Thiên văn - Phần II - Chương 15 phần 2

Tôi ngỡ ngàng, lập tức dừng bước, quay sang nhìn cô bé với vẻ khó hiểu. Khuôn mặt Tiểu Đường cắt không còn giọt máu, đôi mi dài đang liên tục chớp chớp để lộ ánh mắt vô cùng sợ hãi. Bỗng nhiên, cô bé nắm chặt tay tôi, mạnh tới mức những đường gân xanh trên mu bàn tay lập tức nổi lên.

Tôi cảm nhận thấy sự bất an và sợ hãi đến tột cùng của Tiểu Đường qua ánh mắt và cử chỉ của cô bé.

Tôi đã quen biết Tiểu Đường khá lâu, từ trước tới nay luôn cảm thấy cô gái này có tính cách mạnh mẽ, bình thường rất điềm tĩnh và lặng lẽ, đây là lần đầu tiên tôi thấy cô bé bị kích động mạnh như thế. Điều khiến tôi không hiểu là, ngọn tháp cổ này thì có quan hệ gì tới thân thế của Tiểu Đường, lẽ nào hậu duệ của Đường Bá Hổ cũng tham gia xây dựng tháp?

Nhưng ý nghĩ này vừa vụt ra đã bị tôi lập tức gạt đi, vì ngọn tháp cổ được xây dựng từ thời nhà Liêu, còn Đường Bá Hổ lại sống ở thời nhà Minh, hai triều đại cách nhau đến vài trăm năm. Nếu Đường Bá Hổ có ý định như vậy thì chỉ có thể xuyên ngược thời gian quay về quá khứ để thực hiện ước nguyện.

Tuy trong lòng vẫn đang rất mông lung, nhưng tôi vẫn cố không để lộ cảm xúc ra mặt, vỗ nhẹ lên tay cô bé, nhẹ nhàng an ủi:

- Em…

Chưa kịp mở miệng, Tiểu Đường đã lắc đầu ra hiệu cho tôi đừng nói gì, rồi kéo tay tôi sang một góc.

Cô bé cúi gập mặt xuống đất để lộ vùng cổ trắng muốt, hai tay liên tục bẻ mạnh các khớp, phát ra những tiếng kêu rắc rắc, rõ ràng Tiểu Đường đang phải vật lộn đấu tranh tư tưởng rất gay gắt. Tôi không dám nói lời nào, chỉ biết nắm chặt bờ vai mỏng manh, hi vọng có thể trấn an cô bé phần nào.

Một lúc lâu sau, Tiểu Đường mới khẽ thở dài, khuôn mặt xinh đẹp thoáng vẻ u buồn sầu não. Cô bé mở chiếc bọc rồi lấy ra một mũi kim nhỏ và rất nhọn màu bạc, nhìn nó một cách lạnh lùng, sau đó đưa mũi kim cào lên móng tay cái bàn tay trái, nói thầm:

- Để em cho chị xem Nội Văn Khắc Pháp.

Mũi kim chuyển động rất nhanh, chỉ một lúc sau, trên bề mặt móng tay đã đùn lên một lớp bột màu trắng. Cô bé lau ngón tay vào áo rồi rụt rè giơ ra trước mặt tôi. Dưới ánh đèn pin, tôi nhìn thấy hai chữ nhỏ xíu đỏ tươi: Lục Tây.

Tôi giật thót tim, ngỡ mình bị hoa mắt, tôi chồm người tới phía trước, nhìn lại thật kỹ, rõ ràng là hai chữ “Lục Tây”. Chúng như được in chìm dưới lớp móng tay, tuy chữ hơi nhỏ và mờ nhưng vẫn nhìn thấy đường nét thư pháp bay bổng tuyệt đẹp.

Tôi tò mò nắm lấy bàn tay Tiểu Đường đưa lên sát mặt để nhìn kỹ hơn. Nhưng không hiểu sao, tôi vừa nắm tay cô bé, hai chữ đó lập tức mờ dần và biến mất, chỉ để lại vết rãnh cào trên bề mặt móng tay.

Trí tò mò và sự hào hứng của tôi càng tăng lên, miết đi miết lại ngón tay lên đường rãnh đó nhưng ngoài cảm giác hơi sần ra, tôi không thấy điều gì bất thường, không rõ hai chữ đó đã biến đi đâu. Tôi không thể giải thích được đành hỏi Tiểu Đường.

Cô bé không trả lời, chỉ nhắm chặt mắt chìm sâu vào suy nghĩ, giống như tinh thần đang phải đấu tranh dữ dội lắm. Rồi bỗng nhiên, Tiểu Đường mở mắt trừng trừng, cắn chặt môi dưới, như quyết tâm đưa ra một quyết định gì đó vô cùng quan trọng.

Thấy thái độ của Tiểu Đường như vậy, tôi biết ngay là có chuyện hết sức quan trọng, nên không nói gì thêm, lập tức gọi Lão Mục dậy. Khi biết Tiểu Đường có chuyện muốn nói, anh ta cũng tỏ ra hết sức hào hứng.

Cả ba chúng tôi đều quyết định không ngủ, tìm một chỗ thoải mái rồi cùng ngồi xuống dựa lưng lên tường, để tiết kiệm pin, chúng tôi tắt cả ba chiếc đèn pin đi. Không gian dười tầng tháp trở nên đen đặc, bốn phía lặng yên như tờ, chỉ có giọng Tiểu Đường chậm rãi vang lên.

Tiểu Đường kể với chúng tôi, kỹ thuật xăm khắc trong phái Mặc môn có rất nhiều chủng loại, trong số đó Nội Văn Khắc Pháp là kỹ thuật cao nhất. Đúng như tên gọi của nó, hình ảnh sẽ được khắc chìm vào bên trong cơ thể người hoặc một vật nào đó mà bình thường không ai có thể nhìn thấy. Để làm được việc này, người ta phải dùng một mũi kim cực kỳ đặc biệt với một kỹ thuật vô cùng tinh tế thì mới có thể tạo ra một kiệt tác nghệ thuật có một không hai trên thế giới. Như vậy, cho dù có khắc bao nhiêu hình ảnh bên trong thì bề ngoài vật thể vẫn không có bất kì sự tổn thương nào.

Nói rồi, Tiểu Đường cầm chiếc đèn pin của mình lên, điều chỉnh ánh sáng ở mức thấp nhất, rồi lôi mũi kim đặc biệt từ trong bọc ra, nói:

- Kỹ thuật này của em tuy kém, nhưng vẫn tạm chấp nhận được, để em làm cho mọi người xem.

Trước khi nghe những lời giải thích vừa rồi của Tiểu Đường, tôi tuy cảm thấy rất kỳ lạ, nhưng nghĩ tới hôm ở nhà Tang Giai Tuệ, Tiểu Đường đã nói qua cho tôi về nghệ thuật khắc hình, nên tôi cũng phần nào đoán ra, hai chữ cô bé cho tôi xem chính là sản phẩm của kỹ thuật Nội Văn Khắc Pháp. Thấy Tiểu Đường có ý muốn xăm thử, chúng tôi liền chủ động giơ tay ra để cô bé thực hiện.

Tiểu Đường lắc đầu, khẽ đẩy tay chúng tôi ra, nói:

- Mặc môn có những quy tắc rất chặt chẽ, đó là chỉ xăm khắc cho những người trong phái, lần này chuyển sang khắc lên đồ vật vậy.

Nói xong, cô bé đứng dậy, tìm quanh một vòng, nhưng hình như không thấy đồ vật nào thích hợp nên đành lấy tạm chiếc đèn pin, dựng thẳng đứng trên mặt đất, tay trái nắm chặt chiếc đèn. Ánh đèn chiếu ngược lên trên, tạo thành một đốm sáng hình tròn trên đỉnh.

Tiểu Đường chậm rãi nhấc tay phải lên, đặt mũi kim lên mặt kính đèn pin rồi chuyển động nhanh dần, phát ra một tiếng rít khá dài. Ánh sáng từ chiếc đèn pin lọt qua kẽ tay chiếu thẳng lên khuôn mặt cô bé, đôi mắt đang nheo lại, cặp lông mày khẽ rung lên, vẻ mặt Tiểu Đường trông khá kỳ lạ.

Khi mũi kim dịch chuyển đến vị trí mép tấm kính, tay cô bé dừng lại một lúc, mu bàn tay cong lên như đang cầm nắm thứ gì đó, rồi bắt đầu chọc thẳng xuống mặt kính như con gà đang mổ thóc. Mỗi lần tay cô bé hạ xuống, cảm giác như từ đầu mũi kim tóe ra những tia lửa bạc.

Những tiếng lách cách liên tục phát ra, tần suất lúc nhanh lúc chậm, âm thanh này rất giống tiếng phát điện tín, nghe mà thấy sốt ruột hơn, không rõ Tiểu Đường đang làm gì.

Cô bé cứ miệt mài như thế một lúc lâu, sau đó đổi sang vị trí khác, rồi lại tiếp tục công đoạn xăm hình lên mặt kính, cứ như vậy cho tới vị trí thứ sáu. Cuối cùng, Tiểu Đường khẽ thở hắt ra, nhanh chóng đặt tay phải lên thân đèn, chợt một tiếng nứt phát ra từ mặt kính.

Tiểu Đường thở dài, thõng hai tay xuống, từ từ dựa lưng vào bức tường, buồn bã nói:

- Công lực không đủ!

Rồi một tay cất mũi kim vào bọc, một tay đưa chiếc đèn pin cho chúng tôi xem.

Tôi nhanh tay nhận lấy chiếc đèn pin, cùng Lão Mục nhìn một lượt lên mặt kính, ngay lập tức chúng tôi thấy một hình sáu cạnh vuông vức, trong đó đỉnh của sáu cạnh là những điểm tròn nhỏ màu trắng. Khi ánh đèn chiếu lên trên tường, nằm trong khoảng sáng hình tròn là một đường viền với sáu cạnh rõ nét.

Liệu đây có phải là khắc hình hay không? Tôi cảm thấy hồ nghi nên đưa tay sờ thử, mặt kính vẫn nhẵn mịn như bình thường, tôi không cảm nhận thấy dấu hiệu của bất kì vết sứt mẻ nào, thế nhưng khi miết kĩ lại, tôi chợt nhận ra một đường rãnh mờ tại một trong sáu cạnh đó.

Tôi liền quay chiếc đèn lại, mặc cho ánh sáng chói lóa đang chiếu thẳng vào mắt, quan sát kĩ hơn, tôi phát hiện ra, hình sáu cạnh này thực sự được khắc ở mặt trong của lớp kính, trông giống như một viên kim cương với những mặt cắt tự nhiên. Trong đó có một cạnh, chắc do công lực của Tiểu Đường chưa đủ nên đã để lộ vết khắc.

Tôi và Lão Mục mê mẩn ngắm nghía hình khắc chìm đó, bây giờ chúng tôi mới thực sự cảm nhận được sự thần kỳ của kỹ thuật Nội Văn Khắc Pháp, nhưng trong đầu vẫn còn đó cảm giác không thể nào giải thích nổi.

Lúc bấy giờ tôi tạm thời cho rằng, Tiểu Đường đã lợi dụng tốc độ nhanh như cắt của mũi kim để phá vỡ kết cấu bên trong của mặt kính. Còn Lão Mục thì liên tưởng đến hình ảnh những sai nha trong phủ quan, với kỹ thuật dùng hình siêu đẳng, khiến cho người bị đánh thịt nát xương tan nhưng quần áo mặc trên người vẫn lành lặn y nguyên.

Tiểu Đường ngồi một chỗ, không giải thích gì, chỉ cười cười và bảo chúng tôi đoán mò. Đợi cho tới lúc chúng tôi không tranh luận nữa, cô bé mới tiếp tục kể về thân thế của mình.

Giọng điệu của Tiểu Đường không nhanh cũng không chậm, cứ đều đều như đang tường thuật, cứ thế trong hơn một tiếng đồng hồ, cô bé luôn là người chủ động cất lời mà không để chúng tôi chen vào câu nào.

Sau khi nghe xong, tôi và Lão Mục cứng cả lưỡi, không nói được gì, chỉ biết ngẩn ngơ nhìn cô bé không chớp mắt. Tiểu Đường cũng nhìn chúng tôi nhưng nét mặt tịnh không chút biểu cảm. Tôi như vừa trải qua một cú sốc tinh thần rất lớn khiến đầu óc đang rất hoang mang, cảm giác như đang nằm mơ và không dám tin vào những điều mà chính tai mình vừa được nghe thấy.

Thân thế và cuộc đời của Tiểu Đường ly kỳ tới mức tôi cứ ngỡ mình vừa được xem một bộ phim hư cấu, thậm chí hồ nghi cả với những sự thực đã được kiểm chứng. Điều làm tôi hoang mang hơn cả chính là những điều liên quan tới ngọn tháp cổ này.

Về câu chuyện mà Tiểu Đường kể lại, tôi không biết nói thế nào mới rõ hết ý được, hay cứ tường thuật lại đúng như những lời cô bé nói, bắt đầu từ Đường Bá Hổ vậy…

Đường Dần, hiệu là Bá Hổ, sinh ra trong một gia đình thương gia ở Tô Châu, từ nhỏ đã có trí thông minh trời phú, xuất khẩu thành thơ, kiến thức uyên thâm, là một thần đồng xuất chúng bấy giờ. Ông đứng thứ nhất trong kì thi Tú tài năm mười sáu tuổi, sau đó tên tuổi của ông đã lan truyền khắp thành Tô Châu; năm hai mươi chín tuổi lên Nam Kinh dự kì thi Hương và đỗ giải nguyên, vì thế sau khi mất người đời đều gọi ông là Đường giải nguyên.

Trong thời kì tiếng tăm của Đường Bá Hổ vẫn đang nổi như cồn, vào năm thứ hai khi chuẩn bị tới kinh thành tham gia thi Hội, ông đã gặp người làm thay đổi số mệnh của ông, người đó là Tử Từ Kinh - một công tử con nhà trâm anh giàu có ở vùng Giang Âm.

Từ Kinh và Đường Dần đều là cử nhân, tuổi tác cũng tương đương, sau khi vô tình gặp nhau, do ngưỡng mộ tài năng của Đường Dần, nên Từ Kinh đã thu xếp cuộc gặp gỡ rồi có ý muốn tài trợ toàn bộ chi phí thi cử cho Đường Dần, hai người từ đó kết giao tri kỉ.

Đường Dần và Từ Kinh sau khi tới kinh thành đã nhiều lần tới gặp vị quan chủ khảo của cuộc thi năm đó là Trình Mẫn Chính. Đường Dần còn mời ông ta viết lời tựa cho tập thơ do chính mình sáng tác, nên hai người dần dần trở nên thân thiết.

Đề thi năm đó vô cùng hóc búa, khiến rất nhiều thí sinh không trả lời được. Nhưng trong đó có hai bài thi không những hay mà chữ nghĩa cũng rất đẹp, Trình Mẫn Chính nhìn qua là nhận ra ngay, liền nói:

- Hai bài này chắc chắn là của Đường Dần và Từ Kinh.

Câu nói này đã bị những người chứng kiến nghe thấy và lan truyền ra ngoài, Trình Mẫn Chính bị kết tội thông đồng với hai thí sinh nên đã bị bắt giữ. Bọn quan tham nhân đó trình báo chuyện này lên hoàng thượng, vu cáo Trình Mẫn Chính là người làm lộ đề thi, nếu như không nghiêm ngặt điều tra sự thật, e rằng sẽ làm các sĩ tử mất lòng tin vào cuộc thi.

Lúc đấy, hoàng thượng đã tin đó là sự thật, nên đã truyền chỉ không cho phép Trình Mẫn Chính tham gia chấm thi. Tất cả những bài thi mà ông đã đọc qua đều phải chấm lại, đồng thời bắt nhốt Trình Mẫn Chính, Đường Dần và Từ Kinh và ngục chờ người đến thẩm tra.

Sau khi bị nhốt vào ngục, Từ Kinh bị tra tấn dã man nên phải nhận rằng đã dùng một lượng vàng lớn để mua chuộc người thân cận của Trình Mẫn Chính đưa trước đề thi và sau đó tiết lộ cho Đường Dần. Nhưng sau này, khi mở cuộc điều tra lại, Từ Kinh đã được giải oan, do lúc đó bị bức hại dã man nên phải nhận tội. Cả Từ Kinh và Đường Dần đều thấy oán hận vô cùng. Về sau, hoàng thượng đã hạ chỉ lấy lại trong sạch cho cả ba người rồi thả họ ra. Trình Mẫn Chính sau khi ra khỏi ngục, đã bị ép phải từ quan về quê ở ẩn, do luôn cảm thấy triều chính quá bất công nên ông đã ôm mối hận thù và không lâu sau qua đời. Còn Từ Kinh và Đường Dần bị hủy bỏ mọi công trạng và bị lưu đày làm quân sai tại một vùng hẻo lánh.

Sự thật về cuộc thi đó là như thế, nhưng cũng có khả năng đề thi bị lộ ra ngoài vì trong sử sách đã ghi lại như vậy, cho đến tận bây giờ người ta vẫn chưa biết rõ thực hư và đó là cuộc thi để lại nhiều hoài nghi nhất trong lịch sử.

Nghe tới đó, tôi bỗng nhớ tới một cuốn tiểu thuyết rất ăn khách mà tôi mới đọc xong có tên là Những câu chuyện thời nhà Minh, nội dung cũng được kể lại gần giống như thế này. Chỉ có điều câu chuyện này do chính hậu thế của Đường Bá Hổ kể lại, nên phần nào cảm thấy chân thật hơn.

Truyện kể lại, Đường Dần sau khi ra khỏi ngục, đã bị chuyển tới một huyện nhỏ của tỉnh Triết Giang làm lính cai ngục, cuộc đời ông trở nên tăm tối, nhục nhã và ê chề. Sau khi trở về nhà, nghe tin vợ con cũng đã bỏ đi, ông đã tìm tới rượu và tới các thú vui khác để quên sầu.

Đến năm Hoằng Trị thứ ba mươi, người anh em kết nghĩa Từ Kinh sau một lần ghé thăm, thấy tinh thần và con người của ông đã thay đổi quá nhiều, ngày đêm u sầu não nề, nên đã quyết định mời Đường Dần đi cùng mình.

Ba năm sau, Đường Dần một mình quay trở về quê hương Tô Châu, nhưng không ai biết chuyện gì đã khiến ông thay đổi cách nghĩ để quay về với cuộc sống sáng tác thơ văn, viết sách vẽ tranh. Cuối cùng ông đã lấy lại thành công và danh tiếng trước đây.

Liên quan đến sự chuyển biến trong cách nghĩ của Đường Dần, sử sách đã ghi lại rằng, qua lần thi đó, ông đã nhận rõ được bản chất nham hiểm và sự thối nát của bọn quan lại, nhưng vì bản thân không làm được gì, chỉ biết giữ nỗi oan ức trong lòng.

Thời bấy giờ, có một kỹ nữ rất nổi tiếng ở thành Kim Lăng tên là Lâm Nô Nhi hay còn gọi là Lâm Kim Lan, hiệu là Thu Hương, tài sắc vẹn toàn, cầm kì thi họa đều xuất chúng, nên đã có rất nhiều văn nhân tài tử si mê cô.

Sau này, câu chuyện “Đường Bá Hổ điểm Thu Hương” trở thành điển tích và được lưu truyền rộng rãi trong dân gian đến tận bây giờ. Theo lịch sử, mặc dù Thu Hương là một nhân vật có thật sống cùng thời với Đường Dần, nhưng bà nhiều hơn Đường Bá Hổ ít nhất hai mươi tuổi. Hai người họ đã gặp nhau và Đường Bá Hổ có tình cảm với người phụ nữ đó hay không, điều đó rất khó nói. Nhưng một trong bốn tài tử lừng lẫy của vùng đất Giang Nam cùng thời với Đường Bá Hổ là Chúc Chi Sơn, có được chiếc quạt vẽ khuôn mặt của Thu Hương, anh ta yêu say đắm khuôn mặt đó ngay từ lần đầu nhìn thấy đến độ xuất khẩu thành thơ.

Vào một ngày, Chúc Chi Sơn đem theo chiếc quạt tới vườn đào rồi mời Đường Dần cùng ngắm chân dung mỹ nhân. Văn nhân tương ngộ thường không thể thiếu mỹ tửu, nên hai người họ đã cùng nhau uống rượu cho tới khi say khướt. Đường Dần sau khi say, cầm chiếc quạt ngắm nghía nhìn khuôn mặt mỹ nữ, bỗng nhiên thở dài, nói:

- Thu Hương có vẻ đẹp nghiêng sắc nghiêng trời, chỉ hận một điều ta sinh sau đẻ muộn những hai mươi năm, nếu không nhất định đã nên duyên.

Nói xong câu đó, Đường Dần khẽ lắc đầu than thở:

- Dung nhan thật lộng lẫy, chỉ trách nốt ruồi kia thật không đúng chỗ!

Do góc trái trên trán Thu Hương có một nốt ruồi màu đen, nên đã làm giảm đi vẻ đẹp thánh thiện đến hoàn mỹ ấy.

Chúc Chi Sơn cũng gật đầu tán thành, đang định bồi tán thêm vài câu thì thấy Đường Dần lôi từ trong túi áo ra một chiếc kim nhỏ, kẹp chặt giữa hai ngón trỏ và ngón cái, rồi từ từ đưa lên trước mặt, miệng lẩm bẩm vài câu, sau đó nhẹ nhàng đặt mũi kim lên vị trí nốt ruồi, cổ tay không ngừng rung lên, mũi kim cào nhẹ nhưng với tốc độ rất nhanh. Một lúc sau, nốt ruồi đã biến mất, mà mặt quạt giấy không hề bị cào xước, màu sắc vẫn nguyên vẹn.

Chứng kiến cảnh đó, Chúc Chi Sơn hết sức ngỡ ngàng, vội vàng cầm lấy chiếc quạt, lật lên lật xuống nhìn thật kỹ và hỏi Đường Dần học được kỹ thuật này từ bao giờ, là bạn thân thì không nên giấu giếm. Nhưng Đường Dần chỉ nhấp rượu, lắc đầu nhất định không nói, vẻ mặt trầm tư.

Câu chuyện sau khi được Chúc Chi Sơn kể lại, đã lan truyền khắp nơi và dần trở thành điển tích“Đường Bá Hổ điểm Thu Hương” mà ngày nay bất cứ người dân Trung Quốc nào cũng biết đến. Sự thật về câu chuyện đó vẫn còn là một ẩn số, cho đến nay không ai biết đến.

Chuyện còn kể lại rằng, vào thời vua Chính Đức, Đường Dần được thăng quan và tới phủ Nam Xương nhậm chức. Không lâu sau, ông phát hiện ra Ninh Vương đang có mưu đồ chiêu quân làm loạn nên đã giả điên cáo quan về quê ở ẩn. Sau đó, đúng như dự đoán, Ninh Vương đã dấy quân tạo phản, nhưng sớm bị Vương Thủ Nhân dẹp loạn, Đường Dần may mắn thoát khỏi tội đồng lõa. Sau sự việc đó, ông bỗng nhiên cải tín, tin vào đạo Phật, lấy tự hiệu là Lục Như cư sĩ.

Do cuối đời, Đường Dần luôn sống phong lưu phóng khoáng, bệnh tật rất nhiều, khả năng vẽ tranh cũng giảm sút, cộng thêm việc không biết quản lí chi tiêu gia đình, nên thường xuyên sống trong cảnh kiếm sống không đủ nuôi thân, phải vay mượn và dựa vào bạn bè để sống qua ngày. Lúc đó, một nhà thư pháp nổi tiếng tên là Vương Long đã tới và xin cưới người con gái duy nhất là Đào Sanh của ông, đây được coi là việc vui nhất trong những năm tháng cuối đời Đường Dần.

Trước đêm cô con gái về nhà chồng, Đường Dần đã gọi cô vào thư phòng, sau khi đóng cửa và kiểm tra xem có ai ở bên ngoài không, ông mới đích thân đưa cho con gái một bọc vải nhỏ.

Vải bọc bên ngoài đã bạc màu, thớ vải sờn rách, buộc bằng một sợi dây thừng nhỏ, bốc mùi ẩm mốc.

Thấy vẻ mặt cha rất trầm tư, cô con gái không hiểu gì, chỉ biết ngồi im lắng nghe cha cô thổn thức kể lại một bí mật kinh thiên động địa.

Thì ra, sau khi gặp lại Từ Kinh, Đường Dần và Từ Kinh đã cùng nhau du ngoạn ba năm liền, cho tới khi đến Hàng Châu, họ đã gặp một ngọn tháp cổ huyền bí và quyết định trèo lên thăm thú.

Ngọn tháp Lục Hòa được dựng trên đỉnh núi Nguyệt Luân nằm bên bờ Bắc sông Tiền Đường, bắt đầu xây dựng vào thời Bắc Tống năm 970, gồm có tám cạnh và mười ba tầng, đặt tên theo Lục Hòa kinh của Phật giáo nhằm trấn áp cơn hồng thủy vẫn xảy ra hàng năm ở sông Tiền Đường. Vào năm 1121, cơn hỏa hoạn đã thiêu rụi phần lớn ngọn tháp, phải đến năm 1156 người ta mới xây dựng lại.

Đường Dần và Từ Kinh cười cười nói nói vui vẻ, tay cầm quạt giấy thong dong đi bộ lên tận tầng mười ba. Họ cùng đứng ở vị trí cao chót vót, tay bám lan can, mắt hướng về núi non xa tít tắp. Non nước cảnh vật hữu tình, hình ảnh dòng sông Tiền Đường nhìn từ trên cao giống như một con rắn đang uốn lượn qua những khe núi, nước sông xanh biếc, gió thổi mát rượi.

Cảnh vật nên thơ, không khí trong lành nhưng vẫn không làm nguôi ngoai nỗi buồn trong ánh mắt của Đường Dần, ông ngẩng mặt lên trời xanh mà than:

- Không ngờ Đường Dần ta đã từng có thời trời ngang đất dọc lừng lẫy lại có ngày hôm nay…

Nói tới đó, Đường Dần đau khổ dừng lại, không hề than thêm lời nào nữa.

Thấy bạn như vậy, Từ Kinh cũng nhớ lại những chuyện đã xảy ra mà thấy buồn rầu đến não nề, ông đưa tay vỗ vai bạn an ủi. Đúng lúc đó từ phía sau lưng vọng tới một giọng nói:

- Cho hỏi vị cư sĩ này có phải là Đường giải nguyên?

Đường Dần và Từ Kinh lập tức quay đầu lại. Một ông già không biết đã đứng sau lưng họ từ bao giờ, râu tóc bạc phơ, trông hiền lành phúc hậu như một ông tiên, chỉ có điều vẻ mặt của ông cũng đang mang một vẻ sầu muộn.

Thấy hai người kia vẫn đang ngơ ngác, ông già vuốt bộ râu dài, chậm rãi bước tới, dõng dạc nói:

- Bần tăng là sư trụ trì của ngọn tháp này, pháp hiệu là Quảng Thế, hôm nay rất vinh dự được gặp Đường trạng nguyên nổi danh khắp thiên hạ ở đây.

Sau khi đôi bên kết thúc nghi lễ chào hỏi, nhà sư Quảng Thế muốn mời hai người tới thư phòng trong tháp viện để uống trà. Đường Bá Hổ cảm thấy xấu hổ vì không xứng đáng nên đã từ chối, nhưng vì nể Từ Kinh nên đã chấp thuận cùng vị sư đó xuống núi.

Khi cả ba người cùng đi xuống tầng tháp thứ mười hai, sư Quảng Thế bất chợt dừng chân, quay đầu mỉm cười, rồi nói rằng muốn cho Đường Dần và Từ Kinh xem bức tranh Tu Di khắc trên tường. Đó là sáu bức bích họa mang hình ảnh có cây hoa lá, động vật và thần tiên…

Đường Dần sau khi được nhà sư Quảng Thế giới thiệu những bức tranh, liền đi một vòng xung quanh, đưa tay sờ lên từng bức một để quan sát và cảm nhận. Cuối cùng, ông phát hiện ra một điều khó hiểu, tại sao bề ngoài ngọn tháp có tám cạnh, nhưng bên trong lại chỉ có sáu cạnh?

Quảng Thế không nói gì, chỉ khẽ gật đầu rồi tiếp tục dẫn hai người đi xuống. Sau đó, nhà sư để họ dừng lại một lúc lần lượt ở những tầng thứ mười, tám, sáu, bốn và hai, để hai người quan sát những bức tranh điêu khắc trên tường.

Ở sáu tầng họ dừng lại, ngoài đặc điểm chung là không gian thu hẹp dần theo chiều từ dưới lên trên, tổng thể kết cấu đều giống y hệt nhau, chúng đều gồm sáu cạnh, thậm chí đến nghệ thuật điêu khắc trên tường cũng không có khác biệt. Hai người bọn họ đều cảm thấy khó hiểu và không biết mục đích của nó là gì.

Sau khi xuống tới tháp viện, sư Quảng Thế mời hai người về thư phòng riêng của mình, ba người bọn họ ngồi đối diện nhau. Ban đầu nhà sư không nói gì mà chỉ ngồi yên một chỗ, vuốt chòm râu dài, nheo nheo đôi mắt quan sát hai người từ đầu tới chân.

Từ Kinh tính tình nóng vội, thấy dáng vẻ chậm rãi của Quảng Thế biết rằng nhà sư đang có chuyện muốn nói, nên đã cất lời trước:

- Lão thiền sư, ông dẫn chúng tôi tới đây là có điều muốn chỉ giáo, tại sao không nói gì mà chỉ trầm tư suy ngẫm thế?

Quảng Thế đưa mắt nhìn sang Từ Kinh, điềm tĩnh nói:

- Đường cư sĩ đã nhìn ra vấn đề ở con số sáu, vậy Từ cư sĩ đã phát hiện ra điều bất thường gì chưa?

Từ Kinh lặng người, giơ tay gãi đầu gãi tai, nói:

- Đã là tháp Phật thì ai mà hiểu nổi, e rằng đến cả tổ tiên Tây Thiên cũng không biết thôi.

Nghe câu trả lời của Từ Kinh, Quảng Thế liền tỏ vẻ không vừa lòng, cười lạnh nhạt định cất lời trách móc, bỗng dưng nhà sư khựng lại, đưa tay vuốt chòm râu bạc, ánh mắt nhìn quanh bốn phía với vẻ bất an. Một lúc lâu sau, ông mới khẽ gật gật đầu, miệng lẩm bẩm:

- Cơ duyên xảo hợp! Cơ duyên xảo hợp!

Giọng điệu của nhà sư hết sức kỳ lạ, rồi không ngừng thở dài thườn thượt. Đường Dần và Từ Kinh trợn mắt không hiểu vị hòa thượng này đang suy nghĩ điều gì?

Sư Quảng Thế bỗng đứng dậy, chậm rãi bước tới cửa thư phòng, đóng cửa cài chặt then, quay lưng đi về phía chiếc bàn, mở một cuộn giấy ra rồi nói:

- Bần tăng theo Phật từ nhỏ, cũng đã có cơ hội đi nhiều nơi, gặp cơ duyên với vật này, hôm nay xin hai vị cư sĩ có đôi điều chỉ giáo.

Nói rồi, nhà sư liền lôi một mũi kim kẹp ở giữa cuộn giấy ra, chấm vào nghiên mực, rồi không ngừng châm lên mặt giấy.

Đường Dần và Từ Kinh chụm đầu tới, hết sức ngỡ ngàng nhìn mũi kim đang châm liên tiếp lên mặt giấy trắng, hình ảnh một ngọn tháp từ từ hiện lên, đường nét tuy rất đơn giản nhưng chỉ cần nhìn vào là có thể nhận ra ngay đó chính là ngọn tháp Lục Hòa.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3