Hồng lâu mộng - Chương 002 - Phần 1

Chương 2: Hồi thứ hai

Giả phu nhân tạ thế ở thành Dương Châu

Lãnh Tử Hưng kể chuyện trong phủ Vinh Quốc

Phong Túc nghe thấy tên công sai gọi, vội vàng chạy ra cười. Tên kia nói to:

“Mời ngay ông đây!”.

Phong Túc cười nói

- Tôi họ Phong chứ không phải họ Chân; chỉ có rể tôi là họ Chân, nhưng đã đi tu vài năm nay rồi. Có phải ông hỏi nó không?

Tên công sai nói:

- Chẳng biết anh là chân hay giả gì hết. Tôi đã vâng lệnh quan đến đây hỏi anh, tôi cứ dẫn anh về hầu quan, khỏi phải đi lại lôi thôi.

Chúng không cho Phong Túc nói, cứ dẫn đi, cả nhà họ Phong sợ hãi không biết việc gì. Đến canh hai Phong Túc mới về vui mừng hớn hở. Mọi người xúm lại hỏi. Phong Túc nói:

- Quan mới này họ Giả tên Hóa, người Hồ Châu, là bạn cũ của rể ta. Vừa đây đi qua cửa nhà ta, trông thấy con Kiều Hạnh mua chỉ, quan đoán con rể ta dời đến ở đây, nên gọi lại hỏi. Ta kể rõ đầu đuôi, quan thương cảm thở dài một lúc lâu, lại hỏi đến cháu ngoại ta, ta nói cháu đi xem hội bị lạc mất. Quan nói: “Việc ấy không ngại, ta sẽ sai người đi dò xét cho”. Nói chuyện một lúc, khi sắp về, quan lại cho hai lạng bạc.

Vợ Chân Sĩ Ẩn nghe vậy, càng động lòng thương xót.

Sáng sớm hôm sau, Vũ Thôn sai người mang hai gói bạc, bốn tấm gấm đến tạ Ơn vợ họ Chân. Lại đưa một phong thư kín cho Phong Túc, nhờ nói với vợ họ Chân xin cưới Kiều Hạnh làm vợ hai. Phong Túc cười mừng hớn hở, chỉ sợ không được vừa lòng quan, nên trước mặt con gái hết sức nói hùn vào. Rồi ngay đêm ấy Phong Túc thuê một chiếc kiệu nhỏ đưa Kiều Hạnh vào dinh quan huyện. Vũ Thôn vui mừng lắm, đưa trăm lạng bạc tặng Phong Túc, lại biếu vợ họ Chân nhiều lễ vật, khuyên cứ yên tâm, chờ sau này sẽ tìm con gái giúp.

Nói đến Kiều Hạnh là người năm trước đã ngoảnh lại nhìn Giả Vũ Thôn, chỉ vì một cái nhìn ngẫu nhiên mà thành ra một đoạn kỳ duyên, đó là một việc không ngờ. May sao vận và mệnh đều tốt, về với Vũ Thôn mới có một năm, Kiều Hạnh đã sinh được một con trai. Lại nữa năm sau, vợ cả Vũ Thôn ốm chết, Vũ Thôn đưa nàng lên làm chính thất, đó là:

Ngẫu nhiên nhìn một cái,

Mà được ở trên người.

Nguyên năm trước Vũ Thôn được Sĩ Ẩn giúp tiền, ngày mười sáu vào kinh. Đến ngày thi không ngờ đỗ tiến sĩ, được bổ làm tri phủ. Vũ Thôn tuy tài giỏi, nhưng tính tham tàn, lại cậy tài khinh nhờn người trên, bọn đồng liêu đều ghét. Nhận chức chưa đầy hai năm, Vũ Thôn bị quan trên lừa chỗ hớ, dâng sớ hặc hắn: “Vốn tính gian giảo, giả dạng lễ nghi, m tiếng liêm chính, ngấm ngầm giao kết với lũ hồ lang, gây ra nhiều chuyện rắc rối cho nhân dân không sao chịu nổi”. Vua giận cách chức. Vũ Thôn tuy trong lòng hổ thẹn, nhưng ngoài mặt vẫn không có tí gì tỏ ra oán giận, vẫn vui vẻ như thường. Sau khi bàn giao xong, Vũ Thôn nhặt nhạnh của cải, đưa gia quyến về quê rồi một mình đi ngao du những nơi danh thắng. Một hôm ngẫu nhiên đến đất Duy Dương, Vũ Thôn được biết quan Diêm Chính mới bổ đến năm nay là Lâm Như Hải.

Lâm Như Hải, họ Lâm, tên Hải, tên chữ Như Hải, là người Cô Tô, đỗ Thám hoa khoa trước, được thăng chức Lan đài tự đại phu, nay bổ đến đây làm Tuần diêm ngự sử mới hơn tháng nay. Ông tổ nhà Lâm Như Hải từng tập tước hầu, đến Như Hải là năm đời. Theo lệ tập tước thì chỉ có ba đời, nhưng bố Như Hải được vua đặc cách ra ơn, cho tập tước thêm một đời nữa. Như Hải thì do khoa cử xuất thân, Họ Lâm tuy là nhà chung đỉnh, nhưng cũng dòng dõi thi thư. Chỉ tiếc họ hàng không thịnh vượng, con cháu hiếm hoi, tuy có mấy ngành nhưng đều là họ xa, không phải anh em ruột thịt. Như Hải đã bốn mươi tuổi, có một con trai lên ba, mới chết năm ngoái. Dẫu có nhiều vợ lẽ nàng hầu, nhưng số hiếm hoi cũng chẳng làm thế nào được. Chỉ có vợ cả là họ Giả sinh được một con gái tên gọi Đại Ngọc, mới lên năm. Vợ chồng nưng niu con như hòn ngọc trên tay. Thấy con thông minh tuấn tú. Như Hải cho đi học như con trai, sớm tối đỡ hiu quạnh.

Nói về Giả Vũ Thôn ở nhà trọ bị cảm gần một tháng trời mới khỏi. Vừa mệt vừa hết tiền, hắn định tìm một chỗ ở tạm nào hợp với sức khỏe. Nhân gặp hai người bạn cũng ở nhà trọ, biết quan Diêm Chính muốn đón thầy dạy con gái học, Vũ Thôn liền nhờ bạn tiến cử, tìm kế yên thân. May sao ở đó chỉ có một cô học trò và hai a hoàn làm bạn học. Cô học trò này vừa bé lại vừa yếu, thời giờ không hạn định nhiều ít, vì thế Vũ Thôn rỗi lắm.

Thấm thoát đã hơn một tháng, không ngờ mẹ cô học trò là Giả phu nhân ốm chết. Khi mẹ Ốm thì cô hầu hạ thuốc thang, khi mẹ mất thì cô giữ đủ mọi tang lễ. Vũ Thôn định thôi dạy đi tìm việc khác, nhưng Như Hải muốn con cư tang vẫn đi học, nên cố giữ lại. Gần đây vì quá thương xót, lại vốn người yếu sẵn, nên bệnh của cô lại phát, phải nghỉ học luôn, Vũ Thôn ngồi rỗi, gặp những lúc trời chiều êm ả, ăn xong lại ra ngoài chơi.

Một hôm, Vũ Thôn ra ngoài thành thưởng ngoạn phong cảnh thôn quê, vui chân đi đến một chỗ non nước quanh co, rừng trúc xanh tốt, lờ mờ thấy đằng xa có một tòa cổ miếu. Vũ Thôn đến đó thì thấy cửa ngõ xiêu vẹo, tường vách đổ nát, có biển đề Trí Thông Tụ. Cạnh cửa lại có đôi câu đối đã cũ nát:

Sau mình còn chỗ, không lùi bước,

Trước mắt cùng đường, muốn ngoảnh đầu.

Vũ Thôn xem xong, nghĩ rằng: “Hai câu này văn thì thường thôi, như ý sâu sắc. Xưa nay ta đi chơi nhiều núi nhiều chùa có tiếng, chưa từng thấy câu đối nào thế này. Chưa biết chừng trong đó có vị tu hành đắc đạo cũng nên. Sao ta không vào hỏi xem?” Khi vào, thấy một vị sư già lọm khọm đang nấu cháo, Vũ Thôn cũng không để ý đến. Lúc nói chuyện thấy vị sư vừa lòa vừa điếc, răng rụng, lưỡi cứng, hỏi một đằng, trả lời một nẻo.

Vũ Thôn chán ngán, trở ra, muốn tìm một hàng rượu uống mấy ché cho đỡ buồn. Hắn vừa bước vào cửa, thấy trong đám khách có một người chạy ra cười và mời vào:

- Lạ thật! Lạ thật! Sao lại gặp tiên sinh ở đây?

Vũ Thôn vội nhìn, thì ra người này buôn đồ cổ ở Kinh đô, họ Lãnh, tên Tử Hưng, đã quen nhau từ khi ở kinh đô. Vũ Thôn thì phục Tử Hưng là tay có tài tháo vát, Tử Hưng thì muốn mượn tiếng Vũ Thôn là người văn nho, vì thế hai người chơi thân với nhau.

Vũ Thôn vội hỏi:

- Ông đến đây bao giờ? Tôi không biết, ngẫu nhiên lại gặp thực là kỳ duyên!

Tử Hưng đáp:

- Tôi về nhà năm ngoái, nhân có việc vào kinh, tiện đường đến đây thăm một người bạn. Ông ta có lòng tốt, lưu tôi lại ở chơi, tôi không có việc gì gấp, nên cũng ở lại ít ngày, độ nửa tháng nữa sẽ lên đường. Hôm nay vì nhà ông bạn có việc, nên tôi ra đây chơi, định vào nghỉ chân, không ngờ lại gặp tiên sinh!

Nói xong mời Giả Vũ Thôn ngồi. Tử Hưng bảo dọn rượn, hai người uống rượu nói chuyện, kể lại những việc từ ngày xa nhau. Vũ Thôn nhân hỏi:

- Gần đây kinh đô có gì lại không

- Cũng không có gì lạ, chỉ có nhà dòng họ với tiên sinh có một chuyện hơi lạ.

Vũ Thôn cười:

- Họ tôi không có ai ở kinh đô cả, sao lại nói thế?

Tử Hưng cười:

- Cùng họ thôi, không phải cùng ngành.

- Nhà nào?

- Như phủ Giả Vinh Quốc có lẽ cũng không làm mất thanh danh nhà tiên sinh!

- Phủ Vinh Quốc công à? Cứ kể ra, họ nhà tôi cũng không ít người, từ Giả Phục đời Đông Hán đến giờ, chi phái rất đông, tỉnh nào cũng có, không ai tra khảo hết được. Kể ra phủ Vinh thì có cùng họ với tôi đấy, nhưng nhà ấy vinh hiển như thế, tôi không tiện nhận họ, nên ngày càng xa.

Tử Hưng thở dài:

- Tiên sinh đừng nói thế. Hiện nay hai nhà Vinh, Ninh đều suy sút cả, không còn thịnh vượng như trước nữa.

- Hiện giờ hai nhà Ninh, Vinh người rất nhiều, sao bảo là suy sút?

- Chính thế, nói ra thì rất dài.

- Năm ngoái tôi đến Kim Lăng, vì muốn thăm di tích Lục Triều(1). Khi tôi đến thành Thạch Đầu, có đi qua hai nhà ấy. Con đường bắc lộ bên đông là phủ Ninh Quốc, bên tây là phủ Vinh Quốc, hai nhà liền nhau, chiếm quá nửa phố. Ngoài cửa chính tuy vắng vẻ không có người, nhưng nhìn qua tường, thấy trong đó điện đài lầu gác rất là nguy nga; ngay cái vườn hoa đằng sau, cây cối núi non vẫn sầm uất tươi tết, đâu phải là nhà suy sút?

(1). Lục Triều: Ngô, Đông Tấn, Tống, Tề. Lương, Trần. Sáu triều đều đóng đô ở Kiến Khang, tức là Nam Kinh cửa Trung Quốc.

Tử Hưng cười nói:

- Không ngờ tiên sinh đỗ tiến sĩ, mà lại chẳng thông tí nào! Cổ nhân đã nói: “con sâu trăm nhân, chết vẫn không ngã”. Hai nhà này tuy không phồn thịnh bằng lúc trước, nhưng so với những nhà sĩ hoạn bình thường vẫn còn khác xa. Hiện giờ người nhiều, công việc bề bộn. Thế mà từ thầy đến tớ, chỉ biết hưởng thụ phú quý, không người nào lo tính công việc. Đến nỗi hàng ngày phung phí cũng không biết tinh giảm; bề ngoài xem ra không thấy có gì thay đổi, nhưng bề trong thực trống rỗng cả rồi. Đó là việc nhỏ, còn có việc lớn nữa: một nhà phú quý dòng dõi thi thư như thế mà ai ngờ con cháu lại càng ngày càng suy sút!

Vũ Thôn nói:

- Những nhà thi lễ như thế, có lẽ nào lại không biết dạy bảo con cháu? Nhà khác thì tôi không biết, chứ hai phủ Ninh, phủ Vinh, xưa nay dạy con vẫn có khuôn phép lắm kia mà?

Tử Hưng thở dài:

- Tôi sẽ nói cho tiên sinh biết. Trước đây Ninh quốc công và Vinh quốc công là hai anh em ruột. Ninh công là trưởng, đẻ hai con trai; khi Ninh công chết, con trai lớn là Giả Đại Hóa tập tước Đại Hóa đẻ được hai con: con lớn là Giả Phu, lên tám, chín tuổi thì chết; con thứ là Giả Kính tập tước. Giả Kính một niềm mộ đạo, chỉ thích luyện đan, không để ý đến một việc gì. May sớm đẻ được con trai là Giả Trân, vì bố thích đi tu tiên nên nhường cho con tập tước. Ông ta không ở nhà, mà ra ở ngoài thành, sống chung lộn với bọn đạo sĩ. Giả Trân đ được một con trai là Giả Dung, nay mới mười sáu tuổi. Bây giờ Giả Kính thì không nhìn gì đến việc nhà, Giả Trân thì chẳng chịu học hành, chỉ chơi bời cho thỏa thích, làm đảo lộn cả cơ nghiệp phủ Ninh, không ai dám ngăn cản cả. Còn như phủ Vinh, vừa rồi tôi nói có việc lạ, tức là từ khi Vinh công chết, con trưởng là Giả Đại Thiện tập tước, vợ Đại Thiện là họ Sử, con một tước hầu ở Kim Lăng, đẻ được hai con trai: trưởng là Giả Xá, thứ là Giả Chính. Giả Đại Thiện chết sớm, còn vợ, con trưởng là Giả Xá được tập tước. Con thứ là Giả Chính, tứ bé ham học, được ông yêu, muốn cháu thi đỗ làm quan. Không ngờ lúc Đại Thiện sắp chết, di biểu dâng lên, Hoàng thượng thương nhớ người bầy tôi cũ, liền cho con trưởng tập tước. Hoàng thượng lại hỏi còn mấy con cho vào chầu ngay, rồi đặc cách cho Giả Chính hàm chủ sự vào bộ tập sự. Nay Giả Chính đã được thăng Viên ngoại lang. Vợ Giả Chính là Vương thị, đẻ con đầu lòng là Giả Châu, mười bốn tuổi đỗ tú tài, lấy vợ sinh con, nhưng chưa đến hai mươi tuổi thì ốm chết. Con thứ hai là gái, đẻ đúng ngày mồng một tháng giêng, cũng là một sự lạ. Mấy năm sau lại đẻ một vị công tử. Chuyện này lại càng lạ nữa: khi lọt lòng, trong miệng cậu ta ngậm một hòn ngọc ngũ sắc, trên hòn ngọc có ghi nhiều chữ, nên mới đặt tên là Bảo Ngọc. Tiên sinh bảo chuyện ấy có lạ không?

Vũ Thôn cười:

- Như thế thì lạ thực! Người này chắc có một lai lịch khác thường!

Tử Hưng cười nhạt:

- Hàng vạn người đều nói như thế, vì vậy bà nội nó yêu quý nó như hòn ngọc báu. Khi đầy năm, Giả Chính muốn thử chí hướng con về sau thế nào, mới đem những đồ chơi bày ra trước mặt để xem nó quờ lấy cái gì. Ngờ đâu nó chẳng lấy cái gì, mà chỉ quờ lấy phấn sáp, trâm vòng. Giả Chính không vui, bảo sau này chỉ là đồ tửu sắc, vì thế không yêu quý lắm. Duy có bà Sử Thái quân thì coi nó như là bản mệnh mình. Nói lại càng lạ: Ngày nay nó đã lên bảy, lên tám, tính khí ngang ngược lạ thường, nhưng lại thông minh gấp trăm người khác. Nhắc lại câu nói hồi nhỏ của nó thật là kỳ quặc! Nó nói: “Xương thịt của con gái là nước kết thành, xương thịt của con trai là bùn kết thành. Tôi trông thấy con gái thì người tôi nhẹ nhàng, khoan khoái, trông thấy con trai thì như bị phải hơi dơ bẩn vậy”. Tiên sinh bảo có buồn cười không? Chắc sau này cậu ta sẽ là con quỷ hiếu sắc.