Nghệ thuật đua xe trong mưa - Chương 26 - 27

26

Năm đó mỗi tháng mùa đông chúng tôi đều có một đợt rét, và tháng Tư, khi cuối cùng ngày xuân ấm áp đầu tiên cũng đã đến, cây cối và hoa cỏ bừng lên sức sống mãnh liệt đến độ tin tức truyền hình phải công bố tình trạng dị ứng khẩn cấp. Các hiệu thuốc nói đúng nghĩa là hết thuốc trị dị ứng. Các công ti dược - những công ti kiếm lời từ nỗi đau của kẻ khác đó - chẳng thể đòi hỏi một kịch bản tạo thu nhập nào ngon lành hơn là cái lạnh nữa, mùa đông ẩm ướt ai ai cũng tiêm phòng cúm và uống thuốc ho NyQuil, theo sau là một mùa xuân nóng bức và chỉ số phấn hoa trong không khí phá kỉ lục. (Tôi tin là người ta chẳng dị ứng với môi trường của mình đến vậy cho đến ngày họ bắt đầu tự làm ô nhiễm mình và thế giới của mình bằng quá nhiều thuốc men và độc tố kiểu ấy. Nhưng nghĩ lại thì, có ai hỏi tôi đâu.) Vậy là trong khi phần còn lại của thế giới tập trung vào sự bất tiện của bệnh sốt mùa cỏ khô thì những người trong thế giới của tôi có những thứ khác phải làm: Eve tiếp tục quá trình hấp hối không làm sao khác được, Zoë ở với ông bà suốt, còn Denny và tôi lo làm chậm nhịp tim mình lại để không cảm thấy đau đớn quá.

Thế nhưng, Denny cũng cho mình một vài dịp khuây lãng hiếm hoi, và tháng Tư đó, một dịp đã tự đến. Ông được một trong các trường dạy đua mà ông đã cộng tác mời làm việc: họ được thuê để cung cấp các tay đua xe cho một chương trình quảng cáo truyền hình, và họ mời Denny làm một trong các tay đua đó. Trường đua nằm ở bang California, một nơi gọi là công viên Đường đua Đồi Sấm. Tôi biết chuyện đó sẽ xảy ra vào tháng Tư vì Denny nói khá nhiều về nó; ông háo hức lắm. Nhưng tôi chẳng biết là ông đã tính tự chạy xe đến đó, một chuyến đi mười giờ đồng hồ. Và tôi còn mù mờ hơn nữa về chuyện ông tính mang tôi theo cùng.

Ồ, niềm vui ấy! Denny và tôi và chiếc BMW của chúng tôi, chạy suốt ngày đến tận chiều tối như hai tên cướp chạy trốn pháp luật, như những tên đồng đảng trong một tội ác. Phải là tội phạm thì mới sống cuộc sống chúng tôi đang sống, một cuộc đời mà ta có thể chạy trốn những rắc rối của mình bằng cách đua xe!

Chuyến đi chẳng có gì đặc biệt lắm: miền Trung Oregon không được nổi tiếng nhờ thắng cảnh, dù những vùng khác ở Oregon thì có. Còn mấy ngọn đèo ở Bắc California vẫn còn có chỗ tuyết phủ, làm tôi co rúm khi nhớ lại Annika và chuyện cô ta lợi dụng Denny. May thay, tuyết ở Siskiyous chỉ còn ở hai bên lề quốc lộ thôi, còn mặt đường thì trơ trụi ướt át. Và rồi chúng tôi từ trên cao rớt xuống những cánh đồng xanh tươi miền Bắc Sacramento.

Kinh ngạc. Hết sức kinh ngạc, cái bao la của một thế giới sinh sôi nảy nở vô cùng mãnh liệt, vào mùa sống giữa mùa đông im ngủ và cái nóng như hun của mùa hè. Những ngọn đồi bát ngát trập trùng phủ cỏ non mới nhú và những vạt hoa dại bao la. Cánh đàn ông ngồi trong xe kéo làm đất, cày tơi đất, làm xộc lên những mùi ủ ngây ngất: mùi ẩm mục, thuốc trừ sâu và khói diesel. Ở Seattle, sống giữa ngàn cây và sông nước nên chúng tôi cảm thấy mình như được đong đưa trong cái nôi sự sống. Mùa đông ở chỗ chúng tôi không lạnh còn mùa hè cũng chẳng nóng và chúng tôi chúc mừng nhau vì đã chọn một nơi đẹp mắt như vậy để thư thả đầu óc và nuôi gà. Nhưng quanh công viên Đường đua Đồi Sấm, mùa xuân mới đúng là mùa xuân! Chẳng còn bằng chứng về mùa nào hay hơn nữa.

Rồi còn đường đua nữa chứ. Khá mới, được chăm chút kĩ, thách thức với những khúc lượn quanh co cùng sự thay đổi độ cao và có rất nhiều thứ để xem. Sáng hôm sau ngày chúng tôi đến, Denny dẫn tôi đi chạy bộ. Chúng tôi chạy bộ hết đường đua. Ông làm vậy để làm quen với mặt đường. Ta chẳng thể thực sự thấy đường đua từ trong xe đua chạy một trăm năm mươi dặm một giờ hoặc hơn, ông nói. Ta phải ra ngoài và cảm nhận nó.

Denny giải thích cho tôi cái ông đang tìm. Những chỗ lồi trên vỉa hè có thể đánh đổ hệ thống giảm xóc của ta. Những đường phân giới thấy được mà ông có thể dùng làm vạch đánh dấu điểm phanh hay điểm cua. Ông sờ vỉa hè ở đỉnh các góc cua để cảm nhận được tình trạng của nhựa đường - mấy viên đá nhỏ có mòn nhẵn không? Ông có thể giữ tay lái tốt hơn nếu hơi chệch khỏi đường đua cố định không? Và còn trò chơi khăm của những chỗ vồng lên ở một số góc cua, những nơi mà đường đua có vẻ như bằng phẳng khi nhìn từ trong xe nhưng thực ra lại hơi thoai thoải - thường là do thiết kế để cho nước mưa chảy khỏi đường đua và không đọng thành vũng một cách nguy hiểm.

Khi đã đi hết đường đua mà nghiên cứu cả ba dặm và mười lăm góc cua rồi, chúng tôi quay lại khu vực kĩ thuật. Hai chiếc bán xe tải lớn đã tới. Vài người đàn ông mặc đồng phục đội đua dựng lều và dù, và bày một chỗ phục vụ thức ăn thật công phu, trong khi những người khác thì dỡ sáu chiếc Aston Martin DB5 giống nhau tuyệt đẹp xuống, kiểu mà James Bond đã làm cho nổi danh. Denny tự giới thiệu với một người đàn ông cầm bảng và đi đứng với dáng bộ của người có quyền. Tên ông ta là Ken.

“Cám ơn sự tận tụy của anh,” Ken nói, “nhưng anh đến sớm đấy.”

“Tôi muốn đi bộ trên đường đua,” Denny giải thích.

“Cứ tự nhiên đi.”

“Tôi đã làm rồi, cám ơn.”

Ken gật rồi nhìn đồng hồ đeo tay.

“Còn sớm quá chưa cho xe đua chạy được,” ông nói, “nhưng nếu muốn thì anh cứ đi mà xả khói ra đường đi. Chỉ cần giữ cho tỉnh táo là được.”

“Cám ơn,” Denny nói, rồi ông nhìn tôi mà nháy mắt.

Chúng tôi đi lại một xe tải của nhóm, rồi Denny túm tay một thành viên trong đội.

“Tôi là Denny,” ông nói. “Một trong các tay đua.”

Người đàn ông bắt tay ông và tự giới thiệu là Pat.

“Anh còn thời gian mà,” anh ta nói. “Cà phê đằng kia kìa.”

“Tôi định đem chiếc Bimmer của mình ra chạy vài vòng chơi chơi thôi. Ken nói vậy được. Tôi không biết anh có một cái đai an toàn cho tôi mượn được không?”

“Anh cần đai an toàn để làm gì?” Pat hỏi.

Denny liếc nhanh qua tôi, và Pat cười.

“Ê, Jim,” anh ta gọi một người đàn ông nữa. “Anh chàng này muốn mượn một cái đai để đưa chó đi dạo một vòng.”

Cả hai cười, và tôi hơi luống cuống.

“Tôi có cái này hay hơn,” gã tên Jim nói. Anh ta đi vòng đến buồng lái xe tải rồi lát sau quay lại với một tấm trải giường.

“Đây,” anh ta nói. “Tôi lúc nào cũng có thể giặt nó ở khách sạn nếu con chó ị.”

Denny bảo tôi lên ghế trước xe ông ngồi, tôi làm theo. Họ quấn tấm ga lên người tôi, rịt tôi vào ghế, chỉ chừa đầu tôi thò ra ngoài. Họ cũng xoay xở buộc chặt được tấm ga từ đằng sau.

“Có chặt quá không?” Denny hỏi.

Tôi háo hức quá chẳng đáp được. Ông sắp dẫn tôi đi chơi trên xe ông!

“Chạy thong thả thôi cho đến khi anh thấy nó có gan không đã nhé,” Pat nói. “Chẳng có gì tệ hại hơn là phải rửa đồ chó mửa ra ống xả xe ta đâu.”

“Anh đã làm chuyện này rồi à?”

“Ồ, phải,” anh ta nói. “Chó của tôi đã từng rất thích chuyện này.”

Denny đi vòng tới phía ghế tài xế. Ông lấy mũ bảo hiểm trong ghế sau ra rồi đội lên đầu. Ông lên xe và cài dây an toàn.

“Sủa một tiếng là chậm lại, hai tiếng là nhanh hơn, hiểu chưa?”

Tôi sủa hai tiếng, và chuyện đó làm ông với Pat và Jim ngạc nhiên, cả hai đang cúi vào cửa sổ bên cạnh tài xế.

“Nó chưa gì đã muốn chạy nhanh hơn rồi,” Jim nói. “Anh kiếm cho mình một con chó được đấy.”

Khu vực kĩ thuật ở công viên Đường đua Đồi Sấm nằm giữa hai đoạn đường thẳng dài song song với nhau; phần đường đua còn lại xòe ra từ khu vực sân như hai cánh bướm. Chúng tôi chạy rất chậm qua khu vực tiếp tế rồi đến lối vào đường đua.

“Ta sẽ chạy thong thả đây,” Denny nói, và thế là chúng tôi đi.

Được ở trên đường đua là một sự kiện mới mẻ với tôi. Không còn những tòa nhà, không còn bảng chỉ đường, không còn cảm giác đối xứng nữa. Giống như chạy qua cánh đồng, lướt trên bình nguyên. Denny đi êm ru, nhưng tôi nhận thấy ông chạy bạo hơn lúc đi trên phố. Ông rồ máy mạnh hơn nhiều, và ông phanh mạnh hơn nhiều.

“Tao đang tìm các điểm nhìn cho mình,” ông giải thích với tôi. “Những điểm cua, phanh. Một số gã chạy dựa vào cảm giác nhiều hơn. Họ bắt được nhịp rồi và họ tin tưởng vào đó. Nhưng tao thì dựa nhiều vào thị giác. Tao cảm thấy thoải mái hơn nếu có những cái quy chiếu. Tao đã có hàng chục điểm quy chiếu trên đường đua này rồi dù tao chưa hề chạy trên đó, bảy tám thứ cụ thể tao đã lưu ý nơi mỗi góc cua khi tao với mày đi dạo trên đường đua.”

Chúng tôi cứ chạy vòng vòng quanh các góc cua. Ông để ý những đỉnh và lối ra vì tôi. Dọc những đoạn đường thẳng, chúng tôi tăng tốc. Dù chúng tôi chạy không nhanh gì lắm, chắc sáu mươi, nhưng tôi đã thực sự cảm thấy tốc độ quanh mấy góc cua khi lốp xe tạo một tiếng vang, rợn người, gần như tiếng cú kêu. Tôi cảm thấy đặc biệt khi được cùng Denny trên đường đua. Trước đây ông chưa hề đưa tôi lên đường đua. Tôi cảm thấy tự tin và thoải mái; được giữ chặt vào ghế thì thật dễ chịu. Cửa xe mở, gió mát lạnh. Tôi có chạy cả ngày kiểu đó cũng được.

Chạy được ba vòng thì ông liếc nhìn tôi.

“Phanh ấm rồi,” ông nói. “Lốp xe ấm rồi.”

Tôi chẳng hiểu ông đang ngụ ý gì.

“Mày muốn thử một vòng nảy lửa không hả?”

Một vòng nảy lửa hả? Tôi sủa hai tiếng. Rồi lại sủa hai tiếng nữa. Denny cười.

“Thét lên nếu mày không thích nhé,” ông nói, “tru một hơi dài.” Ông quả quyết đạp chân ga xuống kịch sàn xe.

Chẳng có gì giống vậy cả. Cái cảm giác tốc độ. Chẳng gì trên đời này sánh được.

Chính sự bứt tốc đột ngột, chứ không phải tấm trải giường của Jim, mới là cái ấn chặt tôi xuống ghế khi chúng tôi lấy hết tốc độ rồi bay vút xuống đoạn đường thẳng đầu tiên.

“Giờ thì bám cho chắc này,” Denny nói, “ta sẽ vào cua ở đây hết tốc độ luôn.”

Chúng tôi đi, nhanh, ầm ầm, nhanh hơn nữa, tôi nhìn góc cua hiện lại gần, gào rú vào mặt cho đến khi chúng tôi gần như đã vượt qua nó thì bấy giờ ông nhả chân ga ra và phanh mạnh. Mũi xe chồm tới và rồi tôi biết ơn tấm khăn vì không có nó thì tôi đã bị ném vào kính chắn gió rồi. Chậm, chậm, chậm, má phanh rịt lấy đĩa hết mức, nóng rực lên vì ma sát, sức nóng bị ném ra bộ kẹp phanh, năng lượng tiêu hao. Và rồi ông bẻ bánh xe sang trái, rồi rất êm mà không dừng, ông tăng ga, thế là chúng tôi đến được góc cua, lực li tâm quăng chúng tôi ra phía ngoài xe nhưng lốp xe giữ chúng tôi lại tại chỗ, chúng không hú lên nữa, mấy cái lốp xe đó, không. Con cú đã chết. Mấy lốp xe thắng rít, chúng gào la, tru tréo, khóc than vì đau, aaaaaa! Ông nới lỏng tay cầm bánh lái khi đến chỗ đỉnh rồi chiếc xe lướt đến ngã rẽ, ông vọt hết ga và chúng tôi bay - bay! - khỏi góc cua đó tới góc cua kế tiếp rồi lại góc cua kế đó nữa. Mười lăm góc cua ở Đồi Sấm. Mười lăm. Và tôi khoái tất thảy như nhau. Tôi ngưỡng mộ tất cả những góc cua ấy. Mỗi góc cua đều khác nhau, mỗi góc mang lại một cảm giác riêng, nhưng đều rất tuyệt vời! Chúng tôi chạy vòng vòng quanh đường đua, nhanh hơn và nhanh hơn nữa, hết vòng này đến vòng khác.

“Mày ổn không đó?” ông hỏi, liếc nhìn tôi khi chúng tôi phóng gần một trăm hai mươi dặm một giờ xuôi đoạn đường thẳng.

Tôi sủa hai cái.

“Tao sẽ mài mòn hết lốp nếu mày cứ giữ tao ở ngoài này,” ông nói. “Một vòng nữa thôi.”

Được, một vòng nữa. Một vòng nữa. Mãi hoài, một vòng nữa. Tôi sẽ sống đời mình cho một vòng nữa. Tôi sẽ dâng đời mình cho một vòng nữa! Làm ơn, Chúa ơi, xin hãy ban cho con một vòng nữa!

Và vòng đó thật ngoạn mục. Tôi chong mắt ra như Denny chỉ dẫn. “Mở mắt to, nhìn ra xa,” ông nói với tôi. Mấy điểm tham chiếu đó, những điểm nhìn ông đã xác định khi chúng tôi đi bộ trên đường đua, lướt qua nhanh đến đỗi phải mất một lúc tôi mới nhận ra là ông cũng không thấy chúng nữa. Ông đang sống lấychúng! Ông đã lập trình bản đồ đường đua vào trong não và nó nằm đó như một cái GPS[15]; khi chúng tôi chạy chậm lại để vào cua, ông rướn đầu lên mà nhìn tới góc cua kế tiếp, không phải nhìn cái đỉnh ở góc cua chúng tôi đang chạy. Góc cua chúng tôi đang có mặt chỉ là một trạng thái đối với Denny mà thôi. Nó ở nơi chúng tôi đang có mặt, và ông hài lòng đã ở đó, còn tôi thì có thể cảm thấy niềm vui toát ra từ ông, niềm yêu đời. Nhưng sự chú tâm của ông - và ý định của ông - lại xa đằng trước, đến góc cua kế tiếp và cái xa hơn nữa. Với mỗi hơi thở ông điều chỉnh, ông đánh giá lại, ông sửa chữa, nhưng ông làm tất cả một cách vô thức; lúc đó, tôi đã hiểu, bằng cách nào mà trong một cuộc đua phút này ông có thể tính toán để vượt mặt tay đua khác ba bốn vòng sau đó. Suy nghĩ của ông, các chiến thuật của ông, tâm trí ông; toàn thể Denny mở ra cho tôi ngày hôm ấy.

[15] Hệ thống định vị toàn cầu.

Sau một vòng chạy thả lỏng chúng tôi chạy vào khu vực kĩ thuật và cả đội đang chờ. Họ xúm lại quanh xe rồi tháo tôi ra khỏi áo giáp, thế là tôi nhảy xuống mặt đường nhựa.

“Mày thích không hả?” một người trong bọn hỏi tôi và tôi sủa, ‘Thích!’ Tôi sủa và nhảy cẫng lên.

“Ngoài đó cậu phóng kinh thật đấy,” Pat nói với Denny. “Ta có một tay đua thực thụ lên phim rồi.”

“Ừ thì, Enzo nó sủa hai cái mà,” Denny phân trần và cười. “Sủa hai tiếng là nhanh hơn!”

Họ cười, và tôi lại sủa hai cái. Nhanh hơn! Cái cảm nhận. Cái cảm giác mạnh. Chuyển động. Tốc độ. Xe. Lốp. Âm thanh. Gió. Mặt đường đua. Đỉnh. Ngã rẽ. Điểm chuyển số. Vùng phanh. Vòng chạy. Tất cả chỉ có chạy!

Chẳng còn gì nữa để kể về chuyến đi đó vì không gì có thể tuyệt trần hơn mấy vòng đua nảy lửa mà Denny đã mang lại cho tôi. Cho đến lúc đó thì tôi vẫn nghĩ mình thích đua xe. Tôi lập luận là tôi sẽ thích được ngồi trong xe đua. Cho đến lúc đó thì tôi chưa biết. Làm sao ai có thể biết được, cho đến khi y ngồi trong chiếc xe với tốc độ đua rồi làm những vòng cua với tận cùng khả năng bám, phanh chỉ còn chút xíu xiu nữa thôi là bị bó cứng, động cơ van nài được nghỉ?

Tôi bay bổng suốt thời gian còn lại của chuyến đi. Tôi mơ được ra đó phóng xe lần nữa, nhưng lại e - mà hóa ra, đúng là vậy - rằng không thể có chuyện tôi còn được ra đường đua nữa. Nhưng không sao. Tôi có kí ức, trải nghiệm để có thể làm sống lại trong tâm trí mình bao nhiêu lần nữa. Sủa hai tiếng nghĩa là nhanh hơn. Đôi lúc, đến tận hôm nay, khi ngủ tôi vẫn còn sủa gâu gâu hai cái vì tôi mơ thấy Denny chở tôi quanh Đồi Sấm, hai chúng tôi làm một vòng đua nảy lửa, và tôi sủa hai tiếng để nói nhanh hơn đi. Một vòng nữa, Denny ơi! Nhanh nữa đi!

27

Sáu tháng tới rồi sáu tháng qua và Eve vẫn còn sống. Rồi bảy tháng. Rồi tám. Vào ngày Một tháng Năm, Denny và tôi được mời đến nhà Cặp Sinh Đôi ăn tối, là chuyện bất thường vì đó là một tối thứ Hai, và tôi chưa hề đi thăm cùng Denny vào một tối trong tuần. Chúng tôi đứng lóng ngóng trong phòng khách với cái giường bệnh trống không trong khi bà Trish và lão Maxwell chuẩn bị bữa tối. Eve không thấy đâu.

Tôi lững thững dọc hành lang để dò la, và tôi phát hiện Zoë đang lặng lẽ chơi một mình trong phòng. Phòng cô bé trong nhà Maxwell và Trish rộng hơn phòng cô ở nhà nhiều, và đầy cả những thứ mà một bé gái có thể muốn: búp bê, đồ chơi, váy ngủ viền ren và những đám mây vẽ trên trần. Cô bé đang say sưa với nhà búp bê của mình nên không nhận ra là tôi bước vào.

Tôi phát hiện ra một cái tất cuộn tròn trên sàn, chắc đã rơi khi áo quần sạch được xếp vào trong tủ áo của cô bé, và tôi chộp ngay lấy. Tôi thả đùa nó bên chân Zoë, đưa mũi hất, và rồi hai chân trước quỳ xuống, phần thân sau chổng lên và đuôi dựng thẳng: ngôn ngữ ra hiệu chung để nói “Ta chơi nào!” Nhưng cô bé chẳng ngó ngàng gì đến tôi.

Nên tôi thử lần nữa. Tôi chộp mấy cái tất lên, tung lên trời, đưa mõm đánh bạt nó, đi lượm lại cho mình, và lại thả nó dưới chân Zoë, rồi tôi cúi mặt xuống. Tôi đã hoàn toàn sẵn sàng cho một trò chơi Enno-Fetch vui nhộn. Cô bé thì không. Cô đưa chân hất mấy cái tất sang một bên.

Tôi sủa sủa chờ đợi, thử một lần cuối. Cô bé quay lại nhìn tôi nghiêm nghị.

“Đó là trò con nít,” cô bé nói. “Giờ tao phải làm người lớn rồi.”

Zoë bé bỏng của tôi, một người lớn ở cái tuổi non nớt của bé. Một ý nghĩ buồn.

Thất vọng, tôi lững thững đi ra cửa và ngoái lại nhìn cô bé.

“Đôi khi những chuyện không hay xảy ra,” cô bé nói một mình. “Đôi khi mọi chuyện thay đổi, và ta nữa cũng phải thay đổi.”

Cô bé đang nói lời lẽ của ai khác, và tôi không chắc cô bé có tin hay dù chỉ là hiểu những lời ấy không nữa. Có lẽ cô bé đang ghi nhớ những lời ấy vì cô bé hi vọng nó nắm giữ chiếc chìa khóa mở vào tương lai bấp bênh của mình.

Tôi quay lại phòng khách và chờ cùng Denny cho đến khi, cuối cùng, Eve từ hành lang có phòng ngủ và phòng tắm ló ra. Cái bà y tá những lúc nghỉ vẫn đan đến ám ảnh bằng mấy que đan kim loại làm tôi phát điên vì tiếng kin kít loẹt xoẹt đang dìu Eve. Còn Eve thì rực rỡ. Cô mặc một chiếc váy dài lộng lẫy, màu xanh thẫm và cắt cũng rất khéo. Cô đeo chuỗi hạt ngọc trai nước ngọt nhỏ xinh xắn của Nhật mà Denny đã tặng vào dịp kỉ niệm ngày cưới lần thứ năm của họ, rồi còn trang điểm, và tóc cô, đã dài đủ để cô tạo một kiểu tóc nào đó, được chải chuốt cầu kì, còn cô tươi cười. Dù cần phải được dìu bước trên sàn diễn thì cô cũng đang bước trên sàn diễn đấy thôi, và Denny hoan nghênh cô nồng nhiệt.

“Hôm nay là ngày đầu tiên con chưa chết,” Eve nói với chúng tôi. “Nên ta mở tiệc.”

Sống mỗi ngày như thể nó được đánh cắp từ tay tử thần, đó là cách tôi muốn sống. Cảm thấy niềm vui sống, như Eve đã cảm thấy. Tách ta ra khỏi gánh nặng, đớn đau, thống khổ mà tất cả chúng ta đối mặt mỗi ngày. Để nói tôi còn sống, tôi tuyệt vời, còn sống, tuyệt vời. Đó là cái gì đó để khát khao. Khi tôi làm người, đó là cách tôi sẽ sống đời mình.

Bữa tiệc vui như hội. Ai cũng vui, và những ai không vui thì cũng vờ vui với niềm tin là tất cả chúng tôi đều tin vậy. Cả Zoë cũng hoạt bát hẳn lên với khiếu hài ngày thường của mình, rõ ràng trong chốc lát đã quên cái đòi hỏi phải làm người lớn. Khi đã đến giờ chúng tôi phải về, Denny hôn Eve thật sâu.

“Anh yêu em nhiều lắm,” ông nói. “Anh ước gì em về nhà được.”

“Em muốn về nhà mà,” cô đáp. “Em sẽ về nhà.”

Cô mệt rồi, cô ngồi xuống sofa và gọi tôi lại bên cô; tôi để cô xoa xoa tai tôi. Denny đang giúp Zoë chuẩn bị đi ngủ, trong khi Cặp Sinh Đôi, một lần này thôi, đang nể nang tránh xa.

“Tao biết Denny thất vọng,” cô nói với tôi. “Tất cả họ đều thất vọng. Ai cũng muốn tao là Lance Armstrong tiếp theo. Và giá như tao thộp cổ được nó mà giơ ra trước mặt thì chắc tao có thể. Nhưng tao không giữ nó được, Enzo à. Nó lớn hơn tao. Nó ở khắp nơi.”

Chúng tôi nghe Zoë đang nghịch trong bồn tắm ở phòng khác, Denny cười với cô bé, như thể họ chẳng có gì lo nghĩ trên đời cả.

“Lẽ ra tao không được để cho mọi chuyện xảy ra thế này,” cô nói tiếc nuối. “Đáng lẽ tao phải đòi về nhà bằng được để tất cả chúng ta được cùng nhau. Đó là tại tao; tao đã có thể mạnh mẽ hơn. Nhưng Denny thường nói ta chẳng thể nào lo nghĩ về cái đã xảy ra rồi, vậy nên... Làm ơn lo cho Denny và Zoë giùm tao, Enzo ơi. Hai bố con tuyệt vời quá khi ở bên nhau.”

Cô lắc đầu để rũ bỏ những ý nghĩ buồn bã rồi cúi nhìn tôi.

“Mày thấy chưa?” cô hỏi. “Tao không sợ chuyện đó nữa đâu. Lúc trước tao đã muốn mày ở cùng tao vì muốn mày che chở cho tao, nhưng giờ tao chẳng sợ nó nữa. Vì nó không phải là kết thúc.”

Cô cười tiếng cười của Eve mà tôi nhớ.

“Nhưng mày biết điều đó mà,” cô nói. “Mày biết hết.”

Không phải biết hết đâu. Nhưng tôi biết cô đã đúng về hoàn cảnh của mình: trong khi các bác sĩ có thể giúp nhiều người thì với cô, họ chỉ có thể nói cho cô biết cái không thể làm. Và tôi biết rằng một khi họ đã định được bệnh cô rồi, một khi hết thảy những người quanh cô đã chấp nhận kết quả chẩn đoán bệnh của cô, rồi nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại với cô thì cô chẳng tài nào ngăn nó lại. Cái thấy được trở thành cái không thể tránh được. Xe ta đi theo hướng mắt ta nhìn.

Chúng tôi cáo từ, Denny và tôi. Tôi không ngủ thiếp trong xe trên đường về nhà như mọi lần. Tôi nhìn những ngọn đèn sáng rực trên Bellevue và Medina loang loáng vút qua, rất đẹp. Qua hồ bằng cầu phao và thấy ánh lấp lánh của công viên Madison và Leschi, những cao ốc dưới phố nhô ra từ sau rặng núi Baker; thành phố hiện ra trong trẻo rỡ ràng, tất cả bụi bặm và tuổi tác được màn đêm che giấu.

Nếu có bao giờ tôi chợt thấy mình đứng trước một đội hành quyết thì tôi sẽ nhìn thẳng những kẻ hành quyết mình mà không cần bịt mắt, và tôi sẽ nghĩ đến Eve. Về cái cô đã nói. Đó không phải là kết thúc.

Đêm hôm đó cô chết. Hơi thở cuối cùng mang linh hồn cô đi, tôi thấy chuyện đó trong mơ. Tôi thấy linh hồn cô lìa thể xác khi cô thở hắt ra, và thế là cô không còn những đòi hỏi, không còn lí do nữa; cô được giải phóng khỏi thân xác, và, khi được giải thoát, cô tiếp tục cuộc hành trình của mình ở đâu đó, tận cao trên trời, nơi những mảnh linh hồn ngưng tụ lại rồi rong chơi hết mọi giấc mơ và niềm vui mà những tạo vật trần gian chúng ta đây khó lòng thấu được, tất cả mọi thứ vượt quá sức hiểu của ta, nhưng ngay cả là vậy thì cũng không quá tầm với của ta nếu ta muốn với tới chúng, và tin mình thật sự có thể.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3