Bão đồng - Chương 03 - Phần 2

Khi bưng bát tiết lên, tôi bỗng nhớ đến cái lần đi đánh tàu chiến Mỹ-nguỵ ở cảng Đà Nẵng. Cũng một cuộc xin thề giống như đêm nay. Chỉ khác, một đằng là giữa cái sống và cái chết, còn một đằng là giữa vẹn tròn và kỷ luật. Nhưng cũng vào một đêm tối trời như đêm nay. Tôi và anh Vận, quê bên Thuỷ Đường, cũng người tỉnh ta cả. Hai anh em nhận lệnh mang bộc phá đi đánh tàu. Trước khi đi, chúng tôi được chỉ huy đơn vị gặp gỡ dặn dò kỹ lưỡng. Sau đó, đồng chí chính trị viên còn đưa cho mỗi người một tờ giấy xé trong sổ tay ra, bảo viết quyết tâm thư, không cần dài, cốt thê hiện rõ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Anh Vận ở nhà làm nghề đánh cá biển nên bơi rất giỏi, nhưng chữ nghĩa ít, lại viết rất xấu. Anh ngồi mãi chưa thấy viết được chữ nào, chỉ thấy cắn bút. Còn tôi, đã học xong lớp mười, cũng muốn thể hiện trình độ của mình nên không muốn viết giống những lá đơn trước, lại nhớ lời chính trị viên lúc đưa giấy cho, bảo: “Không cần dài, cốt thể hiện rõ quyết tâm”. Thế mới khó. Tôi rời chiếc tăng của mình, đi lại chỗ anh Vận. Anh ngẩng lên nói ngay: “Tao nghĩ kỹ lời chính trị viên rồi, chỉ còn cách chích máu viết quyết tâm thư là thể hiện rõ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ thôi!”. Nói là làm, anh Vận lấy chính cái bút máy đang cầm ở tay giơ thẳng lên, rồi đâm nhanh vào ngón tay trỏ bên trái của mình. Một giọt máu đỏ tươi ri rỉ chảy ra. Anh chấm đầu ngón trỏ bên phải vào chỗ máu đang chảy trên ngón trỏ trái, viết hai chữ to gần hết nửa tờ giấy: “Quyết Tâm!”, bằng chữ hoa, dưới là một chữ tên anh: Vận! Anh viết xong, tôi cũng cầm cây bút của mình làm giống như anh. Hai đứa viết xong quyết tâm thư, ôm chầm lấy nhau, rồi đưa hai ngón tay trỏ ri máu chưa khô ra ngoặc tay nhau hẹn ước. Nhưng chuyến đi ấy anh Vận không trở về! Quả bộc phá có sức công phá lớn, sau khi phát nổ đã tạo thành vòng sóng mạnh xô anh đập vào vật gì đó, mấy ngày sau người của cơ sở mới tìm thấy xác anh dạt vào bãi biển vắng. Đã bao nhiêu năm, bây giờ ngồi giữa những đảng viên trong chi bộ làng mình, cầm bát rượu tiết trên tay, tôi lại bỗng nhớ đến anh Vận.

Tôi bưng bát tiết lên, rồi kề môi vào miệng bát. Tôi có cảm giác như tất cả mọi người đang đổ dồn vào mình. Im lặng. Đợi chờ. Gửi gắm. Chỉ nghe tiếng ai đó ngồi phía xa ngoài sân đang hút thuốc lào, hơi rít mạnh, làm nước trong bát điếu réo sôi òng ọc, giòn và thanh lắm. Khi tôi vừa hạ cái bát trên tay xuống ngang ngực, anh Túc từ ngoài sân đã vào đứng bên tôi tự lúc nào, vội đưa tay ra cầm chặt lấy cái bát, giọng nghiêm nghị:

- Tôi không phải là đảng viên, nhưng cũng xin được cùng chi bộ thề!

Sau anh Túc, không biết có bao nhiêu bàn tay cùng chìa ra đón cái bát một lúc. Những tiếng nói đan nhau:

- Tôi cũng xin thề!

- Cho tôi với!

- Của thơm phải chia đều này!

- Tôi một hớp.

- Đây nữa!

- Đây. Đưa đây nào!

Trong nhà, ngoài sân xôn xao lời nói, tiếng cười.

Xúc động vô cùng cử chỉ hân hoan của bà con khi đón nhận một quyết định của chi bộ, mà từ lâu họ hằng khao khát sẽ có lúc như thế, phải có sự thay đổi như thế, mới mong có cuộc sống khác đi, cách cư xử khác đi, ít ra là giữa những con người xóm láng với nhau, rồi ra tới trong làng ngoài xã…Thì ra cái điều chính những cán bộ, đảng viên như chúng tôi có lúc còn băn khoăn do dự, thì những người hàng ngày trực tiếp với công việc đồng áng lại tiếp nhận nó một cách nhẹ nhàng, thoải mái như đấy là nguồn sống của bản thân, gia đình họ. Chi nhìn nét mặt, nghe giọng nói, tiếng cười của những người dân có mặt tối hôm ấy, cũng đủ thấy vững tin vào quyết định của chi bộ rồi.

Quả nhiên, vụ mùa năm ấy lúa của đội tôi tốt hơn hẳn các đội khác.

Như đã thành lệ, trước ngày gặt xã tổ chức đoàn đi kiểm tra thăm đồng và dự tính năng suất của các đội. Đến ruộng của Phương Trà, mấy người đi trong đoàn cứ kháo nhau: “Không biết đội này cho lúa ăn gì mà tốt thế nhỉ?”. Tôi với chị Luân phải nói trái: “Chúng tôi vận động các hộ bỏ thêm tiền ra cho đội đi mua mấy tấn đạm nữa đấy. Chứ cứ số đạm, lân hợp tác giao thì như muối bỏ bể, chờ đấy mà có lúa tốt”.

Sau vụ gặt tháng mười, ban chủ nhiệm hợp tác xã có sự thay đổi: anh Nhạ, kỹ sư, được sở nông nghiệp biệt phái về làm chủ nhiệm theo quyết định 61 CP về tổ chức lại sản xuất và tăng cường quản lý hợp tác xã nông nghiệp, được sở gọi về cho

đi học tập trung ở trường Nguyễn Ái Quốc. Theo điều lệ, hợp tác toàn xã Tiên Trung phải mở đại hội đại biểu xã viên bất thường bầu chủ nhiệm, thay anh Nhạ. Tôi và ông Thuật, bấy giờ đương chức đảng uỷ viên, phó chủ tịch uỷ ban xã, được đảng uỷ giới thiệu để đại hội bầu làm chủ nhiệm. Kết quả tôi đã trúng chủ nhiệm với số phiếu gần như tuyệt đối: ba trăm hai mươi sáu trên ba trăm bốn mươi bảy đại biểu có mặt.

Cuộc họp ban quản trị đầu tiên do tôi làm chủ nhiệm, để nhận bàn giao của anh Nhạ, do bí thư đảng uỷ và phó bí thư kiêm chủ tịch uỷ ban xã chủ trì, có mời tất cả đảng uỷ viên và cán bộ chủ chốt các đoàn thể, trưởng ngành giới xã đến dự, trưa có liên hoan mặn gọi là “tống cựu, nghênh tân” (tiễn cũ, đón mới), theo cách nói của bác Sa, hồi ấy đang làm chủ tịch xã. Cuộc họp chỉ vắng mỗi ông Thuật. Nhưng mấy hôm sau anh Hành, kế toán trưởng, lại nói với tôi, ông Thuật xúi bọn này bảo chủ nhiệm cho các đội đến học cách làm của đội Phương Trà. Hành nói câu ấy với một vẻ úp úp mở mở, làm tôi không khỏi phân vân. Ông Thuật nói thế nghĩa là thế nào, thật hay dỡn? Chẳng lẽ đã có người nào trong chi bộ nuốt lời thề tại buổi tối trang nghiêm ấy rồi sao? Hay với con mắt của một người mấy năm làm việc ở xã, Thuật đã nhận ra cách làm của Phương Trà là “trái khoáy” rồi (!?). Nếu vậy sao trong đảng uỷ, rồi ở đại hội ông ấy không đưa ra. Chỉ cần một lời ngắn gọn đầy sự nghi hoặc cũng đủ làm số phiếu bầu cho tôi giảm đi rất nhiều. Mãi sau này tôi mới biết, việc giới thiệu tôi ra ứng cử chủ nhiệm chỉ là cái sự bất đắc dĩ, cho phải phép, gọi là có dân chủ mà thôi. Khi anh Nhạ có quyết định điều về tỉnh, anh Trường, phó bí thư kiêm chủ tịch uỷ ban huyện, về tận xã làm việc với ông Biền, bí thư, ông Sa, chủ tịch, thống nhất đưa Thuật ra ứng cử chủ nhiệm, trúng, bổ sung tiếp vào thường vụ, vì chủ nhiệm hợp tác xã nhất thiết phải có chân trong ban thường vụ đảng uỷ xã. Được vậy, cán cân quyền lực ở xã này từ hàng chục năm nay vẫn tập trung cả ba chốt, và cũng là ba thành viên duy nhất trong ban thường vụ đảng uỷ xã: bí thư, chủ tịch, chủ nhiệm, đều người làng Phương La, nay bắt đầu bị xé lẻ, chức chủ nhiệm tuột khỏi Phương La sang Phương Trì. Nhưng trước ngày đại hội, theo quy định về công tác cán bộ, bí thư đảng uỷ xã phải lên báo cáo với trưởng ban tổ chức huyện uỷ về dự kiến nhân sự. Oái oăm thay, khi ông Biền lên làm việc với trưởng ban tổ chức thì ông Thìn lại không tán thành. Bầu một chủ nhiệm lại chỉ giới thiệu có một người vào danh sách, thì dân người ta còn đường nào lựu chọn, so sánh, cân nhắc. Chẳng lẽ lại đi so sánh với người ngoài danh sách đề cử à? Đã không bỏ phiếu thì cứ giơ tay cho khỏi rườm rà, tốn kém, mất thì giờ. Còn đã bỏ phiếu là phải thực sự dân chủ, thực sự để người dân có quyền lựa chọn, chứ không thể làm à uôm chiếu lệ, dân chủ giả hiệu cho xong thế được. Ông Thìn bác bỏ lối làm việc theo cảm tính, thẳng thắn yêu cầu đảng uỷ phải chọn ít là hai người, không nhất thiết hiện giờ người đó có trong đảng uỷ xã hay chưa, đảng viên, dĩ nhiên rồi, nhưng cốt là ở cái đức, cái tài và năng lực đảm nhiệm công việc được giao, để ra đại hội xã viên người ta chọn lấy một. Huyện uỷ sẽ cử cán bộ chuyên môn xuống giúp các đồng chí tổ chức đại hội cho thật tốt. Nói thế, nhưng có lẽ hiểu rõ tình hình Tiên Trung, hay biết hôm ấy anh Trường đi họp trên tỉnh không về dự đại hội được ( anh Trường được thường vụ huyện uỷ phân công phụ trách cụm 3, gồm bốn xã: Tiên Trung, Tiên Cự, Tiên Thành, Tiên Cựu, nên những việc quan trọng như đại hội hợp tác xã không thể không có thường vụ huyện trực tiếp chỉ đạo). Hiểu rõ tình hình, hay biết anh Trường đi họp tỉnh không về, ông Thìn về xã rất sớm. Khi tôi ra đã thấy chiếc xe u- oát của huyện uỷ đỗ ở góc sân, còn trong phòng đảng uỷ đóng cửa, nhưng qua cửa sổ thấy mấy cái đầu nhấp nhô. Bác nhân viên tạp vụ uỷ ban thấy tôi bước lên hành lang lại ngỡ tôi đi vào phòng đảng uỷ, vội bảo: “Ông Thìn về rồi, đang hội ý thường vụ ở trong đó, chú đừng có vào đấy”. Mãi đến lúc gần khai mạc, tôi mới được ông Biền gọi ra ngoài thông báo vắn tắt một quyết định, mà chỉ được nghe chứ không được quyền phản bác: “Thường vụ đảng uỷ giới thiệu cậu trong danh sách bầu chủ nhiệm đấy”. Tôi nghĩ ngay, đây là một sự giới thiệu cho khỏi sái, chứ chẳng lẽ bầu một lại giới thiệu một. Nên cũng chẳng muốn nói lại câu nào với ông ấy nữa. Nhưng thật không ngờ, dân người ta công minh, sáng suốt lắm, chứ không nể nang, cảm tình ai đâu. Nếu xét về tuổi tác, năm tháng và công lao đóng góp cho địa phương, ông Thuật ăn đứt tôi. Nhưng khốn nỗi, khi xét một con người, dân người ta đâu chỉ nhìn vào tuổi tác, thời gian công tác ngắn dài, mà cái cốt yếu là tâm đức và năng lực đảm đương công việc đó thôi. Tôi không nghĩ mình hơn ông Thuật mặt nào, kém mặt nào, chí nghĩ, một vài người còn bảo họ nhầm, chứ hàng mấy trăm con người thò bút gạch tên ai trong lá phiếu bầu, thì không thể tất cả đều nhầm. Hơn nữa, lại không phải là người xa lạ, toàn người trong làng, ngoài xã với nhau, càng hiểu nhau quá rõ. Thực tình ngày ấy tôi cũng chưa phân tích được mạch lạc như thế đâu, nhưng lờ mờ cảm thấy như có một quyền lực nào đó, một ai đó, đứng phía sau ông Thuật, bênh vực ông Thuật, muốn cho ông Thuật phải là một trong ba chân kiềng vững chắc ở xã này.

Sau ngày nhận chức chủ nhiệm, một hôm tôi ra nhà bí thư Biền. Ông mới đi họp huyện uỷ ba ngày triển khai nghị quyết của tỉnh uỷ về công tác tổ chức và cán bộ về. Nhìn dáng người cao, xương xương, khuôn mặt dài và cái miệng cũng chẳng chịu thua mặt là mấy, rộng tới gần mang tai, tôi bất giác nghĩ tới câu ví von của người xưa: “Đàn ông rộng miệng thì sang; đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà”, nhưng cố xua đi, cất tiếng hỏi: “Bác đi học nghị quyết về, có gì mới không ạ?”. Ông Biền nói ngay: “Không có gì mới sao gọi là nghị quyết”. Rồi ông cúi xuống chân bàn cầm phích nước lên rót vào ấm, rồi lại tiếp mạch câu vừa nói dở: “Chẳng hạn như biên chế, lần này nghị quyết tỉnh uỷ ghi rõ là các đơn vị hành chính, sự nghiệp phải giảm từ năm đến mười phần trăm; còn sản xuất, kinh doanh căn cứ vào công việc và sản phẩm kế hoạch mà định mức biên chế cho sát hợp. Công tác tổ chức cán bộ cũng sẽ được củng cố, sắp xếp lại. Một số ngành, ban, phòng từ tỉnh đến huyện, thị có thể giải thể hoặc sáp nhập. Tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể đều phải rà soát lại đội ngũ cán bộ, ai có trình độ, năng lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì để, còn không kiên quyết bố trí lại, thậm chí có thể cho nghỉ”. Đúng là bí thư mới đi học nghị quyết ba ngày về có khác, nói thông vanh vách, nhớ đến thuộc lòng từng câu trong nghị quyết. Cứ để ông nói i xì sách thế này chưa biết đến bao giờ mới dừng, mới nghỉ. Người khác ở cái tuổi sáu tư như ông nói nhiều còn thấy đuối hơi, háo cổ, khô họng, chứ ông mà nói đúng bài bản, mà bài bản của ông thì không gì bằng những văn bản nghị quyết ông thích thú đọc đi, đọc lại, đọc tái, đọc hồi, khoanh tròn đề mục, gạch chân những dòng chữ cần lưu ý, thậm chí cắt cả mảnh báo có đăng chỉ thị, nghị quyết ra cất cẩn thận vào cặp. Đã mươi lần nghe ông nói trong các cuộc họp đảng bộ xã, chi bộ thôn; và cũng chừng ấy lần đến nhà ông hỏi han việc này việc nọ, tôi biết ông có khiếu nói dai, nói dài, càng nói càng như nhập đổng, có khi chính ông cũng không biết mình nhập đổng như thế là vì cái gì. Thế nên, giữa lúc ông Biền đang say sưa, tôi lên tiếng cắt ngang:

- Tôi định đến bàn với bác một việc, không biết bác có đồng ý không?

Ông Biền dường như bấy giờ mới sực nhớ có tôi là khách đang ngồi đối diện với ông phía bàn bên kia, vội cầm ấm trà lên, rót vào hai chiếc chén vẫn đặt trong khay nước. Đoạn, cầm một chén lên đặt trước mặt tôi:

- Cậu uống nước đi. Việc gì mà rào đón thế, cứ nói thẳng ra xem nào?

Ông Biền làm việc ở xã đã lâu, từ ngày tôi chưa đi bộ đội. Một con người cần cù chịu khó, lại sáng dạ nhớ lâu. Tin đấy, có ai đi nghe phổ biến nghị quyết về lại nhớ được như ông thế không. Kể cũng là một biệt tài đấy chứ. Ông ít học, chỉ lớp ba lớp bốn là cùng, vì ngày xưa đánh Tây, nhiều người một chữ bẻ đôi không biết, sau bằng con đường bổ túc, chẳng khối người trở thành lãnh đạo to đấy là gì, huống hồ ông Biền vào đảng từ những năm bốn chín, năm mươi. Tuy ít học, nhưng ông được cái sáng dạ và chịu khó, kéo lại. Được cái sáng dạ, chịu khó, ông lại thêm tính nết thật thà, hiền lành, không bao giờ cáu giận với ai. Đến nói năng cũng không khi nào to tiếng, chí đều đều chậm rãi, người nói đủ sức nói, không quá mệt, không quá nhàm; người nghe đủ sức nghe, không thấy chán, không thấy ngủ gà ngủ gật. Thế mới nói được dai, được dài. Ông sống được lòng mọi người, có lẽ còn vì ông không bao giờ nóng nảy, vội vã, không bao giờ tự quyết định một việc gì, dù là bình thường hay hệ trọng đều bàn bạc, trao đổi tập thể, dẫu đó là tập thể thường vụ hay một, hai cán bộ xã, miễn là không phải chỉ một mình ông. Tôi đã một, hai lần, với tư cách bí thư chi bộ, lên xin ý kiến bí thư đảng uỷ, nghe chán, ông phán: “Để xem đã. Có ý kiến thường vụ mới được!”. Mà ý kiến thường; vụ có nghĩa là phải chờ, ít là một, hai ngày, nhiều có khi cả tuần mới có phản hồi. Đấy là bình thường, không, đúng vào kỳ cày cấy gặt hái thì thôi đấy, có khi phải chờ đến kỳ họp thường vụ ba mươi hàng tháng mới ngã ngũ. Biết tính ông vậy, tôi nói thẳng:

- Tôi định vụ mùa này giao khoán một số diện tích lúa cho bà con làm thử, để rút kinh nghiệm. Đề nghị bác cho họp đảng uỷ để ta bàn bạc cho thống nhất.

Khác với mọi lần, và cũng lạ là khác với cả tính cách của ông, bí thư bật lò so ngay:

- Không được đâu. Trên đã cấm không cho khoán hộ dưới bất cứ hình thức nào. Anh mới về không biết, chứ chúng tôi công tác ở địa phương bạc cả tóc đầu nên thừa biết, một khi trên đã cấm thì dưới chỉ biết răm rắp chấp hành. Thế nào là cấp dưới phục tùng cấp trên, anh là đảng viên lại không nắm được nguyên tắc đó à?

- Tôi nắm được chứ ạ!

- Nắm được mà định chống lại cấp trên!

Ông Biền có vẻ không muốn nghe nữa. Đã thế, tôi phải tỏ ra hết sức nhũn nhặn, lễ phép mới có thể líu kéo ông ngồi lại được. Tôi nhỏ nhẹ nói:

- Tôi không chống lại cấp trên. Nhưng bác cứ bình tĩnh nghe tôi trình bày cho hết đã. Trước tiên đây không phải là khoán hộ, mà chỉ khoán cho lao động thôi. Nhà nào có nhiều lao động thì giao nhiều ruộng, ít thì giao ít, không ép buộc, thậm chí ai không muốn nhận ruộng khoán cũng không sao.

- Thế gia đình thương binh, liệt sĩ và người cô đơn thì sao?

Ông Biền bỗng hỏi xen. Tôi thực sự có phần lúng túng, vì trong khi mải mê với ý định khoán ruộng cho xã viên, tôi cũng chưa nghĩ tới một đối tượng chính sách từ lâu được đặt vào hàng “ưu tiên số một”. Ông Biền như nhìn thấy tôi có lỗ hổng này, liền bảo:

- Thôi, hẵng biết thế. Còn gì nói tiếp đi.

Tôi giải thích:

- Trước khi khoán ruộng, hợp tác xã phải lên được định mức canh tác trên từng loại đất, xác định rõ khâu nào tập thể làm, khâu nào người lao động làm. Từ đó, người lao động mới biết họ nhận ngần này ruộng thì đến vụ gặt được bao nhiêu thóc, còn giao nộp cho hợp tác xã và nhà nước bao nhiêu.

Nghe tôi nói đến đấy, ông Biền bỗng kêu lên:

- Thế ra khoán dài ngày suốt vụ à? Hồi còn hợp tác xã nhỏ, Phương La cũng có năm làm thế. Tôi bị một vố hú hồn. Ông Giá gọi cả ban chi uỷ Phương La và tôi lên huyện uỷ, bắt ngồi làm kiểm thảo suốt năm ngày. Quá bằng tù giam lỏng. Mà đến giờ đã hết tai tiếng đâu. Anh không biết, chứ thỉnh thoảng họp huyện, các ông lãnh đạo vẫn đem chuyện Phương La khoán hộ từ mấy năm trước ra bêu gương, như một sự nhắc nhở nơi khác đấy.Thế mà giờ anh lại định làm cái việc, nói anh bỏ qua, những người đáng bậc cha chú anh không dám làm. Dẫu lúc ấy cũng muốn làm lắm chứ, vì cái lợi đã nhỡn tiền, còn dân lại đang đói dài ra. Nhưng đành cắn răng chịu. Bởi đã có chỉ thị, nghị quyết cấp trên rồi, mà đã là cấp trên thì cấp dưới nhất nhất chỉ biết phục tùng vô điều kiện. Thế mà…Tôi tưởng anh còn trẻ, lại có trình độ, năng lực mà làm chủ nhiệm thì cũng có thể đưa xã này tiến lên được. Chứ không nghĩ anh lại khờ dại đến thế. Đường quang không đi, lại định đâm quàng vào bụi rậm làm gì cho nhọc xác. Chả trách hôm họp thường vụ có ông Trường xuống dự, khi đưa ra dự kiến anh làm chủ nhiệm hợp tác thay anh Nhạ, ông ấy đã phân tích, so sánh rất kỹ giữa anh và anh Thuật, rồi kết luận: “Tay Điền đang học đại học tại chức, có trình độ đấy, nhưng còn nông nổi và ít kinh nghiệm lắm, chứ làm sao bàng đồng chí Thuật được!”.

Thế là rõ cái việc bầu chủ nhiệm hôm trước, và vì sao ông Thìn xuống xã sớm thế, mà tôi, đương sự, lại chỉ được báo trước mấy phút trước khi vào đại hội. Nhưng dẫu sao thì việc đã rồi, chớ nên bận lòng làm gì nữa, cái đích nhắm tới lúc này là tranh thủ sự ủng hộ của bí thư. Tôi hỏi ông Biền một câu có ý rào đón:

- Bác có biết bên Phương Trà vụ vừa rồi làm sao lúa lại tốt hơn các đội khác?

Ông Biền nói ngay, không cần một giây suy nghĩ:

- Các anh bắt bà con góp tiền mua thêm phân đạm về bón, nhẽ nào chả tốt!

Tôi suýt bật cười, vì cái câu của ông hoàn toàn giống câu trả lời của bà con Phương Trà chúng tôi thống nhất dặn nhau “cả làng nói dối” thế, nếu có ai người hàng xã, hàng tổng hỏi. Nhưng không cười được, tôi quay mặt đi giây lát, rồi mới nói một câu, không bác bỏ, cũng không ra thừa nhận:

- Ai người ta dại lại đi góp tiền cho đội mua thêm đạm về bón, để được tiếng là lúa tốt, mà bồ bịch nhà nào nhà ấy cũng chẳng được thêm cân thóc nào.

- Thế sao hôm thăm đồng, các cậu báo cáo là ngoài số phân đạm hợp tác xã cấp, đội còn vận động bà con góp tiền mua thêm phân đạm về bón?

Tôi nói lấp lửng:

- Cũng có thế thật. Nhưng cũng không hẳn thế.

Ông như bừng tỉnh:

- Thôi thôi, thế thì các cậu khoán chui rồi! Không thế, tài thánh lúa Phương Trà cũng không thể tốt hơn lúa Phương Trì, Phương La được. Tôi làm chủ nhiệm từ ngày bốn hợp tác nhỏ sáp nhập thành hợp tác toàn xã, tôi biết, ruộng đất Phương Trà, Phương Lưu là cái thứ ruộng chó chạy không lấm dái, gái chạy không lấm quần, chứ quái gì. Thế mà vụ trước lại dẫn đầu năng suất thì lạ thật. - Giọng ông bỗng trầm hẳn xuống, vừa như cảm thông, lại vừa như răn đe. - Có đúng là khoán chui thì nói thẳng ra, chứ nhỡ trên mà biết là lôi thôi lắm đấy!

Tôi hỏi, nửa úp nửa mở:

- Nhưng nhỡ đã khoán thì bác có tán thành không?

Ông Biền không trả lời ngay, mà lại cúi xuống gầm bàn cầm phích nước nóng lên rót vào ấm. Giây lát mới cất giọng chậm rãi, mạch lạc như những điều ông nói đã ngấm trong ông tự bao giờ:

- Kể làm thế thì trái với chủ trương của trên, lâu nay vẫn cấm các hợp tác xã không được khoán đến hộ, dưới bất cứ hình thức nào. Mà không khoán, cứ để hợp tác ôm hết mọi việc thì lắm vãi không ai đóng cửa chùa, người nọ dựa người kia làm quấy quá cho xong, sống chết mặc bay tối ngày lấy điểm, cũng chết.

Bây giờ thì tôi không thể không đánh bài ngửa với ông:

- Báo cáo thật với bác, vụ vừa qua bên Phương Trà chúng tôi đã cho khoán rồi, nên mới được một vụ lúa thế. Chứ không, bác bảo ruộng bên tôi chó chạy không lấm dái, gái chạy không lấm quần, làm sao được mật điền như bên bác, mà vụ vừa rồi lúa bên ấy lại tốt hơn bên này.

- Biết ngay mà! Hôm đi thăm đồng, thỉnh thoảng lại thấy một mô đất đê trên bờ sơn trát cẩn thận như kiểu đánh giấu phần ruộng, tôi cũng ngờ ngợ các cậu bên ấy cho khoán hộ. Nhưng lúc hỏi ông cụ nhà anh, thì ông cụ lại cứ thề sống thề chết: “Đội này mà cho khoán thế ấy à, tôi thà làm con cho chú, chứ sao lại nỡ giấu cả bí thư”. Thì ra ông cụ giấu cả tôi thật.

- Bác thông cảm! Cũng là vì cái bụng của dân, mà cả chi bộ Phương Trà chúng tôi đã phải cùng nhau thề tuyệt đối giữ kín việc này.