Buồn nôn - Chương 22

Tôi nhìn những ánh lập loè màu xám của thành phố Bouville dưới chân tôi. Dưới ánh mặt trời chúng giống như những đống vỏ sò, vỏ hến, xương vụn, đá sỏi. Chìm mất trong những mảnh vụn ấy, những đốm sáng nhỏ bằng chai hay bằng nhựa bắn ra những ngọn lửa nhẹ từng chặp. Những rãnh, những hào, những luống mảnh mai chạy giữa những vỏ sò ấy, trong một giờ nữa, chúng sẽ là những con đường, tôi sẽ bước đi trên những con đường đó, giữa những bức tường. Những thằng người đen lí nhí mà tôi nhận ra trên con lộ Boulibet đó, trong một giờ nữa tôi sẽ là thành phần trong bọn chúng.

Trên đỉnh ngọn đồi này, tôi cảm thấy xa họ tuyệt mù. Tôi thấy như mình thuộc về một loài khác. Họ ra khỏi phòng giấy sau một ngày làm việc, họ nhìn những ngôi nhà và những công viên bằng một vẻ thoải mái, họ nghĩ rằng đó là thành phố của họ, một “thành phố trưởng giả mỹ miều”. Họ không chút sợ hãi, họ cảm thấy quen thuộc. Từ bao giờ họ chỉ thấy dòng nước quen thuộc chảy ra từ những vòi nước, ánh sáng phát ra từ những bóng đèn khi người ta ấn trên nút bấm điện, họ chỉ thấy những cây lai giống, cây cùi mà người ta chống đỡ bằng những chảng ba. Họ có hàng trăm bằng cớ mỗi ngày rằng mọi thứ đều hoàn thành đúng theo cơ chế, rằng thế giới tuân theo những quy luật cố định bất di bất dịch. Vật thể rơi trong chân không đều rơi với cùng một tốc độ, công viên đóng cửa mọi ngày từ 16 giờ vào mùa đông, từ 18 giờ vào mùa hè, chì biến sang thể lỏng ở 335°, chuyến tàu điện cuối cùng đi từ toà thị chính lúc 23 giờ 5 phút. Họ sống bình thản, hơi ảm đạm, họ nghĩ đến Ngày Mai, nghĩa là một ngày hôm nay mới; thành phố chỉ cung ứng có mỗi một ngày, ngày ấy cứ trở đi trở lại y hệt nhau vào mỗi buổi sáng. Có chăng, người ta trau chuốt nó một ít vào những ngày chủ nhật. Những tên xuẩn ngốc. Điều ấy làm tôi kinh tởm, khi nghĩ rằng sắp sửa gặp lại những bộ mặt dày và tự tin của chúng. Chúng làm ra luật lệ, chúng viết ra những cuốn tiểu thuyết bình dân, chúng cưới nhau, chúng ngu xuẩn cùng độ khi sinh ra những đứa con. Tuy vậy cái thiên nhiên rộng lớn mơ hồ đã lẻn vào thành phố của chúng, trong chính con người chúng. Thiên nhiên đó không cử động, nó giữ vẻ lặng lẽ và chúng, tâm hồn đầy ứ thiên nhiên, chúng thở hít thiên nhiên mà không nhìn thấy nó, chúng tưởng tượng rằng nó ở bên ngoài, cách thành phố chừng hai mươi dặm. Còn tôi, tôi thấy nó, tôi thấy cái thiên nhiên, đó... Tôi biết rằng lệ thuộc vào thiên nhiên là lười biếng, tôi biết rằng nó không có quy luật: điều mà chúng cho là yếu tố thường hằng của nhiên giới... Nhiên giới chỉ có những thói quen và nó có thể thay đổi những thói quen đó vào ngày mai.

Nếu có chuyện gì xảy ra? Nếu bỗng chốc thiên nhiên bắt đầu dao động? Lúc đó, chúng sẽ nhận ra rằng thiên nhiên đang hiện thể ở đấy và tim chúng dường như tan vỡ. Lúc đó, những bờ đê, những pháo đài, những lò sưởi điện, những lò cao, những búa chày của chúng sẽ dùng làm gì? Điều đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, có lẽ xảy ra ngay bây giờ đây: những triệu chứng đang có kia. Chẳng hạn, một người cha đang đi dạo sẽ thấy một chiếc khăn màu đỏ băng qua đường về hướng ông ta như tuồng được một ngọn gió đẩy tới. Và khi chiếc khăn đến thật gần, ông ta mới thấy đó là một khoanh thịt thối, vấy đầy bụi, vừa bò lê vừa nhảy, một miếng thịt bị nghiền lăn trong những dòng suối và phóng ra từng hồi những tia máu. Hay một bà mẹ nhìn má đứa con và hỏi: “Con bị gì kia, rôm hả?” và bà sẽ thấy da thịt sưng phù lên một ít, nứt nẻ, mở ra, và, dưới đáy đường nứt một con mắt thứ ba, một con mắt tươi cười xuất hiện. Hay họ sẽ cảm thấy những phớt chạm dịu dàng trên toàn thân, như những mơn trớn mà những con người bơi trong nước cảm thấy đối với những cây cối. Và họ sẽ biết rằng y phục của họ đã biến thành những con vật sống ngọ nguậy. Và một người khác sẽ thấy rằng có gì đang cào cào trong miệng y. Y tiến đến gần một tấm gương há miệng ra: lưỡi y đã biến thành một con rết khổng lồ linh hoạt đang ngọ nguậy những chiếc chân và cọ sát vào vòm miệng. Y sẽ muốn khạc nhổ nó ra, những con rết, lúc đó là một phần của chính y và y phải bứt rời ra bằng hai tay. Và một lô những sự vật sẽ xuất hiện mà người ta phải tìm những tên mới cho chúng, chẳng hạn như mắt-đá, cánh-tay-khổng-lồ-ba-sừng, ngón-chân-cái- làm-nạng-chống, màn-nhện-làm-hàm. Và người đang ngủ trong chiếc giường êm ái, trong căn phòng ấm cúng của mình sẽ thức dậy trần truồng trên một nền đất màu xanh, trong một khu rừng cây xào xạc, màu đỏ và trắng, dựng thẳng lên trên như những ống khói ở miền phụ cận Bouville, với những hòn dái to lớn vượt ra khỏi đất một nửa, láng lẩy và phồng tròn, như những củ hành. Và những con chim sẽ bay lượn quanh những chiếc cây, dùng mỏ mổ vào làm chúng chảy máu. Tinh khí sẽ chảy ra một cách chậm chạp, nhẹ nhàng từ những vết thương, thứ tinh khí có lẫn máu, lầy nhầy và ấm nóng với những bọt nhỏ. Hay chẳng có gì xảy ra như trên, chẳng có một thay đổi nào đáng kể xảy đến, nhưng một sớm, khi mở chiếc cửa lá sách, người ta kinh ngạc vì một loại cảm giác ghê sợ, bám víu nặng trĩu trên sự vật và như có vẻ đang đợi chờ. Chỉ có thế: nhưng chỉ cần điều ấy kéo dài ít lâu, là sẽ có hàng trăm người tự tử. Ừ! Chỉ cần nó thay đổi một chút thôi, tôi không đòi hỏi gì hơn. Lúc bấy giờ người ta sẽ nhìn thấy những người khác bỗng chốc bị lao vào cô đơn. Những con người hoàn toàn cô đơn, hết sức cô đơn với những nét mặt quái gở ghê gớm, sẽ chạy khắp đường phố, họ sẽ nặng nề diễn qua trước mặt tôi, đôi mắt đăm đăm, trốn chạy cơn bệnh của họ và đem chúng theo cùng, miệng há hốc với cái-lưỡi-côn-trùng đang đập cánh. Lúc đó tôi sẽ phá lên cười, ngay cả khi thân thể tôi bị bao bọc bằng những đồ dơ bẩn, ám muội, đang nở ra thành những đóa hoa thịt, những đóa hoa tím, hoa mao lương. Tôi sẽ dựa lưng vào một bức tường và hét to khi họ chạy ngang: “Các ông đã làm gì với khoa học của các ông? Các ông đã làm gì với chủ nghĩa nhân bản của các ông? Đâu là phẩm giá của cây sậy suy tư đấy hở?”. Tôi sẽ không sợ hãi - hay ít ra, không sợ hãi hơn bây giờ. Phải chăng đó không phải luôn luôn là hiện hữu, những biến thể của hiện hữu? Tất cả những con mắt thứ ba đang ăn dần một khuôn mặt, chúng là thừa thãi, hẳn thế, nhưng không thừa thãi hơn hai con mắt đầu tiên. Tôi sợ là sợ cuộc hiện hữu.

Chiều xuống, những ngọn đèn đầu tiên được thắp lên trong thành phố. Chúa ơi! Thành phố có vẻ tự nhiên làm sao, mặc dù tất cả những vẻ hình học của nó, trông nó có vẻ bị đè bẹp ngần nào dưới buổi chiều. Điều đó quá sức... hiển nhiên, khi nhìn từ đây, có thể nào tôi là người duy nhất nhìn thấy nó? Không có một anh chàng Gassandre nào ở một nơi nào đó, trên một ngọn đồi, nhìn một thành phố dưới chân mình đang bị nuốt chửng vào lòng thiên nhiên hay sao? Vả lại, điều đó có quan hệ gì? Tôi sẽ có thể nói gì với y?

Rất nhẹ nhàng, thân thể tôi xoay về hướng tây, hơi lảo đảo rồi bắt đầu bước đi.

Thứ tư: ngày cuối cùng của tôi ở Bouville.

Tôi đã đi khắp thành phố để tìm lại chàng Tự Học. Chắc chắn là y không về nhà.

Y phải đi lang thang, lòng dồn dập cả hổ thẹn lẫn kinh sợ, anh chàng nhân bản khốn khổ mà người ta không muốn biết tới nữa ấy. Thật ra, tôi chẳng ngạc nhiên gì khi sự việc xảy ra: từ lâu rồi tôi cảm thấy rằng tâm hồn dịu dàng và nhút nhát của y sẽ gây nên tai tiếng. Y chẳng làm gì nên tội: đấy hầu như do cái vẻ nhục cảm, tình yêu chiêm ngưỡng khiêm tốn của y đối với những thiếu niên - đúng ra là một hình thức nhân bản. Nhưng phải có một ngày nào đó y tự thấy cô độc. Như ông Achille, như tôi: y thuộc giống nòi tôi, y có thiện chí. Hiện giờ y đã bước vào cô đơn - và mãi mãi. Tất cả đều sụp đổ một lần, giấc mơ văn hóa, giấc mơ hòa thuận với loài người của y. Đầu tiên là sự sợ sệt, sự kinh hãi và những đêm không ngủ, rồi sau đó, những chuỗi ngày lưu đày dài dặc. Buổi chiều, y sẽ trở về lang thang trong sân Hypothèques; y sẽ đứng nhìn từ xa những cửa sổ lấp lánh sáng của thư viện và lòng y se thắt khi y nhớ đến những kệ sách dài, với những chiếc bìa đóng bằng da và mùi giấy từ các trang sách. Tôi tiếc đã không đi theo y, nhưng y đã không muốn như thế; chính y đã van tôi để cho y đi một mình: y bắt đầu tập sự cô đơn. Tôi viết những dòng này ở quán cà phê. Tôi đã vào quán một cách trịnh trọng, tôi muốn chiêm ngưỡng ông quản lý, bà thâu ngân và cảm thấy rằng tôi nhìn họ lần cuối cùng. Nhưng tôi không thể đừng nghĩ đến chàng Tự Học, tôi cứ luôn nhìn thấy khuôn mặt xanh xao ốm yếu đầy trách móc và cái cổ áo cao ướt đẫm máu của y. Lúc bấy giờ tôi đã hỏi xin giấy và tôi sẽ thuật lại những gì đã xảy ra cho chàng Tự Học.

Tôi đến thư viện vào khoảng hai giờ chiều. Tôi đã nghĩ: “Thư viện. Mình vào đây lần cuối”.

Căn phòng hầu như trống không. Tôi buồn mà nhận ra điều đó vì biết rằng mình sẽ không bao giờ trở lại nữa. Căn phòng nhẹ như một làn hơi, gần như vô thực, và nhuộm một màu đỏ chói; mặt trời ngả bóng nhuộm đỏ chiếc bàn dành cho nữ độc giả, cánh cửa, những chiếc gáy sách. Trong một giây, tôi có cảm tưởng êm đềm như vào trong một khu rừng còn đầy lá vàng rực rỡ; tôi mỉm cười. Tôi nghĩ: “Đã lâu mình không mỉm cười đấy”. Gã đảo Corse nhìn ra cửa sổ, tay chắp lại sau lưng. Gã thấy gì? Chiếc sọ của Impétraz chăng? “Mình thì mình sẽ không còn thấy nữa chiếc sọ Impétraz, cái mũ cao cũng như chiếc áo choàng của ông ta. Trong sáu giờ nữa, mình sẽ rời Bouville”. Tôi đặt trên bàn giấy của người thủ thư hai cuốn sách mượn vào tháng trước. Y xé một tấm thẻ xanh và đưa mảnh giấy cho tôi:

“Đây, thưa ông Roquentin”.

“Cám ơn ông.”

Tôi nghĩ: “Bây giờ, tôi không còn nợ họ gì cả. Tôi không còn nợ một ai ở đây nữa. Tôi sắp sửa đến từ giã bà chủ quán “Rendez-vous des Cheminots”. Tôi đang tự do. Tôi ngần ngại một lúc: tôi có nên dùng những phút cuối cùng này để đi dạo một vòng qua Bouville, nhìn lại đại lộ Victor Hugo, đại lộ Galvani, đường Tournebride? Nhưng khu rừng con này êm đềm quá, tinh khiết quá: tôi thấy như nó chỉ hơi hơi hiện hữu và cơn Buồn Nôn đã lánh xa nó. Tôi đến ngồi gần lò sưởi. Tờ Nhật báo Bouville trải ra trên bàn. Tôi với tay lấy báo.

“Được chó cứu sống.”

“Chiều qua, ông Dubosc, nghiệp chủ ở Remiredon, trong khi dùng xe đạp trở về nhà từ chợ phiên Naugi...”

Một bà to lớn đến ngồi bên phải tôi. Bà đặt chiếc nón nỉ bên cạnh. Mũi bà mọc lên trên khuôn mặt như một con dao cắm trong một trái táo. Dưới chiếc mũi, một cái lỗ nhỏ đang nhăn nhíu lại một cách khinh thị. Bà lôi từ xắc ra một cuốn sách đóng bìa da, tựa khuỷu tay vào bàn và tựa đầu vào đôi tay mập mỡ. Trước mặt tôi, một ông già đang ngủ. Tôi biết ông ta: ông đã có mặt ở thư viện vào cái buổi chiều mà tôi kinh hãi đó. Ông cũng kinh hãi, tôi tin thế. Tôi nghĩ: “Thật là xa xôi, tất cả những chuyện đó”.

Lúc bốn giờ rưỡi, chàng Tự Học đi vào. Tôi thích siết tay y và nói vài lời từ biệt. Nhưng phải tin rằng cuộc hội kiến cuối cùng của hai người đã để lại cho y một kỷ niệm buồn: y chào tôi một cách xa vắng và đến đặt xuống bàn khá xa tôi một gói nhỏ trắng, trong đó hẳn chứa đựng như thường lệ một khúc bánh mì và một thỏi sô-cô-la. Một lát sau, y trở lại với một cuốn sách có hình mà y đặt gần bên gói. Tôi nghĩ: “Mình đang gặp y lần cuối”. Chiều mai, chiều mốt, những chiều kế tiếp, y sẽ đến đọc sách ở cái bàn này và ăn 

bánh mì với sô-cô-la, y theo đuổi một cách kiên tâm những nhảm nhí như chuột của y, y sẽ đọc những tác phẩm của Nabaud, Naudeau, Noder, Nys và thỉnh thoảng ngừng lại để ghi một châm ngôn vào cuốn sổ nhỏ mang theo. Còn tôi, tôi đi trong thành phố Ba Lê, trên những con đường của Ba Lê, tôi sẽ nhìn thấy những khuôn mặt mới. Cái gì sẽ xảy đến cho tôi, trong lúc y đang ở đây, trong lúc ngọn đèn chiếu vào khuôn mặt to lớn, trầm ngâm của y? Tôi cảm thấy đúng lúc rằng tôi lại sắp bị mê hoặc bởi ảo ảnh của cuộc phiêu lưu. Tôi nhún vai và tiếp tục đọc trở lại.

“Bouville và những vùng lân cận.

Monistiers.

“Hoạt động của đội cảnh sát trong năm 1932. Đội trưởng Guspard, chỉ huy đội Cảnh sát Monistiers và 4 thuộc viên của ông, các ông Lagoutte, Nizan, Pierpont và Ghil đã không thiếu việc làm trong năm 1932. Quả thế, cảnh sát cùa ta đã ghi nhận được 7 án mạng, 82 tội tiểu hình, 159 tội vi cảnh, 6 vụ tự tử và 15 vụ tai nạn xe hơi trong đó có 3 vụ tử nạn.”

Phụ cận Bouville.

“Nhóm ái hữu những người chơi kèn của vùng phụ cận Bouville.

“Hôm nay tập dượt chung, phát thiệp cho cuộc hòa nhạc thường niên.

Compostel.

“Lễ gắn Bắc đẩu bội tinh tại tòa thị sảnh.

Hội du khách Bouville. (Thành lập do Hướng đạo Bouville năm 1924):

“Chiều nay, lúc 20 giờ 40, họp hằng tháng ở nhiệm sở xã hội số 10, đường Ferdinand Byron, phòng A. Chương trình nghị sự: đọc biên bản cuối cùng. Thư tín, tiệc thường niên, lạc quyên năm 1932, chương trình những cuộc du ngoạn tháng 3; những vấn đề linh tinh; niêm yết.”

Bảo vệ loài vật (Hội Bouville):

“Thứ năm tuần tới, từ 15 đến 17 giờ, phòng C, 10, đường Ferdinand Byron, Bouville, thường trực dành cho công chúng. Thư từ gởi cho Chủ tịch, tại nhiệm sở hay số 154, đại lộ Galvani.

“Hội bảo vệ chó Bouville... Hội những bệnh nhân chiến tranh Bouville... Nghiệp đoàn chủ xe tắc-xi... Hội ái hữu những trường Sư phạm ở Bouville...”

Hai thiếu niên bước vào với những cặp sách. Những học sinh trung học. Gã đảo Corse rất thích các học sinh trung học, vì gã có thể giám thị chúng thân tình như cha đối với con. Gã thường thích để cho chúng lắc lư trên mấy chiếc ghế và nói chuyện thả cửa, rồi bỗng chốc gã rón rén đến đằng sau chúng và la rầy: “Đây có phải là thái độ của những người đã lớn không? Nếu các em không thay đổi thái độ, ông thư viện trưởng buộc lòng phải than phiền với ông giám học”. Và nếu chúng kháng cự, y nhìn chúng bằng đôi mắt ghê gớm: “Cho tôi biết tên các em”. Y cũng hướng dẫn sự đọc sách của chúng: Ở thư viện, vài cuốn sách được đánh dấu bằng một chữ thập đỏ; đó là Hỏa Ngục: những tác phẩm của Gide, Diderot, Baudelaire, những sách y khoa. Khi một học sinh trung học xin tra cứu một trong các cuốn đó, gã đảo Corse ra dấu cho cậu, kéo cậu vào một góc và tra hỏi. Sau một hồi, y tuyên bố và giọng y vang lên trong phòng đọc sách: “Có những cuốn sách thú vị hơn nhiều cho tuổi các em. Những sách giáo dục. Trước hết em đã làm xong bài chưa đã? Em học lớp mấy? Lớp đệ tam? Và em không có việc gì làm sau 4 giờ chiều? Giáo sư các em thường đến đây và tôi sẽ mách ông về chuyện các em.

Hai cậu bé còn đứng sững cạnh lò sưởi. Cậu nhỏ tóc màu nâu, da gần như quá mịn và một cái mồm thật bé, tinh quái và kiêu hãnh. Anh chàng bồ bịch của cậu, một cậu lớn con mạnh bạo, với một bộ râu mép măng tơ, lấy khuỷu tay huých cậu và thì thầm vài tiếng. Cậu bé tóc nâu không trả lời, nhưng nhếch mép cười, đầy kiêu ngạo tự mãn. Rồi cả hai lừ đừ chọn một cuốn tự điển trên một trong những kệ và lại gần chàng Tự Học lúc ấy đang đăm đăm nhìn chúng bằng một tia nhìn mệt mỏi. Chúng có vẻ không biết đến sự hiện diện của y, nhưng chúng ngồi sát y, cậu bé tóc nâu bên tay trái chàng Tự Học và cậu lưng gù to con bên trái cậu tóc nâu. Chúng bắt đầu lật cuốn tự điển. Chàng Tự Học nhìn mông lung khắp phòng, rồi trở lại đọc sách. Chưa bao giờ một phòng thư viện lại mang một quang cảnh làm vững dạ hơn. Tôi không nghe thấy một tiếng động nào, ngoại trừ hơi thở ngắn của cái bà to lớn, tôi chỉ thấy những chiếc đầu cúi xuống trên những cuốn sách khổ gấp-tám. Tuy nhiên, ngay lúc đó, tôi có cảm tưởng rằng một biến cố khó chịu sắp xảy ra. Tất cả những người đang cúi mặt xuống với một vẻ chăm chú đó dường như đang đóng kịch; tôi đã cảm thấy cách đây mấy phút, cái gì như một làn khí ác độc vừa tỏa lan trên chúng tôi.

Tôi đã đọc xong, nhưng quyết định nán lại: tôi vừa chờ đợi, vừa giả bộ đọc báo. Điều làm tăng thêm sự tò mò và làm tôi bực tức, đó là những người khác cũng đang đợi chờ như tôi. Tôi nghe như là người đàn bà cạnh tôi giở những trang sách của bà mau hơn. Vài phút trôi qua, rồi tôi nghe tiếng thì thào. Tôi thận trọng ngẩng đầu lên. Hai cậu bé đã gấp quyển tự điển lại. Cậu tóc nâu không nói gì, cậu quay khuôn mặt mang dấu tôn kính và chú ý sang bên phải. Ẩn một nửa sau vai của cậu, chú tóc vàng lắng tai và chế giễu một cách im lặng. “Nhưng ai đang nói?” tôi nghĩ thầm trong trí.

Chính là Chàng Tự Học, y đang cúi xuống trên chú bé ngồi cạnh; mắt trong mắt.

Y mỉm cười với chú: tôi thấy môi y động đậy và thỉnh thoảng hàng mi dài của y chớp chớp. Tôi chưa từng nhìn thấy vẻ trẻ thơ này nơi y, nó gần như mang vẻ quyến rũ. Nhưng, được một lúc, y ngừng lại và nhìn thoáng về sau, lo lắng. Cậu bé dường như đang uống lấy lời y, cảnh đó không có gì phi thường và tôi sắp sửa trở lại đọc sách thì tôi nhìn thấy cậu bé lướt từ từ bàn tay mình trên mép bàn ở sau lưng cậu. Che mắt được chàng Tự Học bằng lối đó, bàn tay cậu tiếp tục lướt đi và bắt đầu sờ soạng xung quanh, rồi khi đã gặp cánh tay của cậu tóc vàng to lớn, cậu tóc nâu béo một cái thật mạnh. Cậu kia đang quá say sưa thưởng thức trong yên lặng những lời nói của Chàng Tự Học nên không thấy bàn tay đang đến, cậu nhảy nhỏm lên và miệng há lớn ra dưới hậu quả của ngạc nhiên và khâm phục. Cậu tóc nâu bé nhỏ vẫn giữ nét mặt chăm chú đầy kính cẩn. Người ta có thể đâm ra nghi ngờ không biết bàn tay kia có phải là của cậu hay không. “Chúng sắp làm gì y thế?”. Tôi nghĩ tôi hiểu rõ rằng có một cái gì đó đê tiện sắp xảy ra, tôi cũng thấy rõ rằng còn kịp ngăn việc đó đừng xảy ra. Nhưng tôi chưa đoán ra được phải ngăn lại chuyện gì đây. Trong thoáng giây, tôi có ý định đứng dậy, đến vỗ vai Chàng Tự Học và nói chuyện với y. Nhưng cùng lúc đó, y chợt gặp phải cái nhìn của tôi. Y ngưng ngang câu chuyện và mím môi với vẻ bực bội. Nản lòng, tôi quay mắt đi nhanh và tiếp tục giả vờ đọc báo. Lúc đó cái bà to lớn đã đẩy cuốn sách của bà đi và ngẩng đầu lên. Bà có vẻ như bị mê hoặc. Tôi cảm thấy rõ ràng bà ta sắp sửa lên tiếng: tất cả bọn họ đều muốn cho chuyện nổ bùng ra. Tôi có thể làm gì đây? Tôi nhìn nhanh về phía gã đảo Corse: gã không còn nhìn ra cửa sổ, gã hơi xoay người về phía chúng tôi.

Một khắc trôi qua, Chàng Tự Học bắt đầu thì thầm trở lại. Tôi không dám nhìn y nhưng tôi tưởng tượng rất rõ ràng vẻ thơ trẻ dịu dàng của y và những cái nhìn đè nặng trên y mà y không biết. Có một lúc tôi nghe tiếng y cười, một tiếng cười nhỏ trong trẻo và ranh mãnh. Tiếng cười làm tôi se lòng: tôi có cảm tưởng như những đứa trẻ khốn kiếp sắp nhận nước một con mèo. Rồi bỗng chốc, những tiếng thì thào ngưng hẳn. Sự im lặng đối với tôi chứa đầy vẻ bi thảm: đó là sự kết thúc, sự thi hành án tử. Tôi cúi đầu trên tờ báo 

và giả bộ đọc; nhưng tôi không đọc: tôi nhướng đôi mày và nâng cao mắt lên hết sức, để cố bắt chợt những gì đang xảy ra trước mặt tôi trong nỗi yên lặng này. Khi nhẹ xoay đầu, rnắt tôi thoáng gặp một điều: một bàn tay, rnột bàn tay nhỏ và trắng vừa lướt dọc theo bàn. Bây giờ, bàn tay đó đang lật ngửa ra, nằm dài, dịu dàng và đầy nhục cảm, bàn tay mang vẻ trần truồng ơ hờ của một người con gái tắm biển đang nằm sưởi nắng. Một vật màu nâu và bóng như nhung xích gần lại, ngập ngừng. Đó là một ngón tay lớn vàng khè vì thuốc hút; nằm bên bàn tay đó, ngón tay có tất cả cái vô duyên thô bạo của phái khỏe. Nó ngừng lại một lúc, cứng đơ, chìa về phía lòng bàn tay mảnh dẻ, rồi bỗng nó bắt đầu mơn trớn bàn tay một cách rụt rè. Tôi không ngạc nhiên, duy tôi rất tức giận chàng Tự Học: đồ ngốc, y không thể tự kìm hãm mình được sao: Y không hiểu nỗi nguy hiểm đang xảy đến cho y hay sao? Y còn một cơ hội, một may mắn mong manh: nếu y để cả hai tay trên bàn, hai bên cuốn sách, nếu y tuyệt đối câm mồm, có lẽ y sẽ thoát khỏi số phận y lần này. Nhưng tôi biết rằng y sắp bỏ mất cơ hội may mắn đó: ngón tay trườn nhè nhẹ, khiêm nhu, trên khối thịt da bất động, lướt nhẹ lên mà không dám đè mạnh: dường như ngón tay ý thức được vẻ xấu xa của nó. Tôi đột ngột ngẩng đầu lên, tôi không còn chịu đựng nổi cuộc vuốt ve lì lợm đó: tôi tìm đôi mắt của Chàng Tự Học và tôi ho thật lớn, để báo cho y hay. Nhưng y đã khép chặt mí mắt, y đang mỉm cười. Tay kia của y mất hút dưới gậm bàn. Hai đứa bé không còn cười nữa, mặt chúng trở nên xanh mét. Cậu bé tóc nâu cắn môi, cậu đang sợ hãi. Tuồng như cậu thấy những biến cố đã vượt quá tầm kiểm soát của mình. Tuy nhiên, cậu không rụt tay lại, cậu để mặc nó trên bàn, bàn tay bất động, gần như hơi co rút lại. Bạn cậu miệng há hốc ra trong một vẻ ngu độn và sợ hãi.