Suy nghĩ và làm giàu - Chương 15 phần 2

BẠN CÓ SỢ BỊ PHÊ PHÁN KHÔNG?

Không ai nói được cụ thể từ đâu ra nỗi sợ hãi này của con người, nhưng có một điều chắc chắn - nó tồn tại trong ta và rất phát triển. Cũng có thể, sợ phê phán là do một phần bản chất của con người chẳng những muốn cướp thức ăn và tài sản của người thân, mà còn biện bạch cho những hành vi của mình bằng sự phê phán tính cách của người bị cướp. Ai còn lạ gì, kẻ trộm thì hay nói xấu người bị chúng lấy cắp, còn các nhà chính trị, muốn giành thắng lợi trong bầu cử, chẳng những khoe với thế giới những phẩm chất và trình độ riêng của mình, mà còn bôi nhọ đối phương nữa.

Hãy nhìn xem, các nhà sản xuất quần áo lớn lợi dụng nỗi sợ hãi bị phê phán mới nhanh làm sao! Mùa nào cũng thay rất nhiều chi tiết trên những thứ ta mặc. Nhưng ai là người đặt mốt? Tất nhiên không phải người mua, mà là người sản xuất quần áo. Cần gì thay kiểu nhiều như thế? Câu trả lời rất rõ ràng: để bán được nhiều hơn. Hay ôtô cũng vậy. Mùa nào cũng ra mác mới, mốt mới. Và ít ai mạo hiểm ngồi vào chiếc ôtô đã lỗi thời.

Những gì chúng tôi vừa mô tả tất nhiên chỉ là điều vụn vặt. Bây giờ ta hãy nghiên cứu hành vi của con người dưới tác động của nỗi sợ hãi bị phê phán trong những hoàn cảnh đáng kể hơn. Ví dụ, ta hãy lấy một người bất kỳ ở độ tuổi trưởng thành về trí tuệ (thông thường đó là độ tuổi 35-40), và nếu bạn biết đọc những ý nghĩ thầm kín của anh ta, bạn sẽ phát hiện ra rằng anh ta hoàn toàn không tin vào những câu chuyện mà linh mục vẫn kể cho anh ta nghe khi anh ta còn bé. Vậy tại sao một người sống trong thời đại văn minh của chúng ta lại ngại nói thẳng về những điều mình không tin? à, là bởi vì anh ta sợ bị phê phán! Bởi vì không ít đàn ông và đàn bà đã từng bị hỏa thiêu trên giàn lửa chỉ vì họ dám nghi ngờ sự tồn tại của những bóng ma. Vì thế, chẳng có gì lạ khi chúng ta thừa hưởng kho tàng nhận thức thiên về sợ hãi. Nói cho cùng thì cái thời mà cứ có ý phê phán là sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc cũng chưa cách xa thời chúng ta là mấy. ở một số nước đến tận ngày nay vẫn còn những hiện tượng như vậy.

Nỗi sợ hãi bị phê phán giết chết sáng kiến, phá vỡ sức mạnh tưởng tượng, hạn chế cá tính, làm con người mất tự tin và gây hại cho anh ta trong nhiều trường hợp khác. Vâng Sự phê phán của cha mẹ rất hay để lại những vết thương không bao giờ lành cho con người. Mẹ một người bạn thuở thiếu thời của tôi giã nó (theo đúng nghĩa đen của từ này!), tức là giáo dục con bằng chày, ngày nào cũng đánh, và lần nào cũng kết thúc hành lễ bằng tuyên bố sau: Ôi, nhà tù nó nhớ mày quá rồi đấy, mày trước hai mươi tuổi thể nào cũng vào tù.Và thế là cậu này rơi vào trại cải tạo năm 17 tuổi.

Phê phán - đó là dạng dịch vụ rất sẵn. Mỗi một người trong số chúng ta đã nhận được không biết bao nhiêu món quà không mất tiền này! Và họ hàng nữa chứ (đặc biệt là những người gần gũi nhất)! Tôi cho rằng những cha mẹ nào dùng phê phán để nuôi dạy con cái và tạo ra cho con mình mặc cảm kém giá trị đội lốt người, phải liệt vào hàng tội phạm (bởi vì đây là loại tội ác xấu xa nhất!). Những người làm công tác quản lý hiểu bản chất con người không phải bằng phê phán mà bằng quan hệ mang tính xây dựng vận dụng được tất cả những gì tốt đẹp nhất ở nhân viên dưới quyền. Những người làm cha làm mẹ cũng có thể đạt được những kết quả như vậy. Phê phán đem lại cho trái tim cảm giác tầm thường kém cỏi hoặc giận dỗi. Chứ không phải lòng biết ơn. Chứ không phải tình yêu.

SỢ PHÊ PHÁN: BẢY TRIỆU CHỨNG

Nỗi sợ hãi này cũng tổng hợp như nỗi sợ nghèo đói, và hậu quả của nó cũng tai hại cho cá nhân con người như vậy bởi vì sợ phê phán sẽ giết chết sáng kiến và làm cho những cố gắng của trí tưởng tượng trở nên vô nghĩa. Những triệu chứng chủ yếu là:

Rụt rè e ngại - thường thể hiện ở sự lúng túng, bẳn gắt trong khi nói chuyện hoặc khi gặp người lạ, động tác lóng ngóng, mắt không dám nhìn thẳng.

Mất cân bằng - không kìm chế được giọng nói của mình, cáu kỉnh trước mặt người khác, phong thái diện mạo và trí nhớ kém.

Cá tính yếu - thiếu cứng rắn khi quyết định, thiếu sự hấp dẫn và kỹ năng giải thích rõ ràng ngắn gọn; có thói quen hẹn rày hẹn mai; đồng ý ngay với ý kiến của người khác.

Giá trị tầm thường - thích võ mồm; thói quen dùng những từ đao to búa lớn để gây ấn tượng (mà thường là không hiểu ý nghĩa thật sự của những từ này); bắt chước phong cách nói chung, đặc biệt là phong cách ăn mặc và nói năng; thích bịa, chủ yếu là về đề tài thành công của mình. Những người dạng này thường ra vẻ tự tin.

Đua đòi - cố để bằng người, không khỏi dẫn đến việc chi tiêu nhiều hơn thu nhập.

Thiếu sáng kiến - không biết vận dụng mọi khả năng để tự vận động; sợ phát biểu quan điểm và không tin vào những tư tưởng của mình; né tránh trong khi phải trả lời; ngôn ngữ và điệu bộ vụng về; dối trá.

Thiếu tự tôn - cả tâm hồn lẫn thể xác đều lười; quyết định chậm chạp, không biết cách và không muốn tự khẳng định; thích nói xấu sau lưng và nịnh trước mặt; không dám chiếm đấu với những thất bại, dễ dàng từ bỏ sự nghiệp ngay khi mới xuất hiện những dấu hiệu đối lập đầu tiên từ bên ngoài; nghi ngờ vô căn cứ; nói chuyện thiếu lịch thiệp; không muốn công nhận khuyết điểm của mình.

BẠN CÓ SỢ ỐM ĐAU BỆNH TẬT KHÔNG?

Nỗi sợ hãi này có thể coi là di sản vật chất hay xã hội cũng được. Nếu nói về cội nguồn thì tôi dám khẳng định là nó gắn chặt với sợ tuổi già và cái chết - hai sứ giả của những kinh hoàng thuộc thế giới bên kia mà thực ra con người không hiểu biết gì mặc dù từ nhỏ đã được nhồi nhét đủ mọi chuyện. Hiện tượng này phổ biến đến nỗi nhiều người qua đường rao bán cẩm nang sức khỏe và cùng lúc duy trì nỗi sợ hãi cái chết.

Nhìn chung, con người sợ ốm đau bệnh tật là do những nỗi sợ hãi đã truyền vào nhận thức của anh ta trước đây, và do sợ các hậu quả có thể về kinh tế.

Một thầy thuốc có tiếng đã phát hiện ra rằng 75% số người đến khám bệnh là do bệnh tưởng. Đã chứng minh được rằng cứ sợ ốm đau bệnh tật, cho dù chỉ là nỗi sợ vớ vẩn nhất, cũng đem lại những triệu chứng thực sự về bệnh mà người đó sợ. Nhận thức của con người mạnh như vậy đó! Cả trong xây dựng sáng tạo, cả trong phá phách.

Lợi dụng điểm yếu này của con người, không ít người bán thuốc có chứng chỉ đã kiếm được tài sản không nhỏ. Ngu phí này tăng nhanh trong những thập kỷ gần đây, đến mức một tạp chí phổ biến đã vận động một chiến dịch chống lại những kẻ bán các loại thuốc trường sinh càn rỡ nhất.

Thí nghiệm mà chúng tôi tiến hành cách đây không lâu chứng tỏ có thể thôi miên bệnh tật cho con người. Ba người lần lượt hỏi các nạn nhân được chọn cùng một câu hỏi sau: Có vấn đề gì vậy? Trông bạn kém lắm. Lần đầu, câu hỏi chỉ gợi một nụ cười hồn nhiên: ồ không, mọi việc đều bình thường. Lần thứ hai, câu trả lời thường là: tôi cũng không rõ, nhưng đúng là tôi cảm thấy mình không khoẻ. Còn đến lần thứ ba thì người được hỏi trả lời thẳng là anh ta ốm.

Bạn đừng cười, mà hãy thử với ai đó trong số người quen của mình mà xem. Chỉ có điều đừng cố quá, nếu không họ có thể ốm thật đấy! Nhân đây, tôi biết là cũng có những giáo phái trả thù kẻ thù của mình bằng cách như chúng tôi đã làm, chỉ khác là lặp đi lặp lại sáu lần (phương pháp hecsaedra). Đương nhiên, họ gọi đó là bỏ bùa.

Có những bằng chứng kỳ lạ chứng tỏ bệnh tật bắt đầu từ những ý nghĩ xấu. ý nghĩ xấu có thể do ám thị, cũng có thể tự sinh ra trong nhận thức của con người.

Vì thế hãy làm theo tấm gương của một nhà thông thái, thông thái hơn ta thoạt tưởng nhiều khi ta nghe ông nói những lời sau: Khi ai đó hỏi tôi là tôi thấy trong người thế nào, bao giờ tôi cũng muốn đấm vào giữa mõm anh ta một quả.

Các bác sỹ thường khuyên bệnh nhân của mình thay đổi khí hậu (trong một khoảng thời gian nào đó), ngụ ý thay đổi hoàn cảnh. Thành phần sợ bệnh tật luôn tồn tại trong nhận thức của mỗi người. Những yếu tố khác như lo âu, sợ sệt, thất tình và không may trong công việc hoài thai ra nó và cho nó ra đời.

Những thất bại trong tình yêu và công việc đứng ở vị trí khá cao trong danh sách nàyMột chàng trai đau khổ vì tình yêu bất hạnh của mình đến nỗi rơi vào bệnh viện.

Suốt một tháng trời anh ta ở trong tình trạng giữa cuộc sống và cái chết. Cuối cùng người ta mời bác sỹ chuyên về thần kinh đến. Việc đầu tiên là bác sỹ thay hộ lý bằng một người phụ nữ trẻ đẹp đầy quyến rũ. Theo thỏa thuận với bác sỹ, ngay từ ngày đầu tiên cô bắt đầu làm tình với chàng trai của chúng ta, và sau ba tuần người ta đã cho anh xuất viện, với một căn bệnh hoàn toàn khác: anh lại yêu. Cú lừa này đã trở thành liều thuốc, nhưng kết quả là sau đó hai người đã cưới nhau.

SỢ BỆNH TẬT: BẢY TRIỆU CHỨNG

Đó là những triệu chứng như sau:

Tự kỷ ám thị - tìm kiếm và đinh ninh rằng mình có những triệu chứng của tất cả các loại bệnh tật trên đời, thưởng thức các loại bệnh tật tự tưởng tượng ra và tin rằng chúng có thật; thích mua đủ các loại thuốc men (mà mọi người đều bảo là hiệu nghiệm lắm!); thường xuyên bàn tán về chuyện mổ xẻ, tai nạn; tự mình thử nghiệm các chế độ ăn kiêng, tập thể dục, gầy đi không có sự kiểm soát của bác sỹ; sử dụng các loại thuốc men tự chế hoặc của bọn bịp bợm.

Bệnh tưởng - thói quen nói và tập trung vào các loại bệnh tật, gần như hứng thú chờ đợi nó sẽ đến, và rốt cuộc là căng thẳng thần kinh (stress). Không loại thuốc nào từ bất cứ một loại chai lọ nào (kể cả cái bình của ông già Khốt-ta-bít) có thể chữa được loại bệnh này. Bệnh tưởng phát sinh từ những ý nghĩ tồi tệ, và không gì chữa được nó ngoài những ý nghĩ tốt đẹp. Người ta bảo rằng bệnh tưởng làm hại sức khỏe ngang chính bệnh tật thật sự. Thưa Bà, Bà có vấn đề gì? - Thần kinh tôi yếu. Thông thường thì thần kinh của bà này gần ngang ngựa chiến.

Uể oải. Nỗi sợ ốm thường hay ngăn cản người ta tập thể dục, và kết quả là thừa trọng lượng gây ra ngại cử động, chỉ quanh quẩn trong nhà.

Mẫn cảm. Nỗi sợ bệnh tật làm cho cơ thể mất sức kháng cự và tạo mọi điều kiện để ngã bệnh. Sợ bệnh tật có thể gắn chặt với sợ nghèo đói, đặc biệt là đối với những người hay bệnh tưởng vì họ luôn luôn lo lắng về việc mình phải trả tiền chữa bệnh. Mà những người này tốn rất nhiều thời gian để chuẩn bị chờ đón bệnh tật. Mà còn có cả cái chết nữa chứ - họ cũng cần phải đề cập đến nó, phải dành dụm để trả tiền chỗ ở nghĩa địa và làm tang lễ. . .

Ốm vờ - tính hay gợi sự thông cảm và thương hại của người khác bằng cách sử dụng căn bệnh tự tưởng tượng ra làm mồi nhử (người ta cũng dùng mẹo này để tránh phải làm việc); giả vờ ốm để bao biện cho tính lười biếng hoặc thiếu tham vọng của mình.

Sự vô độ - thói quen dùng rượu hoặc ma tuý để thoát khỏi đau đầu, thần kinh thay vì khắc phục nguyên nhân.

Quá lo âu - thích đọc tài liệu y học và các loại sách vở quảng cáo thuốc men, và tự nhiên trở nên lo âu, sợ mắc bệnh.

BẠN CÓ SỢ BỊ THẤT TÌNH KHÔNG?

Nỗi sợ hãi này phát sinh từ thời có chế độ đa hôn do phong tục bắt cóc phụ nữ và thói quen làm tình tự do ở tất cả mọi nơi mọi lúc.

Ghen tuông và những dạng cáu kỉnh tương tự sinh ra từ nỗi sợ hãi di truyền về việc có thể đánh mất đối tượng tình yêu; dạng sợ hãi này có lẽ là loại nặng nề nhất trong cả sáu loại. Nó gây rối loạn nhiều nhất cho cuộc sống của thể xác và tâm hồn.

ở thời đại đồ đá, đàn ông dùng vũ lực để ăn trộm phụ nữ. Cho đến nay họ vẫn còn tiếp tục làm điều đó, nhưng tất nhiên kỹ thuật có thay đổi. Họ dùng cách thuyết phục, hứa hẹn quần áo tốt, xe đẹp và các loại đồ vật quyến rũ khác, và những thứ này tác động hiệu quả hơn nhiều so với sức mạnh chân tay. Thời nay so với thời trước, thói quen của đàn ông không thay đổi mà chỉ thay đổi phương pháp thực hiện.

Phân tích kỹ cho thấy phụ nữ sợ thất tình hơn. Theo kinh nghiệm, họ biết rằng đàn ông bản chất đa thê và bất luận trường hợp nào cũng không thể trao đàn ông vào tay những kẻ tình địch được.

SỢ THẤT TÌNH: BA TRIỆU CHỨNG

Những triệu chứng nổi bật nhất là:

Ghen: thói quen nghi ngờ bạn bè gần gũi và người yêu thiếu căn cứ; buộc tội vợ hay chồng thiếu chung thuỷ (tất nhiên là vô cớ); đa nghi, tuyệt đối không tin.

Tìm lỗi ở người khác: bạn bè, họ hàng, đồng nghiệp, người yêu (là loại số 1) khi có bất cứ nguyên nhân nào hoặc thậm chí không có nguyên nhân cũng vậy.

Phiêu lưu: thiên về những hành động mạo hiểm, ăn cắp, bịp bợm và những trò nguy hiểm khác để kiếm tiền cho người yêu, vì họ tin rằng có thể mua được tình yêu; mắc nợ để mua quà vì muốn thể hiện những mặt tốt của mình; mất ngủ, bẳn gắt, thiếu kiên định, kiềm chế và tự tin; ý chí yếu đuối, tinh thần sút kém.

BẠN CÓ SỢ TUỔI GIÀ KHÔNG?

Thực chất, nỗi sợ hãi này có hai nguồn gốc. Trước hết, từ ý nghĩ rằng tuổi già sẽ kéo theo nghèo đói. Thứ hai (nguồn này quan trọng hơn nhiều), từ những học thuyết hà khắc và dối trá trong quá khứ về vạc dầu địa ngục và những hăm dọa khác nhằm dựa vào sợ hãi để biến con người thành nô lệ.

Con người còn có thêm hai nguyên nhân hợp lý khác nữa để sợ tuổi già. Một là không tin những người gần gũi vì họ hoàn toàn có thể chiếm tất cả những của cải trần thế thuộc về bạn; hai là những hình ảnh rợn người về thế giới bên kia mà nhận thức của bạn đã ám ảnh.

Kề liền với nỗi sợ hãi này là nỗi sợ ốm đau bệnh tật rất phổ biến. Nguyên nhân ở đây là yếu tố tình ái, bởi vì không ai thích ý nghĩ là mình sẽ mất đi sự hấp dẫn về tình dục.

Cũng không nên quên viễn cảnh nghèo đói. Nhà dưỡng lão không phải là từ dễ nghe nhất. Nó phả hơi thở lạnh như băng vào nhận thức của mỗi người đang đứng trước khả năng sống những năm về già trong sự lãng quên.

Và, cuối cùng, tuổi già không loại trừ khả năng mất tự do và độc lập, cả về thể xác lẫn kinh tế.

SỢ TUỔI GIÀ: BỐN TRIỆU CHỨNG

Phổ biến nhất là những triệu chứng sau:

Sớm sa sút. Tức là xu thế xuống dốc ngay từ độ tuổi bốn mươi (thật ra thì đây là độ tuổi chín về trí tuệ), phát triển mặc cảm kém cỏi và quan niệm sai lầm cho rằng cá nhân con người đến tuổi nhất định thì suy thoái.

Hãy tha lỗi cho lão già này Nhiều người ở độ tuổi bốn năm mươi hay vừa nói vừa xin lỗi như vậy. Trong khi phải nói ra những lời cảm tạ vì hạnh phúc được sống ở độ tuổi khôn ngoan và hiểu biết.

Thiếu sáng kiến. Sáng kiến, tưởng tượng, tự tin mất đi ở những người tự cho là mình đã quá già không còn đủ sức thể hiện những phẩm chất đó nữa.

Cưa sừng làm nghé. Bắt chước cách ăn mặc và có những hành vi giống như thanh niên, và tất nhiên là trở nên kệch cỡm trong con mắt những người xung quanh, xa và gần.

BẠN CÓ SỢ CHẾT KHÔNG?

Nhiều người sợ cái này nhất. Nguyên nhân cũng dễ hiểu. Nỗi đau buốt bất thình lình xuyên thấu con tim khi nghĩ đến cái chết, thường là do sự cuồng tín về tôn giáo. Những người theo đa thần giáo ít sợ chết hơn những người đại diện cho thế giới văn minh. Từ hàng nghìn năm nay người ta đã đặt ra những câu hỏi cho đến nay vẫn chưa được trả lời: tôi từ đâu đến? và tôi đi về đâu?

Từ những thời kỳ đen tối của quá khứ đã có những người vô tâm và ranh ma chào bán những câu trả lời lấy tiền.

Hãy đến với ta, hãy chấp nhận tín ngưỡng của ta, hãy theo các giáo điều của ta, và ta sẽ cho người một tấm vé để sau khi chết người sẽ được lên thẳng thiên đàng, - người đứng đầu một giáo phái kêu lên như vậy. Tất nhiên người có thể không đi cũng ta, - ông ta nói tiếp, - nhưng lúc đó quỷ sứ sẽ tóm lấy người và thiêu đốt người trong địa ngục.

Ý nghĩ về sự trừng phạt dưới địa ngục làm mất hết thích thú sống và tiêu tan hạnh phúc.

Mặc dù không một thủ lĩnh tôn giáo nào đủ sức đảm bảo đường lên thiên đàng hoặc đày xuống địa ngục (vì không có địa danh này) nhưng khái niệm địa ngục khủng khiếp đến nỗi bản thân ý nghĩ về nó trở thành một gánh nặng đè lên trí tưởng tượng, đè nặng đến mức làm tê liệt trí óc, và trên cơ sở đó hình thành nỗi sợ hãi cái chết.

Ngày nay, may mắn thay, nỗi sợ hãi này không còn phổ biến như trước đây, khi chưa có các trường đại học và cao học. Khoa học đã chiếu tia sáng sự thật vào nhân loại, và sự thật này nhanh chóng giải phóng mọi người trên trái đất khỏi nỗi sợ chết. Không còn dễ dàng gây ấn tượng bỏ vạc dầu đối với thanh niên nam nữ có học. Nhờ có sinh vật học, thiên văn học, địa chất học và các bộ môn khoa học khác, nỗi sợ hãi thít chặt tâm hồn con người từ những thế kỷ tăm tối nay đã tiêu tan.

Toàn bộ thế giới cấu tạo từ hai thứ: năng lượng và vật chất. Từ đầu chương trình học vật lý chúng ta đã biết là cả vật chất lẫn năng lượng (hai dạng thực tế mà con người được biết) đều không thể được tạo ra hay mất đi. Chúng chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác chứ không mất đi.

Sự sống - đó là năng lượng chứ còn gì nữa? Và, cũng như các dạng năng lượng khác, nó trải qua những thay đổi và biến thể. Và cái chết - cũng chỉ là một sự biến thể. Nếu đúng như vậy thì có nghĩa là sau khi chết bắt đầu một giấc ngủ dài vĩnh viễn, hiền lành, mà ngủ - thì có gì phải sợ? Hãy trấn áp nỗi sợ chết trong con người mình!