Bão đồng - Chương 05 - Phần 2

***

Trong phòng còn lại hai anh em Thuật và Trường. Vừa rót nước mời ông anh trưởng về đằng vợ, Trường vừa hỏi:

- Bà mấy hôm nay bệnh tình có thuyên giảm chút nào không bác? Chủ nhật vừa rồi vợ chồng em định sang, nhưng đang chuẩn bị đi thì vợ chồng đứa em gái ở thành phố đưa nhau về, mãi chiều muộn mới đi, nên không sang bên bác được nữa.

Ông anh vợ nhấm một ngụm nước chè, rồi đặt nhẹ cái chén xuống khay, không trả lời câu hỏi thăm sức khoẻ bà mẹ của ông em rể, mà lại nói bằng một giọng tiêng tiếc:

- Thế mà chú không sang. Muộn thì muộn chứ sao!

Sự xuất hiện đường đột của ông anh vợ đã là sự phân vân chưa lời giải trong đầu Trường, giờ lại nghe ông ấy nói một câu nửa tiêng tiếc, nửa ngầm trách, Trường thầm hiểu chắc có việc hệ trọng, liền hỏi:

- Bà mệt hả bác? Đã thuốc thang gì thêm cho bà chưa?

Thuật thấy Trường tỏ ra lo lắng cho sức khoẻ của bà mẹ, dù là mẹ vợ, nhưng Ngấn, vợ Trường, lại được bà cụ cưng chiều từ bé. Lấy Trường, mỗi khi vợ chồng dẫn con cái sang chơi, bà cụ vẫn một lời con, hai lời con với cả con gái chàng rể, chứ không như những ông bố bà mẹ khác, cứ coi rể như là khách. Ông anh vợ không muốn để em rể lo lắng về sức khỏe của mẹ, nhưng cũng còn ngần ngại chưa muốn nói thẳng cái ý định mình lên gặp em, dẫu là em rể nhưng lại là người đứng đầu chính quyền huyện, nên Thuật cứ ngập ngừng mãi mới cất lên lời:

- Bà vẫn thế, chứ không sao cả chú…à, anh ạ!

- Bác sao thế? Có chuyện gì muốn nói à? Hay dưới xã lại có đứa nào đơn từ kiện cáo bác, bác cứ bảo để em cho công an xuống gô cổ chúng nó lại?

Dẫu được khích lệ, Thuật vẫn ý tứ lựa lời. Vì dù sao việc Thuật sắp nói ra lại vượt ra ngoài khuôn khổ gia đình giữa anh vợ với em rể, mà là việc của xã, của huyện, giữa chủ tịch xã với chủ tịch huyện. Hơn thế nữa, lại liên quan đến một người chức quyền còn cao hơn cả Trường, đứng đầu huyện này. Người ấy là Cải. Nên sự thận trọng, dè dặt của Thuật là điều dễ hiểu. Biết đâu, dẫu Cải mới về, nhưng Trường với Cải cũng gần gũi và có phần suồng sã như với ông Giá bí thư cũ thì sao? Trong khi Thuật còn đang phân vân, mặt ngay cán tàn như khi ngồi cầu tiêu, thì Trường bỗng như sực nhớ, vội chồm người lên:

- Thôi thôi đúng rồi! Lại cái ông Mải ấy chứ gì! Hôm lâu lên giữa lúc đang họp thường vụ, không có ông Cải bảo cậu Thơi dẫn vội ra ngoài thì em gọi công an sang gô cổ lại rồi. Thôi, bác cứ về đi. Sáng nay em còn những mấy cuộc họp. Em sẽ gọi điện bảo huyện công an cho người xuống theo dõi, nếu có hiện tượng gì là cho bắt ngay.

Thuật liền hiểu đây chính là cơ hội, không nói nhanh có khi lại lỡ dịp, vội nghiêm mặt, như người cấp dưới nói với người cấp trên, với một giọng nửa kín nửa hở, như vừa khám phá ra tốp gián điệp hay phần tử phản đảng, vội nói:

- Báo cáo chủ tịch, quả là chuyện này có liên quan đến ông Mải, nhưng có lẽ chủ động lại là người khác kia ạ.

Trường cũng cảm thấy rất nhanh vấn đề trở nên nghiêm trọng, vội hỏi:

- Người nào, người nào chủ động? Bác cứ nói người nào dám cả gan ném đá giấu tay để em trị thẳng tay, chứ không thể có cái kiểu dân chủ quá trớn thế được!

- Người này có nói ra chú cũng không trị được đâu.

- Ai? Ai mà bác bảo em không trị được!

- Ông Cải…!

Trường như nghe sét đánh bên tai, không còn giữ được bình tĩnh, vội dồn:

- Ông Cải làm sao? Làm… sao? Ông ấy mới chân ướt chân ráo về huyện…

Sự tức giận cùng câu nói đầy nghi hoặc của Trường làm Thuật cảm thấy đã đến lúc có thể nói thẳng ra được rồi, liền bảo:

- Chú cứ bình tĩnh để tôi kể rõ ngọn ngành cho mà nghe…

Ở nông thôn ngày nay vẫn còn thành kiến với những người đàn ông bỏ vợ, đàn bà rẫy chồng lắm, chứ chưa hoàn toàn tân tiến được đâu. Thằng Bính năm nay mới hai mươi sáu tuổi, nhưng đã qua một đời vợ, dẫu chưa con sống cũng có con chết, dù lý do ly hôn không ở phía thằng Bính, nhưng chính nó là người đứng nguyên đơn. Dẫu cô vợ không ký và khi ra toà đã nhận hết ba bảy hăm mốt lần ăn nằm với cái thằng công nhân trạm bơm điện đồng Chua, thành thật khai báo, mong chồng cùng hai bên nội tộc tha thứ. Nhưng ông chú ruột là Thuật, bấy giờ làm phó chủ tịch xã, vẫn một mực bảo cháu mình là gia đình giác ngộ, có bố liệt sĩ, lại có tới hai chú ruột, tức là Thuật và Lận, một người làm phó chủ tịch uỷ ban xã, một người làm phó chủ nhiệm hợp tác xã, rồi cả bà cô ruột, tức là Ngấn, vợ Trường, chẳng gì cũng phu nhân chủ tịch huyện. Còn mẹ con cháu thì đường đường gia đình liệt sĩ, được ưu tiên về mọi mặt, lấy đâu chả được vợ, việc gì phải lấy cái con mèo mả gà đồng ấy. Nhưng được ưu tiên về mọi mặt những gì không biết, lấy đâu chả được vợ chưa thấy, chỉ thấy khắp cái làng Phương Trì đông dân nhất xã, chỉ tính những nhà có hộ khẩu bìa vàng đã gần ba trăm gia đình, còn nếu tính riêng con gái, thôi thì cứ gọi là con gái, chứ ma nào biết những đứa nào đã ăn chung ngủ chạ với đứa con trai nào mà tách bạch con gái với đàn bà bây giờ. Nếu tính riêng con gái, thôi thì cứ gọi là con gái, làng này dễ có tới mấy chục đứa chưa chồng. “Xoàn xoạt như lá chuối khô; trông về ngõ Bắc chín cô chưa chồng”, là mới một con ngõ xóm Bắc mà người ta đã vận vè thế rồi, còn cả làng những bảy con ngõ, có ngõ dài hun hút đến nỗi người đầu ngõ, kẻ cuối ngõ chỉ đi làm đồng mới chạm nhau, còn không, cả năm cũng chỉ đến nhà nhau mỗi lần vào dịp tết nhất, thì không biết là còn bao nhiêu câu vè và bao nhiêu cô gái chưa chồng. Thế mà cái sự ưu tiên về mọi mặt đối với Bính đâu không thấy, chỉ thấy về mặt lấy vợ Bính thiệt đơn thiệt kép, hỏi đến mấy đám cũng không đâu nhận lời. Thế mới biết ở vùng quê nghèo nàn và lạc hậu, người ta thành kiến với đàn ông bỏ vợ, đàn bà rẫy chồng ghê lắm. Đám nào cũng ngại cái chỗ nhà ấy không biết thế nào, khéo không lại phải dớp cái con vợ trước, chỉ có trẫm mình xuống vũng trâu mà chết. Cũng may, giữa lúc thằng Bính chạm ngõ mấy đám chưa đám nào thành, thì cái Viên bị giảm biên chế về nhà làm ruộng, nên mới yêu thằng Bính, chứ không, chắc gì một người như ông Mải lại để con gái yêu thằng Bính. Nhưng cũng chỉ mới yêu thôi, còn lấy lại là chuyện hồi sau, chưa biết thế nào mà nói trước. Chỉ biết, tối hôm ấy Bính theo lời ông chú ruột sai khiến đến rủ bằng được Viên ra bờ đầm sen để “khai thác tin”. Và tin Bính mang về cho ông chú chẳng những không giải toả được sự phân vân đến mất ăn mất ngủ của Thuật, mà còn làm chú lo lắng bội phần. Đến nỗi mới sớm ra đã hộc tốc lên huyện, đi vội cổng sau vào thẳng phòng ông em rể đứng đầu huyện.

Trường vừa nghe, vừa đoán già đoán non về cái sự Cải xuống nhà ông Mải. Cái ông này, mới chân ướt chân ráo về huyện, muốn nắm tình hình thì khó gì, cứ lần lượt gọi từng trưởng phòng ban, thậm chí từng thường vụ, thường trực huyện uỷ, uỷ ban đến báo cáo, xem có bố thằng nào dám từ chối. Việc gì phải lần mò xuống làng xã, vào tận nhà dân cho vừa khổ mình, lại vừa phiền hà dân chúng cơm nước, ăn ngủ. Đúng là cái thân làm khổ cái đời. Nhưng mà này, sao chỉ đến mỗi nhà ông Mải mà lâu thế hử? Từ buổi sáng, đến cả buổi chiều, rồi còn ngủ lại qua đêm, sáng hôm sau mới đạp xe về huyện sớm à? Có chuyện gì mà nhiều thế, Cải và Điền nói chuyện với nhau suốt đêm ư? Cái Viên nói với thằng Bính như thế, khi hai đứa khoác vai nhau đi từ nhà nó ra bờ đầm sen thì đúng rồi còn gì. Bắt chết quanh đi quẩn lại cũng chỉ là chuyện Điền bất mãn vì bị kỷ luật. Trường vừa nghĩ đến đấy, vội nhoài người qua chiếc bàn uống nước ngăn cách hai người, hỏi Thuật:

- Điền hết hạn kỷ luật lưu Đảng chưa?

Thuật ngồi ngây ra mươi giây, rồi ngập ngừng bảo:

- Hình như còn mấy tháng nữa mới hết thì phải.

Trường nhìn ông anh vợ, cười:

- Chán bác quá, mang tiếng là phó bí thư đảng uỷ mà không biết đảng viên của mình kỷ luật lưu Đảng được bao lâu rồi!

Thuật ngượng ngùng, với tay lấy chén nước trên khay đưa lên môi, lại vội đặt xuống, hỏi:

- Nhưng ý chú là thế nào, tôi chưa hiểu?

Trường không cần ý tứ em rể anh vợ, nói ngay:

- Bác về trao đổi với ông Sa, xem lại thời gian lưu Đảng của Điền được bao lâu rồi. Nếu được quá hai phần ba thời gian, thì thường vụ đảng uỷ làm văn bản đề nghị lên đây, để đưa ra thường trực huyện uỷ xét giám thời hạn lưu Đảng cho hắn ta.

Thuật nghe rõ từng lời Trường nói, nhưng sao trong đầu vãn ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm, chưa hiểu thế là thế nào, đúng hay không đúng, vì sao lại phải làm thế, làm thế để đạt mục đích gì? Thuật cứ ngồi ngây cán tàn. Giọng Trường lại bing bung bên tai:

- Còn cái cô gì em tay Điền, con gái út ông Mải, em sẽ bảo xí nghiệp cơ khí nông nghiệp huyện cho nó lên làm hành chính văn thư.

- Nhưng nó mới yêu thằng Bính nhà mình.

- Thì cứ để hai đứa nó yêu nhau.

- Thế sao được. Chồng làm ruộng, vợ thoát ly…

- Không được cũng phải được. Bác không nhớ các cụ xưa dạy “nắm xôi nhét miệng” à. Nên tạm thời cứ thế đã. Lùi một bước để tiến hai bước, bác không hiểu ý em. Lúc này không hoà hoãn, thêm bạn bớt thù, tranh thủ cảm tình với cha con nhà ông ấy, cũng là tranh thủ cảm tình với thiên hạ, mà cứ nhất mực hơn thua thì không khéo bị cô lập. Bây giờ là thời ông Cải làm bí thư, mà ông Cải lại là chỗ thân quen với nhà ông Mải. Bác có hiểu ý em không?

“Bây giờ là thời ông Cải làm bí thư, mà ông Cải lại là chỗ thân quen với nhà ông Mải. Bác có hiểu ý em không?”. Trường nhắc lại câu nói ấy một lần nữa với ông anh vợ, nhưng thực, lại là nói với chính mình.

Trong đầu Thuật lúc này cũng tan dần những tiếng binh bung ù ù cạc cạc, nhưng cũng chưa thật nắm bắt được ý định của ông em rể. Thuật nói:

- Giờ thì tôi hiểu phần nào ý chú rồi. Nhưng tôi hỏi chú, còn cái việc ông Mải làm đơn xin ra đảng thì xử lý thế nào?

Trường định nói, việc ấy không phải của anh em mình, vì trên thực tế đơn ông Mải gửi lên tỉnh uỷ, chứ có gửi đảng uỷ, huyện uỷ đâu. Nhưng lại nhìn Thuật như đánh bài ngửa:

- Còn em, còn bác, không bao giờ ông Mải lại bỏ Đảng đâu. Đấy chẳng qua chỉ là cái cớ để ông ấy đi bêu riếu cán bộ xã các anh thôi.

Thuật nói một câu ngay thuồn thuỗn, rõ là anh vai u thịt bắp thấy sao nói vậy: - Chẳng lẽ chỉ bêu riếu xã thôi ư, còn huyện nhẽ nào không có gì đê bêu riếu! Nhưng ông em rể cũng không phải tay vừa, nói như để xoa lòng ông anh vợ, cũng là để ngầm nhắc anh còn là chủ tịch xã dưới quyền lãnh đạo của tôi nữa đấy, chứ không chỉ là ông anh trưởng đâu mà nói năng xách mé thế:

- Ai làm việc mà chẳng có khuyết điểm. Nhưng nhớ là đừng có ếch chết tại miệng, cứ mặc cho ông ấy đi bêu, chỉ sợ không đi được mãi mà bêu!

Trường vừa nói đến đấy, Thuật vội đặt chén nước cạch xuống bàn, nói ngay: - Nhưng ông ấy chưa đi đâu, thì ông Cải đã đến tận nhà hỏi han cặn kẽ rồi! Ông Cải đến tận nhà hỏi han cặn kẽ rồi, thật thế sao? Chỉ hỏi những chuyện ở xã, hay còn những chuyện gì gì nữa. Chẳng lẽ chỉ bêu riếu xã thôi, còn huyện nhẽ nào không có gì để bêu riếu!? Trường nhẩm lại mấy câu Thuật vừa nói mà bỗng giật mình, nhưng vẫn làm ra vẻ bình thản, hỏi chủ tịch xã Tiên Trung:

- Trường học xã quyết toán xây dựng xong chưa?

Thuật hiểu ngay đằng sau câu hỏi ấy là Trường nhắc nhở mọi hoá đơn chứng từ vật liệu xây dựng khu phòng học hai tầng của trường cấp một, hai của xã bằng tiền do huyện rót xuống, là bác phải để mắt tới đấy, chứ không thể lơ mơ được đâu. Rút hạng mục công trình so với thiết kế đã được duyệt mà vẫn nhận đủ kinh phí và vật liệu mà không khéo dẫn giải, hợp lý hoá chứng từ là dễ bị kiểm tra phát hiện lắm đấy. Thuật hiểu ngay đằng sau câu nói ấy của ông em rể, vội ngồi ngay người, nói rất đúng thứ bậc giữa huyện đường:

- Báo cáo chủ tịch cứ yên tâm. Tôi đang chỉ đạo quyết toán dứt điểm để trình lên huyện duyệt.

Trường cũng nói bằng giọng thân tình, như để ông anh vợ yên lòng:

- Khi nào xong anh đưa em xem trước cho, rồi hãy đưa kế hoạch duyệt nhá! Bỗng tiếng chuông điện thoại trên bàn làm việc đổ gắt. Trường đứng lên cầm ống nghe. Giây lát quay lại nói với Thuật:

- Cô Hà bảo xong ở đây anh qua ngay chỗ cô ấy lấy đôi lốp. Thế được chưa. Trường vừa nói vừa đi lại bàn rút cuốn sổ trong cặp ra để lên chồng tài liệu, rồi cầm một tập báo cáo và chiếc bút máy lên tay, bảo ông Thuật:

- Anh về bảo bác gái với các cháu nhà chú Lận trông nom bà giúp chúng em nhá. Chủ nhật em mới đèo nhà em sang được cơ đấy.

Thuật vội đứng dậy, nhưng không ra cửa ngay, mà đi đến bên bàn Trường đang đứng sắp xếp tài liệu chuẩn bị đi họp. Khi hai người đứng đối diện với nhau qua chiếc bàn làm việc, Thuật bỗng nhìn thẳng vào Trường, nói như ở nhà:

- Còn một việc nữa tôi muốn hỏi chú, cái chỗ đất lập sinh phần gia tộc, tôi định cứ tiếp tục làm có được không?

- Cứ làm chứ sao! Không có cụ kỵ tổ tông làm sao có con cháu đời đời kiếp kiếp. Bác cứ cho làm, dù là ngoại, vợ chồng em cũng đóng góp với bác như là nội, chứ không để bác phải gánh quá sức đâu.

Được lời như cởi tấm lòng, Thuật nghe chú em rể nói không hỏi lại lời nào, cứ thế chào Trường rồi bước nhanh ra cửa. Chứ sao, còn gì mà hỏi lại. Chỉ có một mối lo là đất làm khu sinh phần gia tộc, chừng nghìn mét vuông, thì chính Trường, người có quyền hành cao nhất huyện vừa nói thế, khác nào ký quyết định văn bản mồm cấp đất cho ông anh trưởng về đằng vợ rồi, còn gì nữa mà hỏi. Quả là điều Thuật không thể ngờ. Trường không những đồng ý ngay, còn khích lệ, bác cứ cho làm, dù là ngoại, vợ chồng em cũng đóng góp với bác như là nội.

Dù là ngoại, vợ chồng em cũng đóng góp với bác như là nội, quả là cô chú thật tuyệt vời! Thuật thập thững bước trên dẫy hành lang trước cửa phòng Trường, trong đầu như ngân lên lời reo ca ấy.

Thật hiếm có buổi sáng hôm nào kỳ lạ như sáng hôm nay.

Đã vào hè mà trời lại cao xanh như sắc trời thu, làm mọi vật dưới trần gian cứ nhờ nhờ ảo ảo.

Nắng cũng nhạt nhoà vàng vọt, không ra nắng hè chói chang, cũng chẳng ra nắng thu vàng sắc cốm.

Nhưng Thuật cũng chẳng có thì giờ ngắm nhìn lâu trời đất, bởi lòng đang hát ca buổi sáng thần tiên có bao điều kỳ lạ, với cả niềm vui và nỗi buồn, diễn ra chỉ trong một căn phòng chưa đến hai mươi bốn mét vuông vừa là nơi ở, nơi làm việc và tiếp khách của người đứng đầu chính quyền huyện, mà trước đó chỉ hơn tiếng đồng hồ, khi chưa bước chân vào, Thuật còn lo ngay ngáy. Thế nhưng chí mươi câu trò chuyện, hỏi han, mách nước, và cả vẽ đường cho hươu chạy, Thuật đã thấy mọi lo toan phiền muộn đều nhạt nhoà mây khói. Chỉ còn lại trong lòng tiếng ngân nga buổi sáng thần tiên với bao điều kỳ lạ, dẫu đất trời sáng nay chẳng biết sắc hè hay sắc trời thu.

Người làng Phương Trà không mấy ai biết duyên cớ sao gần đây, chính xác là từ ngày bị kỷ luật sạch trơn mọi chức tước trong làng ngoài xã, Điền lại hay ra Phương Lưu, vốn là xóm trại lẻ, mới có tên gọi từ ngày thành hợp tác xã đến nay. Có hôm Điền còn ăn cơm, ngủ ở ngoài đó, sáng hôm sau mới về.

Đúng là “Không ưa thì dưa có dòi”, chứ thực ra Dậm, em vợ Đĩnh ngoài xóm trại Phương Lưu, cũng không đến nỗi như lời qua tiếng lại chê bai, dè bỉu, nuối tiếc, mai mỉa, ganh tỵ, thôi thì đủ cả, của mấy cô gái làng Phương Trà. Dậm có dáng người thấp béo, nước da rắn rỏi, khuôn mặt đầy đặn, mấy chấm tàn hương ở hai bên má tuy có làm cho làn da trên mặt chỗ sáng chỗ mờ, không được hài hoà cho lắm, nhưng nhìn kỹ lại thấy nét hiền thục, dịu dàng hiện ra sau những chấm tàn hương lấm tấm ấy. Những cô gái có khuôn mặt như thế, các cụ bảo, để lại nhiều phúc hậu cho nhà chồng, nhất là về đường làm ăn, con cái; nhưng lại hay gặp lận đận đầu đời. Chẳng biết có đúng. Nhưng nhìn Dậm vào thời điểm hiện tại quả không sai. Dậm đã bước sang tuổi ba mươi, cái tuổi các cụ hay bảo: “Trai ba mươi tuổi đang xoân; gái ba mươi tuổi đã toan về già”. Dậm chưa già, nhưng cũng không còn non trẻ đối với cô gái ở một vùng quê có tập quán lấy vợ lấy chồng từ khi mới nứt mắt.

Ở một vùng quê có tập quán lấy vợ, lấy chồng từ khi mới nứt mắt, nên dẫu Dậm chưa già, thì cũng không còn là non trẻ so với nhiều cô gái khác.

Nhưng công bằng mà nói, sự muộn mằn ấy không thuộc về cô con gái hiền thục, dịu dàng, mà lại ở bà mẹ khó tính và “lạc hậu”, như anh con rể Đĩnh có lần thuyết phục mẹ vợ không được, gắt lên thế. Bà cụ goá chồng sớm, không có con trai, được hai cô con gái, thì cô chị lấy Đĩnh, còn mỗi mình Dậm, bà cụ đã nói ra mồm là nhất định lấy rể, chứ không cho đi làm dâu nhà nào, dẫu đó có là nhà ông hoàng bà chúa cũng mặc. Bà cụ lo còm cõi tuổi già trong cái dinh cơ không đến nỗi rớt mồng tơi, nhưng cũng chưa vào loại có bát ăn bát để. Bà cụ lo còm cõi tuổi già cũng còn một điều không lấy gì làm khó hiểu nữa, đối với những người đã ở cái tuổi gần đất xa trời.

Thế nên, từ sau cái chết của ông Đang, bà cụ Dậm càng lo còm coi tuổi già trong cái dinh cơ mà sự nền nếp hiện ngay ra từ cách chọn hướng làm nhà. Mặc dù cô con gái đã bước sang cái tuổi “toan về già”, nhưng bà mẹ vẫn giữ mực lấy rể chứ không cho đi làm dâu, dẫu anh con rể làm phó chủ tịch xã không ít lần bảo mẹ vợ “lạc hậu”, bà cụ vẫn cứ như điếc đông điếc đặc, không để vào tai lấy nửa lời.