Hẹn Đẹp Như Mơ - Phần 03 - Chương 01

Phần 3:

Đợi một ngày nắng

1

Có một lần trong quán bar Châu Tịnh An đã uống khá nhiều, nâng ly rượu JACK DANIELS(29) lên than thở với cô: “Tuổi trẻ cái gì cũng không có, chỉ trừ dũng khí”.

(29) JACK DANIELS: Một loại rượu nổi tiếng hàng đầu của Mỹ, ra đời từ năm 1866 (BTV).

Mỗi lần nhớ lại những chuyện quá khứ xa xôi đó, Giai Kỳ luôn cảm thấy câu nói này của Châu Tịnh An vừa bi thương vừa kiên cường.

Chưa quá mấy năm, nhưng có nhiều chuyện dường như đã là kiếp trước, ngay cả Giai Kỳ cũng cảm thấy, cố chấp như vậy, kiên trì như vậy, dường như đều là chuyện của kiếp trước. Có một lần Nguyễn Chính Đông nói: “Có lúc em cô độc đến dũng cảm”.

Không bằng nói cô ngốc.

Từ sau cái buổi sáng lúng túng đó, hai người bọn họ không gặp nhau suốt một thời gian dài, tung tích của Nguyễn Chính Đông từ trước đến giờ đều rất thần bí, cũng là chuyện bình thường. Lúc mười hai giờ trưa Giai Kỳ gọi điện cho anh, anh rõ ràng vẫn chưa ngủ dậy, trong giọng nói vẫn lộ ra vẻ ngái ngủ, sau khi nhận ra giọng cô thấy hơi bất ngờ: “Là cô?”.

Giai Kỳ nói: “Thật ra cũng không có chuyện gì, chỉ là muốn cảm ơn anh. Cảm ơn anh đã tìm thấy chìa khóa giúp tôi, còn cho người đưa đến”. Anh “ồ” một tiếng: “Hóa ra là vì việc này à”. Giai Kỳ cảm thấy hơi áy náy: “Tôi là người hay quên trước quên sau, chìa khóa tìm thấy ở trong xe của anh phải không?”. Anh không trả lời, chỉ cười: “Vậy cô định cảm ơn tôi thế nào đây?”.

Giai Kỳ cảm thấy đau đầu, lại bị anh lợi dụng rồi.

Buổi tối Nguyễn Chính Đông đến đón cô, vì là cuối tuần, tan ca cũng tương đối sớm, Giai Kỳ cười mỉm, mở cửa xe liền hỏi anh: “Đi đâu hả?”.

Nguyễn Chính Đông liếc cô một cái: “Tinh thần vui vẻ nhỉ, yêu đương rồi hả?”.

“Làm gì có,” Giai Kỳ cười nói: “Ký được hợp đồng với một khách hàng lớn, ông chủ rất vui, tiền thưởng của quý này cho rất thoải mái”.

Nguyễn Chính Đông phản đối: “Cô đúng là yêu tiền”.

Giai Kỳ xì một tiếng, nói: “Nếu tôi mà có nhiều tiền như anh, tôi cũng không yêu tiền đâu, tôi sẽ đổi thành yêu người”.

Nguyễn Chính Đông mỉm cười: “Đợi khi cô giống tôi, chỉ sợ rằng đến người cũng không thể yêu được nữa”.

Giai Kỳ “ôi” một tiếng, dò xét anh: “Anh thế này là sao hả, bị đả kích gì à? Còn ai có thể đả kích anh được chứ?”.

Nguyễn Chính Đông không để ý đến cô. Chiều cuối tuần, giao thông bị tắc nghẽn, họ bị kẹt trong dòng xe cuồn cuộn, nhích lên từng chút một. Giai Kỳ cảm thấy kỳ lạ: “Chúng ta đi đâu vậy?”.

“Siêu thị”.

Cô càng cảm thấy kỳ lạ hơn: “Đi siêu thị làm gì?”.

Anh đáp: “Đi mua thức ăn, về nhà cô làm cơm cho tôi ăn”.

Cô trừng mắt nhìn anh: “Dựa vào cái gì chứ?”.

Anh tuyên bố một cách đầy lý lẽ: “Hôm nay là sinh nhật tôi”.

Giai Kỳ không tin, anh dùng một tay, lấy ra chứng minh thư kẹp nó trong hai ngón tay, cô cầm lấy xem, quả là hôm nay. Giai Kỳ bực tức: “Cái bếp nhà anh không một chút bụi, giống căn phòng mẫu ở trên tạp chí trang trí nhà cửa, làm sao có thể nấu ăn được chứ?”.

“Thiếu thứ gì mua về là được”.

Đúng là khẩu khí của đại thiếu gia phóng khoáng có tiền. Kết quả là bọn họ mua hẳn một bộ dao Solingen(30), một loạt nồi xoong muôi chậu, các loại đĩa bát khác nhau, còn có thớt to thớt bé cùng với các loại khăn lau chuyên dùng khác nhau, cô bán hàng cười híp mắt: “Hai người chuẩn bị kết hôn đúng không? Chúng tôi đang có hoạt động, một lần mua đồ dùng nhà bếp vượt quá hai nghìn tệ, sẽ được tặng một đôi gối ôm có hình hôn nhau”.

(30) Dao Solingen: Một loại dao nấu ăn của Đức (BTV).

Giai Kỳ cảm thấy xa xỉ, bởi vì một bộ dao thôi đã hơn hai nghìn tệ rồi, huống hồ lại còn nhiều bát đĩa thế này, tất cả đều rất tinh xảo, khiến người ta không nỡ bỏ xuống. Nguyễn Chính Đông còn hỏi người bán hàng một cách vô cùng nghiêm túc: “Vậy vượt quá bốn nghìn tệ thì sao?”.

Cô gái bán hàng sững lại một lúc, mới nói: “Hai đôi gối ôm có hình hôn nhau”.

Lúc mua thức ăn Giai Kỳ mới phát hiện Nguyễn Chính Đông kén chọn đồ ăn đến mức nào, cái này không ăn, cái kia không thích, tựa vào chiếc xe để đồ đứng trước khu đồ đông lạnh dài dằng dặc, dáng vẻ anh quả thật giống với hoàng đế thời xưa, đứng trước ba nghìn mỹ nhân mà vẫn còn chọn đi chọn lại. Giai Kỳ mặc kệ anh: “Dù gì cũng chỉ có hai chúng ta, nấu hai món là được rồi. Thịt bò có ăn không? Thịt bò xào ớt được không?”.

Không đợi anh trả lời, cô khom lưng xuống chọn thịt bò, bên tai có một lọn tóc mai bị xõa ra, trượt xuống dưới, nhìn nghiêng lông mi của cô rất dài, cong cong giống như chiếc quạt nhỏ, đường cong của chiếc cằm đẹp đến không thể tưởng, khóe môi hơi nhướn lên, vẻ mặt chuyên tâm mà nghiêm túc, lại giống như người phụ nữ chủ gia đình đi mua đồ ăn sau khi đi làm về. Nguyễn Chính Đông dựa vào tay đẩy chiếc xe để đồ, thoáng ngơ ngẩn. “Còn ăn gì nữa không?”. Cô chọn xong thịt bò, quay đầu lại hỏi anh.

Anh không nói, một tay kéo tay của cô, một tay đẩy chiếc xe đồ, vội vàng bước đi, Giai Kỳ không hiểu vì sao: “Này này, làm gì thế?”

“Mua rau cải”.

Giá để rau quả trong siêu thị thật ra lúc nào cũng rất bắt mắt, lá rau xanh mướt ngay ngắn, dưa và trái cây sắp xếp rực rỡ, chiếc đèn vàng bên trên đỉnh giá hàng bật sáng, màu sắc rực rỡ giống những tấm hình quảng cáo, tấm nào cũng đẹp, dưới ánh đèn ngay cả rau cải cũng giống như những bó hoa phỉ thúy xanh biếc, anh chọn bó rau cải có những cây cải mỡ màng nhất vứt vào trong xe, Giai Kỳ lại lấy ra đặt về chỗ cũ: “Mấy cái này đều già rồi”. Vô cùng tận tình dạy anh, “Phải chọn loại non một chút, dùng móng tay bấm vào cọng rau, những cọng không bấm xuống được chính là rau già”.

Thực ra đời này anh cũng chưa chắc còn có cơ hội hay hứng thú đi mua thức ăn lần nữa, cô cúi xuống lấy hai bó rau cải để vào trong xe đồ, mấy giọt nước trên lá rau đọng lại trên bàn tay anh, lành lạnh. Rau cải xanh mơn mởn được dùng túi bóng màu đỏ bó xung quanh, xanh đỏ đan xen lẫn nhau, vô cùng đẹp mắt, đẹp đến nỗi trông không giống thật. Giai Kỳ kiên quyết đi mua bánh gatô. Bánh do tiệm bánh của siêu thị làm, thơm ngon vô cùng, rất đông người đang xếp hàng, mùi thơm ngọt đặc biệt của bánh gatô bay trong không khí, cô quay đầu lại nói với anh: “Thêm kem không?”.

Nụ cười của cô rất ấm áp, tựa như mùi thơm ngọt lịm của bánh gatô.

Cô lại quay đầu lại hỏi anh: “Hoa quả phía bên trên, cho nhiều xoài, hay là thanh long?”.

Anh không trả lời, cô nghịch ngợm đưa tay ra vẫy vẫy trước mặt anh: “Đại thiếu gia, tỉnh lại đi, tôi muốn ăn nhiều xoài hơn một chút, có được không?”.

Anh dùng nụ cười che giấu đi sự ưu tư lúc nãy nói: “Vậy không bằng đi mua xoài”.

“Ăn riêng thì không còn ý nghĩa gì nữa,” Giai Kỳ lại quay đầu lại nhìn nhìn chiếc bánh gatô hoa quả đang dần hình thành sau tấm kính lớn, khuôn mặt có vẻ thèm nhỏ dãi: “Tôi thích ăn bánh kem bên trên có thêm một ít xoài”.

Tính cách thật trẻ con, anh không kìm được mỉm cười lần nữa.

Đặt túi lớn túi nhỏ vào cốp xe, Nguyễn Chính Đông nói: “Thật không thể ngờ rằng một căn bếp lại cần dùng nhiều đồ như thế”. Giai Kỳ lại than thở một kiểu khác: “Tôi cũng không ngờ đắt đến vậy”.

Anh mua mất hơn tám nghìn tệ tiền đồ dùng trong bếp, kết quả là được tặng bốn đôi gối ôm có hình hôn nhau, Giai Kỳ ôm một đôi: “Ôi, mềm quá.”

“Thích thì mang về,” Anh nói, “Dù gì tôi lấy về cũng chẳng để làm gì”.

“Vậy tôi lấy hai đôi, hai đôi còn lại anh giữ lấy”.

Anh thích cách phân chia như thế, mỗi người một nửa.

Xe đi rất chậm, lướt đi trong màn đêm đầu mùa đông, hai bên con đường dài là ánh đèn rực rỡ, giống như hai chuỗi minh châu, uốn lượn rực sáng kéo dài về nơi xa. Màn đêm dịu dàng đến mức gần như có thể chảy ra nước, không khí trong xe ấm áp, đôi má Giai Kỳ đỏ bừng lên, nói với anh: “Lúc học đại học không có việc gì, khi hoàng hôn liền một mình ngồi lên xe bus 300 đi một vòng thành phố, ngồi trên xe không nghĩ gì, chỉ đờ đẫn, nhìn trời tối dần”.

Anh nói: “Lập dị”.

Cô nghĩ một lúc, gật đầu thừa nhận: “Có lúc tôi rất lập dị”.

Anh im lặng, bởi vì thật ra vẫn còn một nửa câu chưa nói, sự lập dị của cô từ trước đến nay rất đáng yêu.

Lúc cô nấu cơm cũng rất đáng yêu, ra vẻ chỉ huy, anh lấy đồ, còn phải rửa rau, anh đứng giữa cửa phòng bếp không chịu đi vào, cứ chống đối: “Quân tử cách xa phòng bếp(31)”. Cô đang thái cà chua, không thèm ngẩng đầu: “Vậy lát nữa anh đừng ăn”.

(31) Nguyên văn: “Quân tử viễn bào trù”, ý nói người quân tử phải làm những việc lớn, không nhúng tay vào những việc nhỏ nhặt, tầm thường như làm bếp (BTV).

Anh không nỡ không ăn, đành tuân lệnh.

Đợi đến lúc món ăn cuối cùng sắp nấu xong, mới phát hiện ra quên không mua một thứ quan trọng - tạp dề.

Giai Kỳ kêu lên: “Dầu mỡ xoong chảo, bộ quần áo này của tôi coi như xong rồi”.

Ạnh nói: “Cô đợi đó”. Quay người đi vào phòng ngủ, lấy ra một chiếc áo vẫn còn chưa bóc giấy bọc của mình, nói: “Buộc cái này vào”.

Cô nhìn nhãn hiệu chiếc áo, than thở: “Xa xỉ!”.

Một tay cô cầm chiếc đĩa, tay kia đang cầm đũa đảo thịt bò, anh không suy nghĩ gì giúp cô buộc vào, dùng ống tay của chiếc áo phông thắt một nút sau eo cô. Eo của cô rất nhỏ, rất mềm, Nguyễn Chính Đông nghĩ đến cụm từ “Thắt đáy lưng ong”.

Anh phải hết sức kìm chế mới không đưa tay ra ôm cô.

Một luồng khói trắng bốc lên từ nồi cơm điện, thịt bò xào ớt cũng đã xong, cô gắp một miếng thử, anh cự nự: “Không được ăn vụng!”. Cô trừng mắt nhìn anh, đành gắp một miếng cho anh. Quả thật rất ngon, rất thơm, rất mềm. Anh chưa bao giờ ăn loại thịt bò mềm như thế, cảm thấy rất ngon miệng.

Làm hai món ăn một món canh, thịt bò xào ớt, rau cải xào, và canh cà chua trứng.

Anh hâm nóng bình rượu Thiệu Hưng, nói là do bạn tặng. Giai Kỳ biết phân biệt hàng, dùng mũi ngửi là biết, ôi chao một tiếng, nói: “Bình rượu của anh đúng là rượu ba mươi năm thật sự, người bạn này của anh quả thật không đơn giản. Loại rượu này ngay cả tiệc của quốc gia cũng không có, bởi vì số lượng có hạn, chuyên cung cấp cho mấy vị lãnh đạo".

Anh vô cùng bất ngờ: “Làm sao cô biết được?”.

“Quê tôi ở Đông Phố Thiệu Hưng, lúc đó cha tôi làm việc ở xưởng rượu”. Cô hít một hơi thật sâu, cảm thán, “Thơm quá”.

Hai người uống hết nửa bình, không ngờ Nguyễn Chính Đông lại uống tốt như vậy, suýt nữa cô không phải là đối thủ của anh. Cuối cùng ăn rất nhiều thức ăn, ngay cả Giai Kỳ cũng ăn hai bát cơm. Vì ăn quá no, Giai Kỳ dựa lưng vào ghế than thở: “Mua một đống đồ, chỉ làm có mấy món ăn, thật là quá xa xỉ”.

Anh cũng cảm thấy xa xỉ, khoảnh khắc này, quả thật xa xỉ. Trong men say nhè nhẹ, thật sự quá xa xỉ.

Đốt nến ước nguyện, Giai Kỳ tắt hết đèn, trong căn phòng chỉ có ánh nến lay động trên chiếc bánh, nụ cười của cô ngọt ngào vô tận: “Ước một điều ước đi”.

Anh cảm thấy hơi chóng mặt, loại rượu Thiệu Hưng ba mươi năm đó, đang ngấm dần dần, trong cảm giác choáng váng, anh thổi phù một tiếng làm tắt nến trên chiếc bánh.

Trong chốc lát tất cả tối om.

Mắt dần quen với bóng tối, có thể nhận ra được các đường nét của cô, chính là ở chỗ ghế sofa, bên ngoài cửa sổ là màn đêm lạnh giá, hoặc có lẽ là ánh trăng, hoặc là không phải, màu xám nhàn nhạt chiếu vào, làm cho người ta lờ mờ có thể nhìn thấy bóng của cô. Lông mày và đôi mắt không phân rõ, nhưng đó là cô, rõ ràng là cô.

Giai Kỳ quay mặt lại cười với anh: “Ước điều gì thế?”. Nhưng lập tức lại nói: “Đừng nói ra, nói ra sẽ không linh đâu”.

Anh không nói gì, không hiểu vì sao cô lại cảm thấy hơi hồi hộp, nói: “Tôi đi bật đèn”.

Cô đi qua người anh, có một mùi hương nhè nhẹ, không biết là mùi hương của loại nước hoa gì, anh không phân biệt được. Chỉ hít một hơi thật sâu, cảm thấy một nỗi sầu não vô cớ.

Đèn đã sáng, cô nói: “Sinh nhật vui vẻ!”. Rồi lấy ra một chiếc hộp nho nhỏ, có lẽ là lúc nãy mua ở siêu thị, lúc anh xếp hàng đợi thanh toán ở siêu thị, cô đi đâu đó một lúc, anh cho rằng lúc đó cô vào phòng vệ sinh, hóa ra là đi mua quà.

“Là gì thế?”.

Cô cười tinh nghịch: “Anh mở ra xem xem”.

Một đôi cúc tay áo bạch kim, kiểu dáng rất đơn giản. Cô đau lòng khôn xiết: “Mất hơn hai nghìn tệ của tôi đó, không được chê là không tốt đâu đấy”.

Anh thử cài lên cho cô xem, khen cô: “Con mắt cũng không tồi”.

Cô thành thật nói với anh: “Thật ra tôi chạy thẳng xuống tầng bảy quầy chuyên bán thứ đồ này, nói với người ta tôi muốn loại đắt nhất, người ta liền đưa tôi cái này”.

Vẻ mặt của Nguyễn Chính Đông dở khóc dở cười, cô nói: “Ấy, còn nửa bình rượu nữa, rượu ngon như vậy, đừng lãng phí”.

Cô đi rang một đĩa lạc, cho thêm một ít muối, không ngờ lại thật xốp giòn ngon miệng. Cô không dùng đũa, Nguyễn Chính Đông cũng dùng tay bốc lạc ăn, hai người đều phì cười, cảm thấy bây giờ mới giống con ma men thật sự. Có thêm lạc rang, uống hết hai ly rượu, cũng đã hơi ngà ngà say, vô cùng thoải mái. Giai Kỳ dứt khoát ngồi dưới sàn nhà cạnh chiếc bàn trà nhỏ, lật đống DVD của anh: “Ấy, bộ phim này rất hay, cho tôi mượn xem nhé”.

Nguyễn Chính Đông đáp: “Được.” Đột nhiên đề nghị: “Chúng ta chơi oẳn tù tì đi”.

Giai Kỳ cười híp mắt: “Được, ai thắng thì sẽ kể chuyện cười, thua sẽ phải uống rượu”.

Nguyễn Chính Đông không chịu: “Kể chuyện cười chán chết, phải kể một chuyện thật, chuyện thật của bản thân mình, người thua sẽ đưa ra câu hỏi”.

Kết quả là lần đầu tiên cô thắng, Nguyễn Chính Đông uống hết một ly rượu, đặt câu hỏi cho cô: “Kể một chuyện vui nhất của cô”.

Giai Kỳ nghĩ một lúc, nói: “Vui nhất à, vui nhất là một lần đi chèo thuyền, cũng uống rất nhiều rất nhiều, nhưng chỉ là bia thôi, thời tiết nóng kinh khủng, người phơi nắng đến mức sắp bong cả da, cánh gà hôm đó rất ngon… ”. Cô dựa đầu vào ghế sofa. Trên ghế vứt một đống gối ôm, mặt gối nhung vừa mềm vừa thoải mái, dựa vào đó quả thật khiến người ta lười nhác. Anh hỏi: “Sau đó thì sao?”.

“Sau đó hết rồi”.

Anh cười: “Chuyện đó của cô không tính, kể ra chẳng có dáng vẻ vui vẻ gì cả, không được tính”.

Cô nói: “Lúc đó tôi cho rằng đó là chuyện vui vẻ nhất”.

Hình như cô thổn thức, thật ra đều đã qua rồi, vẫn luôn cho rằng, thời gian ấy đẹp như thế, sẽ luôn lưu lại trong ký ức.

Lần thứ hai cô lại thắng, anh đưa ra câu hỏi cho cô: “Kể về người mà cô yêu quý nhất”.

Cô trừng mắt nhìn anh, anh cười lớn: “Đừng nhìn tôi như thế, ai bảo cô thắng chứ”.

Cô kể về cha cô cho anh nghe. Lúc cô còn rất nhỏ, bị nhốt một mình trong nhà, cha cô đã đi làm, kết quả tự làm lật ấm nước nóng, một nửa người bị bỏng hết, khóc òa òa, khóc đến khản cả cổ, bà Trần hàng xóm nghe thấy mới gọi người đến đưa cô đến bệnh viện.

Sau này trong bệnh viện, lần đầu tiên cô thấy cha khóc, một người đàn ông như thế, nước mắt cứ tuôn trào, chỉ gọi tên cúng cơm của cô dỗ dành cô: “Con yêu, đừng khóc nữa con yêu”.

Thực ra ông còn khóc nhiều hơn cô, lúc bác sĩ bôi thuốc lên, ông khóc như một đứa trẻ làm sai điều gì, áy náy, đau lòng, không biết giúp đỡ gì hơn. “Cha cũng chỉ có tôi, cho nên tôi cố hết sức sống vui vẻ, như vậy ông mới có thể vui vẻ. Nhưngđến cuối cùng… tôi vẫn không làm được…”. Cô cúi thấp đầu, trong tay là một cốc rượu bằng gốm, chiếc cốc kiểu cổ nhưng lại có màu sắc gốm đẹp nhất, “Cửu thu phong lộ Việt Diêu khai, đoạt đắc thiên phong thúy sắc lai(32)”. Lúc nhỏ ông dạy cô thơ của Lục Quy Mông(33), học thuộc sẽ được phần thưởng, thật ra đó chỉ là hai tệ rưỡi đậu phụ khô, một tệ đậu phụ khô có thể ăn gần nửa ngày, càng nhai càng thơm. Những đứa trẻ trong khu rất ngưỡng mộ cô, vì cha rất thương cô, có thể dùng cả nửa tháng lương để đi Hàng Châu mua cho cô một bộ váy mới đẹp nhất, lại còn nhờ đồng nghiệp mua kẹo sôcôla từ Thượng Hải về cho cô ăn. Cô từng là một cô công chúa nhỏ rất kiêu ngạo, cho dù không có mẹ, nhưng cha cô đã cho cô một tình yêu thương hoàn hảo nhất. Cô cũng đã từng là niềm tự hào lớn nhất của cha, bất kể người hàng xóm nào nói đến cô, đều khen ngợi: “Cô con gái của ông Vưu ấy, vừa ngoan vừa nghe lời, thành tích lại tốt”.

(32) Hai câu thơ trong bài Mật sắc việt khí của Lục Quy Mông. Nghĩa là: Màu men của gốm trong như sương thu tháng chín, sắc xanh của ngàn ngọn núi cao cũng không bằng. Gốm Việt Diêu là loại gốm do các lò gốm ở vùng Thượng Ngu, Từ Diêu, Thiệu Hưng... của vùng Việt Châu chế tác, rất nổi tiếng (BTV).

(33) Lục Quy Mông (?-881) một thi nhân đời Đường, tự Lỗ Vọng, người huyện Ngô, Tô Châu (BTV).

Lúc cô thi đỗ trường đại học, cả con phố cảng nhỏ chấn động, ngay cả người bên kia sông cũng biết, con gái của ông Vưu đỗ trường đại học tốt nhất. Quỹ của xưởng rượu còn khen tặng cô năm trăm tệ, tuy không nhiều nhưng cha cô vô cùng vui vẻ, vì sự ưu tú của cô.

Nhưng tất cả những thứ đó, tất cả sự nỗ lực đó, thật ra đều không có tác dụng gì.

Anh trầm lặng một lúc, mới hỏi: “Bây giờ cha cô sao rồi?”.

“Không còn nữa”. Sự thật đau đớn đó, đã cách nhiều năm như thế, cuối cũng có thể nói ra, nói một cách ngắn gọn súc tích, giống như đã chấp nhận sự thật: “Xuất huyết não, hai lần trúng gió, ra đi rất nhanh, không có đau đớn gì”.

Trong đôi mắt cuối cùng đã dâng lên một làn sương mù mỏng, cô nhặt hai hạt lạc bỏ vào miệng, vừa giòn vừa xốp, dường như không hề để ý: “Lại nào, lại nào”.

Lần này là Nguyễn Chính Đông thắng, cô chậm rãi uống một cốc rượu, dưới ánh đèn, đôi mắt sáng đến mức tựa như dòng ánh sáng đang chảy: “Anh phải kể về một người mà anh yêu nhất, không được nói dối”.

Anh nói: “Không có”.

Cô không chịu: “Nói dối nói dối, tại sao lại không có chứ? Trong tiểu thuyết đều viết, các công tử đào hoa luôn có một tình yêu bí mật trong sâu thẳm đáy lòng, cho nên mới trở thành một công tử đào hoa. Mau nói đi, tôi cũng chỉ nghe thôi, nghe xong tôi đảm bảo sẽ quên hết ngay”.

Anh cười: “Thật sự là không có”. Vẻ mặt hơi hốt hoảng, nhai lạc rang, lại uống hết cốc rượu trước mặt, thật ra anh không phải uống, vì anh thắng. Giai Kỳ cảm thấy anh đã hơi say, cho nên chỉ cười, anh cũng cười: “Nếu mà tôi bịa ra một câu chuyện để lừa cô, cô cũng không biết đúng không?”.

Cô nhượng bộ một cách rất độ lượng: “Vậy anh kể về một người anh thích cũng được”.

Anh ngẩng đầu nghĩ một lúc lâu, mới nói: “Lúc tôi còn nhỏ, thật ra cũng không còn nhỏ nữa, mười lăm mười sáu tuổi, thích một người, là một bạn nữ cùng lớp”.

Cô phủi tay: “Cái này được, tình yêu tuổi thanh xuân, thích lúc đó mới thật sự là thích, là tình cảm trong sáng nhất”.

“Nhưng lúc đó rất ngạo mạn, chưa bao giờ thổ lộ với cô ấy, chỉ ngắm cô ấy từ xa, còn sợ bị cô ấy phát hiện”.

Giai Kỳ phì cười: “Tôi thật sự không ngờ nổi, kiểu người như anh mà có thể yêu thầm người khác sao?”.

Anh cũng cười: “Hơi ngốc phải không, sau này có lần tôi uống rượu cùng một người bạn thân nhất, cả hai đều uống say, nhắc đến chuyện ấy, cậu ta cũng thấy bất ngờ, bởi vì ngay cả cậu ta cũng không hề biết tôi thích cô gái đó”.

Cô cảm thấy buồn cười: “Sao lúc đó anh không nói với cô ấy?”.

Anh mỉm cười, cúi thấp đầu xoay xoay chiếc cốc, nhìn những giọt rượu màu hổ phách trong chiếc cốc, đặc như mật ong, mùi hương xộc lên mũi. Ba mươi năm, thời gian lâu như vậy, mới ủ thành loại rượu ngon đến thế, những tâm sự chồng chất đó nếu để lên men, cũng sẽ dần dần ủ thành vị cay thơm chát đắng thế này. Khi uống vào không cảm thấy gì, sau đó dần dần như từng sợi dây, từ họng đến dạ dày, vừa buồn bã vừa dễ chịu, cảm giác nóng bỏng dần dần thấm vào trong, sẽ có một cảm giác choáng váng nhè nhẹ, có lẽ là vận mệnh đã định trước. “Cô ấy không yêu tôi,” Anh nghe thấy tiếng của mình đang nói, “Cho nên, tôi vĩnh viễn cũng không để cho cô ấy biết”.