Nghệ thuật đua xe trong mưa - Chương 50 - 51 - 52

50

Mùa hè sinh nhật thứ mười của tôi đến và cuộc sống của chúng tôi đã có chiều hướng thăng bằng, dù không trọn vẹn. Cứ hai cuối tuần một lần chúng tôi lại được bên Zoë, độ này đã lớn cao lắm rồi, và chưa hề bỏ qua một phút giây nào không hỏi lại một giả định hay thách thức một lí thuyết hay nêu ra một cái nhìn sâu sắc làm Denny mỉm cười hãnh diện.

Dù hông tôi không lành hẳn sau vụ tai nạn, nhưng tôi đã quyết tâm không làm Denny tốn thêm đồng nào nữa, như đã làm ở cái bệnh viện thú y đêm đó. Tôi chịu đến cùng cái đau đôi khi không cho tôi ngủ trọn đêm. Tôi cố hết mình theo kịp nhịp sống; khả năng vận động của tôi bị hạn chế rất nhiều và tôi không phóng nhanh hay chạy vừa vừa được, nhưng vẫn còn có thể chạy lon ton khá tốt. Tôi cảm thấy mình đã cố gắng tận cùng rồi, vì đôi khi tôi nghe mấy người biết tình cảnh tôi nhận xét là tôi trông nghịch ngợm thế nào, hay chó nói chung mau lành, và dễ dàng thích nghi với bệnh tật của chúng ra sao.

Chuyện tiền nong vẫn là cuộc vật lộn thường trực đối với chúng tôi, vì Denny phải đưa cho Cặp Sinh Đôi Hiểm Độc một phần lương, còn Lawrence, ông luật sư bình chân như vại, luôn yêu cầu tài khoản của Denny phải được cập nhật. May thay, mấy ông chủ của Denny đã rất rộng lượng khi cho phép ông đổi lịch làm việc thường xuyên để có thể dự nhiều cuộc hẹn khác nhau, và cũng để ông có thể dạy đua xe vào một số ngày ở đường đua Pacific, là một cách dễ dàng để Denny kiếm thêm tiền trả luật sư bào chữa.

Thi thoảng, vào ngày ở trường dạy lái, Denny cho tôi theo ông đến đường đua, và tuy tôi chưa hề được phép chạy xe với ông, tôi vẫn rất thích thú ngồi trong dãy ghế mà xem ông dạy. Tôi đâm ra được mọi người biết là một con chó đua, và tôi đặc biệt thích chạy lon ton qua khu vực kĩ thuật, nhìn kiểu xe mới nhất mà những cô cậu trẻ nhà giàu tậu, tài khoản của họ chất hàng núi tiền điện tử. Từ Lotus Exige lanh lẹ đến Porsche cổ điển đến Lamborghini lòe loẹt hơn, luôn có cái gì đó hay ho mà ngắm.

Vào một ngày nóng nực cuối tháng Bảy, chúng tôi đang dạy, tôi còn nhớ, và khi tất cả họ đang ở ngoài đường đua thì tôi nhìn thấy một chiếc Ferrari F430 đỏ đẹp tuyệt chạy qua khu kĩ thuật rồi thẳng đến trụ sở của trường. Một ông già nhỏ thó xuống xe và ông chủ của trường, Don Kitch, đi lại đón ông ta. Họ ôm nhau và nói chuyện ít phút. Người đàn ông lững thững đến chỗ ngồi không có mái che để nhìn đường đua rõ hơn, rồi Don gọi qua đài cho các nhân viên ở góc dừng buổi tập và đưa học viên vào nghỉ ăn trưa.

Khi các tay đua trèo ra khỏi xe và mấy hướng dẫn viên cho họ những nhận xét bổ ích và lời khen thì Don cho gọi Denny, rồi ông đi lại, cũng như tôi, tò mò không biết chuyện gì đang xảy ra.

“Tôi cần anh giúp,” Don nói với Denny.

Rồi đột nhiên người đàn ông thấp nhỏ đi xe Ferrari có mặt cùng chúng tôi.

“Anh nhớ Luca Pantoni chứ, đúng không?” Don hỏi. “Vài năm trước chúng tôi đã đến nhà anh ăn tối.”

“Nhớ chứ,” Denny nói, bắt tay Luca.

“Vợ anh đã nấu một bữa ăn tuyệt vời,” Luca nói. “Tôi vẫn còn nhớ. Xin hãy nhận ở tôi lời chia buồn thành thật và chân tình.”

Khi nghe ông nói giọng Ý, tôi nhận ra ông ta tức thì. Người đàn ông của Ferrari.

“Cám ơn,” Denny nói khẽ.

“Luca muốn được anh dẫn đi xem đường đua của ta,” Don nói. “Anh có thể chụp vội một miếng sandwich giữa các phiên, đúng không? Anh đâu cần ăn trưa.”

“Không thành vấn đề,” Denny nói, đội mũ vào và đi tới phía ghế hành khách của chiếc ô tô tuyệt sắc.

“Anh Swift,” Luca gọi với theo. “Chắc anh có thể cho phép tôi làm hành khách để tôi được nhìn thấy nhiều hơn.”

Ngạc nhiên, Denny nhìn Don.

“Ông muốn tôi lái chiếc xe này sao?” ông hỏi. Suy cho cùng thì chiếc F430 giá gần hai trăm năm mươi ngàn đô.

“Tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn,” Luca nói.

Don gật.

“Tôi sẽ rất sẵn lòng,” Denny nói, rồi ông trèo vào buồng lái.

Đó một chiếc xe cực kì đẹp, và nó được trang bị không phải để đi ngoài phố, mà là cho đường đua, với đĩa phanh bằng sứ, ghế đua và đai an toàn liền nhau được FIA công nhận, cả một bộ khung xe, và, đúng như tôi đã ngờ, tay gạt hình mái chèo kiểu F1. Hai người đàn ông gài dây vào và Denny nhấn nút khởi động điện tử và thế là chiếc xe vọt đi.

Ôi chà, cái âm thanh đó. Tiếng rền của bộ động cơ trong mơ chồng lên cái tiếng ầm ầm khàn đục của khói thải mịt mù. Denny bật cái tay gạt hình mái chèo và họ chạy từ từ qua khu kĩ thuật đến lối vào đường đua.

Tôi theo Don vào lớp học, nơi các học viên đang cầm những miếng sandwich khổng lồ dày cộp, nhai rau ráu, vừa ăn vừa cười, buổi sáng căng thẳng trên đường đua đã truyền cả tuần niềm vui vào cuộc sống của họ.

“Nếu mấy tay đua các cậu muốn thấy cái gì đó đặc biệt,” Don nói, “thì quơ cái sandwich rồi ra ngoài ghế khán đài đi. Có phiên giờ trưa đang diễn ra đấy.”

Ferrari là chiếc duy nhất trên đường đua, vì đường đua thường đóng cửa trong giờ ăn trưa. Nhưng đây là một dịp đặc biệt.

“Có chuyện gì thế?” một trong mấy hướng dẫn viên hỏi Don.

“Denny được lái thử,” Don đáp vẻ khó hiểu.

Cả đám chúng tôi ra chỗ ghế khán đài vừa đúng lúc thấy Denny rẽ góc cua số 9 và vụt xuống đoạn đường thẳng.

“Tôi tính phải mất ba vòng đua anh ta mới học được cái tay gạt liên tục chứ,” Don nói.

Không nghi ngờ gì nữa, Denny xuất phát thong thả, như ông đã chạy cùng tôi ở Đồi Sấm. Ồ, tôi ước mình được đổi chỗ với Luca quá chừng, cái con chó may mắn ấy! Được phụ lái cho Denny trong một chiếc F430 chắc là một trải nghiệm tuyệt vời lắm.

Ông đang lái thong thả, nhưng khi ông vòng lại lần thứ ba thì có một sự thay đổi rõ rệt cho chiếc xe. Nó không còn là xe nữa, nó là một vết đỏ mờ mờ. Nó không kêu rền nữa, nó gầm rú khi phóng xuôi đoạn đường thẳng nhanh đến độ mấy học viên cười với nhau như thể ai đó vừa mới đùa tục. Denny đang làm một vòng nảy lửa.

Một phút sau, nhanh đến mức ta băn khoăn không biết ông có vừa đi đường tắt không nữa, chiếc Ferrari từ sau mấy rặng cây ở lối ra của góc cua số 7 ló ra, chạy lên dốc cho đến khi hệ thống giảm xóc của nó kéo ra hết, và rồi với một tiếng póc-póc-póc chúng tôi nghe thấy bộ li hợp điện tử nhanh chóng chuyển số từ sáu xuống ba rồi thấy cái đĩa phanh bằng sứ rực đỏ giữa nan hoa mấy bánh xe ma giê, và rồi chúng tôi nghe thấy bướm ga mở hết mức và nhìn chiếc xe đâm qua góc cua số 8 quyết định như thể nó là một bệ phóng thử hỏa tiễn, như thể nó đang trên đường ray, bộ lốp phức hợp tốc độ bằng cao su nóng rực bấu lấy vỉa hè trơn như dính bằng miếng dán Velcro, và rồi - póc! - chạy lên và - póc! - vút qua chúng tôi ở góc cua số 9 cách rào chắn bê tông không quá năm phân. Hiệu ứng Doppler của xe chạy qua biến tiếng gầm của nó thành tiếng rống giận dữ, và thế là nó phóng đi - póc! - lại chạy qua góc quanh rồi mất tăm.

“Quỷ thần ơi!” một học viên nói.

Tôi quay nhìn họ, thấy mồm họ há hốc ra. Cả thảy chúng tôi nín lặng, và chúng tôi lại nghe được âm thanh đó - póc, póc - khi Denny chuẩn bị tinh thần cho góc cua số 5A ở phía bên kia đường đua, nơi chúng tôi không nhìn thấy được nhưng hình dung được, nhờ hiệu ứng âm thanh tuyệt vời đó, và lần nữa Denny lại liệng qua trước mặt chúng tôi với vận tốc hàng triệu dặm một giờ.

“Anh ta cách lề bao nhiêu?” ai đó hỏi to.

Don mỉm cười rồi lắc đầu.

“Anh ta còn quá lề rồi ấy chứ,” ông ta nói. “Tôi chắc là Luca bảo anh ta cho mình xem anh ta có thể làm gì, và đó là cái anh ta đang làm.” Rồi ông quay qua nhóm và la lên: “MẤY CẬU ĐỪNG BAO GIỜ LÁI KIỂU ẤY! DENNY LÀ MỘT TAY ĐUA XE CHUYÊN NGHIỆP VÀ ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ XE CỦA GÃ! GÃ ĐÂU CÓ PHẢI TRẢ TIỀN NẾU CÓ LÀM HỎNG!”

Hết vòng này sang vòng khác, họ đi vòng vòng cho đến khi chúng tôi ai nấy đều chóng mặt và mệt đừ vì đứng xem. Và rồi chiếc xe chậm đi đáng kể - một vòng xả lạnh - rồi chạy vào khu vực kĩ thuật.

Cả lớp xúm lại khi Denny và Luca từ chiếc xe nóng rực ló ra. Mấy học viên xì xầm; họ sờ cửa sổ kính nóng hực che cái nhà máy điện phi thường và trầm trồ về vòng đua ngoạn mục.

“Mọi người vào lớp cả thôi!” Don quát. “Ta sẽ ôn lại các ghi chép về góc cua trong phiên buổi sáng của các cậu.”

Khi họ bỏ đi, Don nắm chặt vai Denny.

“Nó thế nào hả?”

“Tuyệt vời,” Denny nói.

“Mừng cho anh. Anh xứng đáng điều đó.”

Don quay đi dạy lớp mình; Luca đến gần chìa tay ra. Trong đó là một tấm danh thiếp.

“Tôi muốn anh làm việc cho tôi,” Luca nói với trọng âm nặng.

Tôi ngồi cạnh Denny, ông cúi xuống và gãi gãi tai tôi theo thói quen.

“Tôi cảm ơn nhiều,” Denny nói. “Nhưng tôi không tin mình có thể làm một người bán xe giỏi.”

“Tôi cũng không tin,” Luca nói.

“Nhưng ông làm ở Ferrari mà.”

“Phải. Tôi làm ở Maranello, tại trụ sở của Ferrari. Ở đó chúng tôi có một đường đua tuyệt vời.”

“Tôi hiểu rồi,” Denny nói. “Vậy ông muốn tôi làm việc... ở đâu?”

“Ở đường đua. Cũng cần, vì khách hàng của chúng tôi thường thích các hướng dẫn viên đua trong xe mới của họ.”

“Hướng dẫn?”

“Cũng thỉnh thoảng cần. Nhưng chủ yếu, anh sẽ lái thử xe.”

Mắt Denny trố ra và ông hít vào một hơi thật sâu, tôi cũng vậy. Có phải gã đàn ông này đang nói cái chúng tôi nghĩ y nói không?

“Ở Ý,” Denny nói.

“Phải. Anh sẽ được cấp một căn hộ cho anh và con gái anh. Và dĩ nhiên, cả xe của công ti - một chiếc Fiat - đó là một phần trong gói phúc lợi dành cho anh.”

“Sống ở Ý,” Denny nói. “Và lái thử Ferrari?”

“Si[18].”

[18] Phải, đúng.

Denny xoay xoay đầu. Ông quay người lại một vòng, nhìn xuống tôi, cười.

“Sao lại là tôi?” Denny hỏi. “Có cả ngàn gã có thể lái xe này mà.”

“Don Kitch bảo tôi anh là một tay đua ngoại hạng trong điều kiện thời tiết mưa gió.”

“Đúng vậy. Nhưng đó đâu thể là lí do.”

“Phải,” Luca nói. “Anh nói đúng.” Ông nhìn chằm chằm Denny, đôi mắt xanh trong của ông mỉm cười. “Nhưng tôi thích nói với anh nhiều hơn về những lí do đó khi nào anh về đầu quân cho tôi ở Maranello, và tôi có thể mời anh đến nhà dùng bữa tối.”

Denny gật đầu rồi cắn môi. Ông gõ gõ cái danh thiếp của Luca lên ngón cái.

“Tôi cảm kích lời mời hậu hĩ của ông,” ông nói. “Nhưng tôi e là một số chuyện ngăn tôi không được rời xứ này - hay dù chỉ là tiểu bang này - hiện tại. Nên tôi phải từ chối.”

“Tôi biết các rắc rối của anh,” Luca nói. “Vì vậy mà tôi ở đây.”

Denny ngước lên, ngạc nhiên.

“Tôi sẽ giữ chỗ sẵn cho anh cho đến khi tình hình được giải quyết và anh có thể quyết định mà không bị hoàn cảnh đè nặng. Số điện thoại tôi trên danh thiếp ấy.”

Luca mỉm cười và lại bắt tay Denny. Ông ta chuồi vào chiếc Ferrari.

“Tôi ước gì ông cho tôi biết tại sao,” Denny nói.

Luca giơ ngón tay lên.

“Ăn tối, tại nhà tôi. Anh sẽ hiểu.”

Ông ta lái xe đi.

Denny lắc đầu ngơ ngác khi các học viên lớp lái xe hiệu suất cao ra khỏi phòng học và tiến về xe của mình. Don xuất hiện.

“Thế nào?” ông ta hỏi.

“Tôi chẳng biết nữa,” Denny nói.

“Ông ta đã quan tâm đến sự nghiệp của anh từ lần đầu tiên gặp anh,” Don nói. “Mỗi khi chúng tôi nói chuyện ông ta đều hỏi anh ra sao.”

“Sao ông ta lại để tâm quá vậy?” Denny hỏi.

“Ông ta muốn tự mình cho anh hay mà. Tôi chỉ có thể nói là ông ta trân trọng việc anh đấu tranh giành con gái của mình.”

Denny nghĩ một lát.

“Nhưng nếu tôi không thắng thì sao?” ông hỏi.

“Chẳng có gì xấu hổ khi thua một cuộc đua,” Don nói. “Chỉ có xấu hổ khi không đua vì ta sợ thua thôi.” Ông dừng lời. “Giờ thì tới với học viên của anh đi, Châu Chấu, và hãy tỏa sáng trên đường đua! Đó mới đúng là chỗ của anh!”

51

“Mày cần ra ngoài không? Ta ra ngoài nào.”

Ông cầm dây cột tôi. Ông mặc quần jean và áo khoác mỏng vì cái se lạnh của mùa thu. Ông đỡ tôi đứng trên đôi chân không vững rồi bấm cái móc. Chúng tôi bước ra ngoài bóng tối; tôi đã đi ngủ sớm, nhưng đến lúc tôi đi tè rồi.

Tôi đang suy sút sức khỏe. Tôi không biết có phải tai nạn mùa đông năm trước đã làm lung lay cái gì đó trong hệ thống ống nước của tôi không, hay không biết chừng là do liên quan tới thuốc men mà Denny cho tôi uống, nhưng tôi đã mắc chứng tiểu tiện không nín được rất bất tiện. Dù là sau một hoạt động nhẹ nhàng đi nữa thì tôi cũng thường ngủ say và tỉnh dậy thì đã làm bẩn chỗ ngủ rồi. Thường thì chỉ là vài dòng ri rỉ, dù có lúc cũng ồ ạt hơn, và chuyện đó bao giờ cũng làm tôi ngượng khủng khiếp.

Tôi cũng rất chật vật vì cái hông. Một khi tôi đã dậy và đi lại, một khi đã khởi động các khớp và dây chằng thì tôi cảm thấy ổn và có thể cử động tốt. Tuy nhiên, mỗi khi tôi ngủ hay nằm một chỗ bất kể lâu hay mau thì các khớp sau của tôi bị đơ luôn, và tôi thấy khó mà làm nó cử động lại được, hay dù chỉ là đứng lên.

Kết quả rõ rệt của các vấn đề sức khỏe của tôi là Denny không còn để tôi chơi vơi cả ngày ông đi làm nữa. Ông bắt đầu tạt về thăm vào giờ ăn trưa để đưa tôi ra ngoài thư thả chút. Ông rất tốt bụng, và giải thích với tôi là ông làm vậy vì mình: ông cảm thấy tù túng, ông nói thế, và thất vọng nữa. Các luật sư vẫn tiếp tục nhịp độ rùa bò của họ, và Denny không làm gì để thúc họ nhanh lên được nên ông xem khúc đường ngắn từ chỗ làm đến căn hộ và quay lại như một liều thuốc bổ; nó cho ông một lượng tập luyện cho tim mạch nhất định, phải, nhưng nó cũng cho ông một mục đích; một sứ mệnh; cái gì đó để làm hơn là chờ đợi.

Tối hôm ấy - khoảng mười giờ, tôi biết, vì chương trình The Amazing Race chỉ mới xong - Denny dẫn tôi ra ngoài. Đêm thật sảng khoái, và tôi tận hưởng cái cảm giác tươi tỉnh khi tôi hít vào qua lỗ mũi. Sinh khí.

Chúng tôi đi băng qua đường Thông và tôi thấy thiên hạ hút thuốc bên ngoài Cha Cha Lounge. Tôi buộc mình làm lơ cái thôi thúc hít hít rãnh nước. Tôi không chịu gí mõm vào đít mấy con chó khác đang đi dạo. Vậy mà tôi lại tè giữa đường như súc vật vì tôi chỉ có phương án duy nhất đó thôi. Là một con chó.

Chúng tôi đi bộ xuôi đường Thông về phố, và rồi cô ta ở kia.

Cả hai chúng tôi đều dừng lại. Chúng tôi nín thở. Hai thiếu nữ ngồi bên một bàn ngoài trời ở Bauhaus Books and Coffee, và một trong hai đó là Annika.

Con đàn bà cám dỗ! Kẻ quyến rũ! Con mụ lăng loàn!

Thật khủng khiếp cho chúng tôi khi phải thấy đứa con gái kinh khủng này. Tôi muốn chồm tới ngoạm lấy mũi ả mà day dựt quá! Tôi căm đứa con gái trẻ tấn công Denny bằng tính dâm dục buông thả của ả rồi đổ tội là ông tấn công. Tôi coi thường ả biết chừng nào, kẻ đã làm tan nát gia đình này vì kế hoạch riêng của ả. Một con đàn bà bị khinh miệt, quả vậy! Kate Hepburn có lẽ vừa cười vừa nện cho ả một quả. Cơn giận của tôi mới bừng bừng làm sao.

Ở Bauhaus, cô ả ngồi ở bàn ngoài trời cùng một đứa con gái khác. Trong cái quán cà phê tân thời và tuyệt vời này trong khu lân cận của chúng tôi, ả ngồi uống cà phê và hút thuốc! Giờ thì ít nhất ả cũng đã mười bảy rồi, có thể mười tám, và được hợp pháp sinh hoạt trong xã hội theo mong muốn. Đúng ra mà nói thì ả có thể ngồi bất kì quán cà phê nào trong bất cứ thành phố nào và mặc xác cái xấu xa của ả. Tôi đâu có ngăn ả được. Nhưng tôi không phải giáp mặt với ả - kẻ vu vạ non nớt, cội nguồn của những vết thương!

Tôi tưởng chúng tôi sẽ băng qua đường để tránh đụng mặt, nhưng thay vì vậy chúng tôi lại đi thẳng về phía ả. Tôi chẳng hiểu. Có lẽ Denny chưa nhìn thấy ả. Có lẽ ông không biết?

Nhưng tôi biết, và vậy nên tôi cưỡng lại. Tôi ì ra, tôi cắm đầu xuống.

“Đi nào, anh bạn,” Denny ra lệnh cho tôi. Ông giật dây tôi.

Tôi không chịu đi.

“Đi với tao nào!” ông gắt.

Không! Tôi sẽ không đi với ông đâu!

Thế rồi ông cúi xuống. Ông quỳ xuống và nâng mõm tôi lên nhìn vào mắt tôi.

“Tao cũng thấy ả,” ông nói. “Ta sẽ giải quyết chuyện này một cách đàng hoàng nào.”

Ông buông mõm tôi ra.

“Chuyện này có thể có lợi cho ta, Zoë à. Tao muốn mày đi lại cô ả và yêu thương cô ả hơn bất kì ai mày từng yêu.”

Tôi không hiểu chiến lược của ông, nhưng vẫn bằng lòng. Nói cho cùng thì ông đang nắm sợi dây mà.

Khi chúng tôi tới gần bàn cô ả, Denny dừng lại và làm bộ ngạc nhiên.

“Ồ, chào!” ông nói niềm nở.

Annika nhìn lên, giả vờ ngạc nhiên, rõ ràng là đã thấy chúng tôi rồi nhưng mong là sẽ không phải tiếp xúc gì.

“Denny. Rất vui được gặp anh!”

Tôi cũng đóng kịch. Tôi chào ả niềm nở, tôi sục mõm vào ả, tôi huých mũi vào chân ả, tôi ngồi xuống và nhìn ả hết sức chờ đợi, là cái gì đó mà mọi người vẫn thấy là rất hấp dẫn. Nhưng trong bụng, tôi sôi sục lên. Cái mặt tô trát của ả. Tóc ả. Cái áo len dài tay chật căng của ả và bộ ngực phập phồng. Khiếp.

“Enzo!” ả nói.

“Này,” Denny nói, “ta nói chuyện một lát được không?”

Bạn của Annika dợm đứng lên.

“Để tôi đi kêu thêm cà phê,” cô gái nói.

“Đừng,” Denny xua tay ngăn cô ta lại. “Vui lòng ngồi lại đi.”

Cô ta chần chừ.

“Quan trọng là cô làm chứng cho là không có sự khiếm nhã ở đây,” Denny giải thích. “Nếu cô đi thì tôi sẽ phải đi.”

Cô gái nhìn Annika dò hỏi, ả gật đầu đồng ý.

“Annika,” Denny nói.

“Denny.”

Ông kéo một cái ghế trống ở bàn bên kia lại. Ông ngồi xuống cạnh cô ả.

“Tôi rất hiểu chuyện đang xảy ra,” ông nói.

Điều này thật kì lạ, vì tôi nhất định là không hiểu rồi. Tôi chẳng hiểu tẹo nào. Cô ta đã tấn công ông. Rồi cô ta tố cáo ông tấn công cô ta và vì vậy mà chúng tôi chỉ được gặp Zoë có vài ngày trong tuần. Sao chúng tôi lại đang nói chuyện với cô ta chứ không phải là xiên cô ta lên mà nướng là điều tôi không hiểu được.

“Có thể tôi đã phát tín hiệu cho cô,” ông nói. “Đó hoàn toàn là lỗi của tôi. Nhưng đèn xanh bật không thôi thì không có nghĩa là cô không cần nhìn cả hai phía rồi mới bước xuống lòng đường.”

Annika cau mặt cau mày bối rối và nhìn qua cô bạn.

“Một ẩn dụ mà,” bạn cô ả nói.

Ha! Một ẩn dụ, cô ta nói kìa! Tuyệt kinh! Người này biết giải mã tiếng Anh đấy! Chúng tôi sẽ để dành cô ta cho chầu nướng ngày mai!

“Lẽ ra tôi đã phải xử lí tình huống khác hẳn,” Denny nói. “Tôi chưa kịp nói điều này với cô vì chúng ta đã không gặp nhau nữa, nhưng tôi đã phạm mọi sai lầm. Tất cả đều là lỗi ở tôi; cô đã chẳng làm gì sai cả. Cô là một phụ nữ hấp dẫn, và tôi hiểu việc mình nhận xét về sự hấp dẫn đó - ngay cả với bản thân - cũng có thể đã ra hiệu với cô là tôi sẵn sàng. Nhưng, cô biết đấy, tôi không sẵn sàng. Tôi đã cưới Eve. Còn cô thì còn quá trẻ.”

Annika cúi gằm khi nghe nhắc đến Eve.

“Có lẽ đã có giây phút tôi còn nghĩ về cô như là Eve,” Denny nói. “Và có thể tôi đã nhìn cô như tôi thường nhìn Eve. Nhưng, Annika, dù tôi hiểu cô chắc đã giận dữ thế nào nhưng tôi không biết cô có hiểu chuyện gì đang xảy ra không, hậu quả thế nào. Họ không để tôi được có đứa con gái của mình. Cô có nhận ra điều đó không?”

Annika ngước nhìn ông và nhún vai.

“Họ muốn tôi bị ghi trong hồ sơ là một tội phạm tình dục, và điều đó có nghĩa là tôi sẽ luôn phải khai báo với cảnh sát, dù tôi có sống ở đâu. Và tôi sẽ không bao giờ còn được gặp con gái tôi mà không có sự giám sát. Họ có nói với cô chuyện đó không?”

“Họ nói...” ả ta nói khẽ, nhưng không dứt câu.

“Annika, khi tôi gặp Eve lần đầu tiên, tôi không thở được. Tôi không bước được. Tôi cảm thấy như thể nếu cô ấy biến khỏi tầm mắt mình một lát thôi thì có lẽ tôi sẽ tỉnh giấc mơ và thấy cô ấy đã đi rồi. Cả vũ trụ của tôi quay quanh cô ấy.”

Ông dừng lời, và trong một lát chẳng ai trong chúng tôi nói gì. Một đám người từ nhà hàng bên kia đường đi ra và tạm biệt nhau rồi cười nói ồn ào, hôn nhau và ôm nhau rồi mới ai đi đường nấy.

“Giữa cô và tôi không bao giờ có thể có chuyện gì được. Có hàng triệu lí do. Con gái tôi, tuổi tôi, tuổi cô, Eve. Một lúc nào khác, một nơi khác? Biết đâu. Nhưng không phải lúc này. Không phải ba năm trước. Cô là một phụ nữ tuyệt vời, và tôi biết là cô sẽ tìm thấy đúng người của mình và cô sẽ rất hạnh phúc đến hết đời.”

Cô ả ngước lên nhìn ông, mắt mở lớn.

“Tôi rất tiếc đó không thể là tôi, Annika,” ông nói. “Nhưng một ngày nào đó cô sẽ tìm thấy ai đó dừng thế giới lại cho cô như Eve đã dừng thế giới lại cho tôi. Tôi cam đoan với cô như thế.”

Cô ả nhìn hun hút vào li cà phê sữa của mình.

“Zoë là con gái tôi,” ông nói. “Tôi thương yêu nó như bố cô thương yêu cô. Annika, hãy làm ơn, đừng tước mất cô bé của tôi.”

Annika không nhìn lên khỏi tách cà phê của mình, nhưng tôi liếc nhìn cô bạn của cô ả. Nước mắt ngấn hai hàng mi dưới.

Chúng tôi im lặng một lát, và rồi chúng tôi quay lưng bỏ đi thật nhanh, và dáng đi của Denny hồ như nhẹ nhàng hơn sau nhiều năm rồi.

“Tao nghĩ cô ta đã nghe thấy tao,” ông nói.

Tôi cũng nghĩ vậy nữa, nhưng sao tôi đáp lại được chứ? Tôi sủa hai cái.

Ông nhìn tôi cười.

“Nhanh hơn hả?” ông hỏi.

Tôi lại sủa hai tiếng.

“Thế thì nhanh hơn,” ông nói. “Đi nào!” Và chúng tôi chạy lon ton suốt quãng đường còn lại về nhà.

52

Tôi thấy hai người lạ hoắc đứng ở cửa. Họ già và gầy gò. Họ ăn mặc xơ xác. Họ xách va li vải cũ cộm lên vụng về. Họ toát mùi băng phiến và cà phê.

Denny ôm choàng người đàn bà rồi hôn lên má bà. Một tay ông xách cái túi của bà lên còn tay kia bắt tay người đàn ông. Họ lề rề bước vào căn hộ và Denny cởi áo khoác cho họ.

“Phòng bố mẹ trong này,” ông nói với họ, đem túi xách của họ vào phòng ngủ. “Con sẽ ngủ ngoài sofa.”

Chẳng ai trong họ nói tiếng nào. Ông lão hói chỉ còn một dải tóc đen lơ thơ từng sợi. Xương đầu ông dài và hẹp. Mắt ông trũng sâu cũng như hai má; mặt ông lởm chởm râu bạc trông não lòng. Người đàn bà tóc bạc lơ thơ và lộ gần hết da đầu. Bà đeo kính râm, ngay cả bên trong căn hộ, và bà ta thường đứng im không nhúc nhích chờ cho người đàn ông đến bên cạnh rồi mới bước.

Bà ta thì thầm vào tai người đàn ông.

“Mẹ con cần dùng phòng tắm,” người đàn ông nói.

“Để con dẫn mẹ đi,” Denny nói. Ông đứng cạnh người đàn bà rồi chìa cánh tay ra.

“Để bố chỉ cho mẹ,” người đàn ông nói.

Người đàn bà vịn cánh tay người đàn ông, rồi ông dắt bà tới hành lang có phòng tắm.

“Công tắc đèn khuất sau cái khăn mặt ấy,” Denny nói.

“Bà ấy đâu có cần công tắc đèn,” người đàn ông nói.

Khi họ vào phòng tắm, Denny quay đi rồi chà chà hai bàn tay vào mặt.

“Thật mừng được gặp bố mẹ,” ông nói vào trong hai tay. “Đã lâu lắm rồi.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3