Bão đồng - Chương 03 - Phần 1
- 3 -
Từ việc khoán tuốt lúa, rồi khoán gặt, tôi nảy ra ý định giao cho mỗi nhà vài sào ruộng để họ trông nom, có thể lợi hơn để cả đội làm. Khi đưa ra chi bộ bàn, nhiều người bảo làm thế là hay đấy. Mỗi nhà nhận vài sào, bà con có thể tranh thủ làm lụng, trông nom, tốt hơn là để đội làm hết mọi việc, nhưng lại lắm vãi không ai đóng cửa chùa như lâu nay. Ông Lạc đã một lần bị kỷ luật, giờ cứ như gà phải cáo, hơi tý là giật mình, nói với tôi đầy giọng thông cảm: “Chỉ ngại là ngại trên xã, trên huyện mà biết, thì lần này chú khó tránh khỏi kỷ luật”. Chị Kha, đội phó bảo: “Làm theo cách của đồng chí Điền là khoán cho hộ xã viên rồi. Mà khoán hộ là dứt khoát trên không cho làm đâu. Hồi còn hợp tác nhỏ, Phương Trà ta cũng có năm khoán như thế. Sau ông Giá, bí thư huyện uỷ, chả về bắt cả chi bộ họp kiểm điểm mấy ngày, rồi ta bị cảnh cáo toàn huyện, các đồng chí còn nhớ không? Khoán như vậy thì thể nào lúa cũng tốt, thóc cũng nhiều. Nhưng nếu trên mà biết thì lần này không riêng đồng chí Điền, mà có khi cả chi uỷ, chi bộ đều bị kỷ luật, chứ không khỏi!”.
Chung quy ai cũng sợ cấp trên biết, thì việc làm dù có lợi cho dân đến mấy cũng không khỏi bị kỷ luật. Bác Thản, một người vào Đảng từ những năm 1950, từng bị giặc Pháp bắt dìm vào bể, uống no nước đến vọt cả cứt đái ra bể, nhưng vẫn không khai hầm bí mật giấu Việt Minh ở chỗ nào. Bác Thản ngẩng khuôn mặt vuông chữ điền, nước da đen sạm với nhiều vết nhăn, nhìn tôi đầy cảm thông, chia sẻ: “Mới chỉ khoán gặt thôi mà ông Thuật đã gọi chú lên “cảnh cáo nhẹ”. Thế mà giờ lại định giao ruộng khoán cho các hộ nữa, thì khó mà giữ được cái đầu. Thôi, được ăn cả, ngã thiệt thân, lâu nay người ta làm thế nào, giờ mình cứ thế làm, cho yên chuyện, chú ạ!”. Tôi nói trước cuộc họp chi bộ tối hôm ấy: “Cứ như khoán việc tuốt lúa, gặt lúa vừa rồi, nếu ta giao ruộng cho xã viên làm, nhiều ít bao nhiêu tuỳ khả năng từng gia đình, thì nhất định ruộng nương, lúa má sẽ khá hơn là cứ để làm tập thể như lâu nay. Còn nếu làm mà xã, rồi huyện biết, thì cá nhân tôi xin chịu kỷ luật. Chi bộ coi như chưa bàn việc này”. Tôi tưởng trước thái độ cứng rắn của tôi, chi bộ có thể cho qua. Nhưng thật không ngờ, tôi vừa nói xong thì người có ý kiến phản bác đầu tiên lại là thầy tôi. Gần như cả buổi họp ông cụ không nói gì, chỉ ngồi hút thuốc lào vặt. Mấy lần tôi nghe tiếng ông Lạc, rồi bác Thản, chị Luân giục: “Bác Mải có ý kiến đi chứ. Sao cứ ngồi ngay cán tàn thế nhỉ?”, nhưng cụ vẫn không động tĩnh gì. Vậy mà bây giờ. Tôi quay nhìn thầy tôi nét mặt đăm chiêu, tuồng như nghĩ ngợi mung lung lắm. Giây lát, ông cụ cất giọng nhỏ nhẹ, ngập ngừng, nửa như nói với riêng tôi, nửa như nói với cả chi bộ: “Không chỉ kỷ luật mình bí thư đâu, cả chi bộ sẽ bị kỷ luật đấy. Danh dự của tập thể chi bộ, chứ không chỉ một cá nhân. Nên chưa thể thông qua hôm nay được. Để lại thăm dò, nghe ngóng bà con xem thế nào, rồi chi bộ quyết định cũng chưa muộn”. Thầy tôi là người cao tuổi đời, nhiều tuổi đảng, không chỉ trong chi bộ này, mà cả trong đảng bộ xã. Tiếng nói của ông cụ thường được nhiều đảng viên kính nể, nghe theo. Quả nhiên, ông cụ nói xong thì bác Thản, chú Ban, chị Luân đều đồng ý “chưa nên quyết định vội”. Gần hai giờ đêm cuộc họp chi bộ mới giải tán, mà không đi đến một sự nhất trí nào. Tôi buồn bực giận lây cả thầy tôi. Ông cụ sợ mất danh dự của chi bộ, sợ tôi bị kỷ luật, hay còn sợ những gì gì nữa. Vậy hà cớ gì mấy hôm trước tôi lân la hỏi, ông cụ lại có vẻ dứt khoát: “Làm lợi cho hợp tác và xã viên, chứ cho riêng mình đâu mà sợ!”.
Đêm ấy tôi không về nhà, đi với anh Thuỵ về nhà anh ấy ngủ. Thực ra từ bấy giờ cho đến sáng, tôi với anh ấy cũng chẳng chợp mắt được lúc nào. Anh thủ thỉ bảo tôi: “Cứ cho làm đi. Xã biết, tao che cho”. Anh Thuỵ với ông Biền, bí thư đảng uỷ xã bấy giờ, là con bá con dì, có cất lời lên xin cho thằng em họ là tôi, hẳn cũng không đến nỗi như người dưng nước lã. Còn tôi, cả đời chưa một lần nhờ cậy ai, dù chỉ là một lời nói, nhưng lúc ấy cũng phải mặc cả với anh: “Nếu xảy ra chuyện gì, anh bảo vệ tôi đến cùng nhá!”. Anh ngoặc tay: “Tao bảo vệ đến cùng. Nhưng phải làm thật, chứ không đánh trống bỏ dùi đấy nhá!”. Tôi với anh còn nói chuyện với nhau đến rạng sáng. Chị Thuỵ dậy lịch kịch nấu cơm, khi cầm cái nồi, cắp rá gạo từ trong buồng ra, tôi lướt nhìn cái rá chị cắp ở nách chỉ thấy đám gạo dính đáy rá. Nhà còn bà mẹ đẻ ra anh Thuỵ, lại hai vợ chồng và năm đứa con, là tám miệng ăn, chỉ nấu ngần kia gạo sao đủ mỗi người vực bát. Thế mà khi tôi ra về, qua cửa bếp ngó vào chào: “Chị nấu cơm, em về đây!”, vợ anh Thuỵ vội đè cái que dẽ lên chỗ rạ đang cháy trong bếp, đứng dậy, rảo bước ra cửa: “ơ, chị nấu cả cơm chú rồi đây. Ở lại ăn cơm, anh em có bàn gì với nhau thì bàn cho xong đi”. Chắc cả đêm chị cũng không ngủ, câu chuyện giữa tôi với anh hồi đêm đã lọt hết vào tai chị rồi. Đã thế, hẳn chị cũng biết tôi với anh ngoặc tay nhau là coi như xong, còn bàn gì nữa. “Thôi em về, chị nhé”.
Khi tôi mới về đến rặng tre đầu ngõ đã nghe tiếng thầy tôi ho khùng khục. Nhìn vào sân một vệt sáng đèn dầu từ trong nhà hắt ra. Thầy tôi ngồi bó gối trên ghế, mặt sây ra ngoài sân như ngẫm ngợi, như ngóng đợi cái gì khó đoán định. Ông cụ thường không hay dậy sớm. Đã dậy, thể nào cũng đi rẻo ra vồng ngắm giàn trầu, cây cau, qua chuồng lợn, chuồng gà, vào cái ao trước nhà nhìn cá nổi mặt nước, hay chỉ sủi tăm, đớp bóng mà lừa lựa thời tiết cái ngày hôm ấy nó ra làm sao. Không khi nào thầy tôi ngủ dậy lại ngồi lì một chỗ thế kia. Tôi bước lên thềm, vừa cất tiếng:
“Con chào thầy ạ!”, thì ông cụ hỏi ngay: “Anh ngủ đâu làm tôi đợi cửa cả đêm?”. Ở quê bây giờ không như ngày xưa, anh ạ. Đêm hôm đi ngủ cửa rả không che chắn cẩn thận, đến bát gạo cũng không còn, chứ đừng nói xe pháo, áo quần. Chồng chị Vần làm ở sở thuỷ lợi tỉnh, tối thứ bảy về muộn, vợ con đi xem nhờ ti vi bên hàng xóm. Nhà trên nhà dưới cửa đóng then cài, đành dựng tạm chiếc xe đạp ngoài sân, chạy sang bảo vợ con đưa chìa khoá về mở cửa. Nhoáng một cái, về đến nhà chí còn những chỗ. Vợ chồng, con cái, anh em đèn đóm đổ xô đi tìm, sục hết bờ bụi, lội cả xuống ao chuôm mò như mò ốc cũng chẳng thấy xe pháo đâu. Mọi lần đi đâu về muộn hoặc không ngủ nhà, tôi thường dặn người nhà trước, để biết chừng cửa rả. Vậy mà khi ở chỗ họp chi bộ ra, tôi không sao nhớ nổi cái việc cỏn con ấy, làm thầy tôi đợi cửa cả đêm, nên chắc giận. Tôi nói cho qua chuyện: “Con ra ngoài lò gạch. Hôm nay họ đốt lò”. Giọng ông cụ tỉnh khô: “Đốt lò thì bấn gì đến anh”. Thật cả đời được một lần nói dối không xuôi. Đúng là đốt lò gạch thì bận gì đến tôi, một người chưa từng cầm cái khuôn đóng gạch bao giờ, đừng nói đến đốt lò; hơn nữa, hợp tác có hẳn một đội mấy chục người chuyên làm gạch, có khi nào phải điều lao động của đội khác ra làm đâu. Tôi lúng túng rút ngăn kéo cất quyển sổ công tác, nghe thầy tôi nói:
- Anh về nhà anh Thuỵ, hai người bàn nhau nhất định khoán ruộng chứ gì?
Biết không thể chối quanh, tôi đành đánh bài ngửa:
- Vâng ạ!
- Anh nghĩ thế nào lại cho khoán ruộng?
- Con chỉ nghĩ cứ để mọi việc đồng áng đều do tập thể làm, thì dẫu ban đội có ba đầu sáu tay mười hai con mắt cũng không thể khắp hết được. Bàn tay có ngón dài ngón ngắn, huống chi hàng trăm con người thể nào chả có người lười người chăm, người khoẻ người yếu. Tránh sao khỏi suy bì, tỵ nạnh nhau. Thế mà lại cùng làm với nhau, cùng hưởng như nhau một mức công sá, nhất định không sao tránh khỏi người lười dựa người chăm, người khoẻ tỵ nạnh người yếu. Đã dựa dẫm nhau thì công việc không thể làm nhanh, làm tốt được. Đã tỵ nạnh nhau thì không thê đoàn kết, tương thân tương ái với nhau được. Bà con xóm láng ra ngõ chạm nhau, nhưng bằng mặt mà không bằng lòng, thì đừng nói đến chung sống hoà thuận, trên dưới đồng tâm, hiệp lực. Có chăng chỉ là giả tạo, nguỵ biện, còn thực chất sức mạnh nội tại thì không. Thế nên, người thì đông mà công việc cứ ì ra đấy. Như vụ gặt vừa rồi, nếu không khoán cho bà con để người ta mẹ nào con ấy lo đưa lúa về nhà, cứ đằng thẳng như mọi vụ kéo nhau ra đồng dăng hàng ra sặt, thì liệu có khỏi bị mưa bão ngập úng như bên Phương Trì, Phương La!
Thầy tôi không hiểu có nghe ra, nhưng ông cụ buông chân xuống ghế, rờ rờ đôi dép đang nằm mỗi nơi một chiếc, mà lại hướng cặp mắt hoe hoe đỏ về tôi, hỏi:
- Anh không quên là chỉ vì cái chuyện khoán gặt ấy mà cả đội bị phạt, còn anh thì tý nữa bị kỷ luật đấy à!
- Con không quên. Nhưng dù bị phạt hay kỷ luật, mà bà con được no bụng, con cũng sẵn sàng chịu kỷ luật.
Trong khi tôi nói câu ấy, không hiểu sao tôi lại nhìn thẳng vào thầy tôi. Trên khuôn mặt vuông vức với những đường nhăn hằn sâu trên trán, trông thầy tôi đang từ đăm chiêu nghĩ ngợi, chuyển dần sang tươi tỉnh, đôi môi dày, khô khốc, mấp máy như sắp nở nụ cười. Rồi bỗng ông cụ khà khà cười lên thành tiếng, nghe vừa sảng khoái, lại vừa lạ lùng lắm. Tôi nghe tiếng cười ấy, bỗng lại thấy chột dạ, không hiểu có phải ông cụ đã nghe ra, hay lại cho tôi là cái thằng phổi bò, rởm đời, ngang ngạch khó bảo, bất chấp mọi sự, cũng chưa biết chừng. Tính nết người già nhiều khi thật khó hiểu. Việc ở đây, có khi lại nói mãi đẩu đâu, thâm thuý đến cay nghiệt. Ấy là tôi chột dạ nghĩ vậy, chứ ông cụ đã lên tiếng rồi kia:
- Nếu thế thì được. Nhưng tôi chỉ sợ đến khi trên người ta biết, anh lại như ông Lạc năm đã lâu, chối đây đẩy, đổ vấy cho tập thể: “Việc này là do chi bộ quyết định”, thì còn gì là uy tín của chi bộ trước bàn dân thiên hạ nữa!
Té ra, ông cụ lo bảo vệ uy tín của chi bộ. Kể cũng phải. Nhưng chưa phải. Vì uy tín của chi bộ đâu chỉ là sự bóng bảy không có tỳ vết, mà thực chất phải là mọi cư dân ở trong phạm vi tổ chức đảng nơi ấy đều tự giác làm việc hết mình, để mang lại lợi ích cho mình và cộng đồng làng xã, làm sao cho dân có bát ăn bát để, tiền tiêu dư dật, nghĩa vụ với tập thể và nhà nước làm sòng phẳng, không dây dưa năm này qua năm khác. Chứ còn như cứ mùa màng thất bát, dân chưa hết mùa đã hết thóc, cũng khó mà nói chi bộ có uy tín hay không trong lòng dân. Nhưng cũng không nên trách ông cụ. Người già thường rất hiểu sự đời, những cư xử với người này người khác trong xóm ngoài làng thật đúng mực; nhưng thường lại hiểu giản đơn và phiến diện những vấn đề chính trị, xã hội và mối quan hệ của nó trong cuộc sống cộng đồng. Không riêng ông cụ nhà tôi, nhiều cán bộ, đảng viên nông thôn hiện nay trình độ hiểu biết về chính trị, kinh tế, kỹ thuật còn nhiều lỗ hổng lắm. Đến chính sách, pháp luật cũng còn lơ mơ, chỉ khi nào đụng đến sát sườn mới giẫy lên như đỉa phải vôi, nữa là việc mãi đâu đâu. Hiểu ông cụ như vậy, tôi không muốn nói gì dài dòng, mà chỉ bảo:
- Thầy yên tâm đi. Con chỉ làm lợi cho tập thể và xã viên, chứ không làm mất uy tín của chi bộ đâu mà thầy lo!
Thầy tôi hỏi vặn:
- Nếu cấp trên biết thì anh ăn nói thế nào?
- Con sẽ thành thật báo cáo hết mọi việc.
Ông cụ bỗng nổi khùng, mắng té tát:
- Rõ là đồ hữu dũng vô mưu. Anh không biết cách làm ấy là sai nguyên tắc quản lý hợp tác xã, đi chệch con đường xã hội chủ nghĩa hay sao. Đã cố ý làm sai, còn đòi thành thật…báo cáo! Tôi thật không ngờ anh đã nghĩ được như vậy, mà vẫn còn nông nổi đến thế!
Quả này đúng là chịu bố già. Tôi chỉ còn biết ngồi ngây ra, chưa nghĩ được câu gì khả dĩ. Thầy tôi ngồi chân vẫn thõng xuống đất, nhưng lại bắt chéo chữ ngũ, dáng ngồi thư thái, tĩnh tại. Mẹ tôi như mỗi buổi sớm, đã nấu xong ấm nước chè xanh từ dưới bếp xách lên, chuyên sang cái ấm tích để trong dành mà dẫu mùa nóng hay mùa rét, thầy tôi bao giờ cũng chỉ uống một loại nước chè xanh hãm vào tích ủ trong dành thế thôi. Dường như thầy tồi có ý chờ mẹ tôi chuyên xong nước vào tích, trở xuống nhà bếp nấu tiếp bữa cơm sáng, mới nói nhỏ nhẹ chỉ hai bố con nghe:
- Muốn làm, chỉ có cách làm chui hoạ may mới thoát, anh ạ!
Tôi nói ngay, cũng là muốn để xem ông cụ còn cao kiến gì nữa:
- Chuyện trong nhà giữ còn khó, chuyện ngoài đổng giữa bàn dân thiên hạ giữ sao nổi, hả thầy?
Ông cụ nói như đã suy nghĩ lung lắm:
- Thế mới phải có sự nhất trí cao trong chi bộ, rồi ra ngoài dân. Đã làm chui là phải tuyệt đối bí mật. Như ngày xưa du kích đánh bốt chùa Mụa, rõ đến lúc vào tới trong nhà thằng đồn trưởng, thu hết súng, lay đầu gọi dậy, nó vẫn còn ôm con vợ ngỗn nghện, miệng lảm nhảm mắng lính làm mất giấc ngủ. Phải nói rõ với mọi người trong đội này, muốn no bụng phải lo giữ lấy cái mồm. Ai hở ra, người ấy không được giao mộng khoán, thậm chí cũng không điều đi làm việc gì ăn công điểm nữa. Phải ngặt nghèo với nhau thế, may mới làm lọt được vài vụ chăng. Mà cũng chỉ cần vài vụ cho bớt túng bấn quá thôi, rồi ra lại tính, lộ thì thôi, không lộ cứ làm. Chỉ cần mọi người đồng tâm hiệp lực, chứ cách thì thiếu gì cách.
Thầy tôi nói đến đấy chợt dừng lời, ngó vào trong nhà, lại ngó ra tận ngoài bờ ao, đầu ngõ. Ngỡ ông có ý tìm bà, tôi nhanh nhảu: “Mẹ con vừa rẻo ra đằng sau, có khi đi mở chuồng gà”. Nhưng lại nghe ông cụ bảo: “Mặc bà ấy”. Thế có nghĩa ông không có ý tìm bà, hẳn là thầy tôi cảnh giác, không muốn câu chuyện giữa hai cha con lọt đến tai người khác. Ông cụ cẩn thận thế kể cũng phải, bức vách có tai, biết đâu lọt ra ngoài, một người kín, hai người đã là trống, phải thành trái, trái thành phải, chẳng biết thế nào mà lường. Giây lát, ông cụ quay lại nhìn thẳng vào tôi, nói như chính ông mới là người đưa ra quyết định hệ trọng này, chứ không phải tôi:
- Có khi toàn thể đảng viên trong chi bộ phải cùng nhau ăn thể, như hồi đánh Pháp chúng tao ăn thề giặc bắt không khai ấy, mới được!
Tôi bật cười, mà không dám cười to:
- Thầy lạc hậu thế. Ngày xưa đảng viên nhiều người không biết chữ mới phải ăn thề. Chứ ngày nay, cần thì mỗi người tự viết tờ cam đoan, còn sao phải thề!
Thầy tôi bảo:
- Thế là anh chẳng hiểu gì về tục ăn thề rồi. Để tôi nói cho mà hay.
Không phải ở đâu cũng có tục ăn thề. Từ xa xưa, cả tổng Nhuế chỉ có làng Phương Trà là có tục này thôi. Tục bắt nguồn từ cái đêm mơ của một vị tướng nhà Lý, trên đường mang quân ra trấn cửa Đại Bàng. Tướng quân dùng chân trên bãi đất đầu làng, nơi sau này được xây lên thành đền. Qua mấy ngày, dân quanh vùng nơi thì mang thóc gạo sắn khoai, nơi mang trâu bò rượu muối, nhưng nhiều nhất là người. Nơi nào cũng đưa đến những người đàn ông khoẻ như vâm, nhanh như sóc, da săn thịt bắp, chỉ nhìn họ đã thấy thắng rồi, chả cần chờ đến lúc xung trận. Sau những ngày quân lính đồn trú ở làng, một đêm giữa tháng hai mưa xuân lất phất, Tướng quân đang nồng giấc, bỗng như thấy từ trên trời từng đoàn người gươm dáo đeo lưng, gậy gộc cầm tay, nườm nượp bay xuống đứng dăng thành hàng quanh Tướng quân. Không chỉ có người rầm rập dáo gươm, bừng bừng khí thế, mà còn có cả những chiến thuyền chở quân lính, khí giới, lương thảo tới tấp lướt về như lá tre, sẵn sàng tiếp ứng cho đạo quân dũng mãnh của Tướng quân. Giữa lúc giấc mơ đang nồng, bỗng Tướng quân nghe tiếng gà trống cất lên ba tiếng gáy như reo vui, chào đón, lay động tâm thức lạ lùng. Cùng lúc ấy, Tướng quân chợt nhớ tới tuổi mình cầm tinh Con Gà, và năm ấy cũng là một năm Gà. Tiếng gà gáy làm Tướng quân bừng tỉnh giấc mơ. Ngài bỗng cảm thấy như có điềm báo Trời Phù cho quân tướng của mình trước khi xung trận. Sáng ra, Tướng quân bèn lệnh cho ba quân vào trong làng, ra ngoài chợ có ai bán gà dò, gà trống đều mua hết về tế thần. Sau khi tế, nhất thiết tiết gà phải pha với rượu chia đều cho ba quân mỗi người uống một hớp để tỏ sự đồng lòng, đồng sức, đồng tâm trước thổ thần thổ địa. Sau lễ ăn thề, ba quân xuất kích nhằm hướng cửa Đại Bàng dăng thế trận. Lần ấy, Vị tướng nhà Lý thắng lớn trên cửa Đại Bàng. Tướng quân lại đưa binh sĩ trở về hội quân trên khu đất đầu làng Phương Trà, mở hội khao quân, trọng thưởng mọi người, kể cả dân lành có công cơm nước cho ba quân những ngày đồn trú ở làng. Từ ấy, uống rượu ăn thề trở thành tục lệ đời này truyền đời khác của người làng Phương Trà, mỗi khi bước vào làm một công việc gì lớn lao, ý nghĩa, cần sự đồng tâm, hiệp lực của tất cả mọi người. Tục lệ tốt đẹp là thế, tồn tại đã từ bao nhiêu năm, kể cả những năm kháng chiến chống Pháp đảng viên, du kích cũng vẫn tổ chức ăn thề mỗi khi địch o ép gắt gao, thế mà chẳng hiểu sao hồi cải cách ruộng đất lại tự nhiên cấm ngặt. Thế nên từ ấy, lớp các anh mới hiểu tục ăn thề khác đi, chứ đâu phải ăn thề là một việc làm mê tín dị đoan mà bảo “lạc hậu!”.
Tôi sinh ra ở làng, lớn lên cũng từ nhà tranh, mái rạ, luỹ tre làng. Tuy có đi xa, vào tận Quảng Nam, Đà Nẵng, nhưng tất cả mới ngót chục năm, từ giữa năm sáu bảy đến cuối bảy nhăm xuất ngũ về địa phương, lại bám chóp cày, nhìn đít trâu như bất cứ người đàn ông nào ở làng. Vậy mà giờ nghe thầy tôi nói mới biết làng mình còn có một tục lệ đẹp đến thế, sao bấy nhiêu năm lại bị lãng quên, hay người ta cố tình bỏ quên(ị?).
Tối hôm ấy, để mọi việc diễn ra suôn sẻ, chuẩn bị chu đáo, nhưng không ồn ào, tôi hội ý chi uỷ mời toàn thể đảng viên trong chi bộ đến họp ở nhà tôi. Chuyện khoán chui hôm trước chi bộ bàn dở, hôm sau đã loang ra cả xóm trong, ngõ ngoài, đầu làng chí cuối đều biết. Thế nên, cuộc họp chi bộ tối hôm ấy, bất chấp cả quy định “bí mật”, “nội bộ”, không biết từ cửa miệng người nào, đảng viên hay xã viên nói ra, mà bà con kéo đến nhà tôi còn sớm hơn cả mấy đảng viên con thơ cái quấn. Nhung cũng lạ, không biết họ dặn dò nhau những gì mà tôi, anh Thuỵ, chị Luân, rồi cả thầy tôi nữa, nói thế nào bà con cũng không vào trong nhà ngồi, chỉ một mực: “Chúng tôi ngồi ngoài này cũng nghe rõ”. Cái sân nhà tôi rộng thế mà tối ấy bà con ngồi gần kín, đủ biết những người xã viên ấy khao khát được cấy trồng trên mảnh đất mình được quyền sử dụng đến mức nào. Không riêng tôi nhìn bà con đến nghe dự thính cuộc họp chi bộ lòng thấy xốn xang vô cùng, mà ngay bác Lạc, một người có lúc từng coi những người kia như rơm như rác, tự mình cho thanh lý tài sản, bán cả ao làng không cần hỏi ai, giờ đang tự tay buộc chiếc đèn soi cá vừa chạy về nhà lấy đến, thấy tôi đi qua liền gọi giật lại bảo: “Bà con bức xúc lắm rồi. Ta họp quyết định ngay đi, anh ạ!”. Lúc sắp vào họp, anh Túc như có ý đại diện cho những quần chúng có mặt ở đấy, cất lời: “Bà con chúng tôi đến thế này cũng là không phải. Nhưng vì biết chi bộ họp bàn khoán ruộng, nên chúng tôi chỉ xin đến nghe nhờ thôi ạ”. Thực ra, trước ngày họp, chi uỷ chúng tôi đã phân công nhau đến từng nhà thăm dò, phần đông bà con đều muốn khoán. Điều ấy tất cả hai mươi bảy đảng viên trong chi bộ Phương Trà đều biết. Họ cũng biết thầy tôi, người có tiếng nói nhiều khi rất quan trọng trong cuộc họp, cũng tán thành cách làm ấy rồi, nên khi vấn đề được đưa ra thảo luận thì chi bộ nhất trí rất nhanh. Thực ra vấn đề đã chín muồi quá rồi, chỉ có điều đã thành chủ trương hay chưa thôi. Biên bản cuộc họp chi bộ quyết định giao khoán một số diện tích cấy lúa cho người lao động được thông qua, với trăm phần trăm đảng viên có mặt tán thành. Tôi vừa nói trăm phần trăm đảng viên có mặt, là vì chi bộ có hai mươi bảy đảng viên, nhưng tối ấy còn ba đồng chí không đến họp, cũng không thấy báo cáo lý do vắng mặt. Sau này, khi cấp trên biết và triệu cả chi bộ lên đảng uỷ họp kiểm điểm suốt hai ngày, mới lòi ra chính ba đồng chí vắng mặt họp chi bộ hôm ấy có ý kiến trái ngược, nhưng không hiểu sao không thẳng thắn bày tỏ chính kiến của mình trước chi bộ, mà lại lánh mặt, rồi ngầm báo cáo lên cấp trên. Còn nội dung quyết định của chi bộ mà tôi vừa nói, có một điểm khi ấy tôi, chị Luân và bác Lạc phải bàn bạc mãi, rồi mới ghi vào: “giao khoán một số diện tích cấy lúa cho người lao động”. Cũng đã lường trước, nếu cấp trên biết thì với cách lập luận chúng tôi chỉ khoán một số diện tích cấy lúa có tính thí điểm, và cũng chỉ giao cho người lao động thôi, chứ có mang toàn bộ ruộng đất giao cho xã viên hoặc hộ xã viên đâu, mà sợ đi chệch đường lối hợp tác hoá nông nghiệp. Quá thật, sau này với cái “lý sự cùn” ấy, nói như ông Trường phê phán tôi trong cuộc họp kiểm điểm ở huyện uy, cũng được trên giảm nhẹ cho tý khuyết điểm; chứ không, bây giờ tôi khó mà nói chắc còn đứng trong hàng ngũ của Đảng nữa hay không.
Khi biên bản họp chi bộ thông qua xong, tôi thấy thầy tôi nháy bác Lạc, rồi cả hai đứng dậy ra ngoài. Chỉ giây lát, tôi bỗng giật mình, ngoài chuồng gà có tiếng con gà trống nhà tôi đập cánh kêu không ra tiếng. Bác Lạc cầm con gà vào, còn thầy tôi đi sau tay cầm dao, tay cầm bát. Ông cụ vừa đi vào vừa khà khà cười, nói với những người đang ngồi lặng lẽ ngoài sân: “Bà con thông cảm nhá. Đây cũng là vì quyền lợi của bà con ta cả. Đảng viên chúng tôi xin cùng nhau ăn thề không để việc này lọt ra đến ngoài, không nói cho ai biết, ngoài dân làng ta. Tục cùng nhau ăn thề, mỗi khi có việc hệ trọng, từ lâu đã tượng trưng cho sự đồng tâm, đồng sức, đồng lòng của dân làng ta rồi. Giờ chúng ta xin quỷ thần chứng giám phù hộ độ trì cho đội Phương Trà giao ruộng khoán cho dân thông dòng bén giọt, mưa thuận gió hoà. Mọi người có quyết tâm không!”. Ông cụ vừa dứt lời, lập tức không ai bảo ai, trong nhà ngoài sân mọi người đồng loạt giơ cao tay, miệng hô vang “Quyết tâm! Quyết tâm! Quyết tâm!”. Tôi còn chưa kịp trấn tĩnh trước sự ủng hộ nhiệt thành của quần chúng, đã thấy bác Lạc cứa một đường dao sắc ngọt vào cổ con gà. Một dòng tiết đỏ thắm chảy xuống chiếc bát tô chị Luân đang hấng. Giây phút thiêng liêng. Mọi người im lặng. Bao nhiêu con mắt đều dồn hết vào chỗ mấy người cắt tiết gà. Nhiều người ngồi ngoài sân đã đứng cả dậy, nhìn cho rõ. Người ở xa bước nhanh lại gần. Người ở ngoài lay lay lưng áo, ra ý bảo người đằng trước cúi bớt đầu xuống. Ai cũng muốn được tận mắt nhìn thấy những dòng nước đỏ chảy vào bát rượu trắng đang mỗi lúc một hồng tươi lên. Giây phút linh thiêng, không ai nỡ cất lên một lời nói, hay câu hỏi nào, dù khá nhiều người ở đây chưa biết cách pha tiết gà vào rượu uống là như thế nào. Nhưng vẫn im phăng phắc. Không một câu hỏi. Không một tiếng nói. Chí có những con mắt mong chờ, hy vọng, và cả tò mò, chăm chăm nhìn về phía mấy người cắt tiết gà. Khi con gà trống màu huyết dụ của nhà tôi đã mềm nhũn trên tay bác Lạc, thầy tôi cầm bát tiết trong tay chị Luân, chuyên sang mấy cái bát con để bên cạnh. Rồi ông cụ giơ lên một bát, tư thế đĩnh đạc như người cầm trống cái ngày hội làng: “Nào, xin mời! Anh em đảng viên: Nói lời xin giữ lấy lời! Tôi xin uống trước”. Thầy tôi uống xong, đưa cái bát cho bác Lạc. Bác Lạc dõng dạc nhắc lại lời thầy tôi như một lời thề: “Nói lời xin giữ lấy lời!”. Đoạn, bác Lạc lại chuyền cái bát qua tay chị Luân. Chị Luân cũng hai tay nâng bát tiết lên ngang mặt, chậm rãi: “Nói lời xin giữ lấy lời!”, rồi kề miệng bát vào môi uống ực một ngụm, trong tiếng vỗ tay vang dậy của mọi người, trước cử chỉ rất quân tử ấy của người đàn bà goá, vợ liệt sĩ, đang phải gánh một nách hai đứa con nhỏ với bà mẹ chồng ngoài bảy mươi giữ nàng dâu như giữ bảo bối trong nhà, hễ thấy nàng dâu chân trong cổng, chân ngoài cổng là vội hỏi “Mẹ Hoan đi đâu đấy?”. Cứ làm như lúc nào cũng có thằng đàn ông nấp ở đâu đó ngoài kia, chỉ chờ con dâu bà ra là cấp chạy như đại bàng cắp công chúa không bằng. Chị Luân kề miệng bát tiết vào môi uống một ngụm xong, liền chuyền tay sang người bên cạnh. Bát rượu tiết cứ thế quay vòng, hết đồng chí này đến đồng chí khác. Đến tôi. Thật lần đầu trong đời tôi uống một ngụm rượu tiết gà còn nóng hôi hổi.