Thiên thần và ác quỷ - Chương 94 - 95 - 96

Chương 94

Trong nhà nguyện Sistine, cùng với toàn thể Hồng y đoàn, Hồng y Mortati cố hiểu những gì vừa nghe được. Trước mắt đức cha, trong ánh sáng toả ra từ những cây nến, Giáo chủ Thị thần vừa mới nói về những mối cừu thù, về sự phản trắc, khiến cho đức cha thấy run lên. Giáo chủ Thị thần vừa kể về những vị Hồng y bị bắt cóc, bị đóng dấu sắt nung lên người và bị sát hại, về một hội kín cổ xưa có tên là Illuminati - chỉ riêng cái tên thôi cũng đã đủ gợi lại những lo lắng vốn đã chìm vào quên lãng. Illuminati vừa mới hồi sinh, và nguyền sẽ trả thù giáo hội. Với giọng nói đầy đau đớn, Giáo chủ Thị thần nói về cố Giáo hoàng… người đã bị Illuminati đầu độc. Rồi với giọng nói gần như thì thầm, vị thầy tu trẻ tuổi này nói về một thứ kỹ thuật mới thật đáng sợ, phản vật chất. Chưa đầy hai giờ nữa, nó sẽ tiêu huỷ toàn bộ Vatican.

Sau khi Giáo chủ Thị thần nói xong, toàn bộ dưỡng khí trong nhà nguyện tưởng như đã bị một con quỷ sa-tăng hút kiệt. Không một ai nhúc nhích. Những lời nói của Giáo chủ Thị thần như vẫn còn lơ lửng trong bóng đêm.

Tiếng động duy nhất mà Hồng y Mortati nghe thấy là tiếng sè sè của máy quay phim phát ra từ phía cuối nhà nguyện. Lần đầu tiên trong lịch sử giáo hội, một thiết bị điện tử được đưa vào căn phòng này, do Giáo chủ Thị thần khăng khăng đòi như vậy.

Trước sự kinh ngạc của toàn thể Hồng y đoàn, viên thị thần này đã dẫn hai phóng viên BBC vào nhà nguyện - một nam, một nữ - và tuyên bố trịnh trọng rằng họ sẽ truyền hình trực tiếp cho cả thế giới được biết.

Lúc này, hướng thẳng vào ống kính máy quay, Giáo chủ Thị thần nói:

- Có một điều ta xin nói với hội Illuminati và với các nhà khoa học, - ngài hạ giọng xuống. - Các người đã chiến thắng.

Lúc này, sự im lặng tuyệt đối đã lan toả đến mọi ngóc ngách trong nhà nguyện. Mortati còn nghe được cả những nhịp đập tuyệt vọng trong lồng ngực mình.

- Bánh xe lịch sử đã bắt đầu lăn từ lâu lắm rồi. - Giáo chủ Thị thần nói - Chiến thắng của các người là hiển nhiên. Và giờ đây điều đó càng rõ ràng hơn bao giờ hết. Khoa học chính là đức Chúa mới.

Anh ta đang nói cái gì không biết! Hồng y Mortati thầm nghĩ. Hay là anh chàng này hoá điên mất rồi? Cả thế giới đang nghe cơ mà!

- Dược khoa, các phương tiện liên lạc hiện đại, du lịch trong không gian, biến đổi gene… chính là những phép màu nhiệm mà ngày nay chúng ta vẫn kể với con trẻ. Đó chính là những bằng chứng để tin rằng khoa học sẽ cho chúng ta những câu trả lời. Những huyền thoại cổ xưa về sự thụ thai trinh tiết, về những rừng cây bốc cháy, về những đại dương mới được hình thành không còn thích hợp nữa rồi. Chúa trời đã trở thành một khái niệm lỗi thời. Khoa học đã chiến thắng. Chúng ta thừa nhận điều đó.

Tiếng xì xầm kinh ngạc lan toả khắp nhà nguyện.

- Nhưng chiến thắng của khoa học, - Giáo chủ Thị thần nói tiếp, - đi kèm với một cái giá rất đắt. Cái giá mà tất cả chúng ta đều phải trả.

Im lặng.

- Khoa học có thể làm dịu những chỗ đau nhức trên cơ thể, giảm sự cực nhọc của con người, tạo ra những công cụ để giải trí, nhưng nó cũng khiến cho cuộc đời trở nên trần tục hơn nhiều. Hoàng hôn đã bị thay bằng những bước sóng và tần số. Sự kỳ diệu của vũ trụ bị chặt vụn ra thành những phương trình toán học. Thậm chí cả giá trị bản thân của mỗi chúng ta cũng bị huỷ hoại. Khoa học cho rằng trái đất và những sinh vật sống trên đó chẳng qua chỉ là những đốm nhỏ vô nghĩa trong vũ trụ bao la. Chỉ là một sự cố trong vũ trụ mà thôi. - Giáo chủ Thị thần ngừng giây lát:

- Thậm chí cả những kỹ thuật lúc đầu hứa hẹn khả năng kết nối chúng ta cuối cùng cũng khiến chúng ta bị chia rẽ. Mỗi chúng ta giờ đây được kết nối với thế giới bằng kỹ thuật điện tử, để rồi lại càng cảm thấy cô đơn hơn trước. Chúng ta phải chứng kiến biết bao cảnh bạo lực, sự chia rẽ, sự rạn nứt, và sự phản trắc. Thậm chí, giờ đây hoài nghi còn là một đức tính tốt. Sự nghi ngờ, sự đòi hỏi phải có bằng chứng giờ đây lại trở thành ý nghĩ thông thái. Phải chăng nhân loại đang cảm thấy tuyệt vọng và thất bại hơn bất kỳ một thời đại nào khác trong lịch sử? Khoa học có thể mang lại bất cứ thứ gì thiêng liêng không? Khoa học tìm câu trả lời bằng cách can thiệp vào những mầm sống chưa chào đời. Khoa học còn dự định tái sắp xếp chuỗi ADN của chúng ta. Khoa học biến Chúa trời thành muôn vàn mảnh nhỏ nhằm khám phá bản chất của Người… nhưng rồi lại càng tìm thấy thêm nhiều câu hỏi khác nữa.

Hồng y Mortati kinh hãi quan sát. Lúc này Giáo chủ Thị thần gần như đã bị thôi miên. Chưa bao giờ đức cha thấy có ai nói một cách mạnh mẽ đến thế trước bàn thờ của Vatican.

Giọng nói của người tu sĩ này thấm đẫm cảm giác buồn bã và đau khổ.

- Cuộc chiến cổ xưa giữa tôn giáo và khoa học đã đi đến hồi kết. - Giáo chủ Thị thần nói - Các người đã thắng. Nhưng thắng lợi đó không hề công bằng chút nào. Chiến thắng này không phải là kết quả của những lời giải đáp. Các người đã chiến thắng áp đảo bằng cách biến những chân lý vốn được coi là linh thiêng trở nên không còn thích hợp nữa. Tôn giáo không thể theo kịp các người. Khoa học phát triển theo cấp số nhân. Nó tự nuôi lớn bản thân mình, y như những con virus. Mỗi bước đột phá lại mở đường cho những bước đột phá tiếp theo. Loài người phải mất hàng ngàn năm mới phát triển được cái bánh xe lên thành chiếc xe hơi. Nhưng chỉ sau đó vài thập kỷ, nhân loại đã có thể bay vào vũ trụ. Giờ đây, sự phát triển của khoa học chỉ còn tính bằng tuần. Chúng ta đang lao rất nhanh, đến mức không thể kìm giữ nổi. Sự rạn nứt giữa các cá thể đang lớn dần lên, tôn giáo thì đã bị bỏ lại đằng sau, loài người đối mặt với một khoảng trống trong tâm hồn. Chúng ta vật vã kiếm tìm ý nghĩa của cuộc sống. Và chúng ta đã bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng. Chúng ta trông thấy các vật thể bay không xác định (UFO), thử nghiệm thần giao cách cảm, tìm hiểu về những kinh nghiệm thoát xác… tất cả những thứ đó đều mang một lớp vỏ khoa học, nhưng thật ra đều vô nghĩa. Đó thực ra là những tiếng khóc tuyệt vọng của tâm hồn trong thời hiện đại, cô độc và bị giày vò, không thể tìm thấy ý nghĩa của bất kỳ hiện tượng nào nếu tách rời khoa học và kỹ thuật.

Hồng y Mortati nhoài người về phía trước. Cũng như ngài, toàn bộ Hồng y đoàn và tất cả mọi người trên trái đất đang lắng nghe từng từ một. Giáo chủ Thị thần không tỏ ra hùng biện, cũng chẳng đả kích. Không hề nhắc đến kinh thánh hay Chúa Giê-su.

Toàn những ngôn từ hiện đại, giản dị, không màu mè. Nghe như thể chính Chúa trời đang lên tiếng, và dùng một thứ ngôn ngữ rất hiện đại… để chuyển tải bức thông điệp cổ xưa của mình. Lúc này thì Hồng y Mortati đã hiểu vì sao cố Giáo hoàng lại ưu ái con người này đến vậy. Trong một thế giới đầy những hoài nghi, lãnh cảm và sự sùng bái khoa học kỹ thuật như thời nay, một người vừa rất thực tế, vừa có khả năng lay động hồn người như Giáo chủ Thị thần đúng là tương lai của giáo hội.

Lúc này, những lời nói của Giáo chủ Thị thần càng trở nên mạnh mẽ hơn.

- Các người nói rằng khoa học sẽ cứu rỗi chúng ta. Còn ta lại cho rằng chính khoa học sẽ tiêu diệt chúng ta. Từ thời Galileo, Giáo hội đã ra sức ngăn cản những bước tiến tàn nhẫn của khoa học, đôi khi bằng những phương thức sai lầm nhưng với một mục đích cao cả và từ bi. Bất chấp điều đó, sức cám dỗ của khoa học quá lớn, và con người không thể chiến thắng được nó. Các người hãy nhìn lại mà xem, khoa học có giữ lời hứa đâu. Hứa hẹn về sự đơn giản và hiệu quả, nhưng khoa học lại đẻ ra sự hỗn loạn và ô nhiễm. Chúng ta, một loài vật điên loạn và cô đơn, đang bước trên con đường tuyệt diệt.

Giáo chủ Thị thần ngừng lại giây lát, mắt hướng thẳng vào ống kính máy quay.

- Đức Chúa Khoa học này là thế nào? Chúa gì mà chỉ mang lại cho con người sức mạnh, nhưng không ban cho nhân loại một quy tắc đạo đức về cách thức sử dụng sức mạnh đó? Chúa nào mà đưa cho một đứa trẻ ngọn lửa để chơi, nhưng lại không cảnh báo nó về những nguy hiểm của trò chơi đó? Ngôn ngữ của khoa học không đề cập đến cái tốt và cái xấu. Những cuốn sách giáo khoa về khoa học tự nhiên dạy người ta cách chế tạo bom nguyên tử nhưng lại không có bất cứ chương nào bàn xem đặc tính của nó là tốt hay xấu.

Ta xin tuyên bố với giới khoa học rằng nhà thờ đã mệt mỏi rồi. Sau bao nhiêu nỗ lực để nhắc nhở về cái tốt và cái xấu, Giáo hội đã kiệt sức. Các nguồn lực của chúng ta đã cạn sau những chiến dịch để trở thành đối trọng cho những cố gắng của các người nhằm tạo ra những con chíp nhỏ hơn nữa, và những khoản lợi nhuận lớn hơn nữa. Chúng ta đã tự hỏi tại sao khoa học không thể tự kiềm chế bản thân nó, nhưng làm sao các người có thể làm được điều đó? Thế giới của các người tiến bộ nhanh đến nỗi nếu bất kỳ kẻ nào dừng lại để cân nhắc những hệ luỵ từ phát kiến của chính mình thì sẽ bị kẻ khác qua mặt ngay lập tức. Thế là các người cứ tiến về phía trước. Các người tạo ra những loại vũ khí giết người hàng loạt, để rồi chính Đức Thánh Cha phải đi khắp thế giới để khuyên nhủ các nhà lãnh đạo cố gắng kiềm chế.

Các người tạo ra các mầm sống trong ống nghiệm, để rồi nhà thờ lại phải nhắc các người về những tác động đạo đức của phát kiến ấy. Các người khuyến khích nhân loại liên lạc bằng điện thoại di động, máy tính, màn hình video, để rồi chỉ có nhà thờ mở rộng cửa và nhắc nhở các con chiên của mình hãy giao tiếp với nhau theo đúng cách mà đáng ra phải luôn luôn như thế. Các người thậm chí còn nhân danh y học để giết hại những mầm sống chưa chào đời, để rồi Giáo hội lại phải chỉ ra tính ngụy biện trong những luận cứ ấy.

Và các người cũng luôn cho rằng Giáo hội là dốt nát. Nhưng kẻ thực sự dốt nát là ai đây? Là người không thể định nghĩa được sấm chớp, hay là kẻ không biết kính trọng sức mạnh vĩ đại của hiện tượng ấy? Giáo hội luôn mở rộng lòng đối với các người, và với toàn nhân loại, thế nhưng chúng ta càng mở rộng lòng, thì các người càng đẩy chúng ta ra xa hơn nữa. Các người đòi hỏi phải có bằng chứng để chứng minh rằng có Chúa. Các người hãy dùng kính viễn vọng mà nhìn lên trời, chẳng thể thấy Chúa ở đó đâu! - Lúc này, hai mắt Giáo chủ Thị thần đã nhoà lệ. - Các người chất vấn là diện mạo của Chúa trông thế nào? Ta xin hỏi các người, câu hỏi đó xuất phát từ đâu? Câu trả lời chỉ có một mà thôi. Trong khoa học, các người không thấy Chúa đâu đúng không? Làm sao các người lại có thể không thấy Người cơ chứ! Các người tuyên bố rằng chỉ một thay đổi rất nhỏ của trọng lực hay trọng lượng một nguyên tử cũng có thể khiến cho toàn thể vũ trụ này biến thành một hoang mạc không sự sống, thay vì cả một thế giới vô cùng phong phú như chúng ta đang có hiện nay, chẳng lẽ các người không nhận ra rằng đó là nhờ bàn tay của Chúa sao? Như thế chẳng phải dễ dàng hơn nhiều so với cách giải thích rằng đó là một phần triệu xác suất may mắn hay sao? Chẳng lẽ tâm hồn các người đã trở nên cằn cỗi đến mức đặt trọn niềm tin vào một điều không thể xảy ra trên nguyên lý toán học thay vì tin vào một sức mạnh lớn lao hơn bản thân loài người?

- Bất kể các người có tin vào Chúa hay không, - Giáo chủ Thị thần hạ giọng từ tốn, - có một điều mà các người chắc chắn phải tin. Khi nhân loại từ bỏ niềm tin vào một thế lực lớn lao hơn bản thân chúng ta, thì chúng ta cũng đã từ bỏ ý thức tự chịu trách nhiệm. Đức tin… Tất cả mọi đức tin… đều răn dạy con người về một thế lực mà chúng ta không thể thấu hiểu, một thế lực luôn dõi theo từng hành động của chúng ta… Có đức tin, chúng ta sẽ chịu trách nhiệm trước chính bản thân mình và trước một đấng tối linh cao cả. Có thể tôn giáo còn nhiều thiếu sót, nhưng chẳng qua đó là vì bản thân loài người cũng không thể hoàn thiện. Nếu các người cũng nhìn Giáo hội với con mắt giống như ta… không chấp nhặt những nghi lễ đằng sau những bức tường này… thì các người sẽ thấy có phép nhiệm màu ngay giữa thời hiện đại… một tập hợp những linh hồn giản dị và không hoàn thiện nhưng sẵn lòng cất lên tiếng nói vị tha và yêu thương giữa một thế giới đang trượt ra ngoài vòng kiểm soát của bản thân nhân loại.

Giáo chủ Thị thần đang tay chỉ Hồng y đoàn. Theo bản năng, người kỹ thuật viên hình ảnh của BBC cũng lia máy theo, quay toàn bộ những người đang có mặt trong nhà nguyện.

- Chúng ta có lỗi thời không? - Giáo chủ Thị thần đặt câu hỏi. Những vị ngồi đây có phải là loài khủng long hay không? Ta có phải là khủng long không? Liệu thế giới này có cần một tiếng nói bênh vực cho những kẻ nghèo hèn, yếu ớt, những kẻ bị áp bức, những sinh linh không được chào đời? Liệu thế giới này có cần những người như chúng ta, dù không phải lúc nào cũng hoàn thiện, nhưng sẵn lòng hiến dâng cả cuộc đời để nhắc nhở nhân loại hãy lắng nghe lương tâm mình, để đừng bị lạc lối?

Lúc này thì Hồng y Mortati đã nhận ra rằng, không biết vô tình hay hữu ý, Giáo chủ Thị thần đã đưa ra một quyết định xuất sắc. Bằng cách để các Hồng y xuất hiện, Giáo hội đã được nhân cách hoá. Thành Vatican không còn đơn thuần là một công trình, mà nó là những con người - giống như chính bản thân Giáo chủ Thị thần, người đã dành cả cuộc đời để phụng sự cái tốt.

- Đêm nay, chúng ta đang đứng bên bờ vực thẳm, Giáo chủ Thị thần nói tiếp - Không một ai trong chúng ta có thể thờ ơ trước tình huống này. Dù các người có gọi tên chúng là quỷ Sa-tăng, - sự đồi bại, hay sự vô đạo, thì những thế lực đen tối vẫn đang tồn tại và phát triển từng giờ từng phút. Đừng thờ ơ với điều đó!

Giáo chủ Thị thần hạ thấp giọng, gần như là thì thầm, và người kỹ thuật viên hình ảnh tiến sát lên một chút:

- Thế lực này, dù rất mạnh, nhưng không phải là vô địch. Cái tốt sẽ chiến thắng. Hãy lắng nghe trái tim mình. Hãy lắng nghe giọng nói của Chúa. Hãy sát cánh bên nhau, chúng ta có thể tránh được vực thẳm này.

Đến giờ thì Hồng y Mortati đã hiểu. Hoá ra đây chính là lý do Mật nghị Hồng y đã bị cắt ngang, nhưng đây đúng là cách duy nhất. Đây là lời cầu cứu tuyệt vọng và khẩn thiết. Giáo chủ Thị thần đang hướng tới cả kẻ thù lẫn bằng hữu. Vị thầy tu này đang khẩn khoản kêu gọi tất cả, cả bằng hữu lẫn kẻ thù, hãy nhận ra chân lý và dừng ngay hành động điên rồ này. Chắc chắn trong số những người đang xem truyền hình trực tiếp, sẽ có người hiểu ra và ra tay hành động.

Giáo chủ Thị thần quỳ trước bàn thờ chúa.

- Chúng ta hãy cùng cầu nguyện.

Toàn thể Hồng y đoàn cùng quỳ xuống và hướng về bàn thờ Chúa. Ngoài kia, trên quảng trường St. Peter, trên khắp địa cầu… toàn thể nhân loại đang quỳ xuống cùng với họ.

Chương 95

Đặt cô gái đang bất tỉnh nằm sóng soài ở sau xe hòm, tên sát thủ dành một chút thời gian để chiêm ngưỡng chiến lợi phẩm của mình. Không đẹp bằng những cô gái mà hắn vẫn dùng tiền để mua, nhưng cô gái này có một sức mạnh rất hoang dại, khiến hắn thấy vô cùng phấn khích. Nước da sáng, thân thể ướt đẫm mồ hôi. Có mùi thơm của xạ hương.

Mải chiêm ngưỡng phần thưởng của mình, tên sát thủ quên hẳn vết đau ở tay. Vết bầm dập do bị cỗ quan tài bằng đá chèn lên, dù rất đau, nhưng chẳng có gì đáng kể… phần thưởng này đã bù lại tất cả. Hắn tự an ủi bản thân rằng tay người Mỹ kia chắc giờ đã chết hẳn rồi.

Trân trân nhìn tù nhân của mình, tên sát thủ mường tượng những gì sẽ diễn ra. Hắn lùa tay vào dưới vạt áo sơ mi của cô gái. Bầu ngực quả là hoàn hảo. Hay lắm, hắn cười mỉm. Cô em đáng đồng tiền bát gạo lắm đây. Cố kiềm chế ý muốn chiếm đoạt cô gái ngay lập tức, hắn đóng thùng xe lại, nổ máy phóng vụt đi trong đêm tối.

Không cần phải báo cho cánh báo chí về vụ hành quyết này… ngọn lửa sẽ thay hắn làm việc đó.

***

Tại CERN, Sylvie sững sờ nghe những lời phát biểu của Giáo chủ Thị thần. Là một tín đồ Cơ đốc, chưa bao giờ chị thấy tự hào đến thế. Là nhân viên của CERN, cũng chưa bao giờ chị cảm thấy xấu hổ đến mức này. Rời khỏi khu giải trí, chị thấy tất cả các phòng đều chung một bầu không khí nặng nề và buồn bã. Sylvie quay lại văn phòng của Kohler, tất cả bảy máy điện thoại đều đang đổ chuông. Điện thoại của báo chí không bao giờ được nối máy tới văn phòng của Kohler, nên chắc chắn những cuộc gọi này là vì cùng một lý do.

Vì tiền.

Kỹ thuật phản vật chất đã có người mua.

***

Trong thành Vatican, Gunther Glick như đang đi trên mây. Anh đang theo Giáo chủ Thị thần ra khỏi nhà nguyện Sistine. Glick và Macri vừa làm một buổi truyền hình trực tiếp để đời. Quả là một chương trình tuyệt vời. Giáo chủ Thị thần quả là một nhà hùng biện tài ba.

Ra ngoài hành lang, Giáo chủ Thị thần quay sang bảo Glick và Macri:

- Ta đã yêu cầu lính gác Thụy Sĩ chuẩn bị sẵn ảnh cho anh - ảnh các vị Hồng y bị đóng dấu sắt nung, cả ảnh của Đức Thánh Cha đã tạ thế nữa. Ta phải báo trước cho anh biết là những bức ảnh này không được dễ chịu lắm đâu. Những dấu sắt nung trông rất khủng khiếp. Những cái lưỡi đen sì. Nhưng ta muốn nhờ anh phát những bức ảnh đó đi cho cả thế giới được thấy.

Glick cảm tưởng như ngày lễ Giáng sinh đang kéo dài vĩnh viễn trong thành Vatican. Giáo chủ Thị thần yêu cầu mình phát đi những bức ảnh độc quyền chụp cố Giáo hoàng thật sao?

- Cha thực sự muốn làm điều đó ạ? - Glick hỏi, cố không để lộ sự phấn khích trong lòng.

Giáo chủ Thị thần gật đầu:

- Lính gác Thụy Sĩ cũng sẽ cung cấp cho anh hình ảnh camera của hộp phản vật chất đang đếm ngược thời gian.

Glick trợn tròn mắt. Giáng sinh! Giáng sinh! Giáng sinh!

- Illuminati sẽ nhanh chóng phát hiện ra rằng chúng đã cường điệu hoá khả năng của bản thân. - Giáo chủ Thị thần tuyên bố.

Chương 96

Giống như điệp khúc của một bản giao hưởng hãi hùng, bóng tối ngột ngạt lại một lần nữa quay trở lại.

Không có ánh sáng. Không có dưỡng khí. Không có lối ra.

Nằm trong cỗ quan tài đá lộn ngược, Langdon thấy tâm trí mình đang ở sát mép vực thẳm. Để kéo những suy nghĩ trong đầu khỏi bầu không gian chật hẹp và ngột ngạt xung quanh, Langdon ép mình phải nghĩ về toán học, âm nhạc hay bất kỳ thứ gì. Nhưng những ý nghĩ an lành không thể nảy nở nổi. Mình không thở được! Mình không cử động được!

May mắn là bên tay áo bị kẹt đã tuột được ra khi cỗ quan tài đổ sập hẳn xuống, lúc này Langdon có thể sử dụng cả hai cánh tay. Tuy thế, khi Langdon lấy cả hai tay đẩy mạnh, cỗ quan tài vẫn không hề suy chuyển. Quả là kỳ quặc, lúc này anh ước gì cánh tay trái lại bị kẹt như lúc trước. Ít ra thì còn có không khí để mà thở.

Giơ hai tay định đẩy thêm một lần nữa, Langdon chợt trông thấy anh bạn chuột Mickey đang phát sáng. Khuôn mặt màu xanh của chú chuột trong phim hoạt hình như đang chế giễu anh.

Langdon nhìn kỹ khắp cỗ quan tài để xem có luồng sáng nào không nhưng mép đá phẳng lì ăn sát xuống sàn nhà. Chủ nghĩa toàn mỹ kiểu Ý chết tiệt, anh thầm nguyền rủa. Giờ đây, Langdon đang bị đẩy vào tình thế hiểm nghèo, chính bởi sự hoàn mỹ trong nghệ thuật mà anh vẫn dạy sinh viên của mình phải kính nể… những bờ mép hoàn hảo, những đường thẳng song song tuyệt đối và dĩ nhiên, trên một chất liệu duy nhất: đá hoa cương Carnara liền khối loại cứng nhất.

Sự chuẩn xác đến chết người.

Nhấc cái thứ quỷ quái này lên! - Langdon nói thành tiếng, tay cố đẩy mạnh hơn nữa. Cỗ quan tài hơi di chuyển chút xíu.

Nghiến răng, anh lại đẩy một lần nữa. Nặng kinh khủng, nhưng lần này nó nhích lên được khoảng nửa phân. Một luồng sáng le lói xuất hiện quanh Langdon, rồi cái hộp đá lại nhanh chóng rơi phịch xuống. Trong bóng tối, Langdon nằm thở hổn hển. Anh thử dùng hai chân để đẩy lên, nhưng lúc này cỗ quan tài đã nằm ngang hẳn xuống, chẳng còn chỗ để co chân lên.

Rồi cảm giác sợ bị giam hãm bủa vây lấy anh, Langdon nghĩ đến cảnh cỗ quan tài đá thu nhỏ lại và vây kín lấy bàn chân mình. Kinh hãi, Langdon ráng sức huy động toàn bộ lý trí để xua đi hình ảnh kinh hoàng đó.

"Cỗ quan tài đá". Langdon nói lên thành tiếng bằng tất cả sự dõng dạc và minh mẫn anh có thể huy động được. Nhưng hôm nay, cả đến học vấn cũng trở thành kẻ thù. Từ này bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp, nghĩa gốc của nó trong tiếng Hi Lạp là "cái hộp ăn thịt". Mình đang bị kẹt trong một "cái hộp ăn thịt".

Những mường tượng về cái hộp sẽ ăn hết thịt và để lại bộ khung xương khiến anh càng nhớ đến bộ khung xương đang nằm ngổn ngang quanh anh. lúc này. Nghĩ đến sự thật đó, Langdon thấy buồn nôn và kinh hãi. Nhưng nó cũng khiến anh nảy ra một ý tưởng.

Quờ quạng, mò mẫm trong cỗ quan tài, Langdon tìm được một mẩu xương. Có phải xương sườn không nhỉ? Chẳng cần quan tâm. Anh đang cần một cái nêm. Nếu có nhấc được cái hộp đá này lên chút xíu, rồi chêm khúc xương này vào, thì sẽ có đủ không khí để…

Vòng tay qua người, xếp đầu nhọn của khúc xương vào đúng chỗ cái khe giữa quan tài và nền đá, Langdon dùng tay kia ra sức chống mạnh lên. Cỗ quan tài không suy chuyển chút nào. Anh cố thêm một lần nữa. Trong tích tắc, hình như cái hộp đá nhúc nhích chút xíu. nhưng tất cả chỉ có thế.

Thiếu khí ôxi, lại phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc, Langdon biết anh chỉ còn đủ thời gian để cố thêm một lần nữa.

Và cần phải dùng cả hai tay.

Lần này, Langdon gài sẵn đầu nhọn của khúc xương vào chỗ cái khe, dịch người sát vào, dùng vai để đẩy khúc xương. Thận trọng để khúc xương khỏi văng đi mất, anh giơ cả hai tay lên. Bắt đầu thấy ngạt thở, Langdon chợt thấy sợ hãi. Lần thứ hai trong cùng một ngày, anh không có đủ dưỡng khí để thở. Hô to một tiếng, Langdon ráng hết sức đẩy hai tay thật mạnh. Cỗ quan tài bị đẩy cao lên trong một tích tắc. Nhưng thế là đã đủ. Anh đã dùng vai đẩy được khúc xương vào dưới mép đá. Khi cỗ quan tài rơi phịch xuống, mẩu xương vỡ vụn ra. Nhưng dù sao mép quan tài cũng đã bị chống lên chút xíu. Một luồng sáng yếu ớt chiếu xiên vào cạnh Langdon:

Kiệt sức, anh nằm vật ra. Hy vọng cảm giác nghèn nghẹt ở cổ họng sẽ hết dần, anh kiên nhẫn đợi. Nhưng mỗi lúc cảm giác khó chịu đó càng mạnh thêm. Dù không khí có thể lọt qua cái khe, nhưng vẫn là quá ít. Không hiểu lượng dưỡng khí ít ỏi này có thể giúp anh tồn tại được không? Nếu được thì sẽ là bao lâu? Nếu anh không sống được, liệu có ai biết anh nằm ở đây hay không?

Hai cánh tay nặng như chì, Langdon cố xem đồng hồ: 10 giờ 12 phút. Cố giữ cho ngón tay khỏi run, Langdon nỗ lực thêm một lần nữa. Anh xoay một núm, rồi nhấn một nút. Đầu óc bắt đầu mụ đi, những bức tường đá xung quanh như thu hẹp lại, Langdon lại trải qua cảm giác kinh hãi thuở còn bé.

Như bao lần trước, anh cố tưởng tượng rằng mình đang ở ngoài bãi trống. Hình ảnh ấy hiện ra trong óc, nhưng chẳng có tác dụng gì. Cơn ác mộng ám ảnh anh từ thuở bé bỗng chốc quay trở lại…

Hoa đẹp như tranh vẽ, cậu bé nghĩ thầm, vừa cười vừa chạy băng qua thảm cỏ. Cậu nghĩ giá có bố mẹ đi cùng thì thật là tuyệt nhưng bố mẹ còn đang bận cắm trại.

Con đừng đi xa quá đấy nhé! - Mẹ chú dặn.

Chú bé tảng lờ như không nghe thấy lời mẹ dặn..

Chạy qua thảm cỏ thần tiên, cậu bé đến bên một đống đá xếp chồng lên nhau. Chắc là của một trang trại cũ. Không nên đến gần chỗ đó. Chú biết thế. Vả lại ánh mắt chú bé đã bị hút vào một bông hoa đồng nội tuyệt đẹp - giống hoa đẹp nhất và hiếm nhất ở New Hampshire mà chú chỉ mới được thấy trong sách mà thôi.

Trong tâm trạng đầy phấn khích cậu bé đến gần cây hoa và quỳ xuống. Mặt đất xốp và mềm. Hoá ra cây hoa này đã chọn được một chỗ đất rất màu mỡ. Nó mọc lên giữa một đám cây mục.

Háo hức với ý tưởng được mang bông hoa đẹp này về nhà, chú bé chìa tay ra… những ngón tay bé nhỏ vươn ra để chạm vào thân cây.

Nhưng chú không thể nào với tới được.

Nghe có tiếng nứt gẫy răng rắc, đất thụt xuống.

Trong ba giây đồng hồ khủng khiếp, lúc bị ngã nhào xuống, chú biết mình sẽ phải chết. Bị ngã lộn nhào, cậu bé tưởng sẽ bị va đập mạnh đến gãy xương, nhưng hoá ra chẳng hề đau đớn chút nào. Chỉ có cảm giác mềm mại.

Và lạnh.

Chú ngã vục mặt xuống vũng chất lỏng lạnh giá và tối tăm đó. Cuộn mình, quẫy đạp lung tung, chú sờ thấy xung quanh chỗ nào cũng là tường dựng đứng. Theo bản năng, chú bé ngóc đầu lên.

Ánh sáng.

Rất yếu ớt. Từ trên toả xuống. Dường như từ cách xa hàng dặm.

Hai tay chú bé khua khua trong làn nước lạnh, cố tìm một cái gờ hay mấu nào đó để bám vào, nhưng chỉ thấy toàn đá trơn tuột. Hoá ra chú bé đã ngã xuống một cái giếng nước bỏ hoang. Chú gào to kêu cứu nhưng chỉ nghe thấy tiếng vọng dội từ trong lòng giếng sâu hun hút. Chú bé gọi mãi, gọi mãi. Trên cao, cái miệng giếng nham nhở tối dần.

Đêm xuống.

Trong bóng tối, thời gian như kéo dài vô tận. Lạnh quá, chú bé vẫn đạp chân để giữ cho người nổi lên, chú gào khóc và kêu cứu. Mường tượng cảnh những bức tường xung quanh đổ ụp xuống đầu, chôn sống mình, chú cảm thấy thật kinh hãi. Hai cánh tay mỏi nhừ. Mấy lần cảm tưởng như nghe thấy tiếng người, cậu bé gọi thật to, nhưng chỉ phát ra được những tiếng kêu tắc nghẹn… như trong một cơn ác mộng.

Đêm về khuya, cái giếng như càng sâu thêm. Những bức tường như tiến sát vào nhau. Cậu bé cố đẩy người ra xa bức tường. Kiệt sức! Suýt nữa cậu bé đã đầu hàng. Nhưng mặt nước như đang đỡ lấy chú, làm dịu đi cơn hoảng loạn điên cuồng, cho đến khi toàn thân chú bé lạnh cóng.

Khi đội cứu hộ đến, chú bé gần như đã bất tỉnh. Chú bé đã quẫy đạp trong nước liên tục 5 giờ đồng hồ. Hai ngày sau, tờ Boston Globe chạy trên trang nhất một hàng tít lớn: "Thần đồng bơi lội bé nhỏ và dũng cảm".