Lolita - Phần II - Chương 04 - 05 - 06

Chương 4

Khi xuyên qua màn trang trí ánh sáng và bóng tối, xe chúng tôi tới số nhà 14 phố Thayer Street, một gã thấp bé vẻ mặt nghiêm trang đón chúng tôi với chùm chìa khóa và một mẩu thư ngắn của Gaston, người đã thuê ngôi nhà cho chúng tôi. Lo của tôi, không buồn ngó qua cảnh quan mới lấy một cái, mà cứ thế đi thẳng vào, không nhìn, chỉ theo sự dẫn dắt của bản năng, tới chỗ radio, mở đài và nằm dài trên chiếc sofa trong phòng khách với một mớ họa báo cũ mà em thọc tay moi được từ thân dưới của một cây đèn bàn, vẫn với độ chính xác của linh cảm người mù.

Tôi thực sự không mấy xem nặng việc chọn nơi ở, miễn sao có một chỗ nào đó để nhốt Lolita của tôi lại; nhưng trong quá trình giao dịch với lão Gaston mơ hồ kia, tôi đã mơ hồ hình dung ra một ngôi nhà gạch phủ đầy dây thường xuân, là tôi đồ thế. Thực tế, chỗ này giống cái tổ ấm Haze đến não lòng (chỉ cách đó có 640 ki lô mét): cùng một kiểu nhà gỗ màu xám xỉn mái lợp ván, với những ô văng bằng vải bạt màu xanh xỉn; và các phòng, tuy nhỏ hơn và bày biện đồ mạ và bọc vải lông mịn theo một kiểu nhất quán hơn, nhưng cách bố trí vẫn theo một trật tự gần hệt như thế. Tuy nhiên, thư phòng của tôi hóa ra lại là một phòng rộng hơn nhiều, từ sàn đến trần chất ngất những giá sách với khoảng hai nghìn cuốn về hóa học mà chủ nhà của tôi (hiện đang đi nghỉ cuối tuần) dùng để giảng dạy ở trường Đại học Beardsley.

Tôi đã hi vọng trường nữ học Beardsley, một trường ngoại trú rất đắt, có phục vụ bữa trưa và với một phòng tập thể dục lộng lẫy, ngoài việc rèn luyện thân thể cho các nữ sinh, còn đem lại cho trí óc chúng chút học vấn hình thức. Gaston Godin, người hiếm khi có nhận định chuẩn xác về tạng người Mĩ, đã cảnh báo tôi bằng một kiểu bông lơn mà người nước ngoài ưa thích, rằng có thể trường này hóa ra là nơi dạy cho đám con gái “ngáthương chứ không phải là ngát chữ” [1]. Tôi nghĩ cả về điểm này, chúng cũng chẳng đạt được.

[1] Nguyên văn: “not to spell very well, but to smell very well”, nghĩa là: “không phải đánh vần thật tốt (hoặc viết đúng chính tả), mà là sao cho thật thơm tho”. Một ngón chơi chữ trên hai từ “spell” (đánh vần, viết đúng chính tả) và “smell” (có mùi, toả mùi).

Trong lần đầu tiên tôi gặp hiệu trưởng Pratt, bà khen con gái tôi có “đôi mắt xanh thật đẹp” (xanh! Lolita mà mắt xanh!) và ca ngợi tình bạn của cá nhân tôi với bậc “thiên tài Pháp” (thiên tài! Gaston ư!) - rồi, sau khi giao Dolly cho một Miss Cormorant [2], bà ta nhăn trán ra cái điềurecueillement (trầm mặc) và nói:

[2] Chim cốc

“Thưa ông Humbird, chúng tôi không quá quan tâm đến việc luyện các sinh viên của mình thành những con mọt sách, hoặc có thể đọc vanh vách tên các thủ đô của tất cả các nước châu Âu mà dù sao cũng chẳng ai hay, hoặc thuộc lòng ngày tháng năm của các trận đánh đã rơi vào quên lãng. Điều chúng tôi quan tâm là làm cho các em thích ứng với đời sống quần thể. Vì thế chúng tôi nhấn mạnh đến bốn điểm trọng tâm: Kịch, Khiêu Vũ, Tranh Luận và Hẹn Hò [3]. Chúng tôi phải đối mặt với một số sự việc. Bé Lo tuyệt vời của ông sắp bước vào một lứa tuổi mà khi đó việc hẹn hò, các cuộc hẹn hò, váy áo để diện đến chỗ hẹn hò, sổ ghi ngày giờ và địa điểm hẹn hò, thể thức hẹn hò, đối với em, cũng có ý nghĩa quan trọng như, chẳng hạn, công việc kinh doanh, các quan hệ kinh doanh, thành công trong kinh doanh đối với ông, hoặc như (mỉm cười) hạnh phúc của đám nữ sinh của tôi đối với tôi. Dorothy Humbird giờ đây đã nằm trong cả một hệ thống đời sống xã hội bao gồm, dù ta có thích hay không, những quầy bán xúc xích, những hiệu thuốc ở góc phố, uytxki mạch nha và Coca Cola, xi nê, vũ điệu bốn cặp, những trò trùm chăn [4] trên bãi biển, và cả những cuộc uốn tóc! Dĩ nhiên, ở trường Beardsley, chúng tôi phản đối một số trong những hoạt động ấy; và chúng tôi lái một số hoạt động khác sang những hướng có tính chất xây dựng hơn. Nhưng chúng tôi thực sự cố gắng quay lưng lại với sương mù và trực diện nhìn thẳng vào ánh sáng mặt trời. Nói ngắn gọn, trong khi chọn theo một số kĩ thuật giảng dạy, chúng tôi quan tâm nhiều đến giao lưu hơn là soạn thảo. Có nghĩa là, vẫn tôn trọng đúng mức Shakespeare và các vị khác, nhưng chúng tôi muốn nữ sinh của chúng tôi tự do giao lưu với thế giới sống động xung quanh chúng hơn là cắm cúi vào những cuốn sách cũ mốc meo. Có thể chúng tôi đang mò mẫm, nhưng chúng tôi mò mẫm một cách thông minh, như một bác sĩ phụ khoa sờ nắn một khối u vậy. Thưa tiến sĩ Humburg, chúng tôi tư duy theo khía cạnh cơ thể và tổ chức. Chúng tôi đã gạt bỏ cái mớ đề tài không thích hợp mà theo truyền thống, người ta thường bày đặt cho các thiếu nữ, khiến ngày xưa, không còn chỗ cho những kiến thức và kĩ năng cùng thái độ mà họ sẽ cần đến để tổ chức cuộc sống của mình và - như kẻ khuyển nho có thể nói thêm - cuộc sống của chồng họ nữa. Thưa ông Humberson, ta hãy nói như thế này: vị trí một ngôi sao là quan trọng, nhưng chỗ thực tế nhất để kê một chiếc tủ lạnh trong bếp có thể còn quan trọng hơn đối với người nội trợ tương lai. Ta nói tất cả những gì ta chờ đợi nhà trường mang lại cho con trẻ là một học vấn vững vàng. Nhưng ta hiểu học vấn nghĩa là gì? Ngày xưa, đó là một hiện tượng ngôn từ, tôi muốn nói, ta có thể khiến một đứa bé trai hay gái học thuộc lòng một cuốn bách khoa toàn thư tốt và nó sẽ có một lượng kiến thức ngang bằng hoặc hơn những gì nhà trường có thể mang lại cho nó. Thưa tiến sĩ Hummer, ông có hiểu rằng đối với một đứa trẻ hiện đại ở tuổi tiền-dậy thì, những niên đại thời Trung cổ không có giá trị sống còn bằng giờ hẹn hò cuối tuần (mắt lấp lánh)? - để dùng lại một câu đùa mà hôm nọ tôi nghe thốt ra từ miệng bà giáo sư tâm phân học của trường Đại học Beardsley. Chúng ta không chỉ sống trong một thế giới trí tuệ mà cả trong một thế giới vật chất nữa. Chữ không qua trải nghiệm là vô nghĩa. Dorothy Hummerson cần quái gì phải quan tâm đến Hy Lạp và Đông phương với những hậu cung đầy tì thiếp và nữ nô?”

[3] Nguyên văn: “...four D’s: Dramatics, Dance, Debating and Dating”. Chuyển sang Việt ngữ, chúng tôi không tìm được những từ chỉ bốn môn nói trên có cùng một chữ cái đầu, tương đương với “Bốn D” trong nguyên bản.

[4] ”Blanket parties” trong nguyên bản. Đây là thú chơi của giới trẻ đem chăn ra trải trên bãi biển, tụ tập vui chơi tiệc tùng nhảy nhót cùng nhau. Thông thường khi ra biển, họ hay mang chăn trải ra để nằm chơi, tắm nắng. Việc này khá phổ biến, nhất là với sinh viên, họ thường chuẩn bị đồ ăn đồ uống, rồi nhảy nhót giao lưu trên bãi biển.

Cái chương trình giáo dục này làm tôi hơi hoảng, nhưng rồi trong một cuộc trò chuyện với hai bà thông minh có quan hệ với nhà trường, họ khẳng định rằng các nữ sinh có đọc khá nhiều sách nghiêm túc, rằng cái điệp khúc “giao lưu” ít nhiều chỉ là thứ quảng cáo rùm beng nhằm tô điểm cho trường nữ học Beardsley lỗi thời một nét hiện đại tốn kém, mặc dù trên thực tế, nó vẫn khệnh khạng như một con tôm he.

Một lí do khác khiến tôi kết cái trường đặc biệt này có thể khiến một số độc giả thấy buồn cười, nhưng đối với tôi, nó rất quan trọng vì cái tạng tôi bẩm sinh vốn thế. Bên kia đường, đúng trước mặt nhà chúng tôi, tôi nhận thấy có một khoảng đất trống đầy cỏ dại với lác đác mấy bụi cây nhiều màu sắc, một đống gạch cùng dăm ba tấm ván vương vãi, và tim tím vàng vàng những bông hoa mùa thu tiều tụy như bọt sóng ven đường; và qua khoảng trống ấy, ta có thể nhìn thấy một đoạn lung linh của School Road (Đường Trường Học) chạy song song với phố Thayer Street của chúng tôi, và ngay bên kia đoạn đường đó, là sân chơi của trường Beardsley. Ngoài sự thoải mái tâm lí mà cái địa thế chung này mang lại cho tôi bằng cách cho phép tôi luôn được kề bên mọi hoạt động ban ngày của Dolly, tôi còn lập tức mường tượng trước niềm khoái thú mà tôi sẽ cảm thấy khi từ phòng ngủ kiêm thư phòng của mình, chĩa ống nhòm ngắm những tiểu nữ thần (tất yếu phải chiếm một tỉ lệ phần trăm nào đó) trong đám con gái chơi đùa quanh Dolly trong giờ giải lao giữa các tiết học; khốn thay, đúng ngày khai trường, một toán thợ tới đặt một hàng rào bên trong khoảng trống; đó và thoắt cái, một công trình bằng gỗ màu vàng hung được dựng lên một cách hiểm độc đằng sau hàng rào ấy, bịt hoàn toàn viễn cảnh thần tiên của tôi; và vừa chất lên một đống vật liệu đủ để làm hỏng bét mọi toan tính của tôi, đám thợ xây kì cục ấy bèn ngừng công việc và không bao giờ xuất hiện trở lại nữa.

Chương 5

Ở một con phố có tên là Thayer Street, giữa những màu xanh lục, vàng da bò và vàng óng khu cư trú của một thành phố nhỏ thanh nhã, thành phố của học đường, thế nào cũng có lúc anh được nghe đánh oẳng một cái vào mặt mấy lời chào thân ái “chúc ngày tốt lành”. Tôi lấy làm tự hào đã giữ được nhiệt độ đúng mực trong quan hệ với láng giềng: không bao giờ thô lỗ, luôn luôn giữ khoảng cách. Người hàng xóm mé Tây của tôi, có lẽ trước kia từng là nhà kinh doanh hay giáo sư đại học, hay cả hai, thỉnh thoảng có nói chuyện với tôi trong khi ông ta tỉa tót vài bông hoa nở muộn trong vườn, hoặc tưới nước rửa chiếc ô tô nhà, hoặc gần đây nữa, dọn băng cho lối xe vào nhà (tôi bất cần nếu các động từ này đều dùng sai), nhưng những tiếng ậm ừ ngắn gọn của tôi, vừa đủ rõ để có thể xem như biểu thị tán thành hoặc những câu hỏi lấp lỗ hổng, đã ngăn chặn mọi tiến triển đi đến thân thiện. Trong hai ngôi nhà hai bên sườn bãi trống đầy bụi rậm trước mặt, một nhà luôn đóng cửa, còn nhà kia có hai người ở, hai giáo sư dạy tiếng Anh, Miss Lester mặc đồ tuýt, tóc cắt ngắn và Miss Fabian [1] nữ tính một cách nhạt nhẽo, đầu đề trò chuyện duy nhất của bà ta khi gặp tôi trên hè phố (Chúa phù hộ cho sự tế nhị của họ!) là vẻ đẹp trẻ trung của con gái tôi và sự duyên dáng hồn nhiên của Gaston Godin. Người hàng xóm mé Đông của tôi là nguy hiểm nhất, vượt xa số còn lại, một bà mũi nhọn đầy tính cách, anh trai quá cố của bà ta từng là quản lí các khu nhà và đất của trường Đại học. Tôi nhớ có lần bà ta đón đường Dolly trong khi tôi đứng ở cửa sổ phòng khách, bồn chồn chờ cục cưng của mình trở về từ trường học. Cái mụ gái già bỉ ổi ấy cố giấu thói tọc mạch bệnh hoạn của mình dưới một tấm mặt nạ thiện ý dịu dàng, đứng chống tay trên chiếc ô mỏng mảnh (cơn mưa tuyết vừa tạnh, một mặt trời ướt lạnh đã ló ra) và Dolly, áo măng tô mở phanh bất chấp tiết trời giá lạnh, ôm trước bụng cả một chồng sách, hai đầu gối hồng hồng lộ ra bên trên đôi ủng cao su bùng nhùng, một nụ cười lúng túng và sợ hãi thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện trên gương mặt có cái mũi hếch - có lẽ do ánh sáng mùa đông nhợt nhạt, gương mặt này lúc bấy giờ nom gần như tầm thường một cách quê mùa, đậm chất Đức, tựa như Mägdlein [2], trong khi em đứng đó trả lời những câu hỏi của Miss Hàng-Xóm-Phía-Đông “Thế mẹ cháu đâu, cưng? Và cha tội nghiệp của cháu làm nghề gì? Thế trước đây cháu ở đâu?” Một lần khác, con người ghê tởm đó tiến đến bên tôi với một tiếng chào rền rĩ - nhưng tôi né tránh; và mấy hôm sau, chúng tôi nhận được một lá thư của bà ta trong một phong bì viền xanh, một hỗn hợp tinh tế thuốc-độc-trộn-mật, mời Dolly qua chơi vào một ngày Chủ nhật nào dó, để thu mình trong một chiếc ghế bành điểm qua “những đống sách đẹp mà mẹ thân yêu của tôi cho tôi từ hồi tôi còn bé, thay vì cứ vặn đài hết cỡ đến đêm.”

[1] Âm tiết đầu tiên của tên bà Lester (“les”) ghép với âm tiết cuối của tên bà Fabian (“bian”) thành “lesbian” nghĩa là “tình dục đồng giới nữ”.

[2] Tiếng Đức: thôn nữ.

Tôi cũng phải dè chừng với một bà tên là Holigan, nữ lao công và đầu bếp nửa mùa, mà tôi thừa kế cùng với chiếc máy hút bụi từ những người thuê nhà trước tôi. Dolly ăn trưa tại trường, thế nên cũng đỡ rầy và tôi đã trở nên thành thạo trong việc sáng sáng phục vụ em một bữa điểm tâm chắc dạ và hâm lại bữa tối do bà Holigan chuẩn bị sẵn trước khi ra về. Đội ơn Chúa, người đàn bà vô hại và đôn hậu này có một con mắt lé không thấy rõ các chi tiết, mà tôi thì đã thành thần trong nghệ thuật dọn giường; nhưng tôi vẫn canh cánh nỗi lo rằng ngộ nhỡ có một vết tai hại nào dây ra đâu đó hoặc giả trong vài dịp hiếm hoi khi cả Holigan và Lo cùng có mặt, bé Lo chất phác có thể bị cuốn theo đà một cơn đồng cảm hồn nhiên trong một cuộc chuyện gẫu thân mật trong bếp. Tôi luôn có cảm giác như chúng tôi đang sống trong một ngôi nhà kính sáng trưng và bất cứ lúc nào cũng có thể xuất hiện một bộ mặt khô đét với đôi môi mỏng quẹt dòm qua một cửa sổ hớ hênh quên che mành để thưởng thức miễn phí một cảnh tượng mà gã voyeur (kẻ nhìn trộm) no xôi chán chè nhất cũng sẵn sàng trả giá hàng đấu vàng.

Chương 6

Đôi lời về Gaston Godin. Lí do chủ yếu khiến tôi thích - hoặc ít ra thì cũng chịu đựng một cách nhẹ nhõm - sự qua lại giao du với lão là vì con người kích cỡ dài rộng của lão trùm một cái bóng tuyệt đối an toàn lên bí mật của tôi. Không phải là lão đã biết rõ sự tình; tôi chẳng có lí do đặc biệt nào để dốc bầu tâm sự với lão và lão thì quá vị kỉ và đãng trí để nhận thấy hoặc ngờ ngợ bất cứ điều gì có thể dẫn tới một câu hỏi thẳng thắn, về phía lão, và một câu trả lời thẳng thắn, về phía tôi. Lão nói tốt về tôi với những người Beardsley, lão là người cổ động tốt cho tôi. Nếu như lão phát hiện ra mes goûts (những sở thích của tôi) và cương vị thật của Lo, thì lão cũng chỉ quan tâm đến điều đó trong chừng mực nó làm sáng tỏ phần nào thái độ bình dị của tôi đối với lão, một thái độ không mang tính chất lễ độ cứng nhắc, cũng chẳng nhả nhớt tục tĩu; vì, mặc dù đầu óc lão mờ xỉn và trí nhớ lão nhập nhoạng, có lẽ lão vẫn ý thức rằng tôi biết về lão nhiều hơn đám dân tỉnh lẻ Beardsley. Lão là một người độc thân sầu muộn, mặt bệu, nhẽo nhèo, thân hình thon dần từ dưới lên đến một đôi vai hẹp, hơi lệch, rồi đến một cái đầu quả dưa hình chóp nón, một bên tóc đen mượt và bên kia chỉ lơ thơ vài túm dán bết vào da đầu. Nhưng phần thân dưới thì thật đồ sộ, và lão dạo quanh với dáng voi đi rón rén trên đôi chân to lạ to lùng. Bao giờ lão cũng mặc đồ đen, cả đến cà vạt cũng đen; lão rất ít khi tắm; tiếng Anh của lão thì hề ơi là hề. Và mặc dầu vậy, ai nấy đều coi lão là một tay cực kì đáng yêu, lập dị một cách đáng yêu! Hàng xóm láng giềng chiều chuộng lão; lão thuộc tên tất cả bọn con trai trong khu chúng tôi (lão ở cách chỗ tôi mấy khối nhà) và gạ được mấy đứa trong bọn quét dọn phần vỉa hè của lão, đốt lá khô trong sân sau nhà lão, mang gỗ từ kho chứa vào nhà và thậm chí làm những việc vặt quanh nhà, và lão đãi bọn chúng những thỏi sô-cô-la chất lượng cao có rượu thật bên trong - rất kín đáo trong một sào huyệt bài trí theo kiểu phương Đông dưới hầm nhà, với những dao găm, súng lục ngộ nghĩnh dàn thành bộ trên những bức tường mốc phủ thảm, giữa những ống dẫn nước nóng. Trên gác, là một xưởng họa - lão cũng vẽ tí ti, lão bợm già ấy. Lão trang trí những bức tường chênh chếch (thực sự đây chẳng hơn gì một căn gác xép) bằng những tấm ảnh chân dung khổ lớn những con người trầm tư: André Gide, Tchaikovsky, Norman Douglas, hai văn sĩ Anh nổi tiếng khác [1], Nijinski (phô toàn đùi vế và lá nho), Harold D. Doublename (một giáo sư cánh tả, mắt mơ màng, dạy ở một trường Đại học miền Trung Tây) và Marcel Proust[2]. Tất cả những con người tội nghiệp này dường như sắp sửa rơi xuống đầu ta từ các mặt phẳng nghiêng nghiêng của họ. Lão cũng có một cuốn album với những tấm hình chụp nhanh tất cả các Jacky và Dicky của khu phố, và khi tôi tình cờ lần giở những trang ảnh này và tiện miệng bình luận đôi câu, Gaston bèn bĩu cặp môi dày thì thầm với một vẻ buồn buồn: “Oui, ils sont gentils (Phải, họ rất tử tế).” Đôi mắt nâu của lão lượn lờ suốt lượt trên cái mớ đồ linh tinh ở đó, gồm những vật lưu niệm có tính chất nghệ thuật và tình cảm và cả những toiles (bức tranh) tầm thường của chính lão (đôi mắt theo phong cách nguyên thủy, cây đàn ghi ta cắt rời từng khoanh, những núm vú xanh lơ và những môtip kỉ hà thời thượng), và với một cử chỉ mơ hồ về phía một cái bát gỗ sơn lòe loẹt hoặc một cái bình có vân nổi, lão nói: “Prenez donc une de ces poires. La bonne dame d’en face m’en offre plus que je n’en peux savourer (Hãy ăn một trong những trái lê kia đi. Bà tốt bụng ở nhà trước cửa biếu tôi nhiều quá tôi không thưởng thức hết)” Hoặc: “Mississe Taille Lore [3] vient de me donner ces dahlias, belles fleurs que j’exècre (Bà Taylor vừa cho tôi những bông thược dược này, loài hoa đẹp mà tôi thậm ghét)” (U ám, buồn bã, đầy nỗi chán chường nhân thế).

[1] Hai người này là W. H. Auden (1907-1973) nhà thơ Anh-Mĩ và W. Somerset Maugham (1874-1965). Nabokov nói sở dĩ không nêu tên hai vị này vì bấy giờ họ còn sống.

[2] Cả một điện Panthéon thực thụ của những đại nghệ sĩ tình dục đồng giới. André Gide (1869-1951), giải Nobel văn học năm 1947; Pĕtr llich Tchaikovsky (1840-1893), nhà soạn nhạc Nga, tác giả Hồ thiên nga, Eugene Onegin; Norman Douglas (1368-1952), tác giả của South Wind (Gió phương Nam); Waslaw Nijinski (1890-1950), vũ công ba lê Nga; và Marcel Proust (1871-1922), văn hào Pháp, tác giả của bộ tiểu thuyết đồ sộ Tìm lại thời gian đã mất.

[3] Đúng ra là Mrs Taylor. Phiên âm “nhái” như trên để giễu cách phát âm của Gaston Godin.

Vì những lí do hiển nhiên, tôi ưng chọn nhà tôi hơn nhà lão để chơi cờ vua - mỗi tuần chúng tôi đấu với nhau hai hoặc ba lần. Khi ngồi với đôi bàn tay mập mạp đặt trên đầu gối, mắt trừng trừng nhìn bàn cờ như thể nó là một cái xác chết, nom lão giống như một pho tượng phật méo mó. Lão vừa thở khò khè vừa nghĩ độ mươi phút - để rồi đi một nước cờ thua. Hoặc giả sau khi nghĩ kĩ hơn, lão già đôn hậu thốt lên: Au roi! (Chiếu tướng) nghe như tiếng sủa rề rà của một con chó già kèm theo một âm thanh ùng ục trong cuống họng, khiến phần thịt sệ xuống bên dưới hàm rung rung; và rồi lão nhướn cặp lông mày dấu mũ với một tiếng thở dài đánh thượt khi tôi chỉ cho lão thấy là lão mới đang bị chiếu tướng.

Đôi khi, từ chỗ chúng tôi ngồi trong thư phòng lạnh lẽo của tôi, tôi nghe thấy tiếng chân trần của Lo đang tập các kĩ năng múa trong phòng khách dưới nhà; nhưng những giác quan xuống cấp của Gaston đã êm ái cùn mòn đi và lão không hề cảm nhận thấy các tiết tấu trần trụi ấy - một-hai, một-hai, dồn trọng lượng cơ thể len chân phải duỗi thẳng đuỗn, giơ chân lên và dang sang bên, một-hai, một-hai, và chỉ khi Lo bắt đầu nhảy lên, giạng hai chân ở đỉnh điểm của cú nhảy, rồi một chân gập lại, chân kia duỗi ra, bay người và tiếp đất trên đầu ngón chân - chỉ khi ấy đối thủ mặt tái, rầu rầu và khoa trương của tôi mới gãi đầu, xoa má như thể lão nhầm lẫn những tiếng thình thịch đằng xa kia với những đòn tung thâm khủng khiếp của quân Hậu lợi hại của tôi.

Thi thoảng Lola uể oải đi vào trong khi chúng tôi đang cắm cúi trên bàn cờ - và mỗi lần như vậy là một dịp tôi được sướng mắt nhìn Gaston, con mắt voi vẫn dán vào những quân cờ, trịnh trọng đứng dậy để bắt tay Lo, rồi lập tức buông những ngón tay mềm oặt của em và, không nhìn em lấy một cái, lại gieo mình xuống ghế để rơi tõm vào cái bẫy tôi đã giăng sẵn đợi lão. Một hôm, vào quãng Giáng sinh, sau khoảng hai tuần tôi không gặp lão, lão hỏi tôi: Et toutes vos fillettes, elles vont bien?(Thế nào, tất cả các bé gái của ông vẫn mạnh giỏi chứ)”, qua đó tôi thấy hiển nhiên là lão đã nhân Lolita duy nhất của tôi với số kiểu trang phục khác nhau của em mà con mắt ủ ê luôn cúi xuống của lão thoáng thấy trong suốt cả một chuỗi lần em xuất hiện: quần jeans, váy, quần soọc, áo choàng may chần.

Tôi bất đắc dĩ phải lan man dài dòng thế về con người tội nghiệp ấy (thật đáng buồn, một năm sau đó, trong một chuyến đi châu Âu mà từ đó lão không trở về, lão bị dính líu vào một sale affaire(chuyện rắc rối) mà trời xui đất khiến thế nào lại là ở Napoli [4] cơ chứ!). Tôi ắt đã chẳng nhắc đến lão nếu như sự tồn tại của lão ở Beardsley không tác động đến “ca” của tôi một cách kì lạ như vậy. Tôi cần viện đến lão để tự biện hộ. Này đây Gaston Godin, một kẻ chẳng có tài cán gì, một thầy giáo xoàng, một học giả vét đĩa, một lão già quàu quạu, gớm guốc, béo ị, mắc chứng đồng giới tình dục, rất khinh bỉ lối sống Mĩ, đắc chí là mình mo phú tiếng Anh - đấy, lão ở giữa cái xứ New England đạo đức giả, được đám già ve vãn và đám trẻ mơn trớn - chao, tha hồ vui chơi thỏa thích và lừa mị tất cả mọi người; và tôi, tôi cũng ở đó.

[4] Napoli ở Ý hồi ấy nổi tiếng về nhiều “đĩ đực”.