Hồng lâu mộng - Chương 019 - Phần 1

Chương 19: Hồi thứ mười chín

Tình đằm đêm khuya hoa biết nói

Ý triền miên ngày vắng ngọc thêm hương

Giả phi về cung, hôm sau vào chầu Vua tạ ơn và tâu lại về việc thăm nhà. Mặt rồng rất vui, lại phát những vàng bạc, gấm vóc trong kho thưởng cho Giả Chính và gia thuộc.

Nói về hai phủ Vinh, Ninh suốt mấy ngày làm hết hơi sức, sau đó lại phải thu xếp những đồ trần thiết trong vườn, hai ba ngày mới xong, ai cũng mỏi mệt. Phượng Thư là người bận hơn cả. Nếu như người khác còn có thể lảng tránh công việc, nhưng Phượng Thư thì không sao làm ngơ được; vả lại chị ta tính hiếu thắng, không chịu để người chê trách, nên ôm đồm hết thảy mà vẫn làm ra dáng ung dung như không bận rộn gì. Trái lại, chỉ có Bảo Ngọc là người nhàn rỗi nhất. Một buổi sáng, mẹ Tập Nhân đến hầu Giả mẫu, xin phép cho con về nhà ăn cỗ đầu năm, đến chiều mới về. Vì thế Bảo Ngọc chỉ đánh cờ, chơi đùa với lũ a hoàn. Đương lúc buồn, chợt thấy người hầu vào nói: “ông Trân bên phủ Đông mời cậu sang xem hát, đốt cây bông”. Bảo Ngọc nghe nói, bảo thay quần áo. Lúc sắp đi, thì Giả phi sai người đem cho bánh sữa. Bảo Ngọc nghĩ ngay đến Tập Nhân thích ăn thứ bánh này, liền bảo để dành, rồi xin phép Giả mẫu đi xem hát.

Những trò hát bên nhà Giả Trân là “Đinh lang nhận phụ”, “Hoàng Bá Ương đại bài âm hồn trận”, “Tôn hành giả đại náo Thiên cung”, “Khuơng thái công trảm tướng phong thần”. Lúc thì quỷ thần biến ảo, lúc thì ma quái ly kỳ; phất cờ chạy đèn, dâng hương niệm phật, tiếng chuông trống, hò hét ầm ĩ, cả ngoài đường cũng nghe thấy. Người qua lại trên phố đều tán tụng: "Vui quá nhỉ? Nhà khác làm gì có trò này". Bảo Ngọc thấy phồn hoa huyên náo quá, không chịu được, ngồi một lúc rồi ra dạo chơi các nơi. Trước hết, vào nhà trong nói quấy với Vưu thị và các tỳ thiếp một lúc, rồi đi ra cửa. Vưu thị tưởng Bảo Ngọc lại ra xem hát, nên không để ý. Bọn Giả Trân, Giả Liễn, Tiết Bàn thì lăn vào đánh đố, uống rượu, giở trăm trò vui, ai nấy cứ cho là Bảo Ngọc đi vào nhà trong, nên không hỏi đến. Cả những người lớn theo hầu Bảo Ngọc cũng cho là Bảo Ngọc thế nào đến chiều mới về. Được dịp rỗi, họ họp nhau đánh bạc, hoặc đi uống rượu ở nhà họ hàng, bạn hữu. Mỗi người tản đi mỗi nơi, hẹn nhau đến chiều mới về. Bọn trẻ con thì chen nhau vào buồng xem hát.

Bảo Ngọc không thấy có người nào theo hầu, liền nghĩ: "Nhà này có một thư phòng nhỏ, trong có treo bức tranh mỹ nhân rất thần tình. Bây giờ ở đây vắng người, mỹ nhân ấy chắc cũng hiu quạnh lắm. Ta cần phải đến đó thăm hỏi xem sao". Nghĩ thế rồi đi. Đến nơi, mới vào cửa, nghe trong phòng có tiếng thở. Bảo Ngọc giật mình, nghĩ: Có lẽ mỹ nhân hiện thành người thật chăng? Rồi đánh bạo, dấp nước bọt, chọc thủng cửa sổ giấy nhìn vào, thấy mỹ nhân vẫn y nguyên ở trong tranh. Té ra Dính Yên đương đè một người con gái, ôn lại bài học của nàng Cảnh ảo trước đây. Bảo Ngọc ăn không được, đạp cửa vào hét to: "Quá lắm nhỉ!" Hai người nghe động, ôm lấy áo sợ run lên.

Dính Yên trông thấy Bảo Ngọc, vội quỳ xuống kêu van. Bảo Ngọc nói:

- Đương lúc ban ngày ban mặt, mày làm trò gì thế? Nếu anh Trân biết thì mày sống hay chết?

Nhìn lại thấy người con gái, mặt mũi sạch sẽ, tuy không đẹp lắm, nhưng có vẻ dễ thương, hổ thẹn cúi đầu, đứng im không nói gì. Bảo Ngọc giậm chân nói:

- Còn không đi à?

Cô gái nghe xong chạy đi ngay. Bảo Ngọc lại theo ra nói to:

- Đừng sợ! Tao không mách ai đâu.

Dính Yên vội kêu lên:

- Ông trẻ ơi! Thế là ông mách người ta rồi còn gì?

- Con bé ấy bao nhiêu tuổi?

- Độ mười sáu mười bảy tuổi.

- Ngay tuổi nó mày cũng không hỏi, mà đã làm cái trò ấy! Thật là nó vớ uổng phải mày! Đáng thương! Đáng thương! Còn tên nó là gì?

- Nếu nói tên nó ra thì chuyện cũng dài và mới lạ lắm. Nó nói: khi sắp đẻ, mẹ nó nằm mộng thấy được một tấm gấm, trên mặt thêu hoa năm sắc hình chữ "Vạn", vì thế đặt tên nó là Vạn Nhi.

- Thế thì lạ thật, chắc sau này nó cũng khá đấy.

Nói xong, Bảo Ngọc lặng lẽ nghĩ ngợi giờ lâu.

Dính Yên hỏi:

- Hát hay thế, sao cậu không xem?

- Xem một chốc, buồn quá, chạy ra ngoài chơi thì gặp chúng bay. Bây giờ nên làm gì đây?

Dính Yên cười khì khì:

- Bây giờ không ai biết, tôi lẳng lặng đưa cậu ra ngoài thành chơi một chốc rồi sẽ về.

- Không được, cẩn thận đấy, kẻo mẹ mìn nó bắt đi. Và nếu họ biết thì lại làm ầm lên. Sao bằng đi chơi nơi nào gần đây rồi lại trở về.

- Nếu đi gần đây thì nên đến nhà ai? Kể cũng khó đấy!

- Cứ ý ta, chúng ta đến thăm chị Hoa(1) xem chị ấy ở nhà làm gì.

(1). Tập Nhân họ Hoa (xem hồi 3).

- Được được, nhưng tôi không nhớ nhà chị ta. Vả lại, nếu họ biết tôi dẫn cậu đi chơi nhảm, thì tôi sẽ bị đòn.

- Đã có ta.

Dính Yên nghe nói, dắt ngựa đến, rồi hai người từ cửa sau đi ra. May là nhà Tập Nhân không xa, chỉ độ nửa dặm đường thoắt đã đến cửa.

Dính Yên vào trước gọi anh Tập Nhân là Hoa Tự Phương. Bấy giờ mẹ Tập Nhân đương ăn hoa quả với Tập Nhân và mấy người cháu gái. Nghe bên ngoài có người gọi "anh Hoa", Hoa Tự Phương vội chạy ra, thấy hai thầy trò Bảo Ngọc. Hắn sợ hãi không biết có việc gì, vội vàng bế Bảo Ngọc xuống ngựa, rồi chạy vào nhà nói to: "Cậu Bảo đến đấy!" Tập Nhân nghe thấy, không biết chuyện gì, vội chạy ra đón, dắt tay Bảo Ngọc, hỏi:

- Có việc gì mà cậu đến đây?

- Buồn quá, đến xem chị làm gì thôi.

Tập Nhân nghe xong mới yên lòng, nói:

- Cậu cũng liều quá, đến đây làm gì?

Rồi hỏi Dính Yên:

- Còn có ai đi theo hầu không?

- Chẳng có ai cả.

Tập Nhân lại sợ hãi nói:

- Như thế sao được! Nếu gặp người quen, hay ông nhà hoặc ngoài đường người chen, ngựa giẫm, có việc gì xảy ra thì sao? Có phải chuyện chơi đâu? Các người quả to gan thật. Chỉ tại thằng Dính Yên bày trò ra cả. Khi về, ta mách các vú nhất định đánh cho chết thằng giặc này.

Dính Yên bĩu mỏ nói:

- Cậu mắng tôi, đánh tôi, bắt phải đưa đi, bây giờ lại đổ tội cho tôi. Tôi đã bảo đừng đến mà! Nếu thế, chúng tôi về quách.

Hoa Tự Phương khuyên can:

- Cậu đã trót đến đây rồi, nói lôi thôi mãi làm gì. Chỉ hiềm nhà tôi nhà rách, vách nát, chật hẹp, bẩn thỉu, biết mời cậu ngồi đâu được?

Mẹ Tập Nhân ra đón. Bảo Ngọc thấy trong buồng có bốn năm người con gái. Trông thấy Bảo Ngọc, họ đều cúi đầu, thẹn đỏ mặt. Mẹ con Hoa Tự Phương sợ Bảo Ngọc lạnh, mời lên ngồi trên bục, mang hoa quả, nước trà đến. Tập Nhân cười nói:

- Đừng làm cuống lên, vô ích, tôi biết cậu ấy rồi, đừng nên cho ăn nhảm.

Nói xong đem cái nệm của mình giải trên ghế, rồi dắt Bảo Ngọc ngồi xuống. Lại mang cái ***g ấp chân của mình để vào chân Bảo Ngọc. Lại lấy ở túi ra hai cái bánh mai hoa đưa cho Bảo Ngọc và đốt ***g ấp tay của mình, đậy kín lại, để vào lòng Bảo Ngọc. Rồi lại lấy chén riêng của mình pha trà mời Bảo Ngọc uống. Bấy giờ anh và mẹ Tập Nhân đã bày sẵn một mâm hoa quả. Tập Nhân thấy không có gì đáng ăn, liền cười nói:

- Cậu đã đến đây, có nhẽ nào lại về không, hãy nếm một tí gọi là lần đầu đến chơi nhà tôi.

Nói xong, lấy một ít hạt dẻ bóc sạch vỏ, đựng vào khay tay đưa cho Bảo Ngọc.

Bảo Ngọc trông thấy Tập Nhân hai mắt đỏ hoe, mặt phấn hơi ướt, khẽ hỏi:

- Chị khóc gì thế?

- Ai khóc bao giờ, vì ngứa mắt, tôi dụi đấy thôi.

Rồi bỏ qua chuyện ấy. Nhân thấy Bảo Ngọc mặc áo vóc đỏ chẽn tay, thêu rồng vàng lót da cáo, ngoài khoác áo xanh lót da cừu. Tập Nhân nói:

- Khi cậu đến đây mặc áo mới, ở nhà không ai hỏi à?

- Anh Trân mời xem hát, nên mới thay mặc bộ này.

Tập Nhân gật đầu, lại nói:

- Hãy ngồi một lát rồi về. Chỗ này không phải là chỗ cậu đến đâu nhé.

- Chị nên về nhà ngay mới được. Tôi đã để phần chị một thứ ngon lắm.

- Nói khẽ chứ, người ta nghe thấy thì còn ra làm sao?

Rồi giơ tay tháo "viên ngọc thiêng" ở cổ Bảo Ngọc ra, cười nói với các chị em:

- Này hãy xem đi. Ngày thường các chị cứ phàn nàn không được trông thấy của hiếm này, bây giờ thì xem cho chán đi, có gì là lạ, chẳng qua nó cũng chỉ thế thôi.

Nói xong, Tập Nhân đưa viên ngọc cho mọi người chuyền tay nhau xem một lượt, rồi lại đeo vào cổ Bảo Ngọc.

Tập Nhân bảo người anh đi thuê xe hoặc kiệu đưa Bảo Ngọc về. Hoa Tự Phương nói:

- Để tôi đưa đi, cậu ấy cưỡi ngựa cũng được.

Tập Nhân nói:

- Không phải là không được, chỉ sợ người ta trông thấy.

Hoa Tự Phương vội đi thuê một cỗ kiệu lớn, mọi người không tiện giữ lại, đành để Bảo Ngọc ra về. Tập Nhân lại đưa một nắm quả cho Dính Yên và cho nó tiền mua pháo, rồi bảo:

- Nếu nói với ai, cả mày cũng có tội đấy.

Rồi đưa Bảo Ngọc ra cửa, lên xe, buông màn xuống. Hoa Tự Phương và Dính Yên dắt ngựa đi theo. Đến phủ Ninh, Dính Yên bảo dừng xe, rồi nói với Hoa Tự Phương:

- Tôi và cậu Hai hãy vào phủ Đông chơi một lúc sẽ về, để người ta khỏi ngờ.

Hoa Tự Phương cho là phải, vội ẵm Bảo Ngọc xuống kiệu, rồi đỡ lên ngựa. Bảo Ngọc cười:

- Làm phiền anh quá.

Liền đi về cửa sau.

Thấy Bảo Ngọc đi vắng, lũ a hoàn tha hồ chơi đùa, đánh cờ, đánh bài, vất đầy vỏ hạt dưa ra. Vú Lý chống gậy đến thăm Bảo Ngọc, thấy bọn a hoàn xúm nhau lại chơi đùa, vú rất khó chịu, thở dài:

- Dạo này ta ít đến đây, chúng bay càng làm bừa bãi quá. Các vú khác chẳng ai dám nói động đến chúng bay cả. Bảo Ngọc như cây đèn cao ngất, chỉ biết đi soi nhà người, còn nhà mình thì không hề soi đến, để cho chúng nó phá phách đến thế này, chẳng còn thể thống gì cả.

Bọn a hoàn xưa nay biết Bảo Ngọc không để ý đến những việc lặt vặt; vú Lý đã thôi việc cáo lão về nhà rồi, còn cai quản thế nào được chúng. Vì thế, mụ nói gì mặc mụ, chúng cứ việc chơi đùa. Vú Lý lại hỏi:

- Bây giờ Bảo Ngọc mỗi bữa ăn được bao nhiêu cơm? Đến giờ nào đi ngủ?

Bọn a hoàn trả lời qua loa. Có đứa còn nói: “Cái mụ già này chán thật!”

Vú Lý lại hỏi:

- Bánh sữa trong bát kia sao không đưa ta ăn?

Nói xong, vú Lý lấy ngay ra ăn. Một a hoàn bảo:

- Mụ đừng động vào! Cậu bảo là để phần chị Tập Nhân. Lát nữa cậu về là lôi thôi đấy. Má ăn thì má phải chịu lấy, đừng để rầy rà đến chúng tôi.

Vú Lý nghe xong vừa tức vừa xấu hổ, liền nói:

- Ta không ngờ cậu ấy lại xử tệ với ta như thế. Đừng nói một bát bánh sữa chứ một thứ gì quý giá hơn nữa ta ăn cũng đáng. Lẽ nào cậu ấy lại quý Tập Nhân hơn ta? Lẽ nào cậu ấy lại không nghĩ vì ai mới lớn được như thế? Vì máu ta hoá sữa cho cậu ấy bú rồi mới lớn lên. Bây giờ ta ăn một bát bánh sữa mà cậu ấy lại sinh sự với ta à? Ta cứ ăn, xem cậu ấy làm trò gì? Chay có biết Tập Nhân là đứa thế nào không? Nó là một đứa a hoàn bé con, do tay ta gây dựng, chứ có quý hoá gì.

Vừa nói vừa tức, vú ăn hết cả bát bánh sữa. Một a hoàn cười nói:

- Các chị ấy vụng về, làm má tức giận. Cậu Bảo Ngọc vẫn thường biếu má thứ này thứ khác luôn, có nhẽ nào vì một bát bánh sữa mà cậu ấy không bằng lòng?

Vú Lý nói:

- Chúng mày cũng đừng nói mèo nói cáo đánh lừa ta. Mày tưởng bận trước chuyện đập chén trà của con Phiến Tuyết, ta không biết à? Ngày mai có xảy ra điều gì, ta sẽ đến nhận.

Nói xong hầm hầm đi ra.

Một lúc Bảo Ngọc về, sai người đi đón Tập Nhân, thấy Tình Văn nằm dài trên giường không dậy. Bảo Ngọc hỏi:

- Ốm hay thua bạc đấy?

Thu Văn nói:

- Nguyên là nó được bạc, nhưng vì vú Lý đến làm ồn, nó đối đáp không lại, nó tức khí đi ngủ đấy thôi.

Bảo Ngọc cười nói:

- Các chị đừng để ý đến mụ ấy, mặc kệ mụ ấy là hơn.

Ngay sau đó, Tập Nhân về, mọi người chào nhau. Tập Nhân hỏi Bảo Ngọc hôm nay ăn cơm ở đâu? Về sớm hay muộn? Lại nói mẹ và em gửi lời hỏi thăm các chị em. Rồi thay quần áo, bỏ đồ trang sức ra. Bảo Ngọc sai người lấy bánh sữa. Bọn a hoàn nói: "Vú Lý ăn cả rồi". Bảo Ngọc toan hỏi, thì Tập Nhân vội cười nói:

- Thế ra để phần cái ấy à? Cám ơn cậu lắm. Hôm nọ vì thấy ngon, tôi ăn nhiều, đâm ra đau bụng, sau phải nôn ra mới khỏi. Bà ấy ăn cho là may, nếu cứ bỏ đấy cũng phí đi thôi. Tôi chỉ thích ăn hạt dẻ, cậu bóc giùm cho mấy hạt để tôi đi thu dọn giường chiếu đây.

Bảo Ngọc nghe nói tưởng thật, không nghĩ đến chuyện bánh sữa nữa. Bèn lấy hạt dẻ đến gần đèn ngồi bóc. Nhân thấy trong buồng vắng người, Bảo Ngọc cười hỏi Tập Nhân:

- Hôm nay cái người mặc áo đỏ là bà con thế nào với chị?

- Là chị con bà dì tôi đấy.

Bảo Ngọc nghe nói thở dài mấy cái.

Tập Nhân nói:

- Việc gì mà cậu thở dài? Tôi biết bụng cậu rồi. Cậu cho là chị ấy không đáng mặc áo đỏ chứ gì

Bảo Ngọc cười nói:

- Không phải thế, không phải thế! Người như thế không đáng mặc thì còn ai đáng? Vì tôi trông thấy chị ấy đẹp thật, làm thế nào để chị ấy đến ở với chúng ta thì hay lắm.

Tập Nhân cười nhạt:

- Một mình tôi làm tôi đòi chưa đủ, cậu muốn dắt cả bà con họ hàng tôi vào nữa hay sao? Cậu thì muốn chọn tất cả những người con gái thật đẹp đến ở nhà này ấy?

Bảo Ngọc vội cười nói:

- Chị lại hay đa nghi! Tôi bảo chị ấy đến ở nhà tôi, chứ có phải nhất định đến đây làm tôi đòi đâu; coi chị ấy như họ hàng không được à?

Tập Nhân nói:

- Đâu dám chơi trèo thế.

Bảo Ngọc không nói gì nữa, chỉ bóc hạt dẻ. Tập Nhân cười hỏi:

- Sao không nói chuyện nữa đi? Chắc vừa rồi tôi nói có điều trái ý cậu. Ngày mai tức khí cậu phí mấy lạng bạc mua họ về là được ngay chứ gì?

Bảo Ngọc cười nói:

- Nói thế còn ai biết trả lời thế nào? Chẳng qua tôi khen chị ấy đẹp, đáng lẽ phải sinh vào nơi cửa cao nhà rộng như ở đây. Trái lại chúng tôi là hạng ô trọc lại được đẻ ở nhà này!

Tập Nhân nói:

- Chị ấy tuy không được may mắn như cậu nói, nhưng cũng được nuôi nấng chiều chuộng. Dượng và dì tôi coi như viên ngọc quí vậy. Năm nay chị ấy mười bảy tuổi, các đồ tư trang đã sắm đủ cả, sang năm sẽ đi lấy chồng.

Bảo Ngọc nghe hai tiếng "lấy chồng", không nhịn được, lại thở dài, trong bụng áy náy khó chịu. Tập Nhân lại than thở:

- Trong mấy năm nay, chị em mỗi người mỗi ngả, nay tôi đang định xin về, thì họ lại sắp đi cả.

Bảo Ngọc nghe câu nói có ý tứ, giật mình, bỏ ngay hạt dẻ xuống hỏi:

- Vì cớ gì chị lại muốn về?

Tập Nhân nói:

- Hôm nay tôi thấy mẹ tôi và anh tôi bàn với nhau bảo tôi cố ở rốn lại một năm. Sang năm sẽ xin chuộc về.

Bảo Ngọc nghe nói, cuống

- Làm sao lại chuộc chị về?

Tập Nhân nói:

- Cậu hỏi mới lạ chứ? Tôi có phải như những người khác, đời đời làm tôi đòi đâu. Cả nhà tôi ở nơi khác, chỉ có một mình tôi ở đây sao lại để mãi thế được?

- Nhưng tôi không bằng lòng thì chị cũng khó mà về được.

- Xưa nay không có nhẽ nào như thế. Đừng nói nhà cậu, ngay đến trong cung nhà vua cũng có lệ nhất định, mấy năm một lần tuyển, mấy năm một lần thải về, không có nhẽ nào giữ mãi người ta ở lại được.

Bảo Ngọc nghĩ thấy có lý, lại nói:

- Nhưng cụ không cho chị về thì sao?

Tập Nhân nói:

- Tại sao lại không cho tôi về? Nếu quả khó tìm được một người như tôi, cụ và bà Hai có bụng tiếc, cho nhà tôi thêm mấy lạng bạc nữa, giữ tôi ở lại, thì cũng có lý. Nhưng thực ra, tôi cũng chỉ là hạng tầm thường, còn rất nhiều người hơn. Khi bé, tôi theo cụ rồi hầu cô Sử mấy năm, bây giờ đến hầu cậu. Giá nhà tôi đến chuộc, có lẽ không mất tiền chuộc mà nên gia ơn cho tôi về mới phải. Còn bảo rằng tôi hầu cậu khéo, không cho về, thì không bao giờ có chuyện như vậy. Phận sự tôi là phải khéo hầu, chứ nào có công trạng gì. Tôi về thì sẽ có người hầu khéo hơn, đừng sợ vắng tôi không có người làm nổi việc.

Bảo Ngọc nghe vậy, thấy Tập Nhân chỉ muốn về chứ không muốn ở, trong bụng càng bồn chồn, liền nói:

- Chị nói thì đúng đấy, nhưng tôi cứ giữ chị lại, thế nào cụ cũng nói chuyện với bà nhà, và đưa thêm ít tiền, chắc bà cũng không nỡ đón chị về nữa.

Tập Nhân nói:

- Khi nào mẹ tôi dám cưỡng. Đừng kể đến chuyện nói tử tế và cho thêm tiền, dù chẳng bảo gì, chẳng cho đồng nào, cứ bắt tôi ở lại, mẹ tôi cũng không dám trái lệnh. Nhưng nhà ta xưa nay chẳng cậy thần thế ức hiếp bao giờ. Việc này không thể ví với các việc khác được, hễ cậu thích là bỏ nhiều tiền ra mua, người bán hàng không bị thiệt thế là được rồi. Nay vô cớ, giữ tôi lại, đã không ích gì cho cậu, lại làm cho ruột thịt nhà tôi chia lìa nhau. Việc này cụ và bà Hai có nỡ làm không?

Bảo Ngọc nghe xong nghĩ một lúc rồi nói:

- Theo lời chị nói thì chị định đi thật à?

- Định đi thật.

Bảo Ngọc nghĩ bụng: "Không ngờ người thế mà lại bạc tình bạc nghĩa!" Liền than thở:

- Nếu sớm biết ai cũng định đi cả, thì mình chuốc đến đây làm gì. Có lẽ sau này chỉ còn trơ trọi một mình.

Nói xong, bực bội lên giường ngủ

Nguyên khi về nhà, Tập Nhân được tin mẹ và anh muốn chuộc mình về. Tập Nhân nhất định không chịu, nói:

- Ngày trước nhà ta không có bát ăn, chỉ có một mình tôi là đáng giá mấy lạng bạc; nếu không bán tôi đi, để mẹ chết đói, sao cho đành lòng. Bây giờ may mắn tôi được vào nơi này, ăn mặc cũng như chủ nhà, lại không bị đánh hôm chửi mai gì. Vả chăng, cha đã chết rồi, nhà ta lại gây dựng được cơ nghiệp. Ví còn nghèo túng, định chuộc tôi về để kiếm thêm ít tiền, thì đã đành rồi. Nhưng thực ra nhà ta không đến nỗi thế. Vậy định chuộc tôi về làm gì? Cư coi như tôi đã chết rồi là xong, đừng nên nghĩ đến chuyện ấy nữa.

Rồi chị ta khóc lóc một hồi.