Dạ khúc - Chương 42 - 44

Chương 42 - Cao

Thuở nhỏ, Duy Thức và Gia Tĩnh giống nhau nhiều, trừ hai chuyện: thái độ với những món ăn và Gia Tú.

Gia Tĩnh đặc biệt yêu thích món sâm hầm mật ong, ngày nào cũng phải nhấm nháp. Còn Duy Thức chẳng khoái khẩu món nào. Anh không cho phép mình quá chuộng một thứ gì, tránh thành nô lệ của nó – Không có thì bụng dạ sẽ cồn cào và làm mọi cách để được ăn nó. Ăn để sống, chẳng phải sống để ăn. Sống còn có nhiều điều thú vị hơn là những thứ được bày biện trên chén đĩa.

Gia Tú là viên bảo ngọc trong lòng bàn tay Gia Tĩnh, được nuông chiều vô hạn như để bù đắp việc phải lớn lên ở phương xa. Điều ấy đã phần nào xúi giục nàng trở thành một nữ nhân hoàng tộc trái lề thói. Còn Duy Thức, anh ghét lắm những trò nhố nhăng, cuồng loạn và đành hanh của Gia Tú. Nàng năm xưa chỉ là một nữ hoàng ngốc nghếch, không biết quý trọng và sử dụng những đặc ân của công chúa – những thứ mà hàng vạn cô gái khác có thèm khát và cố gắng cả đời cũng chẳng với tới – vào đúng nơi, đúng việc.

Giờ đây, một phần nào đó của công chúa Gia Tú ngày xưa đang hiển hiện chân thật trước mắt Duy Thức, trong lễ cưới của riêng nàng. Anh thoáng chạnh lòng. Nàng là cô bé bị ép trưởng thành qua một đêm, nên chưa bao giờ thanh thản với cuộc sống của một người lớn. Nàng gắng gượng, và đã làm được một người lớn. Nhưng cái chất thơ bé trong nàng cứ dăm bửa nửa tháng lại quấy phá tâm tính chủ nhân. Lễ cưới kỳ lạ là minh chứng sống động và chuẩn xác nhất. Khung cảnh thùy mị, lãng mạn và cao sang của ngôi dinh thự khiến dòng máu lạnh trong anh cũng được ấm lên đôi chút. Nhưng thứ âm nhạc lệch pha đập ầm ầm vào không gian đã phát tán tất cả cảm xúc tích cực vừa nhen nhóm.

"Lễ cưới của riêng nàng!" – Duy Thức cười thầm. Anh tội nghiệp cho Gia Tú: nàng đâu nhận ra rằng chính cái suy nghĩ trẻ con, ích kỷ nàng càng khiến bản thân thêm đơn độc và bất hạnh. Càng dùng dằng trong xưa xưa nay nay, nàng càng bải hoải giữa nhung nhớ và nuối tiếc triền miên. Để được toàn tâm toàn ý là một người mới, nàng cần tàn nhẫn dứt bỏ bản thân cũ kỹ.

- Anh không ngon miệng sao? – Giọng Gia Tú đầy quan tâm, hệt cô dâu trẻ đang chăm sóc người chồng mới cưới, nhưng ánh mắt nàng rất lạ. Có nghi ngờ và cay nghiệt. Có mỉa mai và trêu ngươi. Duy Thức cảm nhận được sự không ổn.

- Nhìn nàng ăn khá thú vị! – Duy Thức bình tĩnh. Anh nâng rượu của mình lên ngang tầm mắt – Chúc mừng đám cưới của nàng!

- Anh là con người ăn để sống. Nhưng… - Gia Tú nâng ly rượu của mình lên nhưng không động môi vào, chỉ chằm chằm nhìn Duy Thức – Thật chưa có lúc nào anh thèm một món gì ư?

- Hưmmmm… - Duy thức mím môi, nheo mắt nhìn Gia Tú đầy ước lượng. Anh sảng khoái và hồ hởi như nhà thám hiểm đang sải những bước đầu tiên vào cuộc chinh phục mới. Gia Tú chắc chắn đang có suy tính, nhưng anh sẽ không để nàng đắc ý – Mì gói và cà phê lon.

- Hở? – Gia Tú tròn mắt nhìn Duy Thức. Anh đọc trong mắt nàng sự ngạc nhiên và tò mò cực độ.

- Năm nhất đại học, lần đầu tiên thức đêm học thi. Trời khi ấy mùa đông, rất lạnh và có tuyết. Tôi quyết định không dùng món ăn khuya được phục vụ sẵn mà xuống phòng sinh hoạt chung của học xá, thử cuộc sống của một sinh viên bình thường. Tôi đã nhìn miệng người khác. – Duy Thức vỗ tay nhẹ vào đầu, ra chiều xấu hổ khi nhớ lại chuyện cũ.

- Mì gói và cà phê lon?! – Giọng Gia Tú đầy hứng thú.

- Một sinh viên đang lót dạ bằng món ấy. Tôi đã rất muốn thử. Và… - Duy Thức khẽ lắc đầu, nét mặt có chút ngượng nghịu. Anh khẽ khàng đưa ly rượu lên hớp vài ngụm.

- Sao nữa chứ? – Gia Tú nóng ruột. Thân người nàng đổ cả về phía trước, như để nhìn rõ hơn từng cử động trên mặt Duy Thức. Chất cồn đã khiến nàng ngà ngà, xé toạc cái mặt nạ từ tốn và cao ngạo nàng thường đeo keo ở trước mặt anh.

- Tôi tự úp một bát mì, mua lon cà phê, rồi đến ngồi ăn trong phòng sinh hoạt chung. – Giọng Duy Thức đột ngột đanh lại – Dở tệ! Đấy không phải là cuộc sống của tôi. Món mì và cà phê ấy vừa miệng anh bạn kia, nhưng tôi chẳng thể cảm nhận được cái hay của nó. Khi đã ở trên cao thì không thể nhìn xuống.

Gia Tú nhìn Duy Thức trừng trừng. Nội tâm nàng run lên: nàng vừa thua. Nàng hiểu Duy Thức ám chỉ điều gì qua câu chuyện xưa cũ tưởng chừng đơn giản ấy. Đám cưới Hoàng Gia kém xa hoa nhất lịch sử, theo phong cách rất nàng – nàng của ngày xưa – vừa bị anh đạp đổ hết ý nghĩa. Chợt, tai nàng nhói đau bởi tiếng nhạc ầm ĩ nhiều năm trước nàng vẫn nhún nhảy theo trong các vũ trường. Nàng chợt thấy khó chịu sự kệch cỡm của thứ âm nhạc ấy trong không gian mướt mịn, quý phái này. Tâm trạng nàng bị kéo tuột vào một hố đen hun hút, không thấy đáy…

Những đêm ốm thiêm thiếp trên giường là đầu tiên nàng hoảng hốt trong bóng tối. Đơn độc, chơi vơi và đuối sức. Lần đầu tiên nàng thấu hiểu các cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối của hoàng gia: nếu một mình, mấy ai đủ sức mạnh và kiên trì đi hết con đường quyền lực đầy mưu toan, kế sách và bí mật. Nếu một mình, mấy ai đủ khôn ngoan và tỉnh táo, để tự bảo vệ khỏi các vết cứa, vết cắt, vết rạch gây ra từ hoàng cung tuyệt mỹ mà độc địa khó lường. Vì thế, những thành viên hoàng tộc phải tìm và ở bên một người giống mình. Và nàng đã được yên ổn biết bao khi Duy Thức luôn ở bên giường nàng trong những đêm ốm.

Nội tâm Gia Tú lại run lên. Nàng không hiểu mình muốn gì. Nàng chỉ cần Duy Thức bên cạnh để không phải bước đi một mình, nàng đâu trông mong gì hơn. Nhưng sao lòng nàng lại rất tệ khi Duy Thức chẳng cảm nhận được cái thú vị nhất ở nàng – khí chất tự nhiên và sống động như một đóa hồng rực rỡ và hiên ngang trong nắng mai. Khí chất mà nàng luôn tìm cách níu kéo lại trong thân thể mình. Phải chăng khi đã ở trên cao thì không thể nhìn xuống?

Chương 43 - Biển

Gió tạt tóc Gia Tú tung tóe muôn hướng, lúc ôm khít hai bầu má nàng, lúc bạt cả ra sau, để lộ vầng trán cao bướng bỉnh. Gió quất mạnh, cứ ẩn lưng, ẩn chân nàng tới trước. Một lần, gió tưởng hất nàng chúi ngã, Duy Thức liền nhanh tay níu lại. Rồi hai người tiếp tục lặng yên bước dọc mép biển, giữa muôn trùng lộng gió.

Khi những dấu chân đã kéo thành hai đường dài không thấy điểm bắt đầu, Gia Tú bước gần hơn đến biển, mặc những con sóng liếm láp, vấy bẩn chân váy cưới. Nàng thu gom đại dương đen thẳm mênh mông và bầu trời màu hồng lựng trước cơn bão và đôi mắt mở to. Cảnh đêm đáng run sợ ấy mở bật cái túi lòng nàng, cảm xúc cứ rả rích bắn ra. Tâm can nàng vỗ nhẹ những nhớ thương, tiếc nuối, mơ màng… Nàng chớp mắt, hai hàng mi sụt sùi trong miên man: giờ này Bách đang ở phương nào? Bầu trời trên đầu anh sáng hay tối? Anh có đang vô tình rảo mắt qua trời mây rồi thoáng nhớ đến nàng?

- Bách đang làm gì nhỉ? – Duy Thức chủ động tìm chút âm thanh giữa hai người.

- Đôi khi anh nên tiết chế khả năng bắt thóp người khác. – Gia Tú ném cho Duy Thức  ánh nhìn cau có. Nàng nín thinh vài giây, rồi bắt đầu phác họa - Ở nơi anh ấy hiện giờ là buổi chiều. Bách, chắc đang ăn, hay đi siêu thị, hay trốn trong một quán cà phê nào đấy thả thời gian theo những trang sách. Rồi khi đêm xuống, anh ấy sẽ về nhà, ngồi bên cửa sổ cùng cốc cà phê lớn, sáng tạo nên những khúc nhạc mê hồn.

- Chuyện tình của nàng và Bách đã lên xuống nhiều. Bây giờ, nếu nàng chạy đi tìm anh ta, về bên nhau là điều có thể. Một khi Nữ Hoàng đã quyết, tôi dù bày trăm phương ngàn kế cũng không thể thắng.

- Không phải chuyện tình nào qua sóng gió cũng tốt – Giọng Gia Tú bẫng nhẹ như hơi – Một người đã rẽ phải, một người đã rẽ trái, càng đi sẽ càng xa.

Duy Thức chủ ý im lặng nghe Gia Tú trút lòng, cảm nhận nét tương đồng giữa nàng với bầu trời diễm lệ đang bao trùm lấy biển. Trời, lộng lẫy đấy, chẳng mấy chốc sẽ dập nát trong mưa cuồng gió vội. Nàng, vừa phút trước còn hào hứng đòi ngắm biển, giờ đã hóa trầm mặc, đa cảm.

- Ngày xưa, yêu ấm, yêu xinh, yêu ngây thơ. Còn bây giờ, yêu… - Mặc kệ những lời đang buông hoàn toàn không thích hợp để giãi bày cùng Duy Thức, Gia Tú vẫn tiếp tục nói. Tự dưng, nàng muốn nói. Tự dưng, nàng muốn được lắng nghe – Hơi ấm của yêu chẳng đủ sưởi cho ai trong thâm cung giá lạnh. Nhan sắc của yêu hóa bèo bọt trước nhung lụa, ngọc ngà. Khí chất của yêu vô phương đối đầu những toan tính vừa hiểm vừa sâu.

Duy Thức quan sát không sót một biến chuyển nhỏ trên gương mặt Gia Tú. Một tia sắc cạnh lóe lên sau hàng mi hoen nước. Rồi ánh mắt nàng nhanh chóng lắng xuống, mải miết chìm đắm vào biển trời bao la, vừa vờ vĩnh, vừa thật thà.

- Mười, hai mươi năm nữa, chúng ta sẽ thế nào? – Giọng Gia Tú không xúc cảm.

- Thời gian sẽ phủ một lớp nhẹ lên nàng, nhưng nàng vẫn xinh đẹp. Một vị Nữ Hoàng chín chắn và vững vàng. Chúng ta sẽ bớt những câu nói đa nghĩa, bớt những trò vờn bắt. Có thể… - Biết Gia Tú đang nhìn chặt mình, Duy Thức nheo mắt hướng về biển. Ánh mắt anh tỏ ra long lanh xa xăm, như đang chiêm ngưỡng một tưởng tượng lờ mờ - có thể vào giờ này của mười, hai mươi năm nữa, chúng ta đang ở trước biển, nâng ly bên ánh nến mừng kỷ niệm ngày cưới của riêng nàng.

- Năm năm trước, cái viễn cảnh ta cùng anh dạo biển là vô thực nhất. Nên cũng có thể lắm… Mười, hai mươi năm nữa, biết đâu chúng ta lại hòa thuận bên nhau. – Gia Tú thở dài một cái, nhưng không não nề.

- Gia Tĩnh rất thích biển những giờ trước bão. – Duy Thức bỗng bẻ ngoặt câu chuyện.

- Những giờ trước bão, biển tĩnh tại đến lạ. Rồi bỗng chốc bức màn thanh bình bị xé toạc trong gầm thét hung hăng. Cú lộn nhào của thiên nhiên luôn gợi những cảm hứng đặc biệt, khiến lòng người ngập tràn một nỗi trầm trồ. – Gia Tú mạch lạc, như bắt phải chủ đề nàng đã chuẩn bị kỹ mà chưa được dịp gợi lên. Lông mày nàng nhíu nhẹ, tập trung cao độ để không sai những từ Gia Tĩnh từng dùng miêu tả biển trước bão – Anh trai ta luôn có những sở thích quái lạ. Một vị vua… Đáng ra không nên thế! – Nàng kết thúc bằng một nụ cười nhạt và có nét ác.

Lần đầu tiên, Duy Thức phân vân trước Gia Tú. Anh biết có cái kỳ dị trong những lời nàng vừa nói. Anh biết có chuyện đang xảy ra, nhưng không chắc việc xác định rõ ràng trắng đen là hay hay dở.

- Cái đêm Gia Tĩnh chết, hai người đã nói gì trong phòng làm việc? – Gia Tú không để Duy Thức chờ lâu, đòi hỏi điều nàng đang lấn cấn.

- Nhã Lan. Anh trai nàng không muốn cưới Nhã Lan, còn tôi muốn điều ngược lại.

- Xưa và nay vẫn như nhau. Vì quyền lực, anh sẵn sàng dâng người yêu cho kẻ khác.

- Tôi chưa từng yêu Nhã Lan.

- Anh chưa từng yêu Nhã Lan? Vậy Gia Tĩnh… - Gia Tú bỏ lửng câu nói, nhướn mày nhìn Duy Thức ngờ vực. Tâm can nàng bỗng rối bù. Đầu óc nàng bỗng mụ mị. Nàng cố nghĩ, nhưng không mạch máu nào trong não được khai thông. Cuối cùng, nàng thở hắt một cái – Hôm nay là đám cưới riêng của ta, đừng nhắc quá nhiều về một người đã chết.

Gia Tú tiếp tục thẩn thơ bên mép biển, giữa muôn vàn ngọn gió dọc ngang, trước vũ điệu sóng ầm ĩ. Đi sau vài bước, Duy Thức ngắm thân hình nàng mảnh dẻ mà bướng bỉnh trước đất trời. Mỗi lần chứng kiến nàng bị bủa vây trong hằng hà điều khó nghĩ, anh luôn được thú vị. Nhưng hôm nay, tâm tư anh lại không thẳng thớm. Anh vừa đi vừa suy tính…

Bão khẽ khàng từng bước đến bên, hòng lật tung cái mặt nạ ngoan hiền biển đeo trên mình.

Chương 44 - Cười

Gia Tú trở lại Bangkok một ngày mây mù.

Ngồi chờ mưa bên cửa sổ một quán trầm buồn, nàng trầm tư chơi đùa cùng lớp bọt kem xốp bồng trong tách cà phê. Thi thoảng nàng ngước lên, thả hồn vào những con lá đang lăn lóc trên những mái xe hơi đậu trước quán, trên vỉa hè lát gạch, trên mặt đường nhựa của con phố nhỏ.

Tâm dạ Gia Tú sụt sùi và ngượng nghịu như trong cuộc hội ngộ với người bạn thanh mai trúc mã. Nàng cố không chớp mắt để gói ghém trọn vẹn khung cảnh bình lặng đang chầm chậm trôi qua ngoài khung cửa vào tâm trí. Nàng dùng ngón tay chấm mút chút bọt kem, thú vị với phép ví von mình vừa sáng tạo: Bangkok vài ngày mà ních đầy tay những túi giấy mua sắm, thụ hưởng các dịch vụ du lịch xa xỉ, rồi phóng thanh rằng đã tường tận thành phố Nụ Cười này, thì chỉ là khoác lác. Ai cũng thấy được lớp bọt xốp bồng dễ thương, nhận được vẻ diễm lệ sang cả của Bangkok. Nhưng mấy ai cảm được vị ngọt lịm, hương lãng đãng và cốt cách mộng mơ nép kỹ bên dưới.

Mắt Gia Tú mơn man những hạt mưa đang phi thân bắn vào tấm kính cửa sổ. Lòng nàng hồ hởi đợi chờ: nàng chờ một Bangkok láng lẩy, thơm tho và rạng rỡ sau cuộc tẩy trang của trời đất. Nàng khoan thai uống hết tách cà phê trong mưa, mưa và mưa.

Tha thẩn dọc lối đi bộ trên không ngang trung tâm Bangkok, Gia Tú hít hà đầy phổi những đụm chất sống của Bangkok – những đụm chất sống mà nàng luôn âm ỉ, da diết nhớ - vào từng ngõ ngách cơ thể. Mưa và nắng. Xa hoa và mộc mạc. Phơn phớt và sâu lắng. Ổn và lặng. Từ sâu thẳm của Bangkok đỏng đảnh, tỏa ra một quyền năng mềm mại, khiến người ta được dễ chịu vào tận sâu thẳm con người mình.

Bỗng Gia Tú nhìn khoan sâu vào không gian đang dần mờ nhạt trên ranh giới giữa ngày và đêm. Một áng hốt hoảng vắt ngang ánh mắt nàng. Nàng luôn nghĩ bản thân đã hấp thụ toàn vẹn Bangkok nhiều nhiệt, nhiều màu sắc, nhiều đối lập. Luôn đinh ninh rằng tính khí nàng là hiện thân sống động của Bangkok: cuồng và dịu, chua và ngọt, mềm và rắn – dẫu cái khí chất phong phú ấy đã bay hơi dần… Nhưng giờ, nàng mù mịt hồ nghi: phải chăng nàng chỉ hấp thụ được cái bề nổi của Bangkok? Trên thế gian này, có ai từng dễ chịu khi cận kề bên nàng? Trên thế gian này, có ai luôn cười khi cận kề bên nàng? Cha mẹ nàng, anh trai nàng, Bách, Duy Thức…

Gia Tú ép tâm trí thôi vẩn vơ về mối liên hệ giữa nàng và Bangkok. Nàng không dám nghĩ. Nàng sợ sự thật. Nàng đang học cách vui lòng với mập mờ. Nếu cái sáng tỏ có thể cứa nát tâm thần, thì cớ gì lại mở đường cho bản thân tìm ra đen đen trắng trắng?

Đứng mãi trên lối đi bộ trên không, Gia Tú ngắm Bangkok lung linh dần trong nhịp sống đêm đầy nhiệt lượng. Ánh mắt nàng len lỏi vào những dãy xe óng ánh đèn đang xuôi ngược, vào các trung tâm mua sắm hùng vĩ, vào con phố dài chật kín người buôn kẻ bán. Lẫn trong cái dòng chảy tất bật ấy, nàng nhìn thấy một người đàn ông tàn tật đang rúm ró sau chiếc nón nhàu nhĩ. Vài người qua đường thảy vào đấy mấy xu lẻ. Nhiều người qua đường đối xử với ông như không khí. Lòng nàng co lại niềm thương cảm thân quen…

***

Lâu lắm rồi, khi Gia Tú chưa kịp bước vào tuổi dậy thì, có một mùa hè Gia Tĩnh và Duy Thức sang Bangkok nghỉ hè với nàng.

Vào một buổi tối, cả ba bày kế trốn cận vệ ra ngoài chơi, mua sắm ở các chợ lề đường, nếm thử các món hàng rong. Khi ngang qua những người ăn xin trên phố nàng luôn dừng lại cho ít tiền. Cứ thế vài lần, khi nàng lại sắp bỏ vài đồng bạc vào nón một đứa trẻ ăn xin, Gia Tĩnh liền kéo tay nàng ngăn lại:

- Em đâu thể cho hết tất cả ăn xin trên thế giới. Nếu muốn giúp, hãy gửi tiền vào các quỹ tình thương để họ học một nghề tự nuôi thân. Cuộc sống không tiến lên nếu chỉ một người làm mà nuôi cả trăm người.

Gia Tú đã gật gù ra chiều thấu hiểu, nắm chặt những đồng bạc vừa định cho đi trong lòng bàn tay, rồi bước theo Gia Tĩnh. Nhưng chỉ được một đoạn, nàng đột ngột quay đầu chạy lại, bỏ nắm tiền vào nón của đứa trẻ ăn xin.

- Nếu không làm thế, đêm nay em bứt rứt không ngủ được mất!– Gia Tú trả lời cái nhìn không vừa ý của Gia Tĩnh, cùng một nụ cười cầu tài thơ trẻ.

***

Tối hôm sau, Gia Tú lại đến đứng trên lối đi bộ trên không chạy ngang trung tâm Bangkok, ngắm nhịp sống đêm đầy nhiệt lượng và người đàn ông ăn xin. Ba tối liên tiếp, người đàn ông ấy luôn đến và đi vào cùng một khoảng thời gian, ngồi cùng một vị trí. Như một nhịp sống. Và tối nào, nàng cũng sai cận vệ bỏ vào chiếc nón rách bươm ấy ít tiền.

Đến ngày thứ tư, Gia Tú thôi ra lệnh cho tiền người ăn xin. Quyết định ấy cấu xe lòng dạ nàng bằng hổ lốn cảm xúc. Cay đắng vì đã phản bội cái tâm tính lương thiện, ngọc ngà nàng luôn trân quý. Hãnh diện vì cuối cùng trái tim chuyên yêu chiều những thương cảm nhất thời đã biết suy nghĩ thiệt hơn. Xót buốt trong khinh rẻ bản thân: nàng dùng cái ăn của người ăn xin đáng thương hòng phục vụ việc rèn dũa con người mình. Nàng dẫm đạp lên cái ăn của người ăn xin, như dẫm đạp một viên sỏi để tiến bước trên đường đi của mình.

Người ăn xin ngồi yên trên lề đường, thoắt ẩn thoắt hiện giữa dòng người mỗi lúc mỗi dày của tối cuối tuần. Gia Tú nhìn ông ta một cái thật sâu. Nàng mỉm cười, rồi quay lưng đi.