với một bước chân Pháp vì tiếng bốt cồm cộp, tiếng đinh thúc ngựa, và nhất là vì kiểu đi ấy chỉ có thể là kiểu đi của một kẻ chiến thắng, kiêu hãnh về bản thân khi giẫm lên lòng đường của kẻ thù, vui sướng nện gót trên mảnh đất đã bị chinh phục.

Bà Angellier mở cửa phòng mình, bảo Lucile vào, bà đi theo sau cô và khóa cửa lại. Bà lấy đĩa và cốc từ tay Lucile, rửa những thứ đó trong phòng vệ sinh, lau khô cẩn thận, xếp cái chai lại sau khi đã nhìn mác. Rượu bình thường à? Phải, hãy còn sớm thế này mà! “Bà ấy sẵn lòng chịu xử bắn vì tội giấu trong nhà mình kẻ đã giết một tên Đức,” Lucile nghĩ, “nhưng bà ấy sẽ không hy sinh cho anh ta một chai rượu Bourgogne lâu năm đâu. May mà dưới tầng hầm tối quá và mình đã tình cờ lấy một lít rượu vang đỏ giá ba franc.” Cô im lặng, hết sức tò mò chờ đợi những lời nói đầu tiên của bà Angellier. Chắc cô cũng chẳng thể giấu bà lâu hơn được nữa về sự có mặt của người ngoài: người đàn bà già nua này dường như dùng mắt nhìn xuyên thấu các bức tường.

- Cô đã tưởng rằng tôi sẽ đi bán người đàn ông đó cho Bộ Chỉ huy sao? - cuối cùng bà Angellier hỏi. Hai cánh mũi xẹp của bà phập phồng, mắt bà lóe lên. Bà có vẻ sung sướng, kích động, hơi điên rồ, như một nữ diễn viên già có lại được vai diễn mà bà ta đã từng diễn xuất sắc ngày xưa và những giọng điệu, cử chỉ của nó đã trở thành thân thuộc đối với bà ta, như một bản tính thứ hai.

- Anh ta ở đây đã lâu chưa?

- Ba ngày ạ.

- Sao cô không nói gì với tôi hết cả?

Lucile không trả lởi.

- Cô thật điên rô khi giấu anh ta ở trong căn phòng xanh. Chính chỗ này mới là nơi anh ta nên ở. Vì người ta vẫn mang bữa ăn lên trên này cho tôi, cô sẽ không sợ bị bắt gặp nữa: lý do đã có rõ ràng rồi. Anh ta sẽ ngủ trên tràng kỷ, trong phòng vệ sinh.

- Mẹ ơi, mẹ hãy nghĩ xem! Nếu bọn họ phát hiện ra anh ta trong nhà của mẹ, nguy cơ sẽ khủng khiếp lắm. Nhưng con có thể nhận việc này về phần con, nói rằng con đã hành động mà không cho mẹ biết, điều đó nói tóm lại thì là sự thực, trong khi ở trong phòng mẹ thì...

Bà Angellier nhún vai.

- Hãy kể cho tôi nghe đi, - bà nói với vẻ sôi nổi mà từ lâu Lucile không còn thấy ở bà nữa. - Hãy kể cho tôi nghe xem chuyện này chính xác đã xảy ra như thế nào. Tôi chẳng biết gì hơn ngoài thông báo của cảnh sát. Anh ta đã giết ai? Chỉ một tên Đức thôi à? Anh ta có làm bị thương những tên khác không? Đó là một tên có cấp bậc... ít nhất là một sĩ quan cấp tá chứ?

“Bà ấy thoải mái chưa kìa,” Lucile nghĩ, “bà ấy đáp lại tất cả những lời kêu gọi chết chóc, đổ máu ấy một cách nhanh nhẹn chưa kia... Những người mẹ và những người phụ nữ đang yêu, những con thú cái hung dữ. Mình thì không là mẹ mà cũng chẳng phải đang yêu (Bruno? Không... không nên nghĩ đến Bruno vào lúc này, không nên thế...), mình không thể đón nhận câu chuyện này bằng cách giống như thế. Mình dửng dưng hơn, lạnh lùng hơn, bình thản hơn, văn minh hơn, mình nhất quyết tin như vậy. Và hơn nữa... mình không thể tưởng tượng được là cả ba người chúng ta quả thực đang đánh liều với cái đầu của chúng ta... Điều đó có vẻ như quá mức, cường điệu, thế nhưng Bonnet đã chết... đã bị người nông dân kia giết chết, người mà một số coi là tên tội phạm và những người khác thì coi là anh hùng... Còn mình? Mình cần phải quyết định đứng về phía nào. Mình đã quyết định rồi đấy, đã quyết định... ngoài ý muốn của mình. Thế mà mình đã tưởng là mình tự do...”

- Mẹ cứ đích thân hỏi Sabarie ấy, mẹ ạ, - cô nói. - Con đi gặp anh ta và dẫn đến chỗ mẹ đây. Mẹ hãy ngăn anh ta hút thuốc lá nhé; trung úy có thể ngửi thấy trong nhà có mùi một thứ thuốc lá không phải của ông ta. Đó là mối nguy hiểm duy nhất, con nghĩ thế; bọn họ sẽ không lục soát nhà ta đâu; bọn họ chẳng còn tin mấy vào việc có người dám che giấu anh ta ở ngay trong thị trấn. Bọn họ sẽ ập xuống các trang trại. Nhưng chúng ta cũng có thể bị tố cáo.

- Người Pháp không bán lẫn nhau đâu, - người đàn bà già kiêu hãnh nói. - Cô đã quen điều đó, cô bé ạ, kể từ khi cô quen biết bọn Đức.

Lucile nhớ lại một câu chuyện mà trung úy von Falk kể riêng với cô: “Ở Bộ Chỉ huy, ngay hôm chúng tôi mới đến, đã có một gói thư nặc danh đang đợi chúng tôi. Mọi người cáo buộc lẫn nhau về tội tuyên truyền cho quân Anh và tội theo De Gaulle, tội mua vét thực phẩm, tội làm gián điệp. Nếu phải tin vào điều đó, cả vùng sẽ bị đi tù! Tôi đã bảo đem vứt trọn cả đống vào lửa. Con người chẳng đáng giá cao, và sự bại trận đã đánh thức những thứ tồi tệ nhất trong họ. Ở chỗ chúng tôi cũng thế mà thôi.” Nhưng Lucile im lặng và để cho bà mẹ chồng mình, hăng say, hoạt bát, trẻ ra đến hai chục tuổi, xếp lại chiếc tràng kỷ ở phòng vệ sinh thành giường. Với cái đệm của chính bà, gối của bà, những tấm vải trải gỉường mịn nhất, bà chuẩn bị chỗ ngủ cho Benoît Sabarie với đầy yêu thương.