Hồng lâu mộng - Chương 077 - Phần 1

Chương 77: Hồi thứ bảy mươi bảy

A hoàn đẹp, sớm chết oan vì tội phong lưu;

Con hát xinh, cắt tình duyên vào am Thủy Nguyệt

Tết Trung thu đã qua, bệnh Phượng Thư đã đỡ hơn trước, có thể ra vào đi lại được, nhưng hàng ngày vẫn phải mời thầy đến xem mạch bốc thuốc, lại cho thuốc viên với thuốc điều kinh dưỡng vinh. Vì vậy phải dùng đến hai lạng nhân sâm tốt nhất, thấy vậy Vương phu nhân cho người đi tìm, mãi mới thấy ở trong cái hộp có mấy chi nhỏ bằng cái trâm cài đầu. Bà ta chê không tốt, sai đi tìm lại, chỉ thấy một gói râu sâm vụn, liền sốt ruột nói:

- Khi không cần thì lại có, đến lúc dùng đến lại không tìm ra. Ngày thường ta vẫn bảo chúng bay sắp cả lại để một chỗ, chúng bay không nghe, bạ đâu bỏ đấy. Chúng bay có biết cái hay của nó đâu. Phải kén bao nhiêu mới mua được, lại bỏ đi hay sao?

Thái Vân nói:

- Chắc hết cả rồi, chỉ còn có thứ này thôi. Lần trước bà Cả bên kia sang lấy, bà cho cả rồi.

- Làm gì có chuyện ấy! Mày tìm kỹ xem.

Thái Vân đành phải đi tìm rồi mang mấy bao đựng các vị thuốc đến, nói:

- Cháu không nhận ra được những thứ này, xin đưa bà xem. Ngoài ra không còn thứ nào nữa.

Vương phu nhân mở ra xem, cũng quên cả vị thuốc không biết là thứ gì, nhưng không có một chi nhân sâm nào, liền sai người đi hỏi Phượng Thư. Phượng Thư đến nói:

- Cũng chỉ có một ít cao sâm, còn sâm lô tư tuy có mấy chi, nhưng cũng không được tốt lắm, mà ngày nào cũng phải sắc với thuốc.

Vương phu nhân nghe nói, đành phải bảo sang bên Hình phu nhân, Hình phu nhân nói:

- Lần trước hết sâm phải sang lấy ở bên này, nhưng cũng dùng hết cả rồi.

Vương phu nhân không biết làm thế nào, đành phải sang hỏi xin Giả mẫu. Giả mẫu sai Uyên Ương lấy ra một bọc sâm lớn trước kia dùng thừa đều xấp xỉ bằng đầu ngón tay, liền cân hai lạng cho Vương phu nhân, Vương phu nhân mang ra, giao cho vợ Chu Thụy gọi đứa hầu nhỏ đưa cho thầy thuốc cả mấy gói lẫn lộn để thầy thuốc xem lại, gói riêng và đánh dấu từng thứ một.

Một lúc vợ Chu Thụy mang vào, nói:

- Mấy thứ này đều gói riêng đánh dấu cả rồi. Gói nhân sâm này tuy tốt thật, nhưng vì để lâu quá. Thứ này không như những thứ khác, dù tốt đấy, để quá một trăm năm cũng thành ra gio mất. Hiện giờ tuy chưa thành gio, nhưng đã mục nát, không còn hiệu nghiệm nữa. Xin bà cất đi, bất cứ lớn nhỏ, nhiều ít, đem đổi lấy thứ mới

Vương phu nhân cúi đầu lặng yên, một lúc mới nói:

- Chả có cách gì, đành đi mua hai lạng về đây vậy!

Rồi không nhìn đến nữa, chỉ sai đem cất đi. Bà ta lại bảo vợ Chu Thụy:

- Chị ra bảo những người ngoài kia chọn thứ tốt đổi lấy hai lạng về đây. Cụ có hỏi, cứ nói là sâm của cụ cho, không được nói nhiều.

Bảo Thoa ngồi đấy cười nói:

- Dì hãy thong thả. Bây giờ ở ngoài không có thứ nào tốt cả. Dù có nguyên cả chi, họ cũng cắt ra làm hai ba đoạn, chắp nối sâm tu khác vào, trộn lẫn để dễ bán, nên không ai nhận ra được tốt hay xấu. Ở hiệu nhà cháu thường giao dịch với bọn lái buôn. Cháu về nói với mẹ cháu bảo anh cháu sai người làm công đi nói với họ để lại cho hai lạng sâm nguyên chi, dù có phải trả đắt mấy lạng bạc nhưng lại được thứ tốt.

Vương phu nhân cười nói:

- Cháu cũng thạo đấy, nhưng phải nhờ cháu đi lấy mới biết rõ được.

Bảo Thoa đi một lúc về trình:

- Cháu sai người đi rồi, đến chiều sẽ biết tin. Sáng mai đem trộn với thuốc cũng chưa muộn.

Vương phu nhân lấy làm vui lòng, thở dài:

- “Cô ả bán dầu lại bôi đầu bằng nước lã”. Xưa nay ở nhà vẫn có, đem cho người ta biết bao nhiêu, bây giờ mình cần đến, lại phải đi chuốc nơi khác.

Bảo Thoa cười thưa:

- Cái ấy tuy đắt tiền thực, nhưng cũng là một thứ thuốc, nên giúp đỡ người ta mới phải. Chúng ta không như những nhà ti tiện, hễ có cái gì cứ bo bo cất kỹ.

Vương phu nhân gật đầu nói:

- Cháu nói phải đấy.

Bảo Thoa đi rồi. Vương phu nhân thấy nhà không có ai, liền gọi vợ Chu Thụy, hỏi việc tra xét trong vườn hôm nọ có ra manh mối gì không?

Vợ Chu Thụy đã bàn trước với Phượng Thư, nên không giấu giếm gì, có thế nào nói thế. Bà ta giật mình, nhưng lại khó xử, nghĩ bụng: “Tư Kỳ là a hoàn của Nghênh Xuân, là người ở phủ bên kia, chỉ còn cách sai người sang trình Hình phu nhân xem xử trí ra sao”. Vợ Chu Thụy nói:

- Hôm nọ bà Cả bên đã mắng vợ Vương Thiện Bảo hay bới việc và tát mấy cái, giờ mụ ấy giả ốm nằm ở nhà không chịu ra ngoài. Hơn nữa đứa có tội lại là cháu, nên phải vờ ốm ít ngày để xí xóa, rồi ra sao sẽ ra. Nếu bây giờ chúng ta sang nói, họ lại đâm ngờ, cho là chúng ta bới chuyện. Chi bằng dẫn Tư Kỳ cùng tang vật sang cho bà Cả bên ấy xem, chẳng qua đánh nó một trận, gả nó đi, rồi tìm một a hoàn khác đến thay, như thế chả đỡ việc hay sao? Bây giờ cứ sang mách không, chắc bà Cả bên ấy từ chối, bảo rằng đã thế thì bà Hai cứ định liệu lấy, việc gì phải sang nói nữa. Như thế lại sinh nhỡ việc. Nếu Tư Kỳ đâm liều tìm cách tự tử, lại chẳng ra sao cả. Mà có cho người coi nó vài ba hôm, lỡ lười ra một tí là sẽ xảy chuyện.

Vương phu nhân nghĩ một lúc, nói:

- Phải đấy. Làm xong việc này đã, rồi hãy liệu cho bọn yêu tinh nhà này.

Vợ Chu Thụy nghe nói, liền họp mấy người đàn bà lại, trước hết đến buồng Nghênh Xuân trình rõ, Nghênh Xuân nghe nói, rơm rớm nước mắt như có ý không muốn rời Tư Kỳ. Vì việc đêm hôm trước, bọn a hoàn đã kể rõ đầu đuôi, tuy tình thầy trò đã mấy năm không nỡ dứt, nhưng việc quan hệ đến nề nếp gia phong, Nghênh Xuân cũng không làm thế nào được.

Tư Kỳ cũng đến nói với Nghênh Xuân nhờ cứu giúp cho, nhưng vì Nghênh Xuân chậm mồm chậm miệng, tính lại nhu nhược, không thể tự mình quyết định đước. Tư Kỳ thấy thế, biết không tránh khỏi tội, liền quỳ xuống khóc:

- Cô nhẫn tâm quá! Dỗ dành cháu mấy hôm nay, sao bây giờ cô không nói giúp cháu một câu nào?

Vợ Chu Thụy nói:

- Lại định để cô giữ chị ở lại à? Dù cô có giữ lại, chị cũng chẳng còn mặt mũi nào trông thấy người ở trong vườn này nữa. Thôi cứ nghe lời chúng tôi, xếp cái lối ấy lại, lẳng lặng mà đi, đừng cho ai biết, như thế mọi người còn giữ được chút thể diện.

Nghênh Xuân khóc nói:

- Tôi biết chị làm điều không đúng, nếu xin cho chị, tất nhiên tôi cũng bị mang tiếng lây. Chị xem Nhập Họa ở đây đã mấy năm rồi, khi nói đi là đi ngay. Không riêng gì chị, những người đã lớn ở trong vườn này đều phải đi cả. Cứ ý tôi, sau này cũng có lúc chúng ta phải xa cách nhau, chi bằng ngay bây giờ mỗi người mỗi nơi còn hơn.

Vợ Chu Thụy nói:

- Như thế là cô rất hiểu việc. Nay mai còn cho nhiều người về nữa, chị cứ yên tâm.

Tư Kỳ không biết làm thế nào, cứ rơm rớm nước mắt cúi đầu chào Nghênh Xuân, chào tất cả mọi người. Sau đó lại ghé tai nói với

- Hễ biết tin cháu bị tội, thế nào cô cũng nghĩ đến tình thầy trò bấy lâu, xin hộ cho cháu.

Nghênh Xuân cũng rơm rớm nước mắt trả lời:

- Chị cứ yên tâm.

Vợ Chu Thụy đưa Tư Kỳ ra, và sai hai bà già mang tất cả đồ đạc của nó đi theo. Đi được mấy bước thấy Tú Quất ở đằng sau chạy đến, vừa gạt nước mắt, vừa đưa cho Tư Kỳ một cái bọc bằng lụa, nói:

- Đây là cô cho chị đây. Tình thầy trò bấy nay, giờ xa cách nhau, cô cho chị bọc này để làm vật kỷ niệm.

Tư Kỳ nhận rồi òa lên khóc. Tú Quất cũng khóc. Vợ Chu Thụy sốt ruột, cứ thúc giục mãi, hai người đành phải chia tay.

Tư Kỳ khóc nói:

- Xin các bà thể tất chút tình, thư lại một lúc để tôi đi chào các chị em, gọi tỏ tình mấy năm nay chúng tôi chơi thân với nhau.

Bọn vợ Chu Thụy đều mỗi người mỗi việc, giờ phải đi làm việc này cũng là sự bất đắc dĩ. Hơn nữa họ vẫn ghét Tư Kỳ hay làm bộ, thì bây giờ hơi đâu lại chịu nghe lời, liền cười nhạt:

- Chị nên đi đi, đừng lôi thôi nữa! Chúng tôi còn có việc cần, ở đây có ai là chị em ruột thịt với chị đâu mà phải đi chào họ. Gặp chị, họ chả cười cho ư? Chị cứ nấn ná mãi, chẳng lẽ lại thôi hay sao. Cứ nghe tôi, chị đi ngay đi!

Chị ta dẫn thẳng Tư Kỳ ra cổng sau, Tư Kỳ không làm sao được và cũng không dám kêu nài nữa, đành phải đi theo.

Bảo Ngọc ở ngoài về, trông thấy một bọn dẫn Tư Kỳ đi, có người mang theo nhiều đồ vật. Bảo Ngọc đoán Tư Kỳ đi chuyến này là không trở về được nữa. Nhân nghe chuyện đêm vừa rồi, và cũng từ đêm đó Tình Văn ốm nặng, hỏi Tình Văn cũng không nói. Giờ thấy Tư Kỳ ra đi, Bảo Ngọc như người mất hồn, liền ngăn lại hỏi:

- Đi đâu thế?

Biết tính Bảo Ngọc xưa nay, lại sợ làm lèo nhèo nhỡ việc, vợ Chu Thụy cười nói:

- Không việc gì đến cậu, cậu về mà đọc sách đi.

Bảo Ngọc cười nói:

- Các chị hãy đứng lại một tí, tôi còn có điều này.

Vợ Chu Thụy nói:

- Bà đã dặn không được chậm một giờ. Cậu lại òn có điều gì? Chúng tôi chỉ biết vâng lời bà thôi, ngoài ra không biết gì cả.

Tư Kỳ thấy Bảo Ngọc, liền níu lại, khóc nói:

- Các bà ấy không tự quyết được. Cậu xin với bà Hai cho!

Bảo Ngọc không cầm lòng được, rơm rớm nước mắt nói:

- Tôi không biết chị đã phạm tội gì to tát thế? Chị Tình Văn cũng vì tức mà phát ốm, giờ chị lại phải đi, thế này thì tôi biết làm sao cho được!

Vợ Chu Thụy cáu, mắng Tư Kỳ:

- Chị không còn là tiểu thư thứ hai nữa đâu, nếu không nghe lời, tôi đánh ngay bây giờ. Đừng tưởng như ngày trước có các cô bênh vực, muốn làm trời cũng được. Càng nói càng cứ ỳ ra không chịu đi. Trông thấy ông trẻ lại cố lôi lôi kéo kéo, như thế thì còn ra nghĩa lý gì nữa!

Mấy người đàn bà kia không cho Tư Kỳ phân trần nữa, lôi ngay đi.

Bảo Ngọc sợ bọn họ về đơm chuyện, giận quá chỉ trợn mắt nhìn. Thấy họ đi xa rồi, mới hậm hực chỉ trỏ nói:

- Lạ thực, lạ thực! Sao mấy người đàn bà này, hễ đi lấy chồng, dính phải hơi đàn ông là đâm ra phũ phàng ngay, so với đàn ông càng đáng chém.

Bà già gác cửa vườn nghe thấy, cũng tức cười, hỏi:

- Cứ như cậu thì lúc con gái ai cũng đều tốt, khi lấy chồng rồi lại hóa ra hỏng cả hay sao?

Bảo Ngọc phát cáu nói:

- Đúng đấy, đúng đấy!

Đương nói chuyện thì có mấy bà già đến bảo:

- Các bà phải cẩn thận, hễ gọi đến túc trực lúc nào là phải có đủ mặt. Chốc nữa bà Hai sẽ thân hành vào vườn tra xét đấy. Đi gọi ngay anh và chị dâu cô Tình Văn ở viện Di Hồng đến chực ở đấy để nhận em gái về.

Rồi họ lại cười nói:

- A di đà phật! Hôm nay trời có mắt, tống cổ con yêu tinh tai ác này đi thì mọi người mới được yên thân.

Bảo Ngọc nghe nói Vương phu nhân đến tra xét, đoán ngay là Tình Văn khó lòng ở yên được, liền chạy như bay, nên không nghe rõ những câu hí hửng của bọn bà già này nữa.

Bảo Ngọc về đến viện Di Hồng, đã thấy một bọn người ở đấy rồi. Vương phu nhân ngồi ở trong nhà, mặt vẻ giận, trông thấy Bảo Ngọc cũng chẳng thèm để ý. Tình Văn đã bốn, năm ngày không *****ng một tí nước cháo, giờ bị kéo từ trên giường xuống, đầu bù tóc rối, hai người đàn bà xốc đi. Vương phu nhân dặn:

- Vứt giả nó những quần áo lót, còn thì để lại cho bọn a hoàn ngoan ngoãn mặc. Và gọi tất cả a hoàn ở nhà này ra để ta xem qua một lượt.

Sau ngày Vương phu nhân bực bội về cái chuyện túi, vợ Vương Thiện Bảo nhân dịp ton hót về Tình Văn, rồi đến những người không ưa bọn a hoàn trong vườn, liền nhờ bão bẻ măng, nói chọc thêm vào. Hết thảy bà ta đều ghi lại trong lòng, chỉ vì mấy ngày Tết, hãy tạm dẹp lại, đến nay mới thân chinh vào tra xét ở trong vườn. Chuyện Tình Văn mới chỉ là một, điều cần thiết hơn là có người nói Bảo Ngọc đã lớn, đã biết mùi đời, sợ bị bọn a hoàn xấu ở trong nhà làm hư hỏng chăng. Vì vậy bắt đầu từ Tập Nhân cho đến bọn a hoàn nhỏ sao vặt, bà ta đều xem xét từng người một, rồi hỏi:

- Đứa nào cùng đẻ một ngày với Bảo Ngọc?

Không ai dám trả lời. Bà già trỏ tay thưa:

- Đấy là con Huệ Hương, cũng gọi là con Tư cùng đẻ một ngày với cậu Bảo đấy.

Nhìn kỹ Huệ Hương còn kém Tình Văn xa, nhưng cũng có đôi phần quyến rũ, xem cách đi đứng, vẻ thông minh đều lộ cả ra ngoài, cả từ trang sức cũng lộng lẫy hơn đứa khác, Vương phu nhân cười nhạt, nói:

- Của này cũng là hạng vô liêm sỉ! Mày thường nói vụng, đẻ cùng ngày sẽ là vợ chồng phải không? Mày tưởng ta ở xa, không biết đấy à? Mày phải biết ta không năng đến đây, nhưng tai mắt, lòng dạ ta vẫn ở đây luôn. Có nhẽ nào ta chỉ có một thằng Bảo Ngọc mà lại để mặc cho chúng bay tha hồ cám dỗ làm hư nó?

Huệ Hương thấy Vương phu nhân nhắc đến ngày thường nó tỉ tê chuyện trò với Bảo Ngọc, liền đỏ mặt lên, cúi đầu chảy nước mắt. Vương phu nhân bảo:

- Gọi ngày người nhà nó đến đây, đem về mà gả chồng cho nó. Còn con Phương Quan đâu?

Phương Quan đành phải đến. Vương phu nhân nói:

- Con nhà xướng ca này, tất nhiên càng là con tinh khôn đây! Lần trước cho ra, chúng bay không chịu ra, đã thế thì nên biết thân biết phận mới phải, nhưng mày lại đâm ra tinh ma quấy rối, ton hót Bảo Ngọc, việc gì cũng làm!

Phương Quan cười nói phân trần:

- Cháu có dám dỗ dành cậu ấy đâu.

- Mày lại còn già mồm à? Ta hỏi mày: năm trước ta đi đưa đám Thái phi, đứa nào xui Bảo Ngọc cho con Năm nhà mụ Liễu vào hầu. May mà nó chết sớm, nếu không chúng bay sẽ kéo cánh nhau làm hỏng cả người trong vườn này. Ngay mẹ nuôi mày còn lấn áp, huống chi người khác!

Liền quát:

- Gọi mẹ nuôi nó đến nhận về! Để bà ấy đem ra ngoài gả chồng cho nó. Đồ đạc của nó, cho nó hết.

Lại dặn:

- Tất cả những con hát chia cho các cô năm trước, không cho một đứa nào ở trong vườn nữa. Bảo mẹ nuôi chúng nó đến nhận về gả chồng cho chúng.

Một lời truyền ra, các mẹ nuôi đều hí hửng cám ơn, cùng rủ nhau đến cúi đầu trước Vương phu nhân xin nhận về.

Vương phu nhân lại lục soát tất cả những đồ vật của Bảo Ngọc. Hễ thấy cái gì ngờ ngợ, cũng đều sai mang về để ở buồng mình. Rồi nói:

- Thế này mới yên chuyện để cho người ta khỏi đồn đại.

Lại dặn bọn Tập Nhân, Xạ Nguyệt:

- Chúng bay phải cẩn thận! Nếu còn xảy ra việc gì, ta nhất định không tha đâu! Ta cho người đi xem hạn thì chưa nên rời đi, hãy để ở tạm hết năm nay; sang năm dọn về chỗ cũ, ta mới yên tâm.

Nói xong bà ta cũng chẳng uống nước, dẫn mọi người đi nơi khác khám xét.

Bảo Ngọc tưởng Vương phu nhân chỉ sang khám xét qua loa, không có việc gì quan trọng, ngờ đâu lại nổi cơn sấm sét đến thế. Những việc Vương phu nhân kể ra, đều là chuyện ngày thường họ nói riêng với nhau không sai một chữ nào, chắc không thể gỡ lại được. Báo Ngọc bực không sao chết được, nhưng đương lúc Vương phu nhân thịnh nộ nên không dám nói nhiều, đành đi theo đến đình Thấm Phương. Vương phu nhân bảo:

- Thôi đi về đọc sách đi! Giờ hồn đấy, ngày mai ta sẽ hỏi mày.

Bảo Ngọc quay về, vừa đi vừa tính: “Không biết đứa nào lại mách lẻo thế? Việc này không ai biết cả, sao mẹ mình lại nói đúng thế?”

Về đến nhà, thấy Tập Nhân đương ngồi sụt sùi nhỏ lệ. Thấy người hầu hạng nhất bị đuổi đi, lẽ nào chẳng đau lòng. Bảo Ngọc cũng nằm vật xuống giường, khóc òa lên. Biết người khác còn có thể bỏ qua, chứ Tình Văn bị đuổi là một việc to tát, Tập Nhân liền khuyên bảo:

- Cậu khóc cũng chẳng ăn thua gì đâu. Hã dậy, tôi nói cho mà nghe: Tình Văn giờ đã khỏi bệnh rồi, nếu chị ấy về nhà thì lại được tĩnh dưỡng mấy hôm. Cậu không rời được chị ấy, thì chờ khi bà nguôi giận, cậu lại sang xin với cụ cho gọi nó về, cũng chẳng lấy gì làm khó. Chẳng qua bà ngẫu nhiên nghe thấy người ngoài nói nhảm, nổi giận thế thôi.

- Tôi vẫn không biết chị Tình Văn đã phạm cái tội tày trời gì?

- Bà chỉ nghĩ chị ấy đẹp quá, thế nào cũng có tính lẳng lơ. Bà biết rõ những cô đẹp như người trong tranh, chắc không bao giờ đứng đắn, nên có ý ghét. Chứ cục mịch như chúng tôi lại hóa hay.

- Thôi, không nói chuyện ấy nữa. Những câu chúng ta nói đùa riêng với nhau, không có người ngoài nào lộ chuyện, tại sao bà cũng biết. Thế mới lạ chứ!

- Cậu thì có kiêng nể cái gì, lúc cao hứng lên, cậu cứ nói bừa, không kể gì có người hay không có người. Có lúc tôi đưa mắt, ra hiệu, bị người ta trông thấy, mà cậu vẫn chẳng biết gì cả.

- Tại sao mọi người có lỗi, bà đều biết cả, chỉ không nói đến chị, chị Xạ Nguyệt và chị Thu Văn?