Thiên văn - Phần I - Chương 11 phần 2
Đại tướng Từ Văn Uyên gần tám mươi tuổi, người ở thành phố Thái An tỉnh Sơn Đông, mười lăm tuổi đã tham gia hoạt động cách mạng, từng tham gia kháng chiến chống Nhật, chiến tranh giải phóng, chiến tranh chống Mỹ và viện trợ Triều Tiên. Có thể nói cuộc đời của ông là một tấm gương tiêu biểu trong quân dội, năm 1955 ông đã được Bộ Chỉ huy Quân sự Trung ương trao hàm đại tướng, nhận nhiệm vụ chỉ huy quân sự của toàn tỉnh.
Đại tướng Từ Văn Uyên không lập gia đình, nên từ lúc về hưu sức khỏe không còn được như xưa, ông đã chuyển tới sinh sống ở khu Hương Sơn từ mấy năm trước. Cách đây hai mươi năm, kể từ khi biết bản sao bức tranh panorama Cuộc tiến công ở Cẩm Châu của cậu tôi với những chuyện ly kì và đáng sợ xung quanh nó, ông cảm thấy vô cùng kinh ngạc.
Theo lời kể của ông, do Tổng cục Chính trị trực thuộc Bộ Quân sự Trung ương đã quyết định thực hiện bức tranh Cuộc tiến công ở Cẩm Châu, nên đơn vị quân sự tỉnh cũng không dám lơ là, nhanh chóng phái người đến hợp tác giúp đỡ; đến ông cũng phải đích thân tham gia chỉ đạo, thậm chí còn sang cả Matxcova và Volgograd là hai thành phố của Liên Xô cũ để tham quan học tập.
Khi đó, cậu tôi tuy là người trẻ nhất đoàn nhưng lại đánh cờ vua rất giỏi, nên đã gây ấn tượng sâu sắc với Từ Văn Uyên; họ cùng ở nơi đất khách quê người, lại chẳng có trò tiêu khiển gì khác, nên tối nào hai người cũng ngồi đánh cờ tới tận khuya, rồi dần trở thành bạn tri kỉ lúc nào không hay.
Buổi tối trước khi từ Liên Xô về nước, họ đã tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi, mời tất cả mọi người trong đoàn cùng tham gia. Người Nga thật không hổ danh, rượu nặng như thế mà họ vẫn từng cốc từng cốc như không; trong bầu không khí vui vẻ và náo nhiệt, mọi người trong đoàn đều uống say bí tỉ. Chỉ riêng Từ Văn Uyên vốn tửu lượng tốt, nên uống đến chai thứ năm mà vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra.
Sau khi buổi tiệc kết thúc, mọi người trở về phòng riêng nghỉ ngơi. Từ Văn Uyên vẫn còn lôi ra một chai rượu Mao Đài và một bàn cờ, kêu người tìm bằng được cậu tôi, nhắn rằng lúc nãy cậu tôi liên tục thoái thác là nhỏ tuổi nhất nên không biết uống rượu, nên bây giờ phải tiếp cờ với ông ấy, đợi mai lên máy bay ngủ sau.
Thấy Từ Văn Uyên say mê chơi cờ như vậy, cậu tôi đành vui vẻ gật đầu đồng ý. Nhưng khi đánh cờ, trong lòng cậu vẫn nhấp nhổm không yên, thành ra đã đi những nước cờ sai lầm dẫn đến việc thua mất vài ván.
Từ Văn Uyên càng thắng càng ham, miệng cười ha hả không dứt, chỉ vào cậu tôi mà nói:
- Cái tên Tiểu Thạch này, coi như hôm nay đã bị ta hạ đo ván. Sướng! Sướng! Mẹ kiếp, đúng là sướng! Chỉ e những ngày đấu cờ của chúng ta sắp chấm dứt rồi. - Ngừng lại một chút, ông nói thêm với cậu tôi - Sau khi về nước, bức tranh panorama sẽ được chính thức ra mắt, nhóm họa sĩ các anh chắc sắp giải tán rồi, ta cũng sẽ chính thức được nghỉ ngơi.
Nghe Từ Văn Uyên nói vậy, sắc mặt của cậu tôi bỗng dưng thay đổi hẳn, đứng phắt dậy nói:
- Sao... sao lại... sao lại nhanh thế...
Từ Văn Uyên ngỡ ngàng, không hiểu vì sao cậu tôi lại nói thế:
- Tiểu Thạch, cậu nói gì?
Cậu tôi sững người trong giây lát rồi lập tức lao vụt ra ngoài, một chốc sau quay về, sau khi đóng chặt mọi cánh cửa, cậu mới xoay lưng tiến tới trước mặt Từ Văn Uyên, cởi áo khoác đang mặc trên người, vén chiếc áo len mặc bên trong lên, thận trọng rút từ cạp quần ra một mảnh gỗ màu đỏ sậm.
Từ Văn Uyên phì một tiếng, rồi lập tức đẩy bàn cờ sang một bên, cười ha hả:
- Cái tên Tiểu Thạch này, thật đúng là lắm chuyện! Ta mới chỉ nói là sẽ nghỉ ngơi thôi mà đã tặng ta mảnh gỗ làm quan tài, lại còn làm bộ bí mật nữa chứ!
Cậu tôi chỉ khẽ mỉm cười, vẫn nâng niu miếng gỗ trong tay như bảo bối. Ngồi xuống trước mặt Từ Văn Uyên, cậu nhẹ nhàng đặt miếng gỗ lên mặt bàn cờ, bàn tay vẫn không ngừng mân mê tấm gỗ, sau đó đột ngột ngẩng đầu lên nhìn Từ Văn Uyên, khẽ nói:
- Lão Từ, học trò đâu dám. Người thử nhìn kĩ hoa văn trên mặt tấm gỗ này đi.
Nghe cậu tôi nói vậy, Từ Văn Uyên vội cúi xuống nhìn miếng gỗ; đó là một miếng gỗ vuông vức, màu đỏ thẫm, nhẵn bóng, giống như mảnh thủy tinh dày đã qua gọt giũa cẩn thận. Ở giữa là một vệt hoa văn nhạt màu uốn lượn, mang hình dạng nhã nhặn nhưng hơi kỳ lạ: Nó được tạo bởi vô số những nét chấm nối liền nhau.
Từ Văn Uyên như bị thôi miên, ông cầm miếng gỗ lên, lật ra sau thì phát hiện ngay chính giữa tấm gỗ là hai đầu rồng đối diện nhau, thần thái hết sức sống động, để lộ hai chiếc răng nanh nhọn hoắt, còn trên thân rồng là những lớp vẩy xếp tầng tầng lớp lớp, cực kỳ tinh xảo. Lật qua lật lại quan sát hồi lâu, nhưng cũng chưa biết đó là vật gì, ông liền thắc mắc:
- Tiểu Thạch, đây là cái gì, cậu lấy từ đâu ra thế? Sao ta nhìn mãi mà không nhận ra?
Cậu tôi suy nghĩ một vài giây rồi mới chậm rãi kể lại. Mấy ngày trước, khi có chút thời gian rảnh rỗi, cậu cùng với hai người trong đoàn tới Volgograd dạo chơi trên con phố đi bộ, vô tình bắt gặp một sạp hàng rong chuyên bán cổ vật Trung Quốc. Nghe người bán hàng kể rằng trước đây ông ta từng là một sĩ quan chỉ huy không quân trong đội quân Hồng quân Viễn Đông của Liên Xô cũ, từng tham gia cuộc chiến chống Nhật năm 1945 tại Trung Quốc, những cổ vật đang bày bán đều được đem về từ đó. Để chứng minh điều mình nói là thật, ông ta còn kể cho cậu tôi một vài sự kiện mà sau khi tới Trung Quốc đã được tận mắt chứng kiến.
Tháng Tám năm 1945, Thế chiến II đi vào giai đoạn khốc liệt nhất. Theo yêu cầu của Mỹ và Anh, nguyên soái Stalin cuối cùng cũng đã tuyên chiến với Nhật Bản. Ngày 8 tháng 8, Liên Xô tập hợp lực lượng quân đội hùng mạnh, tấn công từ ba hướng Đông - Tây - Bắc với chiến tuyến kéo dài hơn bốn nghìn ki-lô-mét, vượt qua khu vực miền trung Liên Xô, tiến đến biên giới Nội Mông, đóng quân tại Mãn Châu rồi phát động cuộc tấn công toàn diện. Do mất cảnh giác, nên quân Nhật nhanh chóng bị thất thế. Bảy ngày sau, tức ngày 15 tháng 8, Nhật hoàng Hirohito đã đầu hàng vô điều kiện. Mặc dù quân Nhật đã chấp nhận bại trận, nhưng vẫn không chịu hạ vũ khí, đến ngày 16 tháng 8 số quân ít ỏi còn lại vẫn tiếp tục tấn công đánh phá một vài vùng ở Liên Xô.
Để nhanh chóng giành được thắng lợi, quân đội Liên Xô đã quyết định dùng không quân chiếm lĩnh một vùng đất của quân đội Mãn là Phụng Thiên, ép chúng đầu hàng vô điều kiện và tìm cho ra hoàng đế Phổ Nghi.
Đêm ngày 19 tháng 8, hơn một chục máy bay không quân đã xuất hiện trên bầu trời Thẩm Dương, liên tiếp thả mưa bom xuống nơi quân Nhật chiếm đóng. Có thể do lần này cuộc tấn công quá bất ngờ, nên quân Nhật không kịp trở tay. Sau đó những chiếc máy bay không quân đã an toàn đáp xuống sân bay Thẩm Dương, vị vua cuối cùng của Trung Quốc - Phổ Nghi không kịp trốn thoát mà bị bắt tại ngay phòng chờ tại sân bay Thẩm Dương.
Phổ Nghi khi trốn chạy khỏi thành Bắc Kinh đã mang theo rất nhiều báu vật cùng với hành lí, tổng cộng có tới năm mươi bảy chiếc hòm gỗ loại lớn. Do đang tham chiến ở nước ngoài, nên kỷ luật quân đội không được khép chặt, khi nhìn thấy núi báu vật, những người lính Nga đã không kiềm chế nổi mình, họ reo hò vui sướng rồi xông vào giành giật. Người đàn ông này lúc đó vốn thuộc cấp chỉ huy nên cũng lấy được không ít báu vật, trong đó gồm cả tấm gỗ này.
Ông ta hiểu khá rõ về lịch sử Trung Quốc, nên cũng biết các vị vua Trung Hoa luôn tự coi mình là rồng, lúc bấy giờ ông không nhận ra điều đặc biệt gì trên tấm Long Bản, chỉ nghĩ rằng vật mà Phổ Nghi mang theo người ắt hẳn rất quý báu, nên mới giấu đi.
Tháng Chín năm 1945, quân đội Trung Quốc đã chiếm được toàn bộ vùng Đông Bắc, hỗ trợ và hợp tác cũng quân đội Liên Xô giành thắng lợi cuối cùng. Quân đội Liên Xô trước khi rút về nước, đã quyết định để lại toàn bộ khí giới của quân đội Nhật cho Trung Quốc, nhưng lại mang theo những báu vật mà họ đã thu được về nước.
Sau khi Thế chiến II kết thúc, người đàn ông này đã được nhận huân chương Sao đỏ do chính nguyên soái Stalin trao thưởng trước khi quay trở về quê hương. Nhưng sau đó, do không tu chí làm ăn mà chỉ ham mê canh bạc đỏ đen, nên tất cả tiền của trong nhà đều đội nón ra đi. Vì kế sinh nhai, ông ta đành phải bán đi những bảo vật Trung Quốc mà mình có trong tay.
Khi nghe kể tấm gỗ là báu vật trong cung do đích thân hoàng đế Phổ Nghi mang theo bên người khi trốn chạy, cậu tôi cảm thấy vô cùng phấn khích và tò mò, không rời mắt khỏi nó nửa giây, cuối cùng cậu từ bỏ quyết định mua chiếc bình hàng nghìn năm tuổi từ thời nhà Minh, dốc hết số tiền trên người, thậm chí còn vay thêm đồng nghiệp, bỏ ra cả đống tiền chỉ đế mua một miếng gỗ.
Thấy Từ Văn Uyên chăm chú nghe, cậu tồi liền cầm miếng gỗ lên, đưa cho ông và nói rất chân thành:
- Lão Từ, chúng ta là hai bạn cờ có duyên gặp gỡ. Miếng gỗ này cho dù học trò không biết nó là gì, nhưng theo như quan sát, thì ông già người Liên Xô này không hề nói dối, chắc chắn đây là một cổ vật vô giá. Học trò chẳng có thứ gì đáng giá, xin tặng nó cho người làm kỉ niệm.
Từ Văn Uyên vô cùng thích miếng gỗ này nên đã nhận nó, sau đó ông tháo chiếc đồng hồ đeo trên tay tặng lại cho cậu tôi. Chiếc đồng hồ này tuy kiểu cách có hơi cũ, nhưng chi tiết thiết kế hết sức tinh xảo, quan trọng hơn đó là món quà ki niệm do chính thủ tướng Chu Ân Lai tặng sau khi đội quân của ông giành được thắng lợi trong trận chiến.
Nghe tới đó, tôi bất giác sờ lên chiếc đồng hồ đang đeo ở cổ tay, suy nghĩ miên man, thì ra đây không chỉ là món quà kỷ niệm của cậu tôi mà còn là vật mà thủ tướng Chu Ân Lai đã từng dùng. Thật không ngờ nó lại mang ý nghĩa sâu sắc đến thế, chẳng trách thông thường rất ít khi thấy cậu tôi tháo đồng hồ ra. Tôi cũng lờ mờ nhận ra, cậu tôi có hai mảnh gỗ giống nhau, một mảnh thì tặng cho Từ Văn Uyên, còn mảnh kia đem giấu bên trong bức tường nhà.
Thế nhưng suy nghĩ kỹ lại thì thấy chuyện này có vẻ không hợp lý lắm. Một báu vật được cậu nâng niu gìn giữ đến như thế, sao có thể dễ dàng tặng cho người khác được. Hơn nữa mảnh gỗ còn lại ở nhà cậu lại được cất giấu thông qua ám thị của bức tranh, rõ ràng là cậu cố ý nói với chúng tôi, nó có mối liên quan mật thiết với Cổ Tháp Cẩm Châu và chùa Đại Quảng Tề. Nhưng theo như lời kể của người đàn ông Liên Xô đã từng tham chiến tại Trung Quốc thì mảnh gỗ liên quan đến hoàng đế Phổ Nghi, và dường như nguồn gốc của nó là từ tỉnh Thẩm Dương. Hay nói cách khác, chúng có từ thời Mãn Thanh và là vật dụng của hoàng đế.
Thấy tôi bật người đứng dậy, toan cắt lời hỏi thì Chung Hồng Đạt giơ tay ra hiệu im lặng rồi nói tiếp:
- Đừng vội, ta còn chưa nói hết, chuyện sau đó còn hấp dẫn hơn nhiều!
Tôi đành nghe theo, lúc ngồi xuống ghế, vô tình tôi quay đầu nhìn lại đằng sau, chợt thấy vẻ mặt Tiểu Đường rất đăm chiêu, đôi lông mày xinh đẹp chau lại nhưng ánh mắt sáng ngời lại nhìn trừng trừng về một hướng, hai tay đan chặt lấy nhau trên đầu gối, như đang rất tập trung suy nghĩ.
Phát hiện ra tôi đang nhìn, cô bé liền cười xòa, ngại ngùng nói:
- Có vẻ sẽ rất hấp dẫn đấy, chị Tiêu Vi, cứ để nghe nốt đã!
Sau khi tổ sáng tác trở về nước, đúng như lời Từ Văn Uyên nói, họ đã tuyên bố giải tán; còn Từ Văn Uyên cầm tấm Long Bản trở về Thẩm Dương, và coi đó như là báu vật luôn mang theo mình, cứ lúc nào rảnh rỗi là lại lôi ra ngắm nghía. Ông cũng đã mời rất nhiều nhà nghiên cứu cổ vật đến để tìm hiểu nguồn gốc thật của tấm Long Bản, mọi người đều xác nhận đó chinh là cổ vật từ thời nhà Liêu, nhưng không thế nói chính xác vào thời gian nào và ở đâu. Sau đó, Từ Văn Uyên ngày càng cao tuổi, bệnh tật luôn nên sức khỏe cũng yếu dần, sau khi nghỉ hưu chuyển về khu an dưỡng này nên không còn đủ khả năng để tìm hiểu thêm.
Trong mười mấy năm sau đó, Từ Văn Uyên vẫn luôn nhớ tới người bạn cờ tri kỉ, nên cũng nhiều lần thư từ hỏi thăm, nhưng do công việc cả hai bên đều rất bận rộn, vì thế họ không có thời gian để gặp mặt nhau. Sự ra đi đột ngột của cậu tôi, ông cũng không hay biết. Nhưng khi biết chuyện, những kỉ niệm ngày xưa ùa về khiến cho ông nghẹn ngào xúc động, không ngăn nổi dòng nước mắt.
Thấy Từ Văn Uyên ngày đêm buồn rầu, Chung Hồng Đạt cũng thấy xót xa, đành an ủi và ra sức khuyên nhủ để Từ Văn Uyên đồng ý mang tấm Long Bản đi kiểm nghiệm một lần nữa.
Từ Văn Uyên buồn bã và suy nghĩ rất lâu, sau khi lấy lại tinh thần, ông đã cử người lấy chiếc hộp da đã sờn cũ, được khóa cẩn thận nằm phía dưới gầm giường lên, bên trong là một chiếc túi vải nhung đỏ buộc chặt một đầu. Ông đặt chiếc túi lên mặt bàn, hai tay run rẩy rút đoạn dây thít miệng túi, lôi ra một tấm Long Bản được khắc hết sức tinh xảo.
Từ Văn Uyên nâng niu ôm tấm gỗ vào lòng, ánh mắt nhìn xa xăm một lúc lâu, rồi nói rằng ông cũng đã gần đất xa trời, giữ lại tấm Long Bản này cũng không để làm gì, chi bằng hiến tặng nó cho đất nước, nhưng với một yêu cầu, đợi thêm vài ngày nữa, để Tiêu Vi và Tiểu Đường tới đối chiếu xem hai tấm Long Bản khác nhau ở điểm nào, hình khắc trên mặt gỗ có ý nghĩa gì?
Chung Hồng Đạt vô cùng cảm thông nên đã không thúc ép gì thêm, vừa bước ra khỏi cửa, ông lập tức liên lạc với Cục An ninh Quốc gia vùng Đông Bắc đề nghị đưa tôi và Tiểu Đường đến càng sớm càng tốt. Nhưng không ngờ rằng, sáng sớm ngày hôm qua, người phụ trách ở Hương Sơn đã gọi điện cho Chung Hồng Đạt báo bệnh tình của Từ Văn Uyên đã rất trầm trọng, chắc không thể sống được bao lâu nữa, nên ông đã đòi đích thân Chung Hồng Đạt tới gặp.
Khi Chung Hồng Đạt tới nơi, Từ Văn Uyên đã bị hôn mê, khuôn mặt trắng bệch, chỉ qua một đêm mà đã già đi hàng mấy chục tuổi. Ông nằm trên giường, hai mắt nhắm chặt, mê man, nhưng miệng luôn khẽ lẩm nhẩm:
- Thiên Văn... Thiên Văn...
Chung Hồng Đạt hết sức tò mò, sốt ruột hỏi mọi ngươi "Thiên Văn” nghĩa là gì, nhưng cũng chẳng có ai hiểu. Người phụ trách ở đây cho biết, hôm qua sau khi Chung Hồng Đạt ra về, có thể do Từ Văn Uyên nghĩ đến người bạn tri kỉ đã mất nên buồn rầu khóc lóc cả ngày, đến bữa chỉ ăn vài miếng lấy lệ rồi đổ hết. Khi đó, mọi người chỉ nghĩ tính người già hay nghĩ ngợi nên cũng không để ý.
Đến khoảng 12 giờ đêm, một nhân viên tuần tra khi đi qua dãy hành lang, bất chợt nghe thấy có tiếng đổ vỡ trong phòng Từ Văn Uyên, kèm theo đó là một tiếng kêu lớn, nhưng sau đó lập tức im bặt.
Người nhân viên vô cùng hoảng hốt, liền lôi chìa khỏa dự phòng ra mở cửa chạy vào bên trong. Người này chỉ kịp nhìn thấy Từ Văn Uyên mặc bộ đồ ngủ, chân trần, ngồi bất động dưới sàn như người mất hồn, mặt hướng về phía cửa sổ, bên cạnh đó là chiếc gương lớn vỡ tan tành, tấm Long Bản cũng lăn lóc dưới đất, ngay chính giữa những mảnh gương vỡ.
Người trực ban vội vàng gọi người đến ứng cứu, mấy người bọn họ chật vật mãi mới khiêng được ông cụ nằm lên giường. Từ Văn Uyên nằm trên giường, nghiêng người sang một bên, úp hai tay lên mặt, toàn thân co quắp run rẩy, miệng không ngừng kêu la:
- Tắt đèn... tắt đèn... kéo rèm lên... kéo rèm lên... nhanh kéo rèm lên...
Giọng lạc đi vì sợ hãi, cứ như bên ngoài cửa sổ có thứ gì đó vô cùng đáng sợ. Một nhân viên vội chạy ra mở cửa sổ dể kiếm tra phía bên ngoài, nhưng không phát hiện ra bất cứ dấu hiệu nào bất thường. Đối diện với cửa sổ là ngọn núi Hương Sơn đang đắm chìm trong ánh trăng vằng vặc, vài đám mây mỏng vắt ngang qua ngọn núi, khung cảnh hết sức tỉnh lặng và yên bình.
Sau khi kéo kín toàn bộ rèm cửa sổ, căn phòng tối om nhưng Từ Văn Uyên vẫn không ngừng sợ hãi, trùm kín chăn lên đầu. Sau đó mọi người thay rèm cửa bằng tấm màn nhung dày rồi tắt hết những bóng đèn lớn trong phòng, thì tinh thần của ông mới dần dần trở lại bình thường.
Nhưng chẳng mấy chốc, hơi thở của ông trở nên nặng nề và gấp gáp, chân tay lạnh băng, đôi mắt trợn trừng, miệng sùi bọt mép, không nói thêm được câu nào. Sau khi các nhân viên y tế khám xong, họ kết luận ông đã bị một cú sốc tinh thần quá mạnh, kết hợp với việc cơ thể già yếu suy nhược lâu ngày, e rằng khó có thể qua được lần này.
Lúc đó, tất cả nhân viên phụ trách đều rất lo lắng, túc trực cả đêm với hi vọng tình hình sẽ khá hơn, nhưng Từ Văn Uyên vẫn hôn mê sâu, chỉ đôi ba lần mơ màng mở mắt trong giây lát, miệng lẩm bẩm hai tiếng "Thiên Văn".
Nghe vậy, Chung Hồng Đạt càng tò mò hơn, với tay cầm lấy tấm Long Bản, chăm chú quan sát, ngoài những nét khắc tinh tế sắc sảo và trọng lượng khá đằm tay thì không thấy điều gì khác thường ở tấm Long Bản; nhưng với biểu lộ khác thường của Từ Văn Uyên, có thể thấy đêm qua ông cụ đã nhìn thấy điều gì đó vô cùng kinh khủng.
Đúng lúc đó, Từ Văn Uyên ho nhẹ một tiếng, người hơi động đậỵ, sau khi nhìn thấy Chung Hồng Đạt, ông lập tức với tay lắp bắp:
- Anh... anh... hãy... đi... tìm, ta... ta... muốn... xem tấm Long Bản đó, tấm... Long Bản... của Tiểu Thạch...
Những nhân viên y tế có mặt ở đó đều biết tình hình của Từ Văn Uyên không thể kéo dài được lâu nữa nên vội vàng tìm mọi cách để cấp cứu cho ông. Có người mách, dạo gần đây có một cô gái bốc thuốc đông y có biệt tài bấm huyệt tên là Tống Nguyệt Uyên, có thể bắt bệnh và chữa trị bệnh nan y. Nhờ có biệt tài này mà cô rất nổi tiếng, đến cả những quan chức cao cấp trong chính phủ cũng phải tìm đến để xin chữa bệnh.
Đây chính là hi vọng cuối cùng nên mọi người đã lập tức cho mời Tống Nguyệt Uyên tới. Ban đầu ai cũng nghĩ đấy phải là một phụ nữ lớn tuổi, nhưng thật không ngờ Tống Nguyệt Uyên là một cô gái mù mười bảy tuổi. Tuy khiếm thị, nhưng tay nghề của Tống Nguyệt Uyên vô cùng cao siêu, khả năng bắt mạch và châm cứu chuẩn xác tới từng mi-li-mét.
Tống Nguyệt Uyên lấy ra ba giác châm cứu màu xanh lam, bên trong đựng thảo dược, đầu ngón trỏ từ từ ấn lên vầng trán đầy vết nhăn của Từ Văn Uyên, nhẹ nhàng châm ba huyệt ngay chính giữa hai đầu lông mày, đốt cháy những dược liệu trong giác, sau đó cẩn thận tẩm thuốc vào đầu mũi kim, lần lượt châm cứu lên cánh tay và gan bàn chân. Chỉ khoảng mười phút sau, sắc mặt của Từ Văn Uyên đã dần hồi phục trở lại.
Thế nhưng theo lời Tống Nguyệt Uyên, do ông cụ từ nhỏ đã tham gia chiến trận, vào sinh ra tử không biết bao nhiêu lần, nên nội lực đã bị giảm sút đi rất nhiều, các cơ quan nội tạng trong cơ thể đã bị hủy hoại nghiêm trọng. Phương thức châm cứu này chỉ là cứu chữa tạm thời chứ không thể giúp ông sống thọ lâu hơn. Chỉ cần gặp một cú sốc nữa, sẽ vô phương cứu chữa.
Nghe Tống Nguyệt Uyên nói vậy, mọi người đều thở dài buồn bã. Chung Hồng Đạt luôn ghi nhớ lời dặn dò của Từ Văn Uyên và cũng do nóng lòng muốn sớm tìm ra bí mật của tấm Long Bản, nên vừa về tới đơn vị đã lập tức gọi cho Cục An ninh Quốc gia vùng Đông Bắc, hỏa tốc điều Lão Mục, tôi và Tiểu Đường tới Bắc Kinh. Lúc lên lầu, chúng tôi nhìn thấy cô gái mù Tống Nguyệt Uyên đi xuống sau khi châm cứu cho Từ Văn Uyên xong.
Tới giờ, tôi mới hiểu được đầu đuôi câu chuyện, nhưng vì sao đêm hôm đó Từ Văn Uyên lại có những biểu hiện bất thường như thế, hay hai từ “Thiên Văn” bí ẩn mà ông không ngừng thốt lên thì tôi không thể giải thích nổi. Mọi việc chắc phải bắt đầu từ khẩu khí của Từ Văn Uyên và những hoa văn hết sức kì lạ trên mặt tấm Long Bản.
Ngoài ra, những hoài nghi của tôi trước đây vẫn chưa có lời giải đáp. Hai tấm gỗ Long Bản này từ đâu mà ra, rốt cuộc nó có nguồn gốc từ Liên Xô cũ hay từ Cẩm Châu? Tấm Long Bản được cậu giấu sau hốc tường trong nhà chắc chắn dùng để ám thị một bí mật nào đó, nhưng tại sao tấm kia lại dễ dàng trao tặng cho Từ Văn Uyên, điều này thật khó hiểu.
Chung Hồng Đạt đưa chúng tôi quay lại phòng của Từ Văn Uyên lần nữa để mặc niệm trước khi lên xe. Chúng tôi không quay trở lại trung tâm thành phố mà đi thẳng tới khu ngoại ô Xương Binh, dừng xe trước một căn biệt thự rất đỗi bình dị. Chung Hồng Đạt giới thiệu đây là địa điểm liên lạc của Cục An ninh Quốc gia, giờ tạm thời sẽ là nơi nghỉ ngơi của chúng tôi. Trước khi rời đi, ông còn hỏi mượn tấm Long Bản của tôi, nói rằng mang về đơn vị để tiến hành kiểm định. Lão Mục sau khi thu xếp ổn thỏa cho chúng tôi xong, cũng đi cùng Chung Hồng Đạt. Ăn cơm tối xong, Tiểu Đường sang phòng tôi trò chuyện. Nói chuyện này chuyện kia, cuối cùng lại quay sang chủ đề Từ Văn Uyên. Tiểu Đường lấy từ trong bọc ra một chiếc kim, vân vê một lúc, cô bé liền đưa mũi kim lên trán.
Tôi vô cùng sửng sốt, gắt giọng hỏi:
- Tiểu Đường, em định làm gì đấy?
Tiểu Đường đặt chiếc kim xuống, quay sang bảo tôi:
- Chị Tiêu Vi, chị có thấy hình tròn trên trán Từ Văn Uyên giống một hình xăm không?
Tôi sững người, lục lại trong trí nhớ, đúng là hình tròn trên trán ông ấy thật khác thường:
- Cũng khá giống, nhưng đó là vết giác hơi mà.
Tiểu Đường liếc nhìn sang tôi, lắc đầu, nói:
- Chị không hiểu đâu, đó là một loại xăm vô cùng tinh xảo nhưng... - Nói đến đây, cô bé vươn vai ngáp ngủ, chuyển ngay sang chủ đề khác - Em buồn ngủ quá, chị em mình đi ngủ thôi. – Nói xong lập tức đứng dậy đi thẳng ra cửa.
Tôi quá quen với cách nói chuyện lấp lửng của cô bé nên cũng không cố gặng hỏi. Nhìn theo dáng hình cô bé khi bước ra khỏi phòng, tay vẫn không rời chiếc kim, tôi chợt nhận ra, ba cô gái trẻ Sở Khinh Lan, Đường Nhã Kỳ, Tống Nguyệt Uyên đều có tên rất lạ, dáng người nhỏ nhắn và còn có một điểm tương đồng kỳ dị, đó là cả ba đều có tài năng thiên bẩm liên quan đến kim châm, liệu họ có phải chị em một nhà?
Bỗng nhiên Tiểu Đường dừng bước, hai bàn tay nắm chặt, đầu không hề quay lại chỉ bình thản nói:
- Nữ nhân tâm, hải đế châm (lòng dạ đàn bà như mò kim đáy bể)... Chị Tiêu Vi, chị cứ suy nghĩ đi!
Nói rồi, cô bé đẩy cửa bước ra.
Sáng sớm ngày thứ tư ở đây, chúng tôi còn chưa kịp ăn sáng thì Chung Hồng Đạt và Lão Mục đã tới mang theo một bọc da màu đen. Chung Hồng Đạt giở bọc da đó ra, đặt hai tấm Long Bản lên bàn, cả hai đều có màu đỏ thẫm, bóng láng, các đường vân trên đó giống nhau tới mức không thể tìm ra điểm khác biệt dù chỉ là một chấm nhỏ.
Nét biểu cảm trên mặt Chung Hồng Đạt rất kỳ lạ, ông ngồi trên ghế sô-pha, lặng im suy nghĩ một hồi lâu, rồi mới cất lời:
- Rõ ràng hai tấm Long Bản này là cùng một khuôn.
Chung Hồng Đạt tiếp tục giảng giải với chúng tôi, qua giám định của các nhà khảo cổ học cho thấy, chất liệu gỗ của hai tấm Long Bản này là giống nhau, đều bắt nguồn từ thời nhà Liêu. Chúng được làm y hệt một cách tinh xảo và chính xác tới từng mi-li-mét từ chiều dài, chiều rộng đến chiều cao. Điều đặc biệt hơn nữa là những đường vân trên bề mặt, từ vị trí cho tới độ lớn bé đều không sai lệch một li, thậm chí cả số lượng vết châm, độ nông sâu và quy luật phân bố cũng giống nhau như tạc. Chúng chính là bản sao của nhau.
Đó thực sự là một điều kỳ diệu, đến cả công nghệ hiện nay cũng khó có thể tạo ra một tác phẩm tinh tế và chuẩn xác đến như thế, vậy thì làm thế nào mà từ hàng nghìn năm trước, họ đã tạo ra tấm Long Bản với kỹ thuật cao siêu đến như thế?
Nghĩ tới nghệ thuật xăm hình trên bề mặt tấm Long Bản, tôi liền quay sang hỏi Tiểu Đường. Cô bé suy ngẫm một lát trước khi bước tới gần mặt bàn, dùng tay áo lau sạch lớp bụi bám trên đó, hai tay cầm hai chiếc kim, đầu cúi thẳng, hai mắt nhìn chằm chằm lên mặt bàn.
Chung Hồng Đạt vội đứng dậy, hỏi:
- Cô gái, cô định...
Tôi biết chắc Tiểu Đường đã nghĩ ra cách nào đó, nên lập tức kéo tay ngăn Chung Hồng Đạt lại, dùng ánh mắt ra hiệu cho ông không được làm phiền.
Tiểu Đường khẽ nheo mắt, miệng lẩm bẩm vài câu, hai tay cùng ấn mạnh xuống, một tiếng "cách!" nhẹ vang lên, hai mũi kim đã chọc xuống mặt bàn chừng vài mi-li-mét. Dừng một lát, cô bé liền rút hai mũi kim ra, rồi lặp lại quá trình đó tại vị trí tiếp theo.