Hồng lâu mộng - Chương 018 - Phần 1

Chương 18: Giả Chính lắc đầu không nói gì.

Bảo Ngọc trông thấy chỗ này, lòng tự nhiên xúc động, hình như mình đã được thấy ở đâu rồi, nhưng không nhớ ngày tháng năm nào(1).

(1). Chỗ này ý nói Bảo Ngọc nhớ lại giấc mộng đã nói ở trong hồi thứ năm.

Giả Chính lại bảo đề, Bảo Ngọc đương ngẫm nghĩ cảnh trước, không để bụng đến việc này. Mọi người không biết ý, cho là Bảo Ngọc bị quở mắng, từ bấy đến giờ tinh thần rối loạn, lẩn quẩn nghĩ không ra; nếu giục, sợ xảy ra sự gì thì không tiện bèn nói với Giả Chính.

- Thôi! Xin để ngày mai sẽ đề.

Giả Chính cũng sợ Giả mẫu không yên lòng, cười nhạt:

- Thằng súc sinh, mày đã đến lúc hết khoe giỏi rồi! Thôi ta hạn cho mày, đến ngày mai, nếu không đề được, ta nhất định không tha đâu. Chỗ này quan hệ nhất, phải làm cho hay mới được!

Nói xong, dẫn mọi người đi xem chỗ khác. Kể từ khi vào cửa vườn đến giờ, mười phần mới đi ngắm được năm sáu. Lúc này, có người vào báo: "Có ông Vũ Thôn sai người đến trình việc.” Giả Chính cười nói:

- Còn vài chỗ chưa đến được, chúng ta hãy theo đường này đi ra, thì dù chưa biết hết cũng có thể xem qua loa.

Liền dẫn mọi người đến một cái cầu lớn, thấy nước như rèm thủy tinh dội vào, thì ra cái cầu này là cửa đập thông ra ngoài sông, khơi thành suối để dẫn nước vào.

Giả Chính hỏi:

- Đặt tên cái đập nây là gì.

Bảo Ngọc nói:

- Đây là dòng chính của suối "thẩm phương", thì nên đặt là "đập Thẩm phương”.

Giả Chính nói:

- Mày lại nói nhảm, không nên dùng hai chữ "thấm phương".

Mọi người theo đường đi ra, thấy có những nhà rộng, lều tranh, tường, đá, cửa hoa, dưới núi có chùa, trong rừng có phòng luyện thuốc, hiên dài, động sâu, nhà vuông đình tròn.

Giả Chính không đi hết được. Vì đã nửa ngày chưa được nghỉ ngơi; lưng đau chân mỏi, chợt trông thấy phía trước có một cái nhà. Giả Chính nói:

- Nơi này có thể nghỉ được!

Liền đi theo con đường nhỏ quanh khóm bích đào, qua cửa tò vò đan bằng trúc và cài hoa. Chợt thấy tường trắng vây quanh, ngoài có liễu xanh rủ xuống. Giả chính cùng mọi người đi vào. Hai bên, hành lang nối nhau, ở trong lác đác mấy ngọn núi. Một bên có mấy khóm chuối; một bên là cây hải đường của phủ tây, trông như cái tán, dây rủ xanh biếc, hoa đỏ như son.

Một người nói:

- Hoa đẹp nhỉ! Hải đường có nhiều, nhưng chưa thấy cây nào đẹp như thế này.

Giả Chính nói:

- Đây là "nữ nhi đường”, lấy giống ở nước ngoài. Tục truyền giống này ở nước Nữ Nhi. Bên ấy có rất nhiều, nhưng cũng là lời hoang đường, không đáng tin.

Một người nói:

- Bảo rằng hoang đường không đáng tin thì tại sao từ lâu đã có cái tên ấy.

Bảo Ngọc nói:

- Phần nhiều các nhà ngâm vịnh thấy hoa này đỏ như son, ẻo lả như có bệnh, gần giống phong độ của người trong khuê các, cho nên đặt tên là "Nữ Nhi". Có lẽ sau này người đời không thích nghe cái tên ấy, bèn dựa vào sử sách cho có chứng cớ rồi cứ thế truyền sai mãi đi, để thành sự thực.

Mọi người đều gật đầu khen ngợi, rồi ra ngồi cả ở giường ngoài hiên. Giả Chính bảo:

- Nên đề mấy câu gì thực mới đây?

Một người khách nói:

- Nên đề hai chữ “tiêu hạc”(2).

(2). chuối và con hạc.

- Lại một người nói: "Nên đề bốn chữ "Sùng quang phiếm thái”(3).

 (3). Màu sáng lộng lẫy dọi ra nhiều vẻ.

Giả Chính cùng mọi người nói:

- “Sùng quang phiếm thái” hay!

Bảo Ngọc nói:

- Hay đấy, nhưng đáng tiếc

Mọi người hỏi:

- Sao lại đángBảo Ngọc nói:

- Chỗ này trồng chuối và hải đường, ám chỉ màu đỏ, màu xanh. Nếu chỉ nói chuối mà bỏ sót hải đường thì không hay; trái lại nói hải đường mà bỏ sót chuối cũng không được. Như thế không thể chỉ có chuối mà không có hải đường, càng không thể chỉ có hải đường mà không có chuối.

Giả Chính nói:

- Ý mày định viết chữ gì?

Bảo Ngọc nói:

- Con muốn viết bốn chữ "Hồng hương lục ngọc" thì mới đủ cả hai nghĩa.

Giả Chính lắc đầu:

- Không được, không được!

Mọi người vào trong buồng, thấy ở đấy trang trí không giống các nơi, nhìn chỗ nào cũng như chỗ nào. Nguyên ở đây xung quanh đều ghép gỗ chạm nổi của những tay thợ rất tài tình: chỗ thì chạm trăm con dơi bay vòng quanh, chỗ thì chạm ba người bạn mùa đông(4), chỗ thì chạm sông núi, nhân vật, chỗ thì chạm các thứ chim, cỏ, cây hoa hoặc thập cẩm, hoặc đời cổ hoặc chữ phúc, chữ thọ, các thứ này đều được khảm vàng ngọc đủ các màu sắc. Có nhiều ô vuông, tròn khác nhau, theo hình hoa quỳ, lá chuối, vòng tròn hay bán nguyệt để bỏ sách, bút nghiên, đặt đỉnh, lọ hoa chậu cây. Thực là trăm hoa nghìn gấm, chói lọi khắp nơi. Chỗ này cửa sổ dán lụa ngũ sắc xinh xắn; chỗ kia cửa che lụa mỏng lờ mờ. Khắp tường, có bày các đồ cỗ, như đàn, gươm, bầu rượu... đều đặt trong từng ô một, phẳng lì với mặt trăng. Mọi người đều khen: "Thực là tinh xảo! Làm được thế này khó lắm!"

(4). Tùng, trúc, mai gọi là ba người bạn mùa đông.

Giả Chính chưa đi đến từng thứ hai đã lạc đường, trông

sang bên tả có cửa ra vào, nhìn sang bên hữu có cửa sổ ngăn lại, tiến lên phía trước bị một tủ sách chắn ngang, quay lại phía sau thấy cửa sổ che màn lụa trông rõ lối đi. Khi đến nơi, chợt thấy có người lù lù đi lại giống mình như hệt, đó là cái gương pha lê lớn. Luôn qua cái gương lại thấy nhiều cửa. Giả Trân cười nói:

- Ông cứ theo tôi, đi đường này ra thì đến sân sau, ở đằng sau đi ra thì gần hơn đằng trước.

Mọi người đi quanh hai lần cửa gấm, quả nhiên có một lối ra. Trong sân có nhiều giàn hoa tường vi. Qua hàng rào hoa, thấy có một khe nước chắn ngang. Mọi người lấy làm lạ nói:

- Dòng nước này từ đâu đến đây?

Giả Trân trỏ ra đằng xa nói:

Nó từ cửa đập đằng kia chảy đến cửa hang, th chỗ trũng ở núi phía đông bắc dẫn đến trang trại. Lại có dòng nhỏ chảy ra phía tây nam, đến đấy hợp lại làm một, rồi theo chân tường chảy đi.

Mọi người đều nói: "Khéo quá nhỉ!"

Chợt thấy ngọn núi lớn chắn ngang, ai nấy đều sợ lạc đường Giả Trân cười nói:

- Cứ đi theo tôi.

Rồi hắn đi trước dẫn đường. Vòng khỏi chân núi một quãng lại là đường to bằng phẳng, có một cái cửa lớn hiện ra trước mắt. Mọi người nói: “Thú thực, thú thực! Thần kỳ tinh xảo đến thế là cùng!”

Bấy giờ Bảo Ngọc chỉ để tâm nhớ nhà, không thấy Giả Chính bảo gì, đành phải theo đến thư phòng. Giả hình sực nhớ, nói:

- Mày còn chưa về à? Đi chơi nửa ngày trời vẫn chưa chán hay sao? Chắc cụ lại mong đấy. Về ngay đi. Nuông lắm sinh hư thôi!.

Bảo Ngọc nghe vậy mới dám về. Ra đến ngoài, bọn hầu bé của Giả Chính chạy lại ôm lấy nói:

- May mà hôm nay ông nhà vui đấy. Vừa rồi cụ mấy lần sai người ra hỏi, chúng tôi đều nói ông đương vui với cậu; nếu không thì cụ đã gọi cậu về ngay rồi, còn trổ tài làm sao được? Ai cũng bảo thơ cậu hay hơn mọi người. Hôm nay được hãnh điện như thế, phải thưởng cho chúng tôi mới được.

Bảo Ngọc cười nói:

- Cho mỗi người một quan tiền.

Mọi người nói:

- Một quan tiền thì ai mà chẳng có? Thưởng cho cả cái túi của cậu!

Nói xong đứa cởi lấy cái túi, đứa lấy túi quạt, chẳng kể đầu đuôi, chúng lấy sạch các thứ đeo ở trong người Bảo Ngọc.

Rồi nói:

- Thôi đưa cậu về đi.

Một lũ vây tròn lấy Bảo Ngọc, dẫn về đến tận cửa Giả mẫu. Bấy giờ Giả mẫu đương mong, thấy Bảo Ngọc về, biết là không xảy chuyện gì, trong lòng rất vui.

Một chốc, Tập Nhân mang nước trà đến, thấy những đồ đeo trong mình Bảo Ngọc không còn một thứ gì, cười hỏi: Những đồ đeo đâu cả? Chắc lại bị bọn mặt dày nào lột mất rồi.

Đại Ngọc nghe nói chạy lại, thấy chẳng còn cái gì, hỏi Bảo Ngọc:

- Cái túi của tôi khâu, anh cũng cho chúng nó rồi à? Mai lại chực xin cái khác, đừng hòng có của sẵn thế.

Nói xong, bực tức về buồng, lấy kéo cắt vụn cái túi đựng hương đang khâu cho Bảo Ngọc.

Bảo Ngọc thấy Đại Ngọc bực lên, biết lại sinh chuyện, vội vàng chạy đến thì Đại Ngọc đã cắt mất cái túi rồi, Bảo Ngọc cũng đã trông thấy cái túi ấy, tuy chưa làm xong, nhưng khéo lắm. Nay Đại Ngọc tự nhiên cắt đi, nghĩ cũng đáng tức. Bảo Ngọc vội vàng cởi áo trong lấy cái túi của Đại Ngọc cho khi trước giơ ra nói:

- Em xem, cái gì đây! Khi nào tôi lại cho người ta nhưng cái em tặng tôi!

Đại Ngọc thấy Bảo Ngọc cẩn thận, sợ người ta lấy mất, đã đeo ở tận trong áo, rất hối hận đã quá nóng, cắt mất túi hương, nên cứ ngồi cúi đầu không nói câu gì.

Bảo Ngọc nói:

- Em không cần phải cắt. Tôi biết rằng em không thích cho tôi cái gì nữa. Ngay cái túi náy tôi cũng xin nộp lại có được không?

Nói xong, Bảo Ngọc ném cái túi vào lòng Đại Ngọc, rồi đi.

Đại Ngọc tức phát khóc lên, lại chực cắt nốt cái túi này.

Bảo Ngọc vội quay lại giật lấy, cười nói:

- Thôi! xin em tha cho nó!

Đại Ngọc vứt kéo đi, gạt nước mắt nói:

- Anh không nên thế, lúc thì tử tế, lúc thì giận dỗi. Không ưa nhau thì buông tha nhau ra.

Nói xong, bực tức lên giường nằm ngoảnh mặt vào tường chùi nước mắt. Bảo Ngọc lại phải chạy đến xin lỗi hết cô em thế nọ, đến cô em thế kia.

Giả mẫu cho người đến tìm Bảo Ngọc. Mọi người nói:

- Hiện đương ở buồng cô Lâm.

Giả mẫu nói:

- Được được! Để cho anh em nó chơi với nhau.Vừa rồi bố nó giam hãm nó mất nửa ngày, nay cho nó thỏa thuê một chút. Nhưng bảo chúng nó không được cãi nhau.

Mọi người vâng lời.

Đại Ngọc bị Bảo Ngọc làm rầy mãi, đành phải đứng dậy nói:

- Ý anh không muốn cho tôi yên, thì tôi đành phải xa anh.

Nói xong, chạy ngay ra ngoài

Bảo Ngọc cười:

- Em đi chỗ nào, anh cũng đi chỗ ấy.

Một mặt lại cầm lấy cái túi đeo vào người.

Đại Ngọc giơ tay giăng lấy:

- Anh vừa nói không cần, sao lại còn đeo? Tôi lấy làm xấu hổ hộ anh!

Nói xong, phì ra cười. Bảo Ngọc nói:

- Em ơi, ngày mai lại khâu cho anh cái túi khác nhé!

Đại Ngọc nói:

- Để xem đã, lúc nào thích thì làm.

Hai người vừa nói, vừa đến buồng Vương phu nhân, thì gặp Bảo Thoa cũng ở đấy. Lúc này trong nhà Vương phu nhân bận rộn lắm. Vì Giả Tường đã mua mười hai người con gái ở Cô Tô về. Hắn mời người dạy hát và cả những đồ diễn tuồng nữa.

Tiết phu nhân thì dọn sang ở một ngôi nhà về phía đông bắc.

Viện Lê Hương được sửa sang lại cho phường hát ở để dạy con hát. Những người đàn bà già trong nhà, trước biết hát đều đến đó trông nom bọn con hát. Các khoản chi tiêu hàng ngày, các vật liệu cần dùng, đều do Giả Tường cai quản.

Lại có Lâm Chi Hiếu đến báo: mười hai ni cô, đạo cô trẻ tuổi đã đón về, hai mươi bốn bộ áo lễ nữa đã may xong. Ngoài ra có một vị sư cô để tóc, tên Diệu Ngọc, là người Tô Châu. Cô này dòng dõi nhà quan, khi bé lắm bệnh, phải làm bao nhiêu hình nhân thế mạng, vẫn không khỏi; sau cùng phải xuất gia vì thế đi tu mà vẫn để tóc. Năm nay cô ta mười tám tuổi, bố mẹ chết cả, chỉ còn có hai người vú và một a hoàn hầu hạ. Cô này chữ nghĩa rất thông, kinh kệ thuộc lòng, người lại đẹp. Nghe nói kinh đô có những di tích phật Quan âm và bản kinh viết bằng lá bối, nên năm ngoái cô ta theo sư phụ đến đây, hiện đương ở chùa Mầu Ni ngoài cửa tây. Sư phụ của cô ta, lấy số tiên thiên rất giỏi, nhưng đã chết từ mùa đông năm ngoái rồi. Theo lời dặn của sư phụ, Diệu Ngọc không nên về quê, cứ ở đây chờ tự khắc có kết quả tốt. Bởi vậy cô ta chưa về.

Vương phu nhân nói:

- Sao không mời cô ta?

Lâm Chi Hiếu nói:

- Nếu mời miệng thì cô ta sẽ nói: “Nhà quan hay cậy thế ức hiếp người, ta không khi nào chịu đến!”

- Cô ta là con gái nhà quan, tất nhiên hay làm cao. Ta viết thiếp mời, cũng không ngại gì.

Lâm Chi Hiếu vâng lời, ra bảo thư ký viết thiếp mời Diệu Ngọc, ngày mai sắp xe kiệu đi đón.

Bấy giờ có người đến trình: các thợ đang cần the lụa để trang trí, đến xin Phượng Thư mở lầu phát cho; lại có người đến trình: xin Phượng Thư nhận bỏ kho cho nhưng đồ vàng bạc, Vương phu nhân cùng các người hầu thân đều không ai được rỗi. Bảo Thoa nói:

- Chúng ta không nên ở đây làm quẩn chân, vướng tay người ta.

Bèn cùng Bảo Ngọc, Đại Ngọc đến buồng Nghênh Xuân nói chuyện phiếm.

Vương phu nhân ngày nào cũng bận túi bụi. Mãi đến cuối tháng mười thu xếp xong. Những người đốc biện đã tính toán và bàn giao sổ sách; các đồ cổ, các bức thư họa đã được bày biện ở các nơi; những chim muông như hạc, hươu, thỏ, gà, ngỗng đã mua về và đem thả ở trong vườn. Giả Tường cũng soạn xong hai mươi ba vở hát. Các ni cô, đạo cô niệm phật, tụng kinh đều đã thông thạo. Bấy giờ Giả Chính mới yên lòng, mời Giả mẫu vào vườn xem lại một lượt. Thấy mọi việc xếp đặt đã ổn thỏa đâu vào đấy không còn sai sót một ly. Giả Chính bèn chọn ngày tâu sớ lên. Chỉ vua truyền xuống: đến rằm tháng giêng sang năm là tiết thượng nguyên, Quý phi sẽ về thăm nhà. Từ đó trong phủ họ Giả bận rộn suốt ngày, ăn tết cũng vội vã.

Thấm thoát gần đến tiết nguyên tiêu, từ mồng tám tháng giêng trở đi đã có viên thái giám đến xem xét phương hướng: chỗ thay áo, chỗ ngồi chơi, chỗ nhận lễ, chỗ ăn tiệc, chỗ nghỉ ngơi. Lại có viên thái giám tổng quản lý quan phòng đem bọn thái giám nhỏ đến xem xét chỗ canh gác, chỗ căng màn, và dặn bảo người nhà họ Giả các nghi lễ như chỗ nào phải lui ra, chỗ nào quỳ, chỗ nào dâng món ăn, chỗ nào tâu việc. Bên ngoài lại có nhân viên bộ công và ty ngũ thành binh mã phải đến quét dọn đường sá, ngăn cấm những người không có chức vụ qua lại.

Bọn Giả Xá thì đốc thúc những thợ làm đèn đuốc. Mãi đến ngày mười bốn, mọi việc mới xếp đặt xong. Đêm hôm ấy, không một ai được chợp mắt.

Hôm rằm, đầu canh năm, từ Giả mẫu trở xuống, theo chức tước mặc phẩm phục đại trào. Trong vườn Đại quan, màn rồng, rèm phượng, vàng bạc châu báu choáng lên khắp nơi.

Đỉnh đốt hương bách hợp, lọ cắm hoa trường xuân, bốn bề im lặng như tờ, không một tiếng động. Bọn Giả Xá đứng ngoài cửa Tây, bọn Giả mẫu đứng ở ngoài cửa chính phủ Vinh. Đầu đường cuối ngõ mùng màn che kín. Đang lúc chờ lâu sốt ruột, chợt có một viên thái giám cưỡi ngựa đến, Giả Chính đón hỏi t tức.

Viên thái giám nói:

- Hãy còn sớm chán, đầu giờ mùi ngự cơm chiều, giữa giờ mùi đến lễ phật ở cung Bảo Linh, đầu giờ dậu vào cung Đại Minh hầu yến, xem đèn rồi mới xin thánh chỉ về, có lẽ đầu giờ tuất mới bắt đầu đi.

Phượng Thư nghe xong, nói:

- Thế thì mời bà và mẹ hãy về buồng nghỉ, chờ lúc ấy sẽ ra cũng không muộn.

Giả mẫu trở về. Công việc trong vườn đều do Phượng Thư trông nom.

Những người coi việc, mời bọn thái giám đi ăn uống, sau đó bảo người nhà gánh từng gánh nến đi thắp ở các nơi.

Chợt nghe bên ngoài có tiếng ngựa chạy rầm rập, chừng mười viên thái giám thở hồng hộc đến vẫy tay ra hiệu. Bọn thái giám ở đấy biết là quý phi sắp đến, đều theo phương hướng đứng xếp hàng. Giả Xá dẫn con cháu trong họ đứng chực ngoài cửa Tây. Giả mẫu dẫn đám đàn bà trong họ đứng ở ngoài cửa chính đón tiếp. Lặng lẽ một lúc, thấy hai viên thái giám đi từ từ đến cửa Tây, xuống ngựa đem buộc ở ngoài chỗ quây màn rồi ngoảnh mặt về phía tây, buông thõng tay đứng chực. Chốc sau lại có hai viên nữa. Rồi cứ thế lần lượt tới gần mười đôi, khi ấy mới nghe văng vẳng có tiếng âm nhạc từ đằng xa vọng lại. Rồi từng đôi một cầm quạt phượng, cờ rồng, lông trĩ, quạt rồng, và lẵng vàng đốt trầm hương. Theo sau là một cái tán vàng thêu bảy con phượng, che mũ, áo, đai, giày. Lại có bọn thái giám mang khăn tay. ống nhổ, phất trần cũng từng đôi một lũ lượt đi qua. Sau cùng là tám viên thái giám rước cỗ xe loan thêu phượng màu vàng từ tử đi đến.

Giả mẫu vội quỳ xuống, có ngay bọn thái giám đến đỡ dậy. Xe loan đi vào cửa chính, rẽ sang phía đông, đến trước một nhà, có viên thái giám quì xuống, mời quí phi xuống xe thay áo. Khi vào đến cửa, bọn thái giám lui ra, chỉ có Tiêu Dung, Thái Tần(5) đỡ Nguyên Xuân xuống xe.

(5). Các nữ quan trong cung.

Trong vườn, đèn hoa sáng rực, đều làm bằng the lụa cực kỳ tinh xảo, trên treo một cái biển căng đèn, viết bốn chữ: “thể nhàn mộc đức”(6).

 (6). Nhờ nhân đức nhà vua.

Nguyên Xuân vào thay áo rồi lại lên xe ra thăm vườn: khói thơm nghi ngút, bóng hòa rập rờn, chỗ nào cũng đèn sáng chói lọi, lúc nào cũng tiếng nhạc du dương, thật là cảnh tượng thái bình, phong lưu phú quí, nói không xiết được!

Nhớ lại những ngày ở dưới núi Thanh Ngạnh trong dãy núi Đại Hoang, mình sao mà buồn rầu tịch mịch vậy! Nếu không nhờ nhà sư chốc đầu và đạo sĩ khiễng chân mang đến đây, thì làm gì mình được thấy cái thế giới này. Muốn làm một bài phú đèn trăng, bài tụng tinh nhân, để ghi lại việc hôm nay, nhưng lại sợ vướng vào khuôn sáo của các sách. Với quang cảnh ấy, dù có làm bài phú, bài tụng, cũng không thể hình dung hết cái đẹp của nó; mà không làm thì những hào hoa mỹ lệ, chắc độc giả cũng có thể tưởng tượng ra được. Cho nên xin bớt đi, khỏi phải dài dòng, để quay về ý chính là hơn.

Giả phi ngồi trên kiệu trông thấy quang cảnh trong và ngoài vườn, lẳng lặng thở dài: “Xa hoa quá”. Chợt viên thái giám quì mời lên thuyền. Giả phi xuống kiệu, chỉ thấy một dòng nước trong uốn khúc như rồng lượn, hai bên bờ đá, treo các thứ đèn bằng thủy tinh hoặc pha lê, sáng như bạc, trắng như tuyết. Khắp trên cành cây liễu, cây hạnh, đều kết hoa giả bằng giấy lụa và thông thảo treo hàng bao nhiêu ngọn đèn. Dưới nước có những đèn hình hoa sen, hoa ấu, con le, con cò, đều làm bằng vỏ trai, ốc hoặc lông chim. Trên dưới đua sáng, trời nước một màu, thực là một thế giới lưu ly. Trên thuyền lại có các chậu hoa, các thứ đèn cực kỳ tinh xảo, rèm châu, màn gấm, chèo quế, sào lan, không cần phải nói nhiều... Vào bến đá, có một cái biển đèn đề bốn chữ: “Liễu đình hoa tự”.

Bạn đọc thử xem, những chữ: “liễu đình hoa tự”, “hữu phượng lai nghi”. Chỉ là những chữ Giả Chính muốn thử tài Bảo Ngọc, sao lại đem ra đề thực? Họ Giả lại là một nhà nền nếp thi thư, bạn bè qua lại đều là những tay tài giỏi, làm gì chả có mấy người đứng ra đề vịnh, sao lại lấy những câu của chú bé con để lấp liếm cho qua? Như vậy khác nào bọn hào phú, quẳng tiền ra, chuốc những chuyện tô son điểm phấn, như loại: Trước cửa khóa vàng cây liễu lục; sau nhà bình gấm chặng non xanh; và cho đó là nhã. Đằng này, hai phủ Ninh, Vinh mà suốt cuốn thạch đầu đã nêu ra thì không phải như vậy. Xem thế, đủ thấy trái ngược rất xa. Độc giả chưa hiểu, để vật ngu xuẩn nói rõ đầu đuôi cho hay.

Nguyên là Giả phi lúc bé được Giả mẫu nuôi dạy. Sau thêm được Bảo Ngọc. Giả phi là chị cả, Bảo Ngọc là em út. Giả phi nghĩ mẹ tuổi đã cao, mới sinh được đứa em nhỏ, nên rất thương yêu Bảo Ngọc, khác hẳn mọi người. Vả lại, chị em cùng ở với Giả mẫu, không rời nhau lúc nào. Khi Bảo Ngọc mới ba, bốn tuổi, chưa đi học, đã được Giả phi dạy truyền khẩu, thuộc lòng mấy quyển sách, biết đến mấy nghìn chữ. Tuy là chị em, nhưng chẳng khác gì mẹ với con. Sau khi vào cung, Giả phi thường nhắn tin cho cha mẹ: “Cần phải nuôi dạy Bảo Ngọc cẩn thận, không nghiêm thì sau này không thành người, nhưng nghiêm quá lại sợ xảy ra sự bất trắc, làm cho cha mẹ lo buồn”.

Lòng quyến luyến của Giả phi đối với Bảo Ngọc thật là không khuây chút nào. Mấy hôm trước, thấy thầy học khen Bảo Ngọc tài tình, Giả Chính chưa tin, nhân lúc vào thăm vườn, liền bắt đề thơ, để xem ý tứ hay dở thế nào. Ông ta nghĩ: “Câu đối, biển đề” có nhờ ngòi bút của bậc đại tài cũng chẳng khó gì. Song trẻ con làm ra, tuy không hay lắm, cũng có chỗ đáng lấy và có phong vị của nhà mình hơn”. Mặt khác, ông ta cũng mu để Giả phi biết rằng: những câu đề vịnh này là của em nhỏ nghĩ ra, để khỏi phụ lòng Giả phi ngày thường mong mỏi. Vì thế ông ta mới để những câu đó lại. Còn chỗ nào hôm trước chưa đề, về sau đều đề thêm cả.

Giả phi xem bốn chữ này cười nói:

- Hai chữ “hoa tự” là được rồi, cần gì phả thêm “liễu đình” nữa?

Thái giám đứng hầu nghe vậy, vội lên bờ truyền cho Giả Chính. Giả Chính lập tức cho viết lại.

Bấy giờ thuyền đến bờ, ghé lại. Giả phi lên xe, thấy cung điện nguy nga, trên bức hoảnh viết bốn chữ lớn: “Thiên tiên bảo cảnh”(7) Giả Phi sai đổi là: “Tinh thân biệt thự”(8), rồi tiến vào hành cung. Ở đây, đèn đuốc rực trời, hương thơm nhát đất, cây lửa, hoa kỳ, cửa vàng, cột ngọc, rèm cuốn bằng móc râu tôm, đệm giải bằng da rái cá, đỉnh tỏa mùi xạ hương, tường treo quạt đuôi trĩ. Thực là: “Chốn thần tiền cửa vàng lầu ngọc, nhà hoàng phi đền quế, cung lan”

(7). Cảnh đẹp cõi tiên.

(8). Nhà riêng về thăm cha mẹ.