Dám kháng chỉ? Chém! - Chương 09 - Phần 3

Bác Đồng đúng là kì lạ, ánh mắt nhìn ta vừa vui vẻ vừa lo âu.

“Các nương nương trong cung… có dễ chung sống không?”

Ta nghĩ ngợi, rút ra một kết luận: “Cũng ổn ạ. Mấy nương nương đó ở cung của họ, lần trước Đức phi có xông vào một lần, sau đó bị cấm không cho phép đến gần Trùng Hoa điện rồi.”

Bác Đồng nhìn ta chằm chằm, nét mặt càng thêm cổ quái, dáng vể tưởng chừng như rất khó mở miệng: “Vốn dĩ… vốn dĩ câu này không nên để ta hỏi, nhưng lão gia không còn nữa. Có điều kể cả lão gia vẫn còn sống có lẽ cũng không thốt ra miệng nổi... Bên ngoài đồn đại, bệ hạ có bệnh không tiện nói ra… phi tần trong cung… người có… với cháu…”

Mãi sau ta mới hiểu câu hỏi của bác Đồng, trợn mắt nhìn nói không ra lời. Chắc bác cũng rất ngại ngùng, ánh mắt hơi né tránh, rồi cũng nghểnh cổ nói: “Phu nhân và lão gia đều không còn, trong phủ chỉ có mình bác trông nom, chuyện này đương nhiên chỉ có bác lo lắng!”

Mặt ta dần dần trở nên nóng bừng, như thể có đốm lửa nhỏ cháy lan ra cả cánh đồng. Cuối cùng ta đã thất bại trước ánh mắt lonh lanh của bác, cúi đầu nhỏ tiếng lầm bầm: “Hắn… Hắn bảo cháu sinh con cho hắn… muốn lập cháu làm Hậu…” Dứt lời, ta hiên ngang ngẩng đầu lên, oai phong lẫm liệt nói: “Dĩ nhiên cháu không đồng ý! Hành động phản quốc này đương nhiên… đương nhiên không thể chấp nhận được…” Càng nói âm thanh càng nhỏ, lòng càng bất an.

Khóe miệng bác Đồng càng ngày càng cong lên, ánh nhìn mang ý cười rõ rệt. Ta đứng bật dậy, “Cháu đi xem phòng cha và cháu…”, bước nhanh hai ba bước, sau lưng đã vang lên tiếng cười lanh lảnh của bác Đồng: “Tiểu lang, thật ra thỉnh thoảng phản quốc một lần cũng không sao hết.”

Bước chân ta chợt ngừng lại, rồi chạy vắt chân lên cổ trong tiếng cười của bác.

Bác Đồng… bác ấy… thật chẳng có tinh thần yêu nước mà!

Phượng Triều Văn đi loanh quanh trong sân sau, thấy ta bước chân vội vã, cao giọng nói: “Tiểu Dật, sao mặt nàng đỏ thế?”

Ta nhớ lại những lời kia của bác Đồng, bỗng vừa xấu hổ vừa lúng túng, lườm hắn: “Đều tại bệ hạ đó!” xong quay đầu xông vào phòng mình, đóng cửa “rầm” một tiếng. Giờ mới nhớ, khi ta rời đi, căn phòng này bị Cấm vệ quân cạy hết sàn gạch lên, ta hận không thể ra ngoài ngay lập tức. Nhưng nghĩ đến người đang đứng ngoài cửa kia, ta bất lực đành thôi.

Lúc này nhìn lại căn phòng, ta liền kinh ngạc.

Căn phòng gọn gàng sạch sẽ, như thể trước kia ta đã về nhà vô số lần vậy, tất cả đồ dùng đều ở nguyên vị trí cũ, sàn gạch cũng được lát ngay ngắn, ngay màn trướng cũng mới toanh, là màu xanh ngọc bích mà ta thích.

Ta ngây người nhìn căn phòng, cảm giác như mình vào nhầm nơi rồi.

Bên ngoài vang lên tiếng gõ, ta ngẩn ngơ mở cửa, Phượng Triều Văn đứng khuất sáng, ngũ quan sắc nét, anh tuấn vô song, như đang giẫm lên ánh mặt trời từng bước tiến vào trái tim ta.

Trái tim ta, nó bỗng đập thình thịch, cảm giác này thật kỳ lạ.

“Căn… căn phòng này…” Nghĩ lại trong phủ luôn có bác Đồng trông nom, ắt hẳn là do bác khôi phục từng chút một vẻ trước kia của phủ, lòng ta chợt thấy xót xa nhưng sau cùng vẫn vui vẻ.

Nào ngờ, Phượng Triểu Văn gật gật đầu: “Bác Đồng nói cho nàng à? Chẳng qua ta chỉ tìm vài người đến sửa chữa phủ chút xíu, chứ không phải ta đích thân làm, nàng không cần trưng ra bộ dạng nước mắt lưng tròng đâu. Nào, cười một cái cho trẫm xem?”

Ta trừng mắt nhìn hắn, không thể nói thêm lời nào nữa, vượt qua hắn chạy vào phòng cha ta.

Đẩy cửa ra, tuy đã chuẩn bị sẵn tinh thần, nhưng đối mặt với căn phòng gọn gàng ngăn nắp, khung cảnh trước kia chẳng hề thay đồi, những cơn ác mộng lặng lẽ rời xa, lòng ta khó tránh khỏi cảm thấy chua xót. Quay đầu lại, đối diện với chàng trai tuấn mĩ, dáng người cao lớn vừa đuổi theo mình đang đứng dưới bậc thềm, trong mắt ta bỗng ngấn lệ, mỉm cười trêu đùa: “Bệ hạ, người muốn xem thảo dân cười là phải trả tiền đó, người trả nổi không?”

Hắn lục lọi mấy lượt trên người, vẻ mặt hết sức thất vọng.

Ta lấy từ thắt lưng ra chiếc hầu bao căng phồng, giơ giơ lên: “Thần biết thừa, bệ hạ chỉ có hư danh thôi, thật ra là kẻ bần hàn đúng không?”

Ngẩn đầu nhìn, ánh mặt trời nhân gian rực rỡ đến vậy, mà sợ rằng nụ cười của ta còn chói lòa hơn cả nắng gắt. Ta kệ cho nước mắt tuôn rơi, có người cùng ta trải qua buồn vui hoan lạc, sóng gió nhân gian, chẳng phải là điều may mắn lắm sao?

Lúc chập tối, Hoàng đế bệ hạ phải hồi cung, đứng trước cổng lớn tạm biệt bác Đồng. Ta kéo tay bác, vẫy chào hắn, “Bệ hạ đi đường mạnh giỏi, rảnh rỗi tới nhà ta chơi nhá!”

Hoàng đế bệ hạ mắt phượng hơi nheo lại, rõ ràng có chút không vui: “Nàng không cùng trẫm hồi cung hả?”

Ta mỉm cười gật đầu: “Thảo dân được bệ hạ chiếu cố, đặc biệt được đưa về tận nhà, thảo dân vô cùng cảm kích.” Ta đứng đó thưởng thức vẻ mặt dần trở nên u ám của hắn.

Bác Đồng đổ thêm dầu vào lửa: “Đa tạ bệ hạ đưa tiểu lang về nhà, lão nô vô cùng cảm kích!”

Hắn sải bước tới, ta định trốn sau lưng bác Đồng, hắn đã túm lấy túi tiền từ thắt lưng ta. Ta với tay muốn cướp, nhưng bỗng co rụt lại trước ánh mắt lạnh thấu xương của hắn, giương mắt nhìn hắn mở túi tiền, chọn lựa kĩ càng trong đó rồi chọn chừng năm lượng bạc đưa qua, “Tiêu hết tiền thì về cung nhé.”

Ta căm phẫn trợn mắt với hắn: “Bệ hạ đúng là keo kiệt bủn xỉn, khiến triều thần đều chê cười đến rụng cả răng!” Giơ tay nhận lấy mấy nén bạc mà lòng ta hụt hẫng.

Hắn rụt tay, thu lại năm lượng bạc về, rồi gạt ra một miếng bạc chừng hai lượng, hình như còn muốn giấu đi: “Xem ra trẫm cho nàng quá nhiều thì phải.” Hắn quay đầu hỏi Điền Bỉnh Thanh: “Tiểu Điền, đếm một trăm quan tiền đưa cho cô nương, khi nào nàng tiêu hết chẳng còn tiền ăn cơm, tự khắc sẽ về cung.”

Ba năm trước Cấm vệ quân đến, phủ ta đã bị những kẻ thừa cơ trục lợi cướp bóc sạch, cho dù trong hầm có lương thực tích trữ, e rằng ba năm nay đã mốc meo biến chất, không thể ăn nổi. Của cải trong nhà trước kia chỉ là bổng lộc của cha và được Tiên đế ban cho hằng năm. Bác Đồng chỉ có một cánh tay, sinh hoạt không thuận tiện, nghĩ lại ba năm nay bác trông nom căn nhà này, cuộc sống chắc cũng khó khăn.

Ta dùng ánh mắt để uy hiếp Điền Bỉnh Thanh: Nếu ngươi thực sự đếm một trăm quan tiền đưa cho ta, về cung ta bảo đảm sẽ khiến ngươi sống không yên thân.

Điền Bỉnh Thanh mặt mày khổ sở đếm cả nửa buổi, mếu máo van nài ta: “Cô nương, hay là cô nương hồi cung với bệ hạ đi, sau này có thời gian lại đến thăm bác Đồng.”

Ta mừng thầm trong lòng, chớp chớp mắt với Phượng Triều Văn, rồi nhìn chằm chằm hai lượng bạc trong tay hắn. Hình như hắn có chút khó xử, nghĩ một lát, hắn nhét tiền vào tay ta, tiện thể khép lòng bàn tay ta lại thành nắm ngay trước mặt bác Đồng… Tên cầm thú không biết xấu hổ…

“Ở trong phủ vài ngày, nếu nhớ chân giò ướp mật ong trong cung thì mau mau về.” Dứt lời, hắn cởi miếng ngọc bội ở thắt lưng nhét vào tay ta: “Cầm cái này vào cung, không được đem đến hiệu cầm đồ đổi lấy bạc tiêu đâu đấy!”

Bệ hạ đúng là hiểu thần! Thần quả thực có ý định đó.

Ta đỏ mặt đứng cạnh bác Đồng, tay cầm ngọc bội và hai lượng bạc, giương mắt nhìn Phượng Triều Văn lên xe.

Nghĩ đến túi tiền mà sáng nay Điền Bỉnh Thanh đưa cho ta, chớp mắt đã đổi chủ, không nén được, lòng ta bi phẫn vạn phần.

Đang định đỡ bác Đồng vào phủ rồi thương tiếc đống tiền kia, lại thấy rèm xe vén lên, Phượng Triều Văn thờ ơ thò đầu ra: “Trẫm quên mất, hôm nay nàng không dẫn người hầu theo, lát nữa về, trẫm sẽ bảo Tiểu Điền đưa bốn cung nữ hầu cận và Nga Hoàng tới, thêm mười cung nhân quét dọn cho nàng sai bảo nữa.”

Ta quỳ sụp xuống, chân thành khẩn thiết: “Bệ hạ, thảo dân cầu xin bệ hạ, nhiều miệng ăn như thế mà chỉ có hai lượng bạc, thảo dân nhà nghèo rớt mồng tơi, không nuôi nổi đâu!”

Đùa chắc, bốn cung nữ hầu cận kia đều là nữ tử luyện võ, sức ăn như nam tử tráng niên, đây chẳng phải là ép ta sớm về cung đó sao?

Xe ngựa lộc cộc chạy đi trong tiếng cười ha hả của hắn.

Ta ngồi phịch xuống, vô cùng sầu não: “Bác Đồng, làm sao bây giờ?”

Bác Đồng cười ha ha đỡ ta dậy: “Mặc dù nhà chúng ta không còn lương thực, nhưng rượu trong kho không thiếu.”

Ta phủi bụi trên đầu gối, tinh thần phấn chấn: “Bán rượu ven đường, chủ ý này hay!”

Bác Đồng lắc đầu: “E rằng bệ hạ sẽ không đồng ý cho cháu đi bán rượu.” Chợt bác mỉm cười: “Chi bằng tiểu lang ở cùng bác hai hôm rồi hồi cung đi nhé!”

Ta uất ức sắp khóc tới nơi: “Bị giam trong cung suốt mấy tháng trời, cháu mới về nhà mà bác Đồng đã muốn đuổi cháu đi…”

Bác bỗng luống cuống, xoa đầu an ủi ta giống như bao lần trước kia: “Được rồi, được rồi, cháu muốn ở bao lâu thì ở, chỉ cần bệ hạ không đến thúc giục là được.”

Hai canh giờ sau, trời đã tối, ta và bác Đồng làm vài món đơn giản ăn qua loa. Đang ngồi hóng mát dưới gốc cây trong sân, tán gẫu đôi ba chuyện trong ba năm nay với bác, cổng lớn bị đập rầm rầm. Ta mở ra, ngoài cổng có bốn người thân hình như cột sắt đang đứng, nhìn qua bốn cái cột sắt này thấy một bóng người xinh xắn: “Cô nương, cô nương, trong nhà có đồ ăn không? Bệ hạ vừa hồi cung đã hạ chỉ cấm bọn nô tì ăn cơm, sắp đói chết mất rồi!”

Trên chíêc xe ngựa đằng xa, Điền Bỉnh Thanh nhìn ta cười gian xảo, cung tay hành lễ rồi biến thẳng.

… Bệ hạ quá tàn nhẫn rồi! Lại nỡ làm thật chứ!

Bác Đồng quan sát năm người quanh bàn ăn, tướng ăn của bốn người thì nhồm nhoàm, một người thì nhỏ nhẹ, bác lén hỏi ta: “Tiểu lang, người trong cung đều có tướng ăn thế này à?”

Ta đau đầu nhìn đám cung nữ hầu cận tiêu diệt gọn hai thùng cơm trước mặt, buồn rầu hết sức vì vần đề kiếm kế sinh nhai. Cứ ăn uống như bây giờ thì hai lượng bạc của ta chẳng mấy mà tiêu hết.

Ngày hôm sau, bác Đồng cầm hai lượng bạc của ta, dậy thật sớm chuẩn bị đi mua gạo. Bác đứng trong sân thấy ta cùng năm thị nữ hầu cậnphía sau cũng dậy sớm, ngạc nhiên hỏi: “tiểu lang, sáng ra cháu không ngủ, dậy sớm thế này làm gì?”

… Ta có thể nói vì ưu sầu mà suýt mất ngủ cả đêm không?

Ngẩng đầu trông ánh nắng ban mai phía xa, lại là một buổi sáng rầu rĩ cả người! Ta chỉ vào bốn cung nữ sau lưng: “Họ khỏe lắm, cháu nghĩ hôm nay để họ đi mua gạo và thức ăn. Bác Đồng chỉ cần đẫn họ đi, còn bác trả tiền là được.”

Bác Đồng vừa khởi hành đã đi được khá xa, Nga Hoàng đứng mãi đằng sau ta, thấy trời đã sáng bảnh, cẩn thận hỏi: “Cô nương, hay là về phòng nghỉ ngơi tiếp?”

Ta quay đầu nhìn nàng ấy chằm chằm, ung dung đáp trước ánh mắt né tránh của nàng: “Nói mau, tối qua năm người các ngươi cũng mất ngủ cả đêm? Lẽ nào là tại ăn no quá?”

Nàng ấy mặt mày đỏ bừng, chột dạ ngẩng đầu lên liếc nhìn ta, rồi lại vội vàng cúi đầu, cắn chặt môi, cuối cùng quỳ rạp xuống, hai mắt đỏ hoe: “Cô nương, bệ hạ nói rồi, nhiệm vụ của năm người chúng thần khi tới phủ là ra sức ăn uống buộc cô nương khuynh gia bại sản, làm cho cô nương không một xu dính túi phải mau chóng hồi cung.”

Ta…

Chiêu này của bệ hạ quá vô liêm sỉ, thật là mất hết thể thống của quân vương một nước!

Ba năm trước, từ sau trận hỏa hoạn ở Cẩm Tú các, tin tức truyền ra bên ngoài cung, người hầu trong nhà dần dần tản mác, lúc nước mất nhà tan, chỉ có một mình bác Đồng trông nom sân vườn rộng lớn, cực nhọc sống qua ngày. Tối qua ông cùng ta ngồi trong sân, giọng mãn nguyện: “Không ngờ tiểu lang còn sống trở về, bác cứ tưởng bệ hạ lừa gạt ông già như bác.”

Sau này Phượng Triều Văn lên ngôi, từng đặc biết tới đây một chuyến, còn phái người tu sửa lại nhà cửa, mang tiền bạc và lương thực đến. Mặc dù bác Đồng không biết vị Thái tử Đại Tề này tại sao phải khăng khăng sửa mới phủ đệ của Nhiếp chính vương tiền triều, nhưng bởi bác cũng xót xa khi thấy nhà cửa bị hủy hoại, bèn vui vẻ tiếp nhận, còn tiền và lương thực thì mang trả về, không giữ lấy một đồng một cắc.

Đến khi phòng ốc sửa chữa xong xuôi, Phượng Triều Văn cũng từng ghé qua, hỏi bác tại sao trả lại tiền bạc và lương thực. Bác Đồng trả lời, lão gia đã qua đời, tiểu lang ra đi trong biển lửa, không thể trở về nữa, quãng đời còn lại của bác chỉ muốn dùng để trông nom nơi này mà thôi, nhờ có Thải tử điện hạ mà phủ đệ này khôi phục diện mạo ban đầu, như vậy bác đã mãn nguyện lắm rồi.

Tuy lúc đó Phượng Triều Văn không miễn cưỡng bác nhận tiền và lương thực, nhưng lại nói với bác: “Tiểu lang nhà bác nhất định sẽ trở về!”

Bác nói khi ấy bệ hạ rất quả quyết, có lúc ngay cả bác cũng khó tránh khỏi việc nảy sinh mong ước xa xỉ, rằng, một ngày nào đó ta có thể đứng trước mặt bác. Nói xong những chuyện này, bác lại khóc, giọng khàn khàn già nua vang vọng trong sân vườn trống trải. Lòng ta bỗng thấy chua xót, ba năm nay bác lẻ loi một mình, không hiểu đã sống qua ngày ra sao?

Lúc ấy, ta nắm tay bác, nước mắt đầm đìa, nói: “Bác Đồng, cháu sẽ hiếu kính với bác như với cha cháu, sẽ phụng dưỡng bác cho đến cuối đời, sẽ là chỗ dựa cho những tháng năm về sau của bác.”

Bây giờ ta vô cùng hổ thẹn vì lời nói hào hùng khi đó. Ta không những chẳng có khả năng kiếm nổi tiền cơm, mà còn gọi đến năm gia nô như quỷ chết đói… Chuyện này là sao chứ?

Ăn xong bữa sáng, ngắm mặt trời lên cao, ta kêu bốn cung nữ kia xuống hầm, chuyển mấy vò rượu ra ngoài: “An phủ xưa nay không nuôi kẻ nhàn rỗi ăn không ngồi rồi, hôm nay các ngươi nghĩ cách bán chỗ rượu này đi, đổi lấy ít lương thực và tiền bạc.”

Rượu tích trữ trong hầm của cha rất nhiều mà lại còn lâu năm, cũng đủ để sống qua ngày rồi.

Bốn cung nhân kia nét mặt co giật, nhìn ta bằng ánh mắt lên án hết lần này đến lần khác, Nga Hoàng lưỡng lự tiến lên trước khuyên nhủ: “Cô nuơng, bốn tỷ tỷ đây đều là người có quan hàm, sao có thể để họ đứng bán rượu ở ven đường?”

Ta hung dữ trừng mắt nhìn nàng ấy: “Tiểu nha đầu, hôm qua người ăn không ít, hôm nay đừng mong rảnh rang, giọng ngươi ngọt ngào nhất, để ngươi đứng đường rao hàng chắc chắn sẽ dụ được rất nhiều người!”

Năm gương mặt lộ vẻ bất lực, lấy ra chiếc xe đẩy cút kít từ trong kho sân sau, xếp vò rượu lên xe, mặt mày sa sầm đẩy xe rượu vào phố xá náo nhiệt.

Ta đứng trước cửa vui sướng vẫy chào: “Không được bán giảm giá nha, chỗ này toàn là rượu ngon thượng đẳng đó.”

Bác Đồng xách chiếc làn ra từ phòng bếp, bên trong xếp nhang đèn, tiền giấy và điểm tâm, bác nói: “Tiểu lang, nếu đã về nhà rồi, cũng nên đến phần mộ lão gia thắp nén hương mới phải.”

Ta do dự một lát, cuối cùng đồng ý.

Vùng Tân Sơn kinh thành chính là đế lăng của Đại Trần.

Phía Tây Nam của đế lăng Đại Trần nguyên là nơi chôn cất khai quốc công thần mà Thái tổ Hoàng đế Đại Trần định ra. Chỉ vì chiến loạn liên miên nên những trọng thần triều đình muốn chuyển về quê nội chôn cất không thể thực hiện được nguyện vọng lá rụng về cội này. Thái tổ Hoàng đế dứt khoát dành ra một mảnh đất dưới chân đế lăng, trăm năm sau quân thần vẫn luôn được gần gũi.

Cha và Yến bá bá lúc còn sống là thần tử của Tiên đế, khi Tiên đế xây dựng lăng mộ, đã có thầy phong thủy thay họ chọn chỗ an nghỉ trăm năm nơi đây, điểm huyệt động thổ, ở liền kề Tiên đế.

Lúc ta và bác Đồng đến trước phần mộ, vừa khéo gặp ngay Yến Bình tới lễ bái.

Nhìn thấy ta có lẽ hắn hơi ngạc nhiên, cúng lễ xong hắn liền đi thẳng qua đây. Bác Đồng nhìn thấy hắn từ xa, cứ như gặp kẻ địch: “Tiểu tử họ Yến sao lại đến đây? Đừng tưởng thằng oắt này bề ngoài nho nhã vô hại, thật ra thủ đoạn nhiều vô kể chẳng khác gì cha nó, tiểu lang nhất định đừng tin nó nữa.”

Ta quỳ trước phần mộ của cha nhổ cỏ, trách: “Bác Đồng, rốt cuộc bao lâu rồi bác chưa đến nhổ cỏ cho cha cháu? Bác trông, cỏ trên phần mộ ông đã mọc cao đến ngần này rồi!”

Bác chuyển qua nhìn ta, vội vàng hét: “Tiểu lang, tiểu lang, bẩn váy rồi! Cháu đúng là, bận y phục không nói chuyện thì còn giống một tiểu cô nương xinh đẹp, cứ nói chuyện hay làm việc là hệt như con khỉ hoang.”

Ta uất ức hỏi ngược lại: “Có con khỉ nào xinh đẹp như cháu không?”

Mấy cung nữ hầu cận mà Phượng Triều Văn ban cho ta không tồi, mấy tháng nay họ chịu khó chăm sóc, tắm rửa kì cọ cho ta, có lúc ta sờ lên da mình còn thầm vui sướng, tưởng như lớp da của người khác đắp lên vậy, mềm mại quá đáng.

Bác Đồng lườm ta, vừa tức vừa buồn cười: “Cháu trèo cây hái quả thua xa bọn khỉ, lại không có bộ lông sưởi ấm như chúng. Cháu ấy à, còn chẳng bằng khỉ.”

Ta vuốt ve ngôi mộ: “Cha kìa, bác Đồng nói con gái cha chẳng bằng con khỉ, cha mau dậy đánh bác ấy đi!”

Bác Đồng vừa cười vừa thở dài, nước mắt tuôn rơi: “Lão gia không chừng đã bị cháu làm tức giận đến nỗi ngóc dậy rồi đó.”

Bác quay đầu lau mặt, lén nhìn Yến Bình ngày càng tiến tới gần, rồi quay đầu lại la lên: “Cháu xem, không biết bệ hạ ở trong cung chăm sóc cháu thế nào mà mười đầu ngón tay của cháu từ khi sinh ra chưa từng trắng nõn nà đến thế, thôi để bác nhổ cỏ cho.”

Ngày trước nhị đại lão gia là cha ta và bác Đồng chăm sóc cho ta, có thể rửa tay rửa mặt sạch sẽ đã là tốt lắm rồi, có bao giờ thấy họ xoa kem dưỡng cho ta?

Khẩu khí này nghe chừng chất chứa oán trách, nhưng để ý kĩ hơn, sao ta cảm giác bác đang khen Phượng Triều Văn nhỉ?

Bác đồng quỳ gối dịch người qua, giúp ta nhổ cỏ trên mộ: “Sau đám tang của lão gia, trong ba năm, già đây chưa từng đến thăm mộ của lão gia. Thứ nhất vì quá đau lòng, thứ hai vì chẳng còn mặt mũi nào gặp lão gia. Bác đã hứa phải bảo vệ cháu cho tốt, để cháu được sống bình an, nhưng bác lại đánh mất cháu trong chớp mắt…”

Bác bắt đầu khóc hu hu.

Ta thực không đành lòng, từ hôm qua đến giờ ta đã khiến bác khóc không biết bao nhiêu lần. Thấy Yến Bình tới gần, ta vội vàng nhét chiếc khăn mang theo bên người vào tay bác, “Bác Đồng, tiểu hồ ly họ Yến đến rồi, từng này tuổi rồi bác còn khóc, để hắn nhìn thấy sẽ cười bác đó.”

Nhắc mới nhớ, mang theo khăn bên người cũng là thói quen dần hình thành nhờ mấy tháng nay ở cạnh Phượng Triểu Văn.

Dường như ta bỗng chốc đã thay đổi rất nhiều.

Yến Bình đến, hai bác cháu đang hăng say nhổ cỏ, hắn xắn tay áo định tới giúp, ta liền ngăn cản: “Yến tướng quân, đừng! Tướng quân đừng thế, cẩn thận làm bẩn tay người!”

Hắn lúng túng đứng nguyên tại chỗ: “Tiểu Dật, đừng khách khí như vậy được không?”

Ta dù bận rộn vẫn mỉm cười với hắn: “Tướng quân không biết chứ, người mà cha ta không thích nhất khi còn sống chính là tướng quân. Ta sợ ngươi sờ vào cỏ xanh trên mộ ông, đến tối ông lại đi tìm ngươi gây phiền phức, vậy thì ta có lỗi lắm.”

Sắc mặt hắn đột nhiên tái nhợt, ta thấy hơi áy náy: “Ta chỉ nói thật lòng mà thôi, quả thực không biết tướng quân sợ ma.”

Hắn lắc đầu, không nói thêm gì nữa.

Nhổ hết cỏ, ta mệt gần chết, tựa lên bia đá, thì thầm oán trách: “Cha, à, con mệt chết mất thôi, xem ra sau này con phải thường xuyên đến thăm cha, để cỏ không thể mọc nhiều đến vậy trên mộ cha nữa.”

Ánh mặt trời thật đẹp, nếu không phải Yến Bình đang chôn chân đứng cách ta mấy bước, ta đã định tựa vào bia mộ của cha ngủ một giấc rồi.

Lễ bái xong xuôi, bác Đồng thu dọn chiếc làn rỗng, gọi ta: “Tiểu thư, xuống núi thôi!”

Sau đó bác bỗng thay đổi thái độ, thở phì phì tức trừng mắt nhìn Yến Bình, không cười lấy một cái.

Ta bắng nhắng vẫy tay chào cha: “Cha à, sau này có thời gian con lại đến, nhưng trăn năm sau con sợ mình không thể ở chỗ cha đâu, chỗ này của cha không phải ai cũng có thể tùy tiện ở được.”

Lại nghĩ, Đại Trần mất nước, hiện tại muốn ở ngọn núi này thì ở, chẳng ai quản lý, ta vội đề nghị bác Đồng: “Bác Đồng không biết trăm năm sau chúng ta đều an táng ở nơi này cùng cha cháu được không nhỉ?”