Thiên văn - Phần II - Chương 15 phần 3

Sau khi khắc xong hình ngọn tháp Lục Hòa, bàn tay sư Quảng Thế tiếp tục những nét vẽ bay bổng và phóng khoáng, chỉ trong nháy mắt hình ảnh dòng sông Tiền Đường đã hiện lên uốn lượn men theo sườn núi, thậm chí còn thấp thoáng những đám mây đang lơ lửng ngang chừng. Sau khi bức tranh hoàn thành, ngọn tháp Lục Hòa trở nên sừng sững và nguy nga ngay giữa đất trời.

Cuối cùng, nhà sư Quảng Thế lôi chiếc khăn tay từ trong ngực áo ra, nhẹ nhàng lau sạch vết mực còn dính trên mũi kim, quay sang nhìn Đường Dần và Từ Kinh vẫn còn đang tròn mắt vì ngỡ ngàng. Ông mỉm cười và nói:

- Hai vị cư sĩ, không biết bức tranh bần tăng vẽ có được lọt vào mắt hai vị không?

Đường Bá Hổ bỗng dưng khựng lại, nghiêng đầu nhìn xa xăm ra khoảng trời tối đen như mực ngoài cửa sổ, lông mày chau lại, khẽ lắc đầu, ông vẫn chưa hết bất ngờ với những gì được chứng kiến trong ngày hôm nay…

Đào Sanh vẫn lắng nghe câu chuyện cha mình kể lại một cách say xưa, thấy cha bỗng nhiên dừng lại, cô liền lắc cánh tay ông nũng nịu:

- Cha, cha kể tiếp đi, sau đó đã xay ra chuyện gì?

Đường Bá Hổ quay đầu lại, vuốt nhẹ lên mái tóc cô con gái, thở dài và chậm rãi kể tiếp”

- Ngày hôm đó khi ở tháp Lục Hòa, tận mắt nhìn thấy bức tranh khắc bằng kim của vị thiền sư đó, ta và Từ Kinh đã hết sức ngỡ ngàng vì biết được rằng, thì ra kỹ thuật đó là có thật, bề mặt tờ giấy đó vẫn còn nguyên vẹn…

Rồi Đường Bá Hổ tiếp tục kể câu chuyện cho Đào Sanh…

Sau khi cất mũi kim đi, vị thiền tăng đã giải thích với Đường Dần và Từ Kinh, xăm hình và khắc hình là hai tuyệt lỹ của phái Mặc môn. Sau đó, ông đã kể lại cho hai người nghe về lai lịch và sự phát triển của phái Mặc môn.

Thiền sư Quảng Thế từ nhỏ đã xuất gia, trong những năm tháng lưu bạt, ông đã gặp một vị cao nhân và quyết đi theo người đó để học tuyệt kỹ của phái Mặc môn. Nay tuổi của ông đã ngoài một trăm, biết mình không còn nhiều thời gian nên những năm gần đây đã đi nhiều nơi để tìm người kế thừa thích hợp, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được người nào ưng ý. Hôm nay gặp được hai người, qua quan sát tướng mạo biết là người xuất chúng, hơn nữa lại là người biết đến Mặc thuật và tôn thờ Pháp môn nên có ý định truyền lại kỹ thuật này.

Nói tới đó, Quảng Thế chỉ tay vào Đường Dần và Từ Kinh, cười thật lớn:

- Ta cảm nhận thấy hai người rất thích hợp. Cà hai cùng vướng mắc chuyện công danh thi cử, sau này khó có thể phát triển sự nghiệp chí hướng, chi bằng hãy học kỹ thuật của Mặc môn, ta khẳng định sau này hai người sẽ thực sự xuất chúng.

Lúc chứng kiến tài nghệ của vị thiền sư này, Đường Dần và Từ Kinh đều cảm thấy hết sức thần kỳ, nên khi nghe câu nói đó, cả hai lập tức đồng ý, định quỳ gối dập đầu bái kiến sư phụ.

Quảng Thế liền cầm tay hai người ngăn lại, khẽ nói:

- Hãy khoan, vẫn còn một điều quan trọng ta cần nói với hai vị, nếu trả lời được, ta mới truyền dạy cho.

Nói rồi, nhà sư lôi từ dưới gầm giường một chiếc hộp cổ gỗ đỏ, sau khi mở ra, bên trong đựng hai quyển sách mỏng màu xanh, khi ghép lại với nhau, trên trang bìa hiện lên bốn chữ Mặc Văn Đường tập.

Quảng Thế mỗi tay cầm một cuốn, lần lượt đưa cho Đường Dần và Từ Kinh, rồi dặn dò:

- Đây là hai cuốn sách bí truyền của Mặc môn, chia thành hai tập thượng và hạ, lưu truyền qua các thế hệ, người đã luyện cuốn thượng không thể luyện cuốn hạ. Hai người phải luôn nhớ rằng, không được tự tiện truyền cho người ngoài, càng không được rèn luyện qua quít, điều đó sẽ gây ra một thảm họa vô cùng nghiêm trọng.

Từ Kinh cầm lấy cuốn sách, nhanh chóng lật giở, các trang giấy rất mỏng, bên trên là những dòng chữ loằng ngoằng chi chít, xen kẽ là những hình vẽ rất kỳ lạ, đọc qua thì thấy nội dung hết sức uyên thâm, không biết diễn tả thế nào. Từ Kinh liền tò mò, hỏi:

- Ân sư, mạn phép được hỏi ngài đã học quyển nào?

Quảng Thế lắc đầu không trả lời, chỉ nói rằng:

- Sau này luyện tập, tự nhiên sẽ hiểu được diệu pháp của nó.

Hiểu rằng như vậy là Quảng Thế đã quyết định truyền lại bí quyết cho mình, nên cả hai cùng chắp tay vái lạy, rồi nhét quyển sách vào trong ngực áo.

Quảng Thế lấy ra một mũi kim nhỏ, bảo hai người giơ ngón cái bàn tay trái ra, chấm vào mực đỏ rồi nhẹ nhàng châm vào móng tay từng người. Xăm lên ngón tay Đường Dần chữ “Lục”, khắc lên ngón tay Từ Kinh chữ “Tây”. Sau khi rút mũi kim, nét chữ màu đỏ tươi hiện lên, nhưng ngay sau đó lặn mất.

Thấy hai người hết sức ngỡ ngàng, Quảng Thế vuốt râu mỉm cười, nói rằng tính cho đến nay, trên thế giới tồn tại bốn kỳ môn lớn là: Kiên môn, Lạc môn, Cách môn và Mặc môn. Mỗi môn phái đều có tuyệt kỹ riêng. Hai chữ “Lục Tây” tượng trưng cho cấp Cao Giới trong phái Mặc môn, tương đương với cấp Thiên Cảnh của Kiện môn, Liên Ý trong Lạc môn và Thông Thế trong Cách môn. Khi kết hợp lại hai người sẽ trở thành Mặc môn Lục Tây, coi như chúng ta có duyên, vừa xong ta dùng thuật Nội Văn Khắc Pháp để khắc hai chữ “Lục Tây” lên cơ thể hai người, điều đó đồng nghĩa với việc chính thức trở thành đệ tử kế thừa của Mặc môn phái. Sau ngày hôm nay, có thể nhận ra vi diệu của môn phái hay không, còn phải dựa vào khả năng và tư chất của mỗi người.

Tiếp theo, sư Quảng Thế dặn dò thật kỹ hai người những điều cần chú ý trong quá trình tu luyện, sau đó ngồi khoanh chân ngồi thiền trên giường, vừa nhẹ nhàng vuốt râu vừa gật đầu chậm rãi, khuôn mặt lộ vẻ hài lòng, miệng khẽ lẩm nhẩm:

Họa long họa hổ nan họa cốt. Tri nhân tri diện bất tri tâm.

Cuối cùng, giọng của thiền sư nhỏ dần rồi dừng hẳn, ông khẽ cúi đầu xuống, ngồi bất động, từ từ chìm vào cõi vĩnh hằng.

Sau khi lo xong hậu sự của thiền sư, Đường Dần và Từ Kinh rời khỏi tháp viện Lục Hòa. Lúc đó, Đường Bá Hổ đã ngầm đoán ra ý nghĩa của chữ “Lục” nằm dưới móng tay mình là tên gọi của ngọn tháp Lục Hòa. Nhưng Từ Kinh thì vẫn hết sức băn khoăn, không thể đoán ra thiền sư lại khắc cho mình chữ “Tây”, lẽ nào nó là chữ “Tây” trong Hồ Tây[1] ?

[1] Một thắng cảnh hết sức nổi tiếng của vùng Tô Châu - Hàng Châu.

Vài năm sau đó, Đường Dần và Từ Kinh tiếp tục cùng nhau khám phá những vùng đất mới, trong suốt chuyến hành trình, hai người không quên nghiên cứu cuốn sách Mặc Môn Đường tập của mình. Có thể do năng lực và tư cách của hai người có sự khác biệt nên Đường Bá Hổ đã nhanh chóng nắm vững kỹ thuật cao siêu của xăm thân khắc hình, còn Từ Kinh vẫn không thể nào hiểu được nó, nên đã quyết định truyền lại cho đời sau.

Do cùng là người kế thừa Mặc môn và là hai người bạn tri kỷ, nên trước khi cáo biệt, Đường Dần và Từ Kinh đã cùng hẹn ước gả con cho nhau để trở thành thông gia; con cái đời sau đều khắc hai chữ “Lục Tây” lên móng tay để luôn nhớ về mối thâm giao này và không quên dặn dò hậu bối tìm hiểu và nghiên cứu bí mật kỳ diệu trong hai tập sách Mặc Môn Đường tập.

Sau khi Đường Dần quay trở về Tô Châu, cả ngày đóng cửa không tiếp khách để toàn tâm toàn ý nghiên cứu và tu luyện kỹ thuật xăm thân khắc hình, nên càng ngày kỹ thuật của ông càng trở nên cao siêu. Nhưng vì bản thân không biết duy trì cuộc sống nên hoàn cảnh gia đình ngày càng suy tàn, cuối cùng để kiếm sống, ông chỉ còn biết dựa vào việc bán tranh vẽ chữ.

Vào năm Chính Đức thứ chín, Ninh Vương vùng Giang Tây cử người tới Tô Châu để tìm kiếm người hiền tài. Lúc bấy giờ Đường Dần đã bốn mươi lăm tuổi, tuy đã có tuổi nhưng trong lòng vẫn ôm mộng tham gia triều chính, nên đã được Ninh Vương chiêu ngộ và tới Nam Xương.

Một thời gian sau, Đường Dần phát hiện ra Ninh Vương đang không ngừng chiêu quân, tìm kiếm người tài khắp nơi để thực hiện ý đồ tạo phản. Tuy biết rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến bản thân nhưng ông lại không dám từ quan lúc này. Sau nhiều đêm trằn trọc, ông đã nghĩ ra kế giả ốm, thậm chí còn giả điên và thường xuyên gây gổ. Ninh Vương nghĩ rằng ông bị điên thật, nên đã thả ông về Tô Châu.

Năm năm sau, quả nhiên Ninh Vương đã dấy quân nổi loạn, nhưng đã bị Vương Thủ Nhân nhanh chóng dẹp loạn. Đường Dần tuy bỏ về quê ở ẩn, nhưng cũng không tránh nổi những rắc rối về sau. Ông bị điều tra và tống vào ngục, nhưng may mắn là đã được Vương Thủ Nhân giải oan thả ra. Lúc bấy giờ, Đường Dần nhớ lại những lời mà ân sư Quảng Thế đã từng dặn dò mà lúc đó ông vẫn chưa hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó, ông cải tín và hoàn toàn tín Phật. Hàng ngày, ngoài những lúc ngồi thiền, ông lại dùng mũi kim cào cào lên móng tay để chữ “Lạc” màu đỏ hiện ra, rồi lại ngồi trầm mặc suy tư. Một thời gian sau đó, Đường Dần đổi tự hiệu thành Lục Như cư sĩ.

Mấy năm sau, Đường Dần thấy con gái là Đào Sanh đã lớn, nhớ đến lời hẹn ước năm xưa với Từ Kinh, bèn một mình đến Giang Âm, tìm đến Từ gia để bàn chuyện cưới xin. Không ngờ, Từ Kinh trước đó nghe tin Đường Bá Hổ bị điên, bặt vô âm tín, nên đã để cho hai cậu con trai lấy con gái nhà khác.

Trước tình huống dở khóc dở cười đó, Đường Bá Hổ cười nhạt mấy tiếng, ngửa mặt lên trời mà than:

Mặc môn Lục Tây, sinh sinh thế thế, nan dĩ tham ngộ thấu. (Mặc môn Lục Tây, đời đời kiếp kiếp, khó lòng thấu hiểu nhau).

Nói đoạn, ông ta quay ngoắt người, loạng choạng bước đi, vừa đi vừa khóc.

Nhìn bạn cũ khóc lóc bỏ đi, Từ Kinh vô cùng ái ngại, mấy lần giơ tay định gọi nhưng rồi lại thôi, mọi sai lầm đã gây ra thì có cách gì cứu vãn được nữa đây.

Đêm hôm đó, Đường Bá Hổ kể lại từng câu chuyện cũ cho con gái Đào Sanh nghe. Đào Sanh ngồi nghe mà thần hồn phiêu đãng, cứ ngây người nhìn cha, không dám tin những điều đó là sự thật.

Kể đến đoạn cuối cùng, Đường Bá Hổ nước mắt giàn giụa, xót xa vô tận. Mãi lâu sau, ông mới lau khô nước mắt, từ từ gập bọc vải hoàng cẩm lại, thắt chặt sợi dây lụa đỏ, vỗ nhẹ lên tay con gái, nói:

- Cuốn sách này tuy đã làm nên sự nghiệp của cha, những mãi đến hôm nay, cha vẫn chẳng thể khám phá hết được hàm ý của hai chữ “Lục Tây”. Bây giờ con và con trai của Từ Kinh mỗi người đều có nơi có chốn riêng, có lẽ sau này sẽ không có ai có thể biết được.

Ngừng một lát, trên mặt ông hiện rõ nỗi đau khổ tột cùng:

- Từ Kinh vì khoa khảo mà cả đời nhầm tưởng ta ham công danh, nhưng cũng nhờ ông ta mà cha hiểu được một cảnh giới khác vĩ đại hơn, như vậy cũng không có gì là thiệt thòi. Lời thề của cha với ông ta năm đó vẫn có hiệu lực. Sau này trên móng tay con trưởng của con nhất định phải khắc hai chữ “Lục Tây”. Có như vậy cha mới yên lòng nhắm mắt.

Đào Sanh nước mắt giàn giụa, vội quỳ xuống đất:

- Sao cha lại nói thế? Sao cha lại nói thế?

Đường Bá Hổ để con gái khóc lặng một lúc, sau đó nhẹ nhàng nhấc chiếc bọc hoàng cẩm lên, đặt vào tay Đào Sanh, nói:

- Con sẽ làm được những điều này, con hiếu thảo như vậy đã khiến ta cảm thấy mãn nguyện lắm rồi.

Đào Sanh lặng lẽ lắng nghe, nước mắt rơi lã chã xuống ướt cả bọc vải, hai tay run run đón lấy và mở ra, bên trong là một cuốn sách mỏng bìa xanh rách nát, trên bìa viết bốn chữ Khải màu trắng Mặc Văn Đường tập. Mở sách ra, trang đầu tiên viết “Không phải người thừa kế của Đường môn, không được tự tiện mở ra”. Nét chữ rồng bay phượng múa, quả đúng là nét chữ của cha, Đào Sanh nghẹn ngào:

- Những lời cha căn dặn, con xin khắc ghi. Nhưng có một chuyện con không hiểu, con đã làm dâu nhà khác, chữ “Lục” vốn là y bát kế truyền, nhưng tại sao lại phải khắc thêm chữ “Tây”?

Đường Bá Hổ thở dài thườn thượt, đứng dậy đấn bên cửa sổ, ngẩng đầu ngắm vầng trăng trên cao, ánh trăng phủ lên người ông một lớp ánh sáng trắng bạc. Rất lâu sau, Đường Bá Hổ vẫn không quay đầu lại, chỉ buồn bã nói:

- “Khắc lên đi, “Lục Tây” không thể bị thất truyền dưới tay ta, coi như là ta đã giữ trọn lời hứa với ân sư Quảng Thế”.

Sau đó, Đường Bá Hổ còn giảng giải tỉ mỉ cho Đào Sanh về mấu chốt cần chú ý trong khi tu luyện. Mãi đến khi trời tang tảng sáng, hai cha con mới đi nghỉ.

Sáng hôm sau, Đào Hoa Ổ[2] kén trống rộn ràng, khách khứa đông nghịt, Đào Sanh mắt ngấn lệ tạm biệt cha, bước lên kiệu hoa về nhà Vương gia. Chưa đến nửa năm sau, Đường Bá Hổ bệnh cũ tái phát, không chạy chữa kịp đã đột ngột ra đi, kết thúc một đời truyền kỳ tông sư Mặc môn.

[2] Từ khi về ở ẩn, Đường Bá Hổ đặt tên nơi ở mình là Đào Hoa Ổ để tỏ chí lánh xa bụi trần.

Đào Sanh sau khi kết hôn vẫn luôn nhớ đến lời dặn của cha, âm thầm tu luyện Mặc Văn Đường tập trong khuê phòng, trong vòng mấy năm, đã trở thành nữ thủ xăm hình nổi tiếng với tuyệt kỹ cao siêu. Cô khắc ghi lời cha dặn, không những truyền tuyệt kỹ cho con cháu đời sau, mà còn cho chúng mang họ Đường, trong móng tay đều khắc hai chữ “Lục Tây”.

Cuối đời nhà Minh, chiến tranh loạn lạc, dân chúng không đường kiếm ăn, Đào Sanh đưa cả gia đình dời đến Thịnh Kinh, cũng chính là thành phố Thẩm Dương ngày nay, sau đó cứ phát triển thêm, cuối cùng hình thành Bắc hệ Mặc môn. Trong đó Đường Vũ Lâm đời vua Hàm Phong nhà Thanh nổi tiếng nhất, ông được người đời mệnh danh là Đường Nhất Châm, nghe nói đã từng khắc hoa văn rồng trên chiếc ly cao chân do trấn Cảnh Đức làm để mừng thọ Từ Hy thái hậu, được coi là tuyệt phẩm khắc hình. Đến nay, tuy con cháu Đường gia không nhiều, chỉ do một mình Đường Nhã Kỳ đứng ra gánh vác nhưng cũng đủ nổi tiếng khắp xa gần. Chuyện họ là hậu duệ của Đường Bá Hổ e rằng không nhiều người biết đến.

Còn về nhánh Từ Kinh thì vẫn ở phía Nam, có thể hồi đó do Từ Kinh tu tập không thành pháp, thế hệ sau không xuất hiện nhiều người tài, họ tộc đều cảm thấy vô cùng tiếc nuối. Đến thời Vạn Lịch nhà Minh, con trưởng của Từ gia là Từ Hữu Miễn tư chất thông minh, nắm được một số kỹ thuật khắc thân xăm hình, nhưng cũng không thể tiếp tục phát triển thêm, đành gửi gắm hi vọng vào người con trai, đặt tên cho con là Hồng Tổ, tự Trấn Chi, để thể hiện tâm ý của mình.

Từ Hồng Tổ từ nhỏ được cha dạy dỗ, đã sớm có mơ ước chấn hưng Nam hệ Mặc môn, từ năm 22 tuổi đến khi mất năm 56 tuổi đã chu du khắp nơi, và nghiền ngẫm cuốn Mặc Văn Đường tập gia truyền. Trời không phụ người có tâm, cuối cùng Từ Hồng Tổ cũng đã lĩnh ngộ ra, trở thành thợ xăm thân khắc hình nổi tiếng sánh ngang với Đường gia, đổi tự hiệu thành Hà Khách. Ông chính là nhà địa lý, nhà lữ hành, nhà thám hiểm vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc - Tử Hà Khách.

Vào cái ngày lịch sử đó, trong tầng tháp tối đen như mực, ông lần đầu tiên trong đời để thua một người khác, và người thắng thế ngày hôm đó lại chính là một cô gái chưa đầy hai mươi tuổi.

Nghe Tiểu Đường kể lại những câu chuyện lịch sử, tôi và Lão Mục cứ ngây người ra nhìn cô bé, trong lòng vô cùng kinh hãi, thật không thể tưởng tượng được lịch sử của Mặc môn lại bí ẩn như thế. Nhất là, không chỉ có Đường Bá Hổ, ngay cả Tử Hà Khách cũng đều là truyền nhân của Mặc môn.

Đột nhiên Lão Mục kêu lên:

- Không đúng!

Lão Mục nói anh ta đã từng tham quan tháp Lục Hòa, trong đó sáu tầng tháp chẵn đóng kín, còn bảy tầng tháp lẻ lần lượt thông với cầu thang hình xoắn ốc trong lòng tháp. Từ tầng trệt xoắn dần lên đến đỉnh, cả tòa tháp chia thành hình bảy sáng sáu tối.

Thế nhưng theo lời kể của Tiểu Đường, năm đó thiền sư Quảng Thế dẫn Đường Bá Hổ và Từ Kinh xuống tháp viện cũng từng dừng lại ở những tầng tháp chẵn, điều này không phù hợp với tình hình hiện tại.

Tôi bỗng nhiên nhớ lại, năm đó tôi và La Viễn Chinh đi hưởng tuần trăng mật ở Tô Hàng, cũng đã từng đặt chân lên tháp Lục Hòa, tôi nhớ rất rõ, các tầng chẵn của tháp Lục Hòa đóng kín. Nhân viên hướng dẫn hình như có giới thiệu sáu tầng tháp này đóng cửa vào thời nhà Thanh để xây dựng tu sửa gì đó, nhưng nội tình cụ thể thế nào, do năm đó chỉ mải tham quan nên cũng không nhớ rõ.

Tôi và Lão Mục nghi hoặc nhìn Tiểu Đường, chờ đợi cô bé đưa ra lời giải thích. Tiểu Đường khẽ lắc đầu, nói:

- Em cũng không biết!

Nghe Tiểu Đường nói vậy, Lão Mục trầm ngâm không nói, cứ thế vuốt râu như thể đang chú tâm suy nghĩ điều gì đó. Tôi khẽ thở dài, nếu vẫn là kết cấu trong sáu ngoài tám thì tòa tháp Lục Hòa đúng là có vấn đề, đợi khi chúng tôi ra khỏi đây, nhất định sẽ phải tham quan một chuyến cho rõ ngọn ngành.

(Tháp Lục Hòa đóng kín là do có một chuyện đã xảy ra dưới thời vua Quang Tự, có liên quan đến Từ Hy và cũng có chút dính líu đến trưởng bối của Sở Khinh Lan. Người phụ trách trùng tu ngọn tháp là Hữu thị lang Bộ binh Chu Trí, người này cũng là một nhân vật quan trọng, ông ta tự bỏ tiền dựng lại tháp Lục Hòa, sau nhiều năm xây dựng, cuối cùng ông ta đột nhiên quyết định đóng cửa sáu tầng tháp chẵn).

Tôi chợt nghĩ đến một chuyện, quay đầu lại nhìn Tiểu Đường, hỏi:

- Thiền sư Quảng Thế có nhắc đến tứ đại kỳ môn, trong đó Kiện môn là mở khóa, Mặc môn là xăm hình thì chị đã biết rồi, thế còn Lạc môn và Cách môn là gì?

Tiểu Đường nghĩ một lúc, rồi nhăn nhó trả lời:

- Kiện môn hồi còn nhỏ em đã được nghe đến, nhưng chỉ khi quen biết chị Lan Lan, em mới tận mắt thấy truyền nhân thực thụ. Còn hai kỳ môn còn lại là gì thì em cũng không biết. Thế nhưng em đoán kỹ thuật của họ cũng không hề thua kém em và chị Lan Lan, nếu không sao có thể được liệt vào tứ đại kỳ môn chứ?

Tôi gật đầu, trong lòng cảm xúc dâng trào, văn hóa nghệ thuật của Trung Quốc quả là phức tạp, thần kỳ; những gì Tiểu Đường kể mới chỉ là một góc nhỏ. Lại nghĩ đến hai môn phái thuộc cảnh giới cao siêu là Lạc môn Liên Ý, Cách môn Thông Thế, tôi thực sự không biết chúng có gì khác biệt hay liên hệ gì với Kiện môn Thiên Cảnh và Mặc môn Lục Tây?

Câu chuyện của Tiểu Đường kéo dài tới ba tiếng đồng hồ, kể đến đoạn cuối, cô bé có vẻ thấm mệt, lấy tay che miệng, ngáp liền mấy cái, hai con mắt sắp không chống lên nổi. thấy vậy, Lão Mục vỗ vai hai chúng tôi, nói:

- Được rồi, thân thế của Tiểu Đường mọi người đều đã biết, mau đi ngủ thôi. Phải giữ cho tinh thần tỉnh táo để còn tiếp tục xuống sâu phía dưới nữa chứ.

Tôi cởi áo khoác ngoài đắp cho Tiểu Đường lúc này đã ngủ say, nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh cô bé. Mặc dù tôi cũng vô cùng mệt mỏi nhưng vẫn không tài nào chợp mắt được, đầu óc cứ chìm vào trong những câu chuyện của Tiểu Đường mà không sao thoát ra khỏi.

Tôi gối đầu lên hai tay, nhìn chăm chăm vào bóng tối trên đỉnh đầu, suy nghĩ mông lung. Tiểu Đường tuy đã giải thích rất kỹ, nhưng điều đó lại khiến tôi càng thấy khó hiểu hơn. Tại sao sự thật lại hoàn toàn khác với những gì tôi đã biết và đã được học; lại còn mảnh da người của cậu và hai tấm Long Bản nữa chứ, dường như mọi bí mật đều ẩn chứa trong một thế giới khác.

Nghĩ mãi nghĩ mãi, tôi dần chìm vào giấc ngủ. Trong mơ, tôi nhìn thấy rất nhiều người, bọn họ lần lượt đến trước mặt tôi, nam có nữ có, già có trẻ có, tôi chẳng quen biết ai, những khuôn mặt lạ hoắc, những khuôn miệng mấp máy như đang muốn nói gì đó, nhưng tôi lại không nghe thấy bất cứ điều gì. Có lẽ đó chính là những nhân vật trong tiềm thức của tôi, là Quảng Thế, Đường Bá Hổ, Từ Kinh, Đào Sanh và Tử Hà Khách.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3