Hồng lâu mộng - Chương 019 - Phần 2

Mẹ và anh thấy Tập Nhân cương quyết như thế, tất nhiên là không chịu về. Vả chăng, trong văn tự là bán đứt. Nhưng thấy họ Giả là một nhà từ thiện phúc đức, nếu đến xin nài, có thể không phải mất tiền chuộc. Hai là họ Giả xưa nay ân nhiều uy ít chưa từng hành hạ người nhà bao giờ, bao nhiêu con gái hầu thân trong các phòng đều được biệt đãi, ngay các cô gái nhà thường dân chưa chắc đã được quý trọng bằng. Sau đó Bảo Ngọc đến chơi, sự thân mật giữa họ làm cho hai mẹ con càng thấy rõ như ban ngày, thật là ngoài sức tưởng tượng. Từ đó mọi người yên lòng, không nghĩ đến việc chuộc nữa.

Tập Nhân từ bé thấy Bảo Ngọc tính tình khác thường, cáu kỉnh, ngang bướng khác mọi đứa trẻ. Lại có những nết xấu rất kỳ quặc, không thể nói hết. Lâu nay được bà nuông chiều, bố mẹ không dám ngăn cấm. Bảo Ngọc càng phóng túng dông dài, không thích chăm lo việc chính. Nhiều lúc, Tập Nhân muốn khuyên nhủ, nhưng biết Bảo Ngọc chẳng chịu nghe nào. May sao hôm nay nhân có dịp nhà muốn chuộc mình về, Tập Nhân nói dối để dò ý và ngăn chặn Bảo Ngọc nhụt bớt đi, rồi sẽ tìm cách khuyên răn. Thấy Bảo Ngọc lẳng lặng đi ngủ, biết rằng cậu ta không nỡ dứt tình vơi mình và lòng đang chán nản. Tập Nhân vốn không thích ăn hạt dẻ, nhưng sợ vì một bát bánh sữa mà sinh chuyện, lại như chuyện chén trà của Phiến Tuyết lần trước, nên nói dối là thích ăn, để đánh lảng câu chuyện. Sau đó, chị ta cho bọn a hoàn nhỏ đem đi ăn, rồi đến đánh thức Bảo Ngọc. Thấy Bảo Ngọc nước mắt giàn giụa, Tập Nhân nói:

- Việc gì mà phải đau buồn thế? Nếu cậu thực lại thì khi nào tôi đi!

Bảo Ngọc thấy câu nói ý vị, liền nói:

- Theo như chị nói, thì tôi giữ chị lại làm sao được? Và chính tôi cũng chẳng biết nói thế nào nữa.

Tập Nhân cười:

- Hai chúng ta ngày thường tử tế với nhau, cái đó không cần phải nói. Nhưng cậu muốn giữ tôi ở lại, thì không phải chỉ ở chỗ tử tế với nhau. Tôi đề ra ba việc, cậu có nghe thì mới là thực bụng giữ tôi ở lại, dù dao kề cổ cũng không khi nào tôi đi.

Bảo Ngọc cười:

- Chị nói đi! Những việc gì? Chị ơi, chẳng cứ ba việc, đến ba trăm việc tôi cũng theo; chỉ mong các chị ở đây trông nom tôi giữ gìn tôi, khi nào tôi hóa thành tro bay, nhưng tro bay cũng chưa được, vì nó còn dấu vết, còn có tri thức! Phải chờ khi nào tôi hóa thành một làn khói nhẹ, gió thổi một cái là tan ngay, các chị không trông nom được tôi, tôi cũng chẳng đoái hoài đến các chị, lúc ấy tôi cũng vậy, các chị cũng vậy, tha hồ muốn đi đâu thì đi.

Tập Nhân vội vàng bịt mồm Bảo Ngọc lại bảo:

- Khéo lắm! Tôi đang muốn ngăn đi, cậu lại mở miệng nói độc rồi.

- Từ rầy tôi không nói thế nữa.

- Đấy là điều thứ nhất cậu cần phải đổi ngay.

- Xin đổi. Nếu tôi nói nữa thì chị cứ vả vào mồm tôi! Còn việc gì nữa không?

- Còn việc thứ hai: cậu thực lòng thích học hay giả vờ cũng mặc, nhưng không nên chê bai bừa bãi trước mặt ông nhà và mọi người. Cậu nên làm ra dáng chăm học để ông nhà đỡ bực mình và nên lựa lời nói khéo lấy lòng người ta. Trong bụng ông thường nghĩ nhà ta đời đời đọc sách, không ngờ từ khi có cậu, không những biếng học, làm cho ông buồn bực, lại khi vắng mặt người ta thì cậu hay chê bai nhảm nhí. Những người đọc sách để tìm đường tiến thủ, cậu đều đặt cái tên riêng cho họ như "con mọt ăn lộc”. Cậu lại nói, trừ mấy chữ "minh minh đức” ra, thì không còn sách nào nữa, toàn là do ý nghĩ nhảm nhí của người trước biên chép ra. Nói như thế tránh sao ông chả giận, chả muốn đánh cậu?

Bảo Ngọc cười nói:

- Thôi, không nói thế nữa. Đó là lúc tôi còn bé, không biết trời cao đất dày, quen miệng nói nhảm. Từ giờ tôi không dám nói những câu ấy nữa. Còn việc gì nữa không?

Tập Nhân nói:- Cậu không được chế nhạo tăng đạo, không được chơi hoa chơi phấn. Điều cần nhất là không được ăn những sáp non đã đánh ở trên môi người ta, và những nết tính xấu như ưa thích màu hồng.

- Xin chừa hết, xin chừa hết. Còn việc gì nữa nói nết ra.

- Chẳng còn gì nữa, chỉ cần mọi việc, cậu phải suy nghĩ cẩn thận, không được làm liều là được rồi. Nếu cậu quả thực nghe theo những lời tôi khuyên, thì dù đem kiệu tám người khiêng đến, cũng không thể rước nổi tôi ra khỏi nhà này.

Bảo Ngọc cười nói:

- Chị cứ ở đây, cũng có lúc ngồi kiệu tám người khiêng.

Tập Nhân cười nhạt:

- Cái đó tôi chẳng thèm khát gì. Có phúc mà không có đức thì dù được ngồi kiệu cũng chẳng thú gì.

Hai người đương nói chuyện, thấy Thu Văn đến giục:

- Canh ba rồi, nên đi ngủ thôi. Vừa rồi cụ sai người sang hỏi, tôi trả lời cụ đã ngủ rồi.

Bảo Ngọc lấy đồng hồ xem thì kim đã trỏ giờ tý hai khắc, bấy giờ mới bắt đầu rửa mặt súc miệng, cởi áo đi nằm.

Sáng hôm sau, Tập Nhân dậy, thấy người khó chịu, đầu nhức, mắt hoa, chân tay nóng nực, lúc đầu còn cố, sau không gượng nổi, chỉ thích ngủ, bèn để nguyên cả áo nằm xoài trên giường. Bảo Ngọc vội trình Giả mẫu cho mời thầy xem mạch.

Thầy thuốc nói bị cảm lạnh, uống một vài thang phát tán sẽ khỏi. Rồi kê đơn sai người đi lấy thuốc về sắc. Bảo Ngọc dặn Tập Nhân uống xong phải trùm chăn cho ra mồ hôi. Sau đó Bảo Ngọc đến thăm Đại Ngọc.

Đại Ngọc đương nằm ngủ trưa. Bọn a hoàn đi chơi cả. Trong nhà im lặng như tờ. Bảo Ngọc vén rèm thêu vào, lay Đại Ngọc dậy, nói:

- Cô em vừa ăn xong đã đi ngủ à?

Đại Ngọc tỉnh dậy, thấy Bảo Ngọc, nói:

- Anh hãy ra ngoài chơi. Đêm qua tôi thức cả đêm, hôm nay chưa được nghỉ, đau nhừ cả người.

Bảo Ngọc nói:

- Đau mình là sự thường, chứ ăn mà ngủ ngay, thì thành bệnh to. Tôi sẽ làm cho cô em đỡ buồn, để quên ngủ thì hơn.

Đại Ngọc cứ nhắm mắt, nói:

- Tôi không ngủ, chỉ nằm một lát, anh hãy ra ngoài chơi, chốc nữa sẽ đến.

Bảo Ngọc nói:

- Tôi đi đâu bây giờ?

Đại Ngọc phì cười, rồi nói:

- Nếu muốn ở lại đây, thì sang bên kia ngồi nghiêm chỉnh, chúng ta sẽ nói chuyện.

- Tôi cũng muốn ngả lưng.

- Thì anh cứ ngả lưng.

- Nhưng không có gối. Chúng ta gối chung một gối vậy.

- Bậy nào! Ở ngoài kia chẳng có gối là gì? Mang một cái đến mà gối.

Bảo Ngọc ra bên ngoài, nhìn một lượt rồi quay vào nói:

- Cái gối kia tôi không cần, không biết đó là gối của mụ già nào mà bẩn thế!

Đại Ngọc nghe nói, trừng mắt đứng dậy nói:

- Anh thực là sao "thiên ma" trong lá số của tôi. Đây xin mời gối cái gối này.

Nói xong, Đại Ngọc đưa cái gối của mình cho Bảo Ngọc, rồi lấy cái gối khác để gối. Hai người nằm đối diện nhau.

Đại Ngọc nhìn thấy bên má trái Bảo Ngọc có một nốt đỏ bằng cái khuya áo, liền xích lại gần lấy tay xoa kỹ xem rồi nói:

- Đã bị móng tay ai cào sứt ra đây?

Bảo Ngọc nằm nghiêng lại, cười nói:

- Chẳng có ai cào cả. Có lẽ lúc nãy lọc sáp cho họ bị sáp bắn lên một giọt.

Nói xong tìm khăn để lau. Đại Ngọc lấy khăn lụa của mình lau hộ, và chép miệng:

- Anh lại làm những trò ấy à? Làm thì đã đành rồi, nhưng cũng cần phải giấu đi. Dù cậu không thấy, nhưng nếu người khác thấy thì họ cho là một việc lạ lùng quái gở, sẽ kháo ầm lên, đến tai cậu thì chẳng ai yên được đâu.

Nhưng Bảo Ngọc chẳng nghe gì cả, chỉ ngửi thấy mùi thơm ở trong tay áo Đại Ngọc đưa ra, làm Bảo Ngọc tâm hồn mê mẩn, liền kéo tay áo Đại Ngọc xem trong ấy đeo thứ hương gì. Đại Ngọc cười nói:

- Đương buổi trưa này ai đeo hương làm gì?

- Thế thì mùi thơm này ở đâu ra?

- Tôi cũng không biết, hay là mùi hương ở trong hòm áo.

Bảo Ngọc lắc đầu:

- Chưa chắc. Mùi hương này lạ lắm, không giống như mùi hương bánh, hương quả cầu và hương trong túi đâu.

Đại Ngọc cười nhạt:

- Làm gì có vị La Hán chân nhân nào đem cho tôi những mùi hương lạ ấy? Dù có chăng nữa, cũng chẳng có anh em ruột thịt nào lấy hoa, lấy nhụy, lấy sương, lấy tuyết chế ra cho tôi. Tôi chỉ có những thứ hương phàm tục thôi.

Bảo Ngọc cười nói:

- Hễ tôi nói một câu, là em lại sinh sự bắt bẻ. Nếu không trị cho em một phen đáo để thì em không biết tay, từ giờ không tha thứ nữa đâu.

Nói xong, giơ hai tay lên, lấy ngón tay cù vào hai bên cạnh sườn Đại Ngọc. Đại Ngọc có máu buồn, thấy Bảo Ngọc giơ tay muốn cù thì cười giốc lên:

- Anh Bảo Ngọc, anh đùa nữa tôi giận đấy.

Bảo Ngọc mới dừng tay lại cười hỏi:

- Còn nói thế nữa thôi?

Đại Ngọc cười nói:

- Không dám nói nữa ạ.

Rồi vén tóc cười:

- Tôi có mùi "hương lạ" thì anh có mùi "hương ấm” không?(2)

(2). Đại Ngọc nói bóng nói gió, nhắc đến “lãnh hương hoan” của Bảo Thoa (xem hồi thứ 7) có nghĩa là “hương lạnh” nên Đại Ngọc dùng nghĩa trái là “hương ấm”.

Bảo Ngọc nghe không hiểu, hỏi:

- Thế nào là "hương ấm"?

Đại Ngọc cười nói:

- Ngu quá! Anh có ngọc thì người ta có vàng để sánh đôi, thế mà người ta có "hương lạnh", anh lại không có "hương ấm" à?

Bảo Ngọc mới nghe ra, cười nói:

- Vừa mới xin lỗi, đã lại nói kháy rồi.

Nói xong, lại chực giơ tay cù.

Đại Ngọc cười:

- Anh ơi! Tôi không dám thế nữa!

Bảo Ngọc cười nói:

- Tha cho em cũng dễ thôi, nhưng phải đưa tay áo cho tôi ngửi.

Bảo Ngọc kéo tay áo Đại Ngọc trùm vào mặt ngửi mãi. Đại Ngọc giật tay nói:

- Thôi anh nên về đi.

Bảo Ngọc cười:

- Tôi không về đâu. Chúng ta cùng nằm tử tế nói chuyện với nhau.

Bảo Ngọc lại nằm ngả mình xuống. Đại Ngọc cũng nằm, lấy khăn lụa che mặt.

Bảo Ngọc thỉnh thoảng lại giở những chuyện vớ vẩn ra nói. Đại Ngọc đều không để ý. Bảo Ngọc hỏi Đại Ngọc: Khi đến kinh bao nhiêu tuổi? Đi đường thấy nhưng phong cảnh gì? Dương Châu có những cổ tích gì? Phong tục ở đấy thế nào? Đại Ngọc đều không trả lời. Bảo Ngọc chỉ sợ Đại Ngọc ngủ rồi sinh ốm, bên nói lừa:

- Ái chào! Ở trong thành Dương Châu, có một việc to lớn, em có biết không?

Đại Ngọc thấy Bảo Ngọc nói vẻ trịnh trọng, nghiêm nghị, tưởng là chuyện thực, bèn hỏi việc gì? Bảo Ngọc nín cười nói:

- Dương Châu có một ngọn Đại sơn, trên núi có động Lâm Tử.

Đại Ngọc cười nói:

- Đó là bày chuyện nói nhảm, xưa nay chẳng nghe thấy cái tên núi ấy bao giờ.

- Thiên hạ núi sông rất nhiều, em biết thế nào hết được, để tôi nói xong đã sẽ bình phẩm.

- Thế thì nói đi.

- Nguyên trước đây động Lâm Tử có một đàn chuột già đã thành tinh. Năm ấy vào ngày mùng bảy tháng chạp, một con chuột già lên ngồi trên cao truyền phán công việc: "Ngày mai là mồng tám tháng chạp, người ta đều nấu cháo "lạp bát". Nay trong động ta đương thiếu hoa quả, đồ ăn. Nhân dịp này chúng ta đi kiếm lấy mấy thứ. Nói rồi liền rút một cái lệnh tiễn, sai một con chuột nhỏ thạo việc đi thăm dò các nơi. Sau đó con chuột nhỏ về báo: "Đã đi thăm dò các nơi rồi, chỉ có một ngôi miếu ở dưới núi là có nhiều hoa quả và thóc gạo". Con chuột già hỏi: “Gạo, quả có mấy thứ?" Chuột nhỏ thưa: "Gạo, đậu hàng kho; quả có năm thứ: một là táo đỏ, hai là hạt dẻ, ba là lạc, bốn là củ ấu, năm là khoai thơm". Chuột già nghe nói mừng lắm, rút một cái lệnh tiễn, hỏi: "Ai đi ăn trộm gạo?" Một con nhận lệnh đi. Lại rút một cái lệnh tiễn nữa hỏi: "Ai đi ăn trộm đậu?" Con khác nhận lệnh đi. Rồi hai con nữa đều nhận lệnh tiễn đi làm việc. Còn khoai thơm, chuột già rút lệnh tiễn ra hỏi: "Ai đi ăn trộm?" Có con chuột bé nhỏ, yếu đuối nhất chạy ra xin đi. Chuột già và các chuột khác thấy nó yếu đuối, sợ không quen việc, không cho đi. Nó nói: “Tôi tuy nhỏ yếu, nhưng pháp thuật rất mầu nhiệm, ăn nói linhó mưu sâu sắc, đi chuyến này chắc tôi ăn trộm tài hơn cả". Một con khác hỏi làm thế nào mà cho là tài? Chuột con nói: "Tôi không ăn trộm đường hoàng như bọn kia. Tôi chỉ quay mình một cái biến thành củ khoai thơm, rồi lẩn vào trong đống khoai. Không ai nhận ra. Sau tôi khe khẽ khuân ra và dần dần khuân hết cả đống. Thế chẳng tài hơn bọn kia cứ trơ tráo đi ăn trộm hay sao?” Những con chuột kia đều nói: "Giỏi đấy, nhưng cách biến thế nào? Làm thử cho chúng ta xem nào?" Chuột con nghe rồi cười nói: “Việc ấy khó gì. Tôi biến cho mà xem". Nói xong nó quay mình biến ngay thành một cô con gái rất đẹp. Mấy con chuột khác vộI cười nói: "Nhầm rồi! Nhầm rồi! Trước nói biến thành củ khoai thơm, sao lại biến thành một cô gái?" Con chuột con trở lạI nguyên hình cười nói: Chúng bay không biết rõ chuyện đời! Chỉ biết củ ấy là củ khoai thơm, mà không biết cô gái nhà cụ Lâm mới chính là "ngọc thơm" đấy!”(3)

(3). Theo chữ Trung Quốc: “khoai thơm”, “ngọc thơm” đều đọc giống nhau.

Đại Ngọc nghe nói, vùng ngay dậy, dí tay vào người Bảo Ngọc cười nói:

- Cái anh toét miệng này! Tôi biết ngay rằng anh lại đặt điều chế nhạo tôi mà!

Nói xong Đại Ngọc lại véo miệng Bảo Ngọc, Bảo Ngọc liền kêu van:

- Em ơi! tha cho tôi, tôi không dám thế nữa! Vì ngửi thấy mùi thơm của em, chợt nhớ đến chuyện cổ tích ấy.

Đại Ngọc cười nói:

- Tha hồ mắng người ta, rồi anh lại bảo là chuyện cổ tích!

Đương nói chuyện thì Bảo Thoa đến, cười hỏi:

- Ai nói chuyện cổ tích, cho tôi nghe với.

Đại Ngọc vội mời Bảo Thoa ngồi rồi cười nói:

- Chị xem đấy, còn ai nữa? Anh ấy mắng tôi, lại còn nói là chuyện cổ tích.

Bảo Thoa cười:

- A, thế ra cậu Bảo đấy à? Lạ nhỉ! Xưa nay cậu ấy nhớ rất nhiều chuyện cổ, nhưng chỉ tiếc có một điều: lúc đáng dùng điển cổ thì cậu ấy lại quên. Hôm nay nhớ được thì đêm hôm nọ làm bài thơ “ba tiêu” cũng phải nhớ chứ? Thế mà truyện ngay trước mắt cũng nghĩ mãi không ra. Lúc đó người ta thì rét run không chịu được, mà cậu ấy thì đổ mồ hôi ra. Bây giờ sao trí nhớ lại tốt thế!

Đại Ngọc cười nói:

- A di đà phật! Chị thực đáng là bậc chị của tôi! Giờ cậu Bảo mới gặp tay đối thủ. Thế mới biết rằng sự báo ứng không sai chút nào.

Họ nói chuyện đến đây, nghe thấy bên phòng Bảo Ngọc có tiếng cãi cọ ầm lên.