Hãy cứu em - Chương 07 phần 1

Chương 7

Tiếng tap-tap từ đế giày Sadie vang vọng trong ngôi nhà cũ kỹ khi cô đi theo ánh đèn vào bếp. Cô thậm chí còn không muốn nghĩ đến những gì mình vừa mới làm trong phòng cô dâu ở đám cưới của Tally Lynn. Cô vốn không định để xảy ra chuyện gì. Cô không hề có ý làm bản thân xấu hổ hơn sau tất thảy những gì mình từng phải chịu trong đời, nhưng mọi chuyện đã xảy ra quá nhanh. Anh đã hôn cô, vuốt ve cô, và thế là bùm bùm. Nó đã kết thúc gần như trước cả khi nó bắt đầu.

Điểm sáng duy nhất, điều duy nhất cho cô chút ít nhẹ nhõm, đó là không có ai ngoài cô và Vince biết việc cô đã làm. Sau khi chạy khỏi phòng, cô đã nhanh chóng tạm biệt dì Bess và dượng Jim, và cô chắc chắn rằng nếu có ai đó bắt gặp cô và Vince, thì việc đó sẽ truyền đi nhanh hơn cả một đám cháy ở Texas. Nhanh hơn tốc độ chân cô có thể chạy trốn.

Cô đã không nán lại thêm để chào tạm biệt họ hàng. Cô không muốn mạo hiểm chạm mặt Vince. Cô sẽ gửi cho Tally Lynn và những người khác một tin nhắn đàng hoàng khi cô về đến nhà, bào chữa cho việc rời đi bất lịch sự của mình bằng việc đau đầu, gãy mắt cá chân hay đau tim. Lý do cuối cùng cũng không khác sự thực là mấy. Chỉ riêng ý nghĩ về đôi bàn tay to nóng bỏng của Vince trên khắp người cũng khiến máu lao rần rật khỏi đầu cô và làm cô bất tỉnh chỉ với độc cảm giác bẽ mặt. Mặc dù nếu là đàn ông, hẳn cô sẽ không tự đánh đòn mình vì điều đó. Chắc cô sẽ xem mình “may mắn” và quên nó đi.

Cô càng nhanh rời khỏi Texas bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Rõ ràng Texas khiến cô mất trí, và không cần phải nói cũng biết không bao giờ gặp lại Vincent Haven là một phần thưởng lớn béo bở.

Cô băng qua phòng ăn trang nghiêm và đi vào căn bếp sáng sủa với sàn nhà bằng đá và những tấm giấy dán tường hình hoa cúc vàng mà mẹ cô đã dán lên từ những năm sáu mươi. Cô mong sẽ thấy cha mình ngồi ở góc ăn sáng nhấm nháp một cốc trà ngọt. Bây giờ vẫn chưa muộn lắm, và ông hẳn vừa mới từ Laredo về, nhưng thay vì cha cô, hai chị em bà Parton ngồi ở góc ăn sáng, hai cái cốc sứt đặt trên bàn trước mặt họ.

“Tối nay hai cô ở lại muộn thế.” Sadie cởi giày ra, đuôi áo khoác của cô chạm nhẹ xuống sàn khi cô cúi người nhặt giày lên. Móc tay vào hai quai giày, cô đi ra chỗ tủ lạnh. Cô đã chào tạm biệt cả hai bọn họ lúc sớm. Họ thực sự không nên đợi cô. Tử tế, nhưng không cần thiết.

“Ôi Sadie, cô mừng vì cuối cùng cháu cũng đã về.”

Với bàn tay rảnh rỗi đang đặt trên tay nắm tủ lạnh, cô nhìn hai người phụ nữ qua vai. “Vì sao ạ?” Cô liếc từ khuôn mặt lo lắng này sang khuôn mặt lo lắng kia, và những sự kiện trong một tiếng trước biến mất.

Bà Clara Anne, người đa cảm hơn trong hai chị em, òa ra khóc rấm rứt.

“Sao vậy ạ?” Sadie quay về phía họ. “Cha cháu chưa về nhà ạ?”

Bà Carolynn lắc đầu. “Không, cháu yêu ạ. Ông ấy đang nằm viện ở Laredo.”

“Ông ổn chứ ạ?”

Một lần nữa bà lắc đầu. “Con ngựa giống ấy đã đá ông, làm gãy vài xương sườn và chọc thủng phổi trái của ông.” Môi bà rúm lại. “Ông ấy quá già để đi gây lộn với lũ ngựa giống rồi.”

Giày của Sadie rơi xuống sàn nhà thụp-thụp. Hẳn phải có nhầm lẫn gì đó. Cha cô lúc nào cũng cực kỳ cẩn thận khi ở gần những con ngựa giống hay kích động vì chúng rất khó đoán. Ông dẻo dai như một cái yên ngựa cũ, nhưng ông đã gần tám mươi. Cô cởi áo khoác ra và đi ra góc ăn sáng. “Ông đã gắn bó với lũ ngựa ấy cả đời.” Phối giống cho lũ ngựa loang Mỹ chưa bao giờ chỉ là một thú vui với ông Clive. Ông yêu việc đó còn hơn cả việc chăn nuôi đàn gia súc, nhưng gia súc đem lại nhiều tiền hơn. Cô vắt áo lên lưng ghế và ngồi xuống cạnh bà Carolynn. “Lúc nào ông cũng rất cẩn thận.” Ông đã bị đá, giẫm lên và quăng đi rất nhiều lần nhưng chưa khi nào bị thương nghiêm trọng. Chưa bao giờ bị vết thương nào đòi hỏi hơn vài tiếng nằm viện để khâu lại. “Sao một chuyện như thế này lại có thể xảy ra chứ?”

“Cô không biết. Vài tiếng trước Tyrus đã gọi điện kể vài chi tiết. Ông ấy nói có chuyện gì đó đã xảy ra với dây móc. Cha cháu đang sửa thì không hiểu sao nó bị mắc vào giữa Maribell và Diamond Dan.”

Tyrus Pratt là quản đốc chịu trách nhiệm đàn ngựa của JH. Tức là không chỉ có lũ ngựa loang, mà còn kha khá những con ngựa chăn gia súc. “Sao không ai gọi cho cháu?”

“Không có số của cháu.” Bà Clara Anne xì mũi rồi nói thêm, “Bọn cô chỉ biết ngồi đây chờ cháu về.”

Và trong khi họ chờ đợi, cô đã bị một gã đàn ông chẳng hề quen biết sờ soạng. “Số của bác Tyrus là bao nhiêu ạ?”

Bà Clara Anne đẩy một mẩu giấy về phía Sadie và chỉ lên trên. “Đây có cả số của bệnh viện ở Laredo. Số của Tyrus ở bên dưới. Ông ấy sẽ nghỉ đêm tại một khách sạn.”

Sadie đứng dậy và nhấc lấy ống nghe điện thoại treo trên tường. Cô gọi đến bệnh viện, giới thiệu bản thân và được nối máy với bác sĩ cấp cứu đã xem bệnh cho cha cô. Vị bác sĩ này dùng rất nhiều từ đao to búa lớn như là “chứng tràn khí màng phổi do chấn thương” và “lỗ hổng ở ngực,” mà dịch nghĩa ra có nghĩa là ông Clive bị bẹp phổi do chấn thương và phải dẫn ống khí vào ngực. Ông bị gãy bốn xương sườn, lệch hai xương sườn, rạn hai xương sườn và ông cũng bị tổn thương lá lách. Các bác sĩ dè dặt hy vọng rằng ông sẽ không cần phẫu thuật vì các chấn thương đó. Hiện giờ ông đang nằm máy thở trong khu chăm sóc đặc biệt, và họ đang cho ông uống thuốc an thần sâu cho tới khi ông có thể tự thở. Mối lo lớn nhất của bác sĩ là tuổi tác và nguy cơ viêm phổi của ông Clive.

Sadie được cho tên và số điện thoại của bác sĩ chuyên khoa phổi chăm sóc cha cô, cũng như của vị bác sĩ lão khoa đang trông chừng ông.

Bác sĩ lão khoa. Sadie chờ trong khi được chuyển máy cho trạm y tá ở khu chăm sóc đặc biệt. Một vị bác sĩ chuyên chăm sóc cho những người cao tuổi. Cô luôn nghĩ cha mình già. Ông lúc nào cũng già hơn cha các cô gái cùng tuổi với cô. Ông lúc nào cũng cổ lỗ. Lúc nào cũng già cỗi và một mình một ý. Lúc nào cũng già cỗi và khó tính, nhưng cô chưa từng xem ông là người cao tuổi. Vì vài lý do cái từ “người cao tuổi” dường như chưa bao giờ dành cho ông Clive Hollowell. Cô không thích nghĩ cha mình là người cao tuổi.

Y tá của cha cô trả lời các câu hỏi và hỏi xem liệu ông Clive có uống thuốc gì ngoài thuốc huyết áp mà họ tìm thấy trong túi du lịch của ông hay không.

Sadie thậm chí còn không biết ông bị cao huyết áp. “Cha cháu có uống thuốc gì ngoài thuốc chữa huyết áp không?” cô hỏi hai chị em sinh đôi.

Họ nhún vai và lắc đầu. Sadie không ngạc nhiên khi hai người phụ nữ đã biết ông Clive Holloway đến hơn ba mươi năm lại không biết đến những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe của ông. Đó không phải là một chuyện mà cha cô sẽ kể.

Người y tá trấn an Sadie rằng ông rất ổn định và đang nghỉ ngơi một cách thoải mái. Cô ta sẽ gọi lại nếu có bất kỳ thay đổi nào. Sadie để lại tin nhắn cho dịch vụ trả lời điện thoại của các bác sĩ của ông và đặt vé chuyến bay đầu tiên tới Laredo, theo đường Houston. Rồi cô bảo hai chị em bà Parton về nhà với lời hứa rằng cô sẽ gọi điện trước chuyến bay lúc chín giờ.

Với adrenaline rần rật khắp các mạch máu và cảm giác kiệt sức làm rã rời tứ chi, cô đi lên cầu thang cuối nhà tới phòng ngủ ở cuối hành lang. Cô đi qua những bức tranh chân dung lạnh lùng của các thế hệ nhà Hollowell. Khi còn bé, cô đã nghĩ vài khuôn mặt u ám mang ý chê bai cau có. Cô cảm thấy như thể tất cả bọn họ đều biết khi nào thì cô chạy vào nhà, không ăn tối hay nhét quần áo xuống dưới gầm giường thay vì mang đi giặt. Khi ở tuổi vị thành niên, cô nhận thấy sự chê bai của họ khi cô và vài người bạn chơi nhạc quá to, khi cô lê gót vào nhà sau một bữa tiệc, hay khi cô hôn hít với một cậu nhóc nào đó.

Giờ đây khi đã lớn, dù biết những khuôn mặt u ám ấy chỉ là hình ảnh phản chiếu qua các thời kỳ, những cái răng bị rụng và vệ sinh răng miệng kém phát triển, cô vẫn thấy mình bị chê bai vì đã lết thết về nhà từ đám cưới của em họ mình. Vì đã rời bỏ Texas và cứ đi biền biệt. Vì không biết rằng người cha cao tuổi của mình bị cao huyết áp và những thứ thuốc ông uống. Cô thấy vô cùng có lỗi về việc bỏ đi biền biệt, nhưng tội lỗi lớn nhất là đã không yêu quý trang trại mười nghìn mẫu đất mà một ngày nào đó cô sẽ sở hữu. Ít nhất cũng không dành nhiều tình cảm như cô nên làm thế. Không giống tất cả những thành viên dòng họ Hollowell đang trừng mắt nhìn cô từ hành lang trưng bày ảnh.

Cô đi vào phòng mình và bật đèn lên. Căn phòng giống hệt như những gì cô bỏ lại khi cô chuyển đi mười lăm năm trước. Vẫn chiếc giường bằng sắt cổ từng thuộc về bà cô. Vẫn bộ ga gối màu vàng và trắng cùng những đồ nội thất cổ bằng gỗ sồi.

Cô cởi khóa váy và ném váy lên một cái ghế bành. Chỉ mặc mỗi đồ lót, cô đi dọc hành lang về phía phòng tắm. Cô bật đèn lên và bật chiếc vòi nước xả xuống cái bồn tắm có chân hình móng vuốt.

Cô thoáng thấy mặt mình khi cô mở tủ thuốc và nhìn vào trong. Những món đồ duy nhất trong đó là một lọ aspirin cũ và một hộp băng gạc. Không có loại thuốc kê theo đơn nào.

Quần áo lót của cô rơi xuống nền nhà lát đá và cô bước vào bồn. Cô khép mành lại quanh người và bật vòi tắm lên.

Làn nước ấm dội xuống mặt cô, và cô nhắm mắt lại. Cả buổi tối hôm nay đã đi từ tệ hại đến tệ hại hơn rồi đến khủng khiếp. Cha cô đang nằm trong một bệnh viện ở Laredo, tóc cô xơ cứng, và cô đã để một người đàn ông thọc tay lên váy. Trong ba điều kể trên, mái tóc là điều duy nhất mà cô có thể xử lý trong tối nay. Cô không muốn nghĩ đến Vince, điều đó cũng không khó khăn gì bởi vì tâm trí cô tràn ngập nỗi lo dành cho cha mình.

Ông nhất định phải ổn, cô tự nhủ khi gội đầu. Cô thầm bảo mình rằng ông sẽ không sao khi cô quấn khăn tắm quanh cơ thể và xem xét tủ thuốc trong phòng tắm của ông. Tất cả những gì cô tìm thấy là nửa tuýp kem đánh răng và một gói Rolaids[1]. Cô tự nhủ ông rất mạnh khỏe so với tuổi của ông. Cô gọi điện cho Renee trên đường tới sân bay và kể chuyện cho cô ấy. Cô ước chừng mình sẽ đi vắng một tuần và hướng dẫn trợ lý những việc phải làm trong khi cô đi vắng.

[1] Một loại thuốc dạ dày của hãng Johnson & Johnson.

***

Khi lên chuyến bay từ Amarillo đi Houston, cô nghĩ về tất cả những lần cha mình đã bị quăng xuống từ lưng ngựa hay bị húc bởi những con bò đực tơ nặng năm trăm cân. Có thể sau đó ông bước đi có hơi khó khăn, nhưng ông vẫn luôn sống sót.

Cô tự nhủ rằng cha mình đã sống sót khi cô chờ suốt ba tiếng đồng hồ ở sân bay Houston để đợi giờ bay tới Laredo. Cô liên tục tự nhắn nhủ với mình điều đó khi cô thuê một chiếc ô-tô, cắm máy chỉ tọa độ vào GPS và lái xe tới Doctor’s Hospital. Khi đi thang máy lên khu chăm sóc đặc biệt, cô đã hơi hơi thuyết phục được mình tin rằng các bác sĩ đã đánh giá tình trạng của cha cô nghiêm trọng hơn thực tế. Cô đã hơi hơi thuyết phục được mình tin rằng cô sẽ đưa cha về nhà vào ngày hôm đó, nhưng khi đi vào phòng bệnh và thấy cha mình, xám ngoét và gầy yếu, với các ống dẫn cắm trong miệng, cô không thể tự lừa dối bản thân thêm nữa.

“Cha ơi?” Cô đi đến chỗ ông, về phía thành giường của ông. Ông có một vết bầm trên má và một vệt máu khô ở khóe miệng. Các máy móc nhỏ giọt tí tách và kêu bíp bíp, máy thở phát ra những âm thanh hô hấp không bình thường. Tim cô thắt lại và cô hít một hơi khó khăn vào phổi. Những giọt nước mắt làm mống mắt cô cay xè, nhưng mắt cô vẫn ráo hoảnh. Nếu có một điều gì đó mà cha cô đã dạy cô, thì đó chính là những cô gái can đảm không khóc.

“Nuốt lại đi,” ông từng nói vậy khi cô nằm trên mặt đất, mông ê ẩm vì bị hất khỏi một trong những con ngựa loang của ông. Và cô đã nuốt nước mắt xuống. Cô không nhớ nổi lần cuối cùng mình khóc là khi nào.

Cô nén hết xuống và đi tới thành giường. Cô nắm lấy bàn tay lạnh lẽo, khô rốc của cha mình. Một chiếc máy đo ô-xi qua mạch đập gắn vào ngón trỏ ông, khiến đầu ngón tay đỏ ửng lên. Ngày hôm qua trông tay ông có già cỗi thế này không? Xương nhô lên, các khớp tay sưng to? Má và mắt ông trông hốc hác hơn, mũi ông bị kẹp lại. Cô cúi xuống sát hơn. “Cha ơi?”

Máy móc kêu bíp, máy thở làm ngực ông nhô lên hạ xuống. Ông không mở mắt.

“Xin chào,” một cô y tá lên tiếng khi cô ta nhanh nhẹn đi vào phòng. “Tôi là Yolanda.” Hình cầu vồng hạnh phúc và mặt trời tươi cười trang trí trên áo cô ta, mảnh vải vui vẻ ấy đối lập hoàn toàn với sắc thái ảm đạm trong phòng. “Cô nhất định là Sadie. Cô y tá mà cô đã nói chuyện cùng tối qua bảo chúng tôi rằng cô sẽ đến đây vào buổi chiều.” Cô ta nhìn tất cả dữ liệu của máy móc rồi kiểm tra ống truyền.

Sadie đặt tay cha mình lên ga giường và đi ra. “Ông thế nào?”

Yolanda ngước lên và đọc nhãn túi truyền. “Cô đã nói chuyện với các bác sĩ của ông chưa?”

Sadie lắc đầu và đi tới chân giường. “Họ đã gọi lại cho tôi khi tôi đang ở trên máy bay.”

“Ông đang hồi phục tốt hết mức có thể mong đợi so với một người ở tuổi của ông.” Cô ta đi tới thành giường bên kia và kiểm tra túi thông đường tiểu. “Chúng tôi đã ngừng cho ông dùng thuốc an thần vào sáng nay. Ông khá là hung hăng.”

Tất nhiên là vậy.

“Nhưng như thế là bình thường.”

“Nếu như thế là bình thường, thì sao lại phải dừng dùng thuốc an thần?” cô hỏi. Đối với cô nó có vẻ không cần thiết.

“Tạm dừng dùng thuốc an thần sẽ giúp ông định hướng được hoàn cảnh và tình huống của mình, và cũng giúp ông ngừng dùng máy thở.”

“Khi nào thì ông được ngừng dùng máy thở?”

“Khó nói lắm. Điều đó còn tùy xem liệu ông có thể tự thở hay không, và khi nào thì ông lấy đủ ô-xi.” Yolanda nâng đầu ông lên, kiểm tra thêm vài đường vạch và số liệu khác. “Tôi sẽ cho các bác sĩ biết là cô đang ở đây. Nếu cô cần gì thì cứ cho tôi biết nhé.”

Sadie ngồi xuống một chiếc ghế cạnh giường và chờ đợi. Cô chờ tới tận sau năm giờ thì bác sĩ chuyên khoa phổi mới xuất hiện để bảo cô vài lời y hệt những gì mà cô hầu như đã biết hết. Ông Clive bị gãy xương sườn, dập phổi, tổn thương lá lách, và họ phải chờ đợi để xem xem ông phản ứng ra sao với liệu pháp điều trị. Bác sĩ lão khoa cung cấp nhiều thông tin hơn, mặc dù ông ta nói nhiều chuyện rất đau lòng. Những bệnh nhân cao tuổi mang đến cả một chuỗi lo lắng hoàn toàn khác, và bác sĩ nói chuyện với Sadie về những nguy cơ ngày càng tăng cao của bệnh xẹp phổi cấp tính, viêm phổi và huyết khối. Những người trên tuổi sáu mươi dễ chết do chấn thương gấp đôi những bệnh nhân trẻ hơn.

Sadie dùng tay xoa mặt. Cô sẽ không nghĩ đến chứng xẹp phổi cấp tính, viêm phổi và huyết khối. “Giả sử không mắc phải những nguy cơ ấy thì ông sẽ phải ở lại bệnh viện bao lâu?”

Bác sĩ nhìn cô và cô biết mình sẽ không thích câu trả lời. “Trừ phi có phép màu, cha cô còn một quá trình hồi phục dài phía trước.”

Cha cô tuy già nhưng ông rất khỏe mạnh, nếu có người có thể hồi phục một cách kỳ diệu, thì đó là Clive Hollowell.