Buồn nôn - Chương 21

Chính là thế, đúng là thế. Chẳng có những cuộc phiêu lưu - chẳng có những giây phút hoàn hảo... chúng tôi đã mất đi cùng những ảo tưởng, chúng tôi đã đi theo cùng những con đường. Tôi đoán được phần còn lại - tôi lại có thể nói thay lời nàng và tự mình thốt ra những gì nàng còn phải nói tiếp:

“Và lúc đó, em đã hiểu rằng luôn luôn có những người đàn bà nước mắt lưng tròng, hay một gã tóc hoe, hay bất cứ cái gì khác để làm hỏng đi những hiệu quả của em?”

“Vâng, lẽ cố nhiên”, nàng đáp với vẻ không nhiệt thành.

“Không phải thế sao?”

“Ồ, anh biết rồi, những sự vụng về của một gã tóc hoe có lẽ em có thể chịu đựng lâu dài được. Nói cho cùng ra, em hay chú tâm đến cách thức những kẻ khác đóng giữ vai trò của họ... Không, đúng ra là...”

“Không có những hoàn cảnh đặc biệt?”

“Em đã tưởng rằng lòng thù ghét, ái tình hay cái chết đều giáng xuống trên chúng ta, như thể những chiếc lưới bằng lửa trong ngày thứ sáu tuần Thánh. Em đã tưởng người ta có thể ngăn chặn lại lòng thù ghét hay cái chết. Em đã lầm to! Vâng, quả thực, em đã nghĩ rằng “Lòng Thù Ghét” hiện hữu, em đã nghĩ rằng nó đến đậu trên con người và nâng con người lên cao hơn chính họ. Cố nhiên, chỉ có một mình em, em: người đang thù ghét, em: người đang yêu thương. Và lúc bấy giờ nó với em luôn luôn là như nhau, một chất bột chảy dài ra, chảy dài ra... nó giống hệt nhau đến độ ta phải tự đặt câu hỏi: làm sao mà loài người lại có ý tưởng bày đặt ra những tên gọi, cùng phân biệt giữa cái này và cái nọ.”

Nàng đang nghĩ giống hệt như tôi. Dường như tôi đã chẳng bao giờ rời xa nàng.

“Em nghe này, tôi bảo nàng, từ ít lâu nay anh đang nghĩ đến một chuyện khiến anh hài lòng hơn là cái vai trò làm cây trụ chỉ đường mà em đã có hảo ý ban cho anh: đấy là, chúng ta đã cùng thay đổi với nhau và theo cùng một cách. Em biết đó, anh thích như thế hơn là nhìn em càng lúc càng xa dần và bị buộc phải vĩnh viễn ghi dấu chỗ khởi hành của em. Tất cả những gì em đã thuật cho anh nghe, anh đến đây cũng để thuật lại cho em - bằng những từ ngữ khác, dĩ nhiên. Chúng ta đã gặp nhau ở mức đến. Anh chẳng thể nói cho em biết là điều đó làm anh vui sướng ngần nào.”

“Thế sao? Nàng dịu dàng hỏi nhưng với một vẻ cứng đầu, ngang bướng. Này, em cũng sẽ thích hơn nếu anh không thay đổi; như vậy tiện lợi hơn. Em không giống như anh, chuyện một người khác đã cùng suy nghĩ những điều giống em làm em bực bội. Vả lại, chắc anh đã lầm.”

Tôi thuật cho nàng nghe những cuộc phiêu lưu của tôi, tôi nói với nàng về hiện hữu - có lẽ là hơi quá dài. Nàng chăm chú lắng nghe, đôi mắt mở lớn, lông mày nhướng cao.

Khi tôi dứt lời, nàng có vẻ được an ủi.

“Này, nhưng mà anh chẳng nghĩ đến cùng những điều như em. Anh phàn nàn vì mọi sự không bài trí chung quanh anh như một bó hoa, dù rằng anh chẳng nhọc công làm gì cả. Song chẳng bao giờ em đã đòi hỏi nhiều như thế: em muốn hành động, anh biết đấy, khi chứng ta chơi cái trò người phiêu lưu: anh, anh là người mà những cuộc phiêu lưu xảy đến, còn em, em là kẻ làm cho chứng xảy ra. Em đã bảo: “Em là một con người hành động”. Anh còn nhớ chứ? Này, bây giờ em chỉ có ý nói: người ta tuyệt đối không thể nào là một con người hành động.”

Phải tin rằng tôi không có vẻ bị thuyết phục lắm, vì nàng sôi động và tiếp lời mạnh mẽ hơn:

“Và rồi, còn cả một lô những chuyện khác mà em đã không nói cho anh biết, vì như thế phải giải thích quá dài dòng với anh. Chẳng hạn, vào ngay lúc em hành động, em phải có thể tự nhủ rằng những gì em làm sẽ có những hậu quả... ghê gớm. Em không thể giải thích rõ cho anh...”

“Nhưng như thế là hoàn toàn vô ích, tôi đáp bằng một vẻ khá thông thái rởm, cả điều ấy nữa, anh cũng đã nghĩ đến.”

Nàng nhìn tôi, nghi ngờ.

“Cứ tin theo lời anh thì anh đã nghĩ đến tất cả mọi chuyện đó theo cùng một kiểu như em: anh làm em ngạc nhiên dữ.”

Tôi không thể thuyết phục nàng được, tôi chỉ làm nàng nổi đóa lên. Tôi im lặng. Tôi muốn ôm nàng trong hai cánh tay.

Đột nhiên, nàng nhìn tôi với một vẻ lo âu:

“Này, giả sử anh đã nghĩ đến tất cả các chuyện đó, thì anh có thể làm gì chứ?”

Tôi cúi đầu xuống.

“Em... em đang sống thừa ra”, nàng nặng nề lặp lại.

Tôi có thể nói với nàng những gì? Tôi có biết được những lý do để sống không? Tôi không tuyệt vọng như nàng, vì tôi chẳng đợi chờ điều chi quan trọng. Đúng hơn là tôi... kinh ngạc trước cuộc đời được ban cho tôi - ban cho không vì lý do gì cả. Tôi vẫn cúi đầu thấp xuống, tôi không muốn nhìn khuôn mặt Anny trong lúc này.

“Em đang du lịch, nàng nói tiếp bằng một giọng rầu rĩ, em vừa từ Thụy Điển về. Em đã bị giữ tám ngày ở Bá Linh. Có một gã bao em...”

Ôm nàng trong tay tôi... Nào có ích gì? Tôi chẳng có thể làm gì được cho nàng? Nàng cũng cô đơn như tôi.

Nàng bảo tôi, giọng vui tươi hơn:

“Anh đang lẩm bẩm gì đó...”

Tôi ngẩng mặt lên. Nàng nhìn chăm tôi với vẻ trìu mến.

“Chẳng có gì cả. Anh đang nghĩ lơ mơ đến một điều gì khác nữa.”

“Ô, nhân vật huyền bí! Này, nói hay là im lặng tùy ý, nhưng anh phải chọn lựa.”

Tôi nói với nàng về quán “Rendez-vous des Cheminots”, về ca khúc rag-time tôi yêu cầu cho chơi tại máy hát, về nỗi hạnh phúc lạ lùng mà bản nhạc mang đến cho tôi.

“Anh đã tự hỏi, không biết đứng ở khía cạnh đó, có phải ta không thể nào tìm thấy, hay nói cho cùng, tìm kiếm...”

Nàng chẳng đáp, tôi tưởng rằng nàng không hứng thú lắm đối với những chuyện tôi đã kể cho nàng.

“Những bức tranh, những pho tượng, quả là vô dụng: nó chỉ đẹp trước mặt. Còn âm nhạc...”

“Nhưng ở hí viện...”

“Sao, ở hí viện? Anh muốn liệt kê tất cả những ngành mỹ thuật?”

“Ngày xưa, em đã bảo anh rằng em muốn đóng trò ở hí viện, vì trên sân khấu, hẳn người ta phải thể hiện được những giây phút hoàn hảo!”

“Vâng, em đã thể hiện được những giây phút đó, nhưng là cho những người khác. Em đang ở trong bụi mù, trong luồng gió, dưới làn ánh sáng thô bạo, giữa những chiếc giá tranh ảnh bằng giấy bìa. Thường, em đóng chung với Thorndyke. Em chắc anh đã có dịp xem y diễn tại Covent Garden rồi. Em luôn luôn sợ phải phá lên cười vào mũi y.”

“Em chẳng khi nào nhập thần vào vai trò của em à?”

“Thỉnh thoảng, nhưng chỉ một tí thôi: không bao giờ mãnh liệt cả. Điều cốt yếu đối với tất cả chúng em là chiếc lỗ đen ngòm ngay trước mặt, ở tận đáy lỗ có hằng hằng lớp lớp người mà ta không nhìn thấy; và hiển nhiên, bọn em trình diễn một giây phút hoàn hảo cho những người đó xem. Nhưng, anh biết đấy, họ không sống nó bên trong: giây phút đó diễn ra trước mặt họ. Và chúng em, những diễn viên, anh nghĩ rằng chúng em sống nó trong tâm khảm? Rốt cuộc, giây phút đó chẳng ở đâu cả, chẳng ở bên này cũng chẳng ở bên kia dãy đèn sân khấu, giây phút đó đã không hiện hữu; và tuy thế, mọi người lại đang nghĩ đến nó. Anh hiểu chứ, anh yêu, nàng nói bằng một giọng dề dà và hầu như thô lỗ, em đã cho chúng đi tàu suốt cả rồi”.

“Còn anh, anh đã gắng viết cuốn sách đó...”

Nàng ngắt ngang lời tôi:

“Em đang sống trong quá khứ. Em gợi lại tất cả những gì đã xảy đến và em sắp xếp chúng lại. Nhìn từ xa như thế, chuyện đó không gây khó chịu cho ta, ta hầu như buông mình vào trong đó. Chuyện của chúng mình khá đẹp. Em chỉ cần tra tay vào là chúng thành ra một chuỗi những giây phút hoàn hảo. Lúc ấy, em nhắm mắt lại và cố tưởng tượng em hãy còn đang sống chúng từ bên trong. Em cũng còn có những nhân vật khác nữa. Phải biết tập trung tâm trí. Chắc anh không biết em đã đọc cuốn gì rồi? Cuốn Những bài tập Tâm linh của Loyola. Nó rất bổ ích cho em. Trước hết, có một cách thức để tạo ra bối cảnh, kế đó là làm xuất hiện những nhân vật. Người ta đi đến chỗ nhìn thấy; nàng tiếp thêm với một vẻ ảo diệu.

“À, chuyện đó chẳng làm anh vui thích chút nào”, tôi bảo.

“Bộ anh tưởng nó làm em vui thích lắm sao?”

Chúng tôi im lặng một lúc. Chiều đang dâng, tôi lờ mờ nhận ra cái vệt xanh xao trên mặt Anny. Bộ y phục đen của nàng hòa lẫn với bóng tối đã tràn ngập căn phòng. Một cách máy móc, tôi bưng tách trà lên, trong tách hãy còn lại một tí trà và tôi nâng tách lên môi. Nước trà lạnh ngắt. Tôi thèm hút thuốc, nhưng không dám. Tôi có cảm tưởng đớn đau rằng chúng tôi chẳng còn gì để nói với nhau nữa. Mới hôm qua đây, tôi đã có biết bao nhiêu là câu hỏi để đặt ra cho nàng: nàng đã ở những đâu, nàng đã làm những gì, nàng đã gặp những ai? Song chuyện đó chỉ làm tôi hứng thú nếu như Anny đã buông thả hết tâm hồn để sống với chúng. Hiện tại, tôi không còn tò mò chi nữa: tất cả những xứ miền, tất cả những thành phố nàng đã đi qua, tất cả những gã đàn ông theo tán tỉnh nàng và có lẽ nàng cũng đã yêu họ, tất cả những cái đó không lưu giữ lòng nàng, tất cả những cái đó thực ra hoàn toàn chẳng khác biệt gì nhau đối với nàng, đây chỉ là những tia mặt trời rọi trên một mặt biển tối tăm và lạnh lẽo. Anny đang ngồi đối diện với tôi, chúng tôi không gặp nhau từ bốn năm nay, và chúng tôi lại chẳng còn gì để nói với nhau nữa.

“Bây giờ, anh phải ra về. Em đang đợi một người”, đột nhiên Anny bảo,

“Em chờ...?”

“Không, em đang chờ một gã người Đức, một họa sĩ”.

Nàng phá ra cười. Tiếng cười vang dội một cách lạ lùng trong căn phòng tối.

“Này, đấy là một gã không giống - hay đúng ra hãy còn chưa giống như chúng ta. Gã đang hành động, gã đang còn tốn công tốn sức”.

Tôi miễn cưỡng đứng lên.

“Khi nào anh gặp lại em?”

“Em không biết nữa, chiều mai em đi Luân Đôn”

“Bằng chuyến tàu Dieppe?”

“Vâng và em nghĩ rằng sau đó em sẽ đi Ai Cập. Có lẽ mùa đông năm sau em sẽ trở lại Ba Lê, em sẽ viết cho anh”.

“Ngày mai anh rỗi rảnh trọn ngày”, tôi rụt rè ngỏ lời.

“Vâng, nhưng em còn nhiều chuyện phải làm lắm, nàng đáp bằng một giọng khô khan. Không, em không thể gặp anh được. Em sẽ viết cho anh từ Ai Cập. Anh chỉ việc ghi địa chỉ cho em”.

“Được, được”.

Trong bóng tối mờ mờ, tôi nguệch ngoạc ghi vội địa chỉ trên một đầu phong bì. Tôi phải dặn khách sạn Printania gởi thư cho tôi theo địa chỉ mới, khi tôi rời Bouville. Thực ra, tôi biết rõ rằng nàng sẽ chẳng viết gì ráo. Có lẽ tôi sẽ gặp lại nàng mười năm sau. Có lẽ đây là lần cuối cùng tôi gặp lại nàng. Lòng tôi không phải chỉ bị ưu uất nặng nề khi rời nàng; tôi còn sợ hãi kinh khủng vì phải gặp lại nỗi cô đơn của mình.

Nàng đứng dậy; nơi cửa phòng, nàng hôn nhẹ lên môi tôi.

“Để nhớ lại đôi môi anh, nàng mỉm cười bảo. Em phải làm tươi trẻ lại những kỷ niệm của mình, để sử dụng vào “Những bài tập tâm linh” của em”.

Tôi nắm tay nàng và kéo sát vào tôi. Nàng không chống cự, nhưng lắc đầu từ chối.

“Không. Em không hứng nữa. Người ta không khởi sự lại... vả lại, nếu muốn khởi sự sống trở lại như những người khác, kẻ đến đầu tiên với em là một cậu trai không xinh đẹp lắm còn đáng giá nhiều hơn anh”.

“Nhưng, em định làm gì trong tương lai?”

“Em đã bảo rồi, em sang Anh?”

“Không, anh muốn nói...”

“À, à, không có gì cả!”

Tôi vẫn không thả tay nàng ra, tôi dịu dàng bảo nàng:

“Vậy thì, anh phải rời em sau khi đã gặp lại em”.

Giờ đây, tôi mới nhận rõ khuôn mặt nàng. Đột nhiên, nó trở nên xanh xao và cằn cỗi. Khuôn mặt của một bà già, cực kỳ kinh khủng; khuôn mặt đó, tôi chắc chắn là nàng đã không có ý muốn cho nó xuất hiện: nó hiện diện đấy một cách vô tình, hay có lẽ trái cả với ý nàng.

“Không, nàng chậm rãi đáp, không. Anh chẳng gặp lại em đâu”.

Anny gỡ tay tôi ra. Nàng mở cửa. Hành lang tràn trề ánh sáng.

Anny cười lên.

“Khổ thân cho anh chàng! Anh chàng quả không gặp may. Lần đầu tiên giữ đúng vai trò, người ta lại chẳng hài lòng. Nào, đi đi”.

Tôi nghe tiếng cửa đóng lại sau lưng.

Chủ nhật.

Sáng nay, tôi đã dò trên bản chỉ dẫn lộ trình xe lửa: giả dụ rằng Anny không dối gạt tôi, nàng sẽ khởi hành bằng chuyến tàu Dieppe lúc 5 giờ 38 phút. Nhưng cũng có thể lão chồng của nàng sẽ đưa nàng đi bằng xe hơi? Tôi lang thang suốt buổi sáng trên những con đường của khu Ménilmontant và suốt buổi chiều trên bến tàu. Chỉ vài bước chân, vài bức tường đang phân lìa tôi với nàng. Vào lúc 5 giờ 38 phút, cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi ngày hôm qua sẽ trở thành một kỷ niệm, người thiếu phụ đẫy đà có làn môi vừa lướt nhẹ trên môi tôi sẽ tái hợp với cô gái nhỏ gầy gầy của thành phố Meknès, Luân Đôn trong quá khứ. Nhưng chưa có gì mất hẳn, nàng vẫn còn kia, vì hãy còn có thể gặp lại nàng, chinh phục nàng, dẫn nàng theo tôi mãi mãi. Tôi chưa cảm thấy mình cô độc.

Tôi muốn đổi chiều tư tưởng của tôi về Anny, vì cứ tưởng tượng mãi đến thân thể và khuôn mặt nàng, tôi bị rơi vào một kích thích thần kinh cực độ: tay tôi run lên và tôi như đã lên cơn rét. Tôi khởi sự lật những trang sách, nơi những kệ sách cũ, và nhất là những cuốn sách khiêu dâm, vì dù sao những thứ đó cũng choán bớt tâm trí.

Khi đồng hồ nhà ga Orsay điểm năm giờ, tôi đang nhìn những bức họa của một cuốn sách nhan đề Ông Bác sĩ với con voi. Chúng không mấy thay đổi: trong đa số bức họa, đều có một lão rậm râu đang vung một chiếc roi ngựa trên những chiếc mông để trần quái gở. 

Ngay khi biết rằng đã năm giờ tôi ném trả cuốn sách giữa các cuốn khác và nhảy lên một chiếc tắc-xi, đi về nhà ga Saint-Lazare.

Tôi chỉ đi dạo khoảng hai mươi phút trên bến, thì nhìn thấy hai người. Nàng vận một chiếc áo khoác bằng da thú, chiếc áo làm cho nàng có vẻ một mệnh phụ. Và mang một chiếc mạng thưa. Lão kia mặc một chiếc áo lông lạc đà. Da lão sậm màu đồng, lão hãy còn trẻ, rất lớn con và rất bảnh trai. Một người ngoại quốc, chắc chắn, nhưng không phải người Anh, có lẽ là người Ai Cập. Họ bước lên tàu hỏa và không nhìn thấy tôi. Họ không trò chuyện. Rồi lão bước xuống lại và mua vài tờ báo. Anny đã hạ tấm kính gian tàu khởi hành. Lúc đó, tôi trông thấy rõ ràng quán ăn Piccadilly nơi chúng tôi đã dùng cơm trưa ngày trước, rồi tất cả đều tan vỡ. Tôi vẫn đi. Khi cảm thấy mệt, tôi bước vào quán cà phê này và ngủ thiếp đi. Người bồi bàn đến đánh thức tôi dậy và tôi viết đoạn này trong cơn ngái ngủ. Tôi sẽ đến Bouville vào ngày mai bằng chuyến tàu trưa. Tôi chỉ cần ở lại đó hai ngày là đủ: để sắp xếp hành lý và thanh toán những dịch vụ của tôi ở ngân hàng. Tôi nghĩ rằng khách sạn Printania sẽ muốn tôi trả thêm khoảng ba trăm đồng nữa vì tôi không báo cho họ biết trước. Tôi cũng còn phải trả thư viện các sách đã mượn. Dầu sao tôi cũng trở lại Ba Lê trước ngày cuối tuần.

Và bù lại tôi sẽ đổi được gì? Luôn luôn là một thành phố: thành phố này bị một con sông chắn hai, thành phố kia bị đại dương vây phủ, ngoài ra chúng đều giống nhau. Người ta chọn một vùng đất trơ trụi, không màu mỡ và lăn trên đó những phiến đá rỗng. Trong các phiến đá ấy có những mùi hương mê hoặc, những mùi hương nặng hơn không khí. Đôi khi người ta vất chúng qua cửa sổ ra đường cái và chúng ở đấy cho đến khi những cơn gió xé rách chúng ra. Vào lúc trời quang, những thanh âm đột nhập bằng đầu mút này của thành phố và thoát ra bằng đầu mút kia, sau khi đã xuyên qua tất cả những bức tường; những lần khác, chúng xoáy tròn giữa những phiến đá mà mặt trời nung chín và giá băng làm nứt nẻ.

Tôi sợ hãi những thành phố. Nhưng chẳng nên bước ra khỏi chúng. Nếu phiêu lưu quá xa, sẽ gặp địa hạt của Thảo Mộc. Thảo Mộc đã bò lan suốt nhiều cây số về hướng thành thị. Nó đang chờ đợi. Khi thành phố chết, Thảo Mộc sẽ mọc đầy, nó sẽ leo lên những phiến đá, quấn chặt chúng, vùi lấp chúng, và sẽ dùng những chiếc kẹp đen của mình làm chúng vỡ tan ra, Thảo Mộc sẽ che lấp những lỗ hổng và treo lủng lẳng khắp nơi những bàn chân xanh. Phải ở lại thành phố, chừng nào thành phố còn sống, không nên thâm nhập một mình vào dưới mái tóc lớn treo lủng lẳng nơi các cổng ra vào: phải để mái tóc đó uốn lượn và tan rã trong nỗi hoang vu không ai nhìn thấy. Trong thành thị, nếu người ta biết sắp đặt, biết chọn những giờ thú vật tiêu hóa hay ngủ say, trong những chiếc hang của chúng, sau những đống hài cốt hữu cơ, thì người ta chỉ gặp những khoáng vật, những thứ ít gây khủng khiếp nhất trong các vật thể.

Tôi sắp về lại Bouville. Thảo Mộc chỉ bao vây Bouville ba mặt. Mặt thứ tư, có một lỗ lớn, tràn đầy một thứ nước đen tự nó bồng bềnh chuyển động. Gió thổi luồn giữa những ngôi nhà. Những mùi hương lưu động ít lâu hơn nơi khác: bị gió lùa ra biển, chúng kết thành bè bằng nước đen như những đám sương mù nhỏ mượt, la đà sát mặt nước. Trời đang mưa. Người ta đã trồng cây giữa bốn hàng rào lưới sắt. Những cây cối bị tỉa, bị thuần hóa, vô hại, mặc dù chúng bậm bạp. Thân cây mang những lá khổng lồ màu trắng đục, lủng lẳng như những lỗ tai. Sờ vào tựa hồ xương sụn. Ở Bouville, mọi thứ đều lớn và trắng nhờ toàn cái thứ nước chảy xuống từ trời ấy. Tôi sắp trở lại Bouville. Thật kinh khủng!

Tôi tỉnh giấc nhỏm dậy. Đang nửa đêm. Anny đã rời Paris sáu tiếng đồng hồ. Con tàu đã rẽ sóng ra biển. Nàng đang ngủ trong một gian phòng và trên “boong” lão bảnh trai da sậm màu đồng đang hút thuốc.

Bouville, thứ ba.

Có phải đấy là tự do không? Bên dưới tôi, những khu vườn mềm mại thấp dần về phía đô thị và trong mỗi khu vườn dựng lên một ngôi nhà. Tôi nhìn thấy biển cả nặng nề, bất động, tôi nhìn thấy Bouville. Trời đẹp.

Tôi đang tự do: không còn một lý do nào để sống, tất cả các lý do tôi đã thử đều lỏng lẻo và tôi không còn có thể tưởng tượng ra những lý do khác. Tôi còn đủ sức lực để bắt đầu lại ra sao đây? Tôi đã toan tính nhờ vào Anny biết là chừng nào để thoát ra khỏi nỗi khủng khiếp mãnh liệt nhất, cơn Buồn Nôn dữ dội nhất của tôi, giờ đây tôi mới hiểu điều ấy. Quá khứ của tôi đã chết, Anny đã chỉ trở về để tước đoạt hết mọi hy vọng của tôi. Tôi cô độc trong con đường trắng viền quanh những khu vườn này. Cô độc và tự do. Nhưng tự do đó gần giống với cái chết.

Ngày hôm nay đời tôi chấm dứt. Ngày mai tôi sẽ rời khỏi thành phố đang trải rộng dưới bước chân tôi, nơi tôi đã sống quá lâu. Nó sẽ chỉ còn là một cái tên, bậm bạp, trưởng giả, rất tây, một cái tên trong ký ức tôi, không giàu có bằng tên của Florence hay Bagdad. Sẽ có một thời tôi tự hỏi: “Nhưng tựu trung, khi mình ở Bouville, mình đã có thể làm gì trong suốt cả ngày?”. Và sẽ không còn gì nữa, cả đến một hoài niệm, về vầng thái dương hôm nay, về buổi trưa này.

Cả cuộc đời tôi đã ở đằng sau. Tôi nhìn thấy toàn thể cuộc đời đó, tôi thấy hình dáng nó và những di động chậm chạp đã đưa dẫn tôi đến đây. Chẳng có gì nhiều để nói, đấy chỉ là một sự thua cuộc, chỉ có thế. Tôi đã bước chân vào Bouville ba năm nay, một cách long trọng. Tôi đã thua canh bạc đầu tiên. Tôi muốn chơi lần thứ hai và tôi lại thua: tôi đã thua hẳn. Đồng thời, tôi học được rằng người ta luôn thua cuộc. Chỉ có những đồ chó chết mới tưởng rằng mình được cuộc. Hiện tại, tôi sẽ làm như Anny, tôi sẽ cứ sống thừa ra. Ăn, ngủ. Ngủ, ăn. Hiện hữu lai rai, nhè nhẹ, như cây cối, như một vũng nước, như chiếc ghế màu đỏ trong tàu điện.

Cơn Buồn Nôn để yên tôi chốc lát. Nhưng tôi biết rằng nó sẽ trở về lại: đó là trạng thái bình thường của tôi. Duy có điều hôm nay thân xác tôi quá kiệt quệ để chịu đựng nổi. Những người ốm cũng có những suy nhược may mắn làm cho họ mất đi ý thức về cơn đau trong vài giờ. Tôi đang buồn, thế thôi. Thỉnh thoảng tôi ngáp thật mạnh đến chảy cả nước mắt. Đó là một nỗi buồn sâu vời vợi, cõi lòng sâu thẳm của hiện hữu, chất liệu đã tạo nên. Tôi không bỏ luống việc săn sóc bề ngoài, trái lại nữa: sáng nay, tôi đã tắm và cạo râu. Duy có điều, khi nghĩ tưởng lại tất cả những hành động săn sóc nhỏ nhặt đó, tôi không hiểu được làm thế nào tôi đã có thể thực hiện những hành vi đó: chúng thật vô ích. Có lẽ chính những thói quen đã làm các việc ấy thay cho tôi. Chúng không chết hẳn, những thói quen đó, - chúng tiếp tục cáng đáng, tiếp tục dệt những mạng lưới của chúng một cách nhẹ nhàng, lừa phỉnh, chúng tắm rửa cho tôi, mặc quần áo cho tôi, như những bà vú nuôi. Phải chăng cũng chính chúng đã đưa tôi lên ngọn đồi này?

Tôi không còn nhớ tôi đã đến đây bằng cách gì. Có lẽ do lối cầu thang Dautry: có thật tôi đã leo lên từng bậc một, hết một trăm mười bậc thang không? Điều có lẽ còn khó hình dung hơn nữa, là chốc nữa đây tôi sẽ bước xuống lại bằng những bậc thang đó. Tuy nhiên, tôi biết rõ điều này: chốc nữa đây tôi sẽ ở dưới khu Đồi Xanh, và khi ngẩng đầu lên tôi sẽ có thể nhìn thấy ở xa xa những khung cửa sổ loáng sáng của những ngôi nhà gần đây. Xa xa. Trên đầu tôi; và cái khoảnh khắc này mà tôi không thể thoát ra được, cái khoảnh khắc đang giam hãm tôi và vây cùng các nẻo, khoảnh khắc tạo nên tôi đây, khoảnh khắc ấy sẽ chỉ còn là một giấc mơ hỗn độn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3