Thiên văn - Phần I - Chương 11 phần 3
Hai bàn tay Tiểu Đường chuyển động đều thoăn thoắt, cho dù là đường thẳng hay vòng cung thì mũi kim cũng đều giữ một khoảng cách nhất định và đều tăm tắp, khiến người xem không thể rời mắt.
Cứ như thế, một lúc sau, trên mặt bàn đã xuất hiện hình ảnh của hai bông hoa mai giống y hệt nhau, từ nét chấm cho tới mật độ phân bố, thảy đều không thể tìm ra sự khác biệt.
Đây là lần đầu tiên Chung Hồng Đạt nhìn thấy tài nghệ của Tiểu Đường, nên ông không thể rời mắt khỏi hai bông hoa mai trên mặt bàn, tay miết khẽ lên những cánh hoa còn miệng thi há hốc như đang được chứng kiến thứ gì kì diệu lắm. Mãi lâu sau ông mới vỗ đùi, quay sang nhìn Tiểu Đường, phấn khích nói:
- Cô gái, thì ra là như thế, như vậy thì có thể giải thích được, đây chính là kỹ thuật khắc mai bằng hai tay.
Tiểu Đường khẽ thở dài, lắc đầu nói:
- Không phải, không phải đâu, kỹ thuật của cháu còn non kém lắm, mọi người hãy chú ý quan sát mà xem.
Chúng tôi cùng cúi đầu xuống mặt bàn, quan sát lại kỹ hơn thì mới nhận ra, mặc dù hai bông hoa mai trông rất giống nhau, nhưng xét về chi tiết, bông này vẫn nhỉnh hơn bông kia một chút, cánh hoa có phần không được cân xứng, những đường vân hay độ lớn nhỏ của lỗ châm vẫn có sự khác biệt. Đặc biệt, ở vị trí những cánh hoa giao nhau, có sự lộn xộn trong thứ tự sắp xếp, khiến góc bên trong có phần không thống nhất.
Tiểu Đường kể với chúng tôi đây là kỹ thuật khắc hình bằng hai tay, nó được phân thành hai loại khác nhau: Một loại là khắc những hình dạng giống nhau, còn loại kia là khắc những hình dạng khác nhau. Nói rồi, cô bé nhấc hai cây kim lên, rồi dùng mũi kim bên tay trái quét qua một đường ngang, sau đó dùng mũi kim bên tay phải miết thành một đường dọc. Dừng trong giây lát, rồi hai tay Tiểu Đường lại thao tác cùng một lúc tạo ra những đường nét có hình dạng và vị trí khác nhau.
Chỉ một lát sau, Tiểu Đường dừng mũi kim, trên mặt bàn giờ đây lại xuất hiện hình bông hoa cúc với đầy đủ thân lá, đang đung đưa trước gió.
Thì ra mũi kim bên tay trái khắc bông hoa, còn mũi kim bên tay phải khắc thân lá, cuối cùng chụm lại tại một điểm. Phải nói đây là kỹ thuật có một không hai, khiến những người chứng kiến cũng không dám tin vào mắt mình.
Tiểu Đường quay sang giải thích, đây là nghệ thuật thiên biến vạn hóa với rất nhiều phương pháp thao tác khác nhau, nhưng vẫn phải tuân theo một quy tắc chung, đó là phải kết hợp nhuần nhuyễn và thống nhất giữa bốn yếu tố là Kim - Thế - Tâm - Vật. Cũng có nghĩa là, các đầu ngón tay, cách chuyển động mũi kim, sự ước lượng, trí tưởng tượng cùng kết cấu của vật thể luôn phải được xác định rõ ràng, luôn phải đi cùng nhau không bao giờ tách rời. Chỉ cần lơ là một trong bốn yếu tố trên thì nhất định không thể nào khắc được một hình mẫu lí tưởng.
Nói đến đây, Tiểu Đường khẽ chỉ tay lên mặt bàn, nói một cách chắc chắn rằng:
- Giả dụ hai tấm Long Bản này được xếp cạnh nhau, hai tay cháu có thể cùng thao tác một lúc, nhưng khi khắc sang mặt sau, nhất định phải lật nó lại, khiến vị trí và góc độ mũi kim chắc chắn có sự chênh lệch, nên không thể nào không có sự khác biệt giữa hai mặt, dù ít hay nhiều. Không ai có thể thực hiện được thuật khắc Xoay vòng này hoàn hảo cả.
Có chăng vẫn còn một khả năng khác, đó là treo hai tấm Long Bản này lên, phía dưới có thêm một vật hỗ trợ giữ yên vị trí, rồi người thợ xăm sẽ đi vòng quanh chúng.
Tiểu Đường bật cười rồi nói:
- Không thể nào, người xưa thường nói "lực từ dưới đất", cơ thể và mặt đất không thể tách rời, nghệ thuật xăm hình cũng thế, chân không vững thì sẽ khiến tâm thế xáo động theo.
Chúng tôi quay sang nhìn nhau, không nghĩ rằng nghệ thuật xăm hình lại có nhiều quy định chặt chẽ đến vậy. Chung Hồng Đạt vân vê cằm, nhận định:
- Từ trước đến nay ta lại nghĩ xăm hình chi đơn thuần là dùng mũi kim và mực để xăm lên da thịt.
Tiểu Đường mỉm cười:
- Cái này không hề đơn giản như chú nghĩ đâu. Đến mực để xăm hình cũng được phân ra làm rất nhiều loại, phải dựa vào đặc tính của vật cần xăm mà chọn ra loại mực phù hợp, và mỗi hình xăm lại kết hợp với một loại mũi kim khác nhau.
Nói rồi, cô bé giở bọc kim ra cho chúng tôi xem.
Bên trong bọc là rất nhiều hộp to nhỏ đủ màu sắc, Tiểu Đường lấy ra một chiếc túi màu hồng nhỏ bằng nắm tay, bên trong cắm đầy những mũi kim to nhỏ, ngắn dài khác nhau; ngoài ra trên miệng túi còn cài chặt những mũi kim màu bạc, màu vàng. Cô bé rút một mũi kim bạc, mỏng như sợi tóc từ miệng túi ra, đảo mắt một vòng, rồi bất ngờ đâm mũi kim về phía Chung Hồng Đạt, hét lớn:
- Chết này!
Chung Hồng Đạt sợ hãi kêu thất thanh, bật người ra phía sau. Tiểu Đường vội dừng lại, cười khoái chí:
- Ối giời! Cháu chỉ trêu chú chút thôi, đây là chiếc kim mà cháu yêu thích nhất đấy, cái này không dùng với chú được.
Lúc đó, tôi chỉ nghĩ Tiểu Đường đang nói đùa thật, cái kim vừa bé tí vừa ngắn ngủn, rơi xuống đất là mất luôn, thì có gì mà đặc biệt.
Nhưng sau này, khi chúng tôi vào bên trong Cổ Tháp Cẩm Châu, gặp phải rất nhiều cửa ải nguy nan, tôi mới nhận ra rằng đó là một bảo bối hiểm có.
Những lời nói của Tiểu Đường khiến tôi phải khẳng định một điều rằng hai tấm Long Bản kia nhất định không phải do cùng một nghệ nhân tạo ra, nhưng tại sao chúng lại giống nhau đến như vậy, đó vẫn là một điều bí ẩn.
Sau khi Lão Mục lau sạch mặt bàn, Chung Hồng Đạt mới mở một bọc da khác, lôi ra một ống giấy cuộn tròn rồi phủ lên mặt bàn, thì ra đó là bản thiết kế 3D của một ngọn tháp, mặt giấy đã hơi ố vàng, chứng tỏ nó đã có từ rất lâu rồi.
Chung Hồng Đạt chỉ vào tấm bản đồ, nghiêm túc nói:
- Đây là bản thiết kế cấu tạo của Cổ Tháp Cẩm Châu mà Cục An ninh Quốc gia đã phải nhờ tới sự giúp đỡ của Cục Quản lý Di sản Văn hóa Trung Quốc mới có được.
Máu tò mò nổi lên, tôi liền nói:
- Cục trưởng Chung, có phải anh muốn chúng tôi nghiên cứu ngọn tháp này?
Chung Hồng Đạt gật đầu:
- Không sai, đấy chính là ý định của tôi. Cổ Tháp Cẩm Châu được xây dựng ròng rã trong ba năm, là nơi bảo tồn những báu vật mà hoàng hậu để lại, đây cũng được coi là di sản cấp hai của quốc gia. Các chuyên gia khảo cổ và các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát tìm hiểu nó từ ngay sau ngày giải phóng, bên trong chắc không có gì, vấn đề là ở bên dưới. Tiêu Vi là người có liên quan trực tiếp nên tôi nghĩ tốt nhất là giao việc này cho cô, Lão Mục và Tiểu Đường sẽ đi cùng để hỗ trợ. Có thể tìm ra câu trả lời hay không, xem ra phải nhờ đến bản lĩnh của ba người rồi.
Tôi khẽ gật đầu, được người dày dặn kinh nghiệm như lão Mục hỗ trợ thì không còn gì tốt hơn, thế nhưng nếu đem theo cả Tiểu Đường, một cô gái ngây thơ yếu đuối đi cùng, chỉ e chúng tôi lại phải vất vả bảo vệ cho cô bé nữa. Nghĩ đến đó, tôi liền hỏi:
- Ngoài ba người chúng ta, còn ai nữa không ạ?
Chung Hồng Đạt khẽ mỉm cười, vừa cuộn bản thiết kế lại vừa nói:
- Đừng mong đợi có thêm người khác, chỉ có ba người là cô, Lão Mục và Tiểu Đường thôi. Thậm chí khi đi cũng sẽ không có sự hậu thuẫn của các đơn vị địa phương đâu, điều này là để đảm bảo thông tin không bị rò rỉ ra ngoài và giữ bí mật tuyệt đối. Chuyện này chỉ có những lãnh đạo cấp cao ở Cục An ninh Quốc gia và bốn chúng ta được biết.
Thấy tôi có vẻ lo lắng, Cục trưởng Chung liền cười vang và cố tình trêu chọc:
- Mọi người nhất định phải cẩn thật không để các di vật bị sứt mẻ hay thiếu sót gì đâu đấy, bằng không thì tôi cũng chẳng cứu được ba người khỏi tội cố tình phá hoại và đánh cắp báu vật quốc gia đâu.
Sau lần nói chuyện đó, không thấy Chung Hồng Đạt tới gặp chúng tôi nữa. Lão Mục thì bận rộn thu xếp công việc trước khi tới Cẩm Châu nên cũng không tới. Chỉ có tôi và Tiểu Đường quanh quẩn ở ngôi biệt thự, cả ngày chỉ ăn, ngủ, lên mạng rồi xem ti-vi.
Cho tới một ngày, khi tôi và Tiểu Đường đang ngồi ăn sáng thì cô bé bỗng nhiên nhắc đến Tống Nguyệt Uyên. Tiểu Đường nói rằng tôi dạo này thường xuyên bị đau nửa đầu, thử đến gặp Tống Nguyệt Uyên xem sao. Tôi biết căn bệnh này xuất phát từ thói quen thường xuyên thức khuya, để lâu sẽ có hại đến sức khỏe nên cũng muốn chữa trị cho khỏi hẳn, vì vậy đã hỏi Lão Mục địa chỉ phòng khám của Tống Nguyệt Uyên, và nhờ anh ta cử người đưa chúng tôi tới đó.
Phòng khám của Tống Nguyệt Uyên nằm trên con đường từ khu Xương Bình tới Hồi Long Quan, cách chỗ chúng tôi không xa lắm nên không cần lái xe, đi tàu điện ngầm tuyến 12 một lúc là tới, vừa để ra ngoài thay đổi không khí vừa để biết đường phố Bắc Kinh ra sao.
Hành khách trên tàu điện ngầm đông nghịt, tiếng nói chuyện, tiếng động cơ, tiếng loa phát thanh khiến cho không gian xung quanh trở nên vô cùng ồn ào hỗn loạn. Tôi và Tiểu Đường như lọt thỏm giữa đám người đông như kiến cỏ, đành cố gắng nắm chắc tay vịn, quay đầu ngắm nhìn khung cảnh bên ngoài, thỉnh thoảng quay sang nói với nhau vài câu chuyện phiếm. Hai đồng chí được Lão Mục cử đi theo vẫn đứng phía sau chúng tôi.
Khi đoàn tàu đang chầm chậm dừng lại, tiếng loa phát thanh vang lên thông báo đã tới ga Long Tắc, và chuẩn bị tới ga tiếp theo là ga Hồi Long Quan, Tiểu Đường bỗng nhiên thốt lên một tiếng, rồi với tôi một câu không đầu không đuôi:
- Chị Tiêu Vi, chị không thấy có nghĩa gì sao?
Tôi ngơ ngác quay sang, hỏi lại:
- Nghĩa gì là nghĩa gì?
Tiểu Đường hơi chau mày lại, trả lời với vẻ ngập ngừng:
- Chính là... Hồi...
Vừa nói đến đó, cánh cửa tàu tự động bật mở, hành khách dưới ga lại ùn ùn kéo lên, đẩy chúng tôi tụt hẳn vào bên trong.
Sau khi tìm được chỗ đứng thích hợp, tôi liền quay sang hỏi lại Tiểu Đường. Cô bé chỉ lặng im sau đó lại liến thoắng trả lời không có chuyện gì cả. Thế nhưng nghĩ đến sắc mặt cô bé lúc nãy, chắc chắn là đã nghĩ ra chuyện gì đó. Tôi cũng không cố gặng hỏi gì thêm, chỉ thấy rất kỳ lạ. Hồi gì nhỉ? Lẽ nào chính là Hồi Long Quan?
Sau này nghĩ lại hoàn cảnh lúc bấy giờ, tôi luôn tự trách mình sao lúc đó đầu óc lại phản ứng chậm chạp đến như thế, từ mà Tiểu Đường lỡ thốt ra chính là từ khóa vô cùng quan trọng, tôi đã quá ngờ nghệch khi bỏ qua nó.
Chúng tôi đứng thêm một lúc nữa rồi xuống ga Hồi Long Quan. Sau khi ra khỏi ga, hai chị em hỏi thăm những người đi đường thì mới biết làng Hồi Long Quan cách đây một đoạn đường khá dài nữa, nên chúng tôi quyết định bắt taxi cho nhanh.
Ngôi làng này đang được quy hoạch đổi mới nên có khá nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên khắp nơi, duy chỉ còn một vài căn nhà mái bằng ở phía Tây Bắc là còn giữ vẻ dân dã, trong số đó có phòng khám của Tống Nguyệt Uyên.
Đó là căn nhà thấp lè tè có kết cấu như tứ hợp viện Bắc Kinh, phía bên ngoài là lớp tường gạch cũ đã nham nhở gần hết, chứng tỏ căn nhà này đã rất lâu đời, nhưng vẫn lưu giữ được những nét độc đáo của kiến trúc một thời. Cửa chính sơn đỏ đang hé mở, trên cánh cửa là hai vòng đồng to gần bằng miệng bát, sáng bóng. Phía trên là một tấm biển bằng gỗ có khắc ba chữ: Cửu Khiếu Đường.
Tiểu Đường ngẩng đầu, nheo nheo đôi mắt quan sát thật kỹ tấm biển hiệu, rồi quay đầu sang nói nhỏ với tôi:
- Cái tên này có điều gì đó rất cổ quái.
Tiểu Đường giải thích, theo thuật ngữ Đông y, cửu khiếu tức là chỉ chín lỗ trên cơ thể người gồm: Hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, miệng, đường niệu đạo phía trước và hậu môn phía sau. Trong nghệ thuật xăm hình cũng có câu ý tương tự"Văn khắc thân hình, biến thể trước mặc", nhưng cũng có Cửu cấm, có nghĩa là không được xăm tại chín điểm này, nếu không sẽ phải nhận tai họa.
Tôi đứng như trời trồng, vô thức đưa tay lên miết theo viền môi:
- Biết như thế là phải tội, nhưng đến con ngươi cũng có thể xăm sao? Lại còn niệu đạo, hậu môn nữa... đúng là chuyện tiếu lâm.
Thấy tôi thắc mắc như vậy, Tiểu Đường chỉ cười khúc khích, rồi nói:
- Đấy là bí mật. Thôi! Chúng ta vào trong đi!
Chúng tôi đi vòng qua bức tường gạch bao xung quanh, mỗi viên gạch ghép với nhau tạo thành một bức tranh phong cảnh sinh động. Bước vào bên trong, trước mắt chúng tôi là một khoảng sân lớn vuông vức, dưới nền là những phiến đá lớn màu xanh rêu, mỗi phiến rộng chừng hai mét vuông, ngoài một lỗ sâu ở chính giữa thì không có thêm bất cứ chi tiết nào khác, khiến không gian trở nên trống trải và rộng thênh thang.
Tôi ngó nghiêng quan sát bốn phía thì phát hiện ra một điểm rất kỳ lạ, các phòng trong tứ hợp viện dù là phòng chính hay buồng nhỏ đều không có cửa sổ, tất cả cửa ra vào đều treo một tấm rèm dày màu đen, khiến không gian bên trong kín như bưng, không một tia sáng nào lọt qua.
Chúng tôi dặn hai đồng chí cảnh sát đi cùng đứng bên ngoài, chỉ có tôi và Tiểu Đường bước lên bậc thềm, đưa tay vén bức rèm vải rồi từ từ mở cánh cửa gỗ. Cánh cửa nhẹ nhàng mở ra không một tiếng động, có vẻ như tấm bản lề vừa được tra thêm dầu. Bỗng nhiên, trong bóng tối, một giọng nói yếu ớt khẽ phát ra:
- Hai người mau vào đi, bên ngoài lạnh lắm!
Giọng nói nghe rất trẻ trung, ước chừng người này chỉ trên dưới hai mươi tuổi.
"Soạt!" khoảng không tối om trước mắt bỗng vụt sáng, không gian bên trong khá rộng, có một cô gái đang ngồi trong góc khuất cạnh chiếc bàn trà, trên mặt bàn là ngọn nến đang cháy, cô gái đang hướng mặt về phía cửa ra vào. Dưới ánh nến phập phồng, khuôn mặt của Tống Nguyệt Uyên trắng bệch, lặng yên bất động, một tay vẩy mạnh que diêm để tắt lửa.
Tôi khẽ chau mày, trong lòng không ngừng thắc mắc, liệu cô gái này có bình thường không, đang giữa ban ngày mà lại ngồi một mình trong căn phòng tối om, lại còn đốt ngọn nến, thật đúng là khác người.
Đang miên man suy nghĩ, bất chợt tôi nhận ra, vừa xong cô ấy nói "hai người vào đi", chủ ngữ rõ ràng là "hai người", trong khi tôi và Tiểu Đường đều đi giày bệt, bước đi rón rén, lại chưa vào trong phòng, vậy tại sao cô ấy lại nhận ra có hai người?
Do lần đầu trực tiếp gặp mặt, nên tôi cũng giữ lễ không hỏi nhiều và cũng không nghĩ linh tinh, chỉ kéo tay Tiểu Đường bước vào trong. Dưới ánh nến le lói, tôi liếc qua căn phòng, cả bốn bức tường đều là những tủ sách lớn, bên trên xếp kín những tầng sách lớn bé. Kỳ lạ là không khí trong phòng khá lạnh, hình như bên trong này không hề dùng lò sưởi. Tống Nguyệt Uyên khẽ quay người sang, cất tiếng:
- Ngồi xuống đi, chúng ta đã từng gặp nhau rồi!
Tôi giật mình lần thứ hai, vẫn biết người mù thường có thính giác rất nhạy, nhưng nhạy tới mức độ này thì quả thật không bình thường chút nào, tôi không nén nổi tò mò liền cất tiếng hỏi:
- Làm... làm sao cô biết chúng ta đã gặp nhau?
Tống Nguyệt Uyên khẽ nở nụ cười, tay trái chỉ về hai chiếc ghế gỗ, ý mời chúng tôi ngồi xuống đó, rồi mới nhẹ nhàng nói:
- Em nhận ra tiếng bước chân của hai người khi gặp nhau ở khu an dưỡng Hương Sơn.
Nghe thấy vậy tôi càng cảm thấy kỳ lạ hơn, đến mức không dám tin đó là sự thật, thính giác của người này thật quá mức tưởng tượng, cấp độ này chắc chỉ cao thủ võ lâm mới đạt được. Tôi trộm nhìn đôi mắt của cô gái này, con ngươi vẫn đứng yên không chút động tĩnh, quay sang nhìn Tiểu Đường, cũng chỉ bắt gặp khuôn mặt ngỡ ngàng, cô bé nhìn tôi khẽ lắc đầu khó hiểu.
Trong mọi cảm giác của con người về vạn vật xung quanh, thì phải đến tới chín mươi phần trăm là nhờ con mắt. Trước đây mỗi lần lấy khẩu cung phạm nhân, ngoài những lời khai, tôi còn cực kỳ để ý đến ánh mắt của họ, để từ đó phán đoán ra cốt lõi sự việc. Trong lúc trực tiếp nói chuyện với nhau, sau khi người nói thực hiện một hành động nào đó, hai mắt của người nghe sẽ nhận tín hiệu trước tiên, sau đó mới đến não bộ và tứ chi; giống như khi gặp ánh sáng chói, con người ta sẽ tự động phản xạ bằng cách co đổng tử lại, hay khi trời lạnh, chúng ta sẽ thấy nổi da gà. Đây đều là những phản ứng vô điều kiện trong cuộc sống thường nhật, trong bất cứ hoàn cảnh nào ta cũng không thể cố tạo ra chúng.
Nghĩ vậy, tôi càng tò mò hơn, liền nghĩ cách để thử Tống Nguyệt Uyên. Tôi giả vờ như đang điều chỉnh tư thế ngồi, tiện lúc xoay ghế, khẽ dậm chân lên mặt sàn.
Nghe thấy tiếng động, Tống Nguyệt Uyên liền phản ứng, khẽ quay đầu hướng về phía tiếng động phát ra, chứng tỏ cô đang chú ý lắng nghe, nhưng đôi mắt thì vẫn bất động, không hề có dấu hiệu của sự quan sát.
Lúc đó tôi mới tin rằng cô bị mù thật. Nhưng có một điều khác thu hút sự chú ý của tôi, đó là bàn tay phải của Tống Nguyệt Uyên luôn để trên mặt bàn trà, năm đầu ngón tay liên tục chuyển động và gõ đều trên mặt bàn, giống như đang đánh đàn hay gõ máy tính gì đó, tuy không phát ra tiếng động nhưng lại rất có quy luật.
Tôi khẽ lắc đầu, trong bụng nghĩ rằng, dù cô có nhìn thấy hay không thì cũng không quan trọng, miễn là tìm ra bệnh giúp tôi, nên đã chủ động cất lời:
- Tôi nghe nói cô châm cứu rất giỏi, nên hôm nay tìm đến đây để bắt bệnh, tôi thường xuyên bị đau nửa đầu, cũng khoảng ba bốn năm nay rồi.
Tống Nguyệt Uyên khẽ mỉm cười, bảo tôi đưa tay ra để cô bắt mạch.
Tôi khẽ quay người, xắn tay áo lên rồi đưa tay ra, đặt lên mặt bàn lạnh buốt. Theo ấn tượng của tôi về những lần khám trước đây ở phòng khám đông y, các thầy thuốc đều đặt đầu ngón tay lên mạch cổ tay bệnh nhân để bắt mạch; nhưng Tống Nguyệt Uyên lại chỉ ngửa bàn tay tôi lên, rồi dùng đầu móng tay của ngón trỏ và ngón giữa khẽ đặt lên cổ tay tôi. Móng tay của cô ấy rất mềm nhưng lạnh buốt như đá, vừa mới đặt lên cổ tay thôi, tôi đã không nén nổi tiếng xuýt xoa.
Dưới ánh nến tranh tối tranh sáng, bàn tay của Tống Nguyệt Uyên càng trắng bệch lạnh lẽo, lòng bàn tay trơn mịn, không hề có đến một đường vân.
Tôi chợt giật mình hoảng hốt, khẽ rụt đầu, nghi hoặc. Tống Nguyệt Uyên như nhận ra thái độ này của tôi, liền mỉm cười:
- Kỳ lạ phải không? Từ khi sinh ra tôi đã không có đường vân tay rồi, đây cũng là một loại bệnh, nhưng không sao, tôi quen rồi, nó giúp tôi bắt mạch rất tốt.
Tôi khẽ nuốt nước bọt, hai mắt mở to nhìn cô chằm chằm, đây đúng là thần diệu, chỉ cần dựa vào tiếng động phát ra là có thể phán đoán được tâm lý và suy nghĩ của người khác một cách chuẩn xác.
Tống Nguyệt Uyên nhoẻn miệng cười, không nói gì, hai tay lấy một chiếc bọc ra, rút lấy một cuộn da đã cũ, đặt lên trên mặt bàn. Sau khi cô mở cuộn da đó ra, tôi thật sự ngạc nhiên khi nhìn thấy bên trong là hàng trăm mũi kim màu trắng bạc được xếp ngay ngắn thẳng hàng. Chúng có rất nhiều chủng loại, to có nhỏ có, dày có mỏng có, ngắn có dài có, nhưng đều có điểm chung là mũi kim nhọn hoắt.
Đầu ngón tay cô lướt qua một lượt các mũi kim, rồi ngẫu nhiên chọn ra một chiếc, tay kia cầm một chiếc lọ sứ nhỏ, sau khi cắm mũi kim vào trong chiếc lọ, Tống Nguyệt Uyên lắc nhẹ sang hai bén, lúc lấy ra mũi kim đã được bọc một lớp sáp trắng trên khắp bề mặt. Trong cả quá trình, mọi công đoạn đều được thực hiện một cách thuần thục và liền mạch trong nháy mắt, thậm chí đến những người sáng mắt cũng khó có thể thực hiện nổi.
Trong đầu tôi vẫn không ngừng dâng lên một cảm giác rất lạ, cách sử dụng những mũi kim và cách thao tác của Tống Nguyệt Uyên rất giống với Tiểu Đường. Nghĩ đến đó, tôi liền quay đầu nhìn về phía Tiểu Đường, bắt gặp ánh mắt cô bé cũng đang chăm chăm quan sát Tống Nguyệt Uyên, vẻ mặt để lộ sự kinh ngạc và kì quái không kém.
Tống Nguyệt Uyên đưa mũi kim lên trước mặt, miệng lẩm nhẩm điều gì đó, nhưng âm thanh vô cùng nhỏ, tôi không thể nhận ra cô đang nói điều gì. Tôi vô cùng hoảng hốt khi nhận ra hành động này của cô sao lại giống Tiểu Đường đến thế.
Tống Nguyệt Uyên đứng dậy, lần bước tới trước mặt tôi, với tay lấy chiếc bát sứ nhỏ màu xanh nhạt đưa cho tôi để tôi giơ lên sát má.
Tôi cầm chiếc bát sứ, chỉnh lại tư thế ngồi, rồi liếc mắt quan sát khuôn mặt Tống Nguyệt Uyên.
Khoảng cách bây giờ đã rất gần, tôi có thể nhận thấy nước da của cô rất trắng, ngũ quan sắc nét, giống như khuôn mặt của búp bê sứ, mong manh và dễ vỡ, trên cơ thể của cô toát ra một mùi hương nhè nhẹ.
Tống Nguyệt Uyên giơ tay trái ra, đặt nhẹ ngón cái lên huyệt thái dương của tôi, dùng lực ấn hơi mạnh. Cô dựa vào chiếc bàn trà phía sau lưng để đứng cho thật vững, tay phải đang cầm chiếc kim từ từ hạ xuống rồi cắm đúng vào mạch. Tôi cảm thấy nơi huyệt thái dương bị chích khẽ nhói đau, ngay lập tức một dòng chất lỏng chảy dần xuống má, từng giọt từng giọt nhỏ tí tách vào bên trong bát sứ.
Các ngón tay của Tống Nguyệt Uyên không ngừng vê tròn mũi kim, nhẹ nhàng ấn mũi kim vào sâu hơn, trong khi máu vẫn đang chảy thành dòng xuống má, thì đầu óc tôi bỗng trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều, giống như có một làn nước ấm áp đang lan tỏa khắp nơi, khiến những chỗ đau trước đây trở nên sảng khoái một cách khó tả.
Tống Nguyệt Uyên vừa điều khiển mũi kim vừa lẩm nhẩm điều gì đó mà tôi nghe không hiểu lắm, nhưng có thể tổng kết lại bằng bốn từ: Suy nhược thần kinh.
Chỉ vài phút sau, máu từ thái dương đã chảy được gần lưng chiếc bát nhỏ, màu đỏ thẫm, sanh sánh và đang dần đông đặc lại.
Tống Nguyệt Uyên khẽ rút mũi kim ra từ từ, rồi dặn dò tôi:
- Chị hãy bớt thức khuya và cố ăn nhiều đồ bổ dưỡng cho trí não.
Tôi gật đầu, đặt chiếc bát đựng máu xuống mặt bàn, đứng dậy thò tay vào túi áo rút ví tiền ra và nói:
- Của tôi hết bao nhiêu tiền?
Tống Nguyệt Uyên khẽ lắc đầu, mỉm cười nói:
- Không cần đâu, chuyện nhỏ thôi mà!
Trước lúc rời đi, tôi và Tiểu Đường lần lượt bước tới bắt tay chào tạm biệt cô. Tôi nhận thấy lúc Tiểu Đường bắt tay Tống Nguyệt Uyên, toàn thân hai người khẽ rung nhẹ, vẻ mặt biểu lộ một sắc thái hết sức kỳ quái.
Tiểu Đường nhìn Tống Nguyệt Uyên thêm vài lần nữa trước khi rút tay lại, cũng không nói năng gì, chỉ quay đầu kéo tay tôi vội vàng bước thật nhanh ra khỏi cửa. Khi đóng cánh cửa lại, tôi không nén nổi tò mò nên đã quay đầu nhìn thêm một lần nữa, nhưng Tống Nguyệt Uyên đang án binh bất động trên ghế, khẽ cúi đầu xuống như suy ngẫm điều gì đó rất nhập tâm, nên tôi không thể nhìn thấy vẻ mặt của cô lúc đó.
Phải đến tận sau này, tôi mới biết tại sao lúc đó khi hai người họ bắt tay nhau lại có phản ứng mãnh liệt đến vậy. Nội tình ẩn chứa sâu xa bên trong đó khiến tôi không thể nào đoán ra được.
Khi chúng tôi vừa bước ra khỏi cổng, thì đúng lúc có một chiếc xe ô-tô bảy chỗ màu đen đỗ xịch trước mặt, chiếc xe mang biển số W của Tứ Xuyên, chứng tỏ nó từ Tứ Xuyên tới nhưng không rõ từ thành phố nào. Sau khi cánh cửa xe được mở ra, một người bước xuống, ngó nghiêng nhìn ra xung quanh.
Đó là một người phụ nữ trẻ, chắc cũng trạc tuổi tôi, ăn vận hết sức giản dị. Người này có dáng hình mảnh khảnh, các nét trên khuôn mặt rất thanh tú nhưng lại hết sức nghiêm nghị.
Tôi chỉ nhìn qua là đã có thể đoán ra, người này chắc chắn là cảnh sát, hơn nữa còn là một cảnh sát hình sự chuyên nghiệp. Vốn trong nghề đã nhiều năm, tiếp xúc với rất nhiều dạng người, vẻ sắc sảo và nghiêm nghị trên khuôn mặt của cô ấy không xa lạ gì với tôi, nên chắc chắn không thể nhầm.
Đúng lúc đó, cô ấy cũng quay đầu nhìn về phía chúng tôi, đôi lông mày khẽ cau lại. Qua biểu lộ sắc thái đó, tói đoán rằng cô ấy cũng đang có những suy nghĩ giống mình, hoặc là hai chúng tôi có thần giao cách cảm.
Mặc dù thấy hơi lạ, nhưng lúc đó tôi không suy nghĩ gì hơn, với tay gọi một chiếc taxi rồi lên xe quay về. Sau khi chiếc taxi đi dược khoảng hơn chục mét, tôi vô thức quay đầu lại thì thấy cô gái đó đang đỡ một người từ trong xe bước ra, người đó có vẻ ngoài to béo, khoác một chiếc áo choàng dài màu xanh đậm, bước chân liêu xiêu, đang dò dẫm từng bước vào trong sân, có vẻ như người này không nhìn thấy gì, chắc là bệnh nhân tới để chữa bệnh.
Trên suốt chặng đường về, Tiểu Đường ngồi im một chỗ không nói năng gì, đôi mắt nhìn thẫn thờ ra ngoài cửa sổ như đang miên man suy tư điều gì đó. Tôi đã vài lần hỏi cô bé rằng vì sao lúc hai người bắt tay lại có phản ứng khác lạ như vậy, nhưng Tiểu Đường vẫn lặng yên, không hề quay lại trả lời câu hỏi của tôi.
Tôi khẽ lắc đầu khó hiểu, cảm thấy những cô gái có khả năng đặc biệt đều rất khó hiểu, không hề giống với người bình thường chút nào.
Bỗng nhiên, tôi nhớ ra Tống Nguyệt Uyên là một người mù, vậy tại sao trong phòng lại có nhiều sách đến như vậy. Nhưng khi nghĩ lại, tôi thấy mình đúng là người lo xa, người ta có nhiều sách nhưng đâu nhất thiết phải đọc nó, cũng có thể đó là do ông bà, bố mẹ họ để lại.
Nhưng phải nói rằng khả năng của Tống Nguyệt Uyên vô cùng đặc biệt, mặc dù chỉ châm cứu cho tôi có một lần, nhưng từ đó trở đi, bệnh đau đầu của tôi không hề tái phát, thậm chí cả bệnh mất ngủ giờ cũng đã thuyên giảm đi rất nhiều. Nếu sau này có cơ hội, nhất định tôi phải tìm gặp cô để nhờ chữa bệnh kinh nguyệt không đều.