Franz và Clara - Chương 07 - 08 - 09
7
Tôi sắp bước sang tuổi hai mươi, đôi mắt đen láy, mái tóc dài sáng màu. Chưa bao giờ có ai nói với tôi rằng tôi đẹp. Một tối, một người đàn ông tiến về phía tôi sau khi buổi hòa nhạc kết thúc.
- Tôi tên là Luca Barzoni, ông ta nói. Em thật đẹp.
Ông ta bắt chuyện với tôi ở cửa sau mặt phía Đông của phòng hòa nhạc, những khán giả đến xin chữ ký của các nghệ sĩ độc tấu lớn hoặc một nhạc trưởng nổi tiếng thường tụ tập ở lối ra đó. Chúng tôi thường ra trước các nhân vật nổi tiếng, những người có quyền được nhận những tràng vỗ tay mời quay lại sân khấu, những người mà vì họ, chúng tôi thường hay gõ cây vĩ cầm của mình lên giá nhạc để chia sẽ với họ vào thời khắc duy nhất khi tiếng vỗ tay nổ ra, nhưng trên hết là để chuyển đến họ lòng mến phục và sự biết ơn của chúng tôi: nhờ họ, chúng tôi đã có tài năng. Đôi khi, một số người nói với chúng tôi điều tương tự: chúng ta đã cùng nhau làm nên tài năng. Cùng với họ, nhờ có họ, chúng tôi đã mang đến, đã chuyển tải đến khán giả những gì được viết ra dưới bàn tay của Mozart, Mahler, Beethoven, Wagner, những thiên tài sáng tạo còn chúng tôi đơn giản chỉ là người diễn tấu lại các tác phẩm của họ. Chỉ duy việc trải qua khoảng thời gian này, vào đúng lúc buổi hòa nhạc kết thúc, vào đúng lúc khoảng khắc im lặng khi hai cánh tay người nhạc trưởng buông xuống dọc cơ thể - chắc hẳn ông muốn, và chúng tôi cũng như ông, rằng khán giả tôn trọng sự im lặng này lâu hơn nữa, nhưng công chúng không thể chờ đợi và hét lên với chúng tôi lời cảm tạ cùng niềm vui sướng vui của họ - chỉ việc ấy, vào khoảng khắc duy nhất ấy, đã mang trọn vẹn ý nghĩa của nó tới cho niềm yêu thích của tôi, cho công việc của tôi, vả lại, nó cũng trống rỗng như chính sự tồn tại thường nhật của tôi.
Vậy là người đàn ông ấy tiến lên trong bóng tôi, dưới ánh sáng vàng vọt từ chiếc đèn bên ngoài gắn phía trên cửa kim loại, còn tôi thì thấy sợ, bởi con người xa lạ, hoàn toàn xa lạ ấy khiến tôi thấy sợ. Cả đời mình, cho đến lúc này, tôi luôn bảo vệ mình khỏi mọi cảm xúc, mọi điều bất ngời, mọi biến cố. Tuy nhiên, ông ta lịch sự, giữ khoảng cách vài bước, đưa tay ngang ngực và nói tiếp sau câu đầu tiên:
- Đừng sợ, tôi là người đàng hoàng, tôi không muốn điều gì xấu cho em đâu. Tôi chỉ muốn nói với em rằng em thật đẹp và báo trước để em không lấy làm ngạc nhiên khi thấy tôi thường xuyên ngồi ở hàng ghế đầu mỗi khi dàn nhạc của em biểu diễn. Tôi tới là vì em.
Tôi không trả lời. Vừa mới nở nụ cười vì hài lòng, tôi chuẩn bị nói nhưng chẳng biết nói gì. Chính ông ta lại tự lẩn tránh, gật đầu ra hiệu chào tạm biệt, và nói:
- Đừng coi tôi là kẻ cuồng tưởng như em. Em thật đẹp. Thế thôi. Tôi không hiểu tại sao người ta lại không nói với em điều đó.Tôi không hay đi nghe nhạc, nói đúng ra tôi không phải là người mê nhạc, nhưng các bạn tôi đã cho tôi tấm vé họ không dùng đến, và thế là, vì thấy phần đầu của buổi hòa nhạc chán ngắt nên tôi đưa mắt lơ đễnh nhìn phía các nhạc công, và hết sức kinh ngạc trước vẻ đẹp của em. Tôi muốn nói với em điều ấy. Xin chào.
Ông ta quay lưng lại và đi xa dần đến nhập hội với một nhóm nhỏ, có vài đôi, những người đàn ông và phụ nữ, mặc đồ sẫm màu giống ông ta. Tôi nghe tiếng họ cười nhiều lần. Vậy nên tôi nghĩ rằng người đàn ông này vừa thắng trong một ván cá cược với những người kia, còn tôi là nạn nhân của ván cá cược, là cái cớ cho những tràng cười ở họ.
Tôi cảm thấy nhục nhã và ghét chính bản thân mình, bởi lời nói và kiểu cách của Luca Barzoni đã đánh thức lòng kiêu hãnh trong tôi. Từ người đàn ông ấy, một vẻ bình thản, một sự hài hòa giữa cử chỉ và giọng nói toát ra, khiến tôi bị quyến rũ ngay lập tức. Tôi tự trách mình đã rơi vào cái bẫy lấy lòng hết sức tầm thường ấy. Tôi sắp hai mươi. Kể từ khi đến Lucerne, tôi chỉ mới biết vài ba trò cưa cẩm tán tỉnh, những mối quan hệ chớm nở chẳng đi đến đâu, đôi ba chàng trai cùng độ tuổi, những lần đi chơi, những cuộc gặp gỡ, những điều vớ vẩn, vô nghĩa. Và tôi luôn lùi ra xa, tự cấm đoán mình mọi mối quan hệ với đàn ông.
Luca Barzoni, dáng người cao lớn trong chiếc măng tô đen, cách cư xử lịch thiệp, vẻ dịu dàng chín chắn trong giọng nói và nụ cười, thuộc kiểu người dễ nhận ra được giữa đám đông. Lời khen của ông ta đã làm tôi xúc động. Những tràng cười kia xúc phạm đến tôi và tôi cố quên đi. Nhưng không lâu sau, bởi đúng như ông ta báo trước, ông ta xuất hiện ở hàng ghế khán giả đầu tiên vào buổi hòa nhạc tiếp theo. Điều ấy đã không làm tôi bực mình.
Khi bước lên sân khấu, theo thứ tự hoặc tình trạng lộn xộn, đôi khi bộ kèn đi trước bộ dây, đôi khi là bộ sáo, mọi người nói với nhau đôi ba câu, ngồi vào chỗ đợi cây violon một đến, bạn sẽ có vài phút để liếc mắt về phía khán phòng. Thường thường, đa số nhạc công không quen biết khán giả. Những khuôn mặt vô danh, những đôi nam nữ đang truyện trò, những dãy tóc dài tóc ngắn, váy vóc quần áo, cùng tấm màn những lời rì rầm trôi nổi phía trên đầu, những tiếng ồn ào đoán này đoán nọ sẽ tắt lịm trong vài phút nữa. Trước hết bạn ở đây là vì họ, chắc chắn rồi – nhưng bạn ở đây cũng là vì chính bản thân mình, vì dàn nhạc và vì nhạc trưởng, và bạn gần như chẳng chú ý tới đám đông này, tới toàn bộ cái đám lộn xộn những khuôn mặt trái xoan hay tròn trĩnh, những gương mặt mơ mộng và được trang điểm kỹ lưỡng này. Tuy nhiên, tôi không thể ngăn mình chăm chú nhìn hàng ghế đầu tiên. Luca Barzoni ngồi ở đó, lịch thiệp và có đeo cà vạt. Tôi lẩn tránh ánh mắt ông ta. Buổi hòa nhạc kết thúc, ông ta không xuất hiện ở cửa ra phía Bắc, nhưng tôi lại tiếp tục nhìn thấy ông ta,vẫn ngồi ở chính chỗ ghế khán giả ấy, trong nhiều tối liên tiếp. Ông ta chẳng tỏ dấu hiệu gì, tôi tránh ngẩng đầu lên, sợ đánh mất sự tập trung cần thiết cho công việc của mình dù chỉ một lần, nhưng ông ta ở đó và tôi cảm thấy thỏa mãn tự trong lòng, và việc ấy kéo dài gần một tháng.
Khi đang là cuối xuân. Ngày dài hơn khiến các nhạc công tận dụng giờ nghỉ chuyển hồi để ra khỏi tòa nhà hút một điếu thuốc hay đơn giản là dạo vài bước bên bờ hồ. Ánh ngày tháng Sáu, thứ ánh sáng đẹp nhất trong năm, những cánh chim bay là là mặt nước dát bạc, làn gió nhẹ xô mặt nước bập bềnh rì rào, những mạn tàu neo nơi cầu cảng, ánh phản chiếu từ những đỉnh núi đầy băng tít trên cao, nổi trội giữa thung lũng, những ngọn thông đá sỏi và con người – và cái mong muốn thầm kín mà bản thân tôi cũng không biết. Dựa lưng vào bức tường mặt trước tòa nhà vẫn còn âm ấm vì ánh nắng ban ngày, tôi hít thở, mắt nhắm lại, tôi cảm thấy mình đang chờ đợi. Cơ thể tôi chỉ là như thế. Một sự chờ đợi. Tôi thoáng nhận thấy tiếng khách hàng của quán Seebar ngồi ở bàn ngoài hiên, đối diện bến số 1, tôi nghe thấy tiếng bước chân của vài du khách trên đê chắn sóng bằng gỗ màu tơ sống và tiếng ro ro xa xa của chiếc Stadt-Luzern cổ, niềm tự hào của Công ty vận tải trên hồ Quatre-Cantons, đang hú còi báo hiệu vào bến, và tôi tưởng tượng nó rẽ làn nước ngày càng nặng hơn và nhiều dầu hơn khi con tàu tiến gần đến điểm neo đậu của mình. Tôi nghe thấy giọng của Luca, rất gần:
- Tôi rất hi vọng sẽ thấy em đâu đó, ở phía này, vào giờ giải lao. Em khỏe không?
Tôi mở mắt. Người khán giả kiên nhẫn ở hàng ghế đầu này, ông ta vẫn có cái nụ cười độ lượng và chở che trên khuôn mặt đàn ông ấy. Ông ta đề nghị tôi đi ăn tối cùng ông ta sau buổi biểu diễn. Tôi trả lời với vẻ dữ dội vốn không thường thấy nơi mình:
- Để có thể cười nhạo tôi, một lần nữa, cùng với các bạn ông à?
- Em nói chuyện gì thế?
- Ông biết rõ tôi đang nói chuyện gì.
Tôi vô cùng tức giận – những lời đầu tiên tôi nói với người đàn ông mà một phần thầm kín trong trong đã mong muốn ông ta đi xa hơn cái buổi trò chuyện chóng vánh đầu tiên cứ phải là lời trách móc sao? Ông ta vẫn cười, nhưng tôi lại tiếp tục, như thể, từ một tháng nay, tôi đã dồn nén ham muốn mãnh liệt được u khích ông ta – có lẽ để xuôi lòng trước sự tán tỉnh câm lặng và khéo léo của ông ta.
- Phải, tôi nhấn mạnh, lần đầu khi ông bắt chuyện với tôi, tôi đã thấy rõ ông đi tới chỗ vài người bạn để cười cợt về cái trò mà ông vừa diễn với tôi.
Tôi bỗng nhiên ngừng bặt. Tôi nhận ra mình đang ăn nói như một cô nàng khờ khạo – chỉ sau đó một lát tôi mới hiểu điều gì ẩn sau hình phạt của tôi – ông ta nói với tôi rằng tôi giống như một bà vợ già đang trách cứ ông chồng già của bà ta. Tôi dừng màn kịch của mình lại, chúng tôi phá lên cười; tối đó chúng tôi đã ăn tối cùng nhau, rồi tất cả những tối tiếp sau nữa. Chúng tôi nhanh chóng trở thành bạn tình.
Cảm giác ấy là cảm giác một người trở thành trung tâm của cả thế giới, trung tâm của thế giới của bạn, trung tâm của chính bản thân bạn. Từ đó, cuộc sống của tôi luôn viên mãn, mỗi giờ mỗi ngày mang một nhịp điệu khác, thời gian và không gian không còn mang những chiều kích như trước nữa, những gì có vẻ dài trở nên ngắn ngủi, những gì xa xôi lại thành gần gũi.
Sự đơn điệu và nề nếp, sắc màu của thói quen, sắc màu của sự cô đơn, những giờ giấc chính xác, bất biến, những khi thức giấc, những lúc đi ngủ, những lần diễn tập, những buổi hòa nhạc, những hành trình định trước và những địa điểm quen thuộc, những khi đối mặt trong im lặng với cô tôi, những sắc màu nhạt nhòa, thành phố xám xịt, những màu sắc không rõ nét, tất cả đã bị xóa sạch, bị cuốn đi, cái bình thường đã bị phá tan bởi cái bất thường.
Điều bất ngờ của lạc thú, sắc màu của khoái cảm, sắc màu từ việc không còn một mình, từ việc biết vào giờ nào, vào giây phút nào, và ở đâu được làm tình với anh và để anh làm tình với mình, tất cả hòa vào nhau, hồi sinh trong nhau, sắc màu của những đêm trắng, của những buổi sáng sớm xanh trong, ham muốn cơ thể người kia, thỏa mãn cái ham muốn ấy, những nụ cười và những điều giấu giếm, những nơi ẩn trốn, những phòng ngủ tạm bợ, những mật mã và dấu hiệu bí mật, những màu đỏ, màu mạnh, màu tím, những gam màu nóng và ngọt ngào và hiếm thấy, tất cả như một món qua bất ngờ, trao không đúng chỗ.
Những người vẫn nói về “kinh nghiệm ái tình đầu tiên” của họ liệu có ước lượng được hết sức nặng của cái cụm từ khuôn sao ấy? Họ ở đó, vững vàng giữa t và thói quen những giác quan đã bị bào mòn bởi công việc của tháng năm, bởi sự chất chồng thất vọng, sự vá víu sau những lần tan vỡ, phản bội và thứ tha hay thủy chung qua bao thử thách, người ta rời bở nhau, người ta gặp lại nhau, bồi hồi xáo trộn ăn năn, sự thật và dối trá, cam chịu hay phục thù, và rồi nảy sinh những cuộc gặp gỡ khác hay những nỗi niềm đam mê khác, những giao ước khác, những cơ thể khác và những tâm hồn khác, và cả lời hứa rằng chẳng còn gì như trước nữa hay thậm chí, đôi khi, mọi thứ vẫn như ngày hôm qua. Chắc hẳn chẳng ai trong số họ quên được thứ ánh sáng của cú sốc điện đầu tiên, quên được sự kiện hoang dại ấy, quên được uy lực của chuyện phát hiện ra chuyện gì đó – tình dục, thịt da, tâm hồn, tình cảm – là không thể so sánh, bởi đó là lần đầu tiên.
Và tất nhiên, do vậy, khi tất cả chuyện này chấm dứt, nó làm trái tim bạn tan vỡ.
8
- Suy cho cùng, có lẽ kể ra cũng không có gì là khó và có lẽ việc này giúp chị thấy ổn hơn.
- Bạn thấy chưa, bạn hiểu rõ là bạn có thể.
- Tức là em yêu cầu chị giải thích, và việc đó thì chị không thể. Giải thích, thì không – kể, thì có. Nói mọi việc thế nào hay mọi việc đã thế nào thì được. Nhưng nói tại sao thì chị không thể.
- Vậy thì hãy nói cho tôi biết mọi việc thế nào. Trái tim tan vỡ là như thế nào?
- Nó giống như Nietzsche đã viết đâu đó trong Rạng đông, Nietzsche đã từng…
- Được rồi, được rồi, tôi biết rồi, tôi biết rất rõ Nietzsche là ai, vả lại không phải Nietzsche đã từng. Ông ấy vẫn đang! Rạng đông à? Quyển thứ tư, ngay trước niềm vui của Tri thức.
- Franz, kể toàn bộ chuyện này ra là một việc khá tế nhị. Vì thế em làm ơn đừng khoe mẽ sự uyên bác của mình nữa đi.
- Được thôi, xin lỗi.
- Thế đấy, trái tim tan vỡ là thế nào ư? Đó là điều Nietzsche đã nói: “Rạn nứt như một chiếc cốc khi đột nhiên người ta đổ nước nóng rẫy vào đó.” Em cảm thấy một đường rạn trên ngực trái của mình, bên phía trái tim, tất nhiên là thế. Em tự nhủ, mình sẽ ngủ, mình sẽ thở, mọi thứ sẽ dịu đi, mọi thứ sẽ được giải quyết, sẽ không còn đau xé lòng như thế này mãi, nhưng mọi thứ không dịu đi. Giá mà chỉ có phần đó trên cơ thể em, nhưng còn có mạn sườn, vùng thắt lưng, lồng ngực, phía bên phải cũng căng ra như bên trái. Thật nặng nề, rồi vỡ vụn, thế là hết, em vỡ vụn. Em mất hứng thú với mọi thứ.
- Những thứ gì?
- Mọi thứ. Em tự hỏi làm sao mình sống lại với điều mình tưởng đã lãng quên, tức là cái việc đơn giản là sống một mình. Sống với sự thiếu hụt. Và lúc đó thì thật cay đắng, phải, và còn chua chát nữa, sự chua chát ngấm qua cơ thể em. Cơ thể em trở nên khô khốc. Nó từ chối mọi thứ. Bước đi làm em đau, ăn uống thì đừng có nói đến, ngủ ngáy cũng tương tự.
- Còn chơi violon?
- Hỏi hay đấy, Franz. Chơi violon cứu vớt chị. Chị tự buộc mình không được bỏ lỡ dù chỉ một buổi làm việc trong khi mọi thứ xui khiến chị nằm dài trên giường, để đau khổ và chờ đợi, nhưng chờ đợi cái gì, chờ đợi điều gì đó biến đi ư? Thế nên chị ép mình đến đúng giờ, thậm chí đôi khi còn đến trước những người khác, bởi chị sợ ánh mắt của họ. Chị đã từng rất ngạo mạn, rất thờ ơ và kiêu căng khi có tình yêu ấy, điều đó đã tách chị khỏi dàn nhạc, khỏi những người bạn của chị, những đồng nghiệp thì đúng hơn. Sau mỗi buổi diễn, luôn có một khoảng thời gian, lúc ở trong hành lang của tầng hầm nằm phía dưới hậu trường, sau khi đám phụ nữ trút bỏ những bộ váy dài đen, nam giới cởi bỏ những chiếc áo khoác dài hẹp tà cùng sơ mi trắng, mọi người đều mặc thường phục. Thế là trông mọi người lại giống với tuổi thực của mình, mọi người cười đùa, hút thuốc, đôi khi còn ôm hôn nhau. Thỉnh thoảng, nhạc trưởng cũng ở đó, người thường đẫm mồ hôi. Ông ấy không có thời gian để trút sạch thứ âm nhạc đã được khoác lên người mình. Ông ấy nhận những lời khen ngợi từ bạn bè, khách mời, đồng nghiệp mà không hề nghe thấy chúng vì ông vẫn còn bị mê hoặc bởi Mahler hay Brahms. Đó là một thời khắc đẹp, khi tình bạn, niềm vui được cùng nhau chia sẻ, thành công đã khiến mọi người xích lại gần nhau trước khi cả đội giải tán. Thế đấy, còn chị, suốt quãng thời gian yêu người đàn ông đó, chị đã bỏ qua khoảng thời gian ấy. Chị đã gạt bỏ và coi thường nó. Thậm chí chị còn không thay trang phục biểu diễn để có thể ra về nhanh hơn, chạy nhanh hơn đến chỗ hẹn, đến với những thứ mà chị biết đang chờ đợi mình, những căn phòng, những chiếc giường, cảm giác ham muốn của bản thân được thỏa mãn trọn vẹn. Sau đó, chị đã rất khó khăn để tái hòa nhập vào bầu không khí sau buổi hòa nhạc. Chị tưởng như đã đọc thấy ở mọi nơi, trong mọi ánh mắt sự phán xét và mỉa mai của những con người mà chị từng xem thường cử chỉ và lời nói của họ. Đến nay, vì biết rằng chẳng cái gì cũng như chẳng còn ai đợi chờ chị ở bên ngoài vào giờ mà trên những con tàu của công ty vận tải, những bóng đèn to, đèn nhỏ đã được bật sáng, khi mà hồ nước lóng lánh dưới ánh đèn và ánh trăng, chị nán lại trong tầng hầm. Chị không đến mức tìm kiếm một nụ cười, một câu nói “Anh đưa em về nhé?”, hay “Chúng ta cùng làm một cốc cà phê được không?”. Chị tìm kiếm âm thanh, hơi ấm từ mọi người, một cảm giác cô đơn, chị để khoảnh khắc ấy kéo dài ra, bởi vì biết rằng khi trở về nhà bà cô già nua của chị, chị sẽ lại cảm thấy vết rạn trên chiếc cốc.
9
Điều tôi không thể kể với Franz là: một ngày, vào lúc 12h30, tại nhà hàng kiêm quán ba Montana nơi chúng tôi thường lui tới – nhân viên ở đây ít soi mói hơn tại các khách sạn ở thành phố dưới thung lũng, và Luca đã boa hậu hĩ để bản tính cả thẹn Thụy Sĩ nhắm mắt trước những lần đến rồi đi thoáng qua của một cô gái trẻ chừng hai ngươi tuổi cùng với một người đàn ông ngoài bốn mươi tuổi với một chiếc nhẫn cưới đeo trên ngón đeo nhẫn – một ngày, Luca đã nói:
- Kết thúc rồi.
Điều tôi không thể kể với Franz là tôi đã hiểu và không hiểu thế nào:
- Cái gì kết thúc?
- Hai chúng ta. Kết thúc rồi. Kể từ ngày hôm nay, kể từ giờ phút này, chấm dứt, chúng ta không gặp nhau nữa.
Điều tôi không thể kể với Franz là làm thế nào mà những “tại sao” của tôi chỉ nhận được lời đáp là vài câu sáo rỗng phát ra bằng giọng dửng dưng:
- Chuyện là thế đấy. Chúng ta chẳng thể làm gì được. Mọi thứ đều có kết thúc.
Và câu nói tàn nhẫn có thể gọi là khô khan, bằng một giọng vô cảm, như người ta thông báo giờ tàu:
- Nhọc lòng chẳng bõ công.
Chỉ sau đó rất lâu tôi mới hiểu được ý nghĩa ác độc trong câu nói ấy. Tôi cho rằng hẳn nó được buông ra theo ý muốn của Luca để tôi chỉ có cảm giác oán hận, thậm chí kinh tởm ông ta. Ông ta càng khiến tôi sửng sốt và làm tôi thương tổn, vết rạn trên chiếc cốc càng lớn, tôi lại càng đau đớn, dĩ nhiên, nhưng từ đó, tôi lại càng lên án ông ta. Đó là một thủ đoạn của kẻ trưởng thành, bước tính toán của một gã xảo quyệt. Chắc chắn đây không phải lần đầu, trong cuộc đời chinh phục không bao giờ thỏa mãn của mình, ông ta sử dụng phương pháp này. Chắc chắn là những lời lẽ, cử chỉ yêu đương mà ông ta khai tâm cho tôi, với ông ta, là vở hài kịch Don Juan bất tận của những gã đàn không không bao giờ thỏa thuê, bị ám ảnh bởi sự thất bại cũng như sự chinh phục, những gã mà việc tìm kiếm chóng vánh một tình yêu mới mẻ sẽ giúp che lấp đi nỗi sợ hãi thời gian vì thời gian đang vuột khỏi bàn tay họ và cái chết đang bắt kịp họ. Nhưng làm thế nào tôi có thể biết được hay hiểu được điều đó, khi mà tôi đã quá dễ dàng ngã lòng trước những lời tán tỉnh của ông ta, khi mà tôi quá trong trắng chưa hề có chút kinh nghiệm, khi mà cho tới tận ngày gặp Luca tôi chẳng biết gì ngoài cảm giác thiếu vắng, chờ đợi, đời sống tình cảm trống trải và ước mong một tình yêu. Bởi giờ đây với tôi thật đơn giản để xác nhận ra những gã đó nên tôi mới có thể chắc chắn nhận ra! Những gã đó đều giống nhau, với cái quầng sạm đen quanh mí mắt ấy, cái nếp nhăn trễ nải ấy và hấp dẫn nơi bờ môi ấy, cơn cuồng nhiệt ham muốn tục tĩu ấy, những điếu xì gà ấy, những ngón tay thô tục ấy, những cái gáy nần nẫn ấy, cái tính ngờ vực đa nghi đã ăn sâu vào đầu óc trước tất cả những gì liên quan đến trẻ con ấy, cái niềm ham thích nực cười và khiến người ta động lòng với cuộc chơi, với trò mỉa mai phông trương ấy, mối quảng giao ấy, sự thường xuyên trối bỏ lối tư duy trừu tượng ấy, sự yếu ớt đằng sau vẻ mạnh mẽ bề ngoài ấy: những kẻ “săn gái”.
Ngày hôm đó, Luca vẫn mặc một trong những chiếc áo sơ mi xanh nhạt quen thuộc với cái cà vạt dệt kim đen, vẫn mặc bộ vest sẫm màu sọc xám nhỏ quen thuộc và đi đôi giày da mộc đen đánh xi kỹ càng. Ông ta luôn đi những đôi giày đánh xi bóng lộn.